Sống Tin Mừng
(Suy Niệm Và Giảng Lễ Chúa Nhật Năm A
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúa Nhật XI Thường Niêm Năm A
(Mt 9,36-10,8)
Tuyển Chọn Nhưng Không
Anh
chị em thân mến!
Những
tin tức về cuộc chiến tại Yugoslavia cho biết, Liên Minh Phòng
Thủ Bắc Ðại Tây Dương đã ngưng ném bom xuống Yugoslavia, quân
đội cảnh sát và các lực lượng bán quân sự của Secbia
đã bắt đầu rút lui ra khỏi Kosovo, chấm dứt cuộc thanh lọc
chủng tộc đánh vào những người thuộc địa sắc tộc Albani.
Các lực lượng dàn giải hòa bình có mặt tại Kosovo để bảo
đảm cho người tỵ nạn Albani được trở về quê hương bình
an. Cuộc chiến tại Yugoslavia xem như đã kết thúc.
Mỗi
một cuộc chiến tranh đều là một bài học cho nhân loại. Ðây
có lẽ là lúc thế giới nên nhìn lại những gì đã diễn
ra trong những năm qua. Khi Ðệ Nhị Thế Chiến vừa kết thúc,
thủ tướng Anh Quốc, ông Winton Churchill đã thốt lên như sau:
"Chiến thắng nào cũng buồn thảm cả, không ai thắng mà cũng
chẳng có ai bại, chỉ có chết chóc, đổ vỡ hoang tàn mà thôi".
Liên
Minh Phòng Thủ Bắc Ðại Tây Dương đã tỏ rõ được sức
mạnh của khí giới, của quân sự, liên minh này đã đạt
được mục tiêu mong muốn, và dường như muốn đưa ra một
tiên liệu rằng, bạo động là phương thế hữu hiệu nhất để
giải quyết những cuộc tranh chấp của con người. Thế nhưng,
phải chăng sử dụng bạo động để giải quyết các cuộc
tranh chấp giữa con người không là một thất bại của nhân
loại? Những gì đã diễn ra tại Yugoslavia, rồi ra có lẽ sẽ
được lặp lại một nơi nào đó trên trái đất của chúng
ta.
Vào
giữa lúc tiến bộ khoa học ngày càng là những bước tiến
khiến cho chúng ta phải choáng váng, thì tại nhiều nơi trên
thế giới, chiến tranh, chết chóc vẫn cứ tiếp diễn, đói
khổ vẫn còn đó, và nhất là những quyền tự do cơ bản
nhất của con người vẫn còn bị chối bỏ và chà đạp. Chúa
Giêsu mời gọi Giáo Hội và các tín hữu Kitô chúng ta nhìn
vào thế giới ấy bằng chính ánh mắt của Ngài. Tin Mừng hôm
nay nói với chúng ta rằng, cách đây hơn 2,000 năm, Chúa Giêsu
đã nhìn vào thế giới mà đám đông đi theo Ngài là đại
biểu, Ngài đã nhìn vào thế giới ấy và chạnh lòng thương
vì họ vất vưởng bơ vơ như chiên không có người chăn dắt.
Ðám đông ấy, Chúa Giêsu đã hai lần thực hiện phép lạ
làm cho bánh và cá biến ra nhiều để cho hằng ngàn người
được ăn uống no nê. Ngài cũng đã chữa lành bệnh tật
cho nhiều người, Ngài cho người què được đi, người mù
được thấy, người điếc được nghe, người câm được nói,
Ngài còn làm cho kẻ chết sống lại nữa.
Những
người Do Thái thời Chúa Giêsu và có lẽ nhiều người ngày
nay nghĩ rằng, thế giới của chúng ta sẽ là thiên đàng nếu
Chúa Giêsu chỉ cần vung cây đũa thần của Ngài ra làm đủ
các phép lạ để cho loài người không phải đổ mồ hôi sôi
con mắt mới có của mà ăn, mà nhất là không còn bệnh tật
ốm đau và chết chóc nữa. Họ mong đợi một thứ thiên đàng
ấy, cho nên không những khước từ Chúa Giêsu mà còn treo
Ngài trên thập giá. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã không đến như
một kinh tế gia hay một vị lương y, một vị thủ lãnh thế gian,
Ngài đến làm cho con người được sống một cuộc sống dồi
dào, Ngài đã loan báo sự sống sung mãn ấy và đã thể hiện
sự sống sung mãn ấy bằng cả một cuộc đời hiến thân hy
sinh mà cái chết trên thập giá là biểu hiện tột đỉnh.
Anh
chị em thân mến,
Quả
thật, con người chỉ thực sự sống sung mãn nếu cùng đi theo
con đường của Chúa Giêsu mà thôi, nhưng tiếc thay từ hơn 2,000
năm qua nhân loại vẫn như một đám đông thời Chúa Giêsu,
họ vất vưởng bơ vơ như chiên không có người chăn, họ đi
tìm kiếm những của cải khác với những giá trị mà Chúa
Giêsu đã mang đến. Chiến tranh, đói khổ, chết chóc vẫn còn
đó. Kỳ thực, trái đất của chúng ta không bao giờ thiếu lương
thực cho cả nhân loại, thế giới cũng không bao giờ thiếu
tiền, thiếu của, người ta đã chẳng thừa tiền, thừa bạc
để sản xuất những loại khí giới đó sao? Thế giới của
chúng ta rất túng đói là túng đói sự công bình, túng đói
tình người, túng đói tình liên đới.
"Tiên
vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và mọi sự khác sẽ
được ban dư đầy cho các con". Chúa Giêsu đã sai các môn
đệ ra đi để loan báo về Nước ấy. Ngày nay Ngài cũng uỷ
thác sứ mệnh ấy cho mỗi một người tín hữu Kitô chúng ta.
Truyền giáo nghĩa là được sai đi để loan báo Nước Trời,
không phải chỉ một số người nào đó, hay chỉ là thành phần
ưu tuyển nào đó trong Giáo Hội, mà là nghĩa vụ của tất cả
những ai đã lãnh nhận một cách nhưng không ơn Ðức Tin. Thực
thế, sứ mệnh truyền giáo ấy trong môi trường của chúng ta
đang sống hiện nay, cụ thể là tại Việt Nam của chúng ta, không
gì khác hơn là sống cho đến cùng và triệt để những giá
trị của Tin Mừng.
Chúng ta phải làm chứng cho niềm tin nào? Chúng ta sẽ loan báo nước nào nếu chúng ta cũng sống như mọi người nghĩ là chúng ta cũng gian lận trong mánh mung, cũng đút lót, cũng tham lam và ích kỷ, cũng như thỏa hiệp với các sinh mệnh của sự dữ, để mặc ai nấy sống và tìm lợi lộc cho cá nhân. Giáo Hội của chúng ta không có lấy một sư đoàn nào trong tay, Giáo Hội của chúng ta cũng chẳng có khả năng chuyên môn, phương tiện để làm kinh tế, nhưng nếu tất cả mọi người tín hữu Kitô chúng ta triệt để tìm kiếm và xây dựng những giá trị của Nước Trời, thì chắc chắn chúng ta sẽ góp phần rất lớn vào việc thay đổi bộ mặt của xã hội.