Gợi ý mục vụ
trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Ðề tài 5
Lao động thể hiện phẩm giá thụ tạo
theo hình ảnh của Ðấng hay thương xót
Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót
Ðề tài 5. Lao động thể hiện phẩm giá thụ tạo theo hình ảnh của Ðấng hay thương xót.
1. Học thuyết xã hội của Hội Thánh Công giáo là công cụ hữu hiệu của Phúc-âm-hoá
Hội Thánh luôn băn khoăn thao thức tìm cách làm sao để công bố Tin Mừng và làm cho Tin Mừng hiện diện trong các mối quan hệ xã hội vốn phong phú mà cũng phức tạp. Công cuộc Phúc-âm-hoá xã hội may mắn có chỉ nam hướng dẫn của Hội Thánh đặc biệt nhất là Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo. Học thuyết xã hội của Giáo hội "tự nó là một công cụ hữu hiệu để Phúc-âm-hoá".[1] Học thuyết xã hội, vốn khai sinh từ những cuộc gặp gỡ luôn mới mẻ của thông điệp Tin Mừng với đời sống xã hội, cho nên đó là một phương cách đặc biệt để Hội Thánh thi hành tác vụ rao giảng Lời Chúa và làm ngôn sứ.[2] "Thật vậy, giảng dạy và phổ biến học thuyết xã hội là những việc làm có liên quan tới sứ mạng Phúc-âm-hoá của Giáo hội và là một phần thiết yếu trong thông điệp Kitô giáo, vì học thuyết ấy cho biết những hậu quả cụ thể của thông điệp này trong đời sống xã hội, cũng như đặt những việc làm hằng ngày và những cuộc đấu tranh cho công lý mỗi ngày vào trong bối cảnh làm chứng cho Ðức Kitô Cứu Thế".[3]
Một lưu ý cần thiết đầu tiên Công đồng nhắc nhở: Giáo hội không lãnh lấy trách nhiệm về hết mọi khía cạnh của cuộc sống trong xã hội mà chỉ lên tiếng trong phạm vi chuyên môn của mình, tức là công bố Ðức Kitô là Ðấng Cứu Chuộc, nghĩa là phạm vi tôn giáo. "Ðức Kitô không để lại cho Giáo hội một sứ mạng thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội; mục tiêu Người trao cho Giáo hội là mục tiêu tôn giáo. Nhưng sứ mạng tôn giáo này có thể là nguồn đưa tới những dấn thân, đường hướng và sức sống để Giáo hội tìm cách thiết lập và củng cố cộng đồng nhân loại cho đúng với luật Chúa".[4]
2. Lao động là chìa khoá của toàn bộ vấn đề xã hội
Ðức Giáo hoàng Thánh Gioan Phaolô II qua thông điệp Laborem Exercens (1981) đã vạch ra một nền linh đạo và đạo đức cho lao động, giá trị căn bản của con người, là nhân tố trên hết của các hoạt động kinh tế và là chìa khoá của toàn bộ vấn đề xã hội.[5] Lao động được hiểu không chỉ theo nghĩa khách quan và vật chất, mà còn phải ghi nhớ chiều kích chủ quan của lao động, như một sự biểu hiện bản thân.
Theo nghĩa khách quan, lao động là "tổng hợp những hoạt động, những tài nguyên, những phương tiện và công nghệ mà con người dùng để sản xuất ra sự vật, để thi hành quyền thống trị của mình trên trái đất". Theo nghĩa chủ quan, "lao động là hoạt động của con người trong tư cách là một hữu thể năng động có khả năng làm nhiều việc trong tiến trình lao động, phù hợp với thiên hướng riêng của mình". Lao động theo nghĩa khách quan là khía cạnh hay thay đổi vì lệ thuộc vào sự thay đổi của điều kiện công nghệ, văn hoá, xã hội và chính trị. Còn lao động theo nghĩa chủ quan là khía cạnh bền vững của lao động, không lệ thuộc vào cái người ta sản xuất ra mà chỉ lệ thuộc vào phẩm giá của những con người. Khía cạnh chủ quan của lao động này đã làm cho lao động có được một phẩm giá đặc biệt, khiến chúng ta không được phép coi lao động chỉ là một hàng hoá hay chỉ là một yếu tố phi ngôi vị trong guồng máy sản xuất. "Con người mới chính là thước đo phẩm giá của lao động".[6] Phải đặt khía cạnh chủ quan ưu tiên hơn khía cạnh khách quan của lao động, vì đó là khía cạnh của chính con người đang tham gia lao động, con người đang quyết định phẩm chất và giá trị cuối cùng của lao động. Lao động phát xuất từ con người và chủ yếu hướng tới con người, lấy con người làm mục tiêu cuối cùng của mình.
3. Phẩm giá của con người, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, thể hiện qua lao động
Lao động của con người xuất phát trực tiếp từ những con người, đã được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và được kêu gọi để tiếp nối công trình tạo dựng, cùng với nhau và cho nhau, bằng việc làm chủ trái đất.[7] Vì vậy lao động là một bổn phận.[8] Lao động biểu dương các hồng ân của Ðấng Tạo Hoá và những tài năng đã lãnh nhận. "Lao động cũng có giá trị cứu chuộc. Khi chịu đựng những vất vả của lao động trong sự kết hợp với Chúa Giêsu, người thợ làng Nazareth và đã chịu chết trên thập giá, con người cộng tác một cách nào đó với Con Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc của Người. Họ biểu lộ mình là môn đệ của Ðức Kitô, khi vác thập giá hằng ngày trong hoạt động họ được mời gọi chu toàn. Lao động có thể là một phương thế thánh hoá và làm sinh động các thực tại trần thế trong Thần Khí của Ðức Kitô".[9] Như vậy, khi lao động con người thể hiện phẩm giá làm con Thiên Chúa vì được tạo dựng và cứu chuộc trong Ðức Kitô, Dung mạo nhân loại của Lòng Thương Xót vĩnh cửu.
Câu hỏi chia sẻ và thảo luận
1. Anh chị có lúc nào cảm nhận được niềm vui và hứng khởi của người làm việc "trong vườn nho" của Chủ mình, là Thiên Chúa là Cha, tại nhà hay tại nơi làm việc, trong xã hội hay Giáo hội không?
2. Ðôi khi trong công việc phục vụ hay lao động, anh chị có gặp thế lưỡng nan phải chọn lựa giữa hiệu quả công việc và sự hài hoà giữa người với người, lúc đó anh chị thường xuyên chọn cái gì: con người hay hiệu quả công việc?
3. Là người lãnh đạo, lớn hay nhỏ, anh chị có quan tâm đến lương bổng và đời sống của những người dưới quyền mình hay không? Quan tâm như thế nào?
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
[1] Gioan Phaolô II, Tđ. Centesimus Annus (Bách Chu niên), 54.
[2] Gioan Phaolô II, Tđ. Sollicitudo Rei Socialis (Quan tâm đến các thực tại Xã hội), 41.
[3] Gioan Phaolô II, op. cit., 5. X. HÐTT CLHB, "Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo", Libreria Editrice Vaticana 2004, bản dịch Việt ngữ của UB Bác Ái Xã hội/ HÐGMVN 2007, NXB Tôn Giáo.
[4] CÐ Vatican II, Hch. Gaudium et Spes, 42.
[5] X. HÐTT CLHB, "Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo", 101.
[6] Ibid., 271.
[7] X. GLHTCG, 2427.
[8] X. 2Tx 3,10.
[9] X. GLHTCG,2427.
Văn phòng HÐGMVN