Tiểu Dẫn Thư Gửi Tín Hữu Rô-ma
Ðức
Kitô Ðấng Công Chính Hóa 1
Thư quan trọng nhất của T. Phao-lô
Trong các Thư Thánh Phao-lô, Thư Rô-ma hẳn là quan trọng hơn hết. Không những đó là Thư dài nhất mà thôi. Xét về phương diện giáo lý, đó cũng là một trong những Thư phong phú nhất khiến người ta thường coi đó là một Thư Khảo luận. Lại là Thư kết cấu mạch lạc hơn cả. Ông Can-vanh đã quả quyết rằng: "Toàn thể Thư này đều sắp đặt theo phương pháp." Sau hết, về phương diện lịch sử, không một Thư nào khác gây ảnh hưởng lớn lao bằng. Một Thần học gia Thệ phản mới đây đã dám quả quyết (hẳn là có phần hơi quá đáng) rằng: lịch sử Hội Thánh đã hòa đồng với lịch sử giải thích Thư này. Cố nhiên là bản văn vẫn luôn luôn chiếm vị rí ưu đãi trong lịch sử chú giải Thánh Kinh. Trong số những người đã chú giải Thư này, ta thấy có: ô. Ô-ri-giên, T. Gio-an Kim Khẩu, ô. Thê-o-đô-rê, ô. Am-bô-rô-si-át, T. Âu-gút-tinh, ô. A-bê-la, T. Tô-ma A-qui-nô, v.v... Nhưng trong lịch sử Hội Thánh, có hai lúc, việc chú giải Thư này đã đóng vai trò quyết liệt: một là thế kỷ thứ 5, trong cơn khủng hoảng bè phái Pê-la-giên và những tranh luận sôi nổi về tính cách nhưng không của ơn cứu độ, hai là thế kỷ thứ 16, hồi bắt đầu cuộc Cải lương.
Nhiều sử gia coi cuốn chú giải Thư Rô-ma do ô. Lu-tê-rô viết vào năm 1516 thật là khởi điểm cuộc Cải lương. Lại chính trong khi chú giải Thư Rô-ma, là cuốn sách chú giải đầu tiên ông viết (mãi năm 540 mới xuất bản), ô. Can-vanh đã sửa soạn ấn bản thứ hai cuốn Huấn luyện Ki-tô giáo (1539) và xác định các luận đề chính trong giáo lý ông. Các nhà Cải lương quí mến Thư này đặc biệt. Ô. Lu-tê-rô quả quyết: "Thực sự Thư này là trung tâm và cốt tủy mọi cuốn sách". Ông Can-vanh cũng chủ trương rằng "Ai hiểu đúng Thư này, thì mở được cửa đi vào tận kho tàng bí mật hơn hết của Thánh Kinh". Ðối với ông Mê-lăng-tông cuốn Loci communes rerum theologicarum (Thần học tổng cương) tác phẩm xuất sắc hàng đầu của ông, thực ra chỉ là sách chú giải Thư Rô-ma, thì Thư này cho ta "Toát lược giáo lý Ki-tô-giáo". Vậy cuốn tín lý đầu tiên của giáo phái Lu-tê-rô thực ra là cuốn tín lý của Thư Rô-ma.
Từ đó, các nhà chú giải và thần học thệ phản đã không ngừng chú giải thư này. Xin nhắc đến cách riêng cuốn chú giải của Kác-Bát (1919) gây ảnh hưởng quyết liệt trên tư tưởng thần học đương thời. Trong khi ưu đãi bản văn này như thế, hẳn là các thần học gia thệ phản đã phần nào bị lôi kéo theo hướng một chiều; nhà chú giải thệ phản F. J. Li-en-bác đã không ngần ngại nói là "mất quân bình". Các thần học gia công giáo thì lại quá nhấn mạnh về giáo lý của Thư Co-rin-tô thứ nhất.
Vì vai trò Thư Rô-ma đã đóng trong lịch sử Hội Thánh bốn thế kỷ gần đây, nên dễ hiểu vì sao các người phụ trách Bản dịch hiệp tâm Kinh Thánh đã quyết định bắt đầu công việc bằng Thư Rô-ma. Họ coi việc dịch Thư này như một trắc nghiệm. Vì họ xác tín rằng nếu có thể trình bày Thư Rô-ma trong một dịch văn được mọi người ưng nhận, thì bản dịch hiệp tâm Kinh Thánh sẽ không đụng đầu vào những trở lực không thể vượt qua. Nhất là họ xác tín về ảnh hưởng thần học của công trình này; theo lời mục sư M. Bơ-nhê, "bản văn đã khiến chúng ta chia rẽ" nay phải nên "bản văn giúp chúng ta gặp gỡ lại nhau".
Ðịa vị Thư Rô-ma trong đời sống T. Phao-lô
Khi T. Phao-lô đọc Thư này cho ô. Tec-xi-ô (16,12) viết, có lẽ ngài đang ở Co-rin-tô, tại nhà ô. Gai-ô là kẻ cho ngài và cho cả Giáo đoàn trú ngụ (16,23, x. 1C 1,14-15). Ngài sắp trẩy đi (có người cho là ngài đã trẩy đi) Giê-ru-sa-lem (15,25-33), đem theo kết quả việc lạc quyên ngài đã tổ chức tại Ma-kê-đoan và A-kai giúp hàng "thánh hữu tại Giê-ru-sa-lem đang cơn túng thiếu" (15,25-26). Ngài vừa sống ba tháng tại Cô-rin-tô (Cv 20,3), vào cuối cuộc hành trình truyền giáo thứ ba, trong đó, mất tháng trước đây, ngài đã viết các Thư Co-rin-tô, Thư Ga-lát và có khi cả Thư Phi-líp nữa. Thế là ngài ở vào cuối một trong những thời kỳ nhiều biến động hơn hết trong hoạt động thư tín và thần học của ngài. Ngài tưởng mình đã hoàn tất trách vụ bên Ðông (15,19-20). Từ đây, ngài dự tính đem Tin Mừng tới phương Tây. Tâm hồn ngài đã hướng về thành Rô-ma và xứ Tây-ban-nha (15,24). Nhưng ngài lo lắng về kết cuộc chuyến ngài hành trình đi Giê-ru-sa-lem. Ngài tiên cảm thấy những sự khó khăn ngài sẽ gặp ở đó (15,30-31). Sách Công vụ làm chứng tá là những lo sợ ấy thật có lý do: "Giờ đây Thánh Linh buộc tôi đi Giê-ru-sa-lem, nhưng không rõ tôi sẽ gặp những gì tại đây. Chỉ biết là từ thành nọ đi tới thành kia, Thánh Linh cứ nhắc đi nhắc lại tôi rằng: xiềng xích và khốn khó đang chờ đợi tôi!... (Cv 20,22-23).
Tùy theo hệ thống thời gian người ta công nhận, mà xếp Thư Rô-ma vào năm 57 hay 58, dù sao cũng vào đầu mùa xuân, tức vào mùa người ta lại bắt đầu vượt biển sau mấy tháng xấu trời mùa đông.
Không bao giờ người ta nghi ngờ về sự Thư Rô-ma chính tông là của T. Phao-lô. Chỉ có hai chương cuối là đặt vấn đề phê-bình văn chương, vì tập truyền thủ bản không nhất trí về hai chương ấy.
Mục tiêu và dịp viết Thư
Tuy biết khá rõ về các hoàn cảnh biên soạn Thư Rô-ma, nhưng chính bản chất Thư này thì vẫn còn bí ẩn: phải chăng đây là một thiên khảo luận dưới hình thức lá thơ hay thực sự là một bức Thư, một bản văn do hoàn cảnh gây nên? Nói thể khác: khi đọc Thư này cho thư ký viết, T. Tông đồ thực sự muốn là giảng dạy cho Giáo đoàn Rô-ma về chân lý Tin Mừng hay là trước tiên ngài nhắm đạt tới kết quả thực hành nào đó, đáp ứng với nhu cầu riêng ngài biết là có trong Giáo đoàn Rô-ma?
a) Bản văn giáo lý
Cho tới thế kỷ 19, đa số các nhà chú giải đều coi Thư Rô-ma là một bức Thư khảo luận: tức là một bản văn giáo lý dưới hình thức lá thư ngỏ. Việc loan báo ngài sắp đến Rô-ma, đối với T. Phao-lô chỉ là một viện cớ vậy thôi. Vì không biết Giáo đoàn này, không có quyền chi trực tiếp trên họ, mà lại "không muốn xây trên nền tảng người khác đặt rồi" (15,20), nên T. Phao-lô không cần đề cập tới những vấn đề cụ thể của cộng đoàn, cũng không cần dấn thân vào cuộc tranh luận hay là biện hộ cá nhân, Ngài chỉ nhân dịp gửi thư cho Giáo đoàn Rô-ma để trình bày với người Rô-ma và qua người Rô-ma, với mọi tín đồ, những vấn đề chính yếu ngài đang suy nghĩ bấy giờ, và nhắc lại cách thanh thản hơn và có hệ thống hơn sứ điệp ngài đã gởi trong Thư Ga-lát.
Vì buộc ta phải so sánh hai Thư ấy với nhau. Trong cả hai Thư ta đều gặp lại những đề tài chính trong giáo lý T. Phao-lô về sự công chính hóa và ơn cứu độ, về luật Môi-sen và đức tin Ki-tô giáo, về giá trị tiên bảo của hình ảnh ông Áp-ra-ham, v.v. Nhưng nét tương phản giữa hai Thư cũng rõ rệt không kém. Thư Ga-lát cho ta cảm tưởng là đã viết trong cơn xúc động thể nào, thì Thư Rô-ma lại khiến ta lưu ý tới giọng bình tĩnh và giáo huấn, tới sự thanh thản vô tư, và những cái nhìn cao sâu như thế. Cũng chính là một sứ điệp, nhưng trình bày và quảng diễn rộng rãi hơn, thản nhiên hơn, không có giọng bút chiến. Có người đã nói Thư Ga-lát như giòng nước lũ cuồn cuộn, còn Thư Rọ-ma như dòng nước sông êm đềm chảy xuôi.
Ðã hẳn là trong suốt cả Thư T. Phao-lô mạnh mẽ nói với người đối thoại vô hình, mà không bào giờ nêu tên người ấy ra cách chính xác hơn. Chỉ cần đọc bản việt văn cũng đủ khiến ta lưu ý việc T. Phao-lô liên lỉ dùng những kiểu thức hùng biện như lối hỏi tu từ học, thán từ, tiếng kêu lên, câu xen kẽ hay là câu trong ngoặc. Không thấy trong Thư nào ngài xử dụng nhiều như trong Thư này các phương thức hùng biện, ví dụ mấy kiểu nói: "Vậy biết nói làm sao?", "anh em lại không biết rằng", "bởi người kia, dù bạn là ai cũng vậy"... Nhưng chính việc dùng nhiều định thức tu từ như thế lại chứng minh người đối thoại chỉ là nhân vật tưởng tượng mà thôi, theo phương thức triết lý bình dân đương thời.
Ðặc tính không lệ thuộc thời gian và chú trọng về giáo lý hơn của Thư này đã khiến người ta muốn coi đó là một thứ "thần học tổng quan". Tuy nhiên Thư này có quá nhiều thiếu sót, nên không thể coi là một bản "toát lược giáo lý Ki-tô giáo" hay cả như là tổng hợp giáo lý của T. Phao-lô, cũng vậy. Vì sự khác nhau phi thường không những về văn thể, nhưng về cả đề tài, giữa Thư Rô-ma và các Thư Cô-rin-tô cũng viết vào thời kỳ đó, khiến ta phải lưu ý. Cái chi phối hai Thư Co-rin-tô là hai đề tài gần gũi với nhau: T. Phao-lô biện hộ cho quyền bính tông đồ của ngài và tranh đấu cho sự thống nhất và xây dựng Giáo đoàn Cô-rin-tô. Còn trong Thư Rô-ma, nói được là không bao giờ đề cập tới Giáo đoàn, ít nữa là cách minh nhiên, trừ ra trong mấy lời nhắn nhủ thực hành ở hai chương cuối. Lời giáo huấn quan trọng Thư Cô-rin-tô nói về phép Sùng Ân (1C 11,17-34) không có chút gì tương đương trong Thư Rô-ma. Trong các Thư Cô-rin-tô cũng có tiếng dội vào Thư Rô-ma: hai đàng đều gặp lại hình ảnh Hội Thánh là Thân Thể Ðức Ki-tô (1C 12, 12-27; Rm 12,4-6) và đề tài Ðức Ki-tô là A-đam thứ hai (1C 15; Rm 5).
Tuy không thể coi Thư Rô-ma là tổng hợp tư tưởng thần học của T. Phao-lô, và càng không thể coi là tương đương với cuốn tín lý Ki-tô giáo theo nghĩa kim thời, nhưng không có thể coi đó là toát lược điều chính T. Phao-lô đã hai lần trong thư gọi là "Phúc âm ngài giảng" (2,16; 16,25), tức là điều ngài coi là trung tâm của Tin Mừng ngài loan báo cho chư dân.
b) Bản văn hoàn cảnh
Ðàng khác, tính không lệ thuộc thời gian và tổng quát của Thư Rô-ma không ngăn trở Thư này "có vị trí lịch sử xác định" và đáp ứng các vấn đề nghiêm trọng hơn hết đã đặt ra cho Hội Thánh lúc bấy giờ. Ðối với một số người, đề tài Hội Thánh, mặc dầu không đá động tới danh từ này, chính là nhãn giới mà mọi đường nét cốt yếu của tư tưởng trình bày trong Thư đều qui về đó. T. Phao-lô ý thức được mối hiểm nguy đe dọa Hội Thánh vào lúc bấy giờ trong lịch sử Hội Thánh: tức là mối nguy chia thành hai cộng đoàn, một cộng đoàn ki-tô hữu gốc Do-thái, thừa kế Hội đường Do-thái, một cộng đoàn ki-tô hữu gốc chư dân mà ngài tự biết mình là tông đồ của họ, và giáo đoàn sau cắt đứt khỏi cộng đoàn trước, không còn liên lạc hữu hình chi với quá khứ. Những cơn khủng hoảng mới xảy ra trong Giáo đoàn Ga-lát và Co-rin-tô càng khiến ngài xác tín hơn về tính nghiêm trọng của tình trạng nói đây. Khi biên soạn bức thư ngài không biết rõ mình sẽ được tiếp đón thể nào tại Giê-ru-sa-lem. Nên ta hiểu vì sao trong thư dành cho rất nhiều độc giả, T. Phao-lô đã muốn nêu bật sự nhất trí của Mặc khải trong Cựu Ước và trong Tin Mừng, những lời hứa không thể lầm đối với I-ra-en và vai trò dân ấy trong lịch sử cứu độ. Thư Rô-ma sẽ là như phần bổ túc - trên bình diện giáo lý - cho việc cố gắng của T. Phao-lô - trên bình diện thực hành - để tổ chức lạc quyên giúp đỡ các nhu cầu của cộng đoàn ki-tô hữu gốc Do-thái và để đánh dấu tình liên đới của tín đồ dân ngoại với tín đồ xứ Pa-lê-tin.
Vả lại, có đúng như thiên hạ thường quả quyết là những người trực tiếp nhận Thư không phải là điều kiện cho nội dung và hình thức của Thư này? Nếu thế thì Thư Rô-ma sẽ là nố trừ trong tác phẩm văn chương của T. Phao-lô, vì mọi Thư ngài viết đều do hoàn cảnh đòi buộc, đáp ứng các nhu cầu của Giáo đoàn ngài viết cho. Ðã vậy thì ta lại không cần tự hỏi xem Thư Rô-ma có phải là do tình cảnh Giáo đoàn Ro-ma vào những năm 57-58 đòi hỏi? Nhiều tác giả đã tìm tòi theo chiều hướng ấy. tuy nhiên, vì ta không biết rõ tình hình chính xác của Giáo đoàn Rô-ma, vào lúc T. Phao-lô viết Thư cho họ, gồm có những thành phần nào, và bao hàm những khuynh hướng chi, cho nên các điều giải thích người ta đề nghị, ta chỉ có thể coi là những giả thuyết cho công trình nghiên cứu mà thôi. Chính bức Thư không cung cấp cho ta chi tiết nào rõ rệt. T. Phao-lô chỉ nêu lý do ngài đến thăm là sự ngài nhiệt liệt ước ao "củng cố" niềm tin các ki-tô hữu tại Rô-ma. Ngài có sợ các tín đồ gốc Do-thái tuyên truyền các ý tưởng họ tại Rô-ma cũng như họ đã làm tại Ga-lát hay tại Co-rin-tô? Ngài có muốn đề phòng trước cho tín đồ Rô-ma chống lại các hành vi của tín đồ Do-thái? Không phải là không thể có như vậy; nhưng trong Thư không có gì cho phép ta gán mục tiêu ấy cho T. Tông đồ (Tuy nhiên, nên x. 16,17-26, nhưng giọng nghiêm khắc trong cả đoạn này tương phản với giọng ôn tồn trong cả bức Thư).
Trong mọi giả thuyết đã đề cập đến trên này, có một điều đáng cho ta lưu ý. Từ đầu thế kỷ 19 nhiều nhà chú giải đã tự hỏi rằng phải chăng Thư Rô-ma cốt yếu nhằm vào mục tiêu hòa giải. Vì ta biết là số người Do-thái lưu trú tại Rô-ma rất quan trọng, thậm chí khiến Hoàng đế Cơ-lau-đi ra sắc chỉ trục xuất vào năm 49, có lẽ là sau những rối loạn gây nên tại đó do việc rao giảng Tin Mừng về Ðức Giê-su Ki-tô. Ta lại biết rằng những ki-tô hữu gốc Do-thái cũng bị án trục xuất này, ví dụ như ông A-qui-la và bà Phi-ca đã tới thành Co-rin-tô (Cv 18,2). Tuy nhiên, chẳng bao lâu đã trừu sắc chỉ ấy lại, và nhiều người Do-thái lại trở về Rô-ma, khi T. Phao-lô viết Thư này, thì ông A-qui-la với bà Phi-ca lại có mặt ở Rô-ma rồi (16,3). Phải chăng ki-tô hữu gốc chư dân đã có thái độ khinh dể và tự tôn ít nhiều đối với các anh em gốc Do-thái khi họ trở về Rô-ma (x. 11,17-25; 14,3.10; 15,25-27). Phải chăng khi ấy Giáo đoàn Rô-ma đã bị chia rẽ sâu xa, tách ra hai bè, một gồm ki-tô hữu gốc chư dân, một gồm ki-tô hữu gốc Do-thái? Trước tình hình như vậy, T. Phao-lô có lẽ nhắm mục tiêu làm cho cả hai bè chấp nhận lẫn nhau, ý thức về sự nhất trí căn bản của mình. Như thế thì tuyệt đỉnh bức Thư có lẽ là câu 7 trong ch. 15: "Vậy anh em hãy đón tiếp nhau như Ðức Ki-tô đã đón tiếp anh em, cho vinh danh Thiên Chúa". Hết mọi điều quảng diễn ở trên đều qui hướng tới câu kết luận thực tiễn này.
Nhiều dấu chỉ khiến cho giả thuyết này có phần đúng với sự thật. Người ta đã có thể ghi nhận là T. Phao-lô luôn luôn "hướng một con mắt tới người ki-tô hữu gốc Do-thái và con mắt kia tới các tín đồ gốc chư dân" (Pơ-lây-đơ-rơ). Vì bức Thư năng dùng hai từ "Do-thái hay Hi-lạp" hay những từ song song với hai từ ấy (1,14-16; 2,9.10.25-27; 3,9-29; 4,9-12; 9,23; 10,12; 11,13-25; 15,8tt). Ðiều kỳ lạ là không thấy nói với "Giáo đoàn Thiên Chúa" vốn đóng vai trò kẻ nhận Thư trong mọi Thư khác của T. Phao-lô. Ta sẽ dễ giải thích được điều ấy, nếu T. Tông đồ tự coi mình không phải đứng trước một cộng đồng hiệp nhất. Sau hết phần quảng diễn dài về dân Thiên Chúa và về số mệnh I-ra-en có thể biện minh đầy đủ theo viễn ảnh này. Gần đây người ta nhắc lại giả thuyết này và đưa ra nhiều luận chứng mới cho vững chắc thêm. Nếu đúng như vậy, thì Thư Rô-ma sẽ có đặc tính hiệp tâm siêu vời, trước khi xuất hiện danh từ này. Dù có vẻ lôi cuốn bao nhiêu mặc lòng, lời giải thích ấy vẫn chỉ là một giả thuyết mà thôi. Vì T. Phao-lô không đề cập điều chi chính xác về tình hình của Giáo đoàn Rô-ma, nên ta không có thể coi giả thuyết ấy là chắc chắn được. Dù sao giả thuyết ấy làm sáng tỏ rất nhiều bức Thư khó hiểu và bí ẩn này và khiến Thư ấy càng đáng cho ta lưu tâm hơn nữa.
Lược đồ Thư
Không một bản văn nào của T. Phao-lô cho ta có cảm tưởng là được cấu kết chặt chẽ và theo lược đồ gắt gao cho bằng Thư Rô-ma. Tuy nhiên, dù mọi nhà chú giải đều nhìn nhận Thư này, cũng như hầu hết mọi Thư khác, gồm có hai phần rõ ràng phân biệt với nhau, một phần tín lý (1-11), một phần luân lý hay là khuyên nhủ (12-16), nhưng họ không còn đồng ý nữa, khi cần xác định lược đồ cách rõ rệt hơn. Vì thế một ít nhà chú giải cho rằng Thư không có một cơ cấu nào khác ngoài cơ cấu đối thoại. Người ta đã nói Thư Rô-ma chỉ là một bức Thư xuất phát từ cuộc liên lỉ đối thoại với người Do-thái (dialogus cum Judaeis).
Dù vậy, đa số nhà chú giải coi Thư này có lược đồ vững chắc và chín chắn, miễn là nhìn nhận Thư ấy không hoàn toàn nhất trí về văn thể hay về tư tưởng liên tục với nhau. T. Phao-lô không phải là một nhà văn cổ điển và khí văn hùng biện tự đáy lòng ngài phát ra và đọc cho thư ký viết, ta không thể chia thành những phần đoạn. Theo các nhà chú giải ấy thì T. Phao-lô đã muốn bàn về tội lỗi (ch. 1 đến 3,20), rồi về sự công chính hóa (ch. 3,21 đến 4,25) và sau cùng về sự thánh hóa (ch. 5-8). Nhưng theo giả thuyết này, thì phần cuối Thư chỉ là một chuỗi phụ trương biệt lập ít nhiều với phần tín lý.
Còn những công trình nghiên cứu mới đây thì đề nghị những kết cấu khác nhau, có lẽ gần với chú ý trung tâm của T. Tông đồ và giống hơn với lối văn ngôn sứ trong Cựu Ước, không ưa quảng diễn bằng lý luận đường thẳng theo lối tây phương cho bằng nhắc đi nhắc lại như đường xoay ốc theo đông phương. Sau đây là ví dụ tóm tắt một trong các lược đồ người ta mới đề nghị. Thư lần lượt mô tả theo bốn đợt khác nhau cảnh khốn nạn của loài người và sự toàn thắng của Phúc Âm: (1) Cảnh khốn nạn của chư dân và Do-thái bị Thiên Chúa phạt (ch. 1,18 đến 3,20) và ơn Ðức Giê-su Ki-tô công chính hóa mọi người tin cậy nơi Người (3,21 đến 4,25). (2) Cảnh loài người khốn nạn vì liên đới với ông A-đam thứ nhất (5,1-14) và được cứu độ nhờ liên đới với Ðức Giê-su Ki-tô (5,15 đến 6,23; trong chương 5 hai đề tài khốn nạn và cứu độ này hòa hợp mật thiết với nhau). (3) Loài người khốn nạn vì nô lệ Luật Môi-sen (7,1-25) và được giải phóng nhờ Thánh Linh (8,1-39). (4) Dân I-ra-en khốn nạn vì từ chối Ðức Ki-tô (9,1 đến 10,21) và cuối cùng được vào lãnh ơn cứu độ của I-ra-en mới bao gồm người Do-thái và người dân ngoại (11,1-36). Cố nhiên lược đồ này chỉ là giả thuyết, nhưng có hai cái lợi: một là nêu rõ sự kiện bốn đợt mô tả cảnh khốn nạn và ơn cứu độ này đã dùng bốn từ ngữ bản chất và nguồn gốc khác nhau: đó là từ ngữ pháp lý trong đợt nhất, từ ngữ bí tích trong đợt hai, từ ngữ thần linh trong đợt ba và từ ngữ lịch sử trong đợt cuối cùng. Hai là chứng tỏ mấy chương 9 đến 11 có liên lạc hữu cơ với luận chứng các ch. 1 đến 8. Tuy nhiên, lược đồ này không làm ta thỏa mãn về hai điểm: một là tuy nó chứng tỏ các ch. 9 đến 11 tự nhiên ăn nhập với luận chứng bức Thư, nhưng không làm cho thấy rõ ba chương ấy, dù sao, cũng là một phần tương đối biệt lập đối với toàn bức Thư và thậm chí còn cấu thành một toàn thể tuyệt vời nhất trí, khiến ta có thể tự hỏi một cách hợp lý rằng phải chăng ba chương ấy đã được biên soạn riêng, rồi sau mới cho xen vào nơi đó trong bức Thư này. Vì ba chương ấy không xuất hiện như là phần nối tiếp tất nhiên của các ch. 1-8 với đề tài căn bản đã nêu lên ở 1,16-17, là sự công chính mới do Ðức Ki-tô đem lại cho loài người. Hai là lược đồ ấy không nêu rõ vị trí bản lề của ch. 5. Vì nhiều nhà chú giải đã nhấn mạnh rằng từ ch. 5, thấy xuất hiện một quan điểm có phần mới mẻ. Từ chương này, sự công chính hóa từ đây xuất hiện là cái thuộc về quá khứ, là cái đã hoàn tất rồi: các động từ ở thì "aoriste" (quá khứ); đức tin còn được nhắc đến ở 5,2, nay nhường chỗ cho đức cậy: đề tài Kauchèsis (tự hào, hiên ngang, vinh dự) cũng được biến hóa và từ đây mang ý nghĩa tích cực hơn, vì sự "tự hào" ấy chỉ còn diễn tả sự nương tựa vào một mình Thiên Chúa mà thôi. Sau hết đề tài căn bản ch. 5,11 đến 8 không phải là sự công chính hóa, nhưng chính là sự sống; phép thanh tẩy khai mạc đời sống với Ðức Ki-tô (ch. 6); và việc thông ban Thánh Linh và sự Ngài hiện diện trong ta để nên động lực và nguồn sống, đó chính là dấu chỉ ta hiệp thông với Ðức Ki-tô vinh hiển và với đời sống thần tính của Người trong trạng thái Chúa Phục Sinh huy hoàng (ch. 8).
Vậy luận chứng các ch. 1 đến 8 tỏ ra càng đi càng tiến. Sở dĩ ta không thấy rõ đà tiến triển đó, chính là tại T. Tông đồ đọc một bản văn khó, lắm khi đã theo nhiều dòng lý luận và tư tưởng xen tréo vào nhau. Dù sao cái hay của lối trình bày bằng bốn đợt mô tả này là chứng tỏ T. Phao-lô tha thiết lưu tâm vào việc loan báo Tin Mừng, lần lượt nói với người ki-tô hữu gốc Do-thái và gốc dân ngoại, rồi sau hết trong phần luân lý kết thúc (12,1-16,2) ngài khuyên họ phải sống trong cái cụ thể hằng ngày của tình yêu thương: từ bỏ mọi điều tự đắc tự cao, để chăm lo tìm lợi ích cho người khác và lưu tâm tránh tất cả những gì có thể đe dọa tình liên đới giữa ki-tô hữu với nhau và với hết mọi người. Ðó là cách trong thời gian sống ở đời này, họ sẽ loan báo và phác họa sự hoàn tất lịch sử (13,11-14). Theo viễn ảnh này, phần thứ năm của bức Thư ăn khớp hữu cơ với bốn phần đầu.
Thần học của Thư Rô-ma
Như chúng tôi đã nói, tuy Thư Rô-ma không đề cập tới mọi đề tài trong thần học của T. Phao-lô, nhưng hễ nói tới đề tài nào, đều bàn một cách sâu xa, sáng sủa và mạnh mẽ tuyệt vời. Không có nơi nào khác, T. Tông đồ nói một cách siêu phàm như thế về quyền năng của ơn Chúa, về sự chúc dữ do tội gây nên, về sự công chính hóa nhờ đức tin, về sự chết và sống làm một với Ðức Ki-tô Phục sinh, về tác động của Chúa Thánh Linh... Không thể nhận định ở đây, một cách tổng quát về tính phong phú của một tư tưởng mà những sắc thái tinh vi không làm yếu đi lý luận chặt chẽ, và tính tế nhị không nơi nào lại làm nhụt mất khí văn mạnh mẽ hùng hồn. Lời chú giải rất dồi dào, cách riêng đối với Thư này, sẽ giúp bạn đọc thấy mọi đề tài lớn của T. Tông đồ tại chính nơi chúng xuất hiện trong bản văn: đó là như một thứ tập ngữ vựng của T. Phao-lô, luôn luôn có tương quan với đường hướng tư tưởng T. Tông đồ, mà bạn đọc sẽ gặp thấy ở cuối những trang ấn bản này.
Trắc nghiệm cho bản dịch hiệp tâm Kinh Thánh
Xin nói ngay rằng điều quí hóa đặc biệt đối với người công giáo, chính thống và thệ phản chúng tôi là chúng tôi đã từng bước khám phá ra những cái phong phú trong sứ điệp T. Tông đồ. Chúng tôi đã khám phá ra rằng chúng tôi hiệp nhất với nhau trong cùng một niềm say sưa tìm hiểu và cùng một ý muốn đón nhận, để sống ngày hôm nay, một trong những đường hướng quan trọng của sứ điệp nguyên sơ, sứ điệp đã nhờ qua T. Tông đồ, mà chinh phục toàn thể lưu vực biển Ðịa trung. Nhờ lắng nghe một cách tri ân tiếng nói của các nhà thời danh đã chú giải Thư này qua bao nhiêu thế kỷ và tiếp thụ những gì phong phú trong các tập truyền riêng của từng giáo phái, chúng tôi đã cảm thấy như một hồng ân và phúc lộc, cái đặc ân được cùng nhau phiên dịch và chú giải, với một tinh thần hiệp nhất sâu xa, chính bản văn xưa kia đã là dịp gây nên xiết bao tranh chấp. Ê-kíp hiệp tâm phụ trách bản dịch mới này, bản dịch đã làm trắc nghiệm cho biết là có thể hoàn thành Bản dịch hiệp tâm Kinh Thánh, và tất cả những ai đã mong ước và ủng hộ ê-kíp chúng tôi trong việc cố gắng này, cũng mong ước cho các bạn đọc - nhất là các nhóm hiệp tâm - chia sẻ niềm vui và ơn ích mà ê-kíp chúng tôi đã gặp thấy trong khi làm việc.