Gợi ý mục vụ
trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Ðề tài 6
Ðối thoại xã hội
truyền thông lòng thương xót
Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót
Ðề tài 6. Ðối thoại xã hội: truyền thông lòng thương xót
Cần không ngừng chiêm ngắm Dung mạo Lòng Thương Xót mầu nhiệm của Thiên Chúa, vì đó là nguồn suối của hoan lạc, thanh bình, và bình an. Ơn cứu độ của chúng ta tùy thuộc điều đó. Thương Xót tỏ lộ chính mầu nhiệm của Ba Ngôi Ngàn Trùng Chí Thánh, là hành động tối thượng và tối hậu của Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta. Từ đó, Thương Xót trở thành luật cơ bản trong con tim của kẻ chân thành nhìn sâu vào ánh mắt của anh chị em mình trên hành trình cuộc đời. Ðó chính là ý nghĩa và môi sinh trong lành nhất cho mọi cuộc gặp gỡ và đối thoại trong gia đình và xã hội. Như thế, Thương Xót vừa là chiếc cầu nối Thiên Chúa và con người, mở ra niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi dẫu chúng ta bất xứng vì phạm tội, vừa là thông điệp tin mừng cuối cùng muốn loan báo. Ðối với Kitô hữu, mọi cuộc đối thoại ở mọi cấp độ thuộc mọi lãnh vực (trong gia đình, giữa các gia đình, tại môi trường nghề nghiệp, với người nghèo, với xã hội, với văn hóa, liên tôn, trong kinh tế-chính trị...) đều là đối thoại cứu độ.
1. Ðối thoại cứu độ
Từ sau Công Ðồng Vatican II, quan hệ giữa Hội Thánh và thế giới hôm nay vẫn luôn được đặt nặng và theo đuổi trong tinh thần đối thoại. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhìn nhận "tính cách quan trọng của đối thoại như một thể thức đặc trưng của đời sống Hội Thánh tại châu Á"[1]. Ước muốn đối thoại không phải là một chiến lược để sống chung hòa bình giữa các dân tộc, nhưng là phần thiết yếu trong sứ mạng của Hội Thánh[2], vì nhằm thông chuyển Tình yêu thể hiện qua Lòng Thương Xót muốn cứu độ. Ðó là đối thoại của Thiên Chúa Cha ban ơn cứu độ với nhân loại, qua Chúa Con trong quyền năng Chúa Thánh Thần, thể hiện nơi Hội Thánh, Thân Thể huyền nhiệm và là Bí tích phổ quát của Chúa Kitô.
Hội Thánh chỉ có thể chu toàn sứ mạng theo đường lối hành động của Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô. Người đã thành con người, chia sẻ cuộc sống của con người và nói bằng ngôn ngữ loài người để truyền đạt sứ điệp cứu độ. Ðối thoại mà Hội Thánh đề xuất cũng theo cùng đường lối Mầu nhiệm Nhập thể. Chúng ta không quên:
- Sáng kiến đối thoại là của Thiên Chúa (1Ga 4,10). Ðến lượt chúng ta phải có sáng kiến nới rộng cuộc đối thoại đó đến mọi người. Hội Thánh không chờ đợi mà phải đi bước trước.
- Ðối thoại bắt nguồn từ Tình Thương, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa (Ga 3,16). Chỉ có tình yêu, lòng nhiệt thành vô vị lợi thúc đẩy chúng ta, mà không có động lực nào khác.
- Ðối thoại vô cầu (không đo bằng công trạng, hay sự đáp ứng xứng hợp), vô giới hạn, không tính toán, không so hơn thiệt, không định mức cho đối thoại.
- Ðối thoại không cưỡng chế ai đón nhận, nhưng mời gọi yêu thương, khơi trách nhiệm, để con người hoàn toàn tự do hay từ chối. Ðối thoại còn tự thích nghi với nhu cầu và tâm trạng mỗi người.
- Ðối thoại dành cho mọi người, không phân biệt (Cl 3,11).
- Ðối thoại cứu độ là một hành trình tiệm tiến, kiên nhẫn, khởi đầu khiêm tốn, vì "thời gian lớn hơn không gian"[3]: cần thời gian cho sự chín muồi về tâm lý, về lịch sử, biết chờ đợi "thời gian viên mãn", nhưng không triển hạn đến ngày mai cái có thể làm hôm nay. Nhạy cảm với thời cơ thích hợp và ý thức giá trị thời gian. Mỗi ngày chúng ta một đổi mới, bắt đầu lại, không chờ đợi bên đối tác.
2. Ðức tính cần cho đối thoại
Ðối thoại cứu độ có thể nói là một nghệ thuật truyền thông thiêng liêng, nên chủ thể đối thoại cần có những đức tính sau đây trong khi tiến hành đối thoại: minh bạch, dịu dàng, tin tưởng, khôn ngoan.
- Trước tiên là sự minh bạch. Ðối thoại với nhau là để hiểu nhau. Do đó nội dung trao đổi phải rõ ràng, dễ hiểu, không mơ hồ, không úp mở, dẫu phải hết sức tế nhị. Ðối thoại là cách truyền đạt tư tưởng mời gọi vận dụng những khả năng cao nhất của con người.
- Kế đến là sự dịu dàng. Như Chúa Giêsu dạy "hãy học cùng tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" (Mt 11,29). Lời lẽ đối thoại không được tỏ ra kiêu căng, châm chích, gây phật lòng người khác. Sức thuyết phục do uy quyền tự bên trong của chân lý được trình bày, từ tình yêu - thương xót mà nó tỏa ra, từ gương sống động của người đối thoại.
- Ðức tính thứ ba là tin tưởng. Tin vào sức mạnh của lời nói của mình, tin vào sự cởi mở và khả năng đón nhận của đối tác. Lòng tin tưởng khơi gợi mở lòng, tâm sự, tạo tình thân. Tin tưởng kết nối các tâm trí, cùng tâm tình, gắn bó với điều tốt đẹp, loại trừ ích kỷ.
- Sau cùng là sự khôn ngoan. Biết lưu tâm đến tâm trạng và tinh thần của người đối thoại (Mt 7,6). Thích ứng tùy theo đối tượng: có khi là đứa trẻ con, có lúc với kẻ không có văn hóa, khi thì với người trí thức # lưu ý đến những điểm nhạy cảm.
Câu hỏi chia sẻ và thảo luận
1. Trong gia đình, trong khu xóm, làng xã, trường học, trong giáo xứ anh chị, đã và đang có những loại gặp gỡ và đối thoại nào? Có những "nơi" nào cần thúc đẩy, cổ võ đối thoại hơn nữa?
2. Anh chị có cảm thấy niềm vui của tình yêu cứu độ thúc đẩy mình đi ra gặp gỡ đối thoại với mọi người, với cả "kẻ thù ghét" mình không?
3. Người lãnh đạo cộng đoàn của anh chị, và chính anh chị thấy cần chú ý rèn luyện và tập sống đức tính nào nhất trong những đức tính cần cho đối thoại?
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
[1] Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia, 3.
[2] Ibid., 29.
[3] ÐGH Phanxicô, Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin mừng), 222-223. "Thời gian lớn hơn không gian" là một trong bốn nguyên tắc của ÐGH Phanxicô đưa ra trong Tông huấn. Nguyên tắc này giúp ta làm việc chậm mà chắc chắn, không để bị chi phối quá mức bởi kết quả tức thời. Nó giúp ta kiên trì chịu đựng khó khăn và nghịch cảnh, những đổi thay bắt buộc trong kế hoạch của ta. Nó mời gọi ta đối diện và chấp nhận sức căng thẳng giữa cái viên mãn và hoàn cảnh giới hạn hiện tại, và ưu tiên cho yếu tố thời gian (số 223).
Văn phòng HÐGMVN