Các
Ngụy Thư Tân Ước
Các sách được coi là qui điển, đã thành những bản văn thánh và ngay từ ngày người ta chấp nhận, đã hưởng thụ một thứ đặc miễn, khiến cho được bảo toàn trong tình trạng tốt mãi cho tới thời phát triển nghề in. Còn những sách không đi vào qui điển, thì không được như thế. Tuy một vài cuốn trong số đó (sách Ðađikê hoặc thư Thánh Banabê) được mọi người quí trọng, và nhờ đó được bảo toàn hẳn hoi, mặc dầu bị loại ra ngoài qui điển, nhưng mấy cuốn khác thì trái lại, vì không được yêu chuộng bằng, nên đã bị gạt ra ngoài vòng xử dụng của Giáo Hội cách tàn nhẫn hơn, và do đó rất dễ bị thương tổn. Ðó là lý do giải thích vì sao phần lớn những sách ấy chỉ còn lưu lại dấu vết mà thôi.
Người ta đã dành tiếng ngụy thư tức là sách thiếu chính nghĩa, cho một số sách, tuy giống phần nào với các văn thư qui điển trong Tân Ước, nhưng bị coi là bao hàm những ý tưởng ngoại lai đối với tư tưởng chính đàng hoàng của Giáo Hội, và xét chung thì chỉ dành riêng cho môi trường "phe đảng" nào, và chỉ một mình họ mới có thể dùng, hầu đạt tới sự hiểu biết thật gọi là "ngộ đạo" mà thôi. Về sau người ta kể là ngụy thư các sách Giáo Hội từ chối, không căn cứ giáo lý và đức tin của mình vào đó, và vì vậy không ban phép đọc công khai trong giờ phụng tự ngày Chúa Nhật. Các sách này, cả khi được khuyên giáo hữu đọc riêng vì đặc tính xây dựng của nó, nhưng trong giờ phụng tự công khai thì không được dùng. Ðó là ý nghĩa thông thường người ta sẽ hiểu về ngụy thư, trước khi tiếng này sẽ dùng, vào lúc kết thúc qui điển, để gọi các sách được gán ngụy tạo cho các Tông Ðồ. Từ ngày đó, tiếng ngụy thư hàm ý rõ ràng là xấu. Các ngụy thư bị coi là truyền bá sự sai lầm.
Dù giá trị văn chương của nó thế nào đi nữa, các ngụy thư Tân Ước vẫn là sách tuyệt vời quí báu, giúp nghiên cứu đà tiến hóa các tư tưởng tôn giáo trong thế kỷ thứ 2 và thứ 3.
Có thể phân biệt rất thô sơ trong phạm vi các ngụy thư bốn loại sách, tương ứng với các loại văn thư qui điển. Nghĩa là có những Phúc Âm, những Công Vụ Tông Ðồ, những Thư và Khải Huyền ngụy tạo. ở đây, chỉ nhắc đến ít nhiều cuốn trong số ấy mà thôi.
Mấy Phúc Âm Nadarét, Hi Bá và Ai Cập, thì ta chỉ biết những câu trích dẫn của các Giáo Phụ Giáo Hội mà thôi. Theo như ta có thể nhận xét, đó là mấy cuốn có họ khá gần với những Phúc Âm qui điển. Phúc Âm Thánh Phêrô, mà ta mới tìm thấy một khúc vào cuối thế kỷ vừa rồi, đã bao hàm những dấu vết của thuyết "ngộ đạo" sẽ xuất hiện hoàn toàn đầy đủ trong những sách ta biết rõ hơn, từ ngày gần đây mới tìm thấy, vẫn ở bên Ai Cập, những sách như Phúc Âm Chân Lý, Phúc Âm Thánh Philíp và Tôma, cuốn chót này có nhiều điểm chung với mấy Phúc Âm Nhất Lãm. Tuy nhiên, các sách này rõ rệt là khác với những Phúc Âm qui điển, vì thực tế nó không bao hàm nguyên tố kể truyện nào. Cuốn sách tên là Tiền Phúc Âm Thánh Giacôbê có một tường thuật quảng diễn về những tin mừng liên quan tới Chúa Hài Nhi, lưu ý đặc biệt về tiểu sử Ðức Maria và các biến cố chung quanh việc Giáng Sinh của Ðức Giêsu.
Những công vụ ngụy thư, xét chung, là những tác phẩm xây dựng cho người bình dân, cảm ứng theo sách Công Vụ qui điển một cách xa xa vậy. Mấy sách ấy ưa quảng diễn cách riêng những yếu tố lạ lùng, trong đời sống các Tông Ðồ mà tác giả muốn tôn vinh. Dù sao, đó cũng là cảm tưởng, sau khi đọc Công Vụ Thánh Gioan, Thánh Phaolô, Thánh Anrê.
Ðừng kể trường hợp Thư các Tông Ðồ, viết vào khoảng năm 150, và thuộc loại khải huyền, thì không có chi đáng nói về các Thư ngụy tạo. Những tác phẩm này thực không thể sánh được với những Thư qui điển: chúng không giống những bức thư cho bằng những khảo luận vắn về thần học, và chỉ có giá trị tầm thường.
Còn những khải huyền ngụy thư, thì ngoài sách Chủ Chăn của ông Hécmát, có thể nói tới khải huyền Thánh Phêrô (một lý thuyết về đời sau, thiên đàng và hỏa ngục) và khải huyền Thánh Phaolô, muốn kể chi tiết về thị kiến thời danh nhắc lại ở 2C 12, trong đó Thánh Phaolô được cất lên tận tầng trời thứ ba.
Mọi sách này đều viết sau các văn thư qui điển, mà thường chúng chỉ bắt chước theo. Xét chung, chúng không ghi lại một tập truyền cổ sử nào, vì thế không giúp bao nhiêu cho việc nghiên cứu Tân Ước, mặc dầu đàng khác chúng có lợi cho lịch sử tư tưởng Kitô Giáo thời kỳ sau.