Chú Giải Tân Ước Theo TOB

Theo bản dịch của Linh Mục An Sơn Vị

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Tiểu Dẫn Thư Gửi Tín Hữu Ga-lát

Ðức Kitô Ðấng Công Chính Hóa 2

 

Muốn hiểu Thư Ga-lát, cần hiểu tình hình lịch sử các Giáo đoàn T. Phao-lô đã viết thư cho. Cuộc khủng hoảng đòi T. Tông đồ phải can thiệp không phải là một biến cố có tầm ảnh hưởng địa phương. Ðó là một thời điểm quan trọng trong đà tiến của Giáo Hội mới phát sinh. Lúc bấy giờ Giáo Hội cần phải lựa chọn dứt khoát, để trung thành với chân lý Tin Mừng. Và bất cứ thời đại nào trong lịch sử mình, Giáo Hội vẫn còn phải nhân danh cùng một sự trung thành ấy để làm lại sự lựa chọn nói đây.

Trước hết, xin trình bày những chi tiết ta biết được về tình hình lịch sử, nhờ vào sách Cộng vụ Tông đồ và chính bức Thư, rồi chứng tỏ T. Tông đồ làm sao để bênh vực chân lý Tin Mừng bị tổn thương tại Ga-lát và nêu những giai đoạn Thánh nhân đã theo để trình bày. Sau hết sẽ nói vì sao Thư này có tính hiện thời thường trực.

 

Các hoàn cảnh khủng hoảng Ga-lát

Nhờ sách Công vụ ta biết vai trò của T. Phao-lô trong việc truyền bá Giáo Hội. Ngài là Tông đồ chư dân, được biệt phái tới các dân ngoại (Cv 9,15; 22,21; 26,17). Nhưng sứ mạng ngài đụng vào sự chống đối liên miên của một môi trường gốc Do-thái. T. Lu-ca lược tóm luận đề của nhóm ấy thể này: "nếu không chịu cắt bì theo luật Môi-sen, thì không được ơn cứu độ" (Cv 15,1). Thế là nhóm do-thái hóa này muốn bắt các tín đồ gốc chư dân phải mang ách Lề luật Môi-sen. Theo sách Công vụ, T. Phê-rô không theo phe ấy. Ðược Thánh Linh soi sáng, ngài biết là Thiên Chúa ban Thánh Linh cho người dân ngoại cũng như cho người Do-thái, vì họ tin vào Ðức Ki-tô (Cv 10,17; 15,7-11). Còn T. Gia-cô-bê thì chấp nhận cho dân ngoại vào Giáo Hội; ngài chỉ đòi họ phải tuân theo mấy qui luật thực hành ngài cho là cần thiết và sẽ do Hội nghị Giê-ru-sa-lem công bố (Cv 15,19-21.28).

Sách Công vụ cũng cho ta biết những lần T. Phao-lô đã ghé qua Ga-lát. trong cuộc hành trình truyền giáo thứ nhất của ngài, T. Phao-lô giảng Tin Mừng cho các miền ở phía nam tỉnh Ga-lát, thuộc địa Rô-ma, là Pi-si-đi, Ly-cao-ni và Phy-gia (13,14-14,25). Rồi trong cuộc hành trình truyền giáo thứ hai và thứ ba, ngài đã hai lần (Cv 16,6; 18,23) ghé miền Ga-lát phía Bắc; miền này bao hàm vùng đất giữa xứ Cáp-pa-đốc và Biển Chết và trải rộng xung quanh thành An-ky (nay là An-ka-ra) và dân cư thì gốc Xen-tích, là những người duy nhất có thể gọi là "Ga-lát" theo nghĩa chặt.

Ðó là khung cảnh, cần sắp vào đấy các sự kiện T. Phao-lô kể lại hay là gợi nhớ trong Thư Ga-lát. Có thể sắp như vậy được chăng? Nếu T. Phao-lô, người chứng kiến các sự kiện này, có trình bày chúng khác với T. Lu-ca, thì có nên coi lời chứng của T. Phao-lô hay lời tường thuật của T. Lu-ca là sai lầm? Nếu theo đúng những qui tắc của khoa phê bình lành mạnh, ta cần tự hỏi các dị biệt này phải chăng có thể giải thích bằng những chủ ý khác nhau chi phối hai lối trình bày cùng một sự kiện.

T. Phao-lô là một chứng nhân trung thành, nhưng ngài chỉ nhắc lại những gì liên quan tới mục tiêu ngài theo đuổi. T. Lu-ca đã thu thập những tài liệu chắc chắn, nhưng ngài chủ tâm chứng tỏ tác động Thánh Linh trong việc phát triển Giáo Hội, chứ không phải là ghi nhật ký về các thời kỳ Giáo Hội sơ khai. Vì thế ngài có thể gom góp những tài liệu thuộc nguồn gốc và ngày tháng khác nhau và liên kết chúng vào cùng một sự kiện, như rất có thể là trường hợp Hội nghị Giê-ru-sa-lem. Ðó là lý do giúp ta hiểu vì sao Ga 2,1-10 và Cv 15 đã trình bày Hội nghị ấy cách khác nhau.

Tuy nhiên ta có thể dùng sách Công vụ để bổ túc cho các sự kiện lịch sử trong Thư và tìm cách định vị trí cho cuộc khủng hoảng Ga-lát. T. Phao-lô đã viết Thư cho ai? Viết vào ngày tháng nào? Ngài có ý nhắm những lạc thuyết nào và ai là những đối phương truyền bá những điều lầm lạc ấy? Người ta đã đưa ra nhiều giả thuyết, dựa theo các lời T. Phao-lô ám chỉ về một tình hình, những kẻ đọc thư ngài thì biết rõ, còn chúng ta thì không thấy xác định bao nhiêu. Một số trong các lời giải thích này đã chi phối cả một lối cắt nghĩa lịch sử Ki-tô giáo nguyên thủy. Chúng tôi chỉ nêu mấy giả thuyết quan trọng hơn hết có nền tảng trong các bản văn.

 

Ai là người nhận Thư ?

Hồi thế kỷ thứ 19, người ta đã cố chứng minh đó là các Giáo đoàn Ga-lát phía Nam. trong trường hợp này, bức Thư có thể viết ít lâu sau cuộc hành trình truyền giáo thứ nhất và sẽ là bức thư đầu tiên của T. Phao-lô, gởi từ thành An-tiêu-kia, khoảng năm 49. Cũng có thể lui ngày tháng biên soạn lại sau cuộc hành trình nhắc đến ở Cv 16,6. Nhưng đa số tác giả kim thời hiện nay lại duy trì chủ trương nhất trí của người xưa: T. Phao-lô viết thư cho các người Ga-lát miền Bắc (chỉ có mình họ mới có thể gọi là "Ga-lát"), sau khi ngài ghé thăm họ lần thứ hai (Ga 4,13), nhắc đến ở Cv 18,23. Chính vào cuối thời kỳ ngài lưu trú tại Ê-phê-sô (có lẽ vào mùa đông năm 56-57), ngài đã biên soạn Thư này, chỉ sáu tháng trước Thư Rô-ma: như vậy sẽ giải thích đúng hơn những tương đồng giữa hai bức Thư.

 

Ai gánh trách nhiệm cuộc khủng hoảng và họ giảng dạy lạc thuyết nào?

Một điểm xem ra rõ rệt: đó là những người gây rối loạn mà T. Phao-lô tố cáo đây, lại muốn bắt tín đồ gốc chư dân tuân giữ Luật Môi-sen (3,2; 4,21; 5,4) và cách riêng là phép cắt bì (2,3-4; 5,2; 6,12). Có thể là các người do-thái hóa đề cập tới trong sách Công vụ và luận đề của họ đã tóm tắt ở Cv 15,1. Nhưng phải chăng chỉ có vậy?

Vì bức Thư dạy phải coi chừng một thứ quan niệm về tự do biến thành luân lý buông tuồng (5,13). Ðã thế thì phải chăng T. Phao-lô có hai loại đối phương? Ðó là giả thuyết nêu ra do những người nghĩ là không thể đồng hóa bè luân lý buông tuồng với bè do-thái hóa đòi phải giữ Luật Môi-sen. Nhưng không có gì chứng minh là T. Tông đồ phải tranh đấu trên hai mặt trận.

Do đó người ta lại nêu lên giả thuyết khác. Các người do-thái hóa có thể đòi giữ luật theo khía cạnh nghi thức mà thôi, nhưng họ lại tưởng mình được chuẩn các đòi hỏi luân lý trong lề luật. Nếu vậy, thì đó là phải hỗn hợp tương tự như phải gợi nhớ đến trong Thư Co-lo-xê (Co 2,16-23). Vì trong cả hai Thư đều đề cập tới việc phụng thờ bắt làm tôi các nguyên tố trần gian (Ga 4,3.9; Co 2,20), hơn nữa, T. Phao-lô hình như nói với người Ga-lát rằng khi giảng phép cắt bì cho họ, người ta đưa họ về lối phụng thờ họ đã thực thi trước khi ăn năn trở lại (4,8-10). Ðàng khác, T. Tông đồ nhấn mạnh tới sự kiện phép cắt bì buộc kẻ chịu phép ấy phải toàn diện trung thành với lề luật (5,3; x. 3,10). Hẳn là tại các đối phương T. Phao-lô rao giảng ngược lại. Thực thế, ngài minh nhiên tố cáo họ trong phần kết, vì họ không giữ luật mà lại bắt người ta chịu phép cắt bì (6,13).

Giả thuyết này có vẻ lôi cuốn, nhưng không bắt buộc phải theo. Ta không cần nhờ nó cũng hiểu được bức Thư. Lý do dạy phải chừng luân lý buông tuồng, chính là sự kiện Giáo đoàn Ga-lát thành bởi các người dân ngoại đã ăn năn trở lại mà não trạng và thói nết đã không được biến hóa một sớm một chiều. Vì thế T. Phao-lô cần xác định cho họ thấy thế nào là sự tự do của con cái Chúa. Ðàng khác, tuy T. Phao-lô hình như sắp các nghi thức của luật Môi-sen và của dân ngoại giáo trên cùng một bình diện như nhau, nhưng không tất nhiên là những người do-thái hóa đã pha trộn hai thứ đó với nhau. Chính vì T. Phao-lô muốn chứng tỏ rằng cả hai thứ ấy đều đem người Ga-lát trở về hình thức nô lệ mà chính Ðức Ki-tô đã tới giải phóng chúng ta cho khỏi. Thậm chí T. Phao-lô còn nói rằng sự quay về với các nghi thức ngoại giáo còn nhắm xa hơn, vì không những nó gieo rối loạn trong Giáo Hội bởi làm tổn thương Tin Mừng mà thôi, nó còn làm cho người ta ra xa Giáo Hội (5,12).

 

Ý nghĩa cuộc khủng hoảng: lựa chọn đối diện với Tin Mừng duy nhất

Bị các đối phương T. Phao-lô ảnh hưởng, người Ga-lát không thấy rằng nếu cần phải chịu cắt bì mới được ơn cứu độ, thì đức tin họ bị tổn thương mất rồi. T. Tông đồ giúp họ nhận thức là cần lựa chọn và lựa chọn này quan trọng lắm. Không phải vấn đề người nọ với người kia. T. Phao-lô đâu có phàn nàn vì họ làm thiệt hại cho ngài, nếu họ thích những nhà giảng thuyết khác hơn (4,12). Ðây là chân lý của Tin Mừng duy nhất, đây là sự tự do Tin Mừng ấy loan báo cho ta, đây là thập giá của Ðức Ki-tô, nguồn thông ban sự tự do đặc sắc trong đời sống mới của con cái Chúa.

Mà Tin Mừng sẽ bị tổn thương, nếu hủy mất đặc tính phổ biến và nhưng không của ơn cứu độ do Tin Mừng ấy loan truyền, nếu con người lại chủ trương nhờ các việc làm để được cứu thoát, chứ không nhờ đức tin để đón nhận ơn cứu thoát do Thiên Chúa ban nhưng không cho họ trong Ðức Ki-tô. Vì thế, cần lựa chọn. T. Phao-lô trình bày sự lựa chọn do Tin Mừng bắt hết mọi người phải thực thi, nhờ ba cặp danh từ đối lập.

Trước hết là cặp đức tin và lề luật đối lập hai giai đoạn lịch sử ơn cứu độ, hai "chế độ" tông giáo: chế độ lề luật tách rời Do-thái với dân ngoại, vốn chỉ có vai trò chuẩn bị cho chế độ thứ hai, là chế độ đức tin. Ðức tin đến để chấm dứt chế độ trước mà thiết lập chế độ sau. Hai chế độ ấy cốt tại những gì? Hai cặp danh từ sau sẽ xác định điều ấy.

Hai là cặp Thánh Linh và xác thịt nêu cho thấy điều con người coi là nguồn sống trong mỗi chế độ trên. Hoặc nguồn sống đó là Thánh Linh thì con người nhờ đức tin để mở lòng đón nhận; hoặc chính con người tự đắc mình là nguồn đó và có thể chu toàn các công việc theo lề luật, thì khi ấy họ là con người xác thịt. Vì điều T. Phao-lô gọi là "xác thịt", chính là tình trạng con người tự đặt mình vào thế tự túc và tự đóng kín vào bản thân mình. Tác động của Thánh Linh mà xác thịt không thể đón nhận, sẽ giải phóng con người, khiến cho họ thành "con cái" Chúa, trong khi nếu họ theo xác thịt thì phải làm nô lệ tội lỗi mà không thể tự giải phóng mình. Thế là cặp Thánh linh và xác thịt liên quan mật thiết với cặp tự do và nô lệ, là cặp danh từ thứ ba T. Phao-lô trình bày với người Ga-lát, để hướng dẫn việc lựa chọn họ phải làm.

Vậy ta thấy rõ các lầm lạc của nhóm do-thái hóa, vì thái độ họ theo là thái độ con người xác thịt. Tin Mừng giải phóng khỏi thái độ ấy, nhờ mặc khải cho con người biết mình được ơn kêu gọi làm "con cái" Chúa, nhờ kêu mời họ lấy thái độ đức tin giúp họ đón nhận Thánh Linh, để nhờ Ngài mà sống đời sống của chính Con Thiên Chúa.

 

Cơ cấu và văn thể

T. Phao-lô biết rằng các "con mọn" của ngài lâm nguy (4,19). Ngài không đi chứng minh cho họ một luận đề. Chân lý ngài đã loan truyền cho họ và từ đấy đã soi sáng con đường họ đã chạy theo (5,7) chính là chân lý của một biến cố: tức là việc Thiên Chúa can thiệp trong Ðức Giê-su Ki-tô, để giải thoát loài người khỏi tội. T. Phao-lô sẽ lại đặt người Ga-lát ra trước biến cố trên, ra trước Chúa Ki-tô chịu đóng đinh Thập giá.

Trong giai đoạn thứ nhất (ch. 1 và 2), T. Tông đồ nhắc cho họ nhớ Chúa Giê-su Ki-tô là nguồn gốc sứ mạng ngài, là trung tâm sứ điệp ngài rao giảng.

Sang giai đoạn thứ hai (ch. 3 đến 6), T. Phaolô chứng tỏ Chúa Giê-su Ki-tô hoàn tất ơn cứu độ, chính là làm cho lịch sử có ý nghĩa: nhờ Ngài và ở trong Ngài, các người được tái sinh lại tìm thấy sự duy nhất của mình và tạo vật được đổi mới sẽ tới sự viên mãn của nó.

Các giai đoạn thống nhất với nhau nhờ việc quãng diễn ba cặp danh từ chứng tỏ cho người Ga-lát thấy những khía cạnh khác nhau của sự lựa chọn căn bản do Tin Mừng đề nghị cho mọi người phải làm.

 

A. Giai đoạn thứ nhất: 1,1-2,21

a) Mở đầu (1,10)

1,1-5: Lời gởi loan báo hai đề tài của giai đoạn thứ nhất: sứ mạng T. Phao-lô (c. 1-2); Tin Mừng ngài rao giảng (c. 3-4). 1,6-10: Tình trạng: Tin Mừng duy nhất bị tổn thương.

b) Sứ mạng T. Phao-lô (1,11-2,10)

1,11-24: T. Phao-lô đã nhận sứ mạng Ðức Ki-tô Phục sinh sai ngài đi loan báo Tin Mừng cho dân ngoại: chính vì thế mà Thiên Chúa đã chọn ngài và ban ơn kêu gọi ngài.

2,1-10: Chúa ban ơn cứu độ cho mọi người cách nhưng không: dân ngoại không cần chịu phép cắt bì: Ðó là chân lý Tin Mừng mà T. Phê-rô và Giáo đoàn Giê-ru-sa-lem và Giáo huấn Giê-ru-sa-lem đã công khai nhìn nhận.

c) Tin Mừng T. Phao-lô rao giảng (2,11-21)

Tuy nhiên vì áp lực nhóm do-thái hóa, chính áp lực mà người Ga-lát phải chịu, T. Phê-rô đã không trung thành với chân lý, với sự lựa chọn do chân lý đòi hỏi. T. Phao-lô duy trì chân lý ấy và xác định sự lựa chọn căn bản nhờ cặp danh từ đức tin và lề luật. Phải lựa chọn, vì Ðức Ki-tô chịu đóng đinh Thập giá đã hy sinh mạng sống Ngài cho chúng ta. Ai lựa chọn cho mình nên công chính nhờ các việc làm, thì làm cho cái chết của Ðức Ki-tô thành ra vô ích cho họ. Ai chấp nhận nên công chính nhờ Ðức Ki-tô và từ chối mọi chủ trương tự cứu lấy mình, thì họ chứng tỏ là cái chết của Ðức Ki-tô sinh hoa trái cho họ: tức là họ sống đời sống tình yêu của Con Thiên Chúa.

 

B. Giai đoạn thứ hai: 3,1-6,18

a) Mở đầu: (3,1-5)

Ðối diện với Ðức Ki-tô đóng đinh Thập giá là Ðấng đã ban Thánh Linh cho họ, T. Phao-lô kêu gọi người Ga-lát: sự lựa chọn ngu si của họ khiến họ quay về với xác thịt.

b) Chế độ đưc tin và chế độ lề luật trong lịch sử cứu độ (3,6-4,7)

3,6-14:Trong ý định Thiên Chúa, lời hứa với ông Áp-ra-ham là kẻ tin, có liên hệ với Ðức Ki-tô, và qua Người liên hệ tới mọi kẻ tin không phân biệt ai hết. Ơn cứu độ Chúa hứa được thể hiện trong việc ban phát Thánh Linh.

3,15-29: Không ban lề luật như điều kiện cho việc ban phát Thánh Linh; bắt tội nhân giữ lề luật, có ý tỏ cho họ biết mình nô lệ tội lỗi và chứng tỏ cho họ thấy ơn cứu độ ở tại tin vào Ðức Ki-tô. Nhờ Ðức Giê-su Ki-tô và trong Người họ sẽ được giải phóng và hiệp nhất với nhau, vì họ sẽ là con cái Chúa.

4,1-7:Lịch sử cứu độ nên hoàn tất trong Ðức Giê-su Ki-tô Ðấng làm cho loài người khỏi nô lệ thế gian và được sự tự do của con cái Chúa, nhờ lãnh nhận Thánh Linh.

c) Khuyên nhủ đừng quay về làm nô lệ (4,8-5,12).

4,8-20: T. Phao-lô lo sợ cho con cái ngài: Tin Mừng đã giải phóng họ, mà nay người ta lại cố bắt họ làm nô lệ nữa.

4,21-31: Muốn được tự do, phải là con cái ông Áp-ra-ham, không phải theo xác thịt, nhưng theo Thánh Linh.

5,1-12: Người Ga-lát hãy kiên trì sống tự do bằng cách luôn luôn mở lòng đón nhận ơn nhưng không Ðức Ki-tô ban cho, đón nhận Thánh Linh Ðấng ban cho họ được tin, yêu và trông cậy. Ðó là cách T. Phao-lô xác định đời sống mới trong Ðức Giê-su Ki-tô.

d) Tự do thật là hoa trái Thánh Linh Ðấng giải phóng con người khỏi làm tôi xác thịt (3,13-6,10).

5,13-25: đối lập triệt để giữa xác thịt và Thánh Linh.

5,26-6,10: Thánh Linh giải phóng khỏi án xử, vì làm cho ta trung thành với lề luật Ðức Ki-tô.

e) Kết luận (6,11-18)

T. Phao-lô lại đặt người Ga-lát đứng trước Thập giá Ðức Ki-tô. Thập giá này đã chấm dứt thế gian cũ kỷ và xấu xa, đề cập đến nơi phần mở (1,4). Ơn cứu độ do Ðức Ki-tô chịu đóng đinh thập giá hoán thành đã khai sinh tạo vật mới là chế độ con người được bước vào nhờ đức tin và trong đó họ được giải phóng khỏi ách lề luật, vì được sống theo Thánh Linh.

Ðó là cơ cấu bức Thư. Cơ cấu này nhất trí nhờ mục tiêu T. Phao-lô theo đuổi khi quảng diễn các đề tài bổ túc nhau chúng tôi vừa đan cử trên đây. Mục tiêu ấy là: giúp khám phá nơi Thập giá Ðức Ki-tô chính công trình Thiên Chúa can thiệp, để thông ý nghĩa cho lịch sử và thể hiện ý định Ngài muốn cứu độ mọi người một cách nhưng không.

Muốn công bố huyền nhiệm "gây vấp phạm" này, T. Phao-lô dùng những định thức tuyệt vời nặng ý nghĩa và táo bạo khiến ta có thể coi đó là nói quá theo đà bút chiến và cần giải thích cho dịu bớt đi. Nhưng trái lại, cần phải coi chừng những từ ngữ ấy là kiểu nói vừa dùng vừa mạnh diễn tả các trực giác do Thánh Linh thông ban cho T. Phao-lô biết và loan truyền Huyền nhiệm Ðức Ki-tô.

Lời văn và tư tưởng đều là những nét độc đáo của T. Phao-lô, nên họa lắm mới có người hồ nghi về đặc tính chính tông của Thư này, và hiện nay, xem ra không còn ai chối cãi. Tất cả cá tính T. Phao-lô đều ở đó, làm một với lòng yêu thương tha thiết con cái ngài, sự ngài tận hiến toàn thân thi hành sứ mạng Chúa trao cho ngài, sự ngài cương quyết toàn thắng mọi trở lực thế gian đem ra chống đối chân lý của Tin Mừng.

 

Tính cách hiện thời của thư

Thư Ga-lát cật vấn ki-tô hữu thuộc bất cứ thời đại nào. Thư ấy lại cật vấn Giáo Hội nữa. Phải chăng ki-tô hữu là tín đồ chân chính, là một người được niềm tin giải phóng khỏi mọi điều lo sợ. Phải chăng Giáo Hội vẫn còn trong tình hình lịch sử của người Ga-lát? Cố nhiên nhóm do-thái hóa ngày nay không còn và ki-tô hữu không sợ sống chung ăn chung với người dân ngoại. Nhưng mấy thể chế Giáo Hội há lại không làm cho ki-tô hữu thường bị nhốt vào những giới hạn, trong đó họ chắc chắn mình được cứu thoát và tự hào mình thực thi lề luật Ðức Ki-tô, mà họ coi luật ấy là một cách để sống hợp lệ với Thiên Chúa? Giáo Hội đã bắt đầu ngày Linh Giáng nhờ Thánh Linh, không thể tự đắc là mình hoàn thiện nhờ các việc làm và nhờ những cơ cấu người phàm, cơ cấu "xác thịt"; chẳng vậy Giáo Hội sẽ nô lệ hóa loài người, thay vì giáo dục đức tin và sự tự do của con cái Chúa.

Vậy Thư này kêu mời Giáo Hội tự hỏi xem, những thể chế Giáo Hội có nhắm tới việc thành hình một cộng đồng nhất thống nhờ ăn rễ sâu vào Tin Mừng duy nhất, một cộng đồng được Thánh Linh mở rộng cho mọi người và khiến phục vụ mọi người, một cộng đồng huynh đệ phổ thể. Ðó là câu hỏi luôn luôn hiện thời. Ðó là tiếng kêu mời liên lỉ canh tân điều chỉnh nhờ năng lực của Tin Mừng mà Giáo Hội vẫn không ngừng lo khám phá lại cho chính xác hơn.  

 


Back to Home Page