Sống Tin Mừng
(Suy Niệm Và Giảng Lễ Chúa Nhật Năm A
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Lễ Thánh Gia Thất
Bài đọc I sách Huấn Ca (Hc 3, 3-7.14-17)
Bài đọc II trích từ Côlôsê (Col 3, 12-21)
Bài Phúc Âm thánh Matthêu (Mt 2,13-15,19-29)
Gia đình cầu nguyện chung với nhau
thì sống hiệp nhất với nhau
Quí
ông bà, cô bác, anh chị em thân mến!
Chúa
Giêsu Kitô Con Thiên Chúa đã giáng sinh trong một gia đình cụ
thể, có cha có mẹ là Thánh Giuse và Mẹ Maria. Vì thế, trong
bầu khí vui tươi của Lễ Giáng Sinh, chúng ta có thể cùng nhau
chia sẻ về đời sống gia đình. Mầu nhiệm Giáng Sinh sẽ giúp
chúng ta hiểu sâu xa hơn về thực tại gia đình. Mầu nhiệm Giáng
Sinh làm cho Thánh Gia trở thành mẫu gương cho các gia đình trên
thế giới.
Các
bài đọc Lễ Thánh Gia đều hướng về một chủ đề chung là
mô tả hoàn cảnh sống của một gia đình có Chúa hiện diện
và liên kết mọi thành phần lại với nhau.
Trước
hết, bài đọc I sách Huấn Ca (Hc 3, 3-7.14-17) nhắc lại bổn
phận thảo hiếu của con cái đối với cha mẹ, vì Thiên Chúa
suy tôn người cha trong con cái và củng cố quyền lợi của người
mẹ trên người con. Vai trò và trách nhiệm của cha mẹ trên
con cái là do ý muốn của Thiên Chúa và dựa trên ý muốn
của Ngài.
Bài
đọc II trích từ Côlôsê (Col 3, 12-21) ghi lại các lời
khuyên của thánh Phaolô cho các thành phần trong gia đình: "Hãy
đối xử với nhau theo qui luật của đức bác ái", vì tình
yêu tự nhiên giữa các thành phần trong gia đình không đủ.
Tình yêu tự nhiên đó được triển nở thành tình thương
bác ái, một tình thương đã được tình yêu của Thiên Chúa
thanh luyện củng cố, và tình thương bác ái đó được thể
hiện trong những hành động cụ thể chứ không dừng lại
ở lời nói suông qua môi miệng.
Những
lời khuyên này có thể được ta xem như là một hiến chương
xây dựng hạnh phúc gia đình. Nếu chúng ta thực hiện được
những điều này thì quả thật gia đình chúng ta sẽ được hạnh
phúc biết bao.
Tâm
tình bác ái của gia đình là sự hiện diện của Chúa trong tâm
hồn của mỗi thành phần trong gia đình, đó là sự liên kết
mọi thành phần trong gia đình lại với nhau như là cầu chúc
của thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Côlôsê: "Nguyện
cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em. Nguyện cho Lời
Chúa cư ngụ dồi dào trong lòng anh em". Ðể thực hiện điều
này, chúng ta hãy đặc biệt lưu ý đến hai việc đạo đức
sau đây:
1.
Việc đọc kinh chung với nhau trong gia đình.
2.
Việc gia đình đọc Lời Chúa chung với nhau.
Anh
chị em thân mến,
Gia
đình cầu nguyện chung với nhau thì sống hiệp nhất với nhau.
Gia đình Thánh Nazareth được diễm phúc hơn mọi gia đình khác,
vì có chính Chúa Giêsu hiện diện giữa các Ngài. Nhưng nếu
xét cho cùng thì cũng không phải là chuyện dễ dàng hơn, vì
Chúa hiện diện trong gia đình Thánh với một hình thức hạ mình
sâu thẳm nhất, qua hình thức của một con trẻ yếu đuối như
bao trẻ thơ khác để cho Mẹ Maria và Thánh Giuse chăm sóc. Cần
phải có đức tin sâu xa và vững mạnh lắm thì Ðức Maria và
Thánh Giuse mới có thể chu toàn trọn vẹn vai trò của mình.
Việc
cụ thể thứ hai là việc đọc Lời Chúa trong gia đình. Chúng
ta hãy lấy mẫu gương Thánh Gia Nazareth như một khởi đầu cho
một sinh hoạt mới trong gia đình, và kể từ nay về sau, mỗi
gia đình hãy chăm chỉ thực hiện việc đọc Lời Chúa trong
gia đình: "Nguyện cho Lời Chúa cư ngụ dồi dào trong anh em".
Mỗi gia đình Kitô cần có quyển Kinh Thánh để có thể đọc
Lời Chúa hàng ngày chung với nhau, và nếu không hàng ngày
được thì ít ra là mỗi tuần một lần. Phải giữ mức độ
thường xuyên đều đặn, không nên để tùy hứng.
Sau
cùng một khía cạnh khác được nói lên trong bài Tin Mừng
hôm nay (Mt 2,13-15,19-29), đó là thử thách mà gia đình Nazareth
gặp phải, đó cũng là thử thách mà mọi gia đình Kitô chúng
ta ngày nay cũng có thể gặp phải. Sự hiện diện của Chúa
không mang lại đặc quyền đặc lợi cho gia đình, mà ngược
lại có thể làm cho Ðức Maria và Thánh Giuse bị phiền phức
nữa là khác, vì cảnh sống nghèo nàn bị lãng quên vẫn như
cũ, nhưng Ðức Maria và Thánh Giuse đã vượt qua được thử
thách với đức tin vững vàng, khiêm tốn chấp nhận dù không
hiểu việc Chúa làm. Ðó là mẫu gương cho tất cả mọi gia
đình Kitô giáo hôm nay.
Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm tin và phát triển đức tin của mỗi người chúng ta, ban cho gia đình chúng ta được ơn hiệp nhất với nhau, sống yêu thương nhau, nâng đỡ nhau để chu toàn ơn gọi của mình.