Tín Nhiệm
(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý
Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 60 -
Tình Thương Không Ðòi Giấy Chứng Nhận
Tình Thương Không Ðòi Giấy Chứng Nhận
Nt. Rosa Lê Ngọc Thuỳ Trang, MTGCQ.
(RVA News 26-10-2020) - Người ta kể lại rằng: Trên một chuyến tàu, đến giờ soát vé, cô nhân viên soát vé dừng lại trước một người đàn ông lớn tuổi ăn mặc xốc xếch và nói:
- Cho tôi xem vé của ông.
Người đàn ông ấy ngập ngừng chìa tấm vé của mình ra. Cô soát vé liếc nhìn tấm vé trong tay ông rồi lắc đầu:
- Ðây là vé trẻ em.
Người đàn ông đỏ bừng mặt, nhỏ nhẹ đáp:
- Tôi là người tàn tật nên người ta bảo tôi mua vé này.
Ðương nhiên cô soát vé biết quy định vé trẻ em ngang giá vé người tàn tật nhưng vẫn nhìn chằm chằm người đàn ông rồi bảo:
- Vậy hãy cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.
Người đàn ông bối rối đáp:
- Tôi không có giấy chứng nhận điều đó. Nhưng nếu cô không tin thì xin hãy nhìn xem.
Rồi ông lúng túng tháo giầy, vén ống quần lên để lộ ra cái chân chỉ còn một nửa.
Cô soát vé vẫn lạnh lùng nói tiếp:
- Chúng tôi chỉ xem chứng từ, không xem người. Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được anh là người tàn tật?
Một ông lão ngồi gần đó chứng kiến toàn bộ câu chuyện thì cảm thấy bất bình. Ông đứng phắt lên nhìn cô soát vé và nói:
- Cô không phải là người.
Cô soát vé nổi cơn tam bành, quát lớn:
- Ông ăn nói đàng hoàng một chút. Tôi không là người thì là gì?
Ông lão vẫn bình tĩnh nói tiếp:
- Nếu cô là người thì hãy đưa "giấy chứng nhận là người" của cô ra xem nào. Tôi cũng giống cô, chỉ xem chứng từ, không xem người. Không có "giấy chứng nhận là người" thì làm sao chứng minh được cô có phải là người hay không!
Quý vị và các bạn thân mến,
Có lẽ, "tờ giấy chứng nhận" không hề xa lạ trong cuộc sống của chúng ta. Theo định nghĩa thông thường, giấy chứng nhận là văn bản của một tổ chức hay cơ quan nhà nước, công nhận những hành vi, quyền hạn hoặc tình trạng hợp pháp của cá nhân hay tập thể trên bản thân đương sự hoặc trên đối tượng khác. Có rất nhiều loại giấy chứng nhận được gặp thấy trong cuộc sống của chúng ta. Trong đời sống xã hội, chúng ta thấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đăng ký thuế, giấy chứng nhận sức khỏe, đăng ký kết hôn... và nhiều loại khác nữa. Trong đời sống Kitô hữu, chúng ta có giấy chứng nhận Rửa tội, Thêm sức và Hôn phối. Những nội dung được ghi rõ trên những tờ giấy trắng mực đen đó, cộng thêm các con dấu hợp pháp của những cơ quan hành chính hay linh mục có thẩm quyền đều mang hiệu lực và có sức thuyết phục mạnh mẽ mà bất cứ ai nhìn thấy đều không thể phủ nhận được.
Ngày hôm nay, khi niềm tin của con người bị lung lay bởi nhiều thủ đoạn lừa lọc tinh vi thì những tờ giấy chứng nhận có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết. Do vậy, cô soát vé trong câu chuyện bên trên cũng muốn thấy một tờ giấy chứng nhận. Tuy nhiên, việc nằng nặc đòi hỏi cho bằng được tờ giấy chứng nhận một vết thương hay nỗi đau của một người tàn tật là điều vô cùng tàn nhẫn. Cuộc sống có những điều mà không một tờ giấy nào có thể xác nhận hết được. Và đặc biệt, không có bút mực nào có thể viết ra những dòng chữ chứng nhận được bao nỗi đớn đau và khốn cùng của những người nghèo khổ, bất hạnh và đau khổ.
Thế giới hôm nay và ngay trong gia đình, khu xóm và quê hương của chúng ta đang có biết bao người đau khổ. Họ không có một tờ giấy chứng nhận nào ngoài những vết thương và nỗi đau đang hiện rõ rành rành trên thân thể tiều tụy, khắc khổ và ánh mắt u uất, thất thần. Trong những phút cầu nguyện này, chúng ta hãy nghiêm túc nhìn lại thái độ của mình đối với những người đang sống xung quanh. Mỗi khi có ai đó cần đến sự cảm thông và giúp đỡ của mình, chúng ta có mau mắn mở lòng ra với họ không hay là cũng đòi họ phải giải thích và chứng minh sao cho hợp tình hợp lý? Như Thiên Chúa đã vẫn tin tưởng và yêu thương chúng ta mà không hề đòi hỏi bất cứ mảnh giấy chứng nhận nào về tình yêu và lòng trung thành của chúng ta đối với Chúa, chúng ta cũng đừng hạch sách hay gây khó dễ cho anh chị em của mình mỗi khi họ cần đến sự cảm thông và giúp đỡ của chúng ta.
Lạy Chúa, hằng ngày, chúng con chứng kiến bao người trên thế giới đang đau đớn vì mất đi người thân yêu trong đại dịch toàn cầu Covid-19, và mới đây nhất là những nỗi đau tột cùng của bao anh chị em của chúng con trong những cơn lũ lụt dữ dội và tàn khốc ở miền Trung. Xin Chúa giúp chúng con thấu hiểu được những nỗi khổ mà họ đang trải qua để sẵn lòng san sẻ và hỗ trợ họ về tinh thần lẫn vật chất một cách quảng đại. Amen.
Nt. Rosa Lê Ngọc Thuỳ Trang, MTGCQ.