Tiêu Hôn: Hôn Nhân Vô Hiệu Hóa

Trong Giáo Hội Công Giáo

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Giáo Hội Và Việc Tiêu Hôn Tại Hoa Kỳ

 

Tiêu hôn là việc Giáo Hội xác định khế ước hôn nhân bất thành vì thiếu điều kiện đòi buộc giữa đôi bên, theo lời yêu cầu của một trong đôi vợ chồng và sau khi đã điều tra, suy xét. Tiêu hôn là đề tài bàn cãi sôi nổi giữa Giám Mục Mỹ, giới chức Tòa Thánh và Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Ðức Hồng Y Achille Silvestrini, chánh thẩm tối cao pháp viện Vatican, cho rằng con số khổng lồ của những vụ tiêu hôn tại Mỹ là điều đáng ngạc nhiên và ẩn chứa một khó khăn trầm trọng. Ðức Hồng Y Achille nêu lên con số thống kê của Tòa Thánh, trong số 45,632 vụ tiêu hôn trên thế giới trong năm 1985 nước Mỹ chiếm 36,000 vụ tức 80%. Ngài thắc mắc phải chăng khái niệm cao xa về sự trưởng thành tâm lý, thay vì trưởng thành theo Giáo Luật, đưa đến kết luận Bí Tích Hôn Phối thành tựu là việc ít xảy ra? Theo Giáo Luật, điều kiện tối thiểu cần thiết cho Bí Tích Hôn Phối là chủ ý và ước muốn.

Tháng Giêng năm 1990, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã kêu gọi sự dè dặt hơn trong vấn đề tiêu hôn tại Mỹ. Trong diễn văn tại Tòa Án Hôn Phối Vatican, Ngài đã nói những khó khăn trong đời hôn nhân là căn bệnh cần được chữa trị bằng mục vụ hơn là bằng một lời phủ nhận cuộc hôn phối chân thật. Mối giây hôn phối có thể thành tựu cho dù có nhiều khó khăn, nếu tuyên bố cuộc hôn nhân này bất thành khó có thể tránh tổn thương chân lý và một cách nào đó phá hoại nền tảng vững chắc của đời sống cá nhân, hôn nhân, và xã hội.

Dầu vậy các Giám Mục Mỹ vẫn đương nhiên bênh vực cho tòa án hôn phối Hoa Kỳ. Tại Roma trong cuộc họp năm 1989, Ðức Hồng Y Edmund C. Szoka của tổng giáo phận Detroit, và Ðức Hồng Y Roger M. Mahony của Tổng Giáo Phận Los Angeles đã biện hộ cho lập trường tiêu hôn tại Mỹ, mặc dù hai vị có đường lối bảo thủ. Các ngài mời giới chức Vatican sang Mỹ tranh tra và sẽ thấy rằng tòa án hôn phối Hoa Kỳ làm việc rất hữu hiệu.

Ðức Hồng Y Mahony cho rằng thống kê của Tòa Thánh không hoàn toàn diễn tả sự thật. Tổng Giáo Phận Los Angeles với 5 triệu giáo dân, mỗi năm tòa án hôn phối ban phép 1,000 vụ tiêu hôn trong khi 13,000 thỉnh nguyện không được cứu xét.

Cha Edward Pfnausch, chủ tịch ban chấp hành hội Giáo Luật Hoa Kỳ đưa ra hai điểm cá biệt tại Mỹ:

- Thứ nhất là con số khủng khiếp của nạn ly dị, 1 triệu 8 trong năm 1988.

- Ðiều thứ hai quan trọng hơn là hiện tượng hợp hôn khác tôn giáo xảy ra quá nhiều. Hơn nửa tổng số những vụ tiêu hôn liên quan đến người không Công Giáo, không có một chút khái niệm nào về sự bền vững tuyệt đối của Bí Tích Hôn Phối. Theo thống kê của Tòa Thánh trong năm 1989, 30% tổng số vụ tiêu hôn tại Hoa Kỳ dính líu đến những cặp vợ chồng hoàn toàn ngoài Công Giáo. Có nhiều đôi vợ chồng theo Do Thái Giáo rồi ly dị và sau đó một người muốn kết hôn với người Công Giáo. Giáo Hội phải xác nhận cuộc hôn nhân kia bất thành trước khi người Công Giáo thành hôn với người đã ly dị. Do đó, con số tiêu hôn cho những đôi vợ chồng hoàn toàn Công Giáo ở Mỹ không cao hơn các quốc gia khác.

Còn một nguyên nhân khác làm tăng số vụ tiêu hôn tại Mỹ là việc áp dụng bộ luật hôn phối mới năm 1970. Bộ luật này bãi bỏ thủ tục tự động kháng tố sang Tòa Thánh, do đó giảm thiểu trường hợp Tòa Thánh từ chối phép tiêu hôn.

Cho dù nguyên nhân gì đi nữa, con số vụ tiêu hôn gia tăng vùn vụt từ năm 1968 là sự kiện hiển nhiên. Năm 1968 chỉ có 338 vụ tiêu hôn. Hai mươi năm sau, con số lên tới 38,000. Nhiều nhà Giáo Luật giải thích rằng đây chỉ là phản ảnh của lối sống hiện đại, lối sống cuồng vội, với những cuộc hôn nhân vội vã thiếu chuẩn bị, với căn bệnh truyền nhiễm buông thả tính dục, với nạn ly dị lan tràn. Căn gốc của các quan niệm hiện đại về tiêu hôn nằm sâu trong Giáo Luật và Giáo Lý Hôn Nhân theo truyền thống của Giáo Hội.

Theo ý luật sư Joseph P. Zwack, một chuyên gia về tòa án hôn phối, chính Thiên Chúa thiết lập Bí Tích Hôn Phối và buộc trung thành trọn đời. Nhưng người trần gian cho rằng việc hôn nhân dễ lập và cũng dễ bỏ. Trong thời gian gần đây Tòa Thánh chủ trương rằng Bí Tích Hôn Phối mang dấu ấn vĩnh viễn nhưng Bí Tích không thành sự trong nhiều cuộc hôn nhân.

Giáo Hội xác quyết rằng hôn nhân là một Bí Tích Thiên Chúa thiết lập, một dấu bề ngoài tượng trưng cho ơn thánh bên trong. Công Giáo là tôn giáo duy nhất trên thế giới không chấp nhận ly dị theo giáo huấn Chúa Kitô "điều gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly". Nhưng theo các nhà Giáo Luật, dù đôi bạn thành hôn theo nghi thức phụng vụ không nhất thiết là Bí Tích Hôn Phối thành tựu. Bí Tích Hôn Phối chỉ hiện thực khi đôi bên có chủ ý ngay thật và trọn vẹn khả năng để sống đời hôn nhân thủy chung vững bền và sinh sản con cái.

Có nhiều căn bản khác nhau cho việc tiêu hôn, ba điều thông dụng nhất là:

-Thiếu hiểu biết trách nhiệm và khả năng chu toàn đời sống hôn nhân (Canon 1095). Ðiều này dựa trên căn bản tâm lý phát xuất từ Giáo Luật cũ về sự tự tình trong cuộc hôn nhân.

- Không thật lòng ưng thuận những đòi buộc của khế ước hôn phối (Canon 1101), có nghĩa là một trong hai người không có ý sống thủy chung trọn đời với nhau, hoặc không muốn tiếp nhận con cái.

- Bị cưỡng ép và vì sợ sệt. Ðó là những cuộc "ép duyên" hoặc "vợ bố lấy cho", những cuộc thành hôn vì việc làm ăn, thương mại, chính trị. Ngày nay những trường hợp thực tế hơn là việc mang thai ngoại hôn, đương sự sợ phản ứng của cha mẹ, của xã hội nên phải thành hôn.

Lý do tâm lý trong khoản luật 1095 là lý do thông dụng nhất trong các vụ tiêu hôn, trong đó phản ảnh mối quan tâm đến chủ ý ngay thật và khả năng chu toàn đời sống hôn nhân là hai điều kiện căn bản lập thành giáo lý Bí Tích Hôn Phối, giao ước thánh thiện trong lễ cưới.

Các nhà Giáo Luật Mỹ khẳng định rằng khả năng chu toàn trách nhiệm hôn nhân không được lưu tâm đúng mức trong quá khứ. Mặt khác, có người cho rằng tòa án hôn phối hiện nay quá chú trọng về mặt tâm lý. Ít người có thể chu toàn những đòi hỏi quá lý tưởng của sự trưởng thành tâm lý mà tòa án cho là tuyệt đối cần thiết để lập thành Bí Tích Hôn Phối. Những trường hợp đáng lo ngại như trường hợp của đôi vợ chồng lấy nhau hơn 20 năm còn được phép tiêu hôn. Năm 1986, tòa án ban phép tiêu hôn cho đôi vợ chồng, một Công Giáo một Tin Lành, sau 38 năm chung sống. Lý do là cả hai bên đều thiếu chủ ý ngay thật và ước muốn vì chưa trưởng thành đủ. Người vợ Tin Lành kháng tố sang Tòa Thánh vì tin rằng cuộc hôn nhân thành sự. Tòa Án Vatican bãi bỏ phán quyết tòa án Hoa Kỳ.

Cha James Burtchaell thật sự lo ngại khi thấy tòa án ban phép tiêu hôn cho những người cao niên lấy nhau từ thời xa xưa, con cháu đầy đàn. Thật là oái oăm khi món quà lễ bạc kỷ niệm ngày thành hôn là lời phán quyết của Giáo Hội cuộc hôn nhân không hề thành tựu. Ðiều này khiến nhiều người suy nghĩ kỹ hơn trước khi thành hôn và cũng khiến nhiều người cặp tay nhau lên bàn thánh lòng mở cờ hân hoan vì "lấy chồng như gông đeo cổ, cưới vợ như mang nợ vào thân" bây giờ đã có lối thoát.

Theo lời Cha James, khi làm việc trong tòa án hôn phối, ngài cảm thương nhiều đôi bạn và nhận thực họ đáng được phép tiêu hôn mà không được. Do đó, ngài ước mong có một cuộc cải cách lớn lao. Các linh mục và các vị hướng dẫn giáo lý hôn nhân phải chịu trách nhiệm cho những đôi bạn thành hôn chưa đủ chín chắn. Thủ tục tiêu hôn cần được đem ra ánh sáng công cộng, nhờ đó mọi người có thể xem xét các quyết định, phán quyết, lời chứng. Theo ý Cha James, thông thường quyết định của tòa án bị che dấu trong bí mật, ngay cả một trong đôi bạn cũng không được xem tài liệu liên quan đến mình. Cha James cũng phê bình là nhân chứng hoàn toàn do bên thỉnh nguyện cung cấp. Những người chứng quan trọng như cha mẹ, người chứng hôn, linh mục chủ hôn phải là những người chứng chuyên môn trong cuộc điều tra.

Cho dù với những phê bình trên, không thể chối cãi được rằng tòa án hôn phối là cơ quan cần thiết và quan trọng trong Giáo Hội. Quan trọng hơn hết là khía cạnh mục vụ, việc ly dị gây thương tích và xúc động lớn cho đương sự và họ thường mang mặc cảm bị loại trừ khỏi Giáo Hội như quan niệm xưa. Vì thế, các giới chức trong tòa án hôn phối đồng ý không nên ngăn cản việc tiêu hôn. Ða số các giáo hữu chịu tốn hơi sức thời giờ thỉnh nguyện tiêu hôn tỏ ra họ còn lòng đạo, còn muốn liên kết với Thiên Chúa, với Giáo Hội. Chỉ một số ít lạm dụng việc tiêu hôn với những mưu đồ khác.

Nhiều người lo ngại việc tiêu hôn trở nên quá phổ thông làm mất Ðức Tin nơi Bí Tích Hôn Phối. Nhưng thực tại trong xã hội còn đáng sợ hơn nhiều. Con số những gia đình bị băng hoại đầu độc bởi vấn đề tính dục, bạo động, nghiện ngập, rượu chè vượt sức tưởng tượng của nhiều người.

Nguyên tắc nòng cốt của việc tiêu hôn, theo quan niệm hiện nay, là người ta làm lễ cưới nhưng không đủ khả năng chu toàn trách nhiệm của khế ước hôn nhân theo tiêu chuẩn của Giáo Hội, là cuộc giao kết trong yêu thương một cách vững bền chung thủy, và tiếp nhận con cái. Ðiều này khiến ngày nay con số thỉnh nguyện tiêu hôn lên cao. Có những trường hợp mối tương quan trong đời hôn nhân quá lộn xộn và què quặt, bị băng hoại vì đau khổ và tội lỗi, vì thế có nhiều  căn cớ để ban phép tiêu hôn. Giới hữu trách thường chọn những căn cớ hiển nhiên có bằng chứng đầu đủ để phán quyết.

Xin phép tiêu hôn đòi thời gian và phải qua nhiều thủ tục khó khăn, dầu vậy đa số những người thỉnh nguyện đều thoải mái cho dù được phép hay không. Theo lời những người từng trải, xin phép tiêu hôn bớt cay cực khổ sở hơn xin ly dị tại tòa đời. Người ta không bị các luật sư chất vấn nhiều lần với cùng câu hỏi, không phải đối đầu tranh cãi với phía bên kia. Cả hai bên đều không gặp mặt vị thẩm phán. Người thỉnh nguyện phải đóng một phí khoản để đài thọ các phí tổn văn phòng. Thời gian chờ đợi có thể từ sáu tháng tới hai năm. Ngoài ra, phép tiêu hôn không ảnh hưởng gì đến con cái trên pháp lý. Theo Giáo Luật, hai người vẫn buộc phải chu toàn trách nhiệm với con cái như bậc cha mẹ khác.

Sau đây là thứ tự các giai đoạn trong thủ tục tiêu hôn:

1. Phép ly dị tại tòa đời

Trước khi tiêu hôn đương sự phải có phép ly dị tại tòa đời, và phải chắc chắn, chứng minh được rằng không còn chút hy vọng tái lập cuộc sống hôn nhân. Giáo Hội không chấp nhận quyền hành tòa đời trong Bí Tích Hôn Phối, nhưng đòi buộc khế ước đời bị hủy bỏ trước khi xét đến việc tiêu hôn.

2. Thẩm vấn sơ khởi

Ðương sư phải trình bày với một linh mục để xác định địa phương xin tiêu hôn. Giáo luật năm 1983 chỉ định rõ các tòa hôn phối địa phương người thỉnh nguyện được phép xin để tránh nạn "người khôn tìm chỗ dễ mà nhờ", là một tệ trạng rất thịnh hành trước đây. Theo bộ luật mới, người thỉnh nguyện phải nộp đơn tại địa phương của người bạn phối ngẫu. Có thể nộp đơn ở nơi khác nhưng phải có lý do chính đáng như không thể tìm được người phối ngẫu cũ ở đâu. Hay có thể vì những người chứng sống ở nhiều nơi xa nhau.

3. Thẩm vấn chính thức

Ðương sự phải gặp cha xứ hoặc vị trạng sư để được chính thức thẩm vấn. Vị trạng sư là một nhà Giáo Luật được chỉ định để trình bày thay đương sự trước tòa án hôn phối. Ðôi khi chính cuộc thẩm vấn sơ khởi trở thành cuộc thẩm vấn chính thức.

4. Ðiền đơn

Tiêu hôn là một thủ tục hành chánh nên đòi nhiều dữ kiện, giấy tờ. Giáo Hội đòi buộc tài liệu ghi nhận đầy đủ các tương quan đưa đến cuộc hôn nhân, do đó các đơn từ bao gồm rất nhiều chi tiết cá nhân. Các nhà Giáo Luật khẳng định rằng đó không phải để coi lỗi về ai nhưng để xác định hôn phối có thành sự không. Các chi tiết thường xoay quanh những liên lạc, qua lại trước và sau lễ cưới, những tệ trạng nghiện ngập, rượu chè, mối tương quan với thân nhân, cách xử thế với con cái, sự thủy chung bậc hôn nhân, việc giao hợp vợ chồng. Ngoài ra, đương sự phải xuất trình chứng thư rửa tội, thêm sức, hôn thú đạo và đời, phép ly dị đời. Ðương sự cũng cần cung cấp tên và địa chỉ những người chứng. Nhân chứng thường chỉ trả lời những câu hỏi qua giấy tờ về những vấn đề liên quan đến căn bản để tiêu hôn. Ðương sự phải tự liên lạc với nhân chứng để xin họ làm chứng.

5. Xác định căn cớ

Vị trạng sư sẽ cố vấn cho đương sự để xin tiêu hôn dựa trên căn cớ nào. Ðiều này thường được thực hiện trước hoặc trong khi điền các giấy tờ. Những căn cớ thông thường là:

- Thiếu ý thức và chủ ý ngay thật trong khế ước hôn nhân.

- Thiếu khả năng chu toàn trách nhiệm đời hôn nhân.

- Không nhất tâm thuận ý trong giao ước hôn nhân.

- Bị cưỡng ép thành hôn.

- Bất lực, không thể sinh sản con cái, vô cảm trong việc vợ chồng.

- Một trong hai người giữ kín bí mật về bản thân có thể làm cản trở đời sống gia đình như có án tù, nghiện ngập để khỏi ngăn trở hôn sự.

6. Chỉ định phiên tòa

Tòa án hôn phối sẽ báo cho đương sự biết đã chỉ định một phiên tòa cứu xét thỉnh nguyện tiêu hôn, vị trạng sư sẽ đại diện đương sự trước phiên tòa. Ðương sự có thể cần ký giấy ủy quyền cho vị trạng sư.

7. Cuộc dự thính sơ khởi

Ở đây tòa chỉ xét xem thỉnh nguyện này có đúng quyền hạn địa phương không và ước lượng có đủ dữ kiện để tiếp tục tiến hành hay không. Nhiều thỉnh nguyện bị ngưng ở đây vì thiếu dữ kiện.

8. Thâu thập dữ kiện

Trước hết tòa phải liên lạc với người phối ngẫu bên kia. Nhiều người không hề hồi âm bao giờ. Tòa cũng liên lạc, bằng thư từ hoặc đối diện, với các nhân chứng đương sự đưa ra với sự đồng ý của đôi bên. Ðôi khi tòa cũng cần phỏng vấn một nhà tâm lý quen biết hai người.

9. Phiên xử

Rất ít khi đương sự hoặc người chứng phải có mặt trong phiên xử. Trong đó có ba vị thẩm phán đứng xét xử. Vị trạng sư trình bày vụ kiện đồng thời kiểm soát để Giáo Luật được thi hành nghiêm chỉnh. Người phối ngẫu bên kia không có trạng sư trừ khi thỉnh nguyện. Ngoài ra còn có một viên chức gọi là bảo hệ, với nhiệm vụ kiểm soát để khoản luật "bất khả phân ly" của hôn phối không bị vi phạm cách nào, đồng thời cũng kiểm soát luật lệ về các dữ kiện, bằng chứng.

10. Phán quyết

Phán quyết của tòa hôn phối sẽ tới tay đương sự qua văn thư.

11. Tự động tái duyệt

Bộ Giáo Luật mới bắt buộc phán quyết của tòa hôn phối địa phương được duyệt lại ở tòa cao hơn. Thông thường tòa cao cấp không đối lập phán quyết tòa dưới nhưng chỉ tái xác nhận hoặc cho xét xử lại. Nếu có sự bất đồng giữa hai tòa án, vụ kiện tự động được chuyển sang Rôma xét xử.

12. Kháng tố

Ðôi khi thỉnh nguyện bị bác bỏ, đương sự có thể kháng tố lên tòa cao cấp. Trong thực tế rất ít khi xẩy ra như vậy vì những người không đủ dữ kiện thường biết trước sẽ bị bác bỏ. Nếu muốn kháng tố, đương sự tự tìm liên lạc với tòa cao cấp và nộp đơn kháng tố liền sau đó.

13. Cơ hội cuối

Nếu đương sự không hài lòng với phán quyết của tòa cao cấp, thỉnh nguyện sẽ được chuyển sang Vatican, những trường hợp này rất hiếm, mỗi năm chỉ một vài vụ. Tòa hôn phối tối cao tại Vatican sẽ cứu xét những thỉnh nguyện này. Theo ý các chuyên gia Giáo Luật, những thỉnh nguyện bị bác bỏ tại hai tòa dưới thường không chút hy vọng nào được chấp thuận ở Vatican. Thông thường những vụ kháng tố sang Rôma vì cho rằng phép tiêu hôn không chính đáng vì hôn nhân đã thành sự.

Tiêu hôn là một thủ tục pháp lý, đồng thời cũng là một biến cố để đôi bạn ý thức trách nhiệm bản thân. Cả hai bên cũng như các nhân chứng phải nghiêm chỉnh xét lại ý nghĩa mối tương quan trong đời hôn nhân, mục đích cuộc hôn nhân, những trách nhiệm chu toàn hoặc thiếu sót, hôn nhân là một bí tích như thế nào, và thành thực tìm kiếm sự thật trong đáy lòng. Ðây có thể là một sự thật đau lòng, nhưng, theo lời Chúa Kitô, là chân lý mang lại ơn giải thoát.

 

(Trích Bài Giáo Lý của Thanh Lâm

trên Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ Số Tháng 7 năm 1992)

 


Back to Home Page