Tính Luân Lý Của Việc Tạo Sinh
Phó Tế Nguyễn Văn Tâm, DCCT
Prepare for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chương III: Một Số Vấn Nạn (Tiếp Theo)
III. Vấn Ðề Vô Sinh
Và Việc Can Thiệp Của Kỹ Thuật
Công đồng Va-ti-ca-nô II dạy rằng: "Hôn nhân và tình yêu vợ chồng, tự bản tính qui hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái, con cái là ơn huệ cao quí nhất của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của Cha Mẹ"
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng dạy rằng: "Sinh con cái là một hồng ân, một cùng đích của hôn nhân, vì tình yêu phu phụ tự nó hướng về việc sinh sản con cái. Ðứa con không tự bên ngoài thêm vào cho tình yêu nhau của hai vợ chồng: đứa con xuất hiện ở giữa chỗ hai người hiến thân cho nhau, nó là hoa trái và là sự hoàn tất của tình yêu này".
Nhưng, nếu một cặp vợ chồng vô sinh (không thể sinh con cái, hoặc do người chồng hoặc do người vợ, hoặc do cả hai người), thì phải làm sao? Ðây là một vấn đề đau khổ lớn, một thử thách nặng nề đối với những cặp vợ chồng không thể có con hoặc sợ sinh ra một đứa con khuyết tật.
Trong trường hợp đó, Giáo Hội tỏ ra hết sức cảm thông với những nỗi đau khổ của họ, khi nói rằng:
"Về phía vợ chồng muốn có con là điều tự nhiên: ước muốn đó biểu lộ ơn gọi làm cha, làm mẹ đã được ghi trong tình yêu vợ chồng. Ước muốn đó càng mãnh liệt hơn khi sự hiếm muộn của hai vợ chồng hầu như không có cách gì chữa trị... Dù nguyên nhân bởi đâu, và phải chẩn đoán ra sao đi nữa, thì không có con hẳn là một thử thách nặng nề. Cộng đoàn tín hữu được mời gọi soi sáng và nâng đỡ nỗi đau khổ của những người không thể thực hiện được cái ao ước chính đáng làm cha làm mẹ".
Tuy nhiên, Giáo Hội cũng dạy mọi người phải hiểu và nhận định cho đúng vấn đề hôn nhân và sinh sản con cái. Ðức Pi-ô XII nói rằng: "Hôn nhân không cho vợ chồng quyền có con, mà chỉ cho quyền được có những hành vi tự nhiên, tự chúng hướng về sự tạo sinh".
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng dạy rằng: "Những cuộc nghiên cứu nhằm khắc phục sự son sẻ của con người nên được khuyến khích, miễn là những nghiên cứu này phục vụ cho nhân vị con người, cho những quyền bất khả nhượng của nhân vị, cho hạnh phúc đích thực và toàn diện của con người, đúng theo dự tính và ý muốn của Thiên Chúa". Nhưng, Giáo Hội cũng dạy rằng: "Một quyền thực sự và triệt để có con sẽ trái với phẩm giá và bản chất của đứa trẻ. Ðứa trẻ không phải là một món nợ còn thiếu và không thể coi nó như một vật sở hữu". Bởi vì, "đứa trẻ là một hồng ân. Hồng ân tuyệt hảo nhất của cuộc hôn nhân - là một con người. Ðứa trẻ không thể bị coi là một đồ vật sở hữu: đó là ý nghĩ của những người tự cho mình có quyền có đứa trẻ. Trong lãnh vực này, chỉ mình đứa trẻ có những quyền lợi đích thực: quyền làm hoa trái của hành vi phu phụ của cha mẹ mình và quyền được tôn trọng như một nhân vị ngay từ lúc thụ thai".
Thật vậy, sự ước muốn có con cái, hoặc ít là sẵn sàng truyền ban sự sống, là một đòi hỏi thuộc về đạo đức để cho một việc tạo sinh con người có trách nhiệm. Nhưng, ý muốn tốt lành ấy chẳng đủ để cho việc thụ tinh trong ống nghiệm giữa vợ chồng được đánh giá tích cực về mặt đạo đức. Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm và chuyển phôi (FIVETE) phải được phê phán vì chính nó và không thể dựa vào toàn bộ đời sống vợ chồng hoặc vào những hành vi giao hợp trước hay sau khi dùng phương pháp, mà bảo rằng cuối cùng thì FIVETE có thể được coi là hợp đạo đức. Cho nên, Ðức Phao-lô VI nói rằng: "Không khi nào, vì những lý do rất quan trọng, được làm sự dữ để được sự lành, nghĩa là tích cực muốn một việc nào, tự bản tính trái với trật tự luân lý và như vậy không xứng đáng với con người, dù có ý để bênh vực hay cổ vũ những lợi ích cho cá nhân, cho gia đình hay cho xã hội".
Vậy, đối với những cặp vợ chồng không thể có con, Giáo Hội khuyên rằng: "Những cặp vợ chồng trong hoàn cảnh đau thương đó được mời gọi khám phá trong đó, cơ hội của một sự thông phần đặc biệt vào Thập giá của Chúa, nguồn mạch của sự phong phú thiêng liêng".
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng dạy rằng:
"Phúc âm cho thấy sự son sẻ không có con cái không phải là một bất hạnh tuyệt đối. Những cặp vợ chồng vẫn không có con sau khi đã sử dụng những phương tiện y khoa hợp pháp, sẽ kết hợp với Thập giá Chúa Ki-tô, nguồn mạch của mọi sự phong phú tinh thần. Họ có thể bày tỏ sự quảng đại bằng cách nhận làm nghĩa tử những đứa trẻ bị bỏ rơi, hoặc thực hành những sự phục vụ đối với tha nhân".
Công đồng Va-ti-ca-nô II cũng dạy rằng:
"Hôn nhân không phải chỉ được thiết lập để mưu sự truyền sinh mà thôi, nhưng chính đặc tính giao ước bất khả phân ly giữa hai người và lợi ích con cái đòi hỏi tình yêu hỗ tương của hai vợ chồng phải được phát triển, thăng tiến và nảy nở cách chính đáng. Cho nên, ngay trong trường hợp không có con như hằng tha thiết mong mỏi, hôn nhân vẫn tồn tại như một cuộc sống chung và vẫn giữ được giá trị cùng đặc tính bất khả phân ly của mình".
Chính Ðức Gio-an Phao-lô II cũng kêu gọi các cặp vợ chồng hiếm muộn đừng quên rằng:
"Ngay cả khi không thể có tạo sinh, đời sống vợ chồng không vì thế mà mất đi giá trị của nó. Sự hiếm muộn do thể xác có thể là một dịp cho hai vợ chồng có thể giúp ích cho đời sống con người bằng nhiều việc phục vụ quan trọng như: nhận con nuôi, tham gia công việc giáo dục dưới nhiều hình thức, giúp đỡ cho các gia đình khác, giúp đỡ các trẻ nghèo hay khuyết tật...".
IV. Giải Pháp Nào Cho Việc
Cứu Các Phôi Thai Ðông Lạnh?
Bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, người ta sản xuất ra hàng loạt phôi thai. Thường thì tất cả các phôi đó không được chuyển vào tử cung của người phụ nữ, một số phôi gọi là "thặng dư" bị hủy hoặc cho đông lạnh. Hiện nay, trên thế giới, người ta không thể thống kê nổi số phôi thai đang được cất giữ trong các "ngân hàng đông lạnh" hoặc được nuôi dưỡng trong ống nghiệm. Vậy phải có giải pháp nào đối với những phôi thai đông lạnh này?
1. Một số quan điểm của các thần học gia và các học giả
Trong khi bàn về "Giải pháp cho việc cứu những phôi thai đông lạnh", một số thần học gia và các học giả đề nghị cho người ta "nhận làm con nuôi", tức là bằng cách cấy phôi thai vào tử cung của những ai muốn có con, tuy rằng hài nhi không phải thực sự là con của họ về phương diện gien.
Theo quan điểm "cho nhận làm con nuôi", ta thấy có nhiều nhà thần học ủng hộ. Ở đây, nghiên cứu sinh chỉ xin trưng dẫn một vài vị như: Surtees, Grisez và William E. May. Nhóm này cho rằng đối tượng luân lý xác định hành vi nhân tính của một phụ nữ đang cố gắng cứu cái phôi đông lạnh, thì không phải là một hành động của sự thay thế: "Việc thay thế người cha chỉ là một sự sắp đặt có bàn tay can thiệp của một nhà chuyên môn".
Surtees lập luận rằng hành vi nhân linh do một cặp vợ chồng muốn và thực hiện để đón nhận một phôi đông lạnh trước khi phôi được sinh ra thì khác xa việc sinh ra một đứa bé cách nhân tạo, đồng thời cũng khác xa với việc một bà mẹ mang thai hộ. Bình luận về số 78 trong Thông Ðiệp Ánh Rạng Ngời Chân Lý (Veritatis splendor) của Ðức Gio-an Phao-lô II, đoạn bàn về việc phân loại luân lý các hành vi nhân linh, Surtees viết như sau:
"Nhìn từ góc độ hành động, những ai cộng tác vào việc sinh sản nhân tạo thì không có những phương thế hợp pháp nào để đề ra một sự bảo tồn an toàn cho các phôi. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu kết luận rằng, vì thế lực hợp lý, các phôi phải lãng phí đi trong ngăn lạnh vì tội lỗi của cha mẹ chúng. Cặp vợ chồng muốn cứu phôi này, bằng cách đón nhận nó, đang chọn một đối tượng luân lý hoàn toàn khác biệt với đối tượng mà cặp vợ chồng sử dụng phương pháp sinh sản nhân tạo (hoặc người đàn bà đóng vai người mang thai hộ chọn".
Bản văn sau đây cho thấy cách tóm tắt lập luận chính của Surtees:
"Ta không thể so sánh việc đón nhận một phôi đông lạnh với tình trạng một bà mẹ mang thai hộ, việc thụ tinh trong ống nghiệm và những "phương thế sinh sản nhân tạo khác" mà Hội Thánh đã bác bỏ. Vấn đề trở nên sáng tỏ khi chúng ta xem xét điều gì tạo nên đối tượng chọn nhận của cặp vợ chồng muốn đón nhận phôi cũng như điều gì tạo nên đối tượng chọn nhận của cặp vợ chồng muốn dùng phương thế sinh sản nhân tạo...
Ðề nghị có thể hiểu được của hành động nơi cặp vợ chồng muốn đón nhận phôi khi họ tự do thực hiện điều ấy, đó là việc đón nhận, một hành động hoàn toàn hợp pháp và hợp luân lý, một hành động có liên quan đến một đứa trẻ đã được thụ thai nhưng bị khước từ, một hành động không bao giờ bị Huấn Quyền kết án. Dù cho "mái ấm" đầu tiên của phôi được đón nhận đó là cung lòng của bà mẹ mới, nhưng tôi chẳng thấy có lý do nào để "mái ấm" như thế bị ngăn cản không cho vận dụng. Mặt khác, lời đề nghị có thể hiểu được của cặp vợ chồng muốn sử dụng phương thế sinh sản nhân tạo khi họ tự do thực hiện điều ấy, đó là việc sinh sản nhân tạo".
Lập luận của Surtees đã được William E. May làm sáng tỏ cũng như củng cố bằng một số phân định mà, theo đó, ông (W. E.May) tin rằng vấn đề có thể được lập luận rằng một đối tượng luân lý được một cặp vợ chồng chọn lấy, như Surtees nói, đó là đón nhận một phôi thai đông lạnh, một đứa bé đã bị "mồ côi" ngay trước khi được sinh ra. Khi tự do chọn hành động như thế, cặp vợ chồng này đã tự do trao cho phôi "căn cước" của mình. Tuy nhiên, sự chọn lựa này cũng còn thúc đẩy họ dấn thân hơn nữa vào những chọn lựa thích hợp với hành động họ chọn nhận làm cha mẹ nuôi của cái phôi.
Và một chọn lựa trọng tâm cần hướng đến đó là cứu lấy cái phôi đông lạnh bằng cách chuyển nó từ ngăn lạnh sang cung lòng người vợ, để trao cho đứa bé mái ấm mà nó đang cần, cũng như trao cho nó những gì cần thiết để lớn lên và phát triển. Khi thực hiện sự dấn thân này, người vợ đã chọn trao cho đứa trẻ mái ấm đầu đời trong cung lòng của bà. Sau đó, khi đã hạ sinh đứa trẻ rồi, bà cùng chồng sẽ trao cho đứa trẻ mái ấm và sự chăm sóc cần thiết. Ngay cả phụ nữ độc thân cũng có thể thực hiện việc này.
Theo Grisez, mục tiêu mà người phụ nữ nhắm đến khi chấp nhận cưu mang một phôi đông lạnh là tốt, đó là gắng sức cứu mạng sống đứa trẻ, và phương thế được chọn để theo đuổi mục tiêu này, đó là chuyển phôi đông lạnh từ ngăn lạnh sang cung lòng người phụ nữ như bất cứ người phụ nữ bình thường nào nuôi dưỡng con mình vậy. Ông Grisez tóm tắt phần phân tích của ông về phương thế được chọn như sau:
"Nuôi dưỡng một đứa bé trong lòng bạn không có gì là sai. Nếu một người chuyển một phôi thai vào cung lòng bạn mà không có sự đồng ý của bạn, thì lúc này nếu bạn phá thai thì đó sẽ là một hành động sai, bổn phận của bạn là chăm sóc đứa bé, như chính trường hợp người phụ nữ bị cưỡng hiếp và sau đó mang thai. Vì vậy, nếu bất cứ điều gì làm cho dự tính của bạn sai lầm tự bản chất, thì đó hẳn là việc chuyển phôi thai từ ngăn lạnh sang cung lòng của ban.
Tuy nhiên, việc chuyển phôi này không xung khắc với bất cứ thiện tính căn bản nào của con người. Nó bảo vệ hơn là xâm phạm sự sống, vì con người mới đã hiện hữu, nó không xâm phạm đến việc lưu truyền sự sống, và hành động chuyển phôi ấy cũng không ảnh hưởng chi đến tính tốt lành của hôn nhân, vì nó không phải là một hành động tính dục, và mối tương quan giữa bạn với đứa bé chẳng mang tính hôn nhân, cũng chẳng phải là giải pháp xấu đối với mối tương quan hôn nhân".
Dù việc chuyển phôi thuộc về phương pháp IVF, xét cách toàn thể, một tiến trình phi đạo đức, nhưng theo Grisez, trong trường hợp này, việc chuyển phôi là một phần thuộc về một lời đề nghị hoàn toàn khác biệt, một dự án hoàn toàn khác biệt, đó là hành động cứu một con người đang trong cơn khốn cùng.
Grisez phân biệt rõ ràng đối tượng chọn lựa của người phụ nữ với đối tượng chọn lựa của những người chịu trách nhiệm việc sinh ra một đứa trẻ cách nhân tạo. Ðối tượng chọn lựa của người phụ nữ là chuyển phôi đông lạnh sang cung lòng của bà. Grisez dường như chỉ ra rằng người phụ nữ đang đề nghị cưu mang đứa bé không phải nhân danh bất cứ ai khác, nhưng chỉ đơn giản là muốn cứu mạng sống của đứa bé.
Vì thế, nếu đề nghị của bà thành công, thậm chí nếu bà được nhận đứa bé làm con nuôi, thì Grisez lập luận rằng, bà không hành động như một bà mẹ mang thai hộ, nhưng đúng hơn, phần nhiều bà đang hành động như một bà mẹ tình nguyện đưa tấm lòng của mình để săn sóc một cuộc xây dựng được cưu mang bên ngoài hôn nhân, mầm sống ấy đã bị cha mẹ tự nhiên của nó bỏ rơi và đang đợi chờ một cặp vợ chồng thích hợp đón nhận.
Giống như sự chăm sóc của bà mẹ đó, việc nuôi dưỡng mà người phụ nữ kia hy vọng trao cho đứa bé cũng chẳng có chi can hệ đến những sai lầm đã được làm trước kia cho đứa bé, cũng như sẽ được đề nghị cho nó vì ích lợi của chính nó, chứ không phải vì bất cứ ai khác.
Vì vậy, Grisez kết luận, người phụ nữ "chắc chắn có thể cứu đứa bé mà không hành động trái với những gì Giáo Hội dạy liên quan đến IVF và vấn đề mang thai hộ".
Trong chiều hướng đó, ông William E. May đã tỏ rõ quan điểm của mình một cách cụ thể hơn rằng:
"Một cặp vợ chồng có thể hoàn toàn hợp pháp khi đối tượng luân lý của họ là việc nhận làm cha mẹ nuôi cho một phôi thai đông lạnh, hay một đứa trẻ bị bỏ rơi khi mới sinh. Hành động chọn lựa cách tự do này đã ủy thác thêm cho họ những bổn phận khác nữa, một trong những điều căn bản là tạo cho đứa con nuôi một mái ấm. Việc đầu tiên trong tiến trình này là người vợ đồng ý chọn cấy phôi thai đông lạnh vào tử cung của mình, việc tiếp theo mà họ phải làm khi đã sinh con, là cấp cho đứa bé một mái ấm của chính họ".
William E. May cũng cho rằng việc cứu phôi thai đông lạnh bằng cách cấy nó vào tử cung của một cặp vợ chồng thì hợp lý hơn là cấy nó vào tử cung của một phụ nữ độc thân, tuy hành động cấy phôi đông lạnh vào tử cung người phụ nữ độc thân tự bản chất không phải là một tội ác. Ông nói:
"Việc cứu những phôi thai đông lạnh được thực hiện bằng cách nhận làm con nuôi bởi một cặp vợ chồng trước khi sinh và bằng cách thỏa thuận bổn phận của họ như cha mẹ nuôi, cho phép cấy phôi vào tử cung của người vợ, có thể sẽ hợp lý hơn việc cứu phôi thai đông lạnh bằng cách cấy phôi vào tử cung của một phụ nữ độc thân, rồi sau khi sinh, đứa bé được nhận làm con nuôi bởi một cặp vợ chồng khác.
Cách làm sau này tự bản chất sẽ không phải là một tội ác đối với một phụ nữ độc thân muốn cứu phôi thai đông lạnh bằng cách cho cấy nó vào tử cung của bà - Vì đối tượng luân lý là việc chuyển phôi thai đông lạnh tới tử cung của người phụ nữ, còn mục đích lại là việc chăm sóc thai nhi trong thời gian thai nghén, cuối cùng là bảo vệ nó...
Như vậy, hẳn nhiên điều này tự bản chất không thể là phi luân đối với một phụ nữ muốn cứu một phôi thai đông lạnh bị bỏ rơi, hoặc một đứa bé đang ở trong giai đoạn phát triển đầu đời của nó, bằng cách cấy phôi thai vào tử cung của bà để bảo vệ mầm sống rất yếu ớt này và rồi trao nó cho cha mẹ nuôi sau khi sinh".
Tuy nhiên, thần học gia DCCT Rey-Mermet xét đến hậu quả của việc cấy phôi vào tử cung của người phụ nữ để cho nhận làm con nuôi, đó là tâm lý của đứa bé trước khi được sinh ra sẽ bị ảnh hưởng suốt đời bởi người vú nuôi...
Ðàng khác, lòng tham tiền hay nhu cầu của những người đàn bà cho thuê tấm thân của họ như thuê một căn phòng và sau cùng, sự tự do quá trớn của những người đại lý buôn bán "bất động sản" và các nhà chuyên môn điều hành dịch vụ "kỹ nghệ" này; tất cả những thứ ấy có thể đưa xã hội và con người đi đến đâu? Việc buôn bán các tử cung và việc buôn bán các con người, là những con người tí hon thật sự, sẽ còn gì là phẩm giá của người vợ? và sẽ còn gì là sự cao thượng của tư cách làm mẹ? Và đứa con không phải của người nào cả sẽ ra sao, khi người ta biết rằng sự việc có một người cha và một người mẹ và được yêu thương trước khi được sinh ra bởi người đã cưu mang nó là một điều rất quan trọng đối với nó? Ðứng ở quan điểm của đứa trẻ, đây là một sự bỏ rơi con có chủ ý?
Chúng ta còn thấy một ý kiến rất quan trọng cho rằng việc cho nhận làm con nuôi các phôi thai đông lạnh tự nó là có mục đích tốt, nhưng hiệu quả của việc cấy ghép các phôi thai vào tử cung người phụ nữ thì rất thấp và có tỷ lệ tật nguyền rất cao.
Ý kiến này đã được Ðức Giám Mục Elio Sgreccia, phó chủ tịch Giáo Hoàng Học viện về Sự Sống, giáo sư dạy môn Sinh Ðạo Ðức ở trường Y Khoa thuộc Ðại Học Công Giáo Thánh Tâm ở Rô-ma và là giám đốc Trung Tâm Sinh Ðạo Ðức của trường này, khẳng định khi bàn về việc phải xử lý phôi thai đông lạnh như thế nào. Ngài nói:
"Ý kiến cho nhận làm con nuôi, tự nó có một mục đích tốt. Các thần học gia nói là hợp pháp, nhưng tỷ lệ thất bại rất cao. Hình như trong 100 lần cấy phôi, chỉ thành công ba hay bốn lần. Chúng ta rút kinh nghiệm đó nơi súc vật. Ðộ 90% thất bại vì phôi thai chết sau khi tan lạnh, hoặc không bén gốc được trong tử cung.
Dẫu cho cấy vào tử cung thành công đi nữa, chưa chắc thai nhi sẽ không bị tật nguyền trầm trọng. Ðông lạnh càng lâu, một năm, hai năm hay năm năm, tỷ lệ tật nguyền càng cao. Làm sao chúng ta có thể bảo các bà chọn thụ thai nhân tạo vì đó là một hành động liều lĩnh, vì thất bại rất nhiều.
Ngoài ra, phải cấy phôi thai ở giai đoạn nào đó của chu kỳ kinh nguyệt và nếu bào thai bị tật nguyền, bà mẹ cũng phải giữ, vì phá thai là tàn nhẫn. Vấn đề này là một vấn nạn lớn. Ðiều chính yếu là chúng ta không nên bước vào con đường lắm chông gai này". Cuối cùng, lập trường của Ðức Giám Mục Elio Sgreccia quả quyết rằng:
"Phải chấm dứt ngay chuyện thụ tinh nhân tạo. Phương pháp này chỉ khuyến khích việc tạo ra phôi thai đông lạnh và đông lạnh phôi thai là hành động vụ lợi vô nhân đạo. Khi người ta đã áp dụng một thủ thuật như vậy thì không có giải pháp nào tốt cả. Sử dụng phôi thai đông lạnh nhằm mục đích nghiên cứu là phạm hai tội: tội đông lạnh phôi thai và tội sử dụng phôi thai với ý định tiêu hủy chúng nó".
2. Lập trường của Giáo Hội
Giáo Hội xét thấy không có giải pháp nào hợp luân cho số phận của những phôi thai đông lạnh. Trong tình trạng bị đem cho đông lạnh, phôi thai bị xúc phạm, bị đặt vào nguy cơ bất toàn vẹn thể lý, hoặc bị chết và bị tước đoạt quyền được người mẹ cưu mang... Vì thế, lập trường của Giáo Hội dứt khoát và trước tiên là chấm dứt sản xuất phôi thai. Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin, trong Huấn Thị Donum Vitae, đã nói rằng:
"Việc giữ phôi thai đông lạnh, dù là thực hiện để đảm bảo sự sống của phôi thai, là một sự xúc phạm tới sự tôn trọng phải có đối với con người và việc đó đặt các phôi thai vào nguy cơ trầm trọng chết hoặc không giữ được sự toàn vẹn thể lý. Việc đó cũng tước đoạt của chúng, ít là trong một thời gian, quyền được một người mẹ đón nhận và cưu mang và đặt chúng trong một tình trạng có thể bị xúc phạm hoặc bị sử dụng sau này".
Tại Hội nghị chuyên đề "Evangelium Vitae and Law" (Phúc Âm Sự Sống Và Lề Luật), Ðức Gio-an Phao-lô II đã nói rằng:
"Qui tắc luật pháp phải đặc biệt qui định tình trạng pháp lý của phôi thai như một chủ thể có quyền hạn, thừa nhận nó như một sự kiện sinh lý không thể bác bỏ được mà tự nó đòi hỏi những quyền hạn mà trật tự luân lý cũng như pháp lý không thể làm ngơ... Tính cách bất chính của những thao tác vô luân trên nguồn gốc sự sống và trên phôi thai người đã được công bố (x. Huấn Thị Donum Vitae I, 5; II), nhưng điều cần thiết là những nguyên tắc căn bản ấy mà luân lý đã chọn làm nền tảng suy tư cần phải được đưa vào lãnh vực pháp lý.
Vì vậy, tôi kêu gọi đến lương tâm của những nhà khoa học thế giới và nhất là những bác sĩ, yêu cầu họ ngưng sản xuất phôi thai, vì xét thấy rằng không có giải pháp hợp luân nào hơn cho số phận của hàng ngàn hàng vạn phôi thai đông lạnh, là những chủ thể có quyền hạn và do đó, phải được pháp luật bảo vệ như những con người. Tôi kêu gọi những luật gia vận động làm sao cho các Nhà nước và cơ quan quốc tế công nhận quyền hạn pháp lý tự nhiên của sự sống con người, ngay từ buổi ban sơ, và cũng bảo vệ quyền hạn không thể thay đổi được mà hàng vạn phôi thai đông lạnh có được từ lúc thụ thai".
Phó Tế Nguyễn Văn Tâm, DCCT
(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 89 năm 2002)