Chú Giải Tân Ước Theo TOB

Theo bản dịch của Linh Mục An Sơn Vị

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Tiểu Dẫn Sách Khải Huyền

Ðức Kitô Là Vua Toàn Thắng

 

Khải huyền nghĩa là tỏ ra những gì huyền nhiệm bí ẩn. Vậy khải huyền thuộc loại tập truyền ngôn sứ, là hình thức riêng của tập truyền này, đã phát triển và gây ảnh hưởng nhất là trong văn chương Kinh Thánh và gần Kinh Thánh từ thế kỷ 2 trước Công Nguyên (x. Ðn 7-12), nhưng đã thấy chuẩn bị từ các ngôn sứ Ê-dê-kiên, Gio-en, Da-ca-ri và I-sai 24-27.

 

Ðặc tính chung loại văn khải huyền

1. Hình thức mặc khải

Ðặc tính loại văn ngôn sứ, cả khi có dịp qui chiếu vào những thị kiến, chính yếu là lời Thiên Chúa do ngôn sứ lưu truyền lại, vì ông đã nghe thấy trước hay là trực tiếp cảm nghiệm.

Trong khải huyền, người của Thiên Chúa là một người được thị kiến: ông đã thấy "trời mở ra" hay đã như được "cất lên" và dẫn vào thiên giới, để nhìn ngắm các thực tại, mà bình thường không ai có thể đạt tới. Rồi ông thông truyền sứ điệp dưới hình thức bài tả cảnh hay lời giải thích điều ông đã xem thấy. Ở đây hình ảnh quan trọng hơn lời nói. Lời nói chỉ dùng trong khuôn khổ dàn cảnh và thường thường để nhấn mạnh hay bổ túc thêm ý nghĩa mà thôi.

2. Dùng biểu tượng

Các thực tại trên trời mà nhà thị kiến được nhìn ngắm đây vốn tính là thuộc phạm vi thiên giới, không thể đo lường theo kiểu chung với loài người. Vậy cố nhiên là không thể nào mô tả y nguyên hoặc định nghĩa cho chính xác được. Muốn gợi ý về phạm vi cái Hoàn toàn khác và cái Thánh Thiêng nơi ông đã được dẫn vào, tác giả không còn lối nào khác hơn là cứ mon men tới gần thêm mãi. Ông diễn tả bằng những nét tương tự độc đáo, cảm động, đôi khi có vẻ nghịch thường nữa, như ông đã gặp thấy nhiều kiểu mẫu trong Kinh Thánh cũng như trong cách diễn tả tông giáo của thế giới hi-lạp đông phương hoặc trong phụng tự.

Biểu tượng còn nhắm làm nổi bật lên tính tâm giao của sứ điệp và nêu rõ việc truyền thông sứ điệp này chính là một đặc ân. Văn chương khải huyền muốn dùng các ngụ ngôn, ám chỉ bằng con số hoặc tuyên ngôn bí hiểm, hầu nói với những người đã được khai tâm: chỉ những ai đã nhờ ơn kêu gọi mới có thể hiểu được các điều bí mật Thiên Chúa. Như vậy tác giả vừa cho thấy sứ điệp ông truyền thông là quan trọng, vừa khiến cho độc giả say mê càng tò mò muốn biết.

3. Ðối tượng các thị kiến khải huyền

Lòng đạo đức hi-lạp ưa biết các chân lý cao siêu hay chiêm ngưỡng các thực tại kiểu mẫu. Còn mặc khải Thánh Kinh, thì tuyên bố ý định của Thiên Chúa và hiện diện tác động của Ngài giữa lòng lịch sử. Lời tuyên bố ấy đồng thời cũng là việc lựa chọn, là tiếng kêu mời đáp ứng tác động Thiên Chúa.

Trong lối ngôn ngữ cổ điển, thì khuyên răn trực tiếp và thường xuyên rõ ràng. Khi nhắc cho dân nhớ ơn kêu gọi và số kiếp đặc ân của mình, các ngôn sứ công bố những đòi hỏi hiện thời của Giao Ước. Việc tưởng nhớ các kỳ công thời xưa là căn cứ cho lời khuyên phải trung thành. Việc loan báo những phúc lành mới hay những hình phạt nhắm mục tiêu kích khởi sự quyết tâm cải hóa ngay tức khắc về tâm linh hay về luân lý.

Trong văn chương khải huyền, lời khuyên trung thành hay ăn năn trở lại cũng là căn bản, nhưng không thấy hiển nhiên tức thì. Các thị kiến được coi là truyền thông các bí mật về lịch sử, tỏ ra diễn tiến tất nhiên của các giai đoạn lớn cuối cùng trong ý định Thiên Chúa, loan báo sự xuất hiện một kỷ nguyên mới và những chuẩn bị nhiệm mầu. Như thế là các thị kiến soi sáng cho tín đồ thấy những mục tiêu chân chính của những thăng trầm hiện tại. Nhưng mặc khải như thế, tự nó đã là lời cảnh cáo rồi, đã nuôi dưỡng niềm cậy trông cho người chịu bắt bớ, phục hồi lòng can đảm cho người khô khan nguội lạnh, kêu mời những kẻ lạc đường ăn năn trở về.

Trong lời giảng sứ ngôn, sự ăn năn trở lại và trung thành chỉ tin là điều kiện duy trì Giao Ước. Còn trong thị kiến khải huyền, thì mặc khải về cuộc toàn thắng cuối cùng của Thiên Chúa bao hàm lời khuyên phải kiên tâm bền chí và kêu mời phải luôn luôn sẵn sàng.

4. Ðề tài khẩn trương, đề ngày tháng trước và biệt hiệu

Theo cùng đường hướng sứ ngôn, nhưng dùng những phương tiện khác, sứ điệp khải huyền tự quả quyết là khẩn trương, khiến độc giả tiên cảm thấy là "Ngày của Chúa" và ngày Phán xét sắp đến rồi!

Tác giả gợi ý khẩn trương này bằng nhiều phương thức, mà thông thường nhất là đề ngày tháng trước và dùng biệt hiệu cho các điều mặc khải. Kể như là những mặc khải ngày xưa đã có một nhân vật thời danh đón nhận, rồi từ đấy lưu truyền qua một chuỗi người được thụ giáo hoặc đã tìm lại được cách lạ lùng (ví dụ như Khải huyền Ba-rúc, Mông triệu Môi-sen, Bí mật Hê-nóc, Ét-ra quyển 4). Nguồn gốc tự xưng là thời cổ và kỳ lạ ấy kiện chứng cho tầm quan trọng của những khải huyền, lại khiến cho có thể trình bày một tiến trình lịch sử như là việc sẽ xảy ra, nhưng thực sự khi truyền bá sứ điệp thì tiến trình ấy đã xảy ra rồi. Vì những biến cố mới đây, dưới những biểu tượng trong suốt một cách tài tình, lại vào số những dấu chỉ cuối cùng của ngày Quang lâm tận thế, nên các độc giả nào biết tính ngày tháng đều có thể đón chờ việc tham dự nay mai vào cuộc toàn thắng kẻ lành và gia hình kẻ dữ.

Chú ý việc loan báo ấy đã hiển nhiên: vì kỷ nguyên cánh chung đã gần nên làm cho hiện tại có tầm quan trọng cách riêng, nhờ thế mà nâng đỡ lòng sốt sắng và khuyến khích dấn thân tức thì.

5. Giải thích vũ trụ và lịch sử

Trong khi lời giảng sứ ngôn nhìn diễn tiến ý định Thiên Chúa trong dòng thời gian liên tục và trong khuôn khổ số kiếp lịch sử của dân Chúa chọn, thì văn chương khải huyền lại giả thiết là có giai đoạn triệt để giữa kỷ nguyên hiện tại in dấu vết tội lỗi và sự thống trị của các lực lượng ác thần với thế giới tương lai, nơi Thiên Chúa và các tuyển nhân Ngài toàn thắng trọn vẹn. Kỷ nguyên hiện tại là thời kỳ tranh chấp và thử thách sẽ được thay thế bằng sự tỏ ra trật tự Thiên Chúa cách nhất quyết và chung cuộc. Việc hoàn tất này không phải là cái bấp bênh, không tùy theo cách vận dụng của những ý muốn loài người. Các thời hạn thảy đều ấn định sẵn trước, bình thường người ta không biết gì, vì Thiên Chúa là Ðấng duy nhất làm Chủ tể và làm Thẩm phán lịch sử.

Việc Quang lâm tận thế của Triều đại Thiên Chúa là cái liên hệ tới toàn vũ trụ: cái nhìn về ngày tận thế cũng có những chiều kích bao la như cái nhìn về ngày sáng tạo.

Quan niệm như thế vừa bi quan lại vừa lạc quan: bi quan theo nghĩa là làm nổi bật tính phù vân của thế giới hiện thời và sự xấu xa của nó, nhưng lạc quan, vì quả quyết sự toàn thắng cuối cùng của Thiên Chúa, mặc dù những chiến thắng bề ngoài của ác thần. Quan niệm ấy đặc biệt ăn sâu trong những thời kỳ khủng hoảng, vì các bản văn khải huyền được biên soạn trong chính những thời kỳ bắt bớ.

 

Viễn ảnh riêng của khải huyền T. Gio-an

Tuy mượn phần lớn những phương thức và cấu trúc của loại văn chương khải huyền, nhưng sách Khải huyền của T. Gio-an không thể toàn diện chỉ có thể mà thôi.

Một phần quan trọng trong sách không thật sự thuộc lối khải huyền: các Thư cho bảy Giáo đoàn Tiểu Á (Kh 2-3) giống hơn với lời giảng sứ ngôn thông thường. Cũng như trong lời sứ ngôn, tác giả tự xưng tên mình và gởi sứ điệp cho những kẻ đương thời với ông.

Nhưng Khải huyền T. Gio-an phân biệt với phần lớn những tác phẩm trong loại văn chương khải huyền, nhất là bằng cách giải thích tông giáo về lịch sử và bằng những trọng tâm hứng thú chân thật của sách này.

1. Giải thích Ki-tô giáo về lịch sử

Cái nhìn của T. Gio-an về ngày tận thế đã đồng hóa một số xác tín chủ yếu trong thần khoa ki-tô giáo sơ khai. Kỷ nguyên mới do khải huyền do-thái báo tin và trông đợi, đã khai mạc ngày Ðức Ki-tô Phục sinh. Thời kỳ chót đã bắt đầu và những ơn lành của Ðấng Thụ Hấn đã được thông ban. Vì Thánh Linh đã tràn xuống mọi xác phàm (x. Cv2, 16-21) và ki-tô hữu đã cùng phục sinh với Ðức Ki-tô (x. Co 3,1). Nhưng việc Nước Chúa đến này hoàn tất trong huyền nhiệm. Việc ấy luôn luôn là đối tượng cho mặc khải và chỉ đức tin mới có thể đón nhận được. Việc ấy luôn luôn hướng tới chỗ thể hiện viên toàn và hiển hiện Vinh quang.

Theo viễn ảnh ki-tô giáo này, "Ngày của Chúa" có hai: một là chỉ biến cố Phục sinh của Ðức Ki-tô và việc tôn vinh Người làm Chúa Tể, hai là còn trông đợi Ngày ấy xét là Ngày Quang lâm, tức là tỏ ra cách huy hoàng cho ai nấy đều biết Triều đại Thiên Chúa nhờ Ðức Ki-tô của Ngài. Mỗi giây phút đều có sự trùng nhau giữa "thời kỳ hiện tại" và "kỷ nguyên mới". Giáo Hội ở trong thời kỳ hiện tại, nhưng về kỷ nguyên tương lai: vì Giáo Hội là thực tại cánh chung, vừa hoàn tất các lời sứ ngôn, vừa là của đầu mùa tiên báo ngày tận thế.

2. Ðối tượng các thị kiến

Vì Cánh chung đã bắt đầu, nên sự gián đoạn cổ điển giữa kỷ nguyên hiện tại và kỷ nguyên mới không còn cùng một ý nghĩa: không còn phải là hai giai đoạn kế tiếp nhau cho bằng là phân biệt hai phạm vi, hai trật tự: phạm vi lịch sử và phạm vi cánh chung.

Vậy các thị kiến không còn có vai trò duy nhất là khêu gợi tiến trình tận thế hầu chuẩn bị cho "Ngày Chúa" đến. Chúng còn lưu ý hơn nữa tới các thực tại huyền bí đã khai mạc và thông ban rồi. Thần học về Ðức Ki-tô và Giáo Hội có tầm quan trọng hơn mô tả khải huyền về lịch sử. Niềm cậy trông ki-tô hữu được dưỡng nuôi không nguyên bằng viễn ảnh ngày Quang lâm sắp đến, nhưng cũng bằng phần nhắc nhở việc thông phần hiện tại vào cuộc chiến thắng của Ðức Ki-tô.

Do đó, đề tài khẩn trương là cái thường xuyên của lối văn khải huyền, không còn ghi trong khuôn khổ việc tính ngày tháng các thời hạn cánh chung, nhưng căn cứ nhất là trên niềm xác tín rằng giai đoạn quyết liệt của ý định Thiên Chúa đã được mặc khải và khai mạc trong biến cố Phục sinh của Ðức Ki-tô. Thời kỳ chót hòng đến, vì đã bắt đầu trong huyền nhiệm. Sự mong chờ của ki-tô hữu càng trung kiên và hoạt động, vì liên quan tới các ơn lành mà ngay tự bây giờ đã ban cho ta được hưởng của đầu mùa.

Vì dành cho việc chiêm ngưỡng các biến cố cứu độ và việc đào sâu số phận của Giáo Hội như thế, nên Khải huyền T. Gio-an gần với các viễn ảnh của lời giảng sứ ngôn muốn phát động một phong trào thức tỉnh thiêng liêng nhờ việc nhắc nhở các kỳ công của Giao Ước và nhìn xem ơn gọi của I-ra-en. Sự lưu ý tới chính huyền nhiệm "Nước Chúa đang đến" hơn là tới ngày tháng Nước ấy hiển hiện vinh quang, giải thích vì sao Khải huyền T. Gio-an không dùng các phương thức biệt hiệu và đề ngày tháng trước, là những cái trong loại khải huyền cổ truyền, chủ yếu nhắm tới việc giúp người ta tính toán về sự gần "Ngày của Chúa".

 

Tác giả

Sách Khải huyền không cho ta chi tiết nào chính xác về tác giả. Tác giả tự xưng tên là Gio-an và tước hiệu là ngôn sứ (1,1-4.9; 22,8-9). Không nơi nào ông tự xưng là một trong nhóm Mười hai. Một tập truyền khá vững, mà ngay từ thế kỷ 2 đã thấy những dấu vết rồi, coi tác giả sách Khải huyền là chính tông đồ Gio-an, cũng là tác giả Tin Mừng thứ tư nữa. Nhưng tập truyền nguyên sơ không hoàn toàn đồng ý, và một số cộng đoàn ki-tô hữu đã nghi ngờ không nhận sách Khải huyền là của T. Gio-an. Các nhà chú giải hiện thời cũng chia thành hai nhóm. Những người này quả quyết là những khác nhau về lời văn, bầu khí và thần học khiến ta khó gán sách Khải huyền và Tin Mừng thứ tư cho cùng một tác giả. Những người khác, trái lại, nêu rõ các tương tự về đề tài giáo lý cũng như cái nền sê-mít của hai cuốn: họ nghĩ là sách Khải huyền với Tin Mừng thứ tư đều liên quan tới giáo huấn của Tông đồ Gio-an, hẳn nhờ qua sự trung gian của những soạn giả thuộc môi trường T. Gio-an tại Ê-phê-sô.

Sách Khải huyền được gởi cho "Bảy Giáo đoàn Tiểu Á" (1,3.11; 2-3): thật sự đó là bảy cộng đoàn ki-tô hữu ở trong tỉnh Tiểu Á mà thủ đô là Ê-phê-sô. Vì con số bảy gợi sự viên toàn, nên có thể nghĩ rằng tác giả không những là nhắm mấy cộng đoàn riêng ngài quen biết mà thôi, nhưng còn nhắm chung toàn thể Giáo Hội.

 

Hoàn cảnh biên soạn

Còn hoàn cảnh biên soạn, thì sách này cho ta hai chỉ dẫn chắc chắn, nhưng không giúp ta đề ngày tháng cho chính xác được. Một là Giáo Hội đã kinh nghiệm qua cơn bắt bớ và hình như bị đế quốc Rô-ma đối lập công nhiên. Hai là ngày Quang lâm tín đồ hi vọng cứ phải chờ thêm mãi và sự kéo dài thời hạn làm cho kẻ thì dàn xếp hay trở nên nguội lạnh, người thì chán nản, đặt vấn đề hay sốt ruột. Lưu ý tới bấy nhiêu yếu tố, ta có thể xét nhất là hai giả thuyết: một là thời kỳ sau cơn bắt bớ của vua Nê-rôn và trước khi phá hủy thành Giê-ru-sa-lem (65-70), hai là cuối đời vua Ðo-mi-xiên (91-96). Ðể bênh vực giả thuyết trước, người ta nêu nhất là lời ám chỉ Ðền thờ Giê-ru-sa-lem (11,1-2) và sự các vua kế tiếp nhau (17,10-11). Nhưng giả thuyết sau được đa số các nhà chú giải hiện thời cho là có thể đúng hơn; nó thích hợp với lời chứng của T. I-rê-nê thành Ly-ông và, vì vua Ðo-mi-xiên muốn cổ động việc thờ hoàng đế, nên giải thích vì sao sách Khải huyền lại nhấn mạnh tới sự tương phản không sao dung hòa giữa Vương triều Chúa Giê-su với vương triều phạm thượng của hoàng đế. Một số tác giả nghĩ rằng các hoàn cảnh biên soạn phiền phức hơn nhiều, vì sách Khải huyền không phải là một tác phẩm đồng nhất, nhưng là sự điều hợp vụng về nhiều bản văn biên soạn và sửa chữa vào các thập niên cuối thế kỷ 1.

 

Cấu trúc sách Khải huyền

Mặc dầu đưa ra giả thuyết về một số đoạn trong sách Khải huyền đầu tiên đã có đời sống biệt lập, bản văn lưu truyền tới chúng ta bây giờ tỏ ra một cấu trúc thật không tương ứng với thói quen biên soạn thời của ta, nhưng cũng cho ta thấy một tiến trình chung khá đồng nhất và những phương thức có phần không thay đổi.

Ta có thể phân biện ngay hai phần lớn: phần sứ ngôn dưới hai hình thức "Thư gởi các Giáo đoàn" (1,9-3,22), và phần khải huyền theo đúng nghĩa (4,1-22,5). Trong phần sau này ta gặp lại tổng quát lược đồ thường xuyên của lối văn mô tả khải huyền: giáo dân ngày tận  thế (6,1-22,9), những cơn thử thách liền ngay và cuộc đương đầu vĩ đại (12,1-20,15), việc hoàn tất và hiển hiện cuối cùng (21,1-22,5). trong Khải huyền T. Gio-an, lược đồ thêm phong phú và phiền phức nhờ vận dụng những "bộ bảy" (bảy ấn, bảy kèn, bảy chén) và những thị kiến trung gian giúp ngôn sứ thêm nhiều ám chỉ, tóm nhiều bản văn Cựu Ước và trình bày những điều ông suy ngắm về huyền nhiệm của Giáo Hội và của thời hiện tại.

 

Lối giải thích

Việc thiết lập lược đồ chính xác hẳn là bấp bênh, nhưng cái khó chính yếu ở tại nên giải thích thế nào chính việc các thị kiến kế tiếp nhau. Phải chăng nên coi sự kế tiếp này là một gợi ý ít nhiều tượng trưng cho tiến trình lịch sử đi tới Ngày Quang lâm hòng đến? Hay sự kế tiếp này chỉ là khung cảnh bày ra trong đó tác giả muốn lần lượt nêu lên, không phải những giai đoạn khác nhau của diễn tiến cánh chung, nhưng nhiều khía cạnh của việc Ðức ki-tô toàn thắng khải hoàn, của số phận Hội Thánh và của việc phán xét thế gian? Việc lựa chọn ở đây thật là căn bản, vì nó chi phối cách giải thích toàn bộ sách này. Lối giải thích theo thời giờ, tuy theo đúng các thói quen của văn chương khải huyền, nhưng lại giả thiết là mình chấp nhận việc rời chỗ hay tính cách ngẫu nhiên của nhiều thị kiến, thì mới giải quyết được một số điểm khó khăn. Một trào lưu chú giải quan trọng hiện thời, vì lưu tâm tới tính song đối của nhiều phần sách Khải huyền và cách riêng của những bộ bảy, nên coi sự các thị kiến kế tiếp nhau chỉ là một kỹ thuật hành văn: qua toàn bộ sách này luôn luôn là cùng những xác tín, và cùng một sứ điệp quả quyết đi quả quyết lại, nhưng không ngừng mượn những hình ảnh khác và nhắm vào những áp dụng hay những khai triển mới.

 

Sứ điệp sách Khải huyền

Cũng như mọi lời sứ ngôn, Khải huyền loan báo cho ta tính hiện thời của ý định Thiên Chúa và tương ứng theo là tính khẩn trương của việc ta dấn thân tích cực. Loan báo bằng cách cho ta hiểu ý nghĩa siêu nhiên của thời kỳ hiện tại và sự hoàn tất thời kỳ ấy.

1. Hai loại người

Công trình Thiên Chúa đã tới mục tiêu, ta chỉ còn chờ đợi ngày công trình ấy hiển hiện (1,7; 22,20). Ðức Ki-tô đã toàn thắng rồi và Nước Người đã khai mạc, Ðức Giê-su là Vị Cứu Tinh duy nhất và vì thế được Thiên Chúa phong làm Chúa Tể duy nhất (5,5-14; 11,15-17; 12,10; 19,11-16). Chúng ta ở vào thời kỳ chót và đang sống trong tình trạng hưởng trước ơn cứu độ và giáo đầu cho ngày phán xét. Ðối với biến cố này, nhân loại chia ra hai bè không thể dung hòa với nhau:

- Những kẻ nhìn nhận Ðức Ki-tô thì được thông phần vào cuộc toàn thắng của Người và lập thành dân Thiên Chúa, thể hiện dân thụ hấn (7,9-17; 14,1-5; 15,2-4; 17,14; 19,1-9; 20,4-6)

- Những kẻ, vì không nhìn nhận Người, nên ở lại trong tình trạng chống đối Thiên Chúa; đó là "dân cư địa cầu", đồng lõa với sự tiếm quyền của tên vô đạo, sống dưới quyền thống trị của Sa-tan và bị dành cho án phạt như nó (6,15-17; 9,20-21; 13,7-8.14-17; 14,9-11; 17,8-14; 18,9-19; 19,19-22; 20,7-9).

2. Giáo Hội sống huyền nhiệm Ðức Ki-tô

Giáo Hội trong thực tại sâu xa của mình, vốn liên hiệp chặt chẽ với Bản Thân và Công trình của Ðức Ki-tô:

- Giáo Hội là cộng đoàn ưu tuyển, đối tượng tình yêu của Ðức Ki-tô (1,5; 3,9; 7,3-4; 12,6; 19,7-9).

- Giáo Hội đã được chuộc bằng máu Ðức Ki-tô (1,5; 5,9; 7,14; 14,3-4).

- Giáo Hội là vương dân tư tế khai mạc Nước Ðức Ki-tô (1,6; 5,10; 7,15; 20,4-6).

Do sự liên kết cấu thành Giáo Hội này mà xuất phát sự hiệp thông "sinh tồn"; tác giả nhìn số mệnh của Giáo Hội trong sự liên kết với sứ mệnh Ðức Ki-tô:

- Ðức Ki-tô là Ngôn sứ "Nhân chứng trung thành" (1,5; 3,14; 19,11). Giáo Hội là cộng đoàn thánh, thực thi việc làm chứng; ở thế gian, Giáo Hội được sai làm ngôn sứ (11,3-6; 12,17; 19,10; 22,9).

- Ðức Ki-tô đã làm chứng tới mức tử nạn, vì đã gặp sự chống đối của một thế gian nghịch cùng Thiên Chúa (1,5; 5,6). Giáo Hội cũng hoàn tất sứ mạng mình trong thử thách; Giáo Hội trải qua chiến đấu và tử đạo (6,9; 7,14; 11,7-10; 17,2.4.11; 16,6; 18,24; 20,4).

- Ðức Ki-tô đã toàn thắng và phục sinh (1,5.18; 5,5; 12,5; 17,14; 19,11-21). Giáo Hội đã thông phần vào sự toàn thắng đó, không phải Giáo Hội được ưu tuyển mà thôi, những đã được cứu thoát và đang sống của đầu mùa của ơn Phục sinh (6,11; 7,16-17; 11,11-12; 12,11; 17,14; 20,4-6).

- Ðức Ki-tô đã được tôn vinh, được tôn làm Chúa (1,5.12-16; 19,16). Giáo Hội đã là Nước tư tế; ngay tự bây giờ Giáo Hội thi hành trong phụng tự các chức năng thiên quốc của mình và cuộc toàn thắng của Giáo Hội sắp được tỏ ra (7,9-12.15; 14,3; 20,4.6).

3. Thái độ Giáo Hội: trung thành, trì chí, cậy trông

Như thế, trong thời kỳ hiện tại Giáo Hội sống những khía cạnh khác nhau trong huyền nhiệm Ðức Ki-tô: vì Chiên Non đi đâu, Giáo Hội theo đi đấy (14,4). Sự nên giống này bao hàm những thái độ luân lý và linh thiêng:

- Vì phải làm chứng trong một thế gian không nhìn nhận Thiên Chúa, nên Giáo Hội cần phải trung thành (1,3; 2,10.13.26; 3,8; 14,12; 22,7.9).

Ở dưới đất này là nơi lưu đày, Giáo Hội chịu bắt bớ, nhưng cũng được Thiên Chúa giữ gìn và nuôi dưỡng bằng của đầu mùa ơn Phục sinh. Thái độ tương ứng với trạng thái thử thách nhưng chắc chắn được Vinh quang này là sự kiên tâm bền chí, một hình thức riêng của sự trung thành, cũng như tử đạo là một hình thức riêng của việc làm chứng (1,9; 2,2.3.10; 3,10-11; 13,10; 14,12).

- Giáo Hội cũng đang xuất hành, đang tiến bước tới chỗ mặc khải Giê-ru-sa-lem trên trời, là quê thật, và chuẩn bị để sống trong sự hiển linh viên toàn của Chúa mình. Viễn ảnh Vinh quang sau này ở giữa cơn thử thách hiện thời đó, dưỡng nuôi trong Giáo Hội một sự căng thẳng tràn đầy cậy trông: "Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa đến! (6,10; 10,7; 11,17-18; 12,10-12; 15,3-4; 19,7-9; 20,3-4; 22,17.20).

 

Tính hiện thời của sách Khải huyền

Sứ điệp ấy liên hệ đến chúng ta. Không phải nguyên loan báo cuộc Quang lâm sau này, mà thời hạn và thể thức còn bấp bênh. Cũng không phải nhắm duy trì tín hữu trong niềm nhớ nhung hồ đồ, hầu yên ủi họ, vì những thất vọng trần gian và kêu mời họ đừng dấn thân làm gì.

Vương triều Ðức Ki-tô không phải là một biến cố tương lai, nhưng là một thực tại hiện thời. Cảnh Quang lâm vinh hiển và Phán xét chung chẳng qua chỉ là phóng vào ánh sáng Thiên Chúa và vào sự đồng thời của vĩnh cửu, những gì đang hoàn tất hôm nay trong huyền nhiệm và trong thời gian lịch sử. Bất cứ lúc nào, con người cũng diễn tả sự mình thuộc về ai và xác định số mệnh của mình. Bất cứ lúc nào cũng làm chứng về sự trung thực của niềm tin nơi họ và hoàn tất việc phán xét họ. Chung quanh và bên trong họ luôn luôn thể hiện cái tương phản không thể dung hòa giữa sự thờ ngẫu tượng dưới đất và việc nhìn nhận một mình Ðức Ki-tô. Lời sứ ngôn kêu gọi tín đồ lượng giá tính nghiêm trọng muôn đời của từng giây phút, không dung thứ cho họ chia lòng chia trí, nhẹ dạ hay là dàn xếp, nhưng thúc đẩy họ dấn thân ngay lập tức và trọn vẹn. Nhờ đặt đời sống hiện tại vào trong viễn ảnh ngày Quang lâm, nên sách Khải huyền nhắc lại cho ta nhớ Chúa Giê-su vừa ở cuối cùng vừa ở đầu hết lịch sử và ngoài dáng vẻ bên ngoài, các thực tại trần gian còn liên hệ với ý định Thiên Chúa. Nhưng vì có nhiều qui chiếu vào tính tượng trưng của phụng tự, nên sách này cũng mời cộng đoàn tín hữu sống phụng tự như cuộc gặp gỡ hiện thời với Ðức Ki-tô, như tiếng kêu gọi ta nên giống cuộc Vượt qua của Chúa, như lời công bố và niềm đợi trông ngày Hiển hiện của Giê-ru-sa-lem trên trời mà sách này vừa nói trước vừa làm dấu hiệu.

*

*     *     *

*

Những trang sau đây chúng tôi trích trong cuốn Khải huyền do giáo sư Vinh sơn đã biên soạn chung với l.m. Phạm Quan Ðiện năm 1958 nhưng chưa có dịp xuất bản. Một vị Giáo sư Kinh Thánh được biết lối giải thích của giáo sư Vinh sơn Mo-ra đã nói lên cảm nghĩ của ông rằng: "Vous avez trouvé l'interprétation", ý nói là tác giả đã tìm ra lối giải thích chân chính cho sách Khải huyền.

Trong phần chú giải sách Khải huyền, chúng tôi sẽ trích nhiều trong sách nói trên với ghi chú (vđ).

 

Phụ thêm

Lối giải thích của Giáo sư Vinh sơn Mo-ra

 

Ngày Thiên Chúa

Ðề tài sách Khải huyền là việc "Chúa đến" (1,7; 2,5.16; 3,3; 11,17; 16,5; 22,7.12.20). Và trong Cựu Ước cũng như ở đây, việc "Chúa đến" đồng nghĩa với việc "Nước Chúa trị đến" thế gian. Cụ thể hơn chính là việc thiết lập Dân Chúa trong Cựu Ước và thiết lập Giáo Hội Ngài trong Tân Ước. Theo các sách ngôn sứ và Khải huyền, ngày "Nước Chúa trị đến" còn gọi là "Ngày Chúa đến" và cũng là "Ngày cả thể, Ngày Nghĩa nộ của Ngài" (Kh 6,17; 16,14).

Trong Kinh Thánh, Ngày đó có hai phương diện rất khác nhau. Một đàng ngày đó đe dọa các nước thù địch của I-ra-en, Dân Chúa, như Ai-cập A-sy-ri, Ty-rô, Mo-áp, Ê-đôm, đặc biệt là Ba-by-lon (Gr 50-51; Is 47 v.v.) và Sy-ri đời vua An-ti-ô-cô Ê-pi-phan (Ðn 7-12), có khi lại đe chung cả các nước (Ed 38-39). Nói tắt, ngày đó là ngày I-ra-en phục thù bọn người áp bức.

Nhưng đàng khác, "Ngày Thiên Chúa" trong sách sứ ngôn lại còn một nghĩa lạ kỳ hơn và bất ngờ là đe dọa chính I-ra-en bất trung, không giữ lời Chúa (x. Am 5,18; So 1,15; nhất là Ed 4,7; 9; 10 v.v.). Và chính Chúa Giê-su cũng đã tiên báo việc Ðền thờ sụp đổ (x. Mt 24; Mc 13; Lc 21).

Tuy nhiên ta cần ký nhận: Ngày đó đối với I-ra-en không phải là ngày tiêu diệt hoàn toàn, nhưng chỉ là ngày gạn lọc, chọn lấy "phần trung thành còn lại".

 

Áp dụng vào sách Khải huyền

Hai ý nghĩa trên đây về "Ngày Thiên Chúa", theo thiển ý chúng tôi, lại thấy rõ ràng trong sách Khải huyền của T. Gio-an.

Các chương 4-11 tả "Ngày Thiên Chúa", trên I-ra-en (6,17), hay đúng hơn, tả cuộc tiến triển của Giáo Hội Chúa Ki-tô trong phối cảnh I-ra-en, lấy cảnh Ðền thờ sụp đổ làm trung tâm điểm. Ở đây thấy rõ ràng là nhà tiên kiến phỏng theo ngôn sứ Ê-dê-kiên và lời Chúa Giê-su tiên báo.

Các chương 12-20 tả "Ngày Thiên Chúa" trên các nước (16, 14) hay đúng hơn, tả cuộc tiến triển của Giáo Hội Chúa Ki-tô trong phối cảnh I-ra-en, lấy cảnh Ðền thờ sụp đổ làm trung tâm điểm. Ở đây thấy rõ ràng là nhà tiên kiến phỏng theo ngôn sứ Ê-dê-kiên và lời Chúa Giê-su tiên báo.

Các chương 12-20 tả "Ngày Thiên Chúa" trên các nước (16,14) hay đúng hơn tả cuộc khuếch trương của Giáo Hội trong phối cảnh chư dân, lấy việc tan hoang của những đế quốc bách hại làm trung tâm điểm. Phần này cũng hiển nhiên là tác giả dựa theo ngôn sứ Ða-niên ch. 7-12 và những lời tiên báo chống Ba-by-lon.

Cả hai phối cảnh cùng chung kết trong cảnh huy hoàng Giê-ru-sa-lem Thiên quốc, Giáo Hội của Chúa Giê-su. Lên đó, các ki-tô hữu trong I-ra-en và ngoài chư dân được chung hưởng Ngai vàng Thiên Chúa lại được qui tụ nơi Ngài (4,11), nhờ Ðức Ki-tô toàn thắng đã được "đem trước lên tận Ngai Ngài" (12,6).

 

Giá trị tông giáo

Theo đó ta có thể cho rằng sách Khải huyền, đầu tiên là viết cho Giáo đoàn non nớt ở Á châu, đang phải đương đầu với hai biến cố vĩ đại: Giê-ru-sa-lem tan tành và những cơn bách hại đẫm máu.

Trông thấy Ðền thờ sụp đổ, năm 70 sau Công Nguyên, các ki-tô hữu sinh quán I-ra-en sao khỏi nghi ngờ sức toàn năng, đức công bình và lòng trung tín của Thiên Chúa đối với những lời Ngài hứa.

Rồi trước những cuộc đế quốc Rô-ma bách hại, lung lạc cả cái sống còn của Giáo Hội, các ki-tô hữu sao cho khỏi nghi ngờ lời Chúa Giê-su: "Ta đã thắng thế gian", "Ta sẽ ở lại với các con hết mọi ngày tới khi tận thế" (G 16,33; Mt 28,20).

Những ki-tô hữu lâm cảnh này, những người đang bị lôi cuốn rút lui hoặc bắt tay với thế tục, T. Gio-an phải cho thấy chính cảnh Ðền thờ đổ nát lại là dịp biểu dương Vương quyền Thiên Chúa và Ðức Ki-tô Phục sinh (ch. 4-5) và cũng là điều kiện cho Giáo Hội phát triển khắp nơi. Vì "Ngày Thiên Chúa" đổ xuống Giê-ru-sa-lem là ngày báo oán cho các sứ giả Thiên Chúa sai đến với I-ra-en (7 ấn: 6,9) và oán phạt những tội vi phạm giao ước (7 kèn: 9,1-21) như lời Chúa đã hăm đe (Tl 28,60).

Nhưng kế hoạch Thiên Chúa không lẽ tan tành: sẽ có một "phần sót lại" làm mầm sống nở sinh Giáo Hội bao la (7,1-17). Từ đống tro tàn Ðền Thờ đổ nát, Tin Mừng sẽ phát triển trên khắp các dân, vì đã đến "Thời kỳ" của họ... (ch. 10).

Tuy nhiên, vẫn một niềm yêu thương bất diệt, Thiên Chúa còn giữ chứng nhân cho đám I-ra-en bị loại ra ngoài "Nước Chúa" (11,2 và Lc 21,24)... Kịp khi vừa hết "Thời đại chư dân", Ngài sẽ phá tan trận chót của quân thù (11,7-12) và I-ra-en sẽ trở lại nhà CHA (11,13) mở đầu cho cuộc tập trung vĩnh viễn của toàn "Dân Thiên Chúa" (11,14-19).

Qua phần thứ hai (ch. 12-20), dưới khung cảnh đế quốc Rô-ma bách hại, tác giả tuyên xưng Ðức Ki-tô và các vị Tử đạo chiến thắng Sa-tan. Ngay ch. 12, sau cuộc Thiếu phụ (I-ra-en) tranh chiến với con Ác Long (Sa-tan), ta đã thấy tiếp diễn cuộc đấu tranh của các Giáo đoàn chư dân, "con cái khác của Bà". Rồi nhà tiên kiến lại lật mặt nạ Sa-tan nấp sau những uy lực chính trị, tông giáo của Ðế quốc (ch. 13).

Bởi thế, các tín đồ không nên lo sợ: Ðức Ki-tô, với các đoàn thiên sứ, các thánh I-ra-en đang đứng ở trên trời chứng kiến và chuyên cầu cho họ (14,1-5), Thiên Chúa đã định như thế cho tất cả những ai được chọn (14,6-15,4). Còn những tín đồ Mãnh thú, ngoan cố trong tội (7 chén), "Ngày Thiên Chúa" sẽ đến bắt đem đi với Ðế quốc Rô-ma và các nước phản giáo với những ki-tô giả, ngôn sứ giả của họ (16 và 17-19). Lúc đó, các vị Tử đạo trên trời sẽ cùng với Ðức Giê-su hiển trị một Giáo Hội thảnh thơi phát triển trên khắp muôn dân (20,1-6) cho tới Ngày Thiên Chúa dập tan trận chót Quân thù (20,7-10) và quăng ra xa tất cả những ác lực Sa-tan với bọn trầm luân, Thần Chết với trời cao đất dày đã bị dơ nhớp vì tội (20,11-15). Thánh đô Giê-ru-sa-lem và Ðại đô Rô-ma rồi cũng điêu tàn: các ki-tô hữu chỉ đợi chờ Kinh Thành chính thống Giê-ru-sa-lem đích thực, đã hứa ban cho I-ra-en (21,1-8), đang ngự xuống từ nơi Thiên Chúa trên trời, vẻ yêu kiều điểm tô lộng lẫy, như thể tân nương trang sức chờ Ðức Lang Quân, tức là Giáo Hội của Chúa Giê-su mở cửa đón muôn người ở tận muôn phương.

Sau cùng cuốn sách đầy những hình lộng lẫy gấp lại với lời dặn dò then chốt: "Phải, ta sắp đến ngay đây" với tiếng van nài tha thiết tự đáy lòng Giáo Hội đang nhóm họp; "Amen! Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa đến!".

 


Back to Home Page