Tiêu Hôn: Hôn Nhân Vô Hiệu Hóa
Trong Giáo Hội Công Giáo
Những
Căn Bản Vô Hiệu Hóa Hôn Nhân
Ðể có hiệu quả, việc tiêu hôn, nguyên đơn phải chứng minh rằng hôn ước giữa mình và người phối ngẫu cũ không thành. Muốn thế, họ phải dựa vào ít là một nền tảng hay căn bản vô hiệu hóa hôn ước. Có ba loại căn bản vô hiệu:
I. Những trường hợp vô hiệu chính thức
Hầu hết các thỉnh nguyện đệ lên tòa án là những vụ vô hiệu chính thức. Vì một hôn lễ đúng nghi thức và hoàn hợp giữa hai người Công Giáo chỉ có thể bị tiêu hủy bởi thủ tục vô hiệu này. Và vì một hôn ước bí tích hữu hiệu không bao giờ tiêu hủy được nếu không chứng minh được hôn ước bí tích ấy chưa bao giờ thực sự hiện hữu. Vậy phải theo đủ thủ tục tòa án với việc chọn tòa án và phiên xử theo qui thức.
Có 58,475 vụ chính thức được ghi nhận tại Hoa Kỳ năm 1981. Có nhiều căn bản theo Giáo Luật để phán quyết một hôn ước đã tan vỡ, tức đã li dị, có thể bị thủ tiêu, nhưng hầu hết những vụ như thế rất khó chứng minh, Trong thực tế, những căn bản khả dụng cho việc vô hiệu chính thức có thể chia ra 3 nhóm nhỏ:
1. Nhóm căn bản tâm lý mới,
2. Nhóm không bằng lòng thật sự,
3. Nhóm áp lực hay sợ.
Hầu hết các vụ vô hiệu chính thức tại Hoa Kỳ hiện nay sẽ là một trong 3 nhóm căn bản trên, hay hỗn hợp cả ba.
A. Những căn bản tâm lý mới
Việc áp dụng những căn bản tâm lý cho việc vô hiệu tại Hoa Kỳ trong thập niên vừa qua đã dựa trên loại căn bản tâm lý.
Việc dùng căn bản tâm lý không những không bị ngăn chận, mà còn được ghi trong Giáo Luật đang được tu chính, đã có đề nghị nên loại bỏ những căn bản tâm lý khỏi bộ Giáo Luật. Nhưng nhờ những kinh nghiệm mục vụ, nhất là tại Hoa Kỳ trong những thập niên 60 và 70, Linh Mục Navarette của Ðại Học Georgia đã mạnh mẽ bênh vực và thành công trong việc giữ lại.
Giáo Luật đã nhìn nhận những căn bản tâm lý hiện được dùng ngày nay. Theo Giáo Luật, những người sau đây không có thể kết hôn:
- Những người thiếu sử dụng trí khôn cách vừa phải (phân biệt với bệnh trí sẽ xét tới ở loại kế tiếp)
- Những người thiếu sót trầm trọng sự nhận định về những quyền lợi và bổn phận thiết yếu của việc trao ban và đón nhận trong hôn nhân.
- Những người, vì lý do tâm lý, không thể đảm nhận những bổn phận thiết yếu của hôn nhân (c. 1095).
Khi đưa những căn bản này vào luật pháp, nhất là hai điểm "thiếu cẩn trọng đúng mức" và "thiếu khả năng đúng mức", Giáo Hội đã làm ích vô kể cho chính mình và cho con cái. Thực vậy, sự kiện các căn bản tâm lý cho sự vô hiệu còn tồn tại là điều rất quan trọng, vì nhờ đó, nhiều người có thể cải thiện đời sống cá nhân và cứu vãn mối liên hệ của họ đối với Giáo Hội khi được lệnh vô hiệu để "tái hôn" trong Giáo Hội.
Như vậy rõ ràng bộ luật mới đã khai thông vấn đề vô hiệu nhờ chấp nhận những căn bản tâm lý rất quan trọng. Không những đã mở rộng những căn bản cũ, còn tạo ra những căn bản mới cho vấn đề vô hiệu nhờ những tiến bộ về tâm lý trong thế kỷ qua.
1. Nhận ra những căn bản cho trường hợp tâm lý
Không phải là nhà chuyên môn thì không sao hiểu được những khó khăn tâm lý. Nhưng các chuyên viên lại có thể, trong cuộc hôn nhân nào đó, khảo sát những dấu chỉ cho thấy sự hiện diện của những trục trặc ấy. Thí dụ:
- Chứng động kinh: Nếu người chồng hay người vợ bị bệnh động kinh và bệnh đã phát ra khi gần cưới, thì họ có thể bị coi là thiếu cẩn trọng đúng mức.
- Say sưa: Người bị say sưa vì rượu hay vì thuốc khi kết hôn cũng bị coi là thiếu cẩn trọng đúng mức.
- Nghiện rượu hay chích choác: Ðây là tình trạng kinh niên có thể xác nhận theo y học. Nếu tật này xuất hiện gần ngay sau khi cưới thì có thể nó đã có khi cưới rồi.
- Ðồng tính luyến ái: Ðã là tình trạng được tòa án Rota nhận như bằng chứng sự ưng thuận vô hiệu khi cưới.
- Chưa trưởng thành: Ðây là một loại rất linh động. Khi kết hôn: vô trách nhiệm về tài chánh; từ chối săn sóc nhà cửa hoặc con cái; quá lệ thuộc vào cha mẹ hoặc chống lại cha mẹ; quá cậy dựa vào ý kiến của bạn bè; trục trặc nghiện ngập; trục trặc với cảnh sát hoặc với giới chính quyền; khó giữ một công việc; có mèo; bất thường về cảm xúc, v.v.
Linh Mục Green đưa ra 6 yếu tố cho thấy mối tương quan hôn nhân trưởng thành:
Các tòa án coi những yếu tố sau đây rất can hệ cho cuộc dấn thân hôn nhân:
(1) Sống mãi mãi và trung thành với bạn đời;
(2) Cởi mở với con cái và bạn đời;
(3) Không thay đổi (stability);
(4) Trưởng thành về cảm tình;
(5) Có trách nhiệm tài chính;
(6) Có khả năng đương đầu với những dồn nén bình thường và những khó khăn của hôn nhân, v.v.
2. Tại sao những căn bản tâm lý thông dụng nhất hiện nay?
- Mới mẻ: Việc áp dụng sự thiếu cẩn trọng đúng mức và thiếu khả năng đúng mức, và tất cả các căn bản có trước chỉ thịnh hành rất mau từ sau thập niên 1970 về đây, và cách giải thích chúng rất tiến triển. Vì vậy, những phức tạp khi theo những tiền lệ của một số các loại căn bản cũ đã tránh được.
- Dễ chứng minh: Với những tòa án hôn phối ngày nay có thể nhận cách sinh sống sau khi cưới như một dấu chỉ mạnh mẽ của tình trạng tâm lý những cặp vợ chồng ở thời kỳ cưới, vì vậy một trong những khó khăn lớn cản việc vô hiệu hóa đã mất đi. Cũng thế, một loạt bằng chứng rộng rãi về cách xử sự của những vợ chồng và những dẫn chứng bất thường ngày nay có thể đem vào vụ án.
Dù không một căn bản đơn độc nào có thể lập thành bằng chứng hiển nhiên của sự vô hiệu, nhưng khi được thu thập và phân tích bởi chuyên viên tâm lý, chúng có thể chứng tỏ rõ ràng sự hiện diện của tình trạng tâm lý, tình trạng này có thể vô hiệu hóa các lời thề hứa hôn nhân.
Sự áp dụng các căn bản tâm lý cho việc vô hiệu hóa tương tự như việc áp dụng căn bản hung ác tâm trí, một căn bản được dùng trong các vụ li dị ở tòa đời. Hầu hết mỗi người được li dị trong những tình trạng này đặt cơ sở cho trường hợp của họ trên tình trạng hung ác tâm trí, cho dù lý do ngoại tình hoặc say rượu định kỳ có thể gần gũi với trường hợp ấy hơn.
- Khó chối cãi: Các căn bản tâm lý căn cứ rất mạnh trên bằng chứng của các chuyên viên tâm lý. Các thẩm phán tại tòa án hôn phối rất tôn trọng chứng cớ của chuyên gia tâm lý. Ý kiến các chuyên gia tâm lý. Ý kiến các chuyên gia ấy, khi được nhận như bằng chứng trong vụ vô hiệu hóa, sẽ trở nên gần như chứng cớ không thể chối cãi của một hôn ước vô hiệu.
- Ðược áp dụng rộng rãi: Ngày nay khoa tâm lý tiến triển mạnh mẽ và những kết quả thu lượm được đã giúp rất nhiều để khảo sát tình trạng tâm lý của một người, nên tòa án hôn nhân cũng lợi dụng những kết qủa ấy để phán quyết trong lãnh vực hôn nhân.
B. Giả vờ ưng thuận
Sau căn bản tâm lý, có lẽ những căn bản giả ưng thuận là loại căn bản hữu hiệu nhất. Có thứ thiếu ưng thuận hoàn toàn hay thiếu một phần.
Sự ưng thuận hôn nhân, về mặt tâm lý, không những phải là điều có thể mà còn phải thành tâm. Bất cứ một chủ ý tích cực nào định ưng thuận với điều kiện, hay loại bỏ một điểm chính yếu khỏi hôn ước bí tích, thì chủ ý ấy vô hiệu hóa hôn nhân.
Tiếng "giả vờ" không gặp thấy trong Giáo Luật, nhưng vẫn được dùng khi đề cập đến vụ nào mà những đoan hứa hôn nhân không có thật, tức chỉ giả vờ như có.
Giáo Luật hiện hành dạy: "Nếu một hay cả hai phía, do một tác động ý muốn, lại loại trừ chính hôn nhân hay bất kỳ một yếu tố nào của hôn nhân, hay bất cứ tài sản nào chính của hôn nhân, thì phía đó vô hiệu hóa giao ước". (c. 1101:2)
1. Không ưng thuận hoàn toàn
Ðó là tình trạng khi các đương sự chỉ theo hôn lễ bên ngoài mà không có ý hướng kết hôn thực sự. Họ làm thế có lẽ để hài lòng cha mẹ, để cho con cái khỏi trở thành con hoang, hay để trốn tránh quân dịch. Chứng minh vụ này cần phải có bằng chứng hiển nhiên sự hoàn toàn thiếu chủ ý, cả trước và sau hôn lễ, để nghiêm chỉnh chấp nhận hôn nhân.
2. Không ưng thuận một phần
Loại bỏ bất cứ phần chính yếu nào của hôn nhân cũng vô hiệu hóa hôn nhân. Thí dụ kết hôn lại có ý sẽ không chung tình, sẽ phân li hay bỏ nhau, hoặc sẽ không có con.
- Sẽ không chung tình: Từ chối nhau quyền lợi riêng của hôn nhân, chứ không phải chỉ là sự thất trung trong khi còn hôn ước. Gặp trường hợp này, cần chứng minh lời thề trung tín nguyên thủy đã không thành thực. Thí dụ một cậu khi cưới đã có bồ mà còn nuôi ý định tiếp tục gặp gỡ lại, hoặc một cô có nhiều tình nhân trong thời kỳ đính ước cũng như sau khi cưới,v.v., đều có thể bị coi như vô hiệu hóa hôn ước do ý định bất trung, vì là ưng thuận "với điều kiện trong tương lai" đã vô hiệu hóa hôn ước (c. 1102:1).
- Sẽ li dị: Khi cưới lại nuôi ý định sẽ li dị nếu sẽ có trục trặc với nhau. Bên Âu Mỹ bây giờ sự kiện này khá thịnh. Ảnh hưởng văn hóa, nhất là Tin Lành. Theo tạp chí People (July 28,1980, p.31) bên Âu Châu thanh niên gần ngày cưới thì bí mật xin thị thực lá thư với sự đề phòng để nếu cần sau sẽ trình tòa xin li dị (c. 1096).
- Sẽ không có con: Ít là một phía hiểu ngầm sẽ không sinh con cái bao giờ (c. 1096).
Nhưng chứng minh ý hướng không muốn sinh con không chỉ đơn giản là chứng minh việc ngừa thai liên tục, ngay cả việc ngừa thai nhân tạo. Phải có lý do thực sự tin rằng ý hướng này đã ám chỉ là sẽ mãi mãi không con.
Bằng chứng và cách lập luận bênh vực những vụ này rất phức tạp, nhưng phần chính của luận cứ này thường là đã có ý hướng được biểu lộ, hoặc cả hai hoặc một phía, sẽ dùng cách ngừa thai một thời gian lâu.
3. Những khó khăn với những thỉnh nguyện vì giả ưng thuận
Những khó khăn loại này có hai mặt. Canon 1101:1 nói:
"Sự ngầm ưng thuận được coi là phù hợp với lời nói hay dấu hiệu phát biểu khi cử hành hôn lễ". Nói cách khác, trong trường hợp như thế, hôn ước được coi là hữu hiệu. Ðể việc xin tuyên bố vô hiệu thành công, phải chứng minh được điều thề hứa đã làm với ý là sẽ không đi tới cùng. Thứ hai là phải chứng minh rõ rằng thái độ ấy được duy trì khi cử hành hôn lễ cũng như vẫn không đổi về sau này.
Hầu hết trong các trường hợp, các đương sự sẽ cần:
(1) Sự thú nhận của người đã giả vờ được tòa chấp nhận.
(2) Những nhân chứng xác nhận những lời phát biểu tương tự đã được nói ngoài tòa án, nhất là trước khi cưới. Lời thú nhận theo pháp lý tự nhiên là đáng nghi, nhất là khi do nguyên đơn nói ra.
(3) Dấu hiệu cho thấy rõ động lực của sự giả vờ. Người ta không chỉ giả đò hứa trừ phi có lý do.
C. Áp lực và sợ hãi
1. Luật cũ
Một trong những điều kiện của sự ưng thuận hữu hiệu là sự ưng thuận phải có tự do. Áp lực thật sự hoặc sợ bị thiệt hại thật sự đều vô hiệu hóa hôn ước.
Luật cũ có ý cho áp dụng loại căn bản này vào những vụ hôn ước vì động lực "chính trị" hoặc "thương mại", nhất là khi đã lỡ có bầu, v.v. Gần đây việc giải thích căn bản này được mở rộng đến các vụ chỉ dính dáng đến hôn lễ "rước bầu".
2. Luật mới
Có chút sửa đổi trong luật mới về điểm này. Khoản 1103 dạy rằng một hôn ước bất thành nếu được ký kết chỉ vì áp lực hoặc sợ hãi trầm trọng gây ra từ bên ngoài đương sự, dù gây ra không chủ ý, khiến đương sự bị ép phải chọn cưới để được xong mình.
Ta thấy luật hiện hành chỉ nói là áp lực chứ không nói đến "áp lực bất công", nhưng vẫn còn đòi có sự sợ hãi trầm trọng. Nên bất cứ áp lực nào từ bên ngoài cũng có thể vô hiệu hóa hôn ước.
Khi xin tuyên bố hôn ước vô hiệu theo căn bản áp lực hoặc sợ hãi thì phải có:
(1) Sự sợ hãi "trầm trọng".
(2) Sự sợ hãi hay áp lực đến từ bên ngoài đương sự, nghĩa là do người khác gây ra.
II. Những Trường Hợp Vô Hiệu Theo Tài Liệu
Ðây là những vụ mà một căn cớ gây ngăn trở kết hôn có thể chứng minh được bằng tài liệu, thí dụ hôn lễ đã không được cử hành theo nghi thức thích hợp. Ðây thường là những vụ liên quan đến hôn ước hỗn hợp, hoặc một cuộc hôn nhân Công Giáo "ngoài Giáo Hội", hoặc khi những hoàn cảnh chung hôn lễ quá ngoại thường.
A. Thiếu thể thức cử hành hôn lễ
Trừ trường hợp đặc biệt, người Công Giáo phải kết hôn trước mặt một linh mục và ít nhất hai nhân chứng (c. 1108), hoặc những người thay thế đủ điều kiện theo luật (xem cc. 1110-1112, 1116). Gần đây luật này cũng áp dụng cho hôn nhân hỗn hợp. Tuy nhiên, ngày nay hôn lễ hỗn hợp cử hành trước mặt một thừa tác viên không Công Giao cũng thành nếu có phép chuẩn của Ðức Giám Mục (cc. 1115, 1118). Ðiều đó có ý nhấn mạnh vào lời thề hứa của đôi bạn hơn là sự chứng kiến của giáo sĩ, vì lời thề đó mới là yếu tố quan trọng của bí tích.
Tuy vậy, một số thủ tục nào đó vẫn phải được tuân theo (cc. 1104-1105...). Nếu hôn lễ Công Giáo không được cử hành trước mặt linh mục thì rất có thể đương sự sẽ xin được án lệnh vô hiệu dựa trên căn bản thiếu nghi thức.
Bằng chứng theo thể thức chứng minh rằng đã thiếu một yếu tố nào đó của hình thức cần thiết, như thiếu hai nhân chứng hoặc thiếu phép Ðức Giám Mục cho hôn lễ cử hành ngoài Nhà Thờ, đó là tất cả điều cần để được phán quyết thuận lợi cho nguyên đơn. Theo tài liệu mới công bố thì chung cả trong Giáo Hội Công Giáo, các tòa án hôn nhân tại Hoa Kỳ đã xử thuận cho 85% hay nhiều hơn vụ xin vô hiệu theo căn bản thiếu nghi thức. Và năm 1981 có khoảng 24,000 vụ được giải quyết tại Hoa Kỳ.
B. Do ngăn trở tiền hôn
Vì nếu hôn ước trước kia hữu hiệu thì hôn ước kế tiếp của nguyên đơn bất thành. Cho nên, nếu nguyên đơn dựa vào căn bản này để chứng minh được hôn ước hiện thời vô hiệu thì sẽ có thể được tuyên bố vô hiệu theo ngăn trở tiền hôn.
Tại Hoa Kỳ trong năm 1981 đã có khoảng 2,000 phán quyết theo căn bản này.
III. Những Vụ Tiêu Hôn
Ðúng ra, những vụ thuộc loại này không phải là "Vô hiệu", nhưng là những giải pháp khác giúp cho những người đủ điều kiện có thể được phép tái hôn theo luật lệ riêng biệt. Loại này chia 2 nhóm:
A. Những trường hợp đặc ân hoặc tiêu hôn (Privilege or Dissolution Cases)
Loại này dựa vào những căn bản cắt đứt hoặc tháo gỡ một hôn ước lưu cựu nhất, có người gọi là "li dị Công Giáo" hay "tiêu hôn".
* Hai Ơn Rộng Ðức Tin: Ơn Rộng Thánh Phaolô và Ơn Rộng Thánh Phêrô
Những căn bản này được dùng nhiều nhất cho những đám trở lại Công Giáo gần đây mà trước đã kết hôn với người ngoài Giáo Hội, và cũng cho người Công Giáo đã kết hôn với người lương (chứ không phải là một Kitô hữu khác, như Tin Lành chẳng hạn).
B. Tiêu hôn theo căn bản "Không Hoàn Hợp"
Ðược gọi chính thức là những vụ "thành hợp nhưng không hoàn hợp" (ratified non-consummated), đó là những tình trạng hôn nhân chưa có sự giao hợp trọn vẹn giữa đôi bạn. Trong những trường hợp như thế, hôn ước có thể được tháo gỡ cho dù đôi bên là Kitô hữu (cc. 1681,1698). Nhưng nội vụ phải đệ lên Tòa Thượng Thẩm Rôma.
* Sự việc thế nào?
Từ việc khuyếch trương quyền năng do ơn rộng Ðức Tin, Ðức Giáo Hoàng từ lâu đã tháo gỡ những hôn ước bí tích nhưng chưa hoàn hợp (non consummated). Lý do là nếu một hôn ước hoàn hợp chỉ kết buộc khi đôi bên đã rửa tội; vậy ngược lại có lẽ cũng đúng: một hôn ước giữa đôi bên đã rửa tội, để có thể kết buộc, cũng phải hoàn hợp. Sự hoàn hợp do tác động phu thê riêng biệt, mà tác động phu thê được định nghĩa là một tác động thích hợp cho sự sinh sản.
Dù căn bản này có lẽ đã hữu hiệu ở thời Trung Cổ, ngày nay những trường hợp như thế cần nhiều bằng chứng cụ thể, thường phải nhờ y khoa. Vả lại, phải đệ sang Tòa Thánh tất cả vụ án trước khi quyết định thuận cho tiêu hôn (tháng 7 năm 1972, một số thủ tục ban phép cho những vụ chưa hoàn hợp được tiến hành tại địa phương nếu làm theo đúng những chỉ dẫn chặt chẽ do Tòa Thánh đã ban hành). Ðây là những vụ thuộc nhóm kéo dài nhất.
* Chú ý:
"Hôn nhân hoàn hợp" nghĩa là "giao hợp sau khi cưới", vì thế, nếu có thai trước khi cưới thì hôn nhân không được phải là hoàn hợp. Cưỡng hiếp thì tác động phòng the cũng không được coi là hoàn hợp,v.v...
Trong những trường hợp như thế, muốn chứng minh non-cosummated thì thật là phức tạp!
IV. Những Căn Bản Vô Hiệu Khác
1. Chưa đủ tuổi: 16/14 (c. 1083)
2. Bất lực (c. 1084)
3. Hôn nhân lương / giáo (c. 1086)
4. Có thánh chức và vĩnh thệ công khai (cc. 1087-1088).
5. Bắt cóc (c. 1089)
6. Sát phu / sát phụ (c. 1090)
7. Huyết tộc (c. 1091)
8. Hôn thuộc (c. 1092)
9. Liêm sỉ (c. 1093)
10. Dưỡng hệ (c. 1094)
11. Dốt nát (c. 1096)
12. Lầm lẫn về thể nhân (c. 1097)
13. Lường gạt (c. 1998)
(Trích Bài Giáo Lý của Mai Thiên Anh
trên Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ Số Tháng 7 năm 1992)