Tín Nhiệm
(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý
Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 127 -
Phải Nói Sự Thật
Nhưng Với Lòng Bác Ái
Phải Nói Sự Thật Nhưng Với Lòng Bác Ái.
Bình Minh
(RVA News 07-01-2021)
Kính thưa quý vị, các bạn thân mến!
Một hôm, thầy Khổng Tử đang ngồi làm việc, có ông bạn đến và bảo:
- "Thầy có nghe gì không, ở đầu xóm người ta đang nói ì xèo tùm lum kìa".
Nghe vậy, Thầy Khổng nói:
- "Vậy bác cho tôi hỏi vài câu nhé! Chuyện bác sắp nói có liên quan đến tôi và bác không?"
Người bạn đáp:
- "Ồ không, tôi kể cho thầy nghe thôi mà. Còn nếu liên quan đến tôi thì làm sao tôi để yên và còn ở đây với thầy được sao."
Thầy Khổng Tử lại hỏi:
"Chuyện bác sắp kể có đúng sự thật không?"
Người bạn lại tròn mắt đáp:
- "Ô hay, làm sao tôi biết được, thầy cứ làm như tôi là cảnh sát điều tra không bằng".
Cuối cùng thầy Khổng Tử nghiêm giọng hỏi:
- "Chuyện bác sắp cho tôi biết có tốt không?".
Người bạn đáp qua quýt:
- "Tốt làm sao được, chẳng ra thể thống, chẳng ra làm sao cả. Chẳng còn tình nghĩa tình người gì hết. Xóm với làng gì mà chán quá".
Quý vị và các bạn thân mến!
Những câu hỏi của thầy Khổng Tử là một nhắc nhở cần thiết về những suy nghĩ cần phải có trước khi chúng ta muốn nói một điều gì, nhất là khi điều mình nói có liên quan đến người khác. Hãy tập cho mình thói quen tự hỏi là mình có vai trò gì trong câu chuyện sắp được đề cập hay không? Và cho dù câu chuyện đó có liên quan đến mình thì mình có được phép nói ra hay không? Ðồng thời một yếu tố khiến chúng ta không thể không xét đến đó là tính sự thực trong câu chuyện chúng ta muốn nói. Ðây là vấn đề mà đa số chúng ta hay mắc sai lầm, vì chúng ta chỉ đánh giá sự việc theo hình thức bên ngoài, trong khi cuộc sống vốn rất đa đoan và phức tạp, có những sự việc thấy thế nhưng không phải thế, chúng ta không thể dùng con mắt quan sát rồi kết luận bản chất của sự việc được. Ðó là chưa nói đến tính độc đoán, chủ quan của chúng ta trong các nhận định. Chúng ta không quan tâm đến đúng sai thật giả của vấn đề mà chỉ khăng khăng cho rằng chỉ có mình mới nắm được phần chân lý. Chúng ta đã không, hoặc ít chịu tìm hiểu bản chất của vấn đề với tinh thần khách quan và độ lượng mà chỉ thích giải thích thiên lệch một chiều theo quan điểm chủ quan của mình.
Và ngay cả khi sự việc đó đã là sự thực và chúng ta cũng được phép nói, thì điều nên làm đó là chúng ta cũng nên cân nhắc là có cần thiết, có nên nói ra hay không vì không phải sự thực nào được tỏ bày cũng mang ảnh hưởng tích cực cho người nghe cả. Khi làm được điều đó là chúng ta đã biết nghĩ trách nhiệm của mình đối với hậu quả của điều mình sắp nói. Chúng ta không nên nhân danh sự thật như tờ giấy cho phép ta nói tất cả những gì mình muốn nói. Khi nói về sự thật, Thánh Phaolô cũng đưa ra một nguyên tắc đó là sự thật phải đi đôi với bác ái; phải nói sự thật nhưng với lòng bác ái. Khi nói lên điều gì, chúng ta phải biết quan tâm đến lợi ích của người nghe, biết chắt lọc và biết chỉ nên nói những điều mang lại bình an cho người khác và thích hợp với lợi ích của cộng đồng.
Trong thời buổi mà các phương tiện truyền thông đại chúng được phát triển một cách vượt bực như hiện nay, quả là không khó khăn gì để chúng ta muốn đưa một thông tin nào đó đến với công chúng. Chúng ta không phải đi rỉ tai từng người một cách "thủ công" như người hàng xóm của thầy Khổng Tử. Vì thế, hơn lúc nào hết đạo đức truyền thông trở nên một tố chất rất cần thiết cho những người tham gia công tác truyền thông. Chỉ một cái nhấp chuột nhẹ nhàng thì hàng ngàn hàng vạn người trên khắp thế giới có thể tiếp cận được những ý tưởng có thể làm tổn hại uy tín, tinh thần của một cá nhân, một cộng đoàn mà chúng ta muốn nhắm tới. Không thể nói hết những tác hại của việc truyền tải, phổ biến những thông tin gây bất lợi cho một cá nhân hay cộng đoàn nào đó ngay trên các phương tiện truyền thông đại chúng, bởi lẽ mức độ phát tán của nó là khắp năm châu bốn bể và lại lan truyền rất nhanh, nhanh như tốc độ của đường truyền của ánh sáng. Ðây là phương cách gây đau khổ hay thiệt hại tinh thần cho cá nhân hay cộng đồng bị hại, đồng thời gieo rắc chia rẽ trong cộng đoàn một cách hiệu quả nhất.
Vì thế, việc loan báo Tin Mừng trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay luôn là những ưu tư, trăn trở của Giáo Hội. Ðức Giáo Hoàng Benedictô thứ XVI đã nói: "Truyền thông là phương tiện mới để phục vụ Tin Mừng". Tuy nhiên truyền thông chỉ trở nên phương tiện tốt nhất để loan báo Tin Mừng khi và chỉ khi mỗi người chúng ta biết trang bị cho mình đạo đức truyền thông đó là có trách nhiệm thẩm định sự thật và tôn trọng sự thật, đồng thời luôn biết sử dụng những lợi thế của các phương tiện truyền thông với một tâm thế hướng thiện, hòa bình và xây dựng thì việc loan báo Tin Mừng mới mang lại kết quả hữu hiệu trong thế giới hôm nay.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết tôn trọng sự thật và có tinh thần bác ái trong mỗi lời nói của mình, để mỗi lời chúng con thốt ra phải là một cơ hội tốt làm cho "danh Cha được cả sáng", để mọi người nhận ra tình yêu và bình an của Chúa hiện diện trong cuộc sống này. Amen.
Bình Minh