Sống Tin Mừng
(Suy Niệm Và Giảng Lễ Chúa Nhật Năm A
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúa Nhật II Mùa Chay Năm A
(Mt 17,1-9)
Chúa Tỏ Hiện Vinh Quang
Kính
thưa ông bà, cô bác và anh chị em thân mến!
Trong
một trăm chuyện ngắn hay của Việt Nam, được hội Văn Hóa
Hà Nội tuyển chọn và cho xuất bản, người ta thấy đứng đầu
danh sách là chuyện có tựa đề: "Thầy Lazarô Phiền". Ðây
là chuyện ngắn được một tác giả công giáo, ông Nguyễn
Trọng Quảng sáng tác vào năm 1887 và được xem là chuyện
ngắn đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam.
Mở
đầu câu chuyện tác giả nhắn nhủ như sau:
Nếu
có xuống Bà Rịa, đi ngang qua nghĩa địa ở làng Phước đến
gần nhà thờ các Thánh Tử Ðạo, hãy vào thăm một ngôi
mộ, đây là ngôi mộ của một tu sĩ tên là Lazarô Phiền.
Tên
của nhân vật có thể gợi lên cả cuộc đời của vị tu sĩ
này là một chuỗi những ngày khổ đau, những phiền muộn. Mẹ
ông qua đời vì bệnh dịch tả năm ông mới được ba tuổi.
Năm ông lên mười hai tuổi, cùng với ba trăm tín hữu công
giáo khác, cha của cậu bé Phiền đã bị Văn Thân thiêu sống
trong ngục, còn cậu bé thì tay chân bị phỏng nặng nhưng cậu
bé đã cố lết ra ngoài và được cứu thoát. Một sĩ quan
Pháp thương tình đưa cậu bé Phiền lên Sàigòn và giới
thiệu cho một gia đình Việt Nam giàu có. Cùng với người con
trai trong gia đình này, Lazarô Phiền đã được cho ăn học đến
nơi đến chốn. Sau khi đã thành tài, được bổ nhiệm đi làm
thông ngôn, hai người thương nhau như là anh em ruột thịt. Tình
nghĩa giữa hai người bạn lại càng thắm thiết hơn khi chính
gia đình của người bạn này đã đứng ra lo chuyện gia đình
cho Lazarô Phiền, nhưng niềm vui của cuộc sống hôn nhân không
được trọn vẹn, bởi vì có một người đàn bà khác vì
yêu Thầy Lazarô Phiền nhưng không được đáp trả nên đã
tìm cách hãm hại Thầy.
Qua
hai lá thư giả mạo của người đàn bà này, Lazarô Phiền
nghi ngờ người vợ của mình có tư tình với người bạn
thân của mình, cho nên không làm chủ được cơn ghen, ông đã
lập mưu giết người bạn thân và dùng thuốc độc để sát
hại vợ mình. Hai cuộc mưu sát đã được tính toán một cách
tài tình, cho nên kẻ sát nhân đã tránh được lưới của
pháp luật. Thế nhưng về phần mình, Lazarô Phiền ngày đêm bị
tòa án của lương tâm cắn rứt. Cuối cùng ông xin vào tu
trong một tu viện ở Sàigòn. Sau sáu năm tu luyện, Lazarô Phiền
được thực sự trở thành một tu sĩ, mọi người trong tu
viện đều thầm khâm phục sự thánh thiện của thầy, nhưng
riêng thầy vì không bao giờ xưng thú hành động sát nhân của
mình, cho nên đêm ngày không bao giờ được sự bình an trong
tâm hồn. Phải cho đến lúc lâm bệnh nặng và ngày trước
khi qua đời, thầy mới xin phép nhà Dòng cho về thăm quê hương
ở Bà Rịa, tìm đến vị linh mục chánh xứ để xưng tội. Chỉ
sau khi cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa, thầy mới nhắm
mắt lìa đời và ra đi trong bình an.
Anh
chị em thân mến,
Câu
chuyện trên đây có thể mang lại cho chúng ta một ánh sáng
để nắm bắt được bài đọc của việc Chúa Giêsu biến hình
trên núi Taborê mà hôm nay Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe. Có
trải qua đau khổ và sự chết mới được vào vinh quang phục
sinh, đó là bài học mà Chúa Giêsu muốn dạy cho ba người
môn đệ thân tín khi cho các ông chứng kiến vinh quang của Ngài
trên núi. Thế nhưng cùng với bài học này, Chúa Giêsu cũng
muốn bày tỏ một chân lý khác, đó là con người chỉ có
thể tìm thấy hạnh phúc và bình an đích thực khi sống thực
trọn vẹn với Thiên Chúa mà thôi.
"Ðây
là Con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe Lời
Người". Chúa Giêsu rất đẹp lòng Chúa Cha, bởi vì Ngài
đã vâng phục Chúa Cha, cho nên đã đón nhận cuộc sống cùng
tất cả những hệ lụy của cuộc sống đau khổ và cuối cùng
là cái chết trên thập giá. Bí quyết của Chúa Giêsu chính
là sống cho Chúa Cha, sống thuộc trọn về Chúa Cha, sống vâng
phục Thiên Chúa Cha qua cuộc sống vâng phục và vâng phục cho
đến chết.
Chúa
Giêsu đã vạch ra cho nhân loại bí quyết của hạnh phúc và bình
an đích thực khi sống và thuộc trọn về Thiên Chúa mà thôi.
Ðây là chân lý nền tảng của cuộc sống mà Giáo Hội muốn
mời gọi chúng ta đào sâu mỗi khi chúng ta trở lại với Mùa
Chay. Cầu nguyện, ăn chay, hãm mình, thực thi bác ái, những
thực hành này không nhằm một mục đích nào khác hơn là
nhắc nhở chúng ta rằng, cùng đích của cuộc sống không phải
là cuộc đời tạm bợ này nhưng là sự sống vĩnh cửu, nhờ
sự kết hợp với Chúa chúng ta đã có thể cảm nghiệm
được ngay từ trần gian này.
Kinh
nghiệm hàng ngày không ngừng nói với chúng ta rằng, tiền
của, quyền bính, danh vọng, lạc thú, không bao giờ mang lại hạnh
phúc đích thực cho con người. Có tất cả mọi sự nhưng thiếu
vắng Thiên Chúa trong tâm hồn thì con người không bao giờ có
được hạnh phúc và bình an đích thực trong tâm hồn. Trái
lại, khi sống cho Chúa, sẵn sàng như Tổ Phụ Abraham, từ bỏ
mọi ràng buộc để được sống trọn cho Chúa thì con người
mới thực sự sống sung mãn và tìm được bình an trong cuộc
sống.
Anh
chị em thân mến!
Mùa Chay, chúng ta được Giáo Hội mời gọi để duyệt xét sự chọn lựa căn bản của chúng ta, trong khi mưu tìm cuộc sống, chúng ta có đặt Chúa vào trọng tâm của cuộc sống hay không? Chúng ta có sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì làm cho chúng ta xa lìa Chúa không? Chúng ta chỉ thực sự hạnh phúc và an vui nếu chúng ta trả lời một cách khẳng định cho những câu hỏi nền tảng ấy.