Tìm Lại Cái Hay Ban Ðầu

Rev. Hoàng Tiến Ðoàn, S.J.

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Tôi có quen một cô vẫn thường coi tôi như anh thiêng liêng để "tâm sự" mỗi khi "đụng chuyện gì", trước cũng như sau khi lập gia đình. Trước ngày cưới, cô ta tâm sự với tôi:

- Em biết ngay, . . . chắc là anh ngạc nhiên lắm, phải không? Khi thấy em OK anh chàng này. Như anh biết, em có nhiều bạn trai trong đó có vài chàng dễ thương, nhưng em chỉ thương có anh này thôi. Em cũng không hiểu tại sao em thương anh ta, mặc dù ảnh hơn em tới cả 15 tuổi và cũng chẳng đẹp trai gì.

- Anh nghe nói ông này, ý sorry, anh này chứ, chiều em lắm có phải không? Dù sao đây cũng là đức tính tốt của những người đã có tuổi!!!

- Chiều em? Ðúng, nhưng không phải vì chiều, mà em ưng đâu! Có mấy anh chàng khác cũng chiều em lắm chứ. Em nghĩ chắc là tại vì anh ta có những đức tính quí mà em không tìm thấy nơi những người khác. Anh biết không, anh này tính tình cẩn thận lắm. Lái xe không bao giờ vượt quá tốc độ. Làm cái gì cũng thận trọng lắm cơ! Em chưa thấy anh ta hấp tấp bộp chộp bao giờ. Thật là rất hợp với em!

- Chậc chậc, . . ái cha . . . dữ hôn? Trúng tủ cô nương rồi . . . !

- Ðừng ồn ào, để em kể cho nghe: Anh biết không, nhà anh ta lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng. Lần đầu đến, em tưởng nhà trống trơn không có sự gì. Nhưng hỏi ra thì cái gì cũng có, và thứ nào để ra thứ đó trong ngăn tủ gọn gàng sạch sẽ. Chén bát em mới ăn xong chưa kịp rửa, còn đang nói chuyện và quay qua quay lại đã thấy anh ta rửa xong và đang cất đi rồi. Lấy anh này, em nghĩ đỡ phải mệt dọn dẹp nhà cửa. Chứ ở với bố mẹ, nhiều khi em phát bực cả lên, nhất là đối với thằng út, chưa dọn xong cái này nó đã bày cái khác ra rồi. Và chưa bao giờ em dám bước chân vào trong phòng nó. Thật là một ổ rác, dơ dáy quá sức. Giầy dớ, áo lót, quần xì vứt lung tung bừa bãi ở lối đi, gầm giường lẫn lộn với sách báo, băng nhạc. Ðược như anh này, chắc cả trăm người mới có vài ba người.

- Nói làm gì, cả ngàn người anh nghĩ chưa biết có kiếm được một, hai người không?

Cô ta vênh mặt lên rất tự hào:

- Ðấy nhá, có phải thế không anh? Em nghĩ rằng em đã chọn đúng người. Anh biết không, đi shopping với em, cái gì anh ấy cũng đòi trả tiền. Khi trả thì anh ta cẩn thận xem cho kỹ có phải là tờ 1 đồng, 10 đồng hay 100, và đếm lại, rồi còn lật qua xem mặt bên kia nữa. Thấy em phì cười, thì anh ta bảo là sợ 2 tờ nó dính nhau. Nhưng dù sao, tính tình cẩn thận như thế rất hợp với em. Em nghĩ rằng chính điều này làm cho em thương anh ấy.

- Hợp tính hay không chỉ là một chuyện. Cái quan trọng là quả tim của em đã nhúc nhích rồi. Cái đấy mới thành vấn đề. Anh thành thật chúc chúc mừng em đã tìm được người lý tưởng. Cảm tạ Chúa cho em và cho cả ba mẹ em nữa. Anh thấy cậu mợ lo quá sức vì thấy em có nhiều boy friends! Mợ thường than thở với anh mỗi khi nhắc đến em: "ngày lắm mối, tối nằm không!"

 

Thế rồi, . . . tháng ngày qua đi, bây giờ anh chị đã ở với nhau được hơn 10 năm và đã có với nhau ba tí nhau. Bây giờ gặp lại cô em, tôi thấy cô ta thở dài thườn thượt:

- Chán quá sức, anh ơi! Em không thể tưởng tượng được?

Tôi liền hỏi: "Có chuyện gì vậy em?" Thế là, cô ta tuôn ngay ra một tràng dài:

- Anh biết không, làm cái gì ảnh cũng chậm rì, sốt ruột, bực cả mình. Nhiều khi em đến lễ trễ là bởi vì cái ông nội kia kìa, cứ lái xe cứ rù rà rù rì. Bao nhiêu người lái xe lách qua lane, vượt qua mặt, và nhất là đã giờ lễ rồi mà vẫn cứ lái xe chạy rề rà. Tức quá, em đã bảo ảnh từ giờ nếu không cho tôi lái, tôi sẽ không bao giờ đi lễ chung với ông nữa. Cho nên mới chịu để cho em lái đấy. Rồi chiều nào, mỗi khi đi làm về đến nhà, là ảnh lấy máy hút bụt ra hút khua náo ầm ĩ, và xông ra cái mùi hôi hám. Anh thấy không, nhà em đâu có dơ dáy gì đâu, không hút bụi cả tuần lễ cũng còn được cơ mà. Mấy đứa nhỏ vất đồ chơi bừa bãi, dọn cho được một tí thì nhăn nhó càu nhàu. Em nhớ, anh thường dặn tụi em phải luôn cố gắng "get better communication" với nhau. Nhưng với ông này thì có bao giờ chịu mở miệng ra đâu mà có "better communication". Này nhá, ăn cơm xong, hai đứa vừa ngồi xuống coi ti vi một tí thì ảnh đã gãi đầu gãi tai: "em ngồi đây nhé, anh phải đi coi vườn một tí!" Vườn thì có gì đâu mà phải coi, nó cũng giống như hôm qua, và như hôm kia và cũng như tuần trước. Thế rồi đủng đỉnh ra đứng góc vườn ngó bụi cây này một tí, rồi lại khệnh khạng đi ra ngó góc vườn kia một tí, nhổ vài cọng cỏ ở chỗ này, vặt vài lá rau ở chỗ kia. Nhìn thấy mà bực cả mình. Chưa bao giờ ảnh ngồi nói chuyện với em lâu đến 10 phút, lúc nào cũng táy máy tìm việc gì đó để làm. Anh biết không có lần bị "lay off" ở nhà gần hai tháng. Cả ngày sáng chiều cứ lấy xe ra lau đi lau lại, lau đến nỗi chiếc xe mất nước bóng cũ mèm. Chẳng bù với chiếc xe kia của ông hàng xóm, mua cùng một đời, một lượt mà xe ông ấy vẫn láng bóng. Tại vì cái xe này bị lau nhiều quá đấy mà!

- Nhưng mà em à, anh nhớ, . . . trước ngày cưới, em đã nói chọn được anh này rất hợp tính em, vì cẩn thận ngăn nắp, nhà cửa lúc nào cũng gọn gàng sạch sẽ.

- Nhưng cẩn thận quá lại hoá ra lẩn thẩn, ấm ớ, phát bực cả lên!

 

Thưa quí anh chị, làm cách nào giải quyết được tình trạng này? Chính cái đặc nét cuả anh chàng ngày trước làm cho cô ta mê, thì bây giờ lại làm cho cô ta chán. Thành ra khi nói chuyện với nhau, anh chị lúc nào cũng có vẻ cau có, gắt gỏng. Tôi chợt nhớ lại một câu danh ngôn, mà hôm nào có ai đó gửi cho tôi qua email, câu ấy như thế này: "A woman marries a man expecting he will change, but he doesn't. A man marries a woman expecting that she won't change but she does." Thoáng nhìn qua và nghe câu chuyện trên đây, chúng ta thấy câu trên có vẻ chí lý. Nhưng xét kỹ hơn, chúng ta thấy có đúng, nhưng cũng có sai. Ðúng theo cái nhìn của anh: anh chàng nghĩ rằng mình trước sau vẫn thế, có thay đổi gì đâu! Nếu có thì chỉ là cần phải kỹ lưỡng hơn, thận trọng hơn vì mình có trách nhiệm lo cho gia đình; cái người đã thay đổi chính là cô nương này, và cô ta muốn tôi cũng phải thay đổi theo ý thích của cổ. Tuy nhiên câu trên này lại sai bét dưới cái nhìn của chị. Chị nói: "he is getting worse, he đã trở thành một con người ấm ớ, lẩn thẩn, dở hơi không còn dễ thương như ngày xưa nữa!" Mình mà biết trước như vậy thì đâu có dại gì mà vác cái cục nợ này vào thân cho mệt!

Rốt cuộc, cái hay ban đầu lại trở thành cái dở! Lý do, vì cái đó không còn đáp ứng được nguyện vọng cuả người kia nữa. Như vậy cái hay hoặc cái dở tự nó không phải là hay, là dở; nhưng chính là vì nó có đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của người kia hay không! Mà nhu cầu và nguyện vọng của con người thì thay đổi tuỳ nơi, tuỳ lúc và nhất là tuỳ hoàn cảnh và tâm tính mỗi người. Vậy làm sao giữ được cái hay để vẫn cứ hay mãi. Chắc chắn, đây không phải là điều đơn giản, vì là nam nữ chúng ta khác biệt từ tâm lý, suy nghĩ cho đến cách thức biểu lộ cảm xúc về nhu cầu và nguyện vọng của mình.

Thực ra, sự khác biệt nam nữ dựa trên chính bản chất con người: Người phụ nữ thường phản ứng theo cảm tính, trực giác và thường dùng ngôn ngữ hay cử chỉ của mình để tô đậm lên, để biểu lộ cảm xúc hay ước muốn của mình. Và tuỳ theo mức độ tình thân của mình với người kia, mà cách thức biểu lộ có mức độ nhanh chóng, vắn tắt, gọn gàng và nói lên cực điểm ước muốn của mình nhiều hay ít. Chẳng hạn khi anh chị mới lấy nhau, thì chị thủ thỉ với anh như thế này: "Em thích tụi mình ra ngoài đi đâu đó với nhau. Em thương những giây phút đó thật tuyệt vời, khi mà . . . tụi mình có nhau, cùng đi chơi với nhau. Hay là tụi mình đi ăn tối, hoặc đi coi xi-nê đi anh? What do you think?" Sống với nhau được vài năm rồi, đã có tình thân với nhau rồi, chị chọn một cách nói nhanh chóng, vắn tắt và gọn gàng, để thông truyền cùng một ý muốn với lòng ao ước như thế. Nhưng chị không muốn mất nhiều thì giờ với những ngôn ngữ dài dòng, lòng thòng vô ích như trên. Chị nói vắn tắt thế này: "Tụi mình chẳng bao giờ ra ngoài cả!" Phải chăng chị đã thay đổi, không còn ý nhị, duyên dáng như trước nữa! Không phải thế, chị vẫn ý nhị và duyên dáng như thế có khi còn hơn thế nữa đối với những người chị mới quen, mới gặp. Nhưng với người đã có tình thân sâu đậm rồi thì chị dùng cách thức vắn tắt, gọn gàng để truyền đạt ý muốn mình mà thôi. Vì không hiểu được như thế, khi nghe chị nàng nói: "Tụi mình chẳng bao giờ ra ngoài cả." anh chàng nổi quặu lên và phản ứng lại thế này: "Ơ, cái tính em hay quên nhỉ, tụi mình mới đi ra ngoài ăn tối với nhau tháng trước!" Hoặc nếu cố gắng cầm mình không nói gì "cho yên cửa yên nhà!", thì anh chàng cũng lầm bầm nghĩ trong bụng rằng chắc hẳn bà xã muốn nói thế này: "Lúc nào anh cũng chỉ biết lúi húi, cặm cụi trong nhà, chẳng biết đưa vợ con ra ngoài enjoy cái gì cả. You are not doing your job to take care of your wife and your family. You are lazy and just boring!"

 

Trong một quyển sách nhan đề, "MEN ARE FROM MARS, WOMEN ARE FROM VENUS" (Ðàn ông từ Sao Hoả, Ðàn Bà từ Sao Kim: lấy ý nghĩa từ một thần thoại Hy Lạp: Sao Hoả là thế giới các dũng sĩ, nơi có các tráng sĩ dũng cảm uy hùng; Sao Kim là thế giới những người đẹp, nơi có các tiên nữ sắc đẹp mê hồn) tiến sĩ tâm lý gia đình, John Gray nói như thế này: "Once upon a time Martians and Venusians met, fell in love, and had happy relationships together because they respected and accepted their differences. Then they came to earth and amnesia set in: They forgot they were from different planets." Tôi xin được phép phỏng dịch như sau: "Ðã một thời, Dũng Sĩ (người Hoả Tinh) và Tiên Nữ (người Kim Tinh) gặp nhau, họ thương nhau và có với nhau tình thân thật tuyệt vời vì họ tôn trọng và chấp nhận những khác biệt của nhau. Thế rồi, họ đưa nhau xuống Quả Ðịa Cầu xây dựng tổ ấm, và họ bắt đầu quên: Họ quên đi rằng họ đã đến từ hai hành tinh khác biệt."

Ðấy, chính cái "quên đi" đã thỉnh thoảng lại gây nên tấn bi kịch sảy ra trong đời sống gia đình của quí anh chị. Vì anh, vì chị là nam, là nữ giống như những Martians và Venusians đến từ hai hành tinh khác biệt. Cho nên, mặc dù anh chị nói cùng một ngôn ngữ, nhưng vì suy nghĩ và tâm tư khác nhau, nên những nhu cầu và nguyện vọng của mỗi người thường đã không được biểu lộ trọn vẹn, cũng như không được hiểu chính xác và đúng mức nên thường gây ra hiểu lầm và xung đột. Tôi xin đưa ra một vài thí dụ để giải thích điều này:

Khi nghe chị nàng nói: "Mệt quá rồi chẳng muốn làm gì cả" Anh hiểu ngay ra rằng bà xã mình phàn nàn: "Tôi làm đủ mọi việc, còn anh cứ ì ra, lười, chẳng làm sự gì cả! Coi kìa anh không chịu cất nhắc chân tay giúp cho người ta một tí à. Lấy anh thật là điều bất hạnh lớn lao: Picking you was a big mistake!" Thực ra thì chị chỉ muốn nói lên sự mệt nhọc của mình để chia sẻ với anh: "Hôm nay em mệt quá, không muốn làm gì cả. Em muốn nghỉ xả hơi một cái đã. Giá mà anh giúp em một tí, hay nói một vài lời dịu dàng an ủi, hoặc giữ yên lặng cho em nghỉ ngơi một tí thì quí lắm."

Khi nghe chị nàng nói: "Nhà cửa bề bộn dơ dáy quá". Anh liền hiểu ngay ra là chị muốn nói rằng: "Nhà cửa này dơ là tại anh. Anh chỉ biết bừa ra chứ chẳng biết dọn dẹp gì cả. Sống với anh thật là chán quá. Một là anh phải biết dọn dẹp đi, hai thì anh cút đi đâu thì đi cho khuất mắt." Trong khi đó chị chỉ muốn than thở: "Hôm nay em muốn sả hơi, muốn relax! Nhưng sao nhà mình lôi thôi bề bộn quá. Nhìn thấy làm cho em bực mình khó chịu. Giá anh giúp dọn cho được một phần thì vui biết mấy."

Khi nghe chị nàng nói: "Chẳng được việc gì cả". Anh chàng liền hiểu ngay ra rằng: "Anh thật là đồ lười, vô tích sự, chẳng làm nên cơm cháo chuyện gì cả. Giá mà người khác thì đã giúp tôi được việc, chứ còn anh thì đụng chuyện gì, hư chuyện đó." Trong khi đó chị chỉ muốn nói: "Hôm nay em cảm thấy chán nản, khó chịu, chẳng muốn làm sự gì cả. Vì có làm gì cũng không được. Ước gì anh cho em lời an ủi, hay cử chỉ ân cần giúp cho em thêm hăng hái, phấn khởi."

Quan hệ cảm thông giữa Martians và Venusians, giữa nam và nữ thật là phức tạp và khó hiểu quá! Người nói với ý này, người kia lại hiểu ra ý khác. Như tôi đã nói: Người phụ nữ thường hay phản ứng theo cảm tính và trực giác nên cách biểu lộ hay dùng ngôn ngữ, hoặc cử chỉ để tô đậm lên hầu dễ dàng biểu lộ cảm xúc của mình. Trái lại, người đàn ông thường dùng lý trí và ý chí nên thường cho đó là quá đáng. Sự khác biệt nằm ngay trong bản tính là nam, là nữ. Dĩ nhiên thỉnh thoảng cũng có trường hợp ngoại lệ: Ðàn ông mà tính đàn bà, hay đàn bà mà tính đàn ông. Nhưng ở đây, tôi chỉ nói trong trường hợp thông thường, chung chung cho mọi người. Vậy làm sao chúng ta có thể sống chung hoà bình, vui vẻ hạnh phúc với nhau? Hãy chấp nhận lẫn nhau như người đó là. Ðừng bắt người kia phải thay đổi theo ý mình muốn hay làm theo cách mình thích. Hãy cứ để cho người đó thật sự là một Martian hay là Venusian. Ðừng bắt người đó phải đổi tính đổi giống.

 

Tuy nhiên, xin nhớ cũng có những khác biệt chẳng liên hệ gì tới bản tính nam nữ của con người, nhưng chỉ là background giữa hai người khác nhau. Background mà tôi muốn nói ở đây là cách lối giáo dục của mỗi gia đình, hay là quá trình cuộc sống, và tất cả những gì đó tạo nên một nề nếp, một lối sống với những suy tư khác biệt giữa người này với người kia. Khác nhau trong cách lối suy tư hay lựa chọn, hay sở thích với những giá trị quan khác nhau. Khi mới lấy nhau, anh chị thấy cái gì cũng tuyệt vời, tình tứ, dễ thương, và đón nhận những khác biệt này một cách rất dễ dàng. Nhưng sống với nhau lâu rồi, họ mới dần dần khám phá ra những: "tính hư tật xấu của anh"; "tính hư tật xấu của em". Nhưng, cái gọi là tính hư tật xấu nhìn theo góc cạnh của người này, thì nhiều khi thật ra lại là điều hay, điều tốt và tiện lợi theo cách nhìn của người kia. Lấy thí dụ, khi ở với nhau một thời gian rồi, chị khám phá ra anh có một tật xấu xa kinh khủng, ghê tởm, không thể nào tưởng tượng được và làm cho chị vô cùng khổ tâm và bực bội. Ðó là khi đánh răng xong anh để bàn chải, và kem đáng răng ở ngay đó, bên cạnh vòi nước, nhất là hộp kem đánh răng thì thay vì bóp từ dưới lên trên, và cứ hết đến đâu cuộn lên đến đó theo cách chị vẫn làm, thì anh bóp ngay kề trên miệng hộp kem đánh răng. Mới lấy nhau thì chị "don't care" không quan tâm, và không lấy làm phiền hà gì mấy. Nhưng cứ hết ngày này qua tháng khác, mỗi lần anh đánh răng xong chị lại phải dọn dẹp: phải cất ngay ngắn tươm tất vào trong hộc tủ và clean up lại cho sạch sẽ thì chị thấy đây quả là một thói xấu kinh tởm không thể nào chịu đựng được. Tuy nhiên, anh cũng phát bực nghĩ rằng đồ người ta để đâu thì hãy cứ để đó, sao lại cứ đem cất đi để mỗi lần muốn sử dụng thì lại phải mở tủ, moi móc ra từ những góc kẹt nào đó trong hộc tủ. Sao mà mất công mất thì giờ thế! Thật là phiền toái, bực cả mình!

Nhìn theo khía cạnh của chị, sử dụng xong mà không dọn dẹp, cất đâu vào đó cho ngăn nắp là một tật xấu, nhưng nhìn theo khía cạnh của anh thì cứ làm sao nhanh chóng và thuận tiện thì tốt: Dùng xong để đó, khi muốn dùng lại có ngay đó, không phải mất thì giờ lục lọi tìm kiếm. Lý do sự khác biệt này, vì từ còn bé anh chị đã hấp thụ giáo dục của hai gia đình khác nhau, hai lối sống khác nhau. Một gia đình thì luôn luôn phải ngăn nắp, gọn gàng, còn một gia đình thì cần nhanh chóng và thuận tiện không quá mất thì giờ với những chuyện lặt vặt. Ðó là hai chủ trương và lối sống khác biệt, và đều có giá trị đáng tôn trọng.

 

Vậy làm sao để giải quyết được và cả hai cùng tôn trọng lẫn nhau?

1. Mở lòng, lắng nghe và tìm hiểu những khác biệt đó để dễ dàng cảm thông.

2. Tôn trọng sự khác biệt của nhau, đừng bắt người khác phải thay đổi theo cách mình muốn và làm theo điều mình chọn.

3. Cần cầu nguyện, cần tìm đến Chúa như một Thông Dịch Viên giúp hiểu và giải hoà khác biệt giữa 2 người. Chúa là Ðấng dựng nên ta, Người biết ta hơn ta biết chính mình.

4. Cần bình tâm, lắng đọng tâm hồn để học tập theo gương Chúa Kitô, để hiểu tình yêu là gì và thực tập yêu thương như Chúa.

 

Xin hãy nhớ rằng không phải chỉ có sự khác biệt giữa nam và nữ, nhưng còn là chính chúng ta cũng khác biệt trong quan hệ giữa mình đối với Chúa. Chính Ngài đã nói: "Ta từ trên mà xuống và nói ngôn ngữ của bên trên, các ngươi từ đất mà ra và nói ngôn ngữ ở dưới đất." (Phúc Âm Gioan 3:11-13). Tuy nhiên, mặc dù không có good communication với con người và Ngài thường bị misunderstood, Chúa Giêsu vẫn khẳng định, "không tình yêu nào quí hơn tình yêu của kẻ thí mạng sống vì bạn mình," (Gio. 15:13). Và Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, cầm lấy bánh bẻ ra: "Hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Ta;" rồi cầm lấy chén đưa cho họ: "hãy cầm lấy mà uống, này là Máu Ta." (Mt. 26:26-17). Chúa Kitô trao ban bản thân và cuộc đời Ngài cho các môn đệ và qua họ, cho mỗi người chúng ta, cho vợ, cho chồng để anh chị cũng biết làm như Ngài dậy, "Như Thày đã làm cho các con thế nào, các con cũng hãy làm cho nhau như vậy." (Gio.13:15). Anh chị hãy biết cho nhau chính mình, rửa chân cho nhau, phục vụ lẫn nhau như Chúa đã trao ban chính mình và hiến thân phục vụ anh chị trong tình yêu Ngài trao ban và liên kết anh chị, cũng như trong Mình và Máu của Ngài qua mỗi Thánh Lễ để liên kết anh chị nên một trong Ngài và đồng thời liên kết anh chị nên một với nhau trong Ngài. Anh chị là vợ là chồng, là người đã được liên kết với mình nên một trong bí tích Hôn Nhân và trong một Tấm Bánh, là Thân Thể Ðức Kitô. Anh chị cũng cần bẻ tấm bánh chính bản thân mình, bẻ tấm bánh cuộc sống của mình với những vui buồn sướng khổ mà trao cho nhau. Ðây chính là điều Ðức Giêsu, Chúa chúng ta hằng nhắc nhở anh chị mỗi khi Ngài cử hành nghi lễ tạ ơn qua tay vị linh mục trên bàn thờ.

Và xin nhớ một điểm hết sức quan trọng là: mỗi người khi cầu nguyện, hãy xin Chúa biến đổi chính mình, để mình biết lắng nghe, tìm hiểu và đón nhận người khác như người ấy là, chứ không xin Chúa biến đổi người ấy theo ý muốn của mình. Nhiều người, mỗi khi đi tĩnh tâm hay cầu nguyện là luôn luôn xin cho nhà con được thay đổi, để "ổng" hay "bả" bớt tính hư tật xấu, chứ còn mình thì: "I am fine!" (con đâu cần phải thay đổi gì, cứ vậy là tốt rồi." Nhiều người cứ cầu xin để thấy sự thay đổi của người kia, để rồi kết quả không thấy có sự thay đổi như mình muốn thì chán Chúa quá! Người ấy nghĩ rằng Chúa chẳng thương con gì cả, Chúa không chịu nghe lời con xin! Nên thôi bỏ Chúa luôn, không thèm đi lễ đi thờ, đọc kinh cầu nguyện nữa, nghĩ rằng những việc ấy vô ích, mất thì giờ. Chúng ta không hiểu rằng: hạnh phúc không phải là thay đổi được người khác, nhưng là thay đổi chính mình. Thay đổi cái nhận thức thế nào là hạnh phúc của mình. Hạnh phúc chính là sống với Chúa. Nhờ Ngài và trong Ngài, chúng ta nên khí cụ Chúa dùng để ban bình an và tình thương cho người khác. Chúa lại hay thường dùng sự chịu khó nhẫn nại, và hy sinh của mình để làm việc này. Vậy chúng ta hãy, "xin Chúa hãy biến đổi con và dùng con làm khí cụ bình an và tình thương của Chúa!" Ðó là lời kinh nguyện chúng ta cần phải luôn khắc ghi trong tim trong cuộc sống hằng ngày.

 

Vậy để cùng nhau tìm lại được cái hay ban đầu hầu canh tân gia đình, xin quý anh chị nắm lấy tay nhau và cùng nhìn lên Chúa. Kêu xin Ngài giúp cho mình biết tiếp tục chấp nhận và tôn trọng những khác biệt của nhau, và xin Chúa hãy làm cho mình trở nên khí cụ của Chúa, để đem bình an và tình thương đến cho người Chúa đã kết hợp nên một với mình, trong cuộc sống gia đình:

 

"Lạy Chúa, với những hy sinh và cố gắng của con, xin Chúa hãy dùng con như khí cụ bình an và tình thương của Chúa, và ban cho chúng con con ơn tha thứ, sự hoà giải và tình thương của Chúa: một tình thương tha thiết chân thật để chúng con biết tự hiến chính mình như Chúa đã và đang ban cho chúng con vậy, Amen."

 

Lm Giuse Hoàng Tiến Ðoàn, S.J.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page