Tính Luân Lý Của Việc Tạo Sinh

Phó Tế Nguyễn Văn Tâm, DCCT

 

Prepare for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 


 

Chương IV (Tiếp Theo)

II. Ðịnh Hướng Mục Vụ (Tiếp Theo)

 

3. Ðối Với Các Vợ Chồng Ki-tô Hữu:

Các vợ chồng phải hiểu rằng một việc tạo sinh thực sự có trách nhiệm đối với những đứa trẻ sinh ra phải là hoa trái của hôn nhân. Trong việc tạo sinh một con người mới, các vợ chồng đừng quên rằng chính họ là những người cộng tác với quyền năng của Ðấng Tạo Hóa. Do đó, sự sống mới được sinh ra phải hiểu vừa là tặng phẩm của Thiên Chúa, vừa là hoa trái và dấu chỉ của việc vợ chồng tự hiến cho nhau của tình yêu và lòng trung thành của họ. Do đó, các vợ chồng Ki-tô hữu cần tuân thủ những Giáo Huấn của Giáo Hội về hôn nhân, với một số điểm cụ thể sau đây:

- Sự tôn trọng tính duy nhất của hôn nhân và lòng trung thành giữa vợ chồng đòi hỏi đứa con phải được thụ thai trong hôn nhân. Do đó, vợ chồng không thể tự ý chọn lựa bất cứ phương pháp tạo sinh nhân tạo nào ngoài hình thức tạo sinh tự nhiên được Thiên Chúa thiết định cho đời sống vợ chồng.

- Không thể chấp nhận sự thụ tinh nhân tạo dị hợp (khác nguồn) (AID), bởi vì, tiến trình này nghịch lại với tính duy nhất của hôn nhân, với phẩm giá của vợ chồng, với ơn gọi đặc thù của cha mẹ và với quyền của đứa trẻ được thụ thai và sinh ra trong hôn nhân và do hôn nhân.

- Không thể chấp nhận việc thụ tinh nhân tạo đồng hợp (cùng nguồn) (AIH), bởi vì, tiến trình thụ tinh này cũng diễn ra ngoài cơ thể vợ chồng, nghĩa là việc này không phải là kết quả của việc vợ chồng kết hợp với nhau qua hành vi giao hợp, là hành vi đặc thù của sự kết hợp vợ chồng; do đó, việc (AIH) này cũng nghịch lại ý Thiên Chúa đã muốn liên kết hai ý nghĩa của việc vợ chồng là "kết hợp và tạo sinh", bằng mối dây không thể tháo gỡ và con người không thể tự ý phá bỏ.

- Không chấp nhận việc nhờ đến giao tử của người thức ba để có được tinh dịch hay noãn cầu, vì đó là một sự vi phạm tới sự cam kết hỗ tương giữa vợ chồng và là một sự thiếu sót trầm trọng đối với tính duy nhất là đặc tính thiết yếu của hôn nhân.

- Không chấp nhận việc "làm mẹ thay" (mang thai hộ), vì việc đó trái nghịch với tính duy nhất của hôn nhân và với phẩm giá của việc tạo sinh con người, xúc phạm tới phẩm giá của đứa con và quyền của nó được thai nghén, cưu mang, sinh ra và giáo dục bởi chính cha mẹ nó, gây thiệt hại cho gia đình khi chia cắt các yếu tố thể xác, tâm linh và đạo đức, là những yếu tố cấu tạo thành gia đình.

- Không thể chấp nhận việc vợ chồng tạo sinh nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Ý hướng của vợ chồng muốn có một đứa con không đủ để cho việc thụ tinh trong ống nghiệm giữa vợ chồng được đánh giá tích cực về mặt đạo đức. Mặt khác, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm rồi chuyển phôi vào tử cung của người mẹ (FIVETE) là hình thức thụ thai ngoài thân xác vợ chồng, nhờ động tác kỹ thuật của những người thứ ba là các bác sĩ cùng những nhà sinh học. Những người này chủ trì thực hiện tiến trình thụ thai chứ không phải chính vợ chồng và những người này quyết định sự sống và chân tính của phôi thai.

Do đó, việc thụ tinh trong ống nghiệm tự nó trái nghịch Luân Lý và đi ngược lại phẩm giá của việc tạo sinh và của sự kết hợp vợ chồng, ngay cả khi người ta làm mọi cách để tránh việc sát hại các phôi thai người.

Phương pháp thụ tinh cùng nguồn (đồng hợp) cũng như thụ tinh trong ống nghiệm còn bị phê phán, vì chúng gây ra việc hủy hoại phôi thai, chọn lựa giống phôi thai và phải dùng đến việc thủ dâm để lấy tinh dịch, đều là kỹ thuật trái Luân Lý - đạo đức.

- Không chấp nhận việc vợ chồng thực hiện việc truyền tinh bằng những kỹ thuật nhân tạo thay thế việc giao hợp của hai vợ chồng, vì chúng có sự cố ý tách biệt hai ý nghĩa của việc vợ chồng là "kết hợp và tạo sinh". Tuy nhiên, lương tâm "không nhất thiết cấm đoán việc sử dụng một số phương tiện nhân tạo (như dùng ống tiêm hay cái muỗng đưa tinh dịch vào cửa mình của người phụ nữ), chỉ nhằm giúp cho hành vi tự nhiên dễ dàng hơn hoặc giúp cho hành vi tự nhiên thực hiện bình thường và đạt được cứu cánh của nó".

 

4. Ðối Với Các Nhà Nghiên Cứu Y - Sinh Học:

Giáo Hội Công giáo đánh giá cao và khuyến khích các nghiên cứu y -sinh khi chúng nhằm chữa trị và phòng ngừa bệnh tật, làm giảm đau khổ và mưu tìm an sinh cho con người. Giáo Hội biết rằng "nghiên cứu khoa học không bao giờ mâu thuẫn với Ðức Tin, miễn là nó được thực hiện một cách khoa học và tôn trọng Luân Lý".

Trong khi thực hiện việc nghiên cứu, các bác sĩ cũng như các nhà sinh học cần phải tôn trọng với một thái độ cao nhất đối với sự sống con người, ngay từ lúc thụ thai cho đến khi chết. Thế nên, các nhà nghiên cứu y - sinh học cần tuân thủ những nguyên tắc và một số khía cạnh liên quan đến sinh đạo đức như sau:

- Ðiều gì có thể làm được xét về mặt kỹ thuật, thì không vì thế mà có thể được chấp nhận về mặt đạo đức.

- Từ nguyên tắc trên, mọi khám phá, can thiệp, nghiên cứu thí nghiệm không tôn trọng sự sống con người, kể cả sự sống trong giai đoạn phôi thai và không trực tiếp nhằm chữa bệnh, đều không thể chấp nhận được xét về mặt đạo đức - Luân Lý.

- Không được phép can thiệp trên các phôi thai đang sống, nếu không bảo đảm chắc chắn cho sự sống và sự toàn vẹn của chúng và nếu không được cha mẹ của chúng chấp nhận.

- Không được phép sử dụng xác phôi thai hay bào thai vào việc nghiên cứu thí nghiệm khi chưa chứng minh là chúng đã chết và khi không có sự ưng thuận của cha mẹ chúng.

- Phải tôn trọng và đối xử với con người như một nhân vị ngay từ lúc thụ thai, phải nhìn nhận sự sống của con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm trong mọi khoảnh khắc của sự hiện hữu của nó, cả trong khoảnh khắc khởi đầu có trước sự sinh ra.

- Phải loại bỏ mọi hình thức công nghệ thụ tinh nhân tạo đang tiếp tay sản sinh phôi thai để khai thác chúng như "vật tư sinh học" cho người ta sử dụng vào việc nghiên cứu, thí nghiệm, viện cớ để lấy tế bào gốc nhằm chữa trị bệnh tật cho người khác. Phải tuân thủ nguyên tắc là "không ai được giết chết người này để cứu chữa người khác".

- Chỉ có thể đưa ra thử các loại thuốc và các phương pháp chữa trị chưa chắc chắn hoàn toàn, nhằm lợi ích của chính phôi thai như một cố gắng cuối cùng để cứu mạng sống của nó, và vì không còn một phương cách chữa trị nào khác có giá trị nữa.

- Khoa học tự nó hướng về những hình thức chữa bệnh khác mà không dùng phương pháp tạo sinh dòng vô tính hoặc sử dụng phôi thai đông lạnh, hoặc phôi thai có được trong ống nghiệm để lấy tế bào gốc, nhưng phải theo hướng nghiên cứu bằng cách sử dụng những tế bào lấy từ người lớn.

Tóm lại, không một cứu cánh nào, ngay cả tự nó cao thượng như mưu cầu lợi ích của khoa học, của tha nhân hay của xã hội, có thể biện minh được cho việc thí nghiệm trên phôi thai đang sống, dù chúng có khả năng tiếp tục sống hay không, bên trong hay bên ngoài lòng mẹ. Cũng vậy, không vì bất cứ một lý do nào, dù là ý của vợ chồng muốn có con cái, có thể biện minh được cho các phương pháp tạo sinh nhân tạo thay thế cho hình thức tạo sinh tự nhiên đã được thiết định cho hai vợ chồng. Ðức Pi-ô 12 đã khẳng định rằng: "Không một ai, không một quyền lực nào, không khoa học nào, không có chỉ thị y học nào, ưu sinh học, xã hội học, kinh tế học hay Luân Lý học nào, có thể đề cử hay ban cho ai một quyền quyết định trên sự sống của con người vô tội, có nghĩa là thanh toán nó với ý đồ tiêu diệt nó hay như một cách để đạt đến mục tiêu xem như hợp pháp".

 

5. Ðối Với Cộng Ðoàn Ki-tô Hữu Nói Chung:

Nhiệm vụ bênh vực và thăng tiến sự sống con người không là độc quyền của riêng ai, nhưng đúng hơn là bổn phận và trách nhiệm của mọi người. Mọi người đều được mời gọi phục vụ Tin Mừng về sự sống.

Do đó, thay vì lo lắng hoang mang trước những đe dọa bởi khoa học kỹ thuật, cách riêng bởi những khám phá mới của ngành sinh - y học, các Ki-tô hữu được mời gọi can đảm dấn thân, cùng với Giáo Hội, qua hình thức này hay hình thức khác, đồng tâm nhất trí với nhau, bảo vệ tính bất khả xâm phạm của sự sống con người, từ chối mọi hình thức tạo sinh nhân tạo xâm phạm đến quyền tạo sinh tự nhiên của hôn nhân gia đình, và xúc phạm quyền của đứa trẻ. Thật vậy, "chỉ có sự hiệp lực nhịp nhàng của tất cả những ai tin vào giá trị của sự sống mới có thể tránh được một thất bại của nền văn minh, với những hậu quả không thể lường trước được".

Các Ki-tô hữu nam cũng như nữ, phải tích cực bảo vệ và nâng đỡ các gia đình, bởi vì, gia đình thật là "cung thánh" của sự sống, nơi mà sự sống, hồng ân Thiên Chúa ban, có thể đón nhận cách xứng hợp và bảo hộ chống lại nhiều sự tấn công mà nó thường phải hứng chịu; nơi mà sự sống có thể phát triển theo những nhu cầu tăng trưởng chính thức của con người.

Sau nữa, cộng đoàn tín hữu cũng được mời gọi soi sáng và nâng đỡ nỗi đau khổ của những người không thể thực hiện được niềm ao ước chính đáng làm cha làm mẹ. Cộng đoàn tín hữu hãy chia sẻ, cảm thông với các vợ chồng hiếm muộn, hầu giúp họ vượt qua những cám dỗ hoặc là ly dị nhau, hoặc là tìm kiếm một đứa con bằng mọi giá qua các phương pháp tạo sinh nhân tạo. Hãy mời gọi họ tham gia vào các hoạt động tông đồ, nhất là dùng chính hoàn cảnh gia đình của họ mà làm chứng cho các gia đình khác rằng, ngay cả khi không thể có con cái do hiếm muộn, đời sống vợ chồng không vì thế mà mất hết giá trị của nó, nhưng vẫn sống hạnh phúc, thủy chung.

 

Kết Luận

Với sự phát triển tân kỳ của khoa học kỹ thuật, cách riêng đối với ngành sinh - y học, người ta đang phổ biến và áp dụng những công nghệ sinh học can thiệp vào tiến trình tạo sinh con người. Bằng các phương pháp kỹ thuật tạo sinh nhân tạo như: thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm, tạo sinh dòng vô tính,... con người thời nay thực sự đã chứng tỏ cho thấy một sự tiến bộ vượt bậc trong nghành sinh - y học.

Tuy nhiên, việc phổ biến và áp dụng những phương pháp kỹ thuật tạo sinh nhân tạo trên đây vào trong tiến trình sinh sản của con người lại làm nảy sinh ra nhiều vấn đề Ðạo Ðức - Luân Lý rất nghiêm trọng. Bởi vì, các phương pháp ấy liên can tới sự tôn trọng cần phải dành cho con người ngay từ lúc thụ thai, cho phẩm giá của hôn nhân gia đình và của việc tạo sinh.

Tuy rằng, trong thực tế có rất nhiều nguyên nhân hay lý do khiến cho con người, nhất là đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn, đã đi đến quyết định chọn lựa các phương pháp tạo sinh nhân tạo. Giáo Hội, với tư cách là Mẹ, rất cảm thông với những nỗi khổ tâm của các con cái, nhất là những hoàn cảnh của các cặp vợ chồng phải sống trong tình trạng không thể có con cái.

Tuy nhiên, Giáo Hội không thể vì những lý do phúc lợi cho cá nhân, gia đình hay xã hội, dù tự chúng có cứu cánh là tốt, mà có thể đồng hoá chúng với những phương tiện tạo sinh tự chúng trái với phẩm giá con người cũng như nghịch lại Luân Lý - Ðạo Ðức. Tất cả những giá trị mang tính bất khả xâm phạm tuyệt đối của sự sống con người vô tội, vốn là một sự thật Luân Lý được chỉ dạy rành mạch trong Kinh Thánh, được luôn luôn duy trì trong Giáo Hội và vẫn luôn được Quyền Giáo huấn của Giáo Hội giảng dạy.

Thật vậy, Kinh thánh đã mặc khải tỏ tường rằng Thiên Chúa đã sáng tạo con người có nam, có nữ, theo hình ảnh của Ngài; kết hợp họ khăng khít với nhau thành một xương một thịt và truyền cho họ hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất (x. St 1, 27 - 28; 2, 22 - 24).

Như thế, ngay từ đầu, Kinh Thánh đã cho ta thấy Thiên Chúa đã muốn thiết lập một gia đình để nơi đó, người nam và người nữ sống kết hợp nên một với nhau trong tình yêu và truyền sinh sự sống mới. Hơn nữa, vào thời Tân Ước, chính Ðức Giê-su đã nâng cuộc hôn nhân tự nhiên đó lên hàng Bí Tích, gọi là Bí Tích Hôn nhân. Từ đây, hai vợ chồng kết ước sống tình yêu hỗ tương dành cho nhau tựa như tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Ngài, cũng như tình yêu giữa Chúa Ki-tô đối với Hội Thánh: Một tình yêu thật phong nhiêu, sáng tạo và phát sinh sự sống.

Quả nhiên, Kinh Thánh cũng như Bí Tích Hôn Nhân đều cho thấy rằng hôn nhân là sự hiệp nhất tình yêu trong vịêc phục vụ sự sống. Sự hiện hữu của sự sống mới là một tặng phẩm của Thiên Chúa và là hoa trái được phát sinh do bởi tình yêu hôn nhân.

Do đó, trong việc tạo sinh thực sự có trách nhiệm đối với đứa con, hai vợ chồng, trước hết phải tôn trọng tiến trình tạo sinh theo luật thiết định đã được Thiên Chúa ghi khắc nơi bản tính người nam và người nữ; thứ đến là phải tôn trọng quyền của đứa con phải được truyền sinh, thai nghén, cưu mang và sinh dưỡng do bởi chính cha mẹ duy nhất của nó; và sau nữa là phải ý thức chính mình là những cộng tác viên của Ðấng Tạo Hoá, để tạo sinh đứa con thật sự là hồng ân của Thiên Chúa, và cũng là hoa trái và dấu chỉ của vợ chồng tự hiến cho nhau, của tình yêu và lòng trung thành của họ.

Chính tình yêu hỗ tương giữa họ tạo nên một mái ấm gia đình mà nơi đó, đứa con được bảo đảm có cha mẹ chính thức và trọn vẹn, được xác nhận chân tính của nó, được giáo dục và phát triển đời sống tự nhiên và siêu nhiên của nó một cách trọn vẹn.

Như vậy, chỉ trong Hôn Nhân Gia Ðình, do bởi Thiên Chúa thiết định, bao gồm mục đích kết hợp với nhau trong tình yêu và truyền sinh sự sống, mới bảo đảm cho một cuộc tạo sinh sự sống mới. Do đó, mọi phương pháp tạo sinh nhân tạo xâm phạm đến phẩm giá hôn nhân, trái nghịch với đạo đức - Luân Lý, đều phải bị lên án và loại bỏ. Truyền thống và Giáo Huấn của Giáo Hội luôn nhìn nhận hôn nhân, với tính duy nhất bất khả phân ly, là nơi duy nhất xứng đáng cho một sự tạo sinh thực sự có trách nhiệm. Thật thế, hôn nhân gia đình là khung cảnh tốt nhất để cho đứa con được sinh ra và được giáo dục. Gia đình thật sự là "cung thánh của sự sống, nơi mà sự sống, hồng ân Thiên Chúa ban, có thể được đón nhận cách xứng hợp và bảo hộ chống lại nhiều sự tấn công mà nó phải thường hứng chịu; nơi mà sự sống có thể phát triển theo những nhu cầu tăng trưởng chính thức của con người". Vì thế, vai trò của gia đình có tính quyết định và không thể thay thế, để tạo sinh một sự sống mới cách trọn vẹn theo ý định của Thiên Chúa.

Thiết tưởng rằng tất cả mọi người, không loại trừ một ai, đều được mời gọi hướng nhìn lên Ðức Giê-su, Con Thiên Chúa, đã trở nên "Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta" (x. Is 9, 5), để chiêm ngắm nơi Ngài, vốn dĩ là Thiên Chúa (x. Pl 2, 6 - 11) nhưng đã chấp nhận chọn lựa hình thức đầu thai vào cung lòng người Trinh Nữ Ma-ri-a, để được cưu mang và sinh hạ làm người. Chính Mầu Nhiệm Ðầu Thai và Giáng Sinh này đã nói lên tất cả ý nghĩa thiết yếu của hôn nhân gia đình và của việc tạo sinh.

Ðồng thời, khi chiêm ngắm Mầu Nhiệm Giáng Sinh này, mỗi thành phần trong xã hội, là những nhà nghiên cứu khoa học, là những nhà chuyên môn y khoa, là những nhà cầm quyền đất nước, là những người làm cha làm mẹ, là những đôi vợ chồng, là các gia đình, là các Ki-tô hữu,... đều được mời gọi hãy tôn trọng sự thật mà hành động trong khuôn khổ trách nhiệm của mình và can đảm từ chối những thí nghiệm, những nghiên cứu và những áp dụng phương pháp tạo sinh nhân tạo nghịch lại những giá trị Luân Lý đạo đức cũng như chối bỏ phẩm giá bất khả xâm phạm của con người.

Ðể xây dựng một nền văn minh mới cho con người, một nền văn minh của "sự sống và tình thương" thay cho "văn minh của sự chết", tất cả chúng ta hãy cùng "một lòng can đảm đi vào một cung cách sống mới, lấy bậc thang giá trị đúng đắn làm nền tảng cho các lựa chọn cụ thể ở những tầm mức cá nhân, gia đình, xã hội và quốc tế: sự trỗi vượt của hữu thể trên sở hữu, của ngôi vị trên các sự vật".

Bởi đó, khi đối diện với sự sống con người, một hồng ân thánh thiêng và bất khả xâm phạm, không một người nào tự cho mình là chủ tuyệt đối và là trọng tài không thể tranh cãi, nhưng con người là thừa tác viên của dự định do Ðấng Tạo Hoá thiết lập; cũng không một lợi ích nào dù cá nhân, gia đình hay xã hội, dù tự nó có cứu cánh là tốt, có thể biện minh được cho những phương tiện hành động xúc phạm đến sự sống con người. Thiên Chúa đã ban cho con người khả năng làm chủ vạn vật là để phục vụ sự sống con người. Ngài cũng trao phó cho con người sự sống như một kho báu không được phung phí, như một nén bạc phải làm cho sinh lợi, con người phải trả lẽ về điều ấy với Chúa của mình (x. Mt 25, 14 - 30; Lc 19, 12 - 27).

 

Các Nguồn Tài Liệu Tham Khảo:

I. Các tác phẩm:

1. Bernard Haring, Bình An Cho Các Con. Nguyên tác: Shalom Peace. Nxb: Parrar, Straus và Giroux, 1971.

2. Bernard Haring, Free and faithfull in Christ. Vol. III. Nxb: St. Paul, England,1981.

3. Charles E. Curran, Moral Theology: Challenges For The Future. Nxb: St. Paul, New York, 1990.

4. Ðaniel Ange, Thân Xác Bạn Là Biểu Hiện Sự Sống. Nguyên tác: Ton Corps fait pour la vie. Nxb: La Sarment Fayard, 1989.

5. Florentino T. Timbreza, Bioethics and Moral Decisions. Nxb: De La Salle University Press, Manila, Philippines, 1993 ( Second Printing 1994 ).

6. Gregory C. Higgins, Where do you stand? Nxb: St Pauls, 1997.

7. Hướng dẫn Mục Vụ (Luân Lý - Giáo Luật - Phụng Vụ), tập 2: Các nhân đức. Ðại Chủng Viện Thánh Giu-se, Hà Nội.

8. Hướng dẫn Mục Vụ (Luân Lý - Giáo Luật - Phụng Vụ), tập 3: Bí Tích Hôn phối. Ðại Chủng Viện Thánh Giu-se, Hà Nội.

9. Jean-Maria Aubert, Luận Lý Chuyên Biệt. Nguyên tác: Abrégé de la Morale Catholique. Desciée, Paris. 1987.

10. Jean Mouroux, Quan niệm Ki-tô Giáo về con người. Nguyên tác: Sens Chrétien de L' Homme. Bản dịch: Trần Thái Ðỉnh và Nguyễn Bình Tĩnh. Ðại Chủng Viện Huế, 1997.

11. Karl H. Peschke, Thần Học Luân Lý Chuyên Biệt. Nguyên tác: Christian Ethics. Vol II: Special Moral Theology. Nxb: C. Goodliffe Neale, Alcester. In lần thứ 5, 1996.

12. Karl H. Peschke, Thần Học Luân Lý Chuyên Biệt. Nguyên tác: Christian Ethics. Vol III: Special Moral Theology. Nxb: C. Goodliffe Neale, Alcester. In lần thứ 5, 1996.

13. Mgr. André-Mutien Léonard, Chất vấn Luân Lý. Nguyên tác: La Morale en Questions. Nxb: L'Emmanuel, Paris, 1994.

14. Mark, C.M.C., Luân Lý Thần Học. Nxb: (không rõ), 1995.

15. Joseph A. Komonchak, Mary Collins, Dermot A. Lane, The New dictionary of Theology, Nxb: Michael Glazier, Delaware, 1987.

16. Th. Rey-Mermet, C.Ss.R, Tin, (Quyển I, tập 2): Nhãn quan mới về Luân Lý.

17. Thomas C. Fox, Sexuality and Catholicsm. Nxb: George Braziller, New York, 1995.

18. Vincent J. Genovesi, S.J., In Pursuit of Love (Catholic Morality and Human Sexuality). Nxb: Michael Glazier, Wilmington, Delaware, 1987.

19. William E. May, Catholic Bioethics and the Gift of Human Life. Nxb: Our Sunday Visitor Publishing Division, Our Sunday Visitor, Inc. Huntington, 2000.

II. Những tài liệu khác:

- Thánh Công Ðồng Chung Vatican 2.

- Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo.

- Bộ Giáo Luật 1983.

- Nguyễn Thế Thuấn, Kinh Thánh Cựu - Tân Ước.

- Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Nxb: Tp. HCM, 1998.

- Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin, Tuyên Ngôn Về Việc Cố Ý Phá Thai. Công bố ngày 18.11.1974.

- Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin, Huấn Thị Donum Vitae. Công bố ngày 22.2.1987. Bản Việt ngữ.

- Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II, Thông Ðiệp Ánh Rạng Ngời Chân Lý. Công bố ngày 05/10/1993.

- Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II, Thông Ðiệp Tin Mừng về Sự Sống. Công bố ngày 30/03/1995.

- Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn Về Gia Ðình. Công bố ngày 22.11.1981.

- Hội Ðồng Giáo Hoàng Ðặc Trách Gia Ðình, Chân lý và ý nghĩa của giới tính con người, và Ðức Phao-lô 6, Thông Ðiệp Sự Sống Con Người.

- Giáo Hội và Sự Sống. Tổng Giáo Phận Sài-gòn (Tư liệu tuần tĩnh tâm Linh Mục). 1997.

- R.Veritas, Những vấn đề lớn của Ki-tô hữu trong thế giới ngày nay.

- Viet-Catholic, Những thách đố của Giáo Hội Công Giáo.

- Những bài viết về các vấn đề sinh học (về mầm phôi - thai, về tế bào gốc, về sự sống con người, về Cloning,...) bằng Việt, Anh, Pháp ngữ do Lm. P. Trần Mạnh Hùng, DCCT, gửi về từ Rô-ma.

- Ðặc biệt là Tạp chí: "MA CHANCE D' EXISTER ET DE VIVRE LE DON MERVEILLEUX DE LA VIE", Printed in France - Réalisation IMP. Dépôt légal N0 342 - 2e Trimestre 1985.

III. Và một số tạp chí, báo và tài liệu lấy từ Internet...

 

Phó Tế Nguyễn Văn Tâm, DCCT

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 92 năm 2002)

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page