Toát Yếu Giáo Lý

của Hội Thánh Công Giáo

Bản dịch Việt Ngữ của Ủy Ban Giáo Lý Ðức Tin Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 2006

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Phần I:

Tuyên Xưng Ðức Tin

Ðoạn Thứ Nhất:

"Tôi Tin - Chúng Tôi Tin"

 

1. Ý định của Thiên Chúa dành cho con người là gì?

1-25

Thiên Chúa tự bản thể là Ðấng vô cùng hoàn hảo và hạnh phúc. Theo ý định nhân hậu, Ngài đã tự ý tạo dựng con người, để cho họ được thông phần sự sống hạnh phúc của Ngài. Khi thời gian đến hồi viên mãn, Thiên Chúa Cha đã cử Con Ngài đến làm Ðấng Cứu Thế chuộc tội cho nhân loại đã sa ngã trong tội lỗi, để kêu gọi họ vào trong Hội thánh Ngài, và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, đón nhận họ làm dưỡng tử, và được thừa hưởng hạnh phúc vĩnh cửu của Ngài.

 

Chương Một

Con Người "Có Khả Năng" Ðón Nhận Thiên Chúa

 

"Lạy Chúa, Chúa vĩ đại và đáng ca tụng... Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn của chúng con luôn xao xuyến cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa" (Thánh Augustinô).

 

2. Tại sao con người khát khao Thiên Chúa?

27-30

44-45

Khi tạo dựng con người theo hình ảnh mình, chính Thiên Chúa đã khắc ghi vào trong tâm hồn họ sự khát khao nhìn thấy Ngài. Cả khi họ không nhận ra sự khát khao này, Thiên Chúa vẫn không ngừng lôi kéo họ đến với mình, vì chỉ nơi Thiên Chúa, họ mới sống và tìm được chân lý và hạnh phúc viên mãn mà họ luôn tìm kiếm. Vì vậy, tự bản chất và do ơn gọi của mình, con người là một hữu thể tôn giáo, có khả năng bước vào sự hiệp thông với Thiên Chúa. Dây liên hệ mật thiết và sống động này với Thiên Chúa đem lại cho con người phẩm giá căn bản của mình.

 

3. Với ánh sáng tự nhiên của lý trí, con người có thể nhận biết Thiên Chúa không?

31-36

46-47

Khởi từ công trình tạo dựng, nghĩa là từ thế giới vật chất và con người, con người có thể chỉ dùng lý trí cũng nhận biết cách chắc chắn có Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích của vũ trụ, là sự thiện hảo tuyệt vời, là chân lý và vẻ đẹp vô cùng vô tận.

 

4. Chỉ với ánh sáng tự nhiên của lý trí, con người có đủ khả năng để nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa hay không?

37-38

Chỉ với ánh sáng của lý trí, con người sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận biết Thiên Chúa. Hơn nữa, tự mình, con người không thể nào bước vào mầu nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa. Vì thế, con người cần được Mạc khải của Thiên Chúa soi dẫn, không những về những gì vượt quá sự hiểu biết nhân loại, mà cả về những chân lý tôn giáo và luân lý, tự chúng vốn không vượt quá khả năng của lý trí, để mọi người trong tình trạng hiện thời của nhân loại có thể biết được một cách dễ dàng, chắc chắn và không sai lầm.

 

5. Chúng ta có thể nói về Thiên Chúa thế nào?

39-43

48-49

Chúng ta có thể nói về Thiên Chúa cho tất cả mọi người, khởi đi từ những nét hoàn hảo của con người và của những thụ tạo khác, đó là một phản ánh, dù rất hạn hẹp, về sự hoàn hảo vô tận của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta phải không ngừng thanh luyện ngôn ngữ của chúng ta vì nó bất toàn và bị lệ thuộc vào hình ảnh, phải ý thức rằng chúng ta không bao giờ có thể diễn tả đầy đủ mầu nhiệm vô tận của Thiên Chúa.

 

Chương Hai

Thiên Chúa Ðến Gặp Con Người

 

Mạc khải của Thiên Chúa

 

6. Thiên Chúa mạc khải cho con người điều gì?

50-53

68-69

Với lòng nhân hậu và sự khôn ngoan, Thiên Chúa tự mạc khải chính mình cho con người. Qua các hành động và lời nói, Thiên Chúa tự mạc khải chính Ngài cũng như ý định của lòng nhân hậu, mà Ngài đã hoạch định tự muôn đời trong Ðức Kitô. Ý định này nhằm đón nhận tất cả mọi người trở thành nghĩa tử trong Người Con duy nhất của Ngài nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần và cho họ tham dự vào sự sống của Thiên Chúa.

 

7. Những giai đoạn đầu tiên của Mạc khải là gì?

54-58

70-71

Từ nguyên thủy, Thiên Chúa tỏ mình ra cho nguyên tổ của chúng ta, là ông Ađam và bà Evà, và mời gọi họ bước vào sự hiệp thông mật thiết với Ngài. Sau khi họ sa ngã, Ngài đã không chấm dứt việc Mạc khải, nhưng đã hứa ban ơn cứu độ cho tất cả miêu duệ của họ. Sau cơn lụt đại hồng thủy, Ngài đã ký kết với ông Noe một Giao ước giữa Ngài với tất cả các sinh linh.

 

8. Những giai đoạn tiếp theo của Mạc khải của Thiên Chúa là gì?

59-64

72

Thiên Chúa chọn ông Abraham, khi gọi ông rời bỏ quê hương để làm cho ông trở thành "cha của vô số dân tộc" (St 17,5) và hứa qua ông sẽ chúc lành cho "mọi gia tộc trên mặt đất" (St 12,3). Con cháu của ông Abraham là những kẻ thừa hưởng các lời Thiên Chúa đã hứa với tổ phụ họ. Thiên Chúa đã lập Israel làm dân Ngài tuyển chọn, cứu thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập, ký kết với họ Giao ước Sinai và, qua ông Môsê, Ngài ban cho họ Lề luật của Ngài. Các tiên tri đã loan báo một ơn cứu chuộc toàn diện cho dân Chúa cũng là ơn cứu độ dành cho tất cả mọi dân tộc, trong một Giao ước mới và vĩnh cửu. Chúa Giêsu, Ðấng Mêsia, đã được sinh ra từ dân Israel, và từ dòng dõi Vua Ðavít.

 

9. Giai đoạn Mạc khải trọn vẹn và dứt khoát của Thiên Chúa là gì?

65-66

73

Giai đoạn Mạc khải trọn vẹn và dứt khoát của Thiên Chúa được thực hiện nơi Ngôi Lời nhập thể, là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng là trung gian và là viên mãn của Mạc khải. Chúa Giêsu, Con duy nhất của Thiên Chúa, đã làm người, là Lời hoàn hảo và dứt khoát của Chúa Cha. Mạc khải đã được hoàn tất cách trọn vẹn qua việc Thiên Chúa Cha sai Con Ngài và ban tặng Thánh Thần, mặc dù đức tin của Hội thánh phải dần dần trải qua bao thế kỷ mới nhận biết ý nghĩa đầy đủ của Mạc khải.

"Từ khi Thiên Chúa ban cho chúng ta Con Ngài, Ðấng là Lời duy nhất và dứt khoát của Ngài, Thiên Chúa đã nói với chúng ta một lần duy nhất trong Lời này và Ngài không còn gì để nói thêm nữa" (Thánh Gioan Thánh Giá).

 

10. Các mạc khải tư có gía trị gì?

67

Mặc dầu các mạc khải tư không thuộc về kho tàng đức tin, nhưng chúng có thể giúp chúng ta sống đức tin, với điều kiện chúng có một liên hệ chặt chẽ với Ðức Kitô. Huấn quyền Hội thánh, có thẩm quyền để phân định các mạc khải tư đó, không thể chấp nhận những mạc khải tư nào vượt qua hay muốn sửa đổi Mạc khải dứt khoát là chính Ðức Kitô.

 

Lưu truyền Mạc khải của Thiên Chúa

 

11. Tại sao phải lưu truyền Mạc khải của Thiên Chúa và lưu truyền bằng cách nào?

74

Thiên Chúa "muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" (1 Tm 2,4), nghĩa là nhận biết Ðức Giêsu Kitô. Vì thế, phải rao giảng Ðức Kitô cho mọi người, như chính lời Người dạy: "Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ" (Mt 28,19). Ðiều này đã được thực hiện bởi Truyền thống các Tông đồ, gọi tắt là Truyền thống tông đồ.

 

12. Truyền thống tông đồ là gì?

75-79

83

96, 98

Truyền thống tông đồ là việc chuyển đạt sứ điệp của Ðức Kitô, đã được thực hiện ngay từ lúc khởi đầu Kitô giáo, qua việc rao giảng, làm chứng, các cơ chế, phụng tự, và các sách được linh ứng. Các Tông đồ đã chuyển đạt mọi điều các ngài đã lãnh nhận từ Ðức Kitô và học hỏi từ Chúa Thánh Thần cho những người kế nhiệm các ngài, là các giám mục, và qua họ, cho mọi thế hệ đến tận thế.

 

13. Truyền thống tông đồ được thực hiện như thế nào?

76

Tông truyền được thực hiện bằng hai cách: qua việc chuyển đạt sống động Lời Chúa (được gọi cách đơn sơ là Thánh truyền) và qua Thánh Kinh, trong đó cùng một lời rao giảng ơn cứu độ được ghi lại thành chữ viết.

 

14. Tương quan giữa Thánh truyền và Thánh Kinh như thế nào?

80-82

97

Thánh truyền và Thánh Kinh liên kết và giao lưu mật thiết với nhau. Thật vậy, cả hai làm cho mầu nhiệm Ðức Kitô được hiện diện và sung mãn trong Hội thánh và cả hai cùng xuất phát từ một cội nguồn là Thiên Chúa. Cả hai làm nên một kho tàng đức tin duy nhất, nơi Hội thánh nhận được sự đảm bảo chắc chắn về tất cả những chân lý được mạc khải.

 

15. Kho tàng đức tin đã được ủy thác cho ai?

84, 91

94, 99

Từ thời các thánh Tông đồ, kho tàng đức tin đã được ủy thác cho toàn thể Hội thánh. Nhờ Chúa Thánh Thần hỗ trợ và nhờ Huấn quyền hướng dẫn, với cảm thức siêu nhiên của đức tin, toàn thể dân Chúa đón nhận Mạc khải của Thiên Chúa, hiểu biết mỗi ngày một sâu xa hơn, và cố gắng sống Mạc khải đó.

 

16. Ai có thẩm quyền để giải nghĩa kho tàng đức tin?

85-90

100

Chỉ có Huấn quyền sinh động của Hội thánh, nghĩa là vị kế nhiệm thánh Phêrô làm Giám mục Rôma và các Giám mục hiệp thông với ngài, mới có đủ thẩm quyền giải thích kho tàng đức tin. Huấn quyền, trong việc phục vụ Lời Chúa, được hưởng đặc sủng về chân lý, có trách nhiệm xác định các tín điều, nghĩa là những công thức trình bày các chân lý chứa đựng trong Mạc khải của Thiên Chúa; thẩm quyền này cũng áp dụng trên các chân lý có liên hệ thiết yếu với Mạc khải.

 

17. Ðâu là mối tương quan giữa Thánh truyền, Thánh Kinh và Huấn quyền?

95

Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn quyền liên hệ chặt chẽ với nhau, đến độ thực thể này không hiện hữu nếu không có hai thực thể kia. Dưới tác động của cùng một Chúa Thánh Thần, cả ba góp phần cách hữu hiệu vào ơn cứu độ loài người, mỗi thực thể theo cách thức riêng của mình.

 

Thánh Kinh

 

18. Tại sao Thánh Kinh lại có thể dạy chân lý?

105-108

135-136

Bởi vì chính Thiên Chúa là tác giả của Thánh Kinh. Thánh Kinh là quyển sách được linh ứng và dạy dỗ cách không sai lạc những chân lý cần thiết cho ơn cứu độ chúng ta. Thật vậy, Chúa Thánh Thần linh ứng cho các tác giả phàm nhân để họ viết ra những điều Thiên Chúa muốn dạy dỗ chúng ta. Tuy nhiên, đức tin Kitô giáo không phải là một "tôn giáo của sách vở", nhưng là của Lời Thiên Chúa, "không là một ngôn từ được viết ra và câm lặng, nhưng là Ngôi Lời nhập thể và sống động" (thánh Bênađô Clairvaux).

 

19. Chúng ta phải đọc Thánh Kinh như thế nào?

109-119

137

Thánh Kinh phải được đọc và giải thích dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, và phải theo sự hướng dẫn của Huấn quyền Hội thánh, theo ba tiêu chuẩn: (1) phải chú ý đến nội dung và sự duy nhất của toàn bộ Thánh Kinh; (2) phải đọc Thánh Kinh trong Thánh truyền sống động của Hội thánh; (3) phải chú ý đến tính tương hợp của đức tin, nghĩa là đến sự liên hệ hài hòa giữa các chân lý đức tin với nhau.

 

20. Quy điển (Canon) của các Sách Thánh là gì?

120, 138

Quy điển các Sách Thánh là danh mục đầy đủ về các Sách Thánh, mà Tông truyền đã phân định rõ ràng cho Hội thánh. Quy điển này gồm có bốn mươi sáu tác phẩm Cựu Ước và hai mươi bảy tác phẩm Tân Ước.

 

21. Ðâu là tầm quan trọng của Cựu Ước đối với các người Kitô hữu?

121-123

Người Kitô hữu tôn kính Cựu Ước như là Lời đích thực của Thiên Chúa. Tất cả các tác phẩm của Cựu Ước được Thiên Chúa linh ứng nên có một giá trị trường tồn. Cựu Ước là bằng chứng cho thấy nghệ thuật giáo dục bằng tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Và nhất là, các tác phẩm Cựu Ước được viết ra để chuẩn bị cho việc Ðức Kitô, Ðấng Cứu Ðộ muôn loài, ngự đến.

 

22. Ðâu là tầm quan trọng của Tân Ước đối với các người Kitô hữu?

124-127

139

Trung tâm của Tân Ước là Ðức Giêsu Kitô. Tân Ước dạy chúng ta chân lý dứt khoát được Thiên Chúa mạc khải. Trong Tân Ước, bốn quyển Phúc Âm - Matthêu, Marcô, Luca và Gioan - là những chứng từ chính yếu về đời sống và về lời giảng dạy của Chúa Giêsu; bốn quyển sách này tạo thành trung tâm của tất cả Sách Thánh và có một vị trí độc nhất trong Hội thánh.

 

23. Ðâu là sự thống nhất giữa Cựu Ước và Tân Ước?

128-130

140

Thánh Kinh chỉ là một, vì chỉ có một Lời Chúa duy nhất, một chương trình cứu độ duy nhất của Thiên Chúa và một linh ứng duy nhất của Thiên Chúa cho cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Cựu Ước chuẩn bị cho Tân Ước và Tân Ước hoàn thành Cựu Ước: cả hai soi sáng cho nhau.

 

24. Thánh Kinh giữ vai trò nào trong đời sống Hội thánh?

131-133

141-142

Thánh Kinh đem lại sự hỗ trợ và sức mạnh cho đời sống Hội thánh. Ðối với con cái Hội thánh, Thánh Kinh là sự củng cố đức tin, là lương thực và nguồn mạch của đời sống tinh thần. Thánh Kinh là linh hồn của các môn thần học và giảng thuyết mục vụ. Thánh Vịnh gọi Thánh Kinh là "đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi" (Tv 118 [119],105). Vì thế, Hội thánh khuyến khích chúng ta thường xuyên đọc Thánh Kinh, vì "không biết Thánh Kinh là không biết Ðức Kitô" (thánh Giêrônimô).

 

Chương Ba

Lời Ðáp Trả Của Con Người Với Thiên Chúa

 

Tôi Tin

 

25. Con người đáp trả như thế nào với Thiên Chúa, Ðấng tự mạc khải?

142-143

Ðược ân sủng của Thiên Chúa nâng đỡ, con người đáp lời Thiên Chúa bằng việc vâng phục đức tin, bao gồm việc tin tưởng trọn vẹn vào Thiên Chúa và đón nhận chân lý của Ngài, chân lý được Thiên Chúa bảo đảm vì chính Ngài là Chân Lý.

 

26. Trong Thánh Kinh, ai là những nhân chứng chính yếu cho việc vâng phục đức tin?

144-149

Có rất nhiều chứng nhân, nhưng đặc biệt là hai vị:

- Ông Abraham, dù bị thử thách, "vẫn vững tin vào Thiên Chúa" (Rm 4,3) và luôn vâng phục tiếng gọi của Ngài; vì thế ông trở thành "tổ phụ của tất cả những người tin" (Rm 4,11.18);

- Ðức Trinh Nữ Maria, trong suốt cuộc đời đã thể hiện một cách tuyệt vời sự vâng phục đức tin: "Fiat mihi secundum verbum tuum - xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần nói" (Lc 1,38).

 

27. Tin vào Thiên Chúa có ý nghĩa cụ thể gì cho con người?

150-152

176-178

Tin vào Thiên Chúa có nghĩa là gắn bó với chính Thiên Chúa, tin tưởng phó thác bản thân cho Ngài và chấp nhận tất cả những chân lý do Ngài mạc khải vì Ngài chính là Chân lý. Ðiều này có nghĩa là tin vào Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

 

28. Ðức tin có những đặc điểm gì?

153-165

179-180

183-184

Ðức tin là một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa, được trao ban cho tất cả những ai cầu xin với lòng khiêm hạ; đó là nhân đức siêu nhiên cần thiết để được cứu độ. Hành vi đức tin là một hành vi nhân linh, nghĩa là một hành động của lý trí con người, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, tự do gắn bó với chân lý của Thiên Chúa. Ngoài ra, đức tin còn có đặc tính chắc chắn, vì được đặt nền tảng trên Lời Chúa; đức tin có đặc tính năng động "nhờ Ðức ái" (Gl 5,6); đức tin luôn tăng triển, đặc biệt nhờ lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện. Trong hiện tại, đức tin cho chúng ta nếm trước niềm vui trên trời.

 

29. Tại sao không có mâu thuẫn giữa đức tin và khoa học?

159

Dù đức tin vượt lên trên lý trí, nhưng không bao giờ có mâu thuẫn giữa đức tin và khoa học, vì cả hai đều có cùng một cội nguồn là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa ban ánh sáng lý trí và đức tin cho con người.

"Tôi tin để hiểu và tôi hiểu để tin" (Thánh Augustinô).

 

Chúng Tôi Tin

 

30. Tại sao đức tin là một hành vi cá nhân nhưng đồng thời cũng là hành vi mang tính giáo hội?

166-169

181

Ðức tin là một hành vi cá nhân, vì đó là sự đáp trả tự do của con người đối với Thiên Chúa, Ðấng tự mạc khải. Nhưng đồng thời đó cũng là một hành vi mang tính giáo hội, tính chất này được bày tỏ trong lời tuyên xưng đức tin: "Chúng tôi tin." Thật vậy, chính Hội thánh tin: qua đó, nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, Hội thánh đi bước trước, sinh ra và nuôi dưỡng đức tin của mỗi người. Vì thế, Hội thánh là Mẹ và là Thầy.

"Không ai có thể có Thiên Chúa là Cha, mà lại không có Hội thánh là Mẹ." (Thánh Cyrianô)

 

31. Tại sao những công thức đức tin lại quan trọng?

170-171

Những công thức đức tin là quan trọng vì chúng giúp ta diễn tả, đồng hóa, cử hành và cùng chia sẻ với những người khác các chân lý đức tin, khi sử dụng một ngôn ngữ chung.

 

32. Phải hiểu như thế nào về đức tin duy nhất của Hội thánh?

172-175

182

Dù được hình thành do nhiều người khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa và phong tục, Hội thánh đồng thanh tuyên xưng một đức tin duy nhất, được lãnh nhận từ một Chúa duy nhất và được chuyển đạt qua một Truyền thống tông đồ duy nhất. Hội thánh tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất - Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần - và dạy một con đường cứu độ duy nhất. Vì thế, chúng ta, cùng một lòng một ý, tin những gì chứa đựng trong Lời Chúa, được truyền đạt hay được viết ra và được Hội thánh xác định là do Thiên Chúa mạc khải.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page