Tính Luân Lý Của Việc Tạo Sinh

Phó Tế Nguyễn Văn Tâm, DCCT

 

Prepare for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 


 

Chương IV: Tóm Lược Và Ðịnh Hướng Mục Vụ

I. Một Số Ðiểm Tóm Lược

 

Xuyên suốt những phần trên đây, chúng ta đã tìm hiểu về tính luân lý của các vấn đề tạo sinh cũng như bàn luận về một số vấn nạn liên quan đến việc tạo sinh, thì trong phần này, nghiên cứu sinh xin tóm lược một số điểm căn bản chính yếu và đưa ra một vài điểm mang tính định hướng mục vụ.

 

1. Bất Khả Xâm Phạm Sự Sống Con Người

Cho dầu đến nay, cả khoa học lẫn tôn giáo vẫn chưa có thể đưa ra một khẳng đinh chính xác đáng tin cậy về khởi điểm của sự sống con người. Nhưng vì luôn luôn đứng về phía bảo vệ sự sống con người, Giáo Hội Công Giáo bày tỏ lập trường liên tục và vững chắc là phải tôn trọng và bảo vệ sự sống con người ngay từ lúc thụ thai. Bởi vì, Giáo Hội xác tín rằng, là tặng phẩm Chúa ban, sự sống con người thì thánh thiêng và bất khả xâm phạm trong mọi giai đoạn, trong mọi hoàn cảnh; sự sống ấy là một tài sản không thể chia tách được. Thật thế, "sự sống con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm trong tất cả các khoảnh khắc của sự hiện hữu của nó, cả trong khoảnh khắc khởi đầu có trước sự sinh ra".

Quả vậy, "tính bất khả xâm phạm tuyệt đối của mạng sống con người vô tội là một sự thật luân lý được chỉ dạy rành mạch trong Thánh Kinh, được luôn luôn duy trì trong Giáo Hội và được quyền Giáo Huấn nhất trí đề ra. Sự nhất trí này là thành quả hiển nhiên do ý thức siêu nhiên về niềm tin được Chúa Thánh Thần khơi lên và nâng đỡ, ý thức ấy bảo đảm cho dân Thiên Chúa khỏi sai lầm, khi nhất trí đó đem đến cho những chân lý liên quan tới Ðức Tin và phong hoá một sự đồng ý phổ quát".

 

2. Vấn Ðề Tạo Sinh

Nguyên tắc căn bản cho việc tạo sinh là "phải được thực hiện trong hôn nhân": Việc tạo sinh con người mang tính đặc thù do phẩm giá riêng của cha mẹ và con cái. Quả thế, việc tạo sinh một con người mới, trong đó, người nam và người nữ phải cộng tác với quyền năng của Ðấng Tạo Hóa, phải là hoa trái và dấu chỉ của việc vợ chồng thự hiến cho nhau, của tình yêu và lòng trung thành của họ . Nguyên tắc căn bản này loại bỏ mọi hình thức tạo sinh nhân tạo nghịch lại với việc tạo sinh trong hôn nhân và do hôn nhân.

A. Vấn đề thụ tinh nhân tạo

(1) Ðối với thụ tinh nhân tạo khác nguồn (AID)

Việc sử dụng tinh trùng của một người hiến vô danh, hay mua tinh trùng ở ngân hành tinh trùng để cho thụ tinh nhân tạo là một việc làm trái luân lý, không những vì đứa bé có cha vô danh và nguy cơ đồng huyết, mà còn vì nó tách biệt hẳn mục đích hoà hợp và sinh sản của hôn nhân, lại còn có thể gây nhiều xáo trộn cho các mối tương quan trong gia đình, nhất là đối với phía người mẹ. Ðức Pi-ô 12 nói: "Sự thụ tinh nhân tạo dị hợp (khác nguồn) nghịch với tính duy nhất của hôn nhân, với phẩm giá của vợ chồng, với ơn gọi riêng của cha mẹ và với quyền của đứa trẻ được thụ thai và sinh ra trong hôn nhân và do hôn nhân".

Vậy, phải coi việc làm cho một người phụ nữ có chồng thụ tinh nhờ tinh dịch của một người cho không phải là chồng mình và việc dùng tinh dịch của một người đàn ông để làm thụ tinh một noãn cầu không phải của vợ mình là trái phép, xét về mặt luân lý đạo đức. Ngoài ra việc thụ tinh nhân tạo nơi một phụ nữ không kết hôn, độc thân hay goá phụ, dù cho tinh dịch là của ai đi nữa, cũng không thể biện minh được về mặt đạo đức.

(2) Ðối với thụ tinh nhân tạo cùng nguồn (AIH)

Việc thụ tinh nhân tạo với tinh trùng của người chồng (AIH) cũng bị lên án là trái luân lý (Ðức Pi-ô XII). Bởi vì, Thiên Chúa đã muốn liên kết hai ý nghĩa của việc vợ chồng là "kết hợp và tạo sinh" bằng một mối dây không thể tháo gỡ và con người không thể tự ý phá bỏ. Khi bảo vệ hai khía cạnh kết hợp và tạo sinh, việc vợ chồng giữ được ý nghĩa yêu thương nhau đích thực và duy trì được ơn gọi cao quý làm cha mẹ của con người. Do đó, "không bao giờ được tách rời các khía cạnh khác nhau trên, đến độ tích cực loại bỏ hoặc ý dịnh tạo sinh, hoặc việc giao hợp". Mặt khác, việc tạo sinh một con người mới phải được theo đuổi như là hoa trái của việc kết hợp đặc biệt do tình yêu giữa vợ chồng mà có và như thế, "hai vợ chồng mới thực sự là cộng tác viên của Thiên Chúa trong việc thông ban sự sống cho một nhân vị mới".

Về việc truyền tinh:

Việc truyền tinh nhân tạo thay thế việc giao hợp tự nhiên của vợ chồng thì bị cấm, vì có sự cố ý tách biệt hai ý nghĩa của hành vi vợ chồng là "kết hợp và tạo sinh". Còn các hình thức dùng bao cao su, giao hợp nửa chừng và cả việc thủ dâm để lấy tinh dịch, ngay cả khi thực hiện nhằm mục đích tạo sinh vẫn làm mất ý nghĩa kết hợp của hôn nhân, do đó, Giáo Hội cấm sử dụng các hình thức ấy (Ðức Pi-ô). Tuy nhiên, lương tâm "không nhất thiết cấm đoán việc sử dụng một số phương tiện nhân tạo, chỉ nhằm giúp cho hành vi tự nhiên dễ dàng hơn hoặc giúp cho hành vi tự nhiên thực hiện bình thường, đạt được cứu cánh của nó".

B. Về vấn đề thụ tinh trong ống nghiệm

Việc thụ tinh nhân tạo là kết quả của kỹ thuật, kỹ thuật chủ trì việc thụ tinh. Các kỹ thuật gây thụ tinh trong ống nghiệm làm cho có thể có những dạng thủ thuật trên các phôi thai người. Phương pháp này thường tạo nên nhiều phôi thai, mà không phải tất cả đều được chuyển hết vào tử cung người mẹ. Một số phôi thai được coi là "thặng dự" bị huỷ, hoặc bị bỏ mặc cho một số phận vô lý; hơn nữa, việc nuôi giữ phôi thai trong ống nghiệm càng lâu thì tỷ lệ gây dị tật cho phôi thai càng cao. Vì thế, Giáo Hội đã lên án việc cố ý phá thai, thì Giáo Hội cũng cấm phạm tới đời sống của những "con người" này.

Giáo Hội cho rằng: "Các phương thức đó trái với phẩm giá con người có nơi phôi thai và đồng thời phạm tới quyền của mọi người được thụ thai và sinh ra trong hôn nhân và do hôn nhân". Ngay cả phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm và chuyển phôi đồng hợp (FIVETE) cũng trái nghịch luân lý. Bởi vì, phương pháp FIVETE được thực hiện ngoài thân xác hai vợ chồng, nhờ động tác của "những người thứ ba". Nghĩa là phương pháp này không chỉ bao hàm việc huỷ diệt phôi người, nhưng còn đặt sự sống và chân tính của nó trong tay các bác sĩ và thiết lập sự thống trị của kỹ thuật trên nguồn gốc và vận mệnh con người. Làm như thế, người ta đã tự đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa và người đó tự cho mình cái quyền định đoạt số phận sống hay chết của những con người vô tội không thể tự vệ được. Một quan hệ thống trị như thế tự nó nghịch với phẩm giá và sự bình đẳng là giá trị chung cho cha mẹ và con cái.

Vì vậy, "theo giáo lý truyền thống về các điều tốt lành của hôn nhân và phẩm giá con người, Giáo Họi, đứng ở quan điểm đạo đức, vẫn chống việc thụ tinh trong ống nghiệm; việc này tự nó trái với luật đạo đức và đi ngược lại phẩm giá của sự tao sinh và của sự kết hợp vợ chồng, ngay cả khi người ta làm mọi cách để tránh việc sát hại phôi thai người".

C. Vấn đề tạo sinh vô tính nơi con người (Human Cloning)

Phương pháp sinh sản vô tính nơi con người, xét về mặt sinh học, sẽ làm giảm sự đa dạng sinh học cần thiết để duy trì nòi giống; xét về phương diện luân lý, nó gây ra thiệt hại lớn lao cho đưa bé sẽ ra đời. Mỗi con người đều được Thiên Chúa ban cho một quyền là có gia đinh, là thành phần của lịch sử nhân loại, trong đó, sự sống phải được lưu truyền bởi tình yêu của cha mẹ. Những đứa bé do sinh sản vô tính tạo ra sẽ là những đứa trẻ mồ côi được định trước. Ðứa bé không chỉ là bản sao của một người cha mẹ chiếm giữ. Một xã hội không cha hay không mẹ hẳn sẽ chẳng có sự phong phú và đa dạng về nhân tính mà Ðấng Tạo Hoá muốn ban cho nhân loại.

Vì thế, Giáo Hội khẳng định: "Ðiều gì có thể làm được về mặt kỹ thuật, thì không vì lý do đó mà có thể chấp nhận về mặt đạo đức" và "trong mọi biến cố, các phương pháp nào không kính trọng phẩm giá và giá trị của con người phải luôn bị loại bỏ. Những toan tính dùng phương pháp sinh sản vô tính trên con người nhằm có những cơ quan để cấy ghép, những kỹ thuật này, trong mức độ chúng liên quan đến việc sử dụng và phá huỷ những phôi thai con người, không thể chấp nhận về mặt đạo đức, dù khi những mục tiêu đề ra tự chúng là tốt".

Giáo Hội luôn đề cao sự sống con người là quà tặng cao quý Thiên Chúa ban cho nhân lại. Do đó, cần phải xét tới các giá trị cơ bản liên quan đến những kỹ thuật tạo sinh con người cũng phải tương xứng với sự sống con người được mời gọi sinh ra và tính cách đặc thù của việc truyền sinh trong hôn nhân. Khi xét tới sự tương ứng giữa phương tiện tạo sinh và kết quả của nó, thì việc tạo sinh nhân tạo theo phương pháp sinh sản vô tính không những bất tương xứng, mà còn xúc phạm đến qui luật rất thánh của Thiên Chúa và quyền bất khả xâm phạm của sự sống con người, vốn phải được thông truyền theo tính đặc thù trong hôn nhân và do hôn nhân. Bởi vậy, Ðức Gio-an 23 nói:

"Thiên nhiên đã trao ban việc thông truyền sự sống con người cho một hành vi, được thực hiện bởi một chủ thể ý thức, và do đó, bị chi phối bởi các luật rất thánh của Thiên Chúa: Các luật có tính bất khả xâm phạm và bất biến này phải được nhìn nhận và tuân giữ. Vì vậy, không được dùng các phương tiện và các phương pháp luật cho phép dùng trong việc truyền sinh các thảo mộc và cầm thú vào việc truyền sinh con người".

 

3. Về Vấn Ðề Tôn Trọng Phôi Thai Người

Tại Công đồng Va-ti-ca-nô 2, Giáo Hội đã khẳng định cho con người thời nay một giáo huấn liên tục và vững chắc của Giáo Hội rằng: "Thiên Chúa là Chúa của sự sống, đã trao ban cho con người nhiệm vụ cao cả là bảo tồn sự sống, và họ phải chu toàn bổn phận ấy cách xứng hợp với con người. Do đó, sự sống ngay từ lúc thụ thai đã phải được gìn giữ hết sức cẩn thận; phá thai và sát nhi là những tội ác ghê tởm". Giáo Hội biết rằng hiện đang có những cuộc tranh luận về lúc khởi đầu của sự sống con người, về tính cá biệt của con người và về chân tính của nhân vị. Nhưng Giáo Hội vẫn luôn bảo vệ lập trường vững chắc của mình khi tái khẳng định: "Sự sống con người phải được tôn trọng và bảo vệ một cách tuyệt đối ngay từ lúc thụ thai".

Lập trường đó của Giáo Hội đã được khoa di truyền học hiện đại xác nhận: "Khoa di truyền cho thấy rằng ngay từ lúc đầu tiên, chương trình phát triển trong tương lai của sinh thể đó đã được định đoạt: một con người, một con người cá biệt với những đặc tính đã được xác định rất rõ ràng. Cuộc phiêu lưu của sự sống trong một con người bắt đầu ngay từ lúc thụ tinh, với thời gian các khả năng to lớn của sự sống sẽ lần lượt xuất hiện và sẵn sàng hoạt động".

Chúng ta còn có một chứng từ rất quan trọng của giáo sư bác sĩ Jérôme Lejenne đệ trình tại khoá họp ngày 23.4.1981 của Ủy Ban Thượng Viện Hoa Kỳ về Dự Án Luật. Ông kết luận rằng:

"Ngay sau khi vừa thụ thai, một mạng sống con người đã bắt đầu hiện hữu. Ðó là một sự kiện được khẳng định, chứ không là chuyện tuỳ ý thích hay không thích, chấp nhận hay không chấp nhận, hay là còn để tuỳ ý dư luật bàn tán nữa. Nhân tính con người, từ khi được thụ thai cho đến lúc về già, không còn là một giả thuyết siêu hình, mà thật sự là một sự kiện hiển nhiên đã được thực nghiệm".

Các chứng từ này củng cố cho khẳng định của Giáo Hội: "Ngay từ khi noãn thụ tinh, một sự sống mới bắt đầu, không phải sự sống của người cha, cũng không phải sự sống của người mẹ, nhưng là sự sống của một con người mới, nó có thể tự mình phát triển. Nó sẽ không bao giờ trở thành người, nếu nó không phải là người ngay từ lúc đó".

Vậy, nếu phôi thai phải được tôn trọng và đổi xử như một nhân vị ngay từ lúc thụ thai, thì cũng phải bảo vệ nó cho toàn vẹn, phải chăm sóc và chữa trị nó trong mức độ khả năng có được, như bất kỳ một con người nào khác trong khuôn khổ trợ giúp của y khoa. Ðồng thời, cũng phải nhìn nhận nơi nó những quyền của nhân vị, trong số đó phải kể trước tiên là quyền được sống của mọi con người vô tội, đây là một quyền bất khả xâm phạm.

 

4. Về Vấn Ðề Can Thiệp - Nghiên Cứu và Thí Nghiệm Trên Phôi Thai Người

a. Về việc can thiệp - nghiên cứu

Việc can thiệp và nghiên cứu của y khoa trên phôi thai người chỉ có thể được phép với điều kiện là: Phải tôn trọng sự sống và sự toàn vẹn của phôi thai; phải tránh những nguy hại bất tương xứng cho nó; phải nhằm mục đích chữa trị, cải thiện tình trạng sức khoẻ hoặc phát triển sự sống của nó; đồng thời còn phải được cha mẹ chấp thuận cách tự do cho phép can thiệp, sau khi đã được hiểu biết thích hợp. Ðức Gio-an Phao-lô 2 nói rằng:

"Một can thiệp chỉ nhằm chữa trị các bệnh tật, như bệnh do các nhiễm sắc tố có khuyết điểm, thì trên nguyên tắc, được coi là nên làm, miễn là nó góp phần thực sự làm cho con người sống dễ hơn, mà không phạm tới sự toàn vẹn hay làm giảm suy các điều kiện sống của nó. Một sự can thiệp như vậy nằm trong chiều hướng hợp lý của truyền thống đạo đức Ki-tô giáo".

b. Về việc thí nghiệm

Các phôi thai có trong ống nghiệm là những con người và là những chủ thể được hưởng quyền. Sản xuất phôi thai người để khai thác chúng như "vật tư sinh học" cho người ta sử dụng vào việc thí nghiệm là trái luân lý. Việc thí nghiệm phôi thai và bào thai chỉ có thể hợp pháp khi nhằm chủ ý chữa trị để cứu sống nó: "Việc thí nghiệm trên phôi thai không trực tiếp nhằm chữa trị là trái phép. Tôi kết án cách minh nhiên nhất và tỏ tường nhất mọi thử nghiệm trên phôi thai con người, vì hữu thể người, từ lúc thụ thai cho đến lúc chết, không thể là đối tượng được khai thác cho bất kỳ lý do gì".

Ðối với phôi thai đang sống, dù nó có khả năng sống hay không, phải được tôn trọng như mọi nhân vị: "Không một cứu cánh nào, ngay cả tự nó cao thượng, như mưu cầu lợi ích cho khoa học, của tha nhân hay của xã hội, có thể biện minh được cho việc thí nghiệm trên phôi thai người đang sống".

Ðối với xác phôi thai người, do cố ý phá thai hay không, phải được tôn trọng như thể xác mọi người khác. Sẽ là không hợp pháp và trái phép khi sử dụng xác của phôi thai hay bào thai vào những việc thí nghiệm, thương mại hay những việc khác khi chưa minh chứng chắc chắn là thai đã chết và khi không được sự chấp nhận của cha mẹ chúng.

Như vậy, việc dùng phôi thai người, dù đang ở trong tình trạng nào, làm đối tượng hay dụng cụ để thử nghiệm là một tội phạm với phẩm giá con người, vì phôi thai có quyền được tôn trọng như những đưa trẻ đã sinh ra hoặc như bất cứ người nào khác. Do đó, "phải tố cáo tính cách nghiêm trọng của việc cố ý huỷ hoại các phôi thai người có được trong ống nghiệm nhờ thụ tinh nhân tạo hay do "tách phôi", với mục đích nghiên cứu".

Trong trường hợp thử nghiệm nhằm mục đích chữa trị rõ ràng phải được hiểu là: "Mọi dạng thí nghiệm trên thai nhi mà có thể làm biến đổi tính toàn vẹn hay làm trầm trọng thêm các tình trạng, trừ phi đây là toan tính tột cùng để cứu sống nó, thì về phương diện đạo đức không thể chấp nhận được". Nghĩa là trường hợp các phương pháp chữa trị đem ra thử nghiệm nhằm lợi ích của chính phôi thai như một cố gắng cuối cùng để cứu mạng sống của nó và vì không có phương cách chữa trị nào khác có giá trị nữa, thì việc sử dụng các thuốc hay các phương thế chữa trị chưa hoàn toàn chắc chắn, có thể được phép.

 

5. Về Vấn Ðề Tạo Sinh Dòng Vô Tính Ðể Ðiều Trị (Therapeutic Cloning)

Việc tạo ra phôi thai hoặc dùng phôi thai đông lạnh, để lấy tế bào gốc dùng vào việc chữa trị một số căn bệnh nan y, bị coi là nghịch luân lý. Bởi vì, theo nguyên tắc luân lý, người ta không thể giúp cứu người này bằng cách sát hại người khác. Dầu cho khoa học chứng minh được rằng việc dùng tế bào gốc lấy từ phôi thai có đạt hiệu quả tốt và nhanh hơn việc dùng tế bào gốc lấy từ người trưởng thành, thì không vì lý do đó mà có thể chấp nhận được về mặt luân lý.

Mặt khác, trong thực tế, nhiều khoa học gia cho biết rằng chưa có thể chứng minh được kết quả của tế bào gốc phôi thai cao hơn tế bào gốc trưởng thành. Hơn nữa, càng ngày khoa học cho thấy rằng tế bào gốc trưởng thành có khả năng phát triển không những bộ phận gốc mà cả những bộ phận khác trong cơ thể, ví dụ như tế bào gốc lấy từ máu có cơ thể phát triển nên tế bào thần kinh. Vả lại, dùng tế bào gốc trưởng thành lấy từ cuốn rốn, từ bào thai bị hư, hay từ bộ phận khác của cơ thể người lớn thì không đặt ra vấn đề đạo đức.

Vì vậy, việc tạo sinh dòng vô tính phôi thai, hay dùng phôi thai đông lạnh, để lấy tế bào gốc dùng vào việc gọi là trị liệu, như một số khoa học gia nói, đều bị Giáo Hội cho là phản luân lý - đạo đức, và do đó bị cấm.

Ðức Go-an Phao-lô 2 nói: "Khoa học tự nó hướng về những hình thức chữa bệnh khác mà không dùng phương pháp nhân vô tính hoặc sử dụng các tế bào phôi thai, nhưng sẽ sử dụng những tế bào lấy từ người lớn. Ðó là hướng phải theo của các nghiên cứu, nếu nó muốn tôn trọng phẩm giá của mỗi người, và mọi người, dù cả ở giai đoạn phôi thai".

 

Phó Tế Nguyễn Văn Tâm, DCCT

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 90 năm 2002)

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page