Tín Nhiệm

(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý

Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 106 -

Bát Canh Hẹ

 

Bát Canh Hẹ.

Nt. Anh Thư

(RVA News 14-12-2020) - Xưa có một người con trai sống rất hiếu thảo với cha mẹ. Không may, anh bị kẻ xấu vu oan phải ngồi tù và không ai được vào thăm hỏi. Một hôm, bà mẹ nấu những món anh thích và nhờ người đưa vào cho anh. Trông thấy cơm canh ngon ngọt nhưng anh không ăn mà ngồi khóc nức nở. Người quản tù hỏi sao không ăn mà lại ngồi khóc. Anh ta trả lời:

- Ðây là món canh hẹ mà tôi rất thích. Chắc chắn, mẹ tôi đã nấu và lặn lội mang đến đây nhưng không được vào thăm. Trong lòng tôi xót xa lắm, ăn làm sao được.

Người quản tù nghe biết chuyện thì thương tình liền trình với quan trên. Quan trên nghĩ rằng một người con có hiếu như thế không lẽ lại làm những điều phi pháp. Ông liền cho xem xét lại vụ án thì đúng là anh ta bị tội oan nên quyết định tha cho anh. Thế là hai mẹ con anh lại được sum họp hạnh phúc.

Quý vị và các bạn thân mến,

Bát canh người mẹ nấu chẳng phải cao lương mỹ vị nhưng anh thanh niên cảm nhận được đó là tất cả tình thương và sự chăm sóc của mẹ dành cho anh, điều đó khiến anh xúc động bật khóc. Lòng hiếu thảo là đức tính cao quý ở con người. Tác giả sách Huấn Ca đã xác định rõ hoa trái của lòng hiếu thảo "Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Ðức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng" (Hc 3, 3-6).

Từ lòng hiếu thảo với cha mẹ, chúng ta được mời gọi phải thảo kính Thiên Chúa là Ðấng đã tạo dựng nên ta. Lòng kính sợ Ðức Chúa đem lại cho ta niềm vinh quang và tự hào, niềm hân hoan và phấn khởi (x. Hc 1, 11). Lòng thảo kính Thiên Chúa giúp ta mở lòng ra với con người, tôn trọng và yêu thương họ, lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ với họ những khó khăn trong cuộc sống. Là Kitô hữu, chúng ta xác tín rằng nếu không mở ra với vị Cha chung của mọi người, sẽ không có những lý do vững mạnh để thúc đẩy tình huynh đệ. Bởi lẽ, chúng ta không phải là những đứa trẻ mồ côi nhưng là con cái Chúa, là anh chị em với nhau (x. ÐGH Phanxicô, Fratelli Tutti, 271).

Chúng ta phải thảo kính Thiên Chúa vì Người là Ðấng quyền năng đã tạo thành trời đất muôn vật. Người đã cho Con Một là Ðức Giêsu sinh xuống trần gian để cứu chuộc nhân loại. Chúng ta phải yêu thương mọi người vì họ được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, họ là đối tượng được Thiên Chúa yêu thương và ban ơn cứu độ. Yêu mến tha nhân là thước đo lòng kính mến Thiên Chúa, vì như thánh Gioan đã khẳng định: "Nếu ai nói: 'Tôi yêu mến Thiên Chúa' mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" (1Ga 4, 20).

Như chiếc khăn được đan dệt bởi nhiều sợi chỉ ngang dọc làm nên tính bền chặt, tình yêu mến thể hiện qua mối tương giao giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Nếu một trong hai mối tương giao đó gãy đổ, chúng ta không thực thi được đức mến. Trong cái nhìn của thánh Tôma Aquinô thì tình yêu thương là một sự chuyển động hướng ra về phía người khác. Từ đó ta mong muốn tìm kiếm và làm những điều tốt lành cho họ (x. Summa Thelogiae II-II, q. 27, a. 2, restr).

Tình yêu nơi con người mang tính xã hội, có nhu cầu được chia sẻ, lan tỏa, cho đi và nhận lãnh. Không ai có thể trưởng thành hay tìm thấy sự viên mãn khi sống tách lìa với người khác. Vì thế chúng ta được mời gọi sống cùng, sống với và sống vì người khác để làm nên cộng đồng nhân loại như Ðức Giêsu đã khẳng định "Tất cả anh em đều là anh em với nhau" (Mt 23, 8). Như cành nho gắn liền với thân nho để có được sức sống dồi dào, cảm thức thuộc về ai đó, thuộc về một gia đình giúp ta vượt qua mọi trở ngại, mọi nỗi cô đơn thất vọng.

Lạy Chúa Giêsu là nguồn cội tình yêu và sự sống, xin cho chúng con luôn sống gắn kết với Chúa qua cầu nguyện và thực thi tình bác ái, để xây dựng gia đình Giáo hội thành một cộng đoàn hiệp nhất thương. Amen.

Nt. Anh Thư

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page