Tín Nhiệm

(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý

Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 179 -

Bình An Từ Sự Hoán Cải

 

Bình An Từ Sự Hoán Cải

Duy An

(RVA News 30-03-2021)

Quý vị và các bạn thân mến,

Người ta kể lại rằng: Vào sáng sớm ngày 6 tháng 8 năm 1945, viên đại úy phi công Mỹ Robert Lewis đã nhận được lệnh cất cánh thi hành một phi vụ quan trọng, nhưng anh không hề biết phi vụ này quan trọng đến mức độ nào. Vào khoảng 11 giờ, Lewis được lệnh tiến vào không phận Hiroshima và thả trái bom số 1. Trở về căn cứ, anh đã được tiếp đón như một anh hùng. Tuy nhiên, thay vì vui mừng vì chiến thắng, Lewis lại bắt đầu suy nghĩ dữ dội khi biết được rằng trái bom nguyên tử do mình ném xuống Hiroshima đã làm hàng trăm ngàn người chết và hàng vạn người bị thương. Anh đã thú nhận rằng:

- Tôi đã được sai đi giết hàng trăm ngàn người. Chiến tranh thật ghê tởm! Tôi muốn kiến tạo một thế giới đầy yêu thương.

Thế là ngay sau đó, Lewis đã giã từ binh nghiệp để dấn thân trở thành một nhà truyền giáo rao giảng hòa bình và tình yêu của Chúa cho mọi người.

Quý vị và các bạn thân mến,

Khi nhận thấy mình đang dấn thân trong một nghề nghiệp gây chết chóc cho bao con người, đại úy phi công Mỹ Robert Lewis đã trải qua những khoảnh khắc day dứt và bất an. Cuối cùng, anh đã quyết định từ bỏ nghề nghiệp đáng sợ đó để trở thành một nhà truyền giáo. Quyết định này đã đưa anh bước ra khỏi nỗi ám ảnh và ray rứt đã qua để tìm thấy được bình an khi chọn một lối sống mới có ý nghĩa hơn cho con người và cuộc đời.

Việc ý thức được lợi ích hay tác hại của công việc mình làm và quyết tâm thay đổi theo chiều hướng tích cực mở ra cho con người những cơ hội mới. Hôm nay, khi đặt mình dưới thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta nghe được cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và hai tội nhân khác mà chúng ta đã quen với tên gọi là "người trộm lành" và "người trộm dữ" cũng bị đóng đinh với Ngài trên thập giá. "Người trộm dữ" tỏ ra ngạo nghễ, buông lời chế nhạo Chúa Giêsu. Chỉ có sự thinh lặng đáp lời anh ta và anh ta đã chết đi cùng với tội lỗi của mình trong sự phẫn nộ và chua chát. "Người trộm lành" thì lại có thái độ khác. Anh tỏ ra ăn năn về tội lỗi của mình và khiêm tốn cất lời nài xin: "Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!" (Lc 23, 42). Lời kêu xin ấy của anh đã được Chúa Giêsu đáp lời. Anh cũng chết, nhưng anh đã chết trong sự bình an và tràn đầy hy vọng nhờ lời hứa của Chúa Giêsu: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng" (Lc 23, 43). Bằng thái độ ăn năn sám hối và lòng khiêm tốn thẳm sâu, cuộc đời của người trộm lành này đã được đổi mới. Anh đã không thể ngờ rằng mình có thể đón nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa ngay trong những giây phút cuối cùng của đời mình.

Trong bài giáo lý thứ 27 về cầu nguyện, hôm 15 tháng 2 năm 2012, Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI đã nhận định rằng những lời Chúa Giêsu nói với "người trộm lành" - một trong hai kẻ bị đóng đinh với Chúa trên thánh giá: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng", là một lời hy vọng, là câu trả lời cho lời cầu xin của một người tội lỗi biết thật lòng hoán cải. Ðức Thánh cha cũng nói với chúng ta rằng qua câu trả lời này, Chúa Giêsu đã cho chúng ta một niềm hy vọng chắc chắn rằng lòng nhân từ của Thiên Chúa có thể chạm đến chúng ta, ngay cả trong giây phút cuối cùng của cuộc đời. Sau một cuộc đời sống trong những sai lầm và tội lỗi, bất cứ ai chân thành sám hối và kêu xin lòng nhân từ của Thiên Chúa, đều sẽ được Thiên Chúa âu yếm đón vào vòng tay yêu thương của Người.

Những yếu đuối và đắng cay trong phận người khiến nhiều lúc chúng ta cũng có thái độ chua chát và ngạo nghễ như "người trộm dữ". Những lúc đó, chúng ta cũng chỉ nhận lại được những nỗi chán chường, bế tắc và thất bại. Như "người trộm lành" khiêm tốn nhìn nhận quá khứ tội lỗi của mình và lên tiếng bảo vệ người vô tội, chúng ta cũng cúi đầu trước tình thương vô biên của Ngôi Hai Thiên Chúa - Ðấng gánh lấy và xóa bỏ tội trần gian, và thân thưa với Người rằng: "Lạy Chúa, khi nào về Nước Chúa, xin nhớ đến con". Ước gì khi cảm thông với những nỗi đau của tha nhân và can đảm bênh vực những người đang đau khổ và bị bỏ rơi trong cuộc sống, chúng ta gặp thấy được nơi họ dung mạo của Chúa Giêsu đang đau đớn trên thập giá.

Lạy Chúa, xin Chúa ban ơn giúp chúng con biết ý thức về những thiếu sót và tội lỗi trong cuộc sống của mình và khiêm tốn sám hối ăn năn để xứng đáng nhận được lời hứa ban bình an và hy vọng của Chúa từ thập giá.

Duy An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page