Chú Giải Tân Ước Theo TOB

Theo bản dịch của Linh Mục An Sơn Vị

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Tiểu Dẫn Thư 2 Gửi Tín Hữu Cô-rin-tô

Ðức Kitô Sứ Ðồ Thiên Chúa

 

Trong các Thư T. Phao-lô, Thư Co-rin-tô thứ hai là một bản văn tranh đấu và thuyết phục hơn là bài thuyết trình theo hệ thống như Thư Rô-ma, T. Tông đồ Phao-lô dùng trong đó một lối văn linh động và tha thiết, để biện hộ cho chức tông đồ của ngài chống lại đối phương và có ý quả quyết ngài chỉ lệ thuộc vào một mình Ðức Ki-tô. Trong các lời khuyên nhủ, T. Tông đồ pha lộn với nhau một cách tuyệt tài lòng yêu thương với lời trách mắng, cơn thịnh nộ bừng bừng với tình âu yêm thiết tha. Ngài muốn bảo toàn với bất luận giá nào sự nhất trí của Giáo đoàn Co-rin-tô và góp phần xây dựng Giáo đoàn ấy cho thật sâu xa.

 

Một bản văn thiết lập hẳn hoi và năng được chú giải

Chính bản văn Thư này đã được thiết lập vững vàng nhờ có những thủ bản từ thế kỷ thứ ba, cách riêng là các chỉ cảo Sét-tơ Bít-ti (Chester Beatty). Còn sớm hơn nữa, ngay từ thế kỷ thứ hai, ta đã gặp những lời trích dẫn trong các sách của T. I-nha-xi-ô thành An-tiêu-kia. Thế là ngay từ đầu, Thư này đã có mặt trong bộ Thư T. Phao-lô. T. Gio-an Kim Khẩu, T. Tô-ma A-qui-nô, ông Lơ-phê-vơ Ê-táp, ông Ê-rát-mơ, ông Can-vanh và nhiều người khác đã chú giải Thư này.

 

Ví dụ tốt nhất về văn thể T. Phao-lô

Thư 2 Co-rin-tô tỏ cho ta thấy về văn thể và sự cương quyết của lời nói T. Phao-lô cách rõ rệt hơn bài thuyết trình theo hệ thống của Thư Rô-ma hay là những lời giải đáp các vấn đề của Thư Co-rin-tô thứ nhất. Các danh từ và tư tưởng đối lập liên tiếp (1,5.17-22.24-2,1.16; 3,3.6.9.13; 4,10-11.18; 5,15.17; 8,9; 9,5; 12,6-10). Một số câu đã đáng trở thành thời danh "Luật thành văn chỉ làm cho chết, còn Thánh Linh mới sinh sự sống" (3,6); "Ðức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta vốn Người giàu có, nhưng Người đã trở nên khó nghèo, để cho ta được nên giàu có nhờ chính sự nghèo khó của Người" (8,9). Muốn tấn công, thậm chí còn quyết liệt lên án những sự yếu đuối của người Co-rin-tô, T. Tông đồ biết xen khôi hài với bồng bột. Chỉ cần đọc 2 Co-rin-tô ch. 8 và 9 là khám phá ra được hai tuyệt tác văn chương nho nhỏ. Người ta trách T. Tông đồ thiếu lợi khẩu ư? Thử coi xem ngài khéo dành lại phần thắng lợi thế nào: "Về lợi khẩu tôi không ra hồn, nhưng thông thái thì không phải thế!" (11,6). Vì đã dùng nhiều phương thức diễn tả khác nhau, nên Thư 2 Co-rin-tô thường vượt trên hết mọi Thư khác (v.d. 2C 4,7-10.16-17; 6,3-10).

 

Các người nhận thư

Cũng chính là các người đã nhận Thư thứ nhất. Tất cả những gì đã nói trên về Cộng đoàn Co-rin-tô (x. Tiểu dẫn 1C, mục 1) vẫn còn đúng. Trái lại, các hoàn cảnh đã đòi T. Phao-lô gửi 1C (x. Tiểu dẫn 1C mục 2), thì nay không còn nữa. Thư thứ hai xác định đặc tính và tâm trạng các người nhận Thư thể này: phải chăng một trong các đặc tính của họ là tinh thần chống đối chức vụ Tông đồ của T. Phao-lô? Chúng tôi sẽ đề cập tới điểm này dưới đây ở mục 4. Hình như T. Tông đồ đã có nhiều thứ đối phương: vì các người nhận Thư và T. Phao-lô đã thấy mối tương quan giữa hai đàng trái qua cuộc khủng hoảng sâu xa. Ðây đó thấy họ ghen ghét, cãi lộn, thậm chí cả khuynh hướng muốn lìa bỏ đức tin. Sau hết, riêng việc lạc quyên giúp hàng "thánh hữu" nhắc tới ở 1C 16, hai lá thư T. Phao-lô dành cho việc ấy ở 2C 8 và 9 (x. mục 5) chứng tỏ rằng lòng quảng đại của người Co-rin-tô chỉ ngoài môi ngoài miệng hơn là có thực chất và tinh thần tổ chức của họ cốt ý nhất là liêu cho người khác thông phần vào công trình quyên góp hiệp tâm do chính họ sáng kiến. Vì lâu đời trước T. Phao-lô, thiên hạ lại không nói rằng những người Hi-lạp đó liều mình chỉ làm "khán giả diễn văn và thính giả hành động"! Sao người Co-rin-tô lại không thừa kế tâm linh đó phần nào?

 

Các đối phương T. Tông đồ

Thật khó biết cho chính xác đối phương T. Phao-lô là những người nào. Phải chăng họ thuộc về Giáo đoàn và phải coi họ vào số các người nhận Thư hay là người Co-rin-tô chỉ bị họ ảnh hưởng ít hay nhiều? Phải chăng họ là một nhóm đồng nhất với nhau? Hay là họ gồm nhiều nhóm mà chỉ có một điểm chung là chống lại T. Phao-lô? Phải chăng họ cũng là chính những người T. Tông đồ có ý nhắm qua các lời ngài giải đáp trong Thư 1 Co-rin-tô?

Toàn thể Thư 2 Co-rin-tô cung cấp cho ta mấy lời giải đáp mọi câu hỏi trên đây.

Một phần tử thuộc cộng đồng Co-rin-tô đã làm nhục T. Tông đồ rất nặng. Ðiều nhục nhã ấy (2C 2,5) không những một mình T. Phao-lô, mà lại đa số, thậm chí toàn thể cộng đồng đều cảm thấy. Hành vi ấy có thể là do một người trong nhóm ngộ đạo ở Co-rin-tô xúc phạm. Ðối với một người như thế, ơn cứu độ trước tiên ở tại tri thức, chớ không đòi dấn thân toàn thể cuộc sống con người. Phải chăng đó cũng chính là người ở 1C 5,1-13 đã phạm tội loạn luân? Có thể như vậy. Hẳn là T. Phao-lô xếp người ấy vào hàng những "kẻ trước đây phạm tội mà không chịu ăn năn hối cải điều ô uế, gian dâm, phóng túng đã làm" (2C 12,21). Ở đây ta gặp lại khuynh hướng ngộ đạo ấy rao giảng chính mình (4,5) và họ tưởng là ngay tự bây giờ họ đã chiếm hữu ơn cứu độ sau này (5,10-13).

Ðọc 2C 10-13, ta còn thấy xuất hiện nhóm đối phương khác nữa. Ðặc tính họ là cảm ứng theo đạo Do-thái. Cảm ứng này không giúp ta xác định chắc chắn các người trong nhóm là tôi tá Ðức Ki-tô tức ki-tô hữu gốc Do-thái hay là họ vẫn còn là Do-thái hoàn toàn. Ở 11,21.23, T. Tông đồ đặt mình trên cùng một bình diện với họ và các đối phương ngài xem ra thuộc về Hội Thánh: "là người Hi-bá thuộc dòng dõi ông Áp-ra-ham, làm thừa tác viên Ðức Ki-tô". Tuy nhiên, đó chỉ là những tông đồ giả, ngụy trang thành tông đồ của Ðức Ki-tô (11,13); họ quả tin cậy vào bản thân mình. Phải chăng họ cho là chưa đủ sắc lệnh do hội nghị Giê-ru-sa-lem đã công bố (Cv 1; Ga 2) và ấn định cho người ngoại phải tuân theo mấy điều tối thiểu trong Luật Môi-sen? Phải chăng họ muốn bắt ki-tô hữu gốc Do-thái phải tuân toàn thể các thực hành trong đạo Do-thái? Có thể đúng như vậy. Các lời kêu gọi mạnh mẽ đây không nhắm vào các phái viên của T. Phê-rô mà T. Phao-lô vẫn luôn luôn tôn trọng cũng không nhắm các phái viên T. Gia-cô-bê từ Giê-ru-sa-lem tới, nhưng đúng hơn, chính là nhắm vào các người Do-thái theo khuynh hướng ái quốc (x. Cv 21,20-36) đã theo đức tin ki-tô giáo, là điều không mâu thuẫn với sự họ thuộc về phe đảng ấy. T. Phao-lô minh chứng cho họ thấy Giao Ước mới dứt khoát trỗi vượt hơn Giao Ước cũ (2C 3,1-18). Ðây là lần đầu tiên thấy gọi toàn thể các sách có trước Tân Ước là "Cựu Ước" (3,14).

 

Hoàn cảnh biên soạn

Muốn có thể trình bày hoàn cảnh biên soạn và ngày tháng gửi Thư 2 Co-rin-tô, tiên vàn phải ký nhận là ở 1C 5,9 cũng như ở 2C 2,3 và 7,8 có nhắc tới mấy Thư mất rồi. Phải chăng đã hoàn toàn mất hẳn hay như một ít ngùi cho là phải tìm lại chung trong các Thư qui điển?

Thư thứ hai phải chăng là một bức Thư duy nhất? Hay phải coi ch. 10-13 là một trong hai Thư đã mất rồi? Vì trong ba đoạn (ch. 1-7; 8-9; 10-13) thì đoạn cuối cùng có thể làm thành một khối riêng. Ðó là bài biện hộ gần như là quyết liệt cho chức tông đồ của T. Phao-lô. Nếu người ta muốn cắt thư thứ hai này ra, thì phần chót này có thể là bức Thư nghiêm khắc đã viết làm cho người Co-rin-tô buồn phiền và có nhắc tới ở 2C 2,4-9 và 7,8-12. Nhưng đó chỉ là một giả thuyết mà thôi. Chỉ có một điều chắc chắn là T. Phao-lô đã gởi ít nữa là bốn bức Thư cho Giáo đoàn Co-rin-tô.

Nếu gọi bốn Thư ấy là A, B, C, D thì A là Thư thứ nhất đã mất rồi và có nhắc đến ở 1C 5,9. B là bức Thư thứ hai, chính là Thư qui điển thứ nhất của ta bây giờ. C tức Thư thứ ba cũng đã mất rồi, trừ khi ta coi 2C 10-13 là một phần hay tất cả bức Thư "đã vừa viết vừa khóc" đó. Còn D tức Thư thứ bốn, thì thành bởi hoặc 2C 1-13 hoặc bởi 2C 1-9 (tùy theo cách lựa chọn ở C).

 

Ngày tháng gởi Thư

Còn ngày tháng gởi Thư thì xác định làm sao? Thư Rô-ma đã biên soạn năm 57 hoặc 58 vào đầu mùa xuân, khi T. Tông đồ lưu trú ngắn hạn ở Co-rin-tô. Vậy toàn thể các thư trao đổi giữa T. Tông đồ và Giáo đoàn Co-rin-tô đều xảy ra trước ngày tháng đó. Nếu lưu ý tới thời kỳ lưu trú cần thiết để biên soạn Thư Rô-ma, tới khoảng thời gian cần để bức Thư chót kịp tới Co-rin-tô và gây nên những kết quả mong muốn, thì phải xếp thư này (D) vào ít nữa là bốn năm tháng trước, hoặc tại Trô-át, hoặc tại Ma-kê-đoan, khi T. Tông đồ hành trình hướng tới Co-rin-tô, tức là cuối năm 56 (hay cuối năm 57).

Ðàng khác, ta nên nhớ T. Phao-lô đã bỏ Co-rin-tô vào mùa hè 52; ngài đã đến Ê-phê-sô một năm sau đó tức là năm 53; các tin tức nguy ngập về tình cảnh Giáo đoàn Co-rin-tô chỉ đến tai ngài vào mấy tuần hoặc mấy tháng sau đó tức là năm 54. Vậy ngài đã viết toàn thể các Thư vào khoảng sớm nhất là năm 54 và trễ nhất là cuối năm 56 (57).

Các biến cố diễn tiến thế này: trong khi lưu trú tại Ê-phê-sô, T. Tông đồ nghe tin những rối loạn nặng nề xảy ra trong Giáo đoàn Co-rin-tô, bấy giờ ngài viết Thư thứ nhất A (Thư tiền qui điển đã mất rồi và có nhắc tới ở 1C 5,9) và đòi tín hữu Co-rin-tô không được giao tiếp với các người ăn ở xấu nết tỏ tường. Thư thứ nhất này không gây kết quả bao nhiêu, nên khỏi ít lâu, T. Phao-lô sai ông Ti-mô-thêu (1C 4,17) đến để nhắc lại lời giảng dạy và giáo lý ngài.

Bấy giờ có những vấn đề người ta viết giấy hỏi T. Tông đồ (1C 7,1). Ngài trả lời từng điểm khi gởi Thư 1 Co-rin-tô (B), có lẽ vào năm 55.

Rồi ông Ti-tô bỏ Ê-phê-sô đi Co-rin-tô: ông muốn chuẩn bị tại đó việc thi hành cuộc lạc quyên dự tính ở 1C 16,1-4; nhưng tình cảnh ông gặp thấy, khi tới nơi, thật là tuyệt vọng: hai bức Thư A và B cũng như việc thăm viếng của ông Ti-mô-thêu đã không gây được những kết quả mong muốn.

Bấy giờ T. Phao-lô quyết định thân hành đến Co-rin-tô trong cuộc hành trình chớp nhoáng: đó là cuộc hành trình thứ hai, (cuộc thứ nhất là hành trình sáng lập Giáo đoàn, 2C 12,14 và 13,1). Ngài đã quyết định thật mau, vì theo 2C 2,1, ban đầu ngài đã không dự tính như vậy. Một cuộc đụng độ rất quyết liệt đã xảy ra khiến T. Phao-lô đã bỏ đi đột ngột, để về Ê-phê-sô. Tới nơi, ngài viết Thư thứ ba (C) hoặc là Thư nghiêm khắc, vừa viết vừa khóc (có nhắc tới ở 2C 2,3-4).

Muốn thắng sự thất bại ấy, T. Phao-lô ủy cho ông Ti-tô là người khéo thương lượng, là nhà ngoại giao tài tình, đi gặp gỡ lại các tín đồ Co-rin-tô. Ông Ti-tô có đem theo lá thư thứ ba này hay là T. Phao-lô đã viết và gởi liền sau khi ông đã đi? Ta không biết được T. Phao-lô sốt ruột muốn rõ thái độ người Co-rin-tô làm sao, họ phản ứng thế nào sau bức Thư ngài viết và sứ mạng ông Ti-tô kết cục làm sao. Nhưng hoàn cảnh buộc ngài bỏ Ê-phê-sô đi Trô-át, rồi sang Ma-kê-đoan. Và chính tại đó, cuối cùng ông Ti-tô đã đến đem những tin mừng (2C 7,13).

T. Phao-lô phấn khởi nên viết bài biện hộ ôn hòa cho chức tông đồ của ngài, và thêm vào đó lời kêu mời ủng hộ cuộc lạc quyên (ch. 8 và 9 mà ch. 9 có thể là một lá Thư riêng biệt lập với ch. 8). Ðó là bức Thư Co-rin-tô thứ hai của ta bây giờ (D). Ông Ti-tô lại đi Cô-rin-tô chuẩn bị cho T. Phao-lô đến. Chẳng bao lâu T. Tông đồ lại gặp ông Ti-tô ở đấy. Bấy giờ là cuối năm 56 (hay 57). Chính trong lần lưu trú thứ ba tại Co-rin-tô này tâm hồn T. Phao-lô sẽ được hoàn toàn sáng suốt để biên soạn Thư Rô-ma.

 

Cơ cấu

Trong Thư này thấy rõ ba phần lớn:

1. T. Phaolô và những mối tương quan giữa ngài với cộng đoàn Co-rin-tô: 1,1-7,16.

T. Tông đồ xuýt chết tại A-si-a (1,8), không vì nhẹ dạ mà triển hạn cuộc hành trình đã hứa, nhưng chính vì muốn thứ tha (1,11-2,13). Từ 2,14 tới 7,4, T. Phaolô gợi nhớ sự cao cả của sứ vụ tông đồ: ngài nêu rõ sứ vụ Tân Ước trỗi vượt hơn sứ vụ Cựu Ước (2,14-4,6), rồi chứng tỏ những gian truân và niềm hi vọng chắc chắn của sứ vụ Tân Ước (4,7-5,10). Sứ vụ ấy hiện thời rõ ràng là như làm sứ thần cho Ðức Ki-tô và giao hòa với thế gian (5,11-21). Những khó khăn như mũi nhọn thúc đẩy T. Tông đồ mở rộng tâm hồn cho người Co-rin-tô (6,1-7,4). Từ 7,4 đến 7,16, T. Phao-lô nhắc lại việc ông Ti-tô đã gặp ngài ở Ma-kê-đoan thế nào sau khi đã giải quyết cuộc khủng hoảng một cách may mắn.

2. Hai bài huấn dụ về việc lạc quyên giúp Giáo đoàn Giê-ru-sa-lem: ch. 8 và 9.

3. Các ch. 10-13 làm thành một đoạn dài, văn thể thiết tha, đôi khi chua chát, nhưng vẫn luôn luôn tràn đầy sự đòi hỏi chân lý và đức tin, trong đó T. Phao-lô biện hộ cho tính chính tông của sứ vụ ngài. Chỉ cần đọc 11,22-32 và 12,1-10, là xác tín được quyền năng của Tin Mừng qua đời sống của T. Phao-lô.

 

Tông đồ của Ðức Giê-su Ki-tô

Cái hứng thú sâu xa của Thư 2 Co-rin-tô là dung hòa chặt chẽ với nhau những biến cố loài người và sự hiện diện tác động của Chúa. Không phải một bên là bài trình bày giáo lý, còn bên kia là bài suy ngắm về cuộc sống, nhưng là cùng một cái đà rất mạnh mẽ, cùng một động lực sâu xa liên kết chặt chẽ bản thân Ðức Ki-tô và Tác động hiện thời của Người với đời sống hiện tại các ki-tô hữu trong Giáo đoàn Co-rin-tô và nhất là với đời sống hiện tại của T. Tông đồ.

Năng thấy liên kết Tác động của Thánh Linh với Tác động của Ðức Ki-tô (1,21; 3,18). Ðôi khi lại thêm tác động của Ðức Chúa Cha như ở 1,21-22. Như thế, Ðức Ki-tô, Thánh Linh, Ðức Chúa Cha tương quan rất chặt chẽ với nhau như ở 3,3 và 13,13. Mấy định thức này phác họa ra điều các thế kỷ sau người ta sẽ gọi là Ba Ngôi, nhưng phác họa mà nhấn mạnh tới sự khác nhau và sự nhất trí của tác động các Ngài: Ðức Ki-tô, Ðức Chúa Cha, Thánh Linh can thiệp vào đời sống của cá nhân tín hữu và đời sống của cộng đoàn hầu thể hiện công trình cứu độ.

Một sự kiện đáng ta lưu ý: T. Tông đồ nhấn mạnh tới Ðức Ki-tô. Việc dùng rất nhiều từ ngữ "trong Ðức Ki-tô" nêu rõ mối tương quan hiệp thông hiện thời và định thức "với Ðức Ki-tô" quả quyết sự hiệp thông sau này chặt chẽ hơn khi ta sẽ sống lại từ trong cõi chết. T. Tông đồ tìm được lối diễn tả lời tuyên xưng đức tin vào Ðức Ki-tô một cách thật là viên mãn tuyệt vời: đó là câu "Ðức Ki-tô hình ảnh Thiên Chúa" ở 4,4. Bằng định thức "hình ảnh Thiên Chúa" T. Tông đồ diễn tả đặc tính riêng của Thân Thể Ðức Ki-tô. Ðức Ki-tô là Người thật như ông A-đam, hình ảnh Thiên Chúa. Ðức Ki-tô là Ðấng mặc khải Thiên Chúa ở dưới đất này: Người là hình ảnh Thiên Chúa nghĩa là Ðấng mà mọi người đều có thể gặp được Thiên Chúa nơi Người.

Như vậy cái chết và sự sống lại của Ðức Ki-tô vẫn luôn luôn giao tiếp với T. Tông đồ, với cộng đồng hay với cá nhân ki-tô hữu làm một với những công hiệu hiện thời của cái chết và sự sống ấy.

2 Co-rin-tô là bức Thư tuyệt vời bàn tới sứ vụ tông đồ. T. Tông đồ tiến bước trong đoàn rước khải hoàn của Ðức Ki-tô và rải hương thơm sự hiểu biết Người, mùi thơm làm cho được sống (2,14-17). Thế là T. Tông đồ tham dự vào số mệnh của Ðức Ki-tô, mang lấy trong thân thể mình cái chết của Ðức Giê-su, để cho sự sống của Ðức Giê-su cũng tỏ bày ra trong đó. Sứ điệp Tông đồ của T. Phao-lô là bức Thư sống động: đó là cộng đồng Co-rin-tô; T. Phao-lô tuyên bố với người Co-rin-tô rằng: "Bức thư của chúng tôi, chính là anh em đó!" (3,2). T. Phao-lô đã tìm được kiểu nói đúng, để mô tả sự cao trọng và giòn mỏng của sứ vụ ngài: "mang kho tàng quí báu trong những bình sành" (4,7). Và phần đan cử mạnh mẽ và tế nhị ở 6,4-10, nêu đúng quyền năng và sứ vụ ngài. Ðặc tính nhân loại của sứ vụ ấy hiện lên rõ ràng nhờ mọi chi tiết T. Tông đồ nói về đời quá khứ ngài chuyên phục vụ Ðức Ki-tô (11,22-31) và tỏ cho ta biết xiết bao cảnh gian nguy, cực khổ và khốn nạn, thật là kinh khủng bản thân ngài đã lần lượt gánh chịu! Nhưng là gánh chịu như là một người đã được nghe lời Chúa dạy rằng: "Ơn Ta đã đủ cho con; vì quyền năng Ta càng tỏ rõ khi con yếu đuối" (12,9). Ngài làm sứ thần cho Ðức Ki-tô (5,20). Ngài thấy Chúa giao cho sứ vụ giao hòa (5,18). Vì Chúa đã ban cho ngài có khả năng làm thừa tác cho Giao Ước mới (3,6).

 

Cựu Ước

Khi quả quyết rằng người Co-rin-tô đã trở nên bức thư của Ðức Ki-tô ký thác cho sứ vụ ngài, T. Phao-lô cho là đã thể hiện Giao ước mới do ngôn sứ Giê-rê-mia đã loan báo xưa (31,31-33). Không phải là bổ túc hay hoàn thiện hóa giữa Giao ước cũ, vì tuy người chạm trổ với hình chạm trổ cũng là một, nhưng đã chuyển đi từ bằng đá sang bằng thịt, từ sách viết sang tâm hồn. Giao ước mới này không giới hạn vào một mình I-ra-en, vì mở rộng ra cho hết thảy những ai đón tiếp tác động Thánh Linh trong mình. Muốn chứng tỏ làm sao Giao Ước này thật là Giáo Ước mới, T. Phao-lô đưa ra câu so sánh cảm động giữa Giao Ước xưa ký với ông Môi-sen và Giao Ước mới. Ðây là lần đầu tiên gọi Giáo Ước Môi-sen là Giao Ước cũ và đặt tên cho sách Thánh trong đạo Do-thái là Cựu Ước (3,14). Từ đây Thiên Chúa tác động trong mọi tâm hồn, kỷ nguyên của Thánh Linh đã khởi sự. Giao Ước mới không thể cố định vào chữ viết như trường hợp Giao Ước cũ khi xưa, vì Thánh Linh chính là Ðấng thông ban sự sống (3,6).

 

Chỉ một Hội Thánh mà thôi

Vào khoảng năm 55 tức là một thế hệ sau khi Ðức Giê-su Tử nạn Phục sinh, mối nguy lớn là mỗi cộng đồng địa phương nhấn mạnh tới các đặc tính riêng của mình, mà làm thiệt hại cho sự hiệp thông giữa mọi Giáo đoàn hết thảy. Ðồi với T. Tông đồ Phao-lô, thời kỳ Ðấng Thụ Hấn đã bắt đầu (x. Is 60-62); nên ngài đề nghị một cuộc lạc quyên, mà có ít người đã tặng cho phẩm tính là "hiệp tâm", vì cốt ý làm nổi bật mối liên kết giữa các Giáo đoàn xuất phát từ cuộc truyền giáo và hàng thánh hữu tại Giê-ru-sa-lem đang bị đói khát túng cực! Người Co-rin-tô nhiệt thành ủng hộ cuộc lạc quyên ấy. Họ là những kẻ đầu tiên đề nghị tổ chức rộng rãi nơi các Giáo đoàn khác nữa. Ðề nghị cho người khác rộng tay quyên góp thì dễ dàng hơn chính mình sống quảng tâm: vì người Co-rin-tô đã chậm trễ làm việc ấy (9,4). Ðối với T. Tông đồ, việc tương trợ là dấu chỉ sự hiệp thông thâm trầm: vì chỉ có Một Giáo Hội Thiên Chúa ở tại Co-rin-tô, cũng như ở tại các nơi khác nữa. Cuộc lạc quyên phải tỏ ra sự hiệp thông qua những nét dị biệt và nêu rõ sự duy nhất của dân mới, thành bởi người Do-thái cũng như người ngoài Do-thái.

 

Tính hiện thời

Thời đại chúng ta ưa các chỉ dẫn chính xác và các sự kiện tiểu sử: Thư 2 Co-rin-tô đáp ứng lại sự mong chờ ấy và cung cấp cho ta nhiều chi tiết về đời sống của T. Tông đồ. Thư này có thể gây hứng thú cho nhà tâm lý, thậm chí cả cho nhà phân tâm học, cho nhà chú giải, cho thần học gia, cho sử gia hay cho độc giả thường: ai nấy đều khám phá được ngay trong đời sống, một con người, một vị chủ chăn, một vị tông đồ đụng đầu với những vấn đề mới mẻ và gay go. Sau hết trong thời đầu Giáo Hội này, tất cả đều ở trong tình trạng tìm tòi, vì tất cả đều là cái phải tìm cho ra. Về điểm ấy, Thư 2 Co-rin-tô có thể cung cấp cho nhiều chỉ dẫn và phác họa về những giải pháp cần cho các Giáo đoàn, vì phải sống trong hoàn cảnh mới, nên cần tìm ra những hình thức mới để sống trung thành với Tin Mừng vĩnh cửu. 

 


Back to Home Page