Mỗi Ngày Một Tin Vui
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Thứ Hai sau Chúa Nhật 10 Mùa Thường Niên
Tám mối phúc thật
(Mt 5,1-12)
Phúc Âm: Mt 5, 1-12
"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó".
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng: "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. - Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. - Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. - Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. - Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. - Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. - Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. - Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ".
"Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời. Người ta cũng đã từng bắt bớ các tiên tri trước các con như vậy".
Suy Niệm:
Tám mối phúc thật
Có lẽ người Công giáo nào cũng thuộc nằm lòng Tám Mối Phúc Thật, và có lẽ nhiều người ngoài Kitô giáo cũng đã ít hay nhiều nghe nói đến bản Hiến Chương này. Cũng giống như bản thân Chúa Giêsu, Tám Mối Phúc Thật là dấu chỉ của sự mâu thuẫn. Nếu đối với người Công giáo và nhiều bậc vĩ nhân của nhân loại, Tám Mối Phúc Thật là nguồn cảm hứng cho cuộc sống cao thượng; thì đối với một số người khác, như triết gia Nietzsch chẳng hạn, Tám Mối Phúc Thật chỉ là một lô những đức tính của loài vật, bởi vì chỉ có loài vật mới cúi đầu khuất phục và nhẫn nhục chịu đựng; đối với một số khác nữa, Tám Mối Phúc Thật chỉ là những lời hứa hão về một thứ thiên đàng ảo tưởng, hay nói theo ngôn ngữ của Karl Marx, đó chỉ là thuốc phiện ru ngủ quần chúng. Vậy đâu là tinh thần đích thực của Tám Mối Phúc Thật?
Bản văn Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay là của thánh Mátthêu. Chúa Giêsu chỉ công bố Tám Mối Phúc Thật một lần duy nhất, nhưng được hai tác giả ghi lại; dĩ nhiên, với hai cái nhìn khác nhau nhưng bổ túc cho nhau. Cái nhìn của Luca có tính xã hội: Luca giải thích các mối phúc thật dưới ánh sáng giáo huấn của Chúa Giêsu về nghèo khó và việc sử dụng của cải trần thế, để từ đó đề cao giai cấp những người nghèo khổ trong xã hội; với Luca, những người nghèo thật sự là những tín hữu tiên khởi của Giáo Hội. Trái lại, Mátthêu quan tâm đến khía cạnh luân lý nhiều hơn: nếu Luca đề cao giai cấp cùng khổ, thì Mátthêu nhấn mạnh đến tinh thần nghèo khó: "Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó", do đó theo Mátthêu, con người vào được Nước Trời không đương nhiên vì tình trạng nghèo khó, mà vì thái độ tinh thần của họ; cũng trong cái nhìn ấy, Mátthêu đáng giá về sự đói khát: nếu Luca nói đến những nạn nhân của bất công, tức những người đói khát cơm bánh thực sự, thì Mátthêu lại nhấn mạnh đến sự đói khát công lý nơi con người.
Tổng hợp hai cái nhìn khác nhau của Luca và Mátthêu, chúng ta có thể đưa ra bài học về sứ mệnh của Giáo Hội trong trần thế. Nước Chúa mà Giáo Hội loan báo không chỉ là Thiên Ðàng trong thế giới mai hậu, nhưng đang đến trong cuộc sống tại thế này, qua những giá trị như công bình bác ái, huynh đệ, liên đới. Chính trong những thực tại trần thế mà con người phải tìm kiếm và xây dựng những thực tại Nước Trời.
Niềm tin của người Kitô hữu thiết yếu hướng về cuộc sống mai hậu: mọi nỗ lực của người Kitô hữu nhằm minh chứng cho mọi người về tính cách siêu việt của cuộc sống và định mệnh của con người. Sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian, sống giữa thế gian, nhưng con người phải nhìn về Quê hương đích thực là Thiên Quốc. Tuy nhiên, niềm tin hướng về cuộc sống mai hậu ấy không thể làm cho người Kitô hữu xao lãng với những nhiệm vụ trần thế của họ. Họ phải xác tín rằng chính qua những thực tại trần thế, họ mới có thể gặp được những giá trị của Nước Trời; chính qua những thực tại trần thế, họ mới đạt được cứu cánh vĩnh cửu của họ. Ðây quả là một thách đố lớn lao cho người Kitô hữu ở mọi thời.
Một trong những nguyên nhân khiến người Kitô hữu bị bách hại là bởi vì con người không hiểu được sứ điệp của Tin Mừng. Chúa Giêsu đã bị chống đối và cuối cùng bị treo trên Thập giá là bởi vì những người đương thời không hiểu được sứ điệp và con người của Ngài. Ðó cũng chính là thân phận của người Kitô hữu trong trần thế, nhưng chính khi bị bách hại mà vẫn kiên trì trong niềm tin của mình, người Kitô hữu mới thể hiện được ý nghĩa sứ điệp của Tin Mừng.
Chúa Giêsu đã chẳng nói: khi nào Ta bị giương cao, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta sao? Ðó là sức mạnh và nét hấp dẫn của Tám Mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu không chỉ rao giảng, mà còn thể hiện cho đến cùng. Chết để cho sứ điệp Tin Mừng được đón nhận, đó là nghịch lý của Tám Mối Phúc Thật. Cái chết ấy được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày của người Kitô hữu, nghĩa là hăng say phục vụ, sống quảng đại, liêm khiết, sống bác ái yêu thương, ngay cả chấp nhận những thua thiệt miễn là không đánh mất niềm tin của mình.