Tiểu Dẫn Thư Gửi Tín Hữu Co-lo-xê
Ðức
Ki-tô Tất
Cả Trong Tất Cả Mọi Loài
Nội dung Thư
Khuôn khổ (duy có bốn chương) và ngay quảng diễn thần học của Thư Co-lo-xê cũng đều vắn tắt. Theo cổ truyền, Thư này vào sổ các Thư "viết khi bị tù".
Theo thói lệ, Thư bắt đầu bằng nghi lễ mở thư (1,1-20): đó là lời chào thăm và tạ ơn vì Tin Mừng tiến bộ (3,8), rồi cầu xin cho tín đồ (9-12), tiếp theo đó là bài ca tụng Ðức Ki-tô là Ðầu vũ trụ và dạo cung cho cả lá Thư (13-20). Mấy c. 21-23 kêu gọi các người nhận Thư, rồi từ lời kêu gọi chuyển sang gợi nhớ sứ vụ tông đồ có sứ mạng thể hiện điều đã tán dương trong bài ca tụng: T. Phao-lô phải làm cho lời và các đau khổ Ðức Ki-tô nên hoàn tất, hầu bày tỏ vinh quang Thiên Chúa giữa chư dân (1,24-2,5).
Từ 2,6 đến 3,4 là lời dặn coi chừng, tức là lý do khiến T. Phao-lô gởi Thư này. Ngài báo động cho Giáo đoàn thấy nguy cơ do những giáo lý của mấy giáo sư "lạc đạo" vừa mới đến Co-lo-xê và các điều họ chủ trương là phải tuân hành. Ở trung tâm phần bút chiến này lại nổi lên bài ca tụng cuộc toàn thắng mà các tín đồ nhờ phép thanh tẩy đã được tham dự vào (2,6-15) và là nền tảng cho sự tự do ki-tô hữu đứng trước mọi cố gắng nô lệ hóa (2,16-3,4).
Rồi lời khuyên xoay ra tổng quát hơn (3,5-4,6) và lại căn cứ vào phép thanh tẩy. Tín đồ đã cởi lột con người cũ và mặc lấy con người mới. Ðời sống Con Người Mới này thể hiện trong cộng đồng ki-tô hữu bằng cách ăn nết ở và bằng việc phụng thờ (3,5-17).
Sau đó là lời nhắn nhủ liên quan tới những mối giao tiếp với tha nhân. Ðây là mấy bức tranh cổ truyền bàn về cuộc sống gia đình và xã hội. Cuộc sống ấy nay tháp nhập vào "trong Chúa" và nhờ đấy mà thêm ý nghĩa mới (3,18-4,1). Kết Thư là lời kêu gọi tỉnh thức và cầu nguyện (4,2-4), chỉ dẫn về cách giao thiệp với người ngoài ki-tô giáo (4,5-6) và một chuỗi dài các lời chào thăm và lời dặn cá nhân (4,7-14), rồi chấm dứt bằng lời chào sau hết của T. Tông đồ (4,18).
Cuộc khủng hoảng Co-lo-xê
1. Các sự kiện trong Thư. T. Phao-lô tù nhân (4,3.10.18), gởi Thư này cho ki-tô hữu Co-lo-xê (1,2). Ngài chưa đến nơi ấy bao giờ (1,4; 2,1). Co-lo-xê thuộc xứ Phy-gia (Tiểu Á), cách Ê-phê-sô 200 cây số ngàn về phía đông. Trong khi T. Phao-lô lưu trú lâu dài tại Ê-phê-sô (Cv 19), môn đệ ngài là Ê-pa-pha, gốc thành Co-lo-xê (4,12), đã thiết lập cộng đoàn Co-lo-xê (1,7) đồng thời với hai cộng đoàn Hia-ra-po-li và Lao-đi-kê (4,13), là hai thành lân cận, cùng ở trong thung lũng Ly-cút. Lao-đi-kê vào số "Bảy giáo đoàn" Tiểu Á có nhắc đến trong sách Khải huyền (1,11; 3,14) và người ta tưởng thành ấy đã có thể là người nhận "Thư Ê-phê-sô" (Co 4,16; x. Tiểu dẫn vào Ep). Theo lời lẽ trong Thư, thì T. Phao-lô được ông Ê-pa-pha đến thăm trong tù và báo tin cho biết tình hình khủng hoảng Giáo đoàn Co-lo-xê (4,7), liền sai ông Ty-kích có lẽ mang theo lá Thư này (4,7-8; x. Ep 6,21) và ông O-nê-sim (4,9). Họ sẽ thông ngôn thay ngài trong cơn thử thách, các Giáo đoàn không phải do ngài sáng lập đây đang phải chịu và chính ngài không thể trực tiếp can thiệp, vì đang bị cầm tù.
2. Cuộc đấu tranh thần học và tâm linh. T. Phao-lô đã gặp nhiều nỗi khó khăn. Nhưng khác với điều đã xảy ra tại Co-rin-tô hay là Ga-lát, hình như ở đây vấn đề cá nhân (đua tranh hay chống đối việc tông đồ của T. Phao-lô) không đóng vai trò quyết định. Dù đã có nhiều bài nghiên cứu, nhưng chúng ta vẫn chưa biết rõ nội dung các tư tưởng tuyên truyền tại Co-lo-xê. Tài liệu có được là do Thư này cung cấp. Nhưng các lời lẽ trong Thư thường lại ám chỉ mà thôi và mấy danh từ chuyên môn đối với ta vẫn còn tối nghĩa. Ðôi khi ta rất khó phân biệt chỉ dẫn nào đó cần phải gán cho các giáo sư mới mẻ kia hay nó diễn tả phán đoán của T. Tông đồ (v.d. 2,18.21.23). Khuynh hướng căn bản của trào lưu này là tìm một thứ vượt quá Tin Mừng do các T. Tông đồ rao giảng. Những suy tư về thế giới các thiên thần, nhưng thực hành tu thân khắc khổ và việc tuân giữ các điều luật Môi-sen là những cái cần phải bổ túc cho niềm tin vào Ðức Ki-tô và sẽ thông ban cho tín đồ sự hiểu biết cao siêu về các huyền nhiệm cùng giúp họ sống tông giáo cho thích hợp hơn với các tín điều mình khát vọng. Ta lại gặp ở đây ít nhiều nét trong thứ "tin mừng do-thái hóa", mà T. Phao-lô đã tấn công trong Thư Ga-lát. Nhưng đó là một thứ tin mừng do-thái hóa đã biến chuyển rồi và in nhiều dấu vết bí truyền hơn. Ta nhận ra ở đây những khuynh hướng sẽ đưa tới các hệ thống suy tư về thuyết ngộ đạo trong thế kỷ thứ 2. Một ngữ vựng mới nảy ra, mà ta còn gặp lại dấu vết nơi những sách viết sau trong Tân Ước và ở ngoài Tân Ước nữa.
Các đặc tính Thư
Vì in vết cuộc chạm trán này, nên Thư Co-lo-xê chắc chắn là độc đáo hơn các Thư trước của T. Phao-lô.
a) Ta thấy thể văn đã đổi thay, mà Thư Ê-phê-sô còn tăng cường thêm nữa.Ðó là những danh từ đồng nghĩa chồng chất lên nhau, các bổ ngữ theo nhau dồn dập, những lời quảng diễn phụng tự (1,3; 8,9-20), những câu đôi khi tối nghĩa hoặc không xuôi (2,18-19. 20-23), nhiều câu xen kẽ, nhiều kiểu nói phần từ hay là dùng quan hệ đại danh từ...
b) Về ngữ vựng, cũng thấy chuyển hóa. Những danh từ T. Phao-lô đã dùng, nay lại kết tinh tư tưởng một cách chưa từng thấy. Ðó là những danh từ đầu, thân thể, quyền bính và năng quyền, những nguyên tố thế gian, huyền nhiệm, chế độ, viên mãn; khôn ngoan, phong phú, hiểu biết, v.v. (có thể ghi nhận ảnh hưởng mạnh mẽ các sách khôn ngoan). Danh từ thánh hữu nổi bật hơn dùng để gọi ki-tô hữu.
c) Chính tư tưởng cũng biến thiên, đôi khi gần như không còn thấy, nhưng loan báo những viễn ảnh mới. Ta sẽ ghi nhận nhất là những nét nhấn mạnh và thay đổi sau đây:
- việc tôn vinh Ðức Ki-tô, mở rộng tới toàn thể vũ trụ bao la: ca tụng Ðức Ki-tô là Ðầu của vũ trụ và của các quyền năng và là Ðầu Giáo Hội;
- quan niệm về Giáo Hội đổi thay: ý tưởng thân thể nơi 1C 12 đã diễn tả sự nhất trí giữa các phần khác nhau trong lòng Cộng đồng, nay cũng mở rộng tới kích thước toàn thể vũ trụ; Giáo Hội (Thân thể) phân biệt với Ðức Ki-tô (Ðầu) cách rõ ràng hơn ở 1C;
- các phạm trù không gian (trên cao dưới thấp) lấn át hơn các phạm trù thời gian và cánh chung. Ðặt Vương quốc bên trên chúng ta như một thực tại trổi vượt trên ta (1,13; 3,1-4) hơn là ở trước mặt ta như là một thực tại đang đến (x. Mc 1,15).
- Thần học về phép thanh tẩy do đó cũng đổi thay khá nhiều. Ở Rm 6,T. Phao-lô đã diễn tả sự ta kết hiệp với cái chết của Ðức Ki-tô ở thì quá khứ và sự ta thông phần vào việc sống lại của Ðức Ki-tô ở thì tương lai. Còn Thư Co-lo-xê thì quả quyết rằng người thụ tẩy đã chết và đã sống lại với Ðức Ki-tô rồi (x. 2,12; 3,1).
- Ý niệm viên mãn, các đề tài khôn ngoan và soi sáng thay thế cho các ý niệm pháp lý là cái trước đây T. Phao-lô đã cho liên hợp với tác động của Thánh Linh. Tin Mừng hướng tới chỗ trở nên "Huyền nhiệm".
Mọi nét ấy sẽ tái hiện trong Thư Ê-phê-sô: những tương đồng về thể văn và tư tưởng giữa hai Thư làm thành một vấn đề đặc biệt (x. Tiểu dẫn vào Ep).
Tính chính tông
Những yếu tố chính cần lưu ý tới là những điểm sau đây:
1. Các tiêu chuẩn văn chương và thần học, chúng tôi vừa tóm tắt trên đây. Tùy theo tầm quan trọng ta gán cho chúng và tùy theo ta nhấn mạnh nhiều hơn vào những nét tương đồng hay dị biệt đối với những Thư kia, ta sẽ coi Thư là tác phẩm của T. Tông đồ đã đạt tới cuối đời ngài, hoặc như tác phẩm của một thơ ký hay một môn đồ trực tiếp của ngài, hay là như tác phẩm về sau của nhóm mà một ít người đã gọi là "trường phái T. Phao-lô".
2. Các sự kiện giúp ta xác định mối tương quan giữa Thư Co-lo-xê và các Thư kia. Các mối tương quan thật là phiền phức, vì Thư Co-lo-xê có họ hàng với những Thư thuộc ngày tháng khác nhau. Ví dụ như đề tài "nguyên tố thế gian" và mấy kiểu nói làm cho Thư Co-lo-xê gần với Thư Ga-lát (x. Ga 4,1-11 và Co 2,6-23). Ðàng khác, Thư Co-lo-xê cùng với Thư Phi-lê-môn và Thư Ê-phê-sô làm thành một nhóm mà đặc điểm là có cùng một tình hình như nhau: T. Phao-lô đang bị tù (Plm 9.10.13.23; Ep 3,1; 4,1; 6,20), ủy cho ông Ti-kích và O-nê-sim một sứ mạng tương tự (Plm 12; Ep 6,21-22). Thư Co-lo-xê lại không phải là chẳng liên hệ gì với Thư Phi-líp, là một bức Thư khác viết khi bị tù. Nhưng các yếu tố này không phải là quyết định và ta có thể xét tới việc các Thư vay mượn lẫn nhau.
3. Bản chất xác định của cơn khủng hoảng Co-lo-xê. Nhưng ở đây nữa, thật khó đưa ra một ngày tháng chắc chắn. Tính hồ đồ của mấy câu ám chỉ về những giáo lý và những thực hành, thời gian các hiện tượng ô nhiễm giữa niềm tin ki-tô giáo và các trào lưu tiền ngộ đạo không cho phép ta nói chắc cuộc xung đột đã xuất hiện vào đúng lúc nào.
Bằng vào toàn thể các sự kiện trên đây, người ta đã nêu ba mẫu giải quyết sau đây:
a) Ý kiến thông thường đặt Thư Co-lo-xê với Thư Phi-lê-môn và Thư Ê-phê-sô cũng như Thư Phi-líp vào phần cuối sứ vụ T. Phao-lô, tức vào thời gian ngài bị tù lần thứ nhất tại Rô-ma (từ năm 61 đến 63). Thư Co-lo-xê là bản phác họa về tổng hợp thần khoa của ngài và Thư Ê-phê-sô sẽ khai triển thêm cho đúng mức: tư tưởng T. Tông đồ vươn cao hơn và nhìn xa hơn, để tỏ ra ý nghĩa bao la phổ thế của Thánh giá và của việc Tôn vinh Ðức Ki-tô, để bày tỏ ra những liên quan tột cùng của Huyền nhiệm cứu thoát ở trong Giáo Hội. Ðó là lý do giải thích vì sao tổng hợp mới này của giáo lý T. Phao-lô đã thay thể văn và viễn ảnh. Giả thuyết biên soạn Thư Co-lo-xê trong khi bị tù tại Xê-sa-rê (từ năm 58 đến 60) cũng ở vào khung cảnh lịch sử tương tự như thế. Ðàng khác cuộc khủng hoảng Ga-lát lại tỏ cho ta thấy việc chuyển hóa tư tưởng đã có thể thực hiện khá sớm kia.
b) Trong số các người chủ trương chính T. Phao-lô đã viết Thư này, nhiều người đặt Thư Co-lo-xê cùng với Thư Phi-lê-môn và Thư Phi-líp, không phải vào cuối, nhưng vào chính trung tâm hoạt động truyền giáo và thư tín của T. Phao-lô, giữa các Thư viết vào kỳ lưu trú lâu dài tại Ê-phê-sô (từ năm 54 đến 57), vì trong thời kỳ ấy, ta có thể giả thiết là ngài đã có bị tù (về các nỗi khó khăn của T. Phao-lô ở thành này, x. 1C 15,32; 2C 8-10). Như thế thì giải thích được những mối liên lạc gần gũi và liên lỉ giữa T. Tông đồ với các Giáo đoàn miền ấy, nhưng lại không tôn trọng khoảng thời gian cần thiết để soạn Thư Co-lo-xê và bó buộc phải lùi Thư Ê-phê-sô lại, vì trong trường hợp này thường coi là Thư Ê-phê-sô không phải do T. Phao-lô viết.
c) Ở đầu mút kia, có những người chủ trương là tình hình Giáo Hội, nội dung và hình thức lá Thư đòi ta phải coi Thư Co-lo-xê là một bản văn đại diện cho thế hệ sau các T. Tông đồ. Những lo lắng về cánh chung đã mờ dần và đứng trước những tấn công đầu tiên của thuyết ngộ đạo, Giáo Hội nại tới quyền bính các T. Tông đồ, bằng cách hợp thức hóa sứ vụ và lời giảng ông Ê-pa-pha nhân danh T. Phao-lô. Ðồng thời lá Thư sẽ tỏ cho ta tầm thức cao trọng của ông đối với ki-tô hữu vào thời cuối thế kỷ thứ nhất (x. 2P 3,15-16).
Giá trị Thư
Tuy ý kiến có thể khác nhau về ngày tháng và tác giả lá Thư, nhưng lại gặp nhau để nhìn nhận là Thư Co-lo-xê căn bản nối tiếp sứ điệp T. Phao-lô đã trình bày trong những hoàn cảnh khác: chúng ta được đầy tràn viên mãn trong Ðức Ki-tô. Ngài là tất cả cho chúng ta được nên công chính (Ga-lát và Rô-ma), là tất cả chó số mệnh chúng ta, cho cái chết và sự sống chúng ta (Co-lo-xê). Coi chừng, chớ quay về với những chi tiết Lề Luật Môi-sen, vì như thế là trở lại với đích nô lệ khi trước (Ga)! Ý tứ, đừng có thờ phụng quyền năng nào ở bên cạnh, bên trên hay bên dưới quyền tối thượng của Ðức Ki-tô: vì như thế là quay về làm nô lệ (Co)! Cùng một bài ca tụng sự tự do của ki-tô hữu được xướng lên. Cùng bắt buộc phải nại đến phép thánh tẩy như là biến cố không thể phản hồi, đã rứt chúng ta khỏi mọi hình thức công chính (Ga, Rm) và khỏi mọi quyền hành khác với quyền hành của Ðức Ki-tô (Co). Và xem ra từ ngôn ngữ trước kia in dấu vết thời gian và sự trông chờ Chúa đến, nay đã chuyển sang ngôn ngữ bị chi phối bởi không gian và việc tôn vinh Ðức Ki-tô là Ðầu vũ trụ, nhưng trước sau cũng đều có ý công bố cùng một điều: đó là Ðức Ki-tô đã chết và đã phục sinh dứt khoát hẳn một lần; và cũng dứt khoát hẳn một lần chúng ta đã được kết hiệp với Ðức Ki-tô. Ðời sống chúng ta đã liên kết với đời sống của Người, nên được đóng đồn một cách oanh liệt ngay tận "chốn thiên cung", nơi các quyền năng có thể đe dọa ơn giải phóng chúng ta. Không phải nói thế để xui giục chúng ta thoát ly, trốn lánh trách nhiệm, nhưng chính là để dẫn chúng ta vào cuộc sống chính tông trung thực, như phần cuối Thư chứng minh điều ấy.
Thoạt nhìn, không có chi xa với chúng ta cho bằng mấy lời ám chỉ về quyền năng ở thiên giới, là các thiên thần và năng lực điều khiển sự xoay vần các tinh tú và các diễn tiến của số kiếp người trần. Không có chi kỳ cục cho bằng những truyền dạy về đồ ăn thức uống hay những thực hành lễ nghi mà ki-tô hữu Co-lo-xê đã bị cám dỗ tuân theo. Nhưng nếu ta biết lắng nghe phần nào những câu hỏi đó và hiểu cho thâm sâu lời giải đáp của T. Tông đồ, ta mới hiểu được ảnh hưởng của lá Thư này. Các quyền năng hiện giờ đã thay hình đổi tên, những cách ta cố gắng để lấy lòng hay để thoát ly những quyền năng ấy, không còn y hệt như xưa nữa, thế nhưng người Co-lo-xê là anh em với chúng ta. Con người thuộc thế kỷ 20, cả con người ki-tô hữu, hiện nay cảm thấy nỗi khó khăn tương tự. Ðấy là khó tự biết mình có trách nhiệm. Họ cảm thấy mình như cái trò chơi bị chi phối do các năng lực đang lôi kéo địa cầu theo đà tiến hóa không thể phản hồi. Ơn cứu độ không còn thể do nguyên cá nhân tuân hành một lề luật hay một luân lý mà người ta thường từ khước, nhưng ở tại việc thoát ly khỏi con trăn tha hóa tối nguy đang siết chặt lấy chúng ta hiện giờ! Cả đối với chúng ta cũng đặt vấn đề quyết định về mối tương quan giữa Ðức Ki-tô và vũ trụ: có thể có liên lạc giữa các điều ta thoáng nhìn thấy về vũ trụ và Tin Mừng đã được rao giảng và đón nhận hay chăng?