Tính Luân Lý Của Việc Tạo Sinh

Phó Tế Nguyễn Văn Tâm, DCCT

 

Prepare for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 


 

Chương IV (tiếp theo)

II. Ðịnh Hướng Mục Vụ

 

Khi nghiên cứu về vấn đề tạo sinh con người, chúng ta không chỉ đơn thuần tìm hiểu những khám phá mới trong nghành sinh-y học về các phương pháp kỹ thuật tạo sinh; cũng không chỉ để hiểu biết những quan điểm thần học, những nguyên tắc luân lý hợp pháp hay không hợp pháp... Nhưng, chúng ta được mời gọi cấp bách, cùng với Giáo Hội, đứng về phía sự sống con người, để bảo vệ các giá trị thánh thiêng của sự sống và quyền của nhân vị trong các kỹ thuật can thiệp vào những giai đoạn đầu của việc tạo sinh con người.

Chúng ta không thể làm ngơ một cách vô trách nhiệm trước những can thiệp phi luân lý - đạo đức của những khoa học kỹ thuật, cách riêng là nghành sinh - y học, đang tấn công thẳng vào quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa, đang xâm phạm đến trật tự tạo sinh tự nhiên của hôn nhân và xúc phạm đến quyền bất khả xâm phạm của sự sống con người ngay từ lúc thụ tinh. Nhiệm vụ quan trọng và cấp bách này không dành riêng cho một người nào và cũng không miễn trừ cho bất cứ một ai cả.

Vì vậy, tất cả mọi thành phần trong cũng như ngoài Giáo Hội, đều được mời gọi ý thức trách nhiệm của mình, can đảm thực thi luật đức ái, xây dựng một xã hội công bình, bảo vệ sự sống và tôn trọng nhân vị con người, theo nguyên tắc chống lại những gì phản nghịch luân lý và phi nhân đạo.

 

1. Ðối Với Các Nhà Cầm Quyền

Các quyền lợi của gia đình, của hôn nhân và quyền bất khả xâm phạm của sự sống con người, là những yếu tố nền tảng cấu thành một xã hội thực sự dân chủ và công bình. Thế nên, trước những hành động liên quan đến vấn đề tạo sinh, những nghiên cứu của nghành sinh - y học xem ra có vẻ như phục vụ xã hội con người, nhưng thực tế lại đang ngấm ngầm tấn công vào nền tảng xã hội, làm đảo lộn đời sống hôn nhân gia đình là tế bào của xã hội, đòi hỏi các nhà cầm quyền phải can thiệp và kiểm soát các kỹ thuật đó để có thể chấn hưng những hậu quả nguy hiểm khôn lường cho xã hội.

Bởi vì, trông chờ vào lương tâm của mỗi người và sự tự kiềm chế của các nhà nghiên cứu sinh - y học sẽ không đủ để bảo đảm rằng quyền lợi của các cá nhân và trật tự xã hội sẽ được tôn trọng. Trách nhiệm và bổn phận của các nhà cầm quyền là phải nhìn nhận và tôn trọng những quyền bất khả nhượng của con người. Thật vậy, "Nhà nước phải nhìn nhận rằng bổn phận hàng đầu của mình là bảo vệ những quyền căn bản của nhân vị, đặc biệt là những quyền của những kẻ yếu nhất".

Sự đòi hỏi này đối với các chính quyền Nhà nước cũng phù hợp với những điều luật đã được các tổ chức Liên Hiệp Quốc thừa nhận và tuyên bố. Trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền, điều 3 có ghi: "Mọi cá nhân đều có quyền sống". Cũng vậy, Công Ước Quốc Tế về Luật Dân Sự và Chính Trị có quy định: "Quyền sống gắn liền với nhân vị con người. Quyền ấy phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước quyền sống một cách độc đoán".

Còn Hiến Chương Quyền của trẻ em được Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc nhất trí biểu quyết ngày 20.11.1959, điều 6 tuyên bố: "Trẻ em, vì chưa trưởng thành về thể chất và trí tuệ, cho nên, cần được đặc biệt bảo vệ, nhất là về mặt pháp lý, trước cũng như sau chào đời".

Vì những lẽ đó, các nhà lãnh đạo chính quyền cần cấp bách thực thi các phận vụ của mình một cách nghiêm minh và theo lương tâm ngay thẳng. Cụ thể, các chính quyền Nhà Nước cần:

- Công nhận quyền hạn pháp lý tự nhiên của sự sống con người, ngay từ buổi ban sơ và cũng bảo vệ quyền hạn không thể thay đổi được mà hàng vạn phôi thai đông lạnh có được từ lúc thụ thai, tôn trọng và thừa nhận những quyền bất khả xâm phạm của mỗi cá nhân cần được bảo vệ từ chính nguồn gốc của nó, vì giá trị của nền dân chủ.

- Bảo đảm công ích của mọi người, cổ võ cho công bình và đạo đức xã hội.

- Không nhân nhượng đối với những hành động phi nhân đạo, trái nghịch luân lý - đạo đức của các tổ chức hay các cá nhân tự do nhân danh các khám phá sinh học và những tiến trình gọi là "cải thiện hoá" rút từ những khám phá đó ra.

- Chống lại xu hướng độc tài của các cá nhân và những kẻ nhân danh quyền bính để bao che cho những việc vô nhân đạo của họ.

- Không bảo trợ cho các kỹ thuật tạo sinh nhân tạo, khi các kỹ thuật đó, vì lợi ích của những người thứ ba (như thầy thuốc, nhà sinh học, các quyền lực kinh tế - thương mại hay chính trị...) loại bỏ cái gì là quyền cố hữu của quan hệ vợ chồng; thế nên, không được hợp thức hoá cho việc giao tử giữa những người không kết hôn với nhau cách hợp pháp.

- Chống lại những phương thức tạo sinh nhân tạo bất tương xứng với nhân vị con người được sinh ra và gây cho chúng những nguy cơ nghiêm trọng.

- Nghiêm cấm những phương thức sản xuất ra hàng loạt phôi thai người để thí nghiệm và do đó, cũng phải nghiêm cấm các ngân hàng đông lạnh phôi thai và việc mang thai hộ.

- Nghiêm cấm các nhà sinh học dùng những "con người", dù mới ở giai đoạn phôi thai, như "vật tư sinh học" để cắt xén hay loại bỏ, viện cớ chúng vô ích hoặc không có khả năng phát triển bình thường.

- Phải trù liệu những hình phạt thích hợp đối với mọi vi phạm cố ý.

- Bảo đảm cơ chế hôn nhân và quyền của gia đình là nền tảng của xã hội được bảo vệ của luật pháp mà gia đình có quyền hưởng; đồng thời còn phải bảo đảm quyền của đứa trẻ thụ thai, được sinh ra, và được giáo dục bởi cha mẹ nó.

- Ðiều chỉnh luật dân sự dựa trên các quy tắc cơ bản của luật đạo đức, luật thiết định, về tất cả những gì liên quan tới quyền con người và quyền cơ chế của gia đình; đồng thời, ý thức tất cả những khía cạnh văn hoá, tư tưởng và chính trị của những kỹ thuật tạo sinh nhân tạo, can đảm tìm sự khôn ngoan cần thiết để ban hành những luật công bằng hơn cho đời sống con người và cơ chế hôn nhân gia đình.

- Thiết lập những điều luật về đạo đức trong đó "các quyết định của hành pháp và lập pháp phải nhằm mưu ích cho con người và xã hội như là một thực thể, không phải chỉ tuỳ thuộc vào mệnh lệnh của khoa học, mà tự nó không có khả năng đặt ra cho một hệ luân lý. Tương lai của con người và của nhân loại tuỳ thuộc vào khả năng của con người đặt ra những vấn đề sinh đạo đức dưới sự kiểm soát chặt chẽ của đạo đức mà không sợ phải đối đầu với khoa học kỹ thuật".

 

2. Ðối Với Các Linh Mục

Trong phạm vi liên quan đến các phương pháp tạo sinh nhân tạo, chúng ta có thể nói rằng nhiệm vụ của các Linh Mục cần chú ý đến việc trình bày rõ ràng Giáo Huấn của Giáo Hội về Hôn Nhân. Ðức Phao-lô 6 nói: "Các Linh Mục thân mến, do chức thánh đã lãnh nhận, các con là cố vấn và linh hướng cho cá nhân và gia đình. Ta hoàn toàn tín nhiệm các con. Vì nhiệm vụ chính của các con, nhất là những kẻ dạy thần học luân lý, là trình bày rõ ràng Giáo Huấn của Giáo Hội về hôn nhân".

Vì thế, trong khi trình bày Giáo Huấn của Giáo Hội về Hôn Nhân Gia Ðình, các Linh Mục cần lưu tâm một số điểm cụ thể sau đây:

a. Trong Mục Vụ Giáo Lý:

- Khi dạy về những nguyên tắc nền tảng của đời sống vợ chồng, cần phải nhấn mạnh "mối liên kết bất khả phân ly giữa hai ý nghĩa của hành vi vợ chồng: sự kết hợp và sinh sản, người ta không thể bẻ gãy mối liên kết ấy theo sáng kiến của mình".

- Dạy cho các Ki-tô hữu sống bậc hôn nhân ý thức quà tặng sự sống cho con cái là dấu chỉ và sự đăng quang của tình yêu vợ chồng, quà tặng này xuất phát từ sự trao ban hỗ tương giữa đôi vợ chồng.

- Dạy cho đôi vợ chồng hiểu biết giá trị cao cả của sự kết hợp đặc thù của họ và việc lưu truyền sự sống là những cam kết riêng biệt của đôi vợ chồng vào sự thánh thiện hôn nhân của họ.

- Dạy cho các đôi vợ chồng biết sự sống con người là tặng phẩm vô cùng cao quý mà Thiên Chúa ban cho họ, do đó, nó đòi hỏi một sự bất khả xâm phạm.

- Dạy cho các vợ chồng ý thức rằng chính họ là những cộng tác viên của Thiên Chúa trong việc tạo sinh một con người mới theo hình ảnh của Người.

- Giúp họ biết chọn phương thế thực hiện việc tạo sinh với sự kính trọng những chuẩn mực luân lý của đời sống vợ chồng. Do đó, không khi nào, dù vì những lý do rất quan trọng, được làm sự dữ để được sự lành; nghĩa là tích cực muốn làm một việc nào, tự bản chất trái với trật tự luân lý, và như vậy, không xứng đáng với con người, dù có ý để bênh vực hay cổ võ những lợi ích cho cá nhân, cho gia đình hay cho xã hội.

- Phải dạy cho các đôi vợ chồng biết rõ các phương pháp tạo sinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm, tạo sinh dòng vô tính, là những phương pháp nghịch lại luân lý Ki-tô Giáo, đồng thời cũng cho họ biết các phương pháp đó gây nên hậu quả nghiêm trọng cho sự thủy chung của gia đình, cho từng thành viên trong gia đình và đặc biệt là cho đứa bé.

- Phải cảm thông đặc biệt với các đôi vợ chồng hiếm muộn. Nhưng một đàng là phải dạy cho họ hiểu "đứa trẻ không phải là một món nợ còn thiếu và không thể coi nó như một vật sở hữu. Một quyền thực sự và triệt để có con, sẽ trái với phẩm giá và bản chất của đứa trẻ".

Ðàng khác, còn phải giúp họ đừng quên rằng ngay cả khi không thể có tạo sinh, đời sống vợ chồng không vì thế mà mất đi giá trị của nó. Sự hiếm muộn do thể xác có thể là cơ hội mời gọi họ thông phần đặc biệt vào Thập Giá của Chúa, là một dịp cho hai vợ chồng có thể giúp ích cho đời sống con người bằng nhiều việc phục vụ quan trọng như: nhận con nuôi, tham gia công việc giáo dục dưới nhiều hình thức, giúp đỡ các gia đình khác, giúp đỡ các trẻ nghèo hay khuyết tật...

b. Trong Mục Vụ Hòa Giải:

Các Thừa tác viên của Bí Tích Hòa Giải cần phải quan tâm đặc biệt đến những khía cạnh sau đây:

- Noi gương Chúa Giê-su trong việc quan tâm đến từng người con hoang đàng, đến từng nỗi thống khổ của con người và nhất là đến từng nỗi khốn khổ luân lý, đến tội lỗi.

- Ðề phòng và cẩn trọng trong các vấn đề liên quan đến các tội lỗi này.

- Luôn sẵn sàng giúp đỡ và khích lệ các hối nhân có thể đạt tới việc sám hối đầy đủ, để họ có thể xưng thú trọn vẹn các tội trọng.

- Dùng những lời khuyên làm cho họ thêm tiến bộ dần dần trên con đường thánh thiện.

- Phải báo cho hối nhân biết việc chọn lựa phương pháp tạo sinh nhân tạo để có con cái là lỗi phạm nghiêm trọng nội tại đối với luật Chúa. Do đó, các vị giải tội phải dứt khoát mời gọi họ từ bỏ những sai lạc này. Tuy nhiên, các ngài phải luôn tâm niệm rằng Bí Tích Hoà Giải được thiết lập cho các tội nhân, nam cũng như nữ. Thế nên, các ngài phải tuân theo nguyên tắc mà chính Chúa Giê-su đã hành xử là: "Nghiêm khắc với tội lỗi, nhưng nhẫn nại và hiền từ đối với tội nhân".

Tóm lại, trong thực tế Mục Vụ, các Linh Mục cần lưu tâm rằng điều cần thiết là việc giảng dạy Giáo Lý phải bổ túc cho công việc quan trọng của các vị giải tội. Do đó, cần phải hết sức lưu tâm sao cho việc huấn luyện lương tâm trước hết phải được thực hiện trong khi dạy Giáo Lý cách tổng quát hay đặc thù cho các đôi vợ chồng.

Trong việc giảng dạy Giáo Lý và dẫn dắt đôi vợ chồng tương lai tiến đến hôn nhân, các Linh Mục phải có những tiêu chuẩn đồng nhất trong giảng dạy cũng như trong lãnh vực của Bí Tích Hòa Giải, trong sự trung tín hoàn toàn và trọn vẹn với Giáo Huấn của Giáo Hội về vấn đề tội ác liên quan đến tạo sinh. Bởi vì, "Mục Vụ giải tội sẽ hữu hiệu hơn nếu được liên kết chặt chẽ với việc dạy Giáo Lý kiên trì và dứt khoát về ơn gọi Ki-tô hữu, về tình yêu hôn nhân cũng như về những chiều kích của ơn gọi này: niềm vui và đòi hỏi, ân sủng và dấn thân cá nhân".

 

Phó Tế Nguyễn Văn Tâm, DCCT

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 91 năm 2002)

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page