Tính Luân Lý Của Việc Tạo Sinh

Phó Tế Nguyễn Văn Tâm, DCCT

 

Prepare for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 


 

Chương I (tiếp theo)

II. Các Hình Thức Tạo Sinh

 

A. Hình Thức Thụ Tinh Tự Nhiên:

Mỗi tinh trùng đo từ đầu đến đuôi: 50/1.000 mm, cái đầu: 5/1.000 mm, chứa những nhiễm sắc thể (chromosomes) của nhân tế bào, chứa đựng tất cả những Tính Di Truyền mà người cha truyền cho đứa con. Chính tinh trùng quyết định giới tính trai hay gái của đứa bé.

Dung tích tinh dịch phóng ra từ mỗi lần xuất tinh tính được từ 3 đến 5 cm3. Và mỗi cm3 chất lỏng đó có từ 60 đến 200 triệu tinh trùng. Còn cái noãn (trứng), tế bào sinh sản của người mẹ, chất chứa các tính di truyền người mẹ trao cho con. Cỡ 80 ngàn lần lớn hơn tinh trùng, và chứa những chất dinh dưỡng mà trứng sẽ sử dụng trong trường hợp thụ tinh.

Sau khi cha mẹ "gặp gỡ nhau", rất nhiều tinh trùng tập hợp chung quanh noãn có hình giống như tút len. Lúc thụ tinh, chỉ có một tinh trùng lọt vào bên trong noãn và khi đó noãn đóng kín mít lại hoàn toàn. Từ lúc có sự phối hợp của một tinh trùng - trong số khoảng 300 triệu mỗi lần xuất tinh - với một noãn - trong số 400 ngàn noãn mà bất cứ người còn gái nào cũng có lúc sinh ra đời - là cả một chương trình đã được ấn định và an bài.

Ba mươi giờ sau khi thụ thai, bộ máy hành trang kỳ diệu của con người bắt đầu cuộc hành trình cuộc đời. Tế bào độc nhất, kết quả của việc thụ tinh của noãn bởi tinh trùng, tích chứa tất cả toàn bộ "mật tín di truyền". Tế bào duy nhất khởi đầu phân 2, rồi làm 4, rồi làm 8, 16, 32... cho đến còn số sáu mươi ngàn tỷ (60.000.000.000.000) cấu tạo nên con người khi sinh ra. Chúng ta sẽ thấy tiến trình phôi thai phát triển thật kỳ diệu như thế nào, được trình bày ở mục "Khám phá của nghành sinh - y học" trong Chương III sẽ đăng trong kỳ tới.

 

B. Một Số Hình Thức Khác:

Hiện nay, trên thế giới có nhiều phương pháp kỹ thuật tạo sinh nhân tạo khác nhau. Nhưng, trong phạm vi bài luận nầy, nghiên cứu sinh chỉ giới hạn trong ba phương pháp tạo sinh được coi là thông dụng và có nhiều vấn đề cần bàn luận liên quan đến luân lý - đạo đức.

1. Thụ tinh nhân tạo (AI: Artificial Insemination)

Thụ tinh nhân tạo là một kỹ thuật truyền sinh được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Trong tiến trình này, tinh trùng được chích lấy và đưa vào trong bộ phận sinh sản của người phụ nữ một cách máy móc. Nếu tinh trùng được lấy từ người chồng của bà, thì tiến trình này được mang ký hiệu là AIH. Nếu tinh trùng của người đàn ông không phải là chồng của người phụ nữ, thủ tục này được gọi tên là AID. Phương pháp thụ tinh nhân tạo do tinh trùng của người chồng (AIH) được áp dụng khi người chồng có tinh trùng mà không đủ khả năng hoạt động tính dục, nhưng cặp vợ chồng đó lại ao ước có được một đứa con. Còn phương pháp thụ tinh nhân tạo do tinh trùng của một hiến vô danh (AID) được thực hiện khi người chồng hoàn toàn vô sinh, tức là không có tinh dịch. Một bạn gái độc thân ao ước có một đứa con, bạn đó cũng có thể đi đến ngân hàng tinh trùng để thụ tinh nhân tạo.

2. Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF: In Vitro Fertilization)

Kỹ thuật truyền sinh thứ hai là phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Ðứa bé đầu tiên của thế giới đã được sinh ra phương pháp này tên là Louise Brown, sinh ngày 26.7.1978 tại Anh quốc. Theo tiến trình này, một phụ nữ được dùng thuốc kích thích cho buồng trứng sinh sôi nảy nở nhiều hơn. Sau đó, những trứng này được hút ra theo cách thức phẫu thuật. Những trứng này được nuôi dưỡng và cho tiếp xúc với tinh trùng trong khoảng mười hai cho đến mười tám giờ để cho việc thụ tinh hoạt động. Sau 48 đến 72 giờ, trứng được thụ tinh trở thành một phôi mới chỉ có từ 4 đến 8 tế bào. Phôi này được chuyển di vào tử cung người phụ nữ qua ống dẫn bằng cao su mềm. Nếu thành công việc cấy phôi thai vào tử cung, thì sẽ xuất hiện kết quả trứng đậu hay không trong vòng hai đến ba ngày. Trong những trường hợp các phụ nữ bị tắc ống dẫn trứng hoặc người đàn ông có quá ít tinh trùng, thì tiến trình này sẽ giúp cho họ có được một cơ hội chắc chắn để mang thai một đứa con.

Phương pháp IVF có thể áp dụng cho nhiều hạng người khác nhau liên quan đến việc sinh sản con cái. Phương pháp IVF có thể liên quan đến nhiều người hơn là chỉ một mình vợ chồng. Cũng có thể có nhiều người hiến vừa trứng vừa tinh trùng hoặc vừa phôi thai. Có thể có những người mang thai mướn không có cùng gien với đứa con. Chẳng hạn, xét về mặt lý thuyết, có thể xảy ra là có nhiều tác nhân liên quan đến tiến trình sinh sản: người phụ nữ hiến trứng, người đàn ông hiến tinh, bác sĩ thực hiện việc thụ tinh, người đàn bà tình nguyện mang thai đứa trẻ theo hạn định, và vợ chồng sẽ nhận nuôi đứa trẻ.

3. Tạo sinh dòng vô tính (Cloning)

Trong lãnh vực sinh học, người ta có thể nhân giống vô tính cho con người. Danh từ vô tính bởi tiếng Hy Lạp "KLON", có nghĩa là mầm non mọc từ thân cây. Kỹ thuật này được dùng nhiều năm để nhân giống cây, bằng cách cắt một mầm non của cây và đặt trong nước cho đến khi mọc rễ, rồi cấy vào trong đất để mọc thành cây giống hệt như cây mẹ.

Áp dụng cho động vật: lấy một trứng đã già nhưng chưa thụ tinh, rồi tìm cách lấy đi nhân của trứng đó và thay thế nhân bằng nhân của một tế bào thân thể đặc biệt nào đó của một cơ quan đã trưởng thành, thí dụ tế bào ruột hay da. Nhân mới này mang đến cho tế bào trứng đủ bộ của 46 nhiễm sắc thể cần thiết cho sự phát sinh tự nhiên là tổng hợp của 23 nhiễm sắc thể của tế bào đực với 23 nhiễm sắc thể của tế bào của trứng. Khi tế bào trứng đã phân chia ít lần, thì được đặt trong lòng mẹ và ấp.

Áp dụng cho con người. Chúng ta nhắc lại những bước thực hiện tạo sinh vô tính con cừu Dolly. Người ta đã tiến hành 5 giai đoạn:

1. Lấy tế bào từ tuyến vú một con cừu cái có tên là Finn Dorset để nuôi sống trong một ống nghiệm.

2. Lấy trứng của một con cừu cái khác có tên là Blackface, rút bỏ nhiễm sắc thể di truyền (AND) để biến cái trứng đó thành một trứng trống rỗng.

3. Bằng xung điện kết hợp tế bào của Finn Dorset và trứng rỗng của Blackface để thành một phôi thai.

4. Cấy phôi thai này vào tử cung của một con cừu cái thứ ba.

5. Con cừu cái này mang thai và sinh ra một con cừu con giống hệt cừu mẹ Finn Dorset.

Tiến sĩ Wilmut cho biết trong 23 năm với 277 lần thí nghiệm, ông đã tạo được 29 phôi sống được hơn sáu ngày rồi bị chết. Duy nhất có con cừu Dolly được sinh ra. Ông nói rằng nếu pháp luật cho phép, bằng bất cứ tế bào nào của cơ thể con người như từ máu, da, thịt, phèo, phổi, tim, gan... phương pháp sinh sản vô tính có thể tạo ra những con người như bản sao của chính mình, và có khả năng tạo ra hàng loạt theo ý muốn. Những tế bào còn tốt của những xác ướp có thể được nhân bản và làm tái xuất hiện những vua chúa tiền nhân.

 

III. Nguyên Nhân

 

1. Do tình trạng vô sinh hay hiếm muộn nơi các vợ chồng

Vô sinh là hiện tượng trái tự nhiên trong đời sống sinh lý của con người. Nó là nóăi khổ tâm của những cặp vợ chồng muốn có con cái và muốn nghe dưới mái ấm gia đình rộn rã tiếng cười trẻ thơ. Từ lâu, các nhà khoa học đã lao tâm khổ trí để tìm hiểu, nghiên cứu những nguyên nhân dẫn đến vô sinh, với hy vọng giúp chữa trị cho những cặp vợ chồng lâm vào hoàn cảnh bị vô sinh hay hiếm muộn.

Theo một thống kê mới đây, người ta cho biết rằng:

Có 21% của tổng số những cặp vợ chồng hiếm muộn là do nam giới, với những nguyên nhân như: không có tinh trùng, tinh trùng quá ít, tinh trùng không di chuyển tốt, tinh trùng không bình thường (dị dạng), hoặc quá nửa tinh trùng đã chết hay có những rối loạn về xuất tinh...

Có 33% vô sinh do nữ giới, với những nguyên nhân như: không có hiện tượng thụ tinh, hoặc thụ tinh thất thường, bị tắc hoặc bệnh lý ở vòi trứng làm cho tinh trùng không thể gặp noãn (trứng), niêm dịch cổ tử cung không đủ hoặc không thuận lợi để tinh trùng đi qua, nội mạc tử cung kém phát triển cản trở sự thụ tinh hoặc sự làm tổ...

Có 39% vô sinh là do cả hai vợ chồng, ví dụ như người vợ đã có hiện tượng rụng trứng không đều lại gặp người chồng có số lượng tinh trùng quá ít. Hoặc tinh trùng đã di động kém lại phải đi qua một lớp niêm dịch cổ tử cung không thuận lợi...

Có 7% số trường hợp vô sinh không thể giải thích được hay còn gọi là vô sinh tâm lý, ví dụ như một số phụ nữ thực sự cho mình khó có thể trở thành người mẹ.

Người ta cho biết rằng ngày nay, cứ một trong bảy phụ nữ thì có một người đi khám về vô sinh. Giải thích điều này, trước hết, các chuyên gia cho rằng phụ nữ đã để cho tuổi sinh sản của họ trôi đi (tuổi tác là nguyên nhân đầu tiên của vô sinh, dưới 35 tuổi là giai đoạn lý tưởng để sinh con). Tiếp đến, nam giới đang giảm dần khả năng sinh sản của họ (trong 20 năm gần đây, số lượng tinh trùng giảm khoảng 2% mỗi năm, có thể là do môi trường ô nhiễm). Cuối cùng là do các cặp vợ chồng ngày càng ỷ lại vào Y học, vào công nghệ sinh sản mới.

 

2. Do một số nguyên nhân khác như sau:

Người ta muốn áp dụng phương pháp sinh sản vô tính cho con người với rất nhiều lý do như ưu sinh: để chọn một giống khoẻ mạnh, một giống tài năng, giống đẹp, hoặc muốn chọn giống cho đứa con; muốn có một đứa con mang di sản di truyền của chồng hay vợ; hoặc làm nguồn dự trữ các cơ quan con người khi cần thay thế; để tổ chức cả đạo binh tinh nhuệ hùng mạnh, để tăng thêm sự hiểu biết về loài người; hoặc vì lo sợ đứa con bị dị tật, muốn tránh các bệnh tật di truyền của gia đình...

Người ta còn viện dẫn lý do rằng người phụ nữ có thể tự chọn lựa các phương pháp thụ tinh nhân tạo để cung cấp tế bào gốc hay tế bào mầm, với mục đích chữa bệnh cho người thân. Những cặp phụ nữ đồng tính luyến ái muốn có con, muốn làm mẹ mà không cần đàn ông.

Một bài khảo cứu về phát triển dòng vô tính của tập san Time, số phát hành ngày 19.2.2001, tường thuật trường hợp của ông Randolfe Wicker, 63 tuồi, phát ngôn viên của Quỹ Tài trợ Phát Triển Dòng Vô Tính (Human Cloning Foundation). Ông này định giữ lại một số tế bào da của chính ông để sau này phát triển dòng vô tính. Ông nói: "Nếu tôi không được phát triển con người tôi bằng dòng vô tính trước khi tôi chết, tôi sẽ sắp đặt dùng gia tài của tôi để lại để làm việc đó". Theo tờ Time, ông Wicker là một người đồng tình luyến ái, rất bất mãn vì không có con.

Những cặp vợ chồng hay những người tuyệt vọng sau cái chết của con cái họ, nay họ muốn nhờ phương pháp sinh sản vô tính để có được một đứa con giống như đứa con đã chết. Chẳng hạn như một giáo sư tài ba người Mỹ bị mất đứa con duy nhất, đã giao vài lọn tóc của con cho ngân hàng "AND Cells for Life" với hy vọng làm sống lại gen của con gái.

Hoặc một trường hợp khác như Linda Rader, một nữ giáo viên 40 tuổi, ở California đã có một con gái 13 tuổi. Nhưng bà mong muốn có thêm một con trai. Bà mãn kinh sớm, bà không muốn nhờ đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm: "Tôi không muốn một người thứ ba tham gia vào việc tượng hình đứa trẻ này. Phải nhờ đến trứng của người phụ nữ xa lạ là một trò may rủi về di truyền. Tôi thích sinh sản vô tính tế bào của chồng tôi. Ít ra, tôi biết anh ấy" . Những chủ trương thực hiện phương pháp sinh sản vô tính nhằm mục đích trị liệu; nghĩa là sinh sản vô tính phôi để trích lấy tế bào gốc cấy vào cơ thể các bệnh nhân, với hy vọng chữa trị những căn bệnh nan y nào đó.

 

3. Do sự lôi cuốn bởi những kỹ thuật tạo sinh hiện đại

Trong bối cảnh văn hóa xã hội hiện đại khi mà nghành sinh-y học phát triển mạnh mẽ, với những khám phá tân kỳ của khoa học kỹ thuật, nhiều nhà nghiên cứu đã liều lĩnh bỏ qua chiều kích luân lý tự nhiên của chính mình và nhiều khi họ bị cưỡng bức lôi cuốn trở nên những tác nhân thực hiện việc tạo sinh thay thế cho vợ chồng và xử lý trên sự sống. Họ phản bội lời thề Hippocrate cổ xưa, một lời thề đòi buộc tất cả mọi bác sĩ tuyên hứa tuyệt đối tôn trọng sự sống con người và đặc tính thánh thiêng của sự sống đó. Nhất là trong vài thập niên gần đây, trước những khám phá mới mẽ của nghành sinh-y học về các kỹ thuật tạo sinh, người ta bị cám dỗ không cưỡng lại được, để rồi người ta lao mình vào những cuộc thí nghiệm vô đạo đức, phi luân lý, chẳng hạn như việc sử dụng các phôi thai người làm "vật tư sinh học" cho những cuộc thí nghiệm - nghiên cứu, với lý do được viện dẫn là nhằm lợi ích cho sự tiến bộ của việc nghiên cứu sinh y.

Ðức Gio-an Phao-lô II đã nói rằng: "Chính việc nghiên cứu y học, một lãnh vực đầy quyến rũ và tiên báo nhiều lợi ích mới mẽ vĩ đại cho nhân lọai [...], kỳ thực những việc này không còn phục vụ con người nữa, khi chối bỏ phẩm giá bất khả xâm phạm của con người và tự biến mình thành những thực thể áp chế con người trong khi lại có vẻ giúp đỡ con người"

Ðức Thánh Cha còn cho thấy mặt trái của các kỹ thuật truyền sinh nhân tạo rằng: "Ngay cả các kỹ thuật truyền sinh nhân tạo khác nhau, là những kỹ thuật dường như phục vụ sự sống và là những thực hành nhắm đến mục tiêu này, thực tế cũng đang mở ra những cách thức mới chống lại sự sống. Ngoài việc các kỹ thuật này không thể chấp nhận được về mặt luân lý, bởi vì chúng tách rời sự truyền sinh thuộc lãnh vực hoàn toàn nhân bản khỏi hành vi vợ chồng, chúng còn có tỷ lệ thất bại cao, không những trong việc thụ tinh mà còn trong việc phát triển sau này của phôi, có nguy cơ tử vong trong thời gian thường là rất ngắn. Hơn nữa, đôi khi người ta sản xuất phôi với số lượng nhiều hơn nhu cầu để cấy vào tử cung của người phụ nữ và các phôi dư này, như người ta gọi, sau đó bị loại bỏ hoặc được dùng cho những cuộc nghiên cứu dưới danh nghĩa vì sự tiến bộ khoa học hoặc y học. Thực ra, đây là những cuộc nghiên cứu biến sự sống con người thành một thứ "chất liệu sinh học" đơn giản mà người ta có thể tùy ý sử dụng một cách tự do".

 

4. Do con người quá tin tưởng hay ỷ vào khả năng của những kỹ thuật tạo sinh nhân tạo.

Từ muôn thuở, việc tạo sinh thực chất là hành vi đặc thù của vợ chồng. Tuy nhiên, ngày nay việc tạo sinh một đứa bé có thể diễn ra do động tác của các bác sĩ, hay những nhà sinh học, trong một cái ống của nhà thí nghiệm. Tuy hiệu năng của các phương pháp tạo sinh nhân tạo khác nhau còn rất thấp, nhưng nghành sinh-y học đã cho phổ biến rộng rãi một số kết quả mà người ta cho là kỳ diệu, để từ đó những người phụ nữ độc thân muốn làm mẹ, các vợ chồng vô sinh khát vọng có con và nhiều gia đình muốn chọn lựa giống tốt, ưu sinh hoặc tránh bệnh di truyền, hoặc muốn nhân bản hay sao chép lại chính bản thân người chồng hay người vợ hoặc đứa con yêu dấu của họ đã bị chết, đã đi chọn lựa các phương pháp kỹ thuật tạo sinh như: thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm... hoặc là tạo sinh dòng vô tính. Họ chỉ muốn thực hiện bằng mọi giá để có một đứa con, bất chấp phương diện đạo đức luân lý và lờ đi cả những giá trị của hôn nhân cũng như quyền của đứa con phải được thụ thai, được cưu mang và được sinh ra do hôn nhân.

 

5. Do quan niệm lệch lạc về quyền tự do dân chủ

Ngày nay, xã hội con người đang chủ trương một quan niệm về tự do không phải để làm điều thiện, mà là một sự tự do muốn làm gì thì làm, kể cả những hành vi phi luân lý đạo đức. Bởi vậy, xã hội hôm nay đang bị xáo trộn nghiêm trọng, vì cái khuynh hướng giải thích các tội ác chống lại sự sống như là những biểu lộ hợp pháp của tự do cá nhân mà người ta sẽ phải công nhận và bảo vệ như là những quyền thực sự.

Trong khi Thiên Chúa ban tự do cho con người, một sự tự do bao hàm chiều kích liên hệ chủ yếu phải được dùng để phục vụ con người và hoàn thành con người do chính việc tự hiến và tiếp nhận tha nhân, thì trái lại, người ta chủ trương tuyệt đối hóa chiều kích tự do cá nhân chủ nghĩa: tự cho mình quyền quyết định mọi sự, tự do chọn lựa bất cứ phương pháp tạo sinh nào, miễn là đạt được "cái mà người ta muốn", chứ không cần xét tới hậu quả của cái đó là gì. Rốt cuộc, tự do bị mất đi ý nghĩa đầu tiên của nó, rồi chính ơn gọi và phẩm giá của nó cũng bị chối bỏ. Tự do không còn công nhận và tôn trọng mối dây cấu thành nó với sự thật, khi tự do chối bỏ chính mình, tự do loại bỏ các giá trị muôn thuở của hôn nhân, xâm phạm quyền sống của con người và hủy hoại tha nhân.

Ðức Thánh Cha cho thấy sự mâu thuẫn về quan niệm tự do của con người ngày nay rằng: "Ngày nay, người ta đi đến một khúc quanh những hậu quả bi thảm trong một quá trình lịch sử dài là quá trình ngày nay đang đứng trước một sự mâu thuẫn đáng ngạc nhiên: vào một thời kỳ mà người ta long trọng công bố những quyền bất khả xâm phạm của con người và công khai khẳng định giá trị của sự sống, thì chính cái quyền được sống thực ra lại bị từ chối và xâm phạm, nhất là trong những lúc có ý nghĩa nhất của cuộc sống, đó là khi sinh ra và khi chết"

Ngài nói tiếp: "Nguồn gốc của sự mâu thuẫn giữa việc long trọng khẳng định quyền con người với sự phủ định bi đát các quyền này trong thực tế nằm ở cách quan niệm về tự do. Quan niệm này tuyệt đối ca tụng cá nhân và không chuẩn bị cho cá nhân có được sự liên đới, sự tiếp nhận không đắn đo cũng như sự phục vụ tha nhân".

Với một quan niệm về tự do như thế, đời sống con người trong xã hội đang bị biến chất sâu sắc: xã hội sẽ trở thành một tổng thể những cá nhân đứng bên nhau, không còn mối liên hệ gì với nhau; mỗi người, dựa vào quyền tự do của mình, muốn tự khẳng định mình biệt lập với người khác, muốn đề cao tư lợi của riêng mình và muốn thao túng người khác. Từ đó, dẫn đến điều gì cũng là vấn đề quy ước, điều gì cũng là thương lượng được, kể cả quyền đầu tiên trong các quyền căn bản đó là quyền được thụ thai và được cưu mang, được sinh ra và được sống của đứa con trong hôn nhân và do hôn nhân cũng như quyền được sống của mọi con người. Ðiều này đã được Ðức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nói rõ rằng:

"Trên thực tế, việc ấy cũng đang xảy ra trong phạm vi chính trị nói riêng của Nhà nước: quyền được sống, một quyền nguyên thủy và bất khả nhượng, mà vẫn bị đưa ra thảo luận và phủ quyết, dựa trên sự biểu quyết ở Nghị viện hoặc ý muốn của một phần dân chúng -có thể là một phần lớn nữa. Ðó là kết quả bất hạnh của chủ nghĩa tương đối đang hoành hành mà không hề bị chống đối: cái quyền mà hết còn là một quyền, vì nó không còn được đặt vững chắc trên phẩm giá bất khả xâm phạm của nhân vị, nhưng lại bị người ta bắt lệ thuộc ý muốn của kẻ mạnh hơn. Thế là nền dân chủ, mặc dầu có nguyên tắc đấy, nhưng lại đi tới một chủ nghĩa chuyên chế có hạn. Nhà Nước không còn là "ngôi nhà chung" mà ở đó, ai cũng có thể sống theo những nguyên tắc bình đẳng căn bản, nhưng nó đã biến thành nhà nước độc tài bá đạo, với những tham vọng có thể quyết định về sự sống của con người yếu kém và những con người không có chi bảo vệ, từ hài nhi chưa sinh ra đến người già cả, nhân danh lợi ích công cộng mà thực chất chỉ là lợi ích của một số người thôi".

 

6. Do sự thiếu vắng ý thức về Thiên Chúa và ý thức về con người

Có thể nói được rằng có một nguyên nhân, trên hết mọi nguyên nhân, đang gây đảo lộn cuộc sống của con người trong thế giới hôm nay, đó là do con người thiếu vắng ý thức về Thiên Chúa và ý thức về con người. Vì lý do đó, xã hội con người đưa tới chủ nghĩa duy vật thực dụng, khiến cho chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa duy ích và chủ nghĩa khoái lạc lan rộng. Con người chỉ lo việc "hành động", nhờ vào mọi khả năng kỹ thuật và họ cố gắng tối đa để đạt được chương trình, kiểm soát, khống chế sự sinh tử của con người mà không còn quy chiếu về Thiên Chúa nữa.

Nhà vật lý sinh học Gregori Stock của Ðại học California ở Los Angeles đã nói, sau khi nghành sinh y học đã khám phá ra được liệu pháp gen mới, rằng: "Như vậy, cuộc sống của gia đình sẽ bước vào giai đoạn mới. Chúng ta đã chiếm được quyền kiểm soát sự tiến hóa của Thượng Ðế".

Khi không còn quy hướng về Thiên Chúa nữa, con người sẽ không còn công nhận chân lý về cuộc sáng tạo của Thiên Chúa và cũng như không tôn trọng hay nhìn nhận quyền tạo sinh của Thiên Chúa được thiết lập nơi bản tính người nam và người nữ. Lúc đó, người ta chủ trương việc tạo sinh chỉ còn là hành vi thuần tuý của kỹ thuật khoa học, tức là hành vi tạo sinh chỉ do kỹ thuật của con người chủ trì và sự sống mới được sinh ra chỉ là kết quả của con người.

Ðức Gio-an Phao-lô II nói về nguyên nhân cội rễ sâu xa nhất của tấn thảm kịch mà con người hiện đại đang sống, rằng:

"Sự khuất bóng ý thức về Thiên Chúa và ý thức về con người là đặc điểm của tình hình xã hội và văn hoá mà chủ nghĩa tục hoá đang thao túng, chủ nghĩa này, với những cái vòi vươn dài, đôi khi đã thử thách những cộng đoàn Ki-tô giáo. Những ai tự để mình lây nhiễm tâm trạng ấy, sẽ dễ bị lôi cuốn vào cơn lốc của một vòng xoáy đồi bại kinh khủng: bỏ mất ý thức về Thiên Chúa, người ta lao tới chỗ đánh mất cả ý thức về con người, về phẩm giá và sự sống con người".

 

IV. Hậu Quả

 

1. Ðối với phương pháp thụ tinh nhân tạo

Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo nảy sinh ra hàng loạt hậu quả riêng của nó. Các nhà thần học luân lý Công Giáo đã tranh luận về những phương tiện khác nhau để lưu giữ tinh dịch của người chồng. Theo phương pháp thụ tinh nhân tạo với tinh trùng của một người hiến vô danh (AID), nhiều nhà thần học luân lý e ngại rằng trong trường hợp của một cặp vợ chồng, việc đưa tinh dịch của đệ tam nhân vào hoạt động thụ thai của vợ chồng thì đã phạm đến luật hôn nhân. Trong trường hợp của người phụ nữ độc thân, các nhà phê bình cáo buộc: Thật là bất công khi sinh đứa trẻ ra mà chúng không có quyền biết ai là cha của nó. Về mặt thực tế, đứa trẻ mang nhiều mối bất lợi khi không có những thông tin liên quan đến những nguồn bệnh-sử, điều này có thể rất quan trọng trong cuộc đời sau này của nó. Các nhà luân lý cũng rất lo lắng về những hoạt động của việc hiến tinh: Việc hiến tinh hoặc việc bán tinh trùng thường sinh ra một đứa trẻ mà người ta sẽ không bao giờ biết đứa con đó có hợp với đạo đức hay không?

Một nhận định cuối cùng có thể tác động đến nhiều người ra như thể hoàn toàn khó tin, ngoại trừ trường hợp đã xảy ra rồi. Một người hiến tinh có thể thực sự là người cha của rất nhiều đứa con cùng huyết thống với ông. Trong một trường hợp nổi tiếng, một bác sĩ chuyên thụ tinh nhân tạo đã dùng chính tinh trùng của ông để cấy vào bệnh nhân của ông. Ðiều này có thể sinh ra nhiều trường hợp anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha sau này cưới nhau mà không biết.

Phương pháp AID có thể áp dụng cho tình trạng của những bà mẹ mang thai mướn, trong đó người phụ nữ (trường hợp đó được kể đến như là "người thế mẫu") được thụ tinh nhân tạo đồng thời thỏa thuận việc giao trả lại đứa con cho người hiến tinh và vợ của ông, khi bà ấy sinh đứa trẻ ra. Những cuộc xếp đặt như thế có thể gây ra khó khăn về mặt đạo đức, tình cảm và pháp lý càng gia tăng. Trước hết, xét theo bình diện đạo đức, những ai phản đối cách thức thực hiện này đều cho rằng toàn bộ tiến trình này giản lược đời sống con người như là một món hàng được sản xuất và mua bán. Việc này cũng có thể dẫn đến tình trạng khai thác phụ nữ nghèo khổ. Những người khác cho rằng những cuộc dàn xếp không đếm kể đến mối tương giao về tình cảm do người mang thai mướn hình thành cho đứa trẻ trong suốt chín tháng cưu mang. Những nhà chuyên môn pháp lý phản đối sự hợp lý của những thỏa thuận như thế. Có phải việc thực hiện này chẳng khác gì với hình thức buôn bán trẻ em hay không? Nếu vậy, một thỏa thuận nhằm thực hiện một hành vi bất hợp pháp không có hiệu quả ràng buộc về mặt pháp lý và như thế những thỏa thuận mang thai mướn sẽ không đặt trên nền tảng pháp lý.

 

2. Ðối với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)

Toàn bộ tiến trình này ảnh hưởng đến thể lý, tình cảm cũng như tài chính. Trước hết, người phụ nữ phải trải qua thời gian điều trị hóc-môn với mục tiêu sản sinh thêm trứng và sau đó có những cơ hội chắc chắn để cấy tạo trứng đã thụ thai vào tử cung. Tiến trình này đòi hỏi họ cần phải tiêm chích hằng ngày. Một số nhà phê bình e ngại rằng việc điều trị hóc-môn có thể gây ra bệnh ung thư tử cung nơi nhiều người phụ nữ. Bệnh trụy tim và cơn tuyệt vọng có nguy cơ xảy đến cho nhiều người vì phần lớn các chuyên gia đề ra mức độ thành công vào khoảng giữa 15% và 20% đối với tất cả mọi phụ nữ bắt đầu bước vào một chu kỳ IVF. Cuộc thử nghiệm tốn mất vài ngàn đô-la, nên phương pháp IVF là tiến trình tốn kém rất nhiều tiền của, nó chẳng được bù lỗ bằng bảo hiểm y tế bệnh nhân.

Bởi vì, tiến trình IVF đòi hỏi bệnh nhân có tình trạng sức khoẻ tốt đồng thời tâm lý phải ổn định, nên nhiều bệnh viện thực hiện phương pháp IVF đã phát huy một số phương pháp khác nhằm làm giảm số lần thử nghiệm thụ tinh mà một người phụ nữ cần phải áp dụng. Một ví dụ điển hình có thể được trưng dẫn ra đây: Một bác sĩ có khả năng thu hoạch được sáu trứng của một người phụ nữ và rồi năm trứng được thụ tinh trong dĩa biến hoá. Bác sĩ đưa ba trứng được thụ tinh vào lại trong cơ thể người phụ nữ. Tiến trình này có vẻ đi ngược lại với qui luật tự nhiên. Bác sĩ sẽ đưa ba trứng được thụ tinh vào lại cơ thể với hy vọng rằng một hoặc hai sẽ đậu thai. Trong vài trường hợp, tất cả các trứng được thụ tinh đều đậu thai cả. Trong trường hợp đó, chúng ta khám phá ra một trong những điểm mà cuộc tranh luận này đụng chạm đến cuộc thảo luận về việc phá thai. Tiến trình IVF này hiếm khi liên quan đến việc thụ tinh và đến việc để một trứng duy nhất lại chỗ cũ. Việc đó sẽ tạo ra một tiến trình dài hơn, tốn kém nhiều hơn và đòi hỏi phải có nhiều sức khỏe hơn nhưng nó ít đạt được hiệu quả thành công.

Tuy nhiên, việc thụ tinh các trứng làm nảy sinh ra nhiều vấn đề về mặt đạo đức. Người ta nên chú ý rằng: không phải tất cả các bệnh viện đều thực hiện phương pháp IVF để làm đông lạnh các phôi thai; một số các bệnh viện chỉ thực hiện việc thụ tinh ở một số trứng đồng thời đưa tất cả các trứng được thụ tinh vào cơ thể người phụ nữ. Nếu năm trứng được thụ tinh và chỉ có ba trứng được đưa vào lại trong cơ thể người phụ nữ, hai trứng đang còn thụ tinh có thể được đông lạnh. Nếu không có trứng nào trong ba trứng được cấy vào cơ thể, còn hai trứng này được thụ tinh rồi có thể đưa vào cơ thể người phụ nữ mà không cần phải thực hiện một chu trình IVF nào khác nữa. Nhiều người lo ngại về tiến trình này có thể nảy sinh ra lắm vấn đề. Trước tiên, quá trình làm tan lạnh có thể gây ra nhiều hiểm hoạ.

Theo báo cáo của Richard Mc Cormick, với thủ thuật làm tan băng, thì từ 30% cho đến 40% trứng không thể sống sót nổi. Liệu điều kiện bất thường như thế có làm cho việc đông lạnh những trứng đã thụ tinh rồi trở thành hành vi vô luân hay không? Thứ đến, giả sử hai trong ba trứng đậu thai và người đàn bà sinh ra được hai đứa con mạnh khoẻ, sau đó vợ chồng họ không muốn sinh con nữa. Vậy, điều gì sẽ xảy đến cho hai trứng đông lạnh đã được thụ tinh rồi? Nó có thể được dùng để nghiên cứu hay không? Nó có thể bị hủy hoại hay không? Ðiều này đã đặt ra nhiều vấn đề về tình trạng của những phôi thai đông lạnh mà người ta thấy có một mối dây liên hệ trực tiếp giữa những cuộc tranh luận về các kỹ thuật truyền sinh với vấn đề phá thai.

 

3. Ðối với phương pháp sinh sản vô tính nơi con người (Human Cloning)

Nếu áp dụng phương pháp sinh sản vô tính cho con người thì sẽ đặt ra nhiều vấn đề về đạo đức, về tôn giáo, xã hội, pháp luật, tâm - thể lý... Bởi vì, nếu đứa trẻ ra đời thì sẽ không có cha mẹ, nó chỉ là một bản gốc, một tế bào lấy từ người nào đó muốn làm bản sao cho chính mình. Nó sẽ được yêu thương, chăm sóc, đùm bọc thế nào khi thực sự không có ai là cha mẹ cả? Ðâu là gia đình của nó? Xã hội sẽ coi nó là gì và đối xử với nó ra sao? Nếu đứa trẻ được sinh ra từ tế bào của người đã chết thì cả người làm bản gốc cũng không còn sống để nhận bản sao của mình. Ðứa trẻ phát triển ra sao? Và nhất là linh hồn của đứa trẻ thế nào? Phải chăng đó là một phần linh hồn của người cho bản sao?

Kỹ thuật sinh sản vô tính trên con người còn nảy sinh ra hàng loạt hậu quả nghiêm trọng khác cho con người. Theo giáo sư Jean - Paul Renard, thuộc Viện Quốc Gia Nghiên Cứu Nông Học Pháp:

"Ðể sinh sản vô tính một con người, cần một nhóm tiến hành gồm 5 người và khoảng 123.000 đô-la dụng cụ. Nhóm này gồm một nhà khoa học từng làm việc về sinh sản vô tính nơi loài vật và một chuyên viên về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Khó khăn chính là phải thực hiện thí nghiệm nhiều lần".

Cần nhắc lại về trường hợp con cừu Dolly: người ta phải mất 277 lần cấy thí nghiệm thì mới cho ra được con cừu Dolly, một con cừu cái béo phì và có dấu hiệu già sớm trước tuổi. Thật vậy, đa số phôi từ sinh sản vô tính đều không sống cho đến hết hạn kỳ và những phôi sống sót lại mang đủ loại dị tật ở thận, tim, phổi, não, dị dạng thể xác hay suy yếu hệ miễn dịch.

Về nguyên do của hậu quả tệ hại này, các khoa học gia cứ ngờ rằng có một sai lầm trong lập trình tế bào của người hiến tặng. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Nơi loài bò, mà hiện nay là loài có vú dễ tiến hành sinh sản vô tính nhất, cũng cần phải ghép bình quân 200 phôi thì mới cho ra được 7 con bê không bị dị tật. Nơi loài chuột, tỷ lệ thành công còn kém hơn 6 lần so với loài bò. Còn nơi con người, tỷ lệ ấy chỉ xấp xỉ 3%. Ðể cho ra đời một em bé bình thường, người ta cần sử dụng tối thiểu 100 noãn bào. Nghĩa là phải tuyển 20 phụ nữ cho noãn và phải tiến hành kích thích buồng trứng bằng hoóc-môn (Hormone) để có được bình quân 10 noãn bào mỗi phụ nữ. Việc kích thích không hoàn toàn vô hại: mỗi phụ nữ được tiêm hoóc-môn và chọc hút trứng trong vòng 15 ngày đến 3 tuần. Nhiều tác dụng phụ có thể xảy ra cho người phụ nữ như: tăng cân, cơn bốc hỏa và cả nguy cơ tử vong trong trường hợp tăng kích thích buồng trứng. Người mang thai hộ có thể bị sẩy thai hay phải nạo thai. Khoảng 30% đứa bé bị chết ngay trước hoặc sau khi ra đời.

Kỹ thuật sinh sản vô tính còn nảy sinh ra những hậu quả khác nữa. Phương pháp này cần nhiều noãn, đưa đến nguy cơ buôn bán noãn bào. Tại một số quốc gia, nhiều phụ nữ đã đi bán noãn bào của mình để kiếm tiền. Tại Pháp, Luật chỉ cho phép tặng noãn, cho nên các cơ sở y tế gặp phải tình huống thiếu noãn để thực hiện việc thụ tinh trong ống nghiệm. Theo giáo sư Jacques Testard, giám đốc nghiên cứu của Viện quốc gia về sức khỏe và nghiên cứu y học của Pháp (INSERM), người cho ra đời đứa bé Pháp đầu tiên bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm: "Chypre là trung tâm buôn bán noãn. Từ nhiều năm nay, một bác sĩ phụ khoa người Mỹ vẫn đưa các phụ nữ trẻ người Nga đến đây bằng máy bay riêng, tại đây các phụ nữ này bán noãn bào cho ông ta". Tại Mỹ, người cho noãn được trả thù lao gần 1000 đô-la, một số rao vặt bán noãn xuất hiện trên Internet. Nguy cơ trên cũng sẽ có thể xảy ra đối với phương pháp sinh sản vô tính.

Tờ Washington Post hôm 7.3.2001 tường thuật rằng 95% đến 97% những cố gắng phát triển dòng vô tính nơi súc vật đã thất bại. Dựa trên kinh nghiệm rút ra từ thử nghiệm trên súc vật, tờ Washington Post thuật lại những lời của các chuyên gia thú nhận rằng trong 100 cuộc thử nghiệm nơi người thì hầu như tất cả sẽ hư hỏng vì những lý do về gien hay vật lý bất thường, gây nguy hiểm đến tính mạng của các bà mẹ.

Bài tường thuật của tờ Washington Post còn nói rằng vài trường hợp sống sót sẽ có nhau lớn quá cỡ, có gan nhiễm mỡ. Ba hay bốn hài nhi sống sót sẽ có tầm vóc quá mức bình thường, nặng đến 7 ki-lô-gam và sẽ chết sau một hai tuần đầu tiên vì tật bẩm sinh tim mạch, vì phổi không phát triển, vì bệnh tiểu đường hay bệnh thiếu miễn nhiễm (immune system deficiencies). Các khoa học gia nói rằng nếu được đưa vào phòng hồi sức, may ra 1 trong 100 trường hợp sẽ sống sót và mang những đặc tính của đa số súc vật được phát triển bằng dòng vô tính như rốn to quá cỡ, tàn tích của cuốn nhau to lớn, được tìm thấy mà không giải thích được, trong những trường hợp thụ thai bằng dòng vô tính.

Theo tờ Washington Post, nhiều người nghĩ rằng vấn đề này liên hệ đến một "dấu in sâu" (imprinting) của gien - một cơ chế chưa được hiểu rõ của tế bào tinh trùng (spermatozoid) và noãn sào (ovum) - chuyển biến sau khi hai tế bào này kết hợp làm nên trứng phát triển thành phôi thai. Vì trong phát triển dòng vô tính không dùng tinh trùng và noãn sào nên không có "dấu in sâu" DNA, do đó, có vấn đề. Vả lại hiện nay, chưa có cách nào để biết được gien của tế bào phôi thai cấy bằng dòng vô tính có "dấu in sâu" hay không, cho nên, không thể loại bỏ những phôi thai xấu, dẫu có được sự chấp thuận trên phương diện đạo đức đi nữa.

Tờ New York Times cũng nghiên cứu vấn đề này trong số ra ngày 25.3.2001 và theo bác sĩ Brigid Hogan, một giáo sư về sinh học tế bào thuộc Trung Tâm Y Khoa Ðại Học Vanderbilt ở Nashville, bang Tennessee và là một điều tra viên của Viện Y tế Howard Hughes Hoa Kỳ, thì "đứng về phương diện đạo đức học, chúng ta không thể nào bênh vực được cho phát triển dòng vô tính con người trong hoàn cảnh hiện nay". Tờ Guardian tường thuật hôm 29.3.2001 rằng một khoa học gia khác, ông Ivan Wilmut, nhân vật hậu thuẫn cho cuộc phát sinh con cừu Dolly bằng dòng vô tính, đã lên án việc áp dụng dòng vô tính trên con người vì tỷ số thất bại rất cao khi áp dụng trên súc vật. Ông Welmut nói: "Thật là vô cùng thô bạo đối với các bà mẹ và con của họ".

Trong một bài đăng trên tập san Science ở Hoa Kỳ, Ông Welmut tố cáo dự định ứng dụng phát triển dòng vô tính trên con người của những chuyên gia về hiếm muộn người Ý là Antinori và người Hoa Kỳ là Zavos. Ông Wilmut cảnh cáo rằng, bốn năm thử nghiệm trên súc vật đã cho thấy kỹ thuật phát triển dòng vô tính còn có nhiều thiếu sót gây nên một số sẩy thai và tật bẩm sinh khổng lồ và không có lý do nào để tin rằng hậu quả của phát triển dòng vô tính trên con người sẽ khá hơn. Một số khoa học gia còn chứng minh được rằng phát triển dòng vô tính trên con người có thể tạo nên những quái thai.

 

Phó Tế Nguyễn Văn Tâm, DCCT

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 78 năm 2002)

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page