Thông Diễn Học

Và Khoa Học Xã Hội Nhân Văn

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương VI

Những Trường Phái Thông Diễn Học

Triết Học Thông Diễn

của Hans-Georg Gadamer

 

Trước hết Gadamer không chỉ nhìn thông diễn dưới lăng kính của một phương pháp như Betti. Theo ông, không có một phương pháp nào có thể đủ để bảo đảm chân lý, đừng nói đến là có thề tìm ra chân lý toàn vẹn. [43] Lấy kinh nghiệm của con người trong cảm nghiệm làm ví dụ, Gadamer phát hiện ra sự kiện, kinh nghiệm của một nghệ phẩm vượt khỏi bất cử lối giải thích chủ quan, cho rằng đó là lối giải thích của người nghệ sĩ hay của người thưởng thức nghệ phẩm. [44] Phát triển những luận đề của Heidegger, ông không hiểu sự thông diễn như là một công cụ, nhưng là chính sự tự biểu tả, tự xuất hiện, sự sinh hoạt của chủ thể khi nhìn vào sự vật, sự kiện, lịch sử, thế giới, vân vân. Nói cách khác, Thông Diễn Học (THD) chính là một nền hữu thể học (hay hữu thể luận). Ông phát biểu trong một bài thuyết trình tại ÐH Louvain (Bỉ) năm 1957, như sau:

"Dựa trên cái nền tảng của sự phân tích hữu tính của hiện thể mà Heidegger đã làm, và từ nhiều khía cạnh mới lạ vốn tiềm ẩn trong nền siêu hình học, (ta thấy) những công năng của TDH trong nền khoa học nhân văn cũng xuất hiện trong một cái ánh sáng hoàn toàn mới. Trong khi Heidegger làm sống lại cái vấn nạn của Hữu tính (Being) trong một hình thức vượt xa khỏi mọi nền siêu hình học truyền thống - cùng một lúc ông xác định được một cách tận tường cái khả thể mới đối đầu với những cái khó khăn cổ điển của chủ thuyết duy sử (historicism): cái quan niệm vể sự giác ngộ (understanding) mang theo một giá trị mang tính chất hữu thể. Hơn cả thế nữa, sự giác ngô không chỉ là một sự tác động đối nghịch và đi sau tác động của cái sự sống đã đuợc cấu tạo sẵn, nhưng chính là một lối (xuất hiện) nguyên thủy cuả chính sự sống con người đương sinh động." [45]

Trong các tác phẩm, đặc biệt tập sách nay đã trở thành kinh điển Chân Lý và Phương Pháp của ông, ta nhận thấy những chủ trương sau đây:

- Nhấn mạnh đến tính chất quan trọng thượng đẳng cũng như tính chất phổ biến của TDH trong nền khoa học xã hội nhân văn.

- Nhấn mạnh đến vai trò của lịch sử tính (historicity) trong TDH. Một sự thông hiểu đến nơi đến chốn đòi phải thông hiểu lịch sử, luật lịch sử, tinh thần của lịch sử, và sự tiếp nối của lịch sử. Những điều liện này cấu thành cái bản chất mà Heidegger và Gadamer gọi là lịch sử tính.

- Thông Diễn học tự nó là một cuộc đối thoại mang tính chất biện chứng. Sự đối thoại qua các hình thức trao đổi, đặt câu hỏi, tìm câu trả lời, và tiếp tục đối thoại. Một nền TDH theo nghĩa này cho chúng ta một nền tri thức thực hành, tức sự khôn ngoan (practical wisdom). Chính trong những truyền thống văn hóa mà chúng ta thấy được những đặc tính như vậy. Gadamer viết:

"Mục đích của tôi không phải là dậïy đạo đức, nhưng là đề nghị rằng, chính cái quan niệm học từ người khác thấy trong việc đi học các nền văn hóa khác biệt mới thực là gần với quan niệm khôn ngoan. Chúng ta không chỉ có đi tìm những kỹ thuật, nhưng những khả thể mới về thiện và ác, mà con người trong cuộc sống phải liên quan tới." [46]

- TDH chống lại sự tách biệt giữa chủ thể và khách thể. Nói cách khác, Gadamer, cũng như Heidegger (và cả Husserl) luôn chống lại lối suy tư nhị nguyên của Descartes. Ðối với họ, thi việc Descartes cho rằng giữa chủ thể và khách thể có một sự đối nghịch, rằng một nền tri thức trung thực phải là sự biểu hiện của khách thể, rằng lý trí con người bắt buộc phải thuần túy không bị "ô nhiễm" bời những thiên kiến, truyến thống, tình cảm; rằng chỉ có một phương pháp khoa học duy nhất mới có thể mang tính chất phổ quát và tất yếu, một lối nhìn như vậy không giúp gì cho sự hiểu biết con người.

Trong những đoạn sau, chúng tôi hoàn toàn dựa theo dàn bài của Giáo sư Palmer trong tác phẩm Hermeneutics đã trích dẫn. Tuy nhiên, như chúng tôi đã viết trong phần dẫn nhập, có nhiều điểm mà chúng tôi không hẳn đồng ý với ông, nên, như độc giả sẽ nhận ra, lối trình bày của chúng tôi không đồng nhất với lối trình bày của ông.

 

1. Gadamer Phê Phán Mỹ Học Hiện Ðại và Ý Thức Lịch Sử

1.2. Phê Phán Ý Thức Thẩm Mỹ

1.2. Cuộc Chơi và Cách Thế Hiện Hữu của Nghệ Phẩm

1.3. Phê Phán Lối Hiểu Lịch Sử Truyền Thống

1.4. Lịch Sử Tính của Thông Hiểu

2. Ý Thức và Tính Chất Trung Thực Lịch Sử

2.1. Nền Thông Diễn Biện Chứng

2.2. Kiến Cấu của Hành Vi Vấn Ðáp

2.3. Bản Tính của Ngôn Ngữ

2.4. Ngôn Ngữ và Sự Xuất Hiện của Thế Giới

2.5. Ngôn Ngữ Tính và Kinh Nghiệm Thông Diễn

2.6. Kiến Cấu Tư Biện của Ngôn Ngữ và Bản Chất của Thi Ca

2.7. Tính Chất Phổ Biến của Thông Diễn Học

 

Chú Thích:

[43] Ngược với lối nhìn của Schleiermacher-Dilthey-Betti, những người chủ trương TDH như là một phương pháp mang tính chất khoa học làm nền tảng cho nển khoa học xã hội nhân văn (Geisteswissenschaft), Gadamer đặt lại vấn đề với chính phương pháp. Tựa đề của tập sách Chân Lý và Phương Pháp (Wahrheit und Method) của ông mang tính chất ngược ngạo: không phải là phương pháp có thể đảm bảo chân lý (Descartes), nhưng ngược lại, phương pháp không phải là con đường đưa tới chân lý. Bởi lẽ, chân lý vượt khỏi tất cả những ràng buộc của bất cứ phương pháp nào.

[44] Warheit und Method, Lời Tựa, tr. xvii.

[45] Hans-Georg Gadamer, "The Problem of Historical Consciousness" trong Interpretive Social Science: A Reader, do Paul Rabinow và Wililiam M. Sullivan, chb. (Berkeley: University of California Press, 1979), ctr. 129-30. Bản Pháp ngữ xuất bản năm 1963.

[46] Trích lại từ Richard Bernstein, Beyond Objectivism and Relativism, sđd., tr. 36.

 

Trần Văn Ðoàn

Khoa Triết Học, ÐH Quốc Gia Hà Nội, 2004

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page