Tiểu Dẫn Thư Gửi Tín Hữu Ê-phê-sô
Thủ
Lãnh, Huyền Phu Hội Thánh
Ðối tượng và nội dung Thư
Ðề tài trung tâm của thư Ê-phê-sô là ý định Thiên Chúa (huyền nhiệm) an bài từ muôn thuở, giấu kín trải qua bao đời, thi hành trong Ðức Giê-su Ki-tô, mặc khải cho T. Tông đồ và khai triển ra trong Giáo Hội. Tác giả tán dương Giáo Hội là thực tại phổ thể, vừa trần gian vừa Thiên quốc, hay đúng hơn, là cái hiện thời thể hiện công trình Thiên Chúa, tức là việc tạo thành mới. Giáo Hội xuất phát từ Thủ Lãnh là Ðức Ki-tô và mở rộng tới những kích thước hoàn toàn viên mãn theo như Thiên Chúa ấn định: đó là viễn ảnh bao la tác giả muốn cho tín đồ hướng nhìn vào. Ngài diễn tả sức mở rộng ấy bằng hai hình ảnh xen tréo vào nhau: đó là sự thân thể lớn lên và việc xây dựng ngôi nhà Thiên Chúa. Ki-tô hữu nhờ phép thanh tẩy được tháp nhập vào Thân Thể ấy là nơi qui tụ cả người Do-thái cả người dân ngoại, nên chính họ cũng trở nên tạo vật mới, nhờ việc tán dương, hiểu biết và vâng lời. Họ xuất hiện như là cái nhân, cái nòng cốt, để nhất thống toàn thể vũ trụ bao la.
Thư chia làm hai phần bằng nhau và dễ phân biệt:
1. Phần nhất (ch. 1-3) gợi nhớ Giáo Hội là cái thành tựu của công trình Thiên Chúa. Tác giả dùng thể văn vừa phụng tự, vừa giáo huấn. Mở đầu là lời chúc tụng theo kiểu đặc biệt của phụng tự Do-thái (có người coi đoạn này ăn tới ch. 3). Lời ca tụng hồng ân lượng vô biên của Thiên Chúa (1,3-14) thành một khúc xác định rõ ràng hơn hết. Tiếp đến lời xin ơn soi sáng mở rộng tới lời tán dương Ðức Ki-tô là Thủ Lãnh vũ trụ và Ðầu Giáo Hội (1,15-23). Ch. 2 gợi nhớ khúc ngoặt lớn hiện nơi Bản Thân Ðức Ki-tô: cái đã chết thì nay lại sống (1-10), cái bị phân chia và xa cách, thì nay được giao hòa (11-22); ơn cứu độ nhờ thánh sủng mà đạt tới mỗi người, đồng thời lại hiệp nhất hết mọi người trong Ðức Ki-tô: từ đây không còn ngăn cách giữa dân I-ra-en và dân ngoại và việc giao hòa ấy báo tin việc giao hòa toàn thể vũ trụ. Kẻ thi hành việc giao hòa ấy chính là T. Tông đồ: chương 3 tỏ ra địa vị của T. Phao-lô trong ý định Thiên Chúa (c. 2-13) và tất cả phần thứ nhất kết thúc trong lời kinh tôn thờ chúc tụng tình yêu vô lượng vô biên của Ðức Ki-tô (3,14-19) và chấm dứt bằng một tán ca (3,20-21).
2. Phần thứ hai (ch. 4 đến 6) có thể đặt nhan đề là: khuyên người thụ tẩy, lời khuyên xuất phát từ việc cử hành bí tích T. Tông đồ kêu gọi cộng đồng sống trong hiệp nhất và muốn được như vậy, ngài nói khá dài về việc xây dựng và lớn lên của Thân Thể Ðức Ki-tô, nhờ các thừa tác viên Chúa ban cho Giáo Hội (4,1-16). Các lời giáo huấn tiếp theo nhắc lại các đề tài cổ truyền trong nội dung các bài dạy giáo lý nguyên sơ: nào khuyên bỏ nếp sống cũ theo nếp sống mới nhờ mặc lấy Ðức Ki-tô (4,17-21), nhờ noi gương Thiên Chúa (4,32-5,2), nhờ chuyển từ tối tăm sang ánh sáng (5,3-20). Bức phác họa những mối tương quan mới đã phục hồi trong Ðức Ki-tô (5,21-6,9) bao hàm phần quảng diễn ta đã biết về cuộc linh phối giữa Ðức ki-tô và Hội Thánh (5,25-32). Sau hết là lời kêu gọi mặc lấy vũ trang ki-tô hữu, để đương đầu với cuộc linh chiến chống lại các quyền năng trên trời (6,10-17). Ðó là hình ảnh và đề tài mượn trong Cựu Ước và đôi khi cảm hứng theo Qum-rân hay cả theo triết lý bình dân nữa, nhưng được Thư này đổi mới theo ánh sáng Ðức Ki-tô.
Thư Ê-phê-sô kết thúc bằng lời khuyên cầu nguyện (6,18-20) và mấy lời dặn vắn tắt (6,21-22) dẫn tới lời chào thăm cuối cùng (6,23-24).
Hoàn cảnh và đặc tính Thư
a) Thư Ê-phê-sô vào sổ các Thư gọi là viết khi bị tù. Khung cảnh lịch sử giống như của Thư Co-lo-xê và Phi-lê-mon. T. Phao-lô đang bị tù (Ep 3,1; 4,1; 6,20; x. Plm 9,10.13.27; Co 4,3.10.18), chung quanh ngài có cùng những người đồng liêu, ngài sai ô. Ty-kích đi thi hành cùng một sứ mạng (Co 4,7-8; Ep 6,21-22).
b) Tuy nhiên những so sánh này cũng gây thắc mắc. Ta nhận thấy rằng: mọi chi tiết về lịch sử, Thư Ê-phê-sô đều muợn gần như từng chữ nơi Thư Co-lo-xê (Ep 6,21-22). Hơn nữa T. Ðông đồ không đích thân quen biết với người nhận Thư (1,15): nên không thể là Giáo đoàn Ê-phê-sô, nơi T. Phao-lô đã lưu trú lâu ngày. Các thủ bản cũng báo động cho ta ngay từ câu thứ nhất, vì có nhiều thủ bản không ghi chữ Ê-phê-sô (x. Ep 1,1). Từ xưa, một ít người giả thiết là Thư này đã gởi cho Giáo đoàn Lao-đi-kê, gần thành Co-lo-xê, tức là Giáo đoàn, theo Co 4,16, đã nhận một Thư của T. Tông đồ, nhưng ta không hề tìm thấy dấu vết nào nơi khác.
c) Những nét giống nhau giữa Thư Ê-phê-sô và Thư Co-lo-xê liên quan tới cả văn thể nữa: như mượn bản văn phụng tự, cách lập câu thường quá nặng nề, có nhiều từ đồng nghĩa, các bổ ngữ nối kết với nhau, những danh từ tương tự, những câu phân từ, ảnh hưởng các sách khôn ngoan. Những đặc tính của Thư Co-lo-xê ở đây còn sâu đậm hơn và các thành ngữ sê-mít nhiều hơn.
d) Sau hết cần ghi những quảng diễn song song, mà sau đây là những nơi rõ rệt hơn hết:
Ê-phê-sô: 1,6-7; 1,13; 1,15; 1,15-16; 2,1-5; 2,2-3; 3,1-13; 4,15-16; 4,22-24; 5,6; 5,19-20; 5,21-6,9; 6,18-20; 6,21
Co-lo-xê: 1,13-14; 1,5; 1,9; 1,3-4; 2,13; 3,7; 1,24-29; 2,19; 3,9-10; 3,6; 3,16-17; 3,18-4,1; 4,2-4; 4,7
Mối liên hệ giữa hai Thư Ê-phê-sô và Co-lo-xê là một trong những vấn đề khúc mắc trong Tân Ước. Hiện nay vẫn chưa tìm ra giải đáp nào hoàn toàn thỏa đáng. Ðây là những giả thuyết chính người ta đề nghị:
1. Họa lắm mới có người coi Thư Ê-phê-sô là một bản văn của T. Phao-lô, rồi tác giả Thư Co-lo-xê đã điều chỉnh lại để tăng thêm giá trị cho sứ điệp của mình.
2. Ý kiến phổ thông hơn hết coi hai Thư này là hai sứ điệp do T. Tông đồ đã gởi đi gần như một trật cho những Giáo đoàn lân cận với nhau, cảm ứng theo bức thư thứ nhất (Co) để soạn bức thư thứ hai (Ep). Trong trường hợp này, Thư Ê-phê-sô trình bày giai đoạn chót của tư tưởng T. Tông đồ. Bị tù ở Rô-ma, T. Phao-lô muốn trối lại cho các cộng đồng, có lẽ dưới hình thức một lá thư chung, điều suy ngắm tột cùng của ngài về Huyền nhiệm cứu thoát và Giáo Hội.
3. Những người khác cho là khi soạn xong Thư Co-lo-xê, T. Phao-lô đã giao cho một thư ký hay một môn đồ rất thân cận viết một sứ điệp thứ hai. Ðiều này sẽ giải thích được cả chỗ tương đồng cả chỗ dị biệt trong hai bản văn, đồng thời với những nơi vụng về nhận thấy trong Thư Ê-phê-sô.
4. Sau hết nhiều lý do quan trọng thúc đẩy một số nhà thông thái nhận xét là bản văn thuộc thời kỳ trễ hơn tức là thế hệ sau các T. Tông đồ và xuất phát từ môi trường thấm nhuần sâu xa giáo lý của T. Phao-lô.
Ðặc tính riêng của Thư khiến ta nghĩ tới một bài chúc tụng khuyên răn đọc trong giờ phụng tự, rồi về sau mới mặc cho hình thức lá thư, hầu có thể sắp xếp vào bộ Thư của T. Phao-lô. Ðàng khác, ta nhận thấy rằng: Thư Ê-phê-sô nhắc lạc các đề tài quảng diễn nơi khác, nhưng theo lối đặc biệt khiến cho mối tương quan giữa Thư Ê-phê-sô với các Thư Rô-ma, 1Co-rin-tô, Ga-lát, cả với Thư Co-lo-xê, không do lệ thuộc trực tiếp cho bằng do những hồi niệm và do nhắc lại các đề tài T. Tông đồ rao giảng. Riêng Thư Co-lo-xê có vẻ gần gũi với những Thư khác của T. Phao-lô về văn thể và dáng điệu, còn Thư Ê-phê-sô lại phong phú hơn về các đề tài đặc biệt của T. Phao-lô (cứu độ nhờ ơn nhưng không, dân Thiên Chúa, Thánh Linh, là ba đề tài không thấy xuất hiện trong Thư Co-lo-xê). Những nét tương đồng với Qum-rân cũng nhiều hơn. Mà trong thế hệ thứ hai, bài dạy giáo lý ngày càng chịu ảnh hưởng phái Ê-xê-niên sâu đậm hơn. Sau hết, phải ghi nhận vai trò của các sách khôn ngoan, mà ngay trong Thư Co-lo-xê đã cảm thấy rõ rệt: các danh từ khôn ngoan, huyền nhiệm, viên mãn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và có khi còn in dấu vết một vài suy tư sau này sẽ đi tới thuyết ngộ đạo.
Sau cùng việc ấn định cho Thư một ngày tháng lui mãi về sau sẽ giải thích được mối tương quan giữa Thư Ê-phê-sô và các Thư mục vụ nếu ta cho mấy Thư này xuất hiện sau thời T. Phao-lô và cả mối tương quan với tập truyền T. Gio-an nữa. Và trong trường hợp này, ta có thể chỉ cho các Thư ấy cùng một môi trường: đó là thành Ê-phê-sô. Nhưng nhất là việc nghiên cứu về thần học trong Thư sẽ giúp ta xac định rõ hơn đặc tính riêng của Thư này.
Thần học trong Thư: ăn rễ vào giáo lý T. Phao-lô và mở ra chân trời mới
Dù sao, Thư Ê-phê-sô cũng in vết sâu xa tư tưởng T. Phao-lô Tông đồ và giả như không có những mối liên hệ đậm đà cảm kích ấy thì đã không có vấn đề. Xin kể qua mấy điểm sau đây:
- Công trình to lớn Thiên Chúa hoàn thành nơi Ðức Giê-su Ki-tô được đặt vào trung tâm sứ điệp; ý nghĩa quyết liệt của phép thanh tẩy là việc ki-tô hữu thông phần vào số mệnh của Ðức Ki-tô.
- Việc loan báo và ca tụng hồng ân Thiên Chúa là đặc điểm nổi nhất trong bản văn, từ lời chúc tụng đầu Thư (1,3-14) cho tới các lời khuyên nhủ cuối cùng (2,1-10; 4,7).
- Việc giao hòa thế gian liên kết với việc phá đổ bức rào ngăn cách người I-ra-en với những người khác; từ đấy dân ngoại hoàn toàn là công dân Nước Chúa (2,11-22).
- Sứ vụ của T. Phao-lô hoàn tất sứ mạng Thiên Chúa trao cho (3,2-13).
- Thư Ê-phê-sô xác định Giáo Hội vừa là dân Thiên Chúa, vừa là Thân Thể Ðức Ki-tô. Nhưng lại không đi vào suy tư nào hết về vũ trụ luận. Vì Thiên Chúa mặc khải cho ta, không phải trong một lý thuyết hay một hệ thống, nhưng ở trong và nhờ cộng đồng ki-tô hữu là cái làm cho "huyền nhiệm" được minh nhiên hóa.
Nhưng gia tài T. Phao-lô này đã được biến hóa sâu xa. Ta không thể gán suông việc biến hóa này cho mấy đề tài mới xuất hiện trong Thư Co-lo-xê. Những suy tư rộng rãi hơn đã mở đầu khi ấy, từ nay lại nhấn mạnh cách tuyệt vời, nên phác họa ra một bức tranh tổng quát thật là độc đáo.
Không phải mọi trông chờ ngày cùng tận đều biến tan đi cả, nhưng mối căng thẳng giữa hiện tại và tương lai nhường chỗ cho quang cảnh khác. Ðó là ơn cứu thoát thể hiện trong Ðức Ki-tô và mặc khải trong Giáo Hội phải tìm thấy kích thước bao la viên mãn của mình nhờ sự Thân Thể lớn lên và mở rộng tới tận phạm vi thiên quốc (1,22; 4,8-10). Ơn cứu thoát trở nên thực tại đang trên đường hoàn tất. Ki-tô hữu được cứu độ rồi (Ep 2,8), các người thụ tẩy"đã được phục sinh với Ðức Ki-tô và được cùng với Ðức Ki-tô lên" nơi vinh hiển.
Việc loan truyền ân sủng cũng vậy, không còn đứng trong khuôn khổ cánh chung của vụ án lớn giữa Thiên Chúa với dân riêng Ngài. Phạm trù pháp lý đã nhường chỗ cho "thần bí": ta đứng vào khởi điểm đã tiến hóa sẽ đem Ki-tô giáo lại gần với các tông giáo cứu độ. Cả mối tương quan giữa I-ra-en và chư dân cũng thế. Trong Thư Rô-ma thì thống nhất bằng cách cộng toàn thể I-ra-en với toàn thể dân ngoại vẫn phân biệt với nhau, còn trong Thư Ê-phê-sô thì bằng cách nối liền với nhau khiến cho mọi dị biệt đều thuộc về quá khứ. Một đàng trông đợi ngày mặc khải ơn trở lại cuối cùng của I-ra-en và việc T. Tông đồ lo âu về số phận dân mình, một đàng chắc chắn về cuộc gặp gỡ đã thể hiện trong lòng Giáo Hội. Trong Thư Rô-ma thì biện chứng theo kiểu pháp lý, còn trong Thư Ê-phê-sô việc giao hòa có tính cách vừa luân lý, vừa hoàn vũ bao la (x. Rm 9 tới 11 và Ep 2,11-21).
Trong các Thư trước, danh từ Giáo Hội thường chỉ các cộng đồng địa phương; còn Thư Ê-phê-sô, tiếp theo Thư Co-lo-xê, coi Giáo Hội là thực tại phổ thế toàn cầu gần được nhân vị hóa như sự Khôn Ngoan Thiên Chúa vậy. Thư Ê-phê-sô chuyển sang bình diện phổ thế hoàn cầu những quảng diễn giáo xứ cụ thể trong Thư 1 Co-rin-tô. Từ chỗ tạm thời xen vào lịch sử, Giáo Hội nay hướng tới chỗ xuất hiện là vĩnh cửu miên trường. Trong Thư Co-lo-xê, Viên mãn vào ở trong Ðức Ki-tô. Những lời quả quyết về Ðức Ki-tô là Ðầu hoàn vũ, nay trở nên những lời quả quyết về Giáo Hội. Ðề tài Thân Thể đã liên kết chặt chẽ với đề tài ngôi nhà Thiên Chúa, nay tìm ra định thức diễn tả cuối cùng và thêm phong phú nhờ quảng diễn mới về huyền nhiệm linh phối giữa Ðức Ki-tô và Giáo Hội, vừa là kiểu mẫu cho hiệp nhất hôn nhân, vừa diễn tả quyền tối thương của Ðức Ki-tô và trách nhiệm bao la của Giáo Hội.
Vậy tác giả có thể là T. Phao-lô, trong những ngày tháng cuối đời ngài hoặc một trong các thơ ký ngài lợi dụng các lời ngài giáo huấn hay là một trong các người thừa kế giáo lý ngài, ở vào cơn khủng hoảng, Ki-tô giáo đã trải qua sau thế hệ các T. Tông đồ. Dù sao, tác giả Thư Ê-phê-sô cũng đã phác họa, bên cạnh T. Mát-thêu, T. Lu-ca, T. Gio-an, một trong những giải đáp lớn lao do ki-tô hữu thời ấy trả lời cho vấn đề thắc mắc về tương lai của họ. Tác giả muốn giúp tín đồ nhận thức cho hoàn toàn viên mãn là trong thế gian có cái gì đã thay đổi triệt để, sau khi Ðức Ki-tô tử nạn và được tôn vinh. Tác giả lượng giả và ca tụng hồng ân Thiên Chúa vì ông nhìn thấy hồng ân này từ nay đã ghi sâu vào việc hình thành Giáo Hội. Trong Giáo Hội tác giả nắm được cái bảo đảm cho một tinh thể không thể xoay lại ngược chiều.
Dù sao cũng nên đọc Thư Ê-phê-sô không phải như một lá thư tùy hoàn cảnh cho bằng một bản thuyết trình, vừa chứa chan tình cảm, vừa có tính cách giáo khoa về đức tin ki-tô giáo.