Sống Tin Mừng
(Suy Niệm Và Giảng Lễ Chúa Nhật Năm A
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúa Nhật III Mùa Chay Năm A
(Jn 4,5-42)
Xin Mở Mắt Tâm Hồn Con
Quí
ông bà, cô bác và anh chị em thân mến!
Có
lẽ chúng ta không còn cần câu chuyện nào khác để dẫn chứng
cho chúng ta đối với đoạn Phúc Âm hôm nay. Cuộc gặp gỡ
giữa Chúa Giêsu và người đàn bà xứ Samaria được mô
tả một cách thật là hay, với nhiều chi tiết gợi ý và có
thể thu hút sức chú ý của chúng ta. Tác giả Phúc Âm không
nhắc đến tên của người đàn bà này, mà chúng ta có thể
giả thuyết là Chúa và các tông đồ, dĩ nhiên trong số các
tông đồ có cả tác giả Phúc Âm tức thánh Gioan, biết tên
người đàn bà này, vì Chúa đã lưu lại nơi cộng đồng
trong vùng hai ngày sau đó để giảng dạy. Người đàn bà không
được nhắc đến tên, có lẽ vì hai lý do sau đây:
Trước
hết là sự tế nhị không muốn nêu danh tánh của một người
đàn bà đã có năm đời chồng và hiện đang sống với người
không phải là chồng của mình.
Lý
do thứ hai quan trọng hơn, là vì tác giả Phúc Âm thánh Gioan
muốn trình bày nơi đây không phải lịch sử cuộc đời của
một người đàn bà tội lỗi, nhưng trình bày cho chúng ta có
thể nói là con đường đức tin của mỗi người chúng ta.
Nói
cách khác, chúng ta không cần biết danh tánh người đàn bà
đó là ai. Vì có thể nói, người đàn bà đó là mỗi người
chúng ta đây trước mặt Thiên Chúa. Con đường đức tin của
chúng ta, chúng ta hãy quan sát xem người đàn bà này đã gặp
Chúa Giêsu như thế nào. Hay nói cách khác, Chúa Giêsu đã
gặp bà và hướng dẫn bà từ một thái độ đối nghịch
sang thái độ kính trọng, cuối cùng tin nhận và làm chứng
cho Chúa như thế nào.
Trước
hết, dung mạo tinh thần của người đàn bà đó là ai? Mặc
dù chúng ta không biết tên và không cần biết tên, đây là
người xứ Samaria, con cháu của những người Do Thái mang dòng
máu Adam. Chúng ta biết vào năm 700 trước Chúa Giêsu sinh ra
thì những người Do Thái bị bắt đi lưu đày sang Babilon và vùng
đất Samari này được người khác đến cư ngụ. Năm 500 trước
Chúa Giêsu sinh ra thì những người Do Thái được trở về
lập quốc và vùng đất Samari này là vùng đất mà những người
Do Thái sống với những người ngoại quốc, họ lập gia đình
với nhau, cưới hỏi nhau. Từ đó những người Samari này có
thể nói là những người Do Thái mang dòng máu lai người
ngoại quốc, không còn là Do Thái chính tông trong sạch như những
người Do Thái ở vùng Giuđêa, quanh thành Giêrusalem và đền
thờ Giêrusalem.
Ðây
là những người bị người Do Thái coi như là kẻ thù theo cả
hai nghĩa, kẻ thù của dân tộc Do Thái đã kết thân lập gia
đình với những người ngoại quốc, và cũng là kẻ thù coi
thường Luật Chúa, Luật Môsê, không xứng đáng lãnh nhận
hồng ân cứu rỗi của Thiên Chúa nữa. Hơn thế nữa, người
đàn bà đã có năm đời chồng và đang sống với một người
không phải là chồng của mình. Một người tội lỗi công khai,
bị kẻ khác xét xử như là kẻ ngoan cố trong tội lỗi, vui lòng
với tội lỗi của mình, mà theo quan điểm con người của chúng
ta thì có lẽ đây là trường hợp hết thuốc chữa.
Người
đàn bà Samari mà Chúa Giêsu gặp không còn xứng đáng với
ơn cứu rỗi của Chúa, đó là nhìn theo quan điểm con người
chúng ta, nhưng không hẳn như vậy, vì trong thâm tâm của bà
vẫn còn có một thắc mắc, một khát khao vượt ra khỏi tình
trạng hiện tại của mình. Chúng ta có thể ghi nhận bà còn một
chút hiểu biết giáo lý, còn đang mong chờ Ðấng Thiên Sai đến
để ban ơn cứu rỗi. Do đó bà đã hỏi Chúa Giêsu: "Chúng
tôi phải thờ Thiên Chúa ở đâu? Tại Giêrusalem hay trên núi
này? Tôi biết rằng Ðấng Thiên Sai sẽ đến để dạy cho chúng
tôi mọi sự". Ðó là khao khát từ trong thâm tâm của bà
hướng về Ðấng Cứu Rỗi, và hơn nữa nơi con người bà còn
có một điều tốt là can đảm nói sự về cuộc đời mình
ra trước mặt Chúa. Bà đã dám nhìn nhận tôi không có chồng,
bà ý thức về tội lỗi của mình, và có chút khao khát hướng
về sự giải thoát, về ơn cứu rỗi.
Chúa
Giêsu đã hành động như thế nào đối với bà? Chúa đến
với bà trước hết trong dung mạo của người Do Thái, tức
là kẻ thù của người Samari. Chúa vượt qua hai định kiến xấu
đối với bà, người Samari và người đàn bà. Người vùng
Samari như đã nói là những người Do Thái mang dòng máu lai
ngoại quốc, không còn trung thành, không còn là Do Thái chính
cống trong sạch với Luật Môsê nữa.
Một
vị thầy của người Do Thái không bao giờ nói chuyện với người
đàn bà nơi công cộng, nhưng Chúa Giêsu vượt qua hai định
kiến xấu này và khơi dậy thiện cảm của người đàn bà
khi mở miệng xin nước uống: "Xin bà cho tôi nước uống".
Chúa tạo dịp cho người đàn bà làm một việc thiện, làm một
điều tốt cho một người mà mình không thích để từ đó nâng
dậy người đàn bà sa ngã.
Hành
động và lời nói của Chúa Giêsu đã phá tan thành kiến nơi
người đàn bà: "Sao ông là người Do Thái mà lại xin nước
uống với tôi là người Samari?" Hành động và những lời
nói của Chúa làm cho người đàn bà có một thái độ kính
trọng hơn, bà đã đổi cách xưng hô từ việc ngay từ đầu
gọi Chúa là ông một cách xa lạ, thì giờ đây biến thành:
"Thưa Ngài, xin hãy cho tôi nước uống". Một lời thưa nói
lên thái độ kính trọng, bà đã sẵn sàng lắng nghe Chúa nói
với bà.
Chúa
dùng hình ảnh nước uống để mạc khải về mầu nhiệm ân sủng
Thần Linh từ Thiên Chúa muốn ban cho con người. Chúa không có
thái độ khinh thị, Chúa sử dụng ngôn ngữ người đàn bà
dễ hiểu và cuối cùng dẫn bà đến thực tại sâu xa nhất
trong tâm hồn của bà. Ðó là Chúa cho bà biết là bà đang
khao khát một cái gì cao siêu hơn, không phải nước uống vật
chất, không phải tình thương nhục dục, nhưng khao khát ơn cứu
rỗi, khao khát gặp được Ðấng Thiên Sai, trong lúc đó Chúa
Giêsu đã mạc khải rõ ràng hơn cho bà Ðấng Thiên Sai đó
chính là Thiên Chúa, là người đang nói với bà đây. Con
đường đức tin của bà đã bắt đầu, bà đón nhận và trở
thành người chứng đầu tiên cho Chúa, bà chạy về làng kêu
mời những người khác đến gặp Chúa Giêsu. Tin và làm chứng
cho Chúa luôn đi đôi với nhau.
Tác
giả Phúc Âm thánh Gioan không kể thêm chi tiết khác nữa, vì
đó có thể là những chi tiết để thỏa mãn tính tò mò của
mỗi người chúng ta hôm nay khi đọc đoạn Phúc Âm này, nhưng
ngài muốn nói đầy đủ trong đoạn Phúc Âm này những chi
tiết khác thuộc phạm vi riêng tư giữa Chúa và người đàn
bà, giữa Chúa và mỗi người chúng ta, giữa Chúa và mỗi
người mà chúng ta không cần biết đến.
Những
gì đã được kể ra trong đoạn Phúc Âm hôm nay là để giúp
cho mỗi người chúng ta nhìn lại con đường đức tin của mình:
tôi đã gặp được Chúa như thế nào? Tôi đã gặp Chúa
hay chưa? Ðể mỗi người chúng ta biết trở về nhìn nhận giây
phút ân sủng mà Chúa đến thăm mỗi người, Chúa thực hiện
một dấu lạ, một điều gì đó kể cả Chúa dùng tội lỗi của
chúng ta như Chúa dùng trường hợp tội lỗi của người đàn
bà để mạc khải một thực tại cao siêu hơn, để kêu gọi
người đàn bà trở về, bà đã có năm đời chồng, bà
nói đúng sự thật về người mà bà đang sống, bà biết người
đang sống với bà không phải là chồng của mình. Chúa có
thể dùng những tật xấu, những tội lỗi của chúng ta để
thức tỉnh chúng ta và mời gọi chúng ta trở về với Chúa.
Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta được thức tỉnh để nhìn nhận tình trạng tội lỗi của mình, nhất là nhìn nhận nơi chính thâm tâm của mỗi người chúng ta có một khao khát hướng về Chúa, có một khao khát được ơn Chúa cứu rỗi. Xin Chúa đến và củng cố đức tin của chúng ta.