Chú Giải Tân Ước Theo TOB

Theo bản dịch của Linh Mục An Sơn Vị

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Tiểu Dẫn Thư 1 Gửi Tín Hữu Cô-rin-tô

Ðức Kitô Cao Minh Thiên Chúa

 

Cộng đoàn Cô-rin-tô

T. Phao-lô đã sống mười tám tháng ở Cô-rin-tô để loan báo Tin Mừng tại đó (Cv 18,1-8), từ năm 50 đến 52. Theo một số người ước lượng, tuy không chắc lắm, thì dân số Co-rin-tô thời ấy có hơn nửa triệu người, mà hai phần ba là nô lệ. Bị phá hủy năm 146 trước Công nguyên, rồi một trăm năm sau được ông Xê-sa-rê tái thiết, đó là một thành thị mới, sẽ thịnh vượng phi thường nhờ vị trí địa lý và hai cửa biển, một là Ken-cơ-rê trên biển Ê-giê (vịnh Sa-rô-ních), hai là Lê-chê, trên biển A-di-a-tích (vịnh Co-rin-tô).

Co-rin-tô có hai đặc tính trong đời sống những cửa biển lớn thuộc bất cứ thời đại nào. Một là dân cư gồm mọi nòi giống, mọi tông giáo pha trộn với nhau, hai là đời sống xa hoa buông tuồng của những người thủy thủ ham mê tìm lạc thú, sau những tháng vượt biển lâu dài. Việc tôn thờ chính yếu tại Co-rin-tô là thờ thần A-pho-đi-tô. Có một đền thờ kính dâng cho thần ấy, mà nhân viên trong đền chuyên nghề mãi dâm thần thánh. Ngay thời A-rít-to-phan kiểu nói "sống theo lối Co-rin-tô" đã có nghĩa xấu xa rồi. Hậu quả người ta có thể thấy trước được là thiểu số thì giàu có tha hồ phè phỡn, còn đa số thì nghèo xác nghèo xơ. Sau hết thành thị tứ chiến này là một trung tâm tinh thần gồm có đại diện của mọi gia đình trí thức. Vào thế kỷ thứ hai, một nhà tu từ dã có thể khen Co-rin-tô vì có nhiều trường học, nhiều triết gia và nhiều văn sĩ, mà bất luận ở góc phố nào người ta cũng đều gặp thấy. Co-rin-tô là một trung tâm tông giáo, trong đó các loại tôn thờ huyền bí của Ðông phương có sức lôi cuốn rất nhiều.

Cộng đoàn ki-tô hữu do lời T. Phao-lô rao giảng qui tụ ở Co-rin-tô gồm có những thành phần phản ảnh đúng tình hình thị xã ấy. Có những người giàu và những người nghèo (11,21-22), nhưng số người trên thật là ít (1,26), còn toàn thể gồm những người hèn kém, những tên nô lệ (7,21), nói tắt là những kẻ bị người ta khinh rẻ (1,28).

Những ki-tô hữu ấy làm thành một công đoàn sống động và sốt sắng, nhưng rất dễ bị lôi kéo theo đà hư hỏng trong nếp sống xung quanh mình: nào trai gái buông tuồng (6,12-20), nào cãi cọ theo triết lý dân ngoại lén vào Hội Thánh dưới hình thức lớp sơn ki-tô giáo bên ngoài (1,19-2,10) và làm sai lạc  những xác tín căn bản trong niềm tin mới (ch. 15), nào sức thu hút của cả các tông giáo huyền bí mà những biểu lộ vô trật tự chực tái diễn trong các buổi hội ki-tô giáo (14,26-38). Mầm cây ki-tô giáo lành mạnh và cường tráng, nhưng rễ nó bám vào mảnh đất không đồng nhất với mình. Ðó là tình cảnh bất bình thường, nên được Thánh Linh đến phù trợ, phân phát nhiều ơn huệ phi thường (12-14) và trong các Thư ngài viết, T. Phao-lô tìm cách thay đổi đi, nhờ cung cấp cho mầm cây non chất mầu ki-tô giáo nó còn thiếu thốn.

Ðó là điều làm cho Thư này đáng lưu tâm. Ðọc Thư, ta thấy rõ các vấn đề đặt ra do việc đức tin ki-tô giáo ăn rễ vào một nền văn hóa dân ngoại và những phương thế T. Phao-lô dùng để giải quyết các vấn đề này.

 

Các hoàn cảnh đòi gởi bức Thư

Xin ghi lại vắn tắt những biến cố theo nhau từ khi T. Phao-lô rao giảng tại Co-rin-tô lần thứ nhất tới khi ngài gởi Thư Co-rin-tô này. Khi trẩy đi rồi, T. Phao-lô vẫn liên lạc với cộng đoàn ngài đã sáng lập. Nhờ 5,9-13, ta biết là trước Thư 1C đã có một Thư khác (thường gọi là Thư tiền qui điển) hiện nay ta không còn giữ được. Trong Thư đó, T. Phao-lô có bàn về những mối tương quan giữa ki-tô hữu và những "kẻ buông tuồng". Một ít phê bình gia trưởng là có một đoạn Thư ấy ghi lại ở 2C 6,14-7,1. Có lẽ đó là đáp lại một bức Thư giáo đoàn Co-rin-tô đã gởi đặt ra một số câu hỏi và T. Phao-lô đã trả lời. Ðàng khác, nhờ tường thuật trong sách Công vụ (18,24-28), ta biết rằng cộng đoàn Co-rin-tô đã tiếp đón một nhà giảng thuyết ki-tô giáo rất có giá trị là ông A-po-lô, một người Do-thái gốc ở thành A-léc-xan-di, đã theo niềm tin mới và tại Ê-phê-sô đã dứt khoát trở lại với Ðức Ki-tô nhờ ông A-qui-la và bà Phi-ca và được ông bà gởi thơ giới thiệu khi ông ấy trẩy đi thành Co-rin-tô. Sách Công vụ xác định thêm rằng ông A-po-lô là người lợi khẩu, thông thạo Thánh Kinh và tại Co-rin-tô ông giúp đỡ Giáo đoàn nhiều lắm, cách riêng là trong những cuộc tranh luận với người Do-thái. Có lẽ ông tài giỏi hơn, nên T. Phao-lô bị người ta chê là thiếu lợi khẩu (2C 10,10). Ta dễ hiểu đó là lý do làm cho xuất hiện một bè nại tới ông A-po-lô và tranh giành với nhóm tín đồ tự xưng là môn đệ T. Phao-lô (1,12). Hẳn là ông A-po-lô không ủng hộ việc hình thành nhóm đó, vì ông ở lại Co-rin-tô chẳng bao lâu và khi T. Phao-lô viết Thư 1C thì ông đang lưu trú ở Ê-phê-sô với ngài và từ chối không chịu quay về Co-rin-tô, mặc dù T. Tông đồ khuyên nhủ. Hẳn là vì ông không muốn ra vẻ như ưng thuận bè phái nại đến mình (16,12). Ðối lập với bè ông A-po-lô, là bè T. Phao-lô, bè T. Phê-rô và bè Ðức ki-tô (1,12). Nhóm thứ nhất có lẽ thành bởi những tín đồ thán phục T. Phao-lô và quyến luyến ngài cách riêng theo óc phe đảng. Nhóm thứ hai xuất hiện sau khi những ki-tô hữu nại tới T. Phê-rô có dịp ghé qua Co-rin-tô (Kê-pha là tên A-ram của ngài, dịch sang tiếng Hi-lạp là Petros). Có lẽ chính T. Phê-rô cũng đến thành Co-rin-tô nữa. Vì theo 9,5, hình như giáo hữu Co-rin-tô biết rõ ngài. Còn bè Ðức Ki-tô, thì người ta đã nêu ra nhiều giả thuyết rất khác nhau: nào nhóm tín đồ Do-thái hóa chỉ muốn nhìn nhận Ðức Giê-su là Ðấng Mê-xi-a Do-thái, nào nhóm ngộ đạo duy linh, chủ trương mình chỉ lệ thuộc vào Thần Linh của Ðức Ki-tô, và phủ nhận mọi tổ chức, mọi cộng đoàn Hội Thánh v.v. Có lẽ nhóm này thật sự không xuất hiện bao giờ, vì kiểu nói "tôi thuộc về Ðức Ki-tô" (1,12) có thể chỉ là điều nhận xét của một người sao chép, rồi về sau câu ấy xen vào bản văn hoặc là câu T. Phao-lô trả lời những tự đắc tự cao của các người theo mấy bè phái kia. Những chia rẽ này có liên quan tới sức thu hút tại Co-rin-tô do thứ khôn ngoan bí truyền vừa có tính triết học, vừa có vẻ thần bí gây nên. Chính vì thế, mà trong thư ngài, T. Phao-lô nối kết hai đề tài chia rẽ và khôn ngoan lầm lạc ấy với nhau, và đối lập với sự khôn ngoan ấy là sự khôn ngoan của Ðức Ki-tô, sự khôn ngoan của Thánh giá (1,10-3,4).

Tình thế nguy ngập ấy hẳn là đã đến tai T. Phao-lô, khi ngài lưu trú tại Ê-phê-sô, trong cuộc hành trình truyền giáo thứ ba của ngài (Cv 19), trước là nhờ ông A-po-lô, sau là là nhờ các người nhà Cơ-lo-ê (x. 1,11). Ngài còn biết nhiều tin đáng lo ngại khác, hẳn là do cùng một đường dây. Ðó là trường hợp một người loạn luân sống với bà dì ghẻ (5,1-13), các vụ ki-tô hữu kiện nhau trước tòa án người ngoại giáo (6,1-11), những nố buông tuồng (6,12-20), những rối loạn trong khi cử hành phép Sùng Ân và trong các phiên hội phụng thờ (11,2-34), những giáo lý sai lạc về việc kẻ chết sống lại (15). Ðàng khác chính người Co-rin-tô cũng xin T. Phao-lô can thiệp vì họ đã viết thư cho ngài về một số vấn đề. Ta có thể nói chắc điều ấy về sự đồng trinh và hôn nhân (x. 7,1); ta có cả lý do giả thiết như vậy về việc ăn thịt cúng ngẫu tượng: có được phép ăn hay không (x. 8,1)? hoặc về các ơn huệ linh thiêng: phẩm trật các ân huệ đó thế nào, xử dụng làm sao (x. 12,1). Những nguyên tố này làm thành những vấn đề khác nhau T. Phao-lô đề cập đến trong Thư ngài. T. Tông đồ muốn sửa chữa các điều lạm dụng, tái thiết sự bình an hòa hợp trong cộng đồng, trả lời nhiều vấn đề do đời sống ki-tô hữu đặt ra cho tín đồ ở Co-rin-tô. Có thể coi Thư này đã viết vào mùa xuân năm 56 (x. ám chỉ lễ Vượt qua ở 5,7-8).

 

Lược đồ Thư và những phương thức biên soạn

Khác với Thư Rô-ma chẳng hạn, người ta không bao giờ tranh luận về việc phân chia Thư 1 Co-rin-tô thành nhiều phần nhỏ; vì đó là điều quá hiển nhiên T. Phao-lô chỉ lần lượt bàn đến các đề tài đan cử trên này. Phải chăng có thể gom các phần nhỏ ấy thành những phần lớn hơn? Người ta thường đề nghị lược đồ hai phần: một là sự chia rẽ và sự gây vấp phạm (1-6), hai là giải quyết những vấn đề do đời sống cộng đoàn đặt ra (7-15). Thực sự không chắc việc đi kiện nơi tòa án ngoại giáo (6,1-11) là điều "gây vấp phạm" nhiều hơn những chia rẽ trong việc cứ hành phép Sùng Ân (11,17-34) hay thái độ những người làm cho kẻ yếu đức tin bị vấp phạm (8,7-13). Tốt hơn nên nhận là T. Phao-lô đã bàn tới các đề tài khác nhau trong Thư này, tùy theo thứ tự nó xuất hiện trong tư tưởng ngài. Như thế ta có những phần khó sau đây, mà không thể nói là lược đồ theo nghĩa chặt:

 

- Chào thăm và tạ ơn 1,1-9.

1. Các bè đảng trong cộng đoàn Co-rin-tô (1,10-4,21).

2. Trường hợp loạn luân (5,1-13).

3. Ði kiện nơi tòa án ngoại giáo (6,1-11).

4. Việc tà dâm (6,12-20).

5. Hôn nhân và đồng trinh (7).

6. Ăn thịt cúng ngẫu tượng (8,1-11,1).

7. Cách ăn mặc trong phiên hội tông giáo (11,2-14,40).

8. Việc kẻ chết sống lại (15).

- Nhắn nhủ, chào thăm, kết thư (16).

 

Nên ký nhận là một ít phần gom những đề tài tương tự, nhưng vẫn khác nhau và có tầm quan trọng không đều. Ví dụ như ba phần tư đoạn 7 (cách ăn mặc trong phiên hội tông giáo) đã dành cho " các ân huệ linh thiêng" hoặc "linh ân" (12-14) và chính nhân dịp này mà T. Phao-lô tán tụng đức Thương yêu trong bài ca nổi tiếng ch. 13, để chứng minh tình yêu vượt trên mọi ơn huệ khác Thiên Chúa ban cho. Còn trong một phần tư ở đầu đoạn 7, đã bàn tới cách ăn mặc phụ nữ và việc cử hành Tiệc Chúa, nhưng vắn tắt hơn nhiều. Vậy không nên tìm trong bản văn này một ý tưởng chung chi phối việc gom các đoạn với nhau hay cả việc sắp xếp từng đoạn một.

Cách thế T. Phao-lô quảng diễn tư tưởng ngài trong mỗi đề tài đôi khi làm cho óc tây phương phải ngạc nhiên bỡ ngỡ. Người ta thường ký nhận là T. Phao-lô theo lược đồ đường tròn kiểu A B A'. Ví dụ như ở ch. 7, T. Phao-lô trước hết trình bày giáo lý ngài về hôn nhân và đồng trinh (A: 1-16). Rồi ngài nêu nguyên lý căn bản: ai nấy cứ ở lại trong tình trạng của mình khi được ơn Chúa kêu gọi (B: 17-24). Sau hết, nhờ ánh sáng của nguyên lý ấy, T. Phao-lô xác định và đào sâu giáo huấn ngài (A': 25-40). Ta gặp thấy lược đồ tương tự trong các phần quảng diễn về thịt cúng ngẫu tượng (8,1-11,1), và về các ơn huệ linh thiêng (ch. 12-14), mà nguyên lý chỉ huy B trước là địa vị ưu tiên của đức yêu thương và việc phục vụ Tin Mừng (8,7-13; 10,24), sau là tình liên đới giữa các chi thể trong cùng một thân (12,12-16).

Còn cơ cấu đoạn thứ nhất (1,10-4,21: các bè đảng trong cộng đoàn Co-rin-tô, thì khó phân biệt hơn. Ðây cũng là lược đồ A B A', nhưng soạn thảo cẩn thận hơn. Không có ý trình bày chi tiết về lược đồ mấy chương gồm có nhiều khúc rẽ ngang này, nhưng ta có thể dễ dàng nêu bật lên đường hướng chung. Trước hết ta thấy rõ hai phần: một là khúc 1,10-3,23 làm thành như bản trình bày giáo huấn, hai là ch. 4 áp dụng luân lý của mấy nguyên lý đã nêu lên. Chính trong phần thứ nhất, ta lại gặp thấy lược đồ nói trên, nhưng ở đây lại xuất hiện theo hình thức A A1 B A'1 A'. Ðầu hết tố cáo hai điều rối loạn, là các sự chia rẽ (A: 1,10-16) và sự khôn ngoan loài người (A1: 1,17-25). Nguyên lý căn bản B, T. Phao-lô căn cứ vào đấy để tố cáo và lên án những lạc hướng này, ta gặp thấy nêu lên ở 1,30: đời sống ki-tô hữu là sống trong Ðức Ki-tô nguồn duy nhất của sự khôn ngoan và ơn cứu độ. Như thế thì T. Phao-lô có thể bàn tới các đặc tính của sự khôn ngoan thật là việc ban phát Thánh Linh (A'1: 2,6-16) và tỏ ra sự vấp phạm do các chia rẽ gây nên: chia rẽ là trái nghịch với bản chất thật của Cộng đồng, vì Cộng đồng là ngôi nhà xây trên đá tảng duy nhất là Ðức Ki-tô (A': 3,1-16). Ta lại thấy một cơ cấu mới theo hình thức chuyển hoán trong phần kết (3,18-23) nhắc lại hai đề tài ở phần đầu (chia rẽ và khôn ngoan giả mạo), nhưng theo thứ tự đảo ngược: ai tự coi mình khôn ngoan theo cách thế gian, thì hãy chấp nhận ơn khôn ngoan Ðức Ki-tô ban phát, mặc dầu có thể bị thế gian coi là điên dại (3,18); sau hết thay vì các chia rẽ làm cho ki-tô hữu thành nô lệ người phàm (1,12: "Tôi thuộc về ông Phao-lô, tôi thuộc về ông A-po-lô, tôi thuộc về ông Kê-pha"), chính sự thuộc về một mình Ðức Ki-tô sẽ làm cho ki-tô hữu không những được tự do và nhất trí trong Ðức Ki-tô, lại còn được quyền thống trị trên tất cả: "Tất cả đều thuộc về anh em... dù thế gian, dù sự sống, dù sự chết, dù hiện tại, dù tương lai, tất cả đều thuộc về anh em"; và những người họ muốn lam nô lệ kia, thực ra chính là những tôi tớ họ: "Tất cả đều thuộc về anh em dù Phao-lô, dù A-po-lô hay Kê-pha cũng thế...!" (3,22).

Ta còn gặp thấy cơ cấu A B A' trong các đoạn khác nữa: ví dụ như trong khúc bản về Tiệc Chúa (11,17-34): mục nhắc tới việc lập phép Sùng Ân (11,23-26) trình bày thực tại căn bản (B), có thể theo ánh sáng ấy để lên án và điều chỉnh (A': 11,28-34) các chia rẽ đề cập đến ở đầu Thư (A: 11,17-22). Bài ca tán tụng lòng yêu thương (ch. 13) có thể kết cấu theo cùng một kiểu mẫu. Bắt đầu quảng diễn sự trổi vượt của lòng yêu thương, nếu thiếu thì mọi đoàn sủng phi thường tới mấy cũng hóa ra vô dụng (A: c. 1-3), rồi tới khúc mô tả những công việc phát xuất từ lòng yêu thương (B: c. 4-7); trong phần kết, T. Phao-lô lại có thể quảng diễn thêm lần nữa cách sâu xa hơn, đề tài về sự trổi vượt của lòng yêu thương là cái không bao giờ qua đi, trong khi mọi sự khác đều sẽ tan biến cả (A': c. 8-13).

 

Những vấn đề chính bàn trong Thư

Những vấn đề riêng T. Phao-lô bàn đến trong Thư này đều xuất phát từ vấn đề căn bản đã đặt ra ở bất cứ thời đại nào trong lịch sử Hội Thánh, cách riêng là trong hoạt động thừa sai của Hội Thánh, và ngày nay còn đặt ra cách khẩn trương hơn bất luận khi nào. Ðó là vấn đề sứ điệp ki-tô giáo ăn rễ vào một nền văn hóa khác với nền văn hóa nó đã sống trước kia. Ðây là chuyển nền văn hóa của giới Do-thái Pa-lê-tin sang nền văn hóa của giới Hi-lạp. Nền văn hóa này do những động lực khác xa chi phối và cấu tạo nên và có nguy cơ không những là biến tính, mà lại sâu xa hơn nữa, còn đồng hóa sứ điệp ấy theo nghĩa đồng hóa sinh vật học. Vì nền văn hóa Hi-lạp căn bản là ngoại giáo, chỉ giữ lại trong sứ điệp Tin Mừng những gì hòa hợp với nó, còn bao nhiêu thứ khác thì bỏ vất đi. Hiện tượng này đã thường xảy ra, nhất là trong nhiều trào lưu ngộ đạo Ki-tô giáo thế kỷ thứ 2, và trải qua các thế hệ, trong các xứ đã được Phúc âm hóa vội vàng, mà hậu quả là tinh thần ngoại giáo trước kia vẫn còn sống sót, chỉ mượn những yếu tố đức tin Ki-tô giáo làm nước sơn lên ngoài mặt mà thôi. Trước vấn đề này, thái độ T. Phao-lô vừa cương quyết lại vừa tế nhị: ngài cương quyết nhấn mạnh tới khía cạnh đoạn tuyệt, mà lên án khắc nghiệt những cách ăn nết ở và giáo lý không thể dung hòa với sứ điệp ngài rao giảng. Nhưng khi nào không có sự bất khả dung hòa, thì ngài khoan dung đón nhận.

Theo viễn ảnh đó, ta thử xét qua những vấn đề chính đề cập đến trong Thư.

Về vấn đề chia rẽ trong cộng đồng và sự khôn ngoan thật với sự khôn ngoan giả, có một điều gần như không thể nào tránh được. Ðó là vì sống trong thế giới tông giáo Hi-lạp, ki-tô hữu tất nhiên bị cám dỗ suy tư đức tin mình theo kiểu nhiều trường phái khôn ngoan qui tụ các môn đồ xung quanh một ông thầy nổi tiếng. Vì thế mà họ say mê những vị giảng thuyết như ông A-po-lô, vì ông này hẳn là có vẻ hào nhoáng và tài hùng biện của các bậc thầy ngoại giáo kia, do đó sinh ra chia rẽ, vì ai nấy đều muốn đặt mình dưới quyền bảo trợ của một lãnh tụ trường phái. T. Phao-lô quyết tâm phản ứng thật là mãnh liệt. Ngài cương quyết chống lại tình trạng ấy, vì thấy đó là mối hiểm nguy muốn biến đức tin ki-tô giáo thành một sự khôn ngoan triết lý loài người, và ngài nhận thấy có những cạnh tranh trường phái do đó gây nên. Ta chỉ coi là quá đáng sự ngài quyết tâm đối lập sự khôn ngoan loài người với sự "điên rồ" lời giảng (1,17-25), nếu ta quên mối tranh dành của cuộc chiến đấu này. Vì theo lời chính T. Phao-lô nói, ngài làm như vậy "để đức tin anh em không căn cứ trên sự khôn ngoan loài người, nhưng trên quyền năng Thiên Chúa" (2,5). Nhưng đồng thời ngài lại quyết tâm liệu cho những người thiện chí muốn tìm hiểu sự khôn ngoan, như ngài thấy xuất hiện ở Co-rin-tô, khỏi phải thối chí ngã lòng. Vì thế ngài trình bày với độc giả chính sự khôn ngoan thật, không phải là kết quả do việc tìm kiếm triết lý loài người, nhưng là hồng ân Thiên Chúa do Thánh Linh Ngài thông cho (2,6-16).

Các vấn đề liên quan tới luân lý phu thê, cũng là những vấn đề đặt ra do niềm tin mới gặp gỡ nền văn hóa xung quanh hoặc quá phóng túng trong phạm vi này (5,1-13; 6,12-19; x. 6,14), hoặc khinh chê xác thịt như thường thấy trong mấy khuynh hướng triết học đương thời (x. 7,1) và coi việc kiêng cữ hôn nhân là một lý tưởng tuyệt đối. Ðiều T. Phao-lô nhắm vào là lo trình bày đường ngay nẻo chính, chống lại các điều cực đoan đối lập với nhau. Ngài vừa lên án quyết liệt mọi hình thức trai gái buông tuồng, vừa nêu tính hợp pháp và giá trị hôn phối, vừa tán dương sự đồng trinh (ch. 7). Nguyên lý căn bản cho những phân biệt ấy, là điều ngài nêu lên ở 6,12, rồi nhắc lại ở 10,23: "Tất cả đều được phép, nhưng tất cả không thích hợp". Ki-tô hữu được giải phóng khỏi mọi gò bó bên ngoài, cả trong mọi phạm vi luân lý, nhưng phải dùng sự tự do ấy để tìm trong mọi hoàn cảnh những gì thích hợp hơn với đời sống mới do Thánh Linh tác động.

Cũng nguyên lý ấy (x. 10,23) soi sáng cho vấn đề tiếp theo, tức vấn đề ăn thịt cúng tà thần (ch. 8-10). Ðây cũng vậy, ta đứng trước một trường hợp đức tin ki-tô hữu phải nhất quyết theo hay chống một khía cạnh của nền văn hóa ngoại giáo xung quanh. Ở đây, các nguyên lý giúp ta giải quyết cũng giống như trên: phải loại trừ tất cả những gì đối nghịch với đức tin: đó là trường hợp dự phần bữa ăn tông giáo người ngoại (x. 10,14-22). Trái lại, ăn tại nhà mình hay tại nhà người khác những thứ thịt người ngoại đã cúng tế tà thần, đó là sự hoàn toàn vô can về phương diện ki-tô giáo (8,7-8). Nhưng môn đồ Ðức Ki-tô còn phải lưu tâm tới điều khác nữa: đó là tình huynh đệ không cho phép người ấy làm cớ cho kẻ yếu đức tin phải vấp phạm (8,9-13).

Những rối loạn trong các phiên hội tông giáo (ch. 11-14) là một trường hợp mới, làm cho đời sống ki-tô giáo bị nhiễm độc do cách ăn nết ở theo tinh thần ngoại giáo. Dù là lạm dụng trong khi cử hành phép Sùng Ân, là nơi hình như bầu khí khả nghi những tiệc tế dân ngoại đã thấm vào (say sưa 11,21), dù là bầu khí các phiên hội phụng thờ, là nơi lại gặp thấy những yếu tố bồng bột có phần mê sáng nơi ít nhiều cuộc hội họp tông giáo, mà ki-tô hữu trước khi trở lại, hẳn là đã năng tham dự vào, bao giờ T. Phao-lô cũng nhắm tới cùng một mục tiêu: bảo toàn tính đặc biệt của việc phụng thờ ki-tô giáo. Việc phụng thờ này không cần theo cách ăn nết ở các tông giáo xung quanh, nhưng cần phản ảnh chính huyền nhiệm do ki-tô hữu cử hành: tức là sự nhất trí của cộng đồng trong Ðức Ki-tô. Do đó ngài nêu lên mấy tiêu chuẩn căn bản: đó là ích chung (12,12-30), việc xây dựng cộng đồng (14,1-19) và trên hết mọi sự là lòng yêu thương (13,1-13).

Sau hết, chương 13 trình bày cho ta thấy cách rõ ràng hơn nữa cuộc chạm trán giữa sứ điệp ki-tô giáo và não trạng xung quanh. Việc kẻ chết sống lại là điều phù hợp với đạo Do-thái vốn quen hiểu con người theo toàn thể duy nhất, nhưng lại không thể ăn rễ vào một nền văn hóa chịu ảnh hưởng sâu xa những triết thuyết nhị nguyên. T. Phao-lô đã có thể đầu hàng trước điều các độc giả ngài "có thể tin", như tác giả sách khôn ngoan và ông Phi-lông đã làm, trong những hoàn cảnh tương tự. Vì họ đã làm hết sức để ít nhấn mạnh đến điểm người ta khó chấp nhận này, và nêu bật lên nhất là đời sống bất tử các linh hồn. Còn T. Phao-lô thì trái lại, ngài mãnh liệt quả quyết về điểm người ta phản đối, tức là việc kẻ chết sống lại. Ngài không tìm cách dùng triết lý để chứng minh là điều ấy có thể được, nhưng ngài chứng tỏ là "nếu kẻ chết không sống lại, thì Ðức Ki-tô cũng không sống lại nữa" (15,13.16) và như thế thì đức tin người Co-rin-tô thật là rỗng không (15,14).

Chính vì điểm sau hết liên quan tới một vấn đề ngày nay còn đặt ra một cách tương tự, nên ta thấy Thư Co-rin-tô thứ nhất có lẽ là bức thư hiện thời hơn hết mọi Thư T. Phao-lô. Hẳn là những giải pháp ngài nêu ra, đôi khi tùy vào điều kiện văn hóa khác với nền văn hóa chúng ta bây giờ (x. 11,2-16); nhưng tình trạng T. Phao-lô phải đương đầu với, cũng chính là tình trạng chúng ta, và những nguyên lý chi phối các lời ngài giải đáp, chưa hề mất chút giá trị nào. 

 


Back to Home Page