Toát Yếu Giáo Lý
của Hội Thánh Công Giáo
Bản dịch Việt Ngữ của Ủy Ban Giáo Lý Ðức Tin Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 2006
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Phần IV:
Kinh Nguyện Kitô Giáo
Ðoạn Thứ Hai:
Lời Kinh Chúa Dạy: Kinh Lạy Cha
Kinh Lạy Cha
Lạy Cha chúng con ở trên trời;
Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng;
Nước Cha trị đến,
Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời
Xin Cha cho chúng con,
hôm nay lương thực hằng ngày;
Và tha nợ chúng con,
như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ;
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự Dữ.
Pater Noster
Pater noster qui es in caelis:
sanctificetur Nomen Tuum;
adveniat Regnum Tuum;
fiat voluntas Tua,
sicut in caelo, et in terra.
Panem nostrum quotidianum da nobis hodie;
et dimitte nobis debita nostra,
sicut et nos dimittimus debitoribus nostris;
et ne nos inducas in tentationem;
sed libera nos a Malo
578. Ðâu là nguồn gốc của kinh Lạy Cha?
2759-2760
2773
Chúa Giêsu đã dạy chúng ta lời kinh không thể thay thế được của Kitô giáo, đó là kinh Lạy Cha, khi một môn đệ thấy Người cầu nguyện, đã xin Người "dạy chúng con cầu nguyện" (Lc 11, 1). Truyền thống Phụng vụ Hội thánh luôn dùng bản văn của thánh Mátthêu (6, 9-13).
"Bản Tóm Lược Toàn Bộ Tin Mừng"
579. Kinh Lạy Cha có vị trí nào trong Sách Thánh?
2761-2764
2774
Kinh Lạy Cha là "bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng" (Tertullianô), là "lời cầu nguyện tuyệt hảo" (thánh Tôma Aquinô). Kinh Lạy Cha nằm ở trung tâm Bài giảng trên núi (Mt 5-7), và lấy lại nội dung chính yếu của Tin Mừng dưới hình thức một kinh nguyện.
580. Tại sao kinh này được gọi là "lời kinh của Chúa"?
2765-2766
2775
Kinh Lạy Cha được gọi là "lời kinh của Chúa," vì do chính Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta.
581. Kinh Lạy Cha giữ vị trí nào trong kinh nguyện của Hội thánh?
2767-2772
2776
Kinh Lay Cha là lời kinh tuyệt hảo của Hội thánh. Kinh này chỉ được "trao" cho những người con của Thiên Chúa vào lúc lãnh nhận Bí tích Rửa tội để nhấn mạnh việc tái sinh vào đời sống thần linh. Bí tích Thánh Thể mạc khải ý nghĩa tròn đầy của lời kinh này: những lời cầu xin của kinh này, dựa trên mầu nhiệm cứu độ đã được thực hiện, sẽ được nhậm lời cách trọn vẹn khi Chúa đến. Kinh Lạy Cha là thành phần chính yếu của Các giờ kinh Phụng vụ.
"Lạy Cha Chúng Con Ở Trên Trời"
582. Tại sao chúng ta có thể "dám tin tưởng đến gần" Chúa Cha?
2777-2778
2797
Vì Chúa Giêsu, Ðấng Cứu độ, hướng dẫn chúng ta đến trước Tôn Nhan Chúa Cha, và vì Thánh Thần của Người đã làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Như thế, chúng ta có thể cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha với sự tin tưởng đơn sơ và hiếu thảo, với sự vui mừng an tâm, sự can đảm khiêm hạ và trong sự xác tín được Thiên Chúa yêu thương và nhậm lời.
583. Làm sao chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là "Cha"?
2779-2785
2789
2798-2800
Chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha, vì Con Thiên Chúa làm người đã mạc khải cho chúng ta và Thánh Thần của Ngài đã giúp chúng ta nhận biết điều đó. Việc kêu cầu Thiên Chúa Cha đưa chúng ta vào mầu nhiệm của Ngài, với lòng thán phục luôn mới mẻ, và gợi lên trong chúng ta sự ước muốn sống đời con thảo. Như vậy với kinh Lạy Cha, chúng ta phải ý thức rằng chính chúng ta là con Thiên Chúa, trong Người Con chí ái của Ngài.
584. Tại sao chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha "chúng con"?
2786-2790
2801
Thuật ngữ "chúng con" diễn tả một tương quan hoàn toàn mới mẻ với Thiên Chúa. Khi cầu nguyện với Chúa Cha, chúng ta thờ lạy và tôn vinh Ngài cùng với Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong Ðức Kitô, chúng ta là Dân "của Ngài" và Ngài là Thiên Chúa "của chúng ta", bây giờ và mãi mãi. Thật vậy, chúng ta gọi Ngài là Cha "chúng con" vì Hội thánh của Ðức Kitô là sự hiệp thông gồm đông đảo anh em, tạo nên "một trái tim và một linh hồn " (Cv 4,32).
585. Chúng ta cầu nguyện Lạy Cha "chúng con" với tinh thần hiệp thông và truyền giáo nào?
2791-2793
2801
Kinh Lạy Cha "chúng con" là gia sản chung của tất cả những người đã được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, nên họ phải cảm nhận lời kêu gọi khẩn thiết cùng với Chúa Giêsu cầu nguyện cho sự hợp nhất của các môn đệ Người. Cầu nguyện bằng kinh "Lạy Cha chúng con," tức là cầu nguyện với và cho tất cả mọi người, để họ nhận biết một Thiên Chúa thật và phải hợp nhất với nhau.
586. Thuật ngữ "ở trên trời" có nghĩa là gì?
2794-2796
2802
"Ở trên trời" là một cách diễn tả theo Thánh Kinh, không muốn chỉ một vị trí, nhưng muốn nói lên một cách hiện hữu: Thiên Chúa vượt quá và vượt trên tất cả. Thuật ngữ này diễn tả sự uy nghi, sự thánh thiện của Thiên Chúa, cũng như sự hiện diện của Ngài trong tâm hồn những người công chính. Trời, hay Nhà Cha, là quê hương đích thực mà lòng chúng ta hằng hướng đến trong niềm hy vọng, ngay khi chúng ta còn đang sống trên mặt đất này. Là những người "hiện đang tiềm tàng với Ðức Kitô nơi Thiên Chúa" (Cl 3,3), chúng ta đã sống trên trời.
Bảy Lời Cầu Xin
587. Lời kinh của Chúa được cấu tạo như thế nào?
2803-2806
2857
Lời kinh của Chúa có bảy lời cầu xin dâng lên Thiên Chúa là Cha. Ba lời đầu tiên, có tính đối thần, hướng chúng ta về Thiên Chúa, vì vinh quang của Ngài: lời kinh này tự bản chất thuộc về tình yêu và trước tiên nghĩ đến Ðấng chúng ta yêu. Ba lời đó cho thấy những điều mà chúng ta đặc biệt cầu xin: sự thánh hóa Danh Thiên Chúa, việc Vương quốc sẽ đến và việc thi hành Ý của Ngài. Bốn lời cầu xin cuối trình bày với Cha nhân từ những thống khổ và những chờ đợi của chúng ta. Chúng ta van xin Người lương thực, sự tha thứ, sự trợ giúp trong các cơn cám dỗ và sự giải thoát khỏi thần Dữ.
588. Lời cầu xin "Nguyện danh Cha cả sáng" có ý nghĩa gì?
2807-2812
2858
"Danh Cha cả sáng" trước hết là một lời ca ngợi công nhận Thiên Chúa là Ðấng Thánh. Thật vậy, Thiên Chúa đã mạc khải Danh Thánh của Ngài cho Môsê và Ngài muốn cho dân Ngài được thánh hiến dành riêng cho Ngài, là một dân tộc thánh thiện mà Ngài yêu thích cư ngụ nơi họ.
589. Danh Thiên Chúa được thánh hóa nơi chúng ta và trên thế giới như thế nào?
2813-2815
Thiên Chúa buộc chúng ta phải "nên thánh" (1 Ts 4,7). Câu "Danh Thiên Chúa được thánh hoá" muốn nói lên đòi hỏi việc hiến thánh của Bí tích Rửa tội phải làm sinh động cả cuộc đời chúng ta; ngoài ra còn mang ý nghĩa, chúng ta phải chăm sóc cuộc đời và lời cầu nguyện của chúng ta như thế nào để Danh Thiên Chúa được mọi người nhận biết và chúc tụng.
590. Hội thánh xin gì khi cầu nguyện "Nước Cha trị đến"?
2816-2821
2859
Hội thánh xin cho Nước Thiên Chúa trị đến một cách dứt khoát qua việc Ðức Kitô trở lại trong vinh quang. Nhưng Hội thánh cũng cầu xin cho vương quyền của Thiên Chúa ngày càng lớn lên trong hiện tại qua việc thánh hóa con người trong Chúa Thánh Thần, và nhờ sự cố gắng của họ trong việc phục vụ công lý và hòa bình theo các Mối phúc. Lời cầu xin này là tiếng kêu của Chúa Thánh Thần và của Hiền thê: "Lạy Chúa Giêsu! xin hãy đến" (Kh 22,20).
591. Tại sao chúng ta cầu xin: "Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời"?
2822-2827
2860
Ý muốn của Cha chúng ta là "tất cả mọi người được cứu độ" (1 Tm 2,3). Vì thế, Chúa Giêsu đã đến để chu toàn cách trọn hảo ý định cứu độ của Cha. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa là Cha kết hợp ý muốn của chúng ta vào ý muốn Con của Ngài, theo gương của Ðức Trinh Nữ rất Thánh và của các thánh. Chúng ta cầu xin cho ý định của tình yêu nhân hậu của Ngài được thực hiện trọn vẹn dưới đất như đã được thực hiện trọn vẹn trên trời. Chính nhờ lời cầu nguyện này mà chúng ta có thể "nhận ra ý muốn của Thiên Chúa" (Rm 12,2) và "kiên trì thi hành thánh ý" (Dt 10,36).
592. Lời cầu "xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày" có nghĩa gì?
2828-2834
2861
Với lòng phó thác tin tưởng của phận làm con, chúng ta xin Thiên Chúa ban lương thực hằng ngày để mọi người được sống và chúng ta công nhận Ngài là Cha chúng ta, Ðấng tốt lành vượt quá mọi sự tốt lành. Chúng ta cũng xin Ngài cho biết phải hoạt động thế nào để công lý và tình liên đới buộc những ai dư đầy biết giúp đỡ các nhu cầu của những kẻ thiếu thốn.
593. Lời cầu xin này có ý nghĩa đặc thù nào cho người Kitô hữu?
2835-2837
2861
Vì "người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi Lời miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4,4), lời cầu xin này cũng bao hàm cả cơn đói khát Lời Chúa và Mình Thánh Chúa trong Bí tích Thánh Thể, cũng như đói khát Chúa Thánh Thần. Chúng ta cầu xin những điều này với lòng tin tưởng tuyệt đối cho ngày hôm nay của Thiên Chúa. Những điều này được ban cho chúng ta đặc biệt trong Bí tích Thánh Thể, một sự tham dự trước vào bàn tiệc của Vương quốc sẽ đến.
594. Tại sao chúng ta nói "xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con"?
2838-2839
2862
Khi xin Thiên Chúa là Cha tha thứ cho chúng ta, chúng ta nhận biết mình là kẻ tội lỗi trước mặt Ngài. Nhưng đồng thời chúng ta cũng tuyên xưng lòng thương xót của Ngài, vì trong Chúa Con và qua các Bí tích, "chúng ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi" (Cl 1, 14). Tuy nhiên, lời cầu xin của chúng ta chỉ có thể được nhậm lời, với điều kiện là, về phần chúng ta, chúng ta phải tha thứ trước.
595. Làm sao có thể tha thứ được?
2840-2845
2862
Lòng thương xót chỉ có thể đi vào tâm hồn, nếu như chính chúng ta biết tha thứ cho cả kẻ thù của mình. Dù đối với con người, điều này xem ra không thể thực hiện được, nhưng một trái tim rộng mở cho Chúa Thánh Thần sẽ có khả năng, như Chúa Giêsu, yêu thương cho đến cùng, biến đổi thương đau thành lòng trắc ẩn, và sự xúc phạm thành lời chuyển cầu. Tha thứ chính là tham dự vào lòng khoan dung của Thiên Chúa và là một trong những đỉnh cao của kinh nguyện Kitô giáo.
596. "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ" nghĩa là gì?
2846-2849
2863
Chúng ta xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, đừng để chúng ta đơn độc dưới quyền lực của cơn cám dỗ. Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần để biết nhận định, một đàng, giữa thử thách giúp ta tăng trưởng trong sự lành và sự cám dỗ dẫn đến tội lỗi và sự chết, và đàng khác, giữa bị cám dỗ và thuận theo cơn cám dỗ. Lời cầu xin này kết hợp chúng ta với Chúa Giêsu, Ðấng đã chiến thắng cám dỗ bằng lời cầu nguyện của Người. Lời cầu này cũng van xin ơn tỉnh thức và bền đỗ đến cùng.
597. Tại sao chúng ta lại kết thúc bằng lời cầu xin "nhưng cứu chúng con cho khỏi sự Dữ"?
2850-2854
2864
Sự Dữ muốn ám chỉ một nhân vật là Satan, kẻ đối nghịch với Thiên Chúa, "kẻ chuyên mê hoặc toàn thể nhân loại" (Kh 12,9). Ðức Kitô đã chiến thắng ma quỷ. Nhưng chúng ta cầu xin cho cả gia đình nhân loại được giải thoát khỏi Satan và mọi việc làm của nó. Chúng ta cũng cầu xin hồng ân quí giá là sự bình an và ân sủng để kiên trì chờ đợi Ðức Kitô lại đến, Ðấng giải thoát chúng ta khỏi sự Dữ cách dứt khoát.
598. Chữ "Amen" cuối cùng có nghĩa là gì?
2855-2856
2865
"Sau khi đọc kinh xong, bạn đọc Amen, nhấn mạnh lời Amen, nghĩa là 'xin Chúa cứ làm cho con như vậy', chúng ta quyết tâm đón nhận tất cả những điều Chúa dạy trong lời kinh này" (thánh Xyrilô thành Giêrusalem).