Thông Diễn Học
Và Khoa Học Xã Hội Nhân Văn
Gs. Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chương II
Phương Pháp Thông Diễn
(Hermeneutical
Methods)
Chương sau đây bàn về phương pháp Thông Diễn một cách chung. Nói một cách chung, bởi vì thông diễn không có một phương pháp duy nhất và chính xác như ta thường thấy thấy trong toán học, hay trong vật lý học, và bởi vì mỗi triết gia đều xây dựng phương pháp của họ khác nhau, mặc dù tất cả đều chủ trương thông diễn. Thế nên, nói một cách chung không mang nghĩa một phương pháp chung, nhưng muốn nhấn mạnh đến những đặc tính chung thường thấy nơi những triết gia chủ trương thông diễn. Chính vì vậy, tuy phương pháp thông diễn không đồng nhất nơi những người chủ trương Thông Diễn Học (viết tắt là TDH), chúng tôi vẫn cố gắng hệ thống hóa chúngļ vào những đặc tính chung để người đọc có thể theo dõi một cách dễ dàng. [1] Ðặc biệt, chúng tôi hệ thống hóa những tư tưởng về nền triết học thông diễn mà Gadamer đã trình bày trong tập sách kinh điển Chân Lý và Phương Pháp của triết gia, mà chúng tôi đã nhắc đến trong chương thứ nhất. Tuy không có một chương cá biệt bàn về tập sách này, một điều mà Giáo sư Joel C. Weinsheimer đã làm, [2] nhưng tư tưởng của Gadamer bàng bạc trong tất cả những đoạn về TDH và cả Hiện tượng học.
Như đã giải thích và định nghĩa TDH theo ba công năng: giải thích (to explain), giải nghĩa (to explicate) và chuyển nghĩa (to interpret), [3] nơi đây chúng tôi sẽ trình bày phương pháp TDH theo ba công năng trên: đó là phương pháp hay nghệ thuật giải thích (ars explanandi), phương pháp hay nghệ thuật giải nghĩa (ars explicandi) và phương pháp hay nghệ thuật chuyển nghĩa (ars interpretandi), còn gọi là thuyên thích. Như vậy, chương thứ hai này sẽ gồm ba phần chính: phần thứ nhất bàn về phương pháp và nghệ thuật giải thích, phần thứ hai về phương pháp và nghệ thuật giải nghĩa, trong khi phần thứ ba về phương pháp và nghệ thuật chuyển nghĩa.
Ðể hiểu TDH, chúng tôi cũng đặc biệt nhắc tới phương pháp hiện tượng học, một phương pháp cần thiết để phát triển phương pháp thông diễn tới một mức độ hoàn bị hơn. Mà quả thực, nếu không nắm vững phương pháp hiện tượng học, chúng ta khó có thể đi sâu vào những phương pháp thông diễn của Heidegger, Gadamer, Ricoeur cũng như Derrida. Vì tầm quan trọng của hiện tượng học, và vì ảnh hưởng của nó trên các nhà triết học đương thời như Trần Ðức Thảo, Lương Kim Ðịnh, Lê Tôn Nghiêm và một phần nào đó, Cao Xuân Huy, chúng tôi sẽ dành trọn chương thứ ba để bàn về phương pháp này. Thế nên, chương thứ ba sẽ đặc biệt giới thiệu phương pháp hiện tượng học, trong khi chương thứ tư để dành nhiều thì giờ hơn giới thiệu nền thông diễn học của Heidegger, phân tích nền tảng thông diễn triết học của Gadamer cũng như lược khảo những chủ trương thông diễn của Betti, Ricoeur và Hebermas. Ðây là những trường phái TDH thông dụng và ảnh hưởng tới nền khoa học xã hội và nhân văn hiện đại.
1. Phương Pháp hay Nghệ Thuật Giải Thích (Ars explanandi)
2. Phương Pháp hay Nghệ Thuật Giải Nghĩa (Ars Explicandi)
3. Phương Pháp hay Nghệ Thuật Chuyển Nghĩa (Ars interpretandi)
Chú Thích:
[1] Ngoài những tác phẩm chính yếu của Gadamer, Ricoeur, Betti, Habermas và Foucault mà chúng tôi đã nhắc tới trong chương thứ nhất và phần thư mục, trong chương này chúng tôi dựa theo một phần nào đó các tác giả như Josef Bleicher với tác phẩm Contemporary Hermeneutics, John B. Thompson với Critical Hermeneutics cũng như tập Hermeneutics do Gary Shapiro và Alan Sica chủ biên. Ngoài ra chúng tôi cũng tham khảo Erwin Hufnagel với tập Einfuehrung in die Hermeneutik. Xin tham khảo: Josef Bleicher, Contemporary Hermeneutics - Hermeneutics as Method, Philosophy and Critique (London: Routledge & Kegan Paul, 1980); John B. Thompson, Critical Hermeneutics - A Study in the Thought of Paul Ricoeur and Juergen Habermas (Cambridge: Cambridge University Press, 1981); Gary Shapiro và Alan Sica, chb., Hermeneutics (Amherst: The University of Massachusetts Press, 1984); Erwin Hufnagel, Einfuehrung in die Hermeneutik (Stuttgart: Kohlhammer, 1976).
[2] Ðể hiểu sâu hơn về tập sách này, xin thk. Joel C. Weinsheimer, Gadamer's Hermeneutics: A Reading of Truth and Method (New Haven and London: Yale University Press, 1985).
[3] Giáo sư Richard Palmer trong tập Hermeneutics, sđd., ctr. 12-32, quy công năng của TDH (to interpret) vào ba tác động: nói (to say), giải thích (to explain) và thông dịch (to translate).
Trần Văn Ðoàn
Khoa Triết Học, ÐH Quốc Gia Hà Nội, 2004