Thượng Ðế Sẽ Hỏi
(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý
Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 175 -
Học Làm Người Trước, Làm Việc Sau
Học Làm Người Trước, Làm Việc Sau
Bình Minh
(RVA News 07-06-2022) - Thầy không phải là một người quá câu nệ vào phép giao tế, nhưng trong cách thầy quan hệ với người khác luôn luôn có một sự thanh lịch và thoải mái rất tự nhiên. Một đệ tử trẻ lần kia có thái độ thô lỗ với một cảnh sát giao thông khi anh ta chở thầy về nhà vào buổi tối. Ðể chống chế cho thái độ của mình, anh ta nói: "Con thích bộc lộ con người thật của mình và cho phép người ta biết rõ cảm nghĩ của mình. Khái niệm "Lịch sự" con nghĩ đó chỉ là một cái gì rỗng tuếch!"
Thầy ôn tồn nói: "Có thể như vậy, nhưng bên trong các bánh xe của chúng ta cũng rỗng tuếch đấy thôi. Và con thấy đó, chính nhờ sự rỗng tuếch ấy, mà các bánh xe giúp làm giảm đi rất nhiều sự dằn xóc cho ta!"
Quý vị và các bạn thân mến,
" Không ai tự nhiên nên người, song người ta trở nên người." Vâng! Chúng ta may mắn được sinh ra làm người nhưng không phải cứ sinh ra là tự khắc thành người. Vì thế, "trở nên người" là một nổ lực không ngừng của con người dưới sự trợ giúp của các nền văn hóa, của giáo dục và tôn giáo. "Học làm người trước, làm việc sau" và phép lịch sự chính là thể hiện sự tinh tế trong đối nhân xử thế, cách cư xử nhã nhặn, tử tế trong giao tiếp giữa người với người chính là điều không thể thiếu trong quá trình hình thành nhân cách của một con người.
Trong giao tiếp xã hội hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh, chúng ta dễ dàng bắt gặp những nụ cười thiện chí, những cái gật đầu cúi chào rất lễ phép, thái độ lịch sự nhẹ nhàng trong cử chỉ, lời nói của những đối tác làm ăn, của nhân viên phục vụ. Rất ít khi người ta bộc lộ mong muốn hay cảm xúc thật của mình với người khác bởi sợ rằng điều đó có thể sẽ làm phật ý đối phương hay bất lịch sự. Thay vào đó, người ta thường có xu hướng lựa chọn những cách diễn đạt nhiều khi không đúng ý họ mong muốn, nhưng sẽ giúp cả hai bên đều cảm thấy dễ chịu. Có lẽ cũng chính vì vậy đôi khi lịch sự trong giao tiếp bị xem "là một cái gì rỗng tếch" vì nó mang tính giả tạo. Vậy nên chúng ta cần phân định rõ ranh giới giữa lịch sự và giả tạo. Lịch sự và giả tạo có điểm tương đồng đó là nội tâm và biểu hiện bên ngoài của chúng ta có thể không có sự trùng khớp. Tuy nhiên, giả tạo có mục đích lừa dối và gây hại cho người khác trong khi lịch sự giống như lời ví von đầy uyên thâm của vị sư phụ trong câu chuyện nêu trên, nó giống như sự rỗng tuếch ở trong bánh xe, và chính nhờ sự rỗng tuếch ấy, đã giúp cho chiếc xe giảm đi biết bao nhiêu dằn xóc.
Lời Chúa đã dạy rằng "Cái gì từ bên trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế". Vì thế chúng ta hãy dựa vào Lời Chúa để giữ vững và phát sáng cái thiện tâm của mình qua mỗi hành động, lời nói để chúng ta biết hành xử và sống sao cho đúng nghĩa là một người con của Chúa. Có một lời Tin Mừng cô đọng những gì chúng ta cần làm để thực hành đức ái Ki tô giáo trong cuộc sống đó là: "Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta; vì Lề luật và lời các ngôn sứ dạy như vậy" (Matthêu 7:12). " Cải mồ người chết không bằng cải nết người sống", hãy dựa vào Lời Chúa để tự xem lại bản thân mình, không ngừng học hỏi và tu tâm dưỡng tánh để cải thiện cuộc sống với mức độ sâu sắc hơn, nhờ thế chúng ta sẽ tránh được những hệ lụy xấu xa và nguy hiểm mà nguồn gốc của nó xuất phát từ những điều vô tâm giản đơn hàng ngày.
Lạy Chúa, xin giúp lương tâm của chúng con không mắc phải một sai lầm đó là tự xác định điều thiện, điều ác một cách độc lập nhưng biết dựa vào Tin Mừng như một chân lý trường cửu, làm kim chỉ nam cho những nội tâm và biểu hiện sống bên ngoài của chúng con đối với những tha thể ngoài mình. Amen.
Bình Minh