Mỗi Ngày Một Tin Vui

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Thứ Năm sau Chúa Nhật 19 Mùa Thường Niên

Tha Thứ

(Mt 18, 21-19,1)

 

Phúc Âm: Mt 18, 21 - 19, 1

"Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy".

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

"Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, và tôi sẽ trả lại cho ngài tất cả". Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

"Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: "Hãy trả nợ cho ta". Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh". Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: "Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?" Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.

"Vậy, Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".

Khi Chúa Giêsu nói những lời đó xong, thì Người bỏ xứ Galilêa mà đến Giuđêa, bên kia sông Giođan.

 

Suy Niệm:

Tha Thứ

Một đôi vợ chồng nọ đưa nhau ra tòa xin ly dị. Vị luật sư biện hộ cho quan tòa biết: đôi vợ chồng này sống hoàn toàn yên lặng với nhau trong suốt 12 năm liên tiếp. Họ cũng không muốn gặp nhau nữa, nếu cần cho nhau biết điều gì, thì họ chỉ cần viết vào một mảnh giấy để sẵn trên bàn cho người kia đọc. Ðôi vợ chồng này trước đây đã sống hạnh phúc với nhau trong vòng 18 năm, đã nuôi nấng con cái khôn lớn, nhưng rồi không rõ vì lý do gì, hai người đã không thèm nói chuyện với nhau, và giờ đây họ không nhớ đã giận nhau vì lý do gì.

Những hờn giận, phiền muộn xẩy ra trong sinh hoạt hằng ngày, nếu không được nghiêm chỉnh giải quyết, vượt qua, thì sẽ dễ dàng chồng chất làm thành những bức tường ngăn cách giữa cha mẹ với nhau, hay giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em trong gia đình, hoặc giữa bạn bè thân thích. Những tâm tình phiền muộn tiêu cực mỗi ngày một ít cũng đủ ảnh hưởng đến cả cuộc sống, làm chúng ta không còn vui sống và bình an nữa.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải tha thứ và tha thứ luôn luôn. Nhưng tại sao phải tha thứ? Vì tha thứ là một điều cần thiết trong đời sống xã hội, trong gia đình, trong các đoàn thể; vì tha thứ là đặc điểm của tình yêu: trong tình yêu Chúa, chúng ta tha thứ cho nhau như Ngài đã tha thứ cho chúng ta. Tha thứ như thế không phải là yếu nhược, mà là sức mạnh của tình yêu, là khí cụ của hòa bình. Cuộc đời là một cuộc hành trình, nếu chúng ta cứ để mình mang nặng gánh ưu tư, phiền muộn thì làm sao có đủ sức để đạt tới đích được. Do đó chúng ta hãy luôn sống tha thứ để tâm hồn chúng ta được nhẹ nhàng thanh thoát trên đường đời với niềm hy vọng và an vui.

Một nhà tâm lý người Mỹ đã đưa ra nhận định như sau: Trên bình diện nhân bản, nếu suy nghĩ cho cùng, thì tha thứ là giải pháp tốt nhất cho người tha thứ và kẻ được tha thứ: sự tha thứ khai mở năng lực tinh thần con người và có tác dụng làm cho con người sống lành mạnh vui tươi hơn. Trên bình diện thiêng liêng, sự tha thứ có giá trị tích cực, chứng tỏ tình thương làm phát sinh nguồn an ủi trong tâm hồn; nếu chúng ta không thật lòng tha thứ cho nhau, thì Cha trên trời cũng không tha thứ cho chúng ta.

Xin Chúa cho chúng ta luôn biết tha thứ cho những ai xúc phạm đến chúng ta, và như vậy chúng ta trở thành khí cụ đem niềm vui đến cho mọi người.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page