Sống Tin Mừng
(Suy Niệm Và Giảng Lễ Chúa Nhật Năm A
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúa Nhật XXX Thường Niêm Năm A
(Mt 22,34-40)
Chúa Nhật Truyền Giáo
Ðức
Thánh Cha Gioan Phaolô II đến viếng thăm Ấn Ðộ hồi tháng
11.1999. Cao điểm của chuyến viếng thăm này là nghi thức công
bố Tông Huấn về Giáo Hội Tại Á Châu. Tông Huấn này là
một đúc kết kết quả của Thượng Hội Ðồng Giám Mục tại
Á Châu nhóm họp tại Rôma hồi tháng 4.1999. Việc chọn Ấn Ðộ
làm nơi công bố Tông Huấn mang một ý nghĩa đặc biệt. Những
nơi mà Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II mong mỏi đến viếng thăm
nhất hẳn phải là Ðài Loan, Hồng Kông, Trung Hoa Lục Ðịa và
đặc biệt là Việt Nam. Thế nhưng, cho đến nay người ta vẫn cứ
nại đến lý do chính trị và quan hệ ngoại giao để không cho
Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến viếng thăm Giáo Hội ở
phần đất này. Dĩ nhiên đằng sau những lý do chính trị và
quan hệ ngoại giao ấy, ai cũng thấy rõ chủ trương bài trừ
tôn giáo và nhất là chống lại Giáo Hội. Tựu trung linh hồn
của bất cứ một chế độ độc tài ý thức hệ nào cũng
là tinh thần bất khoan nhượng. Người dân không những bị cưỡng
bách phải tuyên xưng ý thức hệ của chế độ mà còn bị kỳ
thị loại trừ và bách hại về niềm tin tôn giáo của mình.
Tuy
là một quốc gia có nền dân chủ lớn nhất thế giới hiện
nay, Ấn Ðộ đang bị xâu xé vì tinh thần bất khoan nhượng. Tại
một quốc gia với một tỷ dân này, liên minh cầm quyền gồm
những người theo chủ nghĩa Ấn Giáo, trong đó có một số
thành phần cực đoan lại tái cử thêm nhiệm kỳ nữa, tinh
thần bất khoan nhượng ngày càng gia tăng tại Ấn Ðộ. Trong
những năm gần đây, người ta ước tính là đã có gần
150 vụ tấn công nhắm vào nhân sự và các cơ sở của Kitô
Giáo, nhiều vị mục sư và linh mục bị sát hại, nhiều nữ tu
bị bạo hành, nhiều nhà thờ bị đốt phá.
Một
nhóm Ấn Giáo cực đoan đã tổ chức cuộc biểu tình phản đối
nhân dịp Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô Ii viếng thăm Ấn Ðộ. Họ
đòi Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II lên án các cuộc trở lại
Công Giáo cũng như xin lỗi người Ấn Ðộ về những phương
pháp truyền giáo cho người Ấn trong quá khứ. Chính trong bầu
khí đầy bất khoan nhượng ấy mà Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô
II đã đến viếng thăm Ấn Ðộ, đúng hơn chính bầu khí bất
khoan nhượng ấy đã khiến Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II chọn
Ấn Ðộ làm nơi để công bố Tông Huấn về Giáo Hội Tại Á
Châu.
Trong
bầu khí đó chúng ta thấy rằng, sứ điệp mà Ðức Thánh
Cha Gioan Phaolô II đã ngỏ với các tín hữu Kitô tại Ấn Ðộ
và toàn thể Á Châu, cũng như với tất cả mọi người Ấn
Ðộ là sứ điệp về lòng khoan nhượng. Ðức Thánh Cha Gioan
Phaolô II trưng dẫn cuộc cách mạng bất bạo động vĩ đại nhất
trong lịch sử nhân loại do Mahatma Gandhi chủ xướng, Ngài cũng
nói đến tấm lòng khoan dung độ lượng của biết bao nhiêu
nhà hiền triết Ấn Ðộ.
Quả
thật, tôn giáo nào cũng tốt trong một mức độ nào đó, câu
nói này nói lên tinh thần khoan nhượng vốn là yếu tính của
tất cả mọi tôn giáo. Thật thế, tôn giáo nào cũng dạy con
người ăn ngay ở lành; tôn giáo nào cũng lên án ích kỷ,
bạo động, hận thù và tinh thần bất khoan nhượng.
Trong
tuyển tập có tựa đề "Con Ðường Ðơn Sơ" của Mẹ Têrêsa
Calcutta, vị Sáng Lập Dòng Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái đã viết
như sau: "Chỉ có một Thiên Chúa và Ngài là Thiên Chúa của
tất cả mọi người. Do đó, cần phải nhận ra mọi người bình
đẳng trước mặt Chúa. Tôi vẫn luôn luôn nói rằng, chúng
ta phải giúp cho một người Ấn Giáo trở thành người Ấn
Giáo tốt hơn; một người Hồi Giáo được trở thành một
người Hồi Giáo tốt hơn và một người Công Giáo trở thành
một người Công Giáo tốt hơn."
Lễ quốc táng mà chính phủ Ấn Ðộ đã dành cho Mẹ cách
đây 4 năm chứng tỏ rằng, sứ điệp mà Mẹ mang đến cho dân
tộc này đã được mọi người đón nhận. Sứ điệp ấy
không chỉ được Mẹ Têrêsa nói lên bằng những lời nói
suông mà còn bằng cả cuộc sống của Mẹ nữa.
Hôm
nay là ngày thế giới truyền giáo, chúng ta hiệp nhau cầu
nguyện cho công việc truyền giáo của Giáo Hội, chúng ta cầu
nguyện cách đặc biệt cho các nhà thừa sai trên cánh đồng
truyền giáo của Giáo Hội. Chúng ta tuyên xưng rằng, Chúa Giêsu
Kitô là Ðấng duy nhất cứu rỗi nhân loại, nhưng quan trọng hơn
cả là chúng ta được Giáo Hội mời gọi mỗi người ý thức
về sứ mệnh truyền giáo của mình, nhất là hiểu được ý
nghĩa đích thực của việc truyền giáo trong thế giới hôm
nay.
Mẹ
Têrêsa Calcutta đã định nghĩa về một nhà truyền giáo: "Ðó
là một tín hữu Kitô say mê Chúa Giêsu đến độ không có
một ước muốn nào khác hơn là làm cho mọi người nhận biết
và yêu mến Ngài". Mẹ Têrêsa không những chỉ làm cho người
ta biết và yêu mến Chúa Giêsu bằng những lời nói suông,
nhưng Mẹ nói về Chúa Giêsu, Mẹ tỏ bày gương mặt của Chúa
Giêsu bằng chính cuộc sống yêu thương phục vụ của Mẹ. Do đó,
truyền giáo thiết yếu đối với Mẹ Têrêsa là dùng cả cuộc
sống của mình để làm cho người ta biết và yêu mến Chúa
Giêsu.
Truyền giáo không chỉ là rao giảng một giáo lý mà thiết yếu là chia sẻ một cuộc sống yêu thương. Ðây chính là cốt lõi mà Chúa Giêsu cô đọng trong giới răn mến Chúa và yêu người được Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe trong Tin Mừng hôm nay. Trong xã hội mà Kitô giáo chỉ là thiểu số thì truyền giáo đối với Kitô hữu hiện nay là quyết tâm sống như thế nào để cho mọi người nhận biết Chúa Giêsu là Ðấng đã đến chỉ để rao giảng một thứ đạo, đó là đạo của tình thương. Trong một chế độ chối bỏ những quyền tự do cơ bản nhất của con người, thì truyền giáo đối với các tín hữu Kitô hiện nay chính là biểu lộ được bộ mặt đích thực của Ðạo là yêu thương và khoan nhượng.