Tín Nhiệm
(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý
Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 135 -
Ðừng Loại Bỏ Người Mình Không Ưa Thích
Ðừng Loại Bỏ Người Mình Không Ưa Thích
Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTGCQ.
(RVA News 17-01-2021)
Quý vị và các bạn thân mến,
Hôm nay, chúng ta bắt đầu bước vào Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Khởi đi từ sáng kiến cử hành một tuần tám ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo, từ ngày 18 tháng 1 - lễ Ngai tòa thánh Phêrô ở Rôma, và kết thúc vào ngày 25 tháng 1 - lễ thánh Phaolô trở lại vào năm 1908 của một tín hữu Anh giáo, sau trở thành linh mục Công giáo tên là Paul Wattson, đến năm 1916, sáng kiến này đã được Ðức Giáo hoàng Bênêđíctô XV cổ vũ trong toàn thể Giáo hội Công giáo và tuần tám ngày này được chính thức mang tên Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo.
Việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất không chỉ là điều rất quan trọng và cần thiết cho các tín hữu Kitô, mà còn cho tất cả mọi người trong các mối tương quan ở mọi nơi và mọi thời đại, bởi vì những bất đồng và khác biệt trong đời sống cá nhân, xã hội và tôn giáo vẫn diễn ra liên miên dẫn đến tình trạng loại trừ nhau của con người. Có một câu chuyện kể về thái độ muốn khước từ người mình không ưa thích được kể lại như sau:
Một thầy giáo chia các sinh viên thành hai nhóm, mỗi nhóm mười hai người. Một sinh viên đến xin thầy được đổi sang nhóm khác. Người thầy hỏi: "Tại sao con lại không ở trong nhóm này?" Sinh viên ấy trả lời: "Vì trong nhóm này có một người con không thích, thưa thầy!" Người thầy hỏi tiếp: "Vậy con có ghét mười người còn lại trong nhóm không?" Sinh viên đó trả lời: "Thưa không ạ. Mười người còn lại rất hòa hợp với con. Chỉ có mỗi một người kia là luôn có những ý tưởng trái ngược con nên con không thích người đó."
Người thầy nghiêm sắc mặt lại, ôn tồn nói với người học trò: "Trong nhóm này, con có tới mười người bạn, vậy mà con lại muốn rời bỏ tất cả họ chỉ vì một người mà con không thích. Ðừng vì sự bất đồng ý kiến của ai đó với mình mà con muốn loại bỏ họ và không muốn làm việc cùng với họ. Hãy tôn trọng và dung hòa mọi sự khác biệt giữa con với tất cả mọi người. Có như vậy, bất cứ nơi nào cũng là nơi con hòa nhập được và với bất cứ người nào, con cũng có thể làm việc và sống cùng một cách vui vẻ và thân ái".
Quý vị và các bạn thân mến,
Ðể có thể hòa nhập vào mọi môi trường sống và tạo được mối liên hệ vui vẻ và thân ái với mọi người, chúng ta cần có tinh thần yêu thích sự hiệp nhất và nỗ lực xây dựng sự hiệp nhất với tha nhân. Người ta thường nói: "bá nhân bá tánh", để diễn tả sự khác nhau về tính tình cũng như lối tư duy của mỗi con người. Với những sự khác biệt của mình, mỗi người có thể đem đến sự phong phú, đa dạng hoặc những trở ngại, mâu thuẫn cho nhau khi ở trong cùng một nhóm hay một cộng đoàn, nơi gia đình và xã hội. Thật dễ chịu và dễ thở khi tất cả thành viên trong một nhóm hay tập thể cùng ý hợp tâm đầu, nhưng thật khó chịu làm sao khi phải chạm mặt ai đó mà mình cứ khắc khẩu và bất đồng về ý kiến! Do vậy mà việc loại bỏ đi người không cùng quan điểm với mình, như người sinh viên trong câu chuyện chúng ta vừa nghe là giải pháp mà nhiều người thường lựa chọn để công việc và những dự tính của mình được tiến hành theo như đã hoạch định.
Sự loại trừ người khác hay chính mình ra khỏi một cộng đoàn, dù với bất cứ lý do gì cũng là một trong những điều gây phương hại rất lớn đến sự hiệp nhất của cả cộng đoàn đó. Thánh Phaolô tông đồ đã nhắc nhở chúng ta về sự liên đới của những khác biệt rằng: "Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: Tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Ðức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể" (Rm 12, 4-5). Ngài cũng kêu gọi chúng ta: "anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau" (Ep 4, 3). Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta lòng yêu mến và thiết tha xây dựng sự hiệp nhất trong mọi môi trường mà mình sống, bằng cách đón nhận và trân trọng những sự khác biệt của tha nhân
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là cội nguồn của sự hiệp nhất, xin ban ơn giúp chúng con biết nỗ lực xây dựng sự hiệp nhất trong cuộc sống hằng ngày và trong đời sống đức tin để tất cả chúng con được hiệp nhất nên một như lòng Chúa mong muốn. Amen.
Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTGCQ.