Chú Giải Tân Ước Theo TOB

Theo bản dịch của Linh Mục An Sơn Vị

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Qui Ðiển Tân Ước

 

Nguồn gốc danh từ Cựu Ước và Tân Ước

Tân Ước xuất hiện dưới hình thức một bộ sách gồm 27 cuốn, viết bằng tiếng Hi Lạp và mỗi cuốn dài vắn khác nhau rất nhiều. Mãi cuối thế kỷ thứ hai người ta mới quen gọi bộ sách ấy là "Tân Ước". Vì các sách trong bộ này, dần dần đã được uy tín rất cao, nên trong thực hành, người ta coi ngang hàng với các bản văn Cựu Ước, mà từ lâu, Kitô hữu vốn coi là bộ Thánh Kinh duy nhất của họ và đặt  tên cho là "Lề Luật và Ngôn Sứ" theo thói quen Do Thái đương thời. Sở dĩ gọi chung bộ sách này là Tân Ước, cốt yếu là vì các nhà thần học Kitô Giáo đầu tiên, theo chân Thánh Phaolô (2C3, 14), đã nhận xét rằng: các bản văn ấy bao hàm những qui định của một Giao Ước Mới, phải chỉ huy mọi tương quan giữa Thiên Chúa và dân của Ngài, trong giai đoạn cuối cùng của lịch sử Cứu Ðộ. Vì chữ "Giao Ước" chỉ là dịch ở chữ dùng trong tiếng Hi Bá, để chỉ Giao Ước đã ký kết giữa Thiên Chúa và dân Israen. Vì nói tới một, Giao Ước Mới, nên phải gọi là Cựu Ước, bộ sách trước đây đã đặt tên cho là "Lề Luật và Ngôn Sứ". Gọi như thế, là muốn nhận định rằng: Giao Ước cũ, ký kết với ông Môi Sen, bây giờ Chúa Giêsu đã vừa đổi mới, vừa vượt quá đi rồi.

 

Ba vấn đề cần xét trong tiểu dẫn vào Tân Ước

Việc soạn thảo và thu thập 27 cuốn này thành một bộ duy nhất, là cả một quá trình lâu dài và phiền phức. Ðàng khác, việc lưu truyền những cuốn ấy từ thời cổ cho đến ngày nay, trải qua nhiều may rủi, khiến cho bản văn không còn nguyên vẹn. Sau hết khoảng cách về lịch sử, địa lý, cũng như văn hóa, giữa chúng ta và thế giới của Tân Ước, là một điều cốt yếu làm cho ta khó hiểu đúng loại văn chương này. Bởi đó, ngày nay ta cần đặt Tân Ước vào lại trong môi trường đã thấy Tân Ước phát sinh và truyền bá lúc đầu.

Vì thế, tiểu dẫn vào Tân Ước, dù sơ lược đến đâu, cũng phải xét trước tiên các điều kiện nào đã khiến Kitô hữu đầu tiên soạn thảo một bộ sách mới về Thánh Kinh. Rồi cần nghiên cứu xem, nhờ đâu các bản văn hằng sao đi chép lại luôn luôn ấy, đã có thể vượt qua 14 thế kỷ của một lịch sử đầy biến động, từ khi soạn thảo cho tới khi cố định, hầu như bất di bất dịch, vào thời ký phát minh ra nhà in. Ðồng thời lại cho biết người ta có thể dùng cách nào, để sửa chữa các biến thiên đã đem vào bản văn qua suốt thời kỳ sao chép. Sau cùng, tiểu dẫn còn phải trình bày cho chính xác tối đa, môi trường lịch sử, tôn giáo, và văn hóa trong đó Tân Ước phát sinh và được lưu truyền.

Ba khía cạnh chính yếu của Tiểu Dẫn đây, người ta quen gọi là vấn đề Qui Ðiển, vấn đề Bản Văn và vấn đề Môi Trường xuất sinh của Tân Ước.

 

Hai thẩm quyền tôn giáo đối với Kitô hữu đầu tiên

Ta có thể tự hỏi làm sao Kitô hữu đầu tiên nghĩ tới và thành lập bộ sách mới về Thánh Kinh, bổ túc cho bộ sách cũ quen gọi là "Lề Luật và Ngôn Sứ". Cuộc tiến hóa ấy tóm lại thể này:

Ðối với Kitô hữu đầu tiên, thẩm quyền tối cao trong phạm vi tôn giáo, gồm hai bậc. Bậc nhất là Cựu Ước, được các nhà văn Kitô Giáo đầu tiên trích dẫn gần như trong hết mọi phần. Còn bậc hai đã phát triển rất mau, quen gọi chung là "Chúa". Tiếng "Chúa" đây bao hàm cả giáo huấn Ðức Giêsu đã loan truyền khi trước, cả uy quyền Chúa Phục Sinh do các Tông Ðồ thông ban (2C 10,8.18). Trong hai thẩm quyền tiêu chuẩn đó, chỉ Cựu Ước đã ghi thành bản văn. Còn lời Chúa dạy và lời giảng các Tông Ðồ, thì trái lại, đã truyền khẩu nhiều năm, và mãi tới khi các Tông Ðồ sau hết từ trần, người ta mới thấy cần ghi lại thành văn những gì cốt yếu trong giáo huấn các ngài, hoặc bảo trì chắc chắn những văn thư các ngài đã viết. Vấn đề uy tín của các sách mới này, tất nhiên có ngày sẽ phải đặt ra, dù trong buổi đầu, truyền khẩu đã có uy tín rộng rãi hơn các bản văn.

 

Bộ thư Thánh Phaolô

Mãi tới khoảng năm 150, Kitô hữu mới sơ thảo bộ mới về Thánh Kinh. Rất có thể trước tiên họ đã thu nhập và dùng trong đời sống Giáo Ðoàn bộ Thư của Thánh Phaolô. Khi làm như vậy, họ không có ý tạo phần phụ thêm cho Kinh Thánh, nhưng chỉ mặc cho các hoàn cảnh tự nhiên hướng dẫn mình. Vì phần lớn các Thư của Thánh Phaolô đã viết xong, khi tập truyền Phúc Âm đang còn trong giai đoạn truyền khẩu. Ðàng khác, chính Thánh Phaolô đã khuyên giáo hữu đọc chung các Thư của ngài, và chuyền cho các Giáo đoàn lân cận (1Tb 5,27; Co 4,16).

Dù sao, ngay từ đầu thế kỷ thứ hai, nhiều nhà văn Kitô Giáo đã biết phần lớn các Thư Thánh Phaolô. Nên ta có thể kết luận là đã có rất sớm một bộ thư này, rồi được truyền bá rộng rãi và mau chóng, hẳn là vì rất nhiều người biết tiếng Thánh Tông Ðồ. Tuy nhiên, mặc dầu các Thư ấy có nhiều uy tín, nhưng trước đầu thế kỷ thứ 2 (x. 2P3, 16), chưa có bằng chứng nào khẳng định là người ta đã coi các Thư ấy như Kinh Thánh và có uy tín ngang với bộ Thánh Kinh Cựu Ước.

 

Bốn Phúc Âm được coi là Kinh Thánh

Trong cả thời kỳ này, vị trí các Phúc Âm không xuất hiện rõ ràng như các Thư Thánh Phaolô. Cố nhiên, tác phẩm các nhà văn Kitô Giáo cổ thời, không thiếu câu trích dẫn hay ám chỉ tới Phúc Âm. Nhưng gần như bao giờ cũng khó xác định các nhà văn ấy trích dẫn bản văn hay chỉ nhớ thuộc lòng theo truyền khẩu. Dù sao, trước năm 140, không có bằng chứng nào cho biết là đã có một bộ các bản Phúc Âm. Cũng không thấy bản nào trong những sách ấy được coi là tiêu chuẩn. Mãi tới nửa cuối thế kỷ thứ hai, mới gặp những bằng chứng mỗi khi một thêm rõ ràng là có một bộ Phúc Âm và lần lần bộ ấy được công nhận là có uy tín.

Từ khoảng năm 150, mở ra một thời kỳ quyết định cho việc hình thành "qui điển" Thánh Kinh Tân Ước. Thánh Giúttinh Tử Ðạo là người đầu tiên làm chứng rằng Kitô hữu đọc bốn Phúc Âm trong các phiên hội ngày Chúa Nhật, coi đó là tác phẩm do các Tông Ðồ (hay ít nữa do các người trực tiếp liên hệ với các ngài) và dùng sách ấy mà coi là có uy tín cũng bằng Thánh Kinh.

Các sách này được uy tín rất cao như vậy, trước tiên không phải vì do các Tông Ðồ, nhưng đúng hơn, chính vì vẽ lại lịch sử về "Chúa", đúng theo như truyền khẩu. Tuy nhiên, người ta đã sớm nhấn mạnh vào đặc tính tông truyền sách ấy, cách riêng từ khi cần bảo vệ Phúc Âm cho khỏi những sách loại ấy đã sinh sôi nảy nở ra nhiều, mà nội dung thường chỉ bắt chước cách thô kệch, và có khi còn bịa đặt hoàn toàn nữa.

Thựa ra, sau năm 150, khi trong Giáo Hội thấy cần một tiêu chuẩn mọi nơi đều công nhận, người ta đã quay tới bốn Phúc Âm. Cho đến bây giờ bốn Phúc Âm được mọi người lưu ý tới, vì có nhiều phẩm tính bên trong và vì làm chứng trung thực về "Chúa". Bốn Phúc Âm có rất nhiều ưu điểm vượt xa, nên không mấy chốc mà át được cả thứ văn chương đồng loại. Vì thế vào khoảng năm 170, bốn Phúc Âm được kể là văn chương "qui điển", mặc dầu cho tới bấy giờ, chưa hề nghe nói đến danh từ ấy".

 

Tất cả bộ Thư Thánh Phaolô vào qui điển:

Còn thư Thánh Phaolô, hầu chắc là đã được nhận vào qui điển không phải riêng từng bức một, nhưng là toàn bộ, ngay khi Giáo Hội thấy cần có một qui điển Thánh Kinh Tân Ước. Có lẽ đặc tính tông truyền đã bênh vực cho uy tín bốn Phúc Âm, nay còn có ảnh hưởng rộng rãi hơn nhiều đối với các Thư của Thánh Phaolô. Vì các Thư này ngẫu nhiên đã dần dần gom thành một bộ mà uy tín được công nhận cách rộng rãi trong các Giáo Ðoàn thế kỷ thứ 2.

 

Tông truyền: nguyên tắc cho qui điển Tân Ước

Thế là ta thấy phát sinh nguyên tắc một bộ Thánh Kinh. Nhưng thực ra, không bao giờ người ta đã tranh luận về nguyên tắc ấy. Sự có qui điển, trước tiên là một sự kiện, đã phổ biến rất mau trong toàn Giáo Hội. Về sau, suy tư thần học mới can thiệp vào, khi cần xác định chi tiết nội dung của qui điển ấy. Có lẽ trào lưu này đã được thúc đẩy mau, do sự can thiệp của lạc giáo Mácxion (+160). Vì ông này phủ nhận tất cả thẩm quyền của Cựu Ước, nên khẩn trương cần liệu cho Giáo Ðoàn có Kinh Thánh mới, và vì thế, cần có qui điển mới. Thế là lạc giáo Mácxion đã phần nào giúp phổ biến nguyên tắc của qui điển mới, được người ta chấp nhận, gồm có hai phần, là Phúc Âm và các Tông Ðồ, cũng như qui điển cũ gồm có hai phần, là Lề Luật và Các Ngôn Sứ. Ngay cuối thế kỷ thứ hai, quan niệm về tiêu chuẩn mới cho Thánh Kinh đã ghi sâu và chắc trong Giáo Hội, nhưng còn cần xác định rõ hơn về nội dung của qui điển mới. Số dứt khoát những sách thuộc về qui điển sẽ thiết lập dần dần, tuỳ theo mọi người đồng tâm hiệp ý với nhau. Chính sự phát triển các mối liên lạc giữa các cộng đoàn kitô hữu khác nhau đã làm cho các Giáo Ðoàn ngày một ý thức mãnh liệt hơn về sự duy nhất của Giáo Hội.

 

Sách Công Vụ vào qui điển

Thế là ta thấy, cách riêng, vào khoảng năm 150 tới 200, đã dần dần xác định sách Công Vụ Tông Ðồ là sách thuộc về qui điển. Cuối thế kỷ thứ hai, Thánh Irênê thành Lyôn coi cuốn ấy là Kinh Thánh và trích dẫn làm chứng từ của Thánh Luca về các Tông Ðồ. Thực ra, sách Công Vụ đã được kéo vào qui điển, nhất là vì có họ hàng với Phúc Âm thứ ba, mà cuốn ấy là phần tiếp tục. Sự phát triển quan niệm về đặc tính tông truyền, suốt thế kỷ thứ 2, cũng là yếu tố quan trọng, để đem vào qui điển một cuốn sách, người ta đã rất sớm coi là phần dẫn nhập cần thiết vào toàn thể các Thư.

 

Qui điển hình thành đầu thế kỷ thứ ba

Nếu muốn tổng kê đà tiến hóa này, vào thế kỷ thứ ba, ta có thể xác nhận hai điểm này: khắp mọi nơi, bốn Phúc Âm đã chiếm địa vị vững chắc không thể nào tấn công, và về sau không ai chối cãi bao giờ. Từ thời kỳ ấy, ta có thể coi là qui điển các Phúc Âm đã kết thúc rồi. Còn phần thứ hai trong qui điển (tức là các Tông Ðồ), thì khắp nơi đều thấy trích dẫn mười ba Thư Thánh Phaolô, sách Công Vụ Tông Ðồ, Thư thứ nhất Thánh Phêrô. Có sự đồng thanh nhận Thứ thứ nhất Thánh Gioan. Vậy là qui điển dứt khoát đã vuợt quá giai đoạn sơ thảo và đạt tới chỗ hình thành. Tuy nhiên có những vùng còn phân vân. Thực thế, bên cạnh những cuốn mà khắp nơi trong Giáo Hội đều công nhận cả, vì có sự hiển nhiên nội tại, người ta gặp một số quan trọng những cuốn "bất định", vì một số Giáo Phụ thì nhắc đến coi là "qui điển", một số khác lại chỉ coi là sách hữu ích nên đọc mà thôi. Ðó là trường hợp Thư Hi Bá, Thư thứ hai Thánh Phêrô, Thư Thánh Giacôbê, và Thư Thánh Giuđê. Ðối lại, một số cuốn thời bấy giờ đã được năng trích dẫn là Kinh Thánh, tức là thuộc về qui điển, thì về sau không còn đứng vững lâu trong vị trí ấy, nhưng cuối cùng đã bị loại ra ngoài qui điển. Ðó là cuốn sách của ông Hécmát, gọi là Chủ Chăn, sách Ðiđakê, Thư thứ nhất của Thánh Cơlêmen, Thư Thánh Banabê, và sách Khải Huyền Thánh Phêrô.

 

Mấy cuốn bị tranh luận lâu vì không chắc là tông truyền

Tới giai đoạn này của tiến trình, tiêu chuẩn về đặc tính tông truyền hình như đã đóng vai trò một cách khá tổng quát và ta thấy mọi cuốn sách không thể nối kết với một Tông Ðồ, đều bị mất uy tín dần dần. Những sách còn bị phản đối trong vòng thế kỷ thứ ba, chính là những cuốn, mà đặc tính tông truyền không được chắc chắn đối với một vùng nào đó trong Giáo Hội. Mấy trường hợp bị tranh luận lâu hơn hết, là Thư Hi Bá và sách Khải Huyền, vì đặc tính qui điển hai cuốn này bị từ chối mãnh liệt lâu năm, cuốn trước thì bên Tây Phương, cuốn sau thì ở Ðông Phương. Ðàng khác, Thư thứ hai, thứ ba Thánh Gioan, Thư thứ hai Thánh Phêrô, và Thư Thánh Giuđê, thì phải chờ mãi lâu về sau mới được công nhận. Không cần theo dõi từng chi tiết các giai đoạn của cuộc tiến hoá dần dần. Tới thế kỷ thứ 4, thì đã thành lập xong một qui điển, xet theo toàn bộ, giống in như qui điển chúng ta bây giờ, chỉ còn có một điều không chắc chắn, là thứ tự xếp đặt các sách trong đó mà thôi.

 

Vai trò thống nhất của Giáo Ðoàn Rôma

Sự lo lắng về nhất trí trong một Giáo Hội mà quyền chủ tịch của Giáo Ðoàn Rôma ngày càng thêm vững chắc, đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc làm giảm bớt đi các dị biệt đã thấy xuất hiện ở giai đoạn nọ kia, trong tiến trình thành lập qui điển.

 


Back to Home Page