Tính Luân Lý Của Việc Tạo Sinh

Phó Tế Nguyễn Văn Tâm, DCCT

 

Prepare for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 


 

Chương III: Một Số Vấn Nạn  (Tiếp Theo)

I. Bào Thai

Ðã Là Sự Sống Con Người Chưa? (Tiếp Theo)

 

2. Quan điểm của các thần học gia và các học giả

Thần học gia B. Haring đã phát biểu rằng: "Không có dấu hiệu khả giác nào về sự hiện diện sáng tạo của Thiên Chúa trong thế giới này rõ rệt hơn sự khởi đầu và phát triển của con người. Trứng chín theo nhịp độ mỗi tháng một cái bên trong buồng trứng của người phụ nữ, hàng trăm triệu tinh trùng sản xuất ra mỗi tháng chưa phải là sự sống con người. Tuy nhiên, chúng mang trong mình những thông tin phong phú. Việc phối hợp của 2 yếu tố này tạo ra một điều mới mẻ và đánh dấu sự khởi đầu của một sự sống con người mới".

Thần học gia Théodore Rey - Mermet cũng khẳng định rằng:

"Chỉ cần đọc tài liệu đáng khâm phục của Claude Edelmann và J-M Baufle về "những ngày đầu của sự sống" để nghiệm thấy rằng giữa lúc thụ thai và sinh nở, có một sự liên tục hoàn toàn. Ðúng giây phút khi mà cái trứng vừa được thụ tinh chia làm đôi là lúc bắt đầu cuộc hiện hữu của một con người mới: đối với con người ấy, thời điểm nói trên là không giờ của ngày đầu tiên của mình. Ðó là ý kiến chung của các nhà sinh học. Tất cả những lời bàn còn lại chỉ làm văn chương hay luận triết học".

Thật thế, ngày nay quan điểm của hai thần học gia trên đây cũng được các nhà sinh học đồng thuận. Như nhà sinh học Jean Pierre Changeux nhắc nhở rằng noãn và tinh trùng cũng đã là những tế bào sống rồi. Ông kết luận: "Sự sống không được tạo nên mà chỉ truyền đi mà thôi". Và các nhà khoa học hầu như hoàn toàn đồng ý với nhau rằng: Sự thụ tinh là một giai đoạn trọng yếu. Chính từ sự phối hợp các nhân của noãn và của tinh trùng mà một di sản sinh học duy nhất là đứa trẻ sẽ ra đời.

Ông Claude Sureau, giáo sư thai sản, chủ tịch Hàn Lâm Y Học Pháp nói rằng:

"Không làm gì có thời gian "t" từ đó sự sống được phú bẩm vào bào thai. Phải có lúc hai giao tử dính vào nhau, tức là lúc hai hạt nhân chan hoà làm một chăng? Hay phải đợi đến lúc bộ gien đơn bội của bào thai bắt đầu hoạt động, nghĩa là vào khoảng hai ngày sau khi thụ tinh?".

Bác sĩ A.A. Tomatis cũng khẳng định:

"Khởi điểm đích thực của cuộc mạo hiểm của con người mà bào thai dấn thân vào, đã được quyết định ngay lúc việc thụ thai được thực hiện trong trứng vừa thụ tinh... Giây phút ấy là khoảnh khắc bắt đầu thực thụ của mỗi con người. Nó là khởi điểm thật đánh dấu cho những sự dấn thân của mình. Những hành động kế tiếp đó, theo danh nghĩa là chuyển tiếp, thì sẽ chỉ là những mô phỏng mơ hồ. Chính vì thế mà sự sinh ra được xem như là một trong những cuộc vượt qua trọng yếu, cùng với sự chết. Sự chết đánh dấu sự chấm dứt cuộc hành trình trên đời này, trái lại, sự thụ thai đánh dấu khởi điểm của cuộc hành trình, còn hơn là việc sinh ra, mà người ta thường có thói quen dựa vào để chỉ về sự xuất hiện này. Ðã có sự sống vào lúc ấy, lúc bắt đầu".

Tuy cho đến nay, câu hỏi "khi nào thì bào thai được coi là một hữu thể có nhân tính trọn vẹn?" đang là vấn đề tranh cãi và chưa có câu trả lời nào chính xác. Ông Claude Humeau phát biểu:

"Các nhà sinh học không định được lúc nào thì xảy ra chỗ ngắt của một câu thơ, tức là lúc nào thì xuất hiện một hữu thể có nhân tính. Ðó là văn bản hiện đại của nghịch lý đống cát: cứ nhẩn nha lượm từng hạt cát vất đi, đến lúc nào thì đống cát hết là đống cát?".

Thế nhưng quan điểm chung của các thần học gia cũng như các học giả nói chung và các nhà sinh - y học nói riêng, đều nhìn nhận rằng sau khi trứng được thụ tinh mẫu di truyền đã được xác định. Có một sự sống con người tách biệt khỏi sự sống của cha và mẹ, với một bộ mã di truyền (DNA) độc nhất, không bao giờ lặp lại, mặc dầu hệ thống DNA của nó chưa hoạt động.

Rey-Mermet cũng có cùng quan điểm như thế:

"Ðúng giây phút khi mà cái trứng vừa được thụ tinh chia làm đôi là lúc bắt đầu cuộc hiện hữu của một con người mới... và từ lúc đó, một con người đã bắt đầu sự sống riêng của nó, một con người đã được phác thảo hoàn toàn, được phủ cho một di sản đầy đủ, không những về những gì cần thiết để làm nên một con người, mà cả những đặc tính phụ khác để hình thành một con người xác định nào đó, như là tóc đen hay đôi mắt xanh... Tuy cái trứng vừa được thụ tinh còn lệ thuộc vào sự sống của người mẹ, nhưng dù sao nó cũng có một sự tự lập đến độ có thể ghép nó vào một tử cung khác tử cung người mẹ nó và nó có thể lớn lên nơi đó mà di sản nhận được từ giây phút đầu tiên vẫn không bị thay đổi chút nào. Từ lúc ấy đã có một con người bé con, riêng biệt, một cá nhân".

Mặc dầu việc phân chia tế bào trong thời gian khoảng 14 ngày đầu chỉ là nhân bản, tạo ra những tế bào mới có cùng đặc tính, có khả năng sinh đôi và mỗi tế bào trong số ví dụ 32 tế bào có được sau khi phân đôi đều có thể tách rời và trong điều kiện thuận lợi, có thể phát triển thành một cá nhân, nhưng không vì thế mà coi nhẹ sự sống đang tiến triển của nó. Franz Boeckle khuyến cáo rằng: "Hữu thể vừa phát triển, ngay từ đầu, đã đáng được bảo vệ. Về điểm này không thể bàn cãi".

Theo cha B. Haring thì ngay trong thời gian sự nhân bản hoặc tạo song sinh còn có thể diễn ra, chúng ta đã đứng trước sự sống con người thực sự. Nếu người ta thành thực xác tín rằng chắc chắn chưa có sự sống con người ở mức nhân vị, thì việc gián đoạn tiến trình sự sống lúc ấy vẫn là một vấn đề luân lý nghiêm trọng. Bởi vì, từ lúc ấy, sự sống của con người đã được phân biệt rõ ràng. Giáo sư Jérôme Lejeune nói: "Kể từ giai đoạn đó, một sinh viên ngành y mà không phân biệt được một con người với một con khỉ tinh tinh (chimpanzé) thì chắc chắn sẽ bị đánh rớt trong kỳ thi..." . Và do đó, Thomas A. Shannon khẳng định:

"Nếu hủy một mầm phôi người vào thời điểm này- tức là khoảng ba tuần sau khi thụ tinh, thì chắc chắn sẽ kết thúc sự sống và chấm dứt sự độc nhất vô nhị về mặt di truyền của mầm phôi... Vì thế, mầm phôi là một sinh thể có sự sống, lại được ban cho khả năng độc nhất vô nhị về mặt di truyền, nên cần đặt ra các qui luật bảo vệ sự sống cho mầm phôi".

Chúng ta còn có một số chứng cứ của các nhà sinh học đã có kinh nghiệm khi trực tiếp quan sát tiến trình phát triển của bào thai. Edelmam thuật lại rằng: "Một ngày nọ, khoảng ba tuần sau khi thụ tinh, bỗng nhiên, chúng tôi nín thở: trái tim đứa bé đập. Trước mắt chúng tôi, em bé máy động trong cái bọc bằng máu thịt màu đỏ hồng đã hiện trong sáng, xuyên qua các dụng cụ của chúng tôi. Em bé ấy tuy chỉ lớn bằng một cái phẩy trên tờ giấy trắng, nhưng đã là một con người tiềm tàng".

Sự khẳng định phôi thai là một con người tiềm năng cũng đã được Thánh Grêgôriô thành Nysse quả quyết: "Người ta không gọi phôi là người, vì nó bất toàn, nhưng là một cái gì đó ở dạng tiềm năng, mà nếu hoàn thành, sẽ đưa đến sự hình thành con người". Ðiều này cũng đã được Ủy ban quốc gia Pháp về đạo đức định nghĩa "phôi là con người tiềm năng". Như vậy, ta thấy có những đồng quy sâu sắc. Người ta còn cho thấy cái bào thai khởi đầu đó đã có ý thức và có đời sống thiêng liêng. Toàn bộ con người sau khi sinh ra cho đến khi chết cũng chẳng khác gì con người ở trạng thái bào thai. Lm. Henri Crouzel, giáo sư Ðại học Thần học ở Toulouse, đã viết trong báo La Croix ngày 9.2.1972 rằng:

"Sự thụ thai là khởi đầu độc nhất của con người... Lúc ấy nó không chỉ là một tế bào cứ gia tăng lên mãi, nhưng nó đã là khởi đầu có ý thức và có đời sống thiêng liêng. Cái ý thức của bào thai đi từ chỗ hư vô đến hiện hữu sẽ xảy ra lúc nào khác hơn là lúc này nữa? Ðã hẳn là nó phải phát triển, nhưng sự tăng trưởng sẽ kéo dài suốt đời, mà không bao giờ sẽ đạt tới tình trạng hoàn thiện, là ước mơ không thể kìm chế được của con người. Trước tình trạng ấy, chúng ta không thể có gì khác hơn là những con người ở trạng thái bào thai mà thôi".

hinh 1

Bởi vì, khi bào thai được hai tháng tuổi, em bé mới đo được chừng 3 cm, có thể nằm gọn trong lòng bàn tay nắm lại, thì bằng phương tiện tối tân của khoa học, người ta khám phá ra bào thai lúc này đã là một con người hầu như hoàn tất.

Giáo sư Bác sĩ Jérôme Lejeune, người từng đoạt giải Kennedy, thành viên Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về các môn khoa học khác nhau, thành viên Học Viện Quốc Gia Pháp, là người bạn tâm giao hết sức thân thiết với Ðức Gio-an Phao-lô II, đã nói trong khóa họp ngày 23.4.1981 của Ủy Ban Thượng Viện Hoa Kỳ về Dự Án Luật rằng:

"Mạng sống con người phải được công nhận ngay từ khi mới thụ thai". Trong bài trình bày dài của ông tại khóa họp trên, có đoạn khẳng định rằng: "Lúc được 2 tháng, em bé chưa lớn bằng một ngón tay cái, thế mà mọi bộ phận đều đã có đầy đủ chỉnh tề, đâu vào đó: Tay, chân, đầu, các cơ quan bên trong, não bộ,... Trái tim em đã đập từ một tháng trước. Nhìn gần hơn, chúng ta thấy được các nếp bàn tay của em và đoán được số mệnh tương lai của con người tí hon ấy. Bằng một kính hiển vi khuếch đại, ta có thể thấy được các dấu chỉ ngón tay hiện lên rõ ràng của em, tất cả mọi tư liệu cần thiết đều sẵn sàng để lập thẻ căn cước công dân cho em. Công dân X..., con người lớn thua ngón tay cái của tôi, đã hiện hữu thật sự... Như vậy, ngay sau khi vừa thụ thai, một mạng sống con người đã bắt đầu hiện hữu. Ðó là một sự kiện được khẳng định, chứ không còn là chuyện tùy ý thích hay không thích, chấp nhận hay không chấp nhận, hay là còn để tùy dư luận bàn tán nữa. Nhân tính con người từ khi được thụ thai cho đến khi về già, không còn là một giả thuyết siêu hình mà thật sự là một sự kiện hiển nhiên và đã được thực nghiệm".

Ấy thế mà một số nhà Sinh học, như ông Claude Sureau cũng như ông Claude Humeau chẳng hạn, tuy xác tín chắc chắn phôi thai có nhân tính, vẫn ra tay làm việc trên nó. Ông Humeau nói:

"Nhiều nhà khoa học đã đặt ra những từ ngữ như tiền phôi, phôi hợp tử, tế bào phôi. Những tên gọi này chỉ có một mục đích: Giúp lương tâm ta tạm yên ổn. Trong phòng thí nghiệm của tôi, tôi làm việc trên những cái phôi. Tôi không thể nép mình sau những tên gọi, những từ ngữ. Tôi làm việc trên những con người sống. Phải lãnh trách nhiệm thôi. Từ chối, không nhận một phôi là một sinh vật, thành viên toàn vẹn của loài người, theo tôi, là mở đường cho lầm lạc".

Như vậy, vấn đề khởi đầu sự sống con người, ngay sau khi một noãn đã được thụ tinh, quan điểm chung của các nhà thần học, khoa học hay sinh-y học, đều quả quyết phôi thai hay bào thai đã có sự sống, một sự sống tiềm năng của con người. Do đó, nó phải được tôn trọng và bảo vệ tuyệt đối, dù nghi ngờ nó đã là một hữu thể có nhân tính hay chưa.

Cha B. Haring kết luận rằng:

"Vấn đề thai bào có một quyền sống tuyệt đối, ngay cả khi người ta nghi ngờ đấy có phải là một con người nhân linh hay không thì khác với vấn đề xét xem hành vi phối hợp hôn nhân có nên cứ bỏ ngõ cho việc sinh sản ngay cả khi truyền sinh là vô trách nhiệm (...). Thật là hợp lý khi nghĩ rằng phá vỡ một noãn đã thụ tinh là một hành vi sát nhân, như tội sát nhân của thợ săn bóp cò mà không biết chắc là mình đang ngắm một con thú rừng chứ không phải là một người. Sự nghi ngờ của ông ta không miễn thứ cho tội phạm giết người".

 

3. Lập trường của Giáo Hội

Ðối với Giáo Hội, mặc dầu vẫn thừa nhận vấn đề thời điểm khởi đầu mạng sống con người chưa thể giải quyết được, xét theo phương diện lý thuyết, nhưng trong thực tế, Giáo Hội vẫn duy trì lập trường cho rằng mạng sống con người hiện hữu ngay từ lúc thụ tinh, tức là khi một tinh trùng kết hợp với một trứng. Sở dĩ Giáo Hội giữ vững lập trường đó là vì lý do khi phải đối diện với một sự hồ nghi về sự kiện (trường hợp ở đây là bào thai đã có sự sống con người chưa?), Giáo Hội muốn dạy chúng ta cần tuân theo luật an toàn. Thế nên, trong trường hợp này, giải pháp an toàn nhất là phải nhìn nhận phôi thai đã có sự sống ngay từ khi trứng được thụ tinh, thay vì là vào một thời điểm nào đó trong tiến trình phát triển của phôi thai. Nhiều văn kiện của Giáo Hội cho ta thấy rõ lập trường đó của Giáo Hội.

Trong bài diễn văn trước Liên Hiệp Y Sinh Học "Thánh Lu-Ca" ngày 22.11.1944, Ðức Giáo Hoàng Pi-ô 11 đã nói: "Phải loại trừ mọi hoạt động trực tiếp dẫn đến việc hủy diệt sự sống con người chưa sinh ra, dù sự hủy diệt đó được quyết định như một mục đích hay chỉ như một phương thế nhắm tới mục đích". Ngài cũng nhắc lại lập trường này trong diễn văn trước Liên Hiệp các Bà Hộ Sinh Công Giáo Italia (ngày 29.10.1951).

Chính Ðức Gio-an 23 cũng đã khẳng định lại rằng: "Sự sống con người là thánh thiêng, vì ngay từ trong cội nguồn của nó, nó đòi hỏi hành động sáng tạo của Thiên Chúa".

Tại Công đồng Vatican 2, Giáo Hội đã trình bày lại lập trường Giáo huấn liên tục và vững chắc của mình rằng: "Sự sống ngay từ lúc thụ thai đã phải được giữ gìn hết sức cẩn thận; phá thai và sát nhi là những tội ác ghê tởm". Mới đây, Tòa Thánh đã tái khẳng định điều đó trong "Hiến Chương các quyền của gia đình", số 4, rằng: "Sự sống con người phải được tôn trọng và bảo vệ một cách tuyệt đối, ngay từ lúc thụ thai". Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin, trong Tuyên Ngôn Về Việc Cố Ý Phá Thai (ngày 8.11.1974), số 12 - 13, đã khẳng định:

"Ngay từ khi trứng thụ tinh đã khởi đầu một sự sống mới vốn không phải là sự sống của người cha cũng không phải là sự sống của người mẹ, nhưng là của một con người mới, nó có thể tự mình phát triển. Nó sẽ không bao giờ trở thành người, nếu nó không là người ngay từ lúc ấy (...). Ðiều hiển nhiên muôn thuở đó đã được khoa di truyền học hiện đại xác nhận và cho thấy rằng, ngay từ giây phút đầu tiên, chương trình phát triển trong tương lai của sinh thể đó đã được định đoạt: một con người, một con người cá biệt với những đặc tính đã được xác định rất rõ ràng. Cuộc phiêu lưu của sự sống trong một con người bắt đầu ngay từ lúc thụ tinh; với thời gian các khả năng to lớn của sự sống sẽ lần lượt xuất hiện và sẵn sàng hoạt động".

Ðiều này đã được chính Ðức Gio-an Phao-lô 2 trích lại trong Thông Ðiệp Evangelium Vitae, số 60, được công bố ngày 30.3.1995, như là một lập trường vững chắc và không thay đổi trong Giáo Huấn của Giáo Hội.

Lập trường trên đây của Giáo Hội lại một lần nữa được Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin lặp lại như một Giáo Huấn, trong Huấn Thị Donum Vitae, ban hành ngày 22.2.1987. Huấn Thị Donum Vitae, I, 1, khẳng định:

"Giáo Lý này vẫn còn có giá trị; vã lại, nó đã được xác nhận, nếu cần, bởi những thành tựu mới đây của khoa sinh học con người. Khoa này nhìn nhận rằng nơi hợp tử, có được nhờ sự thụ tinh, đã thành hình chân tính sinh học của một con người cá biệt mới... Vì thế, kết quả của việc sinh hạ con người ngay từ giây phút đầu tiên hiện hữu của nó, nghĩa là lúc hợp tử được cấu tạo, đòi hỏi con người phải được tôn trọng và đối xử như một nhân vị ngay từ lúc thụ thai, và do đó, ngay từ giờ phút ấy, phải nhìn nhận nơi nó, những quyền của nhân vị, trong số đó, phải kể trước tiên quyền được sống của mọi con người vô tội, đây là một quyền bất khả xâm phạm".

Và cuối cùng, chúng ta thấy lập trường dứt khoát và mạnh mẽ của Giáo Hội được thể hiện qua Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin, trong Huấn Thị Donum Vitae, rằng:

"Những quyền bất khả nhượng của con người phải được xã hội và chính quyền nhìn nhận và tôn trọng. Những quyền đó không tùy thuộc vào các cá nhân hay cha mẹ và cũng không phải là một sự nhân nhượng của xã hội hay của Nhà nước, chúng thuộc bản tính con người và được gắn liền với nhân vị, vì nhân vị bắt nguồn từ hành vi tạo dựng. Trong số những quyền cơ bản đó, phải nhìn nhận quyền của mọi người được sống và được toàn vẹn thể xác từ lúc thụ thai tới lúc chết... Do đó, luật pháp không thể nhân nhượng, luật pháp còn phải nghiêm cấm tình trạng những con người, dù mới ở chặng phôi thai đi nữa, bị đối xử như những vật thí nghiệm mà người ta có thể cắt xén hay loại bỏ, viện cớ rằng chúng vô ích hoặc không có khả năng phát triển bình thường".

 

Phó Tế Nguyễn Văn Tâm, DCCT

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 87 năm 2002)

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page