Tiêu Hôn: Hôn Nhân Vô Hiệu Hóa
Trong Giáo Hội Công Giáo
Những
Vụ Án Tiêu Hôn Ðiển Hình Tại Hoa Kỳ
George Grant và Margaret Smith
George Grant và Margaret Smith là hai người Công Giáo, cưới nhau năm 1975 tại tổng giáo phận Hartford lúc đó cả hai lên 20 tuổi. Năm 1977 hai người ly thân và không có người con nào. Khi còn ở với nhau, George thường sỉ nhục Margaret trước mặt người khác và còn dan díu với hai người phụ nữ. Tháng Giêng năm 1978, chính quyền cho phép ly dị. Sau đó George xin phép tiêu hôn tại tòa hôn phối Hartford.
Trong cuộc điều tra nhiều chi tiết được đem ra ánh sáng: từ tuổi 15, 16, George thay đổi bạn gái hằng tháng và giao hợp với họ thường xuyên. Trong khi cặp bồ với Margaret, cô đã có bầu rồi phá thai. George bị lương tâm dày vò nên Margaret lợi dụng điểm này bắt George thành hôn. Cô còn đe dọa tự tử nếu George không đồng ý. Trước cũng như sau khi cưới, George chỉ coi Margaret như là gái chơi miễn phí, không có ý sống lâu bền với nhau.
Trong lễ cưới, George đến chậm hơn nửa tiếng và còn tỏ ra ý muốn đình hoãn đám cưới lâu hơn. Khi sống với nhau, George còn đề nghị Margaret cho cả hai giao hợp với những người khác để "thắt chặt dây hôn phối". Căn cứ vào những dữ kiện trên, tòa công bố cuộc hôn nhân bất thành vì George không tự tình đi đến hôn nhân. Anh không có cùng cái nhìn và khái niệm về hôn nhân với Margaret và không tự tình chọn cuộc sống ấy, do đó anh thiếu chủ ý ngay thật.
(Trích Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ Số Tháng 7 năm 1992)
Sylvia Giancomo và Ivan O'Donnell
Sylvia Giancomo và Ivan O'Donnell, cả hai là Công Giáo, lãnh Bí Tích Hôn Phối tháng 6 năm 1960. Lúc đó Sylvia 20 tuổi và Ivan 24 tuổi. Hai người sống với nhau 17 năm được hai người con. Ivan là người bạo dâm, bạo động, hay say rượu. Sylvia xin tòa đời ly dị và sau đó thỉnh nguyện tiêu hôn. Theo lời nhân chứng, Ivan là con người bất bình thường, dễ cáu kỉnh. Trong đêm tân hôn Ivan khóc thương mẹ đã chết mấy tháng trước và không giao hợp với Sylvia. Việc giao hợp vợ chồng là một khó khăn cho Ivan, hai người chỉ giao hợp với nhau 20 lần trong suốt 17 năm.
Trong tuần trăng mật, Sylvia mới khám phá ra Ivan nghiện rượu. Ông đi uống rượu đến 4, 5 giờ sáng mới về, trong tuần trăng mật và sau này. Mỗi tháng Ivan chỉ cho Sylvia 70 đô la, trả tiền nhà và ăn uống theo giá biểu thập niên 60. Số tiền còn lại ông đem uống rượu và cờ bạc. Ivan thường hay nổi nóng đánh đập Sylvia, có lần toan xiết cổ bà cho chết. Ðối với con cái, ông hay dọa nạt, đánh đập khiến chúng khiếp sợ, trở nên nhát đảm phải nhờ bác sĩ tâm lý điều trị. Tòa tuyên bố hôn nhân bất thành vì Ivan không có khả năng gánh vác trách nhiệm của khế ước hôn nhân.
(Trích Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ Số Tháng 7 năm 1992)
Ladislas Silkowsky và Marcy Corwin
Ladislas Silkowsky và Marcy Corwin, hai người Công Giáo, làm phép cưới tháng 5 năm 1975, Ladislas 24 tuổi và Marcy 23 tuổi. Hai người sống với nhau được hai năm với nhiều lần ly thân, và không có con. Họ ly dị tháng 11 năm 1977. Năm 1981 Ladislas xin phép tiêu hôn.
Marcy thú nhận rằng lúc 19 tuổi cô thương yêu một chàng trai tên Frank và cuộc tình chấm dứt hai năm sau khi Frank lìa bỏ Marcy. Cũng lúc ấy Marcy tình cờ quen biết Ladislas, một người có dáng điệu và nét mặt giống Frank. Marcy định thành hôn với Ladislas để trả thù Frank. Dầu vậy khi cặp bồ với Ladislas, Marcy vẫn gửi cho Frank những thư tình dài lòng thòng. Khi Frank cưới người khác, Marcy đương nhiên đi dự lễ cưới bất chấp lời bè bạn ngăn cản. Sau đó Marcy nhất định thành hôn với Ladislas. Ba ngày trước lễ cưới, Marcy hối hận định hủy bỏ hôn lễ, nhưng Ladislas cho rằng đó chỉ là cơn "nhát cáy" nhất thời nên thuyết phục Marcy bỏ ý định ấy. Trong tuần trăng mật, Marcy thường hay khóc, sau này cô nói với bạn bè khi nghĩ tới việc giao hợp với Ladislas cô thấy ớn lạnh người. Mãi đến đêm thứ tư trong tuần trăng mật Marcy mới chịu giao hợp với Ladislas. Sau đó một tháng cô không để cho Ladislas gần gũi nữa. Trong vòng một năm sau, cô có những mối tình vụng trộm. Tòa án hôn phối xét thấy rằng Marcy không nhất tâm thuận ý nên cuộc hôn nhân bất thành.
(Trích Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ Số Tháng 7 năm 1992)
Susan Jerro và Robert Nerale
Susan Jerro 23 tuổi và Robert Nerale 24 tuổi, hai người ngoài Công Giáo, quen biết và chung sống với nhau khi học đại học. Hai người thành hôn sau khi tốt nghiệp. Trong năm đại học thứ bốn, Robert quen biết một linh mục dòng Tên và muốn tìm hiểu đạo Công Giáo. Robert xin vị linh mục làm phép cưới cho hai người nhưng không được vì cả hai là người ngoại giáo. Dù vậy vị linh mục giới thiệu một mục sư có thể làm hôn lễ cho Robert và Susan. Sau khi thành hôn hai người sống hạnh phúc bên nhau. Sau một thời gian Robert trở lại Công Giáo và bắt đầu có sự bất đồng giữa hai người. Khó khăn nhất là Robert muốn có con nhưng Susan không muốn vì sợ cản trở sự nghiệp. Sau hai lần ly thân và một thời gian bàn hỏi các cố vấn hôn nhân, hai người ly dị cách êm thắm. Sau đó hai năm, Robert thỉnh nguyện tiêu hôn dựa vào giáo lý Thánh Phaolô "nếu kẻ ngoại đạo muốn bỏ thì cứ bỏ; trong trường hợp này anh chị em khỏi bó buộc vì Thiên Chúa đã kêu gọi ta cốt được an vui" (ICor 7,15).
Theo Giáo Luật khoản 1143-1147, toà án hôn phối địa phương có quyền tiêu hôn dựa trên giáo lý Thánh Phaolô nhưng với điều kiện: người tân tòng không gây cớ cho cuộc đổ vỡ và không còn chút hy vọng tái lập cuộc sống gia đình. Như trường hợp của Robert, phép tiêu hôn được ban hành.
(Trích Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ Số Tháng 7 năm 1992)
Nghiện ma túy là nguyên nhân làm cho Hôn Phối bất thành
Roma - Lần đầu tiên Tòa Thượng Thẩm Rota của Tòa Thánh đã tuyên bố cuộc hôn nhân vô hiệu vì một trong hai người kết hôn nghiện ma túy thường xuyên đến độ không còn khả năng phán đoán và ý thức đủ về những quyền lợi và nghĩa vụ thiết yếu của hôn nhân nữa.
Tòa Thượng Thẩm Rota là án cấp cao của Giáo Hội, cứu xét các đơn xin giải hôn phối từ cấp hai trở lên, và phán quyết của tòa này thường được coi là án lệ cho các tòa án hôn phối của các Giáo Phận trên thế giới. Vụ Tòa Rota tuyên bố hôn nhân vô hiệu vì một người nghiện ma túy thường xuyên khi kết hôn đã xảy ra hồi năm 1990, nhưng công chúng mới được biết hồi thượng tuần tháng 8/1991, theo phúc trình của Tòa Rota trong cuốn "Các hoạt động của Tòa Thánh năm 1990" được công bố trong năm 1991.
Phán quyết của Tòa Thượng Thẩm Rota dựa vào khoản luật số 1095 quy định rằng: "Những người thiếu sót trầm trọng trong sự nhận định về những quyền lợi và bổn phận thiết yếu của việc trao ban và đón nhận trong hôn nhân thì không có khả năng kết hôn". Nguyên tắc này được áp dụng vào trường hợp một người nghiện ma túy nặng khi kết hôn.
Vẫn theo phúc trình nói trên, trong năm 1990, Tòa Thượng Thẩm Rota đã cứu xét 130 vụ án hôn phối và đã tuyên bố 67 cuộc hôn nhân là vô hiệu và 63 vụ khác là hôn nhân thành sự.
(Trích Nguyệt San Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp số 66 Tháng 11 năm 1991)
Giải đáp rắc rối về hôn phối: Chồng đã có vợ trước
Hỏi - Con vừa khám phá ra là 7 năm trước khi theo đạo và lấy con, chồng con đã có vợ ở Việt Nam... Con hết sức buồn nhưng điều quan trọng là phép hôn phối của chúng con có gì trở ngại không?... (PTH, GA)
Ðáp - Như chị biết, một người không thể kết hôn lại (tái hôn) hữu hiệu khi chưa biết cách chắc chắn và hợp lệ sự vô hiệu hay sự đoạn tiêu của hôn phối trước (Giáo Luật 1085). Nhưng một người đã có hôn ước, khi chịu phép rửa tội có thể hưởng đặc ân thánh Phaolô để kết hôn với người khác với điều kiện theo các khoản Giáo Luật 1143 và 1144:
Giáo Luật 1143:
"Hôn Phối kết ước giữa hai người không được rửa tội được tháo gỡ bởi đặc ân thánh Phaolô... miễn là người không rửa tội đã đoạn tuyệt với họ."
Giáo Luật 1144:
(1) Ðể người đã được rửa tội có thể tái hôn cách hữu hiệu (valid), luôn luôn cần phải chất vấn người không rửa tội...
(2) Vì lý do quan trọng, Bản Quyền sở tại có thể... miễn chuẩn việc chất vấn hoặc trước hoặc sau khi rửa tội, miễn là ngài thấy rõ ràng, ít là sau một thủ tục đơn giản ngoại tố tụng, rằng việc chất vấn không thể thực hiện được, hay sẽ vô ích.
Nếu bỏ không chất vấn thì phép hôn phối có thành không? Chúng ta cần phân biệt hai trường hợp.
Nếu sự đoạn tuyệt của người không rửa tội không chắc chắn lúc làm phép hôn phối mới, bỏ chất vấn làm cho phép hôn phối mới không thành (Xem phán quyết của Tòa Thượng Thẩm Rota bên Roma, số R.D. 17-396 ngày 5 December 1925).
Nếu là sự đoạn tuyệt của người không rửa tội là chắc chắn, vài tác giả cho rằng không thành, một số khác cho là thành. Trong trường hợp hồ nghi này, phép hôn phối mới coi như thành (Xem Giáo Luật 1150). Dù thế, theo sự khôn ngoan (ad cautelam) nếu có thể nên xin đấng bản quyền miễn chuẩn chất vấn và lập lại sự ưng thuận.
Ðó là nguyên tắc. Chị thấy hòan cảnh của chị vào trường hợp nào? Dĩ nhiên bây giờ chắc chắn cô kia đã đoạn tuyệt, nhưng khi anh chị làm phép hôn phối có gì chắc không? Tôi thiếu nhiều dữ kiện để có thể nói đâu là trường hợp của anh chị.
Dù trường hợp nào, anh chị hãy nhờ linh mục liên lạc với đấng bản quyền (Tòa Giám Mục) để xin hữu hiệu hóa phép hôn phối của anh chị. Anh chị có thể xin sự hữu hiệu hóa đơn (nghĩa là làm lại cho đầy đủ: với bằng chứng sự đoạn tuyệt của cô kia, xin đấng bản quyền chất vấn hay miễn chuẩn chất vấn rồi lập lại sự ưng thuận) hay điều trị tại căn (radical sanation, nghĩa là xin ân rộng của Ðức Giám Mục để chất vấn hay miễn chất vấn rồi coi mọi sự như tốt đẹp ngay từ đầu mà không cần làm gì nữa).
(Trích Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ Số Tháng 7 năm 1992)
Giải đáp rắc rối về hôn phối: Tháo gỡ hôn nhân trước với chồng ngoại đạo
Hỏi - Con là một người Công Giáo. Cách đây hai năm, con có quen với một người đàn ông ngoại đạo, lại có một đời vợ trước (không có đứa con nào). Cả hai vợ chồng đều ngoại đạo, và đã ly dị cách đây 8 năm trước khi anh ấy gặp con. Nay thì anh ấy đã có giấy ly dị phần đời rồi. Hiện tại chúng con muốn tiến tới hôn nhân. Có người nói là nếu anh ấy vào đạo thì thủ tục tháo gỡ hôn nhân cũ sẽ được gởi lên xin phép tòa Giám Mục địa phận. Còn nếu anh ấy không vào đạo thì thủ tục hủy hôn nhân cũ phải gởi đến Tòa Thánh ở Roma. Con hoang mang quá. Xin cha cho con biết rõ cả hai trường hợp phải gởi đi đâu và thời gian là bao lâu. Cám ơn cha nhiều lắm. (Không Tên, CA)
Ðáp - Anh và chị muốn tiến tới hôn nhân. Nhưng anh và chị biết có 2 ngăn trở: thứ nhất là ngăn trở dây hôn phối cũ của anh (Giáo Luật 1085). Thứ hai là ngăn trở khác đạo như (Giáo Luật các khoản 1086).
(1) Nếu anh ấy vào đạo thì ngăn trở thứ hai đương nhiên không còn. Mong rằng anh ấy "vào đạo" thì vào thật, chứ đừng "vờ vào đạo" như câu vè chế giễu:
Con thờ lạy Chúa ba Ngôi,
Con lấy được vợ, con thôi nhà thờ.
Nếu anh ấy đang là người "lương" chưa hề được rửa tội trong đạo Tin Lành, khi trở lại đạo anh có thể hưởng ơn rộng thánh Phaolô ban để kết hôn một lần nữa như một người Công Giáo. Ðể hưởng đặc ân này, hãy xin với Tòa Giám Mục điều tra (Giáo Luật 1143, 1144). Nên ngăn trở thứ nhất cũng không còn. Thời gian không lâu chỉ bằng thời gian học đạo và học dự bị hôn nhân thôi.
(2) Nếu anh ấy không vào đạo, thì ngăn trở thứ nhất còn đó. Không ai có quyền tháo dây hôn phối đã thành sự. Chị rán chờ cô kia chết rồi hãy may áo cưới. Một hy vọng cỏn con là nếu trước đây anh và cô kia xem ra lấy nhau nhưng chỉ sống với nhau thôi. Nghĩa là theo luật tự nhiên, anh và cô kia không cưới hỏi hay ít là không có đủ ý thức về việc họ làm. Chị hãy đến gặp một linh mục gần đó, ngài sẽ liên lạc và có mẫu cho chị làm đơn. Ơn chuẩn này không khó khăn lắm và mau chóng hơn với một ít điều kiện. Thời gian học chuẩn bị hôn nhân sẽ đủ thì giờ để xin ơn chuẩn này.
(Trích Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ Số Tháng 7 năm 1992)
Giải đáp rắc rối về hôn phối: Giả vờ kết hôn
Hỏi - Kính thưa Linh Mục
Trước tiên, xin kính chúc Linh Mục sức khỏe dồi dào để phựng sự Chúa và phục vụ nhân loại. Thưa Linh Mục, tôi có một việc sau đây xin Linh Mục giải đáp giúp cho:
Tôi có một người cháu không có đạo Thiên Chúa đã được bảo lãnh từ Việt Nam sang Úc theo diện vợ chồng (chỉ trên danh nghĩa mà thôi, chứ thực tế người cháu chưa bao giờ sống chung với người đứng đơn bảo lãnh một ngày nào cả, cũng như trước đó chưa hề lập gia đình bao giờ).
Sau hai năm ở Úc, người cháu tôi đã lập thủ tục ly dị theo luật pháp về mặt đời và nay trở thành một người hoàn toàn độc thân.
Hiện tại người cháu tôi đang yêu thương một người khác phái, độc thân và là một tín đồ Công Giáo. Cả hai đều có ý muốn tiến đến hôn nhân, nhưng không biết chắc là chuyện ly dị của cháu tôi có ảnh hưởng hay trở ngại gì đến chuyện kết hôn với người Công Giáo không, do đó kính xin Linh Mục hướng dẫn về những thủ tục phải được tiến hành căn cứ theo Giáo Luật và Hôn Nhân để đôi trẻ có thể được kết hôn trước Thiên Chúa.
Xin chân thành cám ơn Linh Mục rất nhiều và xin được kính thư dưới tên gọi:
L.S.P. Kính thư.
Ðáp - Kính thăm anh L.S.P.,
Sau đây là phần giải đáp theo như anh yêu cầu về trường hợp người cháu của anh:
Cháu anh (chưa lập gia đình với ai bao giờ - độc thân hoàn toàn) ký giấy hôn thú với một người (chỉ để bảo lãnh mà thôi) và rồi sau đó đã ly dị với người ấy. Như thế, bây giờ, cháu anh theo giấy tờ không phải là một người độc thân hoàn toàn (spinster hay bachelor) như anh viết trong thư, nhưng hiện cháu anh là người đã li dị (divorced).
- Giáo Hội Công Giáo cho rằng trong trường hợp hai người không phải là Công Giáo, khi họ ký giấy hôn thú trước mặt chính quyền trước sự hiện diện của hai nhân chứng, thì hôn ước của họ hữu hiệu. Như thế, theo cái nhìn của Giáo Hội Công Giáo, cháu anh đã ký kết giao ước hôn thú, và như thế cháu anh là một người đã từng có chồng hay có vợ (dù chỉ theo phương diện giấy tờ) và bây giờ cháu anh đã ly dị. Nhưng Giáo Hội Công Giáo lại không chấp nhận ly dị.
- Trong thực tế, việc ký kết giao ước chỉ là vấn đề giả tạo.
- Nếu cháu anh muốn lập gia đình trong Giáo Hội Công Giáo, thì những trường hợp sau đây có thể xảy ra:
(1) Nếu người đã ký giấy hôn thú với cháu anh trước đây là một người theo đạo Công Giáo. Người ấy sẽ liên hệ với Tòa Án hôn phối để xin tuyên bố hôn thú đã ký với cháu anh là vô hiệu theo Giáo Luật, đặt căn bản trên việc hôn ước đã ký kết không theo qui định của Giáo Luật (Defect of Form). Khi Tòa Án đã tuyên bố rồi, thì cháu anh tự do, không bị ngăn trở trong việc lập gia đình trong Giáo Hội Công Giáo.
(2) Nếu người đã ký hôn thú với cháu anh trước đây không phải là một người Công Giáo: Bây giờ cháu anh (sẽ gia nhập Giáo Hội Công Giáo) muốn lập gia đình trong Giáo Hội với một người Công Giáo, thì cô hay anh ấy sẽ xin giáo quyền ban Ðặc Ân Thánh Phaolô. Sau khi được chấp thuận rồi, đôi trẻ sẽ không còn bị ngăn trở.
(3) Nếu người đã ký hôn thú với cháu anh trước đây không phải là một người Công Giáo: Bây giờ cháu anh (sẽ không gia nhập Giáo Hội Công Giáo) muốn lập gia đình trong Giáo Hội với một người Công Giáo, thì cô hay anh ấy phải xin Tòa Án hôn phối tuyên bố hôn thú đã ký là vô hiệu với lý do hôn thú đã ký là giả vờ (simulation hay total simulation). Sau khi tòa án tuyên bố hôn thú đã ký là vô hiệu, thì đôi trẻ sẽ không còn bị ngăn trở.
Trong cả ba trường hợp nêu trên, cháu anh nên liên lạc với Tòa Án Hôn Phối địa phương để xin được giúp đỡ.
Vài hàng giải đáp đến anh, nếu còn thắc mắc gì thêm, xin anh cho biết. Tưởng rằng thắc mắc của anh có thể giúp đỡ cho một vài hoàn cảnh tương tự, không biết anh có cho phép chúng tôi đăng trên nguyệt san chăng? (dĩ nhiên là dưới những tên gọi và nơi chốn khác đi).
Cám ơn anh về những lời chúc. Thân kính.
(Trích Mục Giải Ðáp Hôn Phối của LM Bùi Ðức Tiến, Thẩm Phán Tòa Án Hôn Phối TGP Melbourne)
Giải đáp vấn đề lễ cưới ở nhà thờ sau khi đã tiêu hôn: một cô ở Việt Nam đã có chồng
Hỏi - Gần giáo xứ con có một cô mà ở Việt Nam cô đã có chồng. Qua định cư ở đây được vài năm cô đã lấy chồng khác mà con thấy cũng được vô nhà thờ làm lễ cưới. Con và nhiều người khác thắc mắc thì cha trả lời: Lần trước cô thành hôn là vì gia đình gặp khó khăn nên phải lấy chồng để cứu vớt gia đình. Anh ta có địa vị và tiền bạc. Vậy là hôn nhân không thành nên được tháo mở. Thưa cha con thấy như vậy có phải Hội Thánh rộng rãi ra quá phải không? Nếu như vậy thì theo con ai muốn lấy vợ, lấy chồng khác thì có rất nhiều lý do. Nhất là ở Việt Nam thì nhiều cặp cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, hoặc sau 1975 thì nhiều cặp lấy nhau như chạy nước rút; có cô 15 đã lấy chồng, lấy cho lẹ vì sợ bị bắt lấy thằng què. Nếu thật dễ dàng như vậy thì thật là một thảm họa cho thế giới. Con xin cha giải đáp cho. Xin Chúa trả công bội hậu cho cha hồn an xác mạnh để phụng sự và làm sáng danh Chúa. Con cám ơn cha nhiều. (Tuyết Dương)
Ðáp - Chị Tuyết Dương thân mến,
Trước khi trả lời trực tiếp vào vấn nạn của Chị, chúng tôi xin được nhắc lại mấy nguyên tắc căn bản:
1) Những chân lý thuộc Ðức Tin, Giáo Hội không có quyền thay đổi, trái lại có trách nhiệm phải bảo vệ vẹn toàn những chân lý ấy. Ðức Thánh Cha cũng không có quyền tuyên bố rằng Chúa Giêsu không phải là Thiên Chúa. Giáo Hội không có quyền nói rằng lời Chúa Giêsu phán dạy về hôn nhân: "Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp con người không được phân ly" (Mt 19,6) không còn hiệu lực nữa.
2) Giáo Hội có quyền ban hành những luật lệ và cũng có quyền thay đổi các luật theo lợi ích cho cộng đoàn Dân Chúa hay miễn chuẩn áp dụng luật cho cá nhân tín hữu trong trường hợp hữu lý nào đó. Giáo Hội có nhiều luật liên quan đến hôn nhân và cũng thay đổi những luật lệ ấy theo thời gian và nhu cầu.
Giáo Hội luôn tôn trọng sự vững bền của hôn nhân theo niềm tin vào Lời Chúa. Giáo Hội cũng ban hành những luật lệ để bảo vệ sự bất khả phân ly được kiện toàn nhờ Bí Tích Hôn Phối trong hôn nhân Kitô giáo.
"Hôn phối thành tựu do sự ưng thuận của đôi bên, được phát biểu hợp lệ giữa những người có khả năng pháp luật; sự ưng thuận ấy không thể thay thế bởi bất cứ một thế lực nhân loại nào" (Giáo luật khoản 1057 #1). Luật Giáo Hội xác định khi nào Giáo Hội có thể nhìn nhận sự kết hợp của hai người là hôn nhân thực sự. Luật về hôn phối liên quan đến sự thành hiệu của hôn nhân được xét qua ba đề mục chính:
- Ngăn trở hôn phối (impediments): Luật Chúa và luật Giáo Hội xác định một số trường hợp một người hay cả hai người không được tự do kết hôn. Ví dụ: chưa đủ tuổi, bất lực, họ máu gần...
- Nghi thức (form): Hôn phối được cử hành trước sự chứng kiến của thừa tác viên Công Giáo có năng quyền, và hai nhân chứng.
Ưng thuận (consent): Chính lời thề hôn phối làm cho hôn phối hiện hữu, do đó, nếu thiếu sự ưng thuận sẽ làm cho hôn phối bất thành. Có nhiều yếu tố chi phối làm cho sự ưng thuận khiếm khuyết như sợ hãi, thiếu trưởng thành, bị lừa, v.v...
Do đó trong thực tế, có những trường hợp phép cưới, hôn lễ, và nhiều khi cả Bí Tích Hôn Phối đã được cử hành nhưng thực chất, vì một hay nhiều lý do nào đó, phép hôn phối không thành. Sự kiện này chẳng phải là điều mới mẻ gì. Chúa Giêsu trong Phúc Âm Thánh Gioan cũng nói về trường hợp của người phụ nữ xứ Samarita bên bờ giếng Giacób: "Người đàn ông đang ở với chị không phải là chồng chị" (Jn 4,17-18).
Giáo Hội đã ban hành những luật lệ và xác định các thủ tục phải theo để giải quyết những trường hợp này. Tòa án trong các giáo phận là nơi thông thường có nhiệm vụ cứu xét và quyết định các trường hợp liên quan đến sự vô hiệu của hôn nhân. Khi tòa án tuyên bố tiêu hôn một cuộc hôn nhân nào đó chỉ có ý nghĩa là tòa án, đại diện Giáo Hội, xác nhận rằng cuộc hôn nhân được cứu xét đã không thành sự. Nói cách khác, trước mặt Giáo Hội, hai người phối ngẫu đã không thực sự lấy nhau và do đó, bây giờ họ được tự do để đi đến một hôn nhân thành sự.
Những lời Cha Xứ trả lời Chị về trường hợp "một cô đã có chồng tại Việt Nam" chỉ là những lời giải thích vắn tắt và đơn giản. Nhưng chắc chắn những vị hữu trách đã phải cứu xét một cách tỉ mỉ và đầy đủ để có thể đi đến kết luận về một hôn nhân vô hiệu. Sự tiêu hôn ngày nay được các tòa án ban nhiều hơn vì nhiều lý do, nhưng điều này không có nghĩa là ngày nay Giáo Hội "rộng rãi quá." (Lm Phi Quang trả lời).
(Trích mục Hỏi Ðể Sống Ðạo của Báo Trái Tim Ðức Mẹ số 272, tháng 8, năm 2000)
Công Chúa Caroline được Hủy Tiêu Hôn Nhân
Vatican City - Sau 10 năm cứu xét, Tòa Thánh Vatican nói rằng đã cấp giấy hủy tiêu hôn nhân cho Công Chúa Caroline, xứ Monaco, vì sự "ưng thuận thiếu đầy đủ" (insufficient consent) của cuộc hôn nhân. Một phát ngôn viên Tòa Thánh nhấn mạnh rằng quyết định này có nghĩa là cuộc hôn nhân "đã không hề hiện hữu từ lúc khởi đầu". Giáo hội giữ lập trường hôn nhân thành sự không thể hủy tiêu được.
Tòa Thánh Vatican đã loan báo quyết định ngày 1 tháng 7 năm 1992 sau một giờ họp báo bất thường cho các ký giả. Ðơn xin hủy tiêu hôn nhân của Công Chúa Caroline năm 1978 với Philippe Junot đã là đề tài nổi bật trong thế giới báo chí. Khoảng 2 năm sau họ ly dị. Công Chúa kết hôn với một thương gia người Ý, Stefano Casiraghi trong cuộc lễ phần đời năm 1983. Họ có 3 con, Kho Casiraghi bị chết trong một tai nạn du thuyền năm 1990.
(Tin Vatican ngày 1/7/1992)
Giải đáp rắc rối về Hôn Phối và Chức Thánh
Hỏi - Xin được hỏi Cha một câu hỏi tế nhị: một linh mục đã hồi tục có được trở về thi hành thánh chức lại không? Con có một người bạn... (Cao Dũng)
Ðáp - Linh Mục là linh mục đời đời: Tu es sacerdos in aeternum. Cho dẫu có bỏ chức, có ra lấy vợ, quyền năng do ấn tích vẫn còn đó, nhưng Giáo Hội cấm thi hành thánh chức, điều mà giáo dân chúng ta gọi là "treo chén".
Chính sách hiện nay của Tòa Thánh về các linh mục đã hồi tục như sau:
(1) Nếu chưa được phép hồi tục hoặc chưa thành hôn, có thể trở lại chức dễ dàng.
(2) Nếu đã thành hôn và được phép hồi tục, việc trở lại chức rất khó khăn.
Chúng ta biết câu chuyện của Cha Ted Stone ở Chicago. Người chịu chức năm 1952. Năm 1969, xin hồi tục và được chấp nhận. Năm 1970, thành hôn với cô Judy O'Shell và được hai con là Tim (17 tuổi) và Bethanne (19 tuổi). Năm 1983, hai năm sau khi vợ qua đời, người xin trở lại với Giáo Hội và xin được tiếp tục phục vụ Giáo Hội. Người phải chờ 7 năm mới được chấp nhận. Hiện nay người làm Cha Sở họ đạo Ðức Mẹ tại Chicago, có hai con ở cùng.
(Trích Mục Hộp Thư Tìm Hiểu của LM Hồng Phúc, CSsR)