Thông Diễn Học

Và Khoa Học Xã Hội Nhân Văn

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương I

Tổng Quan Về Thông Diễn Học

(Hermeneutics)

 

3. Ðịnh Nghĩa Thông Diễn Học

Sau khi đã lược qua về quá trình diễn biến hay phát triển của Thông Diễn Học (viết tắt là TDH). Trong phần này, chúng tôi xin tạm đưa ra một số định nghĩa TDH. Ðể độc giả có thể nhìn ra tính chất phức tạp cũng như phong phú của TDH, chúng tôi xin trình bày TDH qua các truyền thống khác nhau. Mỗi truyền thống đều đưa ra một định nghĩa khác biệt về TDH:

- Truyền Thống Thánh Kinh Học và Giải Nghĩa Học (Biblical Exegesis) hiểu Thông Diễn Học như là một Hệ Thống, Phương Pháp Giải Thích các Văn Kiện Thánh Kinh.

Như chúng tôi đã nhắc một cách tóm lược trong những đoạn trên, TDH trước tiên là một môn Giải thích học, đặc biệt được áp dụng để giải thích Thánh Kinh. Tập sách của J. C. Dannhauer xuất bản năm 1654 đã từng mang tựa đề Hermeneutica sacra sive methodus exponendarum sacrarum litterarum (Thông Diễn Học hay là Phương Pháp Diễn Giải Văn Chương Linh Thiêng). [54] Trong phần nói đầu, tác giả đã phân biệt (tuy không rõ ràng cho lắm) giữa TDH (hermeneutics) và Giải thích học (Exegesis). Ðối với tác giả, exegesis chỉ là những câu bình luận mang tính chất thức thời, cập nhật, trong khi hermeneutics chú trọng tới quy luật, phương pháp cũng như cái lý, cái luật giúp giải thích, chú giải và bình luận. Sau tập sách của Dannhauer, các Giáo hội Tin Lành nhận ra một sự thiết yếu của môn giải thích học, bởi lẽ các mục sư bây giờ phải dựa vào sự hiểu biết của chính mình, chứ không như trước dựa vào lối chú giải được Giáo Hội (La Mã) công bố và xác định. Trong quãng thời gian 1ừ 1720 đến 1820, ta thấy rất nhiều tác phẩm liên quan tới TDH. [55] Nhưng nói chung, ta phải đợi tới thời Schleiermacher, mới thấy một nền Giải thích học tương đối hệ thống và đầy đủ. Tại Anh, môn Giải thích học cũng phát triển. Năm 1737 ta thấy xuất hiện trong bộ từ điển của ÐH Oxford một số câu liên quan tới TDH. Nhưng tiếng TDH được người Anh sử dụng một cách quảng bác hơn, áp dụng vào trong thế giới văn chương để giải thích những câu văn tối tăm khó hiểu.

Nói tóm lại, từ TDH đã thấy vào thế kỷ thứ 17, và mang ý nghĩa như là một sự giải thích, chuyển nghĩa (interpretation) theo một hệ thống của ngữ học, sử học và thế giới sống cũng như kinh nghiệm tôn giáo. Lối TDH học này được áp dụng để giải thích Thánh Kinh, cũng như những văn bản thuộc lãnh vực linh thiêng (sacred) khác.

- Truyền Thống Tu Từ Học hay Truy Nguyên Học (philology) và Phương Pháp Giải Ngữ Chung (General Philological Methodology)

Sự phát triển nền triết học duy lý sau Descartes đã cổ võ triết học thoát ly khỏi hấp lực của thần học, và các nền đại học khỏi ảnh hưởng của các Giáo hội. Cùng với triết học duy lý, cùng với những suy tư mới dám phê bình nền học cũ, [56] các nền khoa học khác như tâm lý học, và nhất là ngữ học bắt đầu xuất hiện. Môn tu từ học (philology) nhắm đến một sự hiểu biết ngôn ngữ từ khía cạnh văn phạm cũng như từ quá trính phát triển, tức lịch sử của ngôn ngữ (theo nghĩa này, tu từ học cũng là truy nguyên học). Những người chủ trương như vậy, cho rằng "ý nghĩa câu nói trong Thánh Kinh thực ra phải được xác định y hệt như cách thế chúng ta xác định ý nghĩa của ngôn ngữ trong các loại sách khác." [57] Từ đây ta nhận ra ba đặc tính của lối giải thích theo tu từ học: Thứ nhất, nguyên lý lý trí hướng dẩn sự hiểu biết. Bởi lẽ những dữ kiện lịch sử chỉ có thể hiểu được nhờ vào ánh sáng của lý trí. Và theo nguyên lý này, người giải thích tức là người lý giải. Họ phải đi sâu vào trong văn bản, lấy lý trí như là một công cụ để tìm ra trong những văn bản đó những sự thật đạo lý mà các tác giả Thánh Kinh, đặc biệt Tân Ước [58] muốn giãi bầy qua những sự kiện lịch sử, hay qua những từ ngữ khác biệt. Thứ tới, những nhà giải thích cần phải phát triển một sự thông hiểu lịch sử (historical understanding) theo cách hiểu của Hegel sau này. Theo Hegel trong những tác phẩm về lịch sử (Geschichte der Philosophie, và Philosophie der Geschichte), thì lịch sử vốn theo một con đường thẳng của lý trí, nhưng phát triển theo lối biện chứng, và tiến về chung điểm tuyệt đối tức chính lý trí tự thân (Phaenomenologie des Geistes, 1807). Chính vì vậy, để có thể hiểu được lịch sử, ta cần phải nắm vững được quy luật (logic) của lịch sử, tức cái luật xuất hiện của lý trí (Logik der Wissenschaft). [59] Nói cách khác, đó chính là một sự hiểu thấu suốt, và thông suốt tất cả quy luật của lịch sử, tức nắm được cái tinh thần của lịch sử (Geist der Geschichte) nằm sâu trong, và ở đằng sau các hiện tượng. Thứ ba, họ điêu luyện một kỹ thuật giải thích bao gồm phân tích văn phạm, khảo chứng những dữ kiện lịch sử, đào sâu vào bối cảnh lịch sử của những dữ kiện và ngôn ngữ. Nói tóm lại, theo phương pháp tu từ học, nhiệm vụ chính của người giải thích cũng đồng nghĩa với trách nhiệm của một sử gia. [60] Và đây là lý do chính yếu tại sao người ta đồng nghĩa môn giải thích học với môn tu từ học cổ điển (classical philology).

- Khoa Học về Sự Hiểu Biết Ngôn Ngữ (Linguistic Understanding)

Từ một môn tu từ học như thế, Schleiermacher tìm cách tổng hợp với lối giải thích Thánh Kinh. Nhà thần học này chủ trương giải thích mang tính chất khoa học. Theo ngôn ngữ của ông, đó là một nền khoa học giải thích. Nói rõ hơn, ông muốn phát triển TDH thành một nền khoa học và một nghệ thuật của sự hiểu biết tức lý hội và giác ngộ (hay lý ngộ). Nền khoa học - nghệ thuật lý ngộ này có những đặc tính sau: (1) Schleiermacher mạnh mẽ phê bình tính chất bất túc của phương pháp tu từ học. Lý ngộ hay một sự hiểu biết trọn vẹn, bao gồm hay công năng của lý trí (hiểu biết dựa trên quy luật của lý trí), và của trực giác (tức sự hiểu biét dựa trên chính cuộc sống). Như vậy, lý hội bắt buộc phải vượt khỏi lối giải thích dựa trên những quy luật của ngôn ngữ, bởi lẽ quy luật ngôn ngữ chỉ phản ánh một phần nào của cuộc sống mà thôi. (2) Thứ tới, để hiểu trọn vẹn, giống như Hegel, Schleiermacher đòi ta phải nắm được toàn bộ hệ thống, tức một nền khoa học mang hai tính chất thiết yếu và phổ biến. Chỉ như vậy, lý ngộ mới có thể làm nền tảng cho tất cả mọi đối thoại. (3) Theo những nguyên lý trên, Schleiermacher đã biến đổi môn giải thích ngôn ngữ cách chung (philological hermeneutics) thành một nền thông diễn học tổng quát (allgemeine Hermeneutik). Theo đó, chính vì ngôn ngữ chỉ là một sự phản ánh của thế giới sống, ta bắt buộc phải trực tiếp đi vào chính cái thế sinh của con người, mới có thể có được một sự thông hiểu trọn vẹn.

- Truyền Thống Khoa Học Tinh Thần (Geisteswissenschaft) [61]

Việc Schleiermacher biến thông diễn học tổng quát thành một nền khoa học lý ngộ đã gây ra một ảnh hưởng sâu rộng tới sự phát sinh ra nền khoa học tinh thần (Geiteswissenschaft). Như đã giới thiệu một cách sơ sài trong phần dẫn nhập, Wilhelm Dilthey, đồ đệ và là người viết lịch sử về Schleiermacher, đã trực giác ra tầm quan trọng trong phát minh của thầy mình. Ông tiến xa hơn một bước nữa, phát triển TDH thành nền tảng của tất cả mọi nền khoa học tinh thần. Nền khoa học tinh thần này nhắm nghiên cứu tất cả mọi bộ môn (disciplines) liên quan đến sự hiểu biết về nghệ thuật, hành vi, tác động cũng như văn bản và chính tác giả. Thế nên, Dilthey chủ trương: (1) Ta cần phải nắm vững được một sự thông hiểu lịch sử, bởi lẽ chỉ khi thông hiểu lịch sử ta mới chắc chắn hiểu cái ý nghĩa của pháp luật, của những tác phẩm văn chương, những kinh điển cũng như nền văn học tôn giáo. (2) Thứ tới, sự thông hiểu lịch sử khác với sự hiểu biết về thế giới tự nhiên. Nếu, ta có thể hiểu được ngoại vật nhờ vào phương pháp phân tích số lượng của hiện tượng (quantification) (như thấy nơi phương pháp của Pierre Bayle), hay nắm được trật tự cũng như phương hướng phát hiện của các hiện tượng (như trong nền khoa học cơ khí của Isaac Newton), thì sự thông hiểu lịch sử phải theo một đường hướng khác. Bởi lẽ, thông hiểu là một hành vi của chủ thể, mang tính cách cá nhân đương tham dự vào quá trình lịch sử. Chủ thể không có đứng bên lề, hay bên ngoài để quan sát sự vật như nhà khoa học tự nhiên. Và chủ thể khi nhìn lịch sử, đương áp dụng chính những phương thế của con người, gắn liền với chính chủ thể. (3) Ðây là lý do chính yếu, Dilthey muốn đảo lộn lại lối nhìn của Kant, theo đó (Kant) điều mà chủ thể có thể làm được chỉ là xắp xếp lại những dữ kiện theo quy luật tiên nghiệm của thiên nhiên. Nếu Kant đã thành công trong việc phê phán lý trí khi áp dụng vào khoa học tự nhiên (Critique of pure Reason), thì Dilthey nghĩ rằng, ta cần một chương trình mới nhắm phê phán cái lý trí lịch sử (critique of historical reason). (4) Từ một lối nhìn như vậy, Dilthey nhận ra vai trò quan trọng của tâm lý học. Tuy không thành công trong việc biến đổi tâm lý học thành một nền khoa học lịch sử, Dilthey đã có công trong công việc dựa trên một nền tảng lịch sử và mang nhân tính để xây dựng một phương pháp luận đặt nền móng cho nền khoa học tinh thần.

- Truyền Thống Phân Tích Hiện Tượng và Giác Ngộ Hiện Sinh (Phenomenological Analysis of Existence and Existential Understanding)

Như độc giả sẽ thấy trong phần tới khi bàn về phương pháp hiện tượng học và TDH, TDH thực ra chỉ là một bộ phận rất quan trọng của hiện tượng học. Trong tác phẩm bất hủ Hữu Thể và Thời Gian (Sein und Zeit, 1927), Heidegger đã từng nói tới một nền thông diễn học về Hiện thể (hermeneutic of Dasein). Heidegger đưa ra một lối nhìn hoàn toàn mới lạ về TDH. Theo ông, TDH không phải là phương pháp, hay những quy luật, hay những điều kiện để giải thích, cũng không phải là một phương pháp luận như thấy trong nền khoa học tinh thần của Dilthey. TDH là một sự diễn giải hiện tượng học về chính sự hiện hữu của con người. Thế nên, sự thông hiểu cũng như sự thông diễn (interpretation) là những kiểu diễn tả, biểu tả và hiện hữu của chính hữu thể (con người). Nói một cách khác, TDH là một nền bản thể học về sự hiểu biết (ontology of understanding), qua chính việc làm hiện thể (Dasein) tự xuất hiện trong những phương cách đặc thù của nó. Theo lối hiểu này, TDH đồng lúc là một phương pháp tự khai mở cũng như một bản chất của hiện thể.

Lối nhìn của Heidegger được Gadamer chia sẻ, và phát triển trong tác phẩm Chân Lý và Phương Pháp (Wahrheit und Method, 1960) mà chúng tôi đã phác họa sơ qua trong các đoạn trên, cũng như sẽ bàn tới một cách chi tiết hơn trong chương thứ ba. Trong tác phẩm nền tảng của TDH này, Gadamer trính bày sự khám phá TDH mang một tính chất cách mạng trong nền bản thể học của Heidegger. Mục đích chính của Chân Lý và Phương Pháp không phải là một nghiên cứu trình bày lịch sử TDH như nhiều người lầm tưởng, mặc dù Gadamer đã lướt qua quá trình lịch sử của TDH từ thời Schleiermacher, qua Dilthey và tới Heidegger. Ta thấy, qua tác phẩm này, Gadamer muốn nối kết TDH với thẩm mỹ học, và nhất là với một nền triết học của lối thông hiểu mang tính chất lịch sử. Và như vậy ta thấy Gadamer đã cố gắng tổng hợp nền triết học lịch sử của Hegel với nền bản thể học của Heidegger, để tạo ra lối suy tư thông diễn. Nói cách khác, Gadamer nối kết ý thức lịch sử đương tác động (historically operative consciousness) với tất cả cuộc sống từng được truyền lại và tiếp tục qua truyền thống và thấy trong khát vọng của con người. Chúng hiển hiện trong văn bản (textes). Từ đây, Gadamer đi thêm một bước xa hơn Heidegger, khi ông bản thể hóa ngôn ngữ "Hữu thể chỉ có thể hiểu được nếu là ngôn ngữ". Khi nhận định rằng, thực tại con người mang những đặc tính ngôn ngữ, nền TDH của ông đã biến phương pháp thông diễn thành một nền triết học, mà trong đó sự tương quan giữa ngôn ngữ và hữu thể, giữa ngôn ngữ và sự thông hiểu, giữa ngôn ngữ và lịch sử, giữa hiện sinh và thực thể luôn mang một tính chất biện chứng. Như vậy, TDH được coi như trọng điểm của những vấn đề triết học thời nay vậy.

- Thông Diễn Học như là Một Hệ Thống Giải Nghĩa Ðể Tìm Lại Những Ý Nghĩa Ðã Mất.

Trong truyền thống của Tân giáo (đạo Tin Lành), và bị ảnh hưởng của khoa học, ta thấy rằng nhiều nhà giải thích văn bản, nhất là Thánh Kinh đã phản đối lối giải thích đa nghĩa. Họ cho rằng, mỗi câu nói chỉ mang một ý nghĩa duy nhất (iconoclasm). Nhưng ý nhĩa trung thực nhất phải được chứng minh qua những dữ kiện, bằng chứng khoa học, hay qua ngữ học vào thời mà câu nói thịnh hành. Thành thử, tất cả những ý nghĩa khác gắn vào, hay được giải thích theo các nền văn hóa đều sai lầm.

Lẽ tất nhiên, một chủ trương như vậy không chỉ làm nghèo ngôn ngữ. Nó phát sinh tứ một ảo tưởng cho rằng thế giới bất dịch, cuộc sống bất động, và con người bất biến. Nếu quả thế giới con người không biến đổi, thì một chủ trương như vậy có lẽ có cái lý của nó. Nhưng lịch sử con người chứng minh, ít nhất theo lối nhìn của Hegel, và của thuyết tiến hóa (Darwin), chứ đừng nói tới truyềøn thống dịch lý của đông phương, thế giới luôn trong tình trạng biến động.

Paul Ricoeur ý thức được sự thật này khi ông đề nghị trong tác phẩm De l'interprétation (Về Thông Diễn) (1965) một lối diễn giải đa nghĩa. Ðối với ông, bất cứ một văn bản nào cũng nói ra những điểm chung, cũng như, cùng một lúc, những điểm cá biệt. Giống như phân tâm học nhắm giải nghĩa những giấc mộng, TDH nhắm giải thích những điều tiềm ẩn trong văn bản. Thế nên, đối với Ricoeur, giấc mộng cũng là một văn bản, y hệt như những tín hiệu (signal), dấu hiệu (sign), biểu tượng (symbol), vân vân. Theo lối nhìn này, Ricoeur đinh nghĩa TDH như là "một quá trình mở mật mã (deciphering), đi từ những ý nghĩa hiển nhiên tới những ý nghĩa thầm kín" [62] vốn thấy trong nội dung của văn bản, gíấc mơ, câu nói...

Nhưng để mở được mật mã, và để làm cho cái ý nghĩa thầm kín xuất hiện, ta cần một phương pháp tương tự như phương pháp của phân tâm học. Nếu phân tâm học phân biệt ý thức (consciousness) khỏi tiềm thức (subconsciousness), thì Ricoeur đề nghị phân biệt những biểu tượng nhất nghĩa (univocal) khỏi những biểu tượng đa nghĩa hàm hồ (equivocal). Biểu tượng nhất nghĩa là những dấu hiệu chỉ ra ý nghĩa. Nó đồng nhất với ý nghĩa. Thế nên biểu tượng nhất nghĩa này được áp dụng vào luận lý (logic) như trường hợp luận lý biểu tượng (symbolic logic). TDH tập trung vào biều tượng đa nghĩa, vì chúng cần phải được giải thích. Nơi đây, TDH luôn phải đối diện với văn bản mang nhiều ý nghĩa cùng một lúc. Tuy đa nghĩa, và khác nhau, chúng có thể cấu tạo thành một đơn vị ngữ ý (semantic unity) và tạo ra một ý nghĩa chung, nhưng đồng thời cũng chỉ ra một ý nghĩa khác sâu đậm và xa hơn. Ðây là trường hợp của những huyền hoại, thần thoại hay nhân thoại (myths). Hiểu như vậy, Ricoeur coi TDH không chỉ là một phương pháp, mà còn là một hệ thống mà qua đó cái ý nghĩa thâm sâu, thầm kín có thể hiển hiện ra.

Như chúng tôi sẽ bàn sâu hơn về nền TDH của Ricoeur trong chương hai, nơi đây xin tạm tóm lại quan điểm của Ricoeur về TDH. Nếu TDH là một hệ thống đào bới những ý nghĩa (nổi cũng như chìm, gần cũng như xa), và nếu sự đào bới ý nghĩa giống như phân tâm học, khiến bệnh nhân tự phát hiện những thực tại bị đè nén, dồn ép, và bị lãng quên, thì ta thấy có hai loại TDH: (1) Ta có thể áp dụng lối "phá vỡ thần thoại tính" (demythologizing) của nhà thần học Rudolf Bultmann. Theo lối phá vỡ tính chất huyền thoại này, người ta có thể vất bỏ những đặc tinh huyền bí của huyền thoại, và tìm ra cái còn lại, đó chính là ý nghĩa đích thực mà ta muốn tìm. (2) Ta cũng có thể "hủy bỏ thần thoại" (demystification), tức không coi những biểu tượng trong thần thoại là một thực thể. Lối nhìn "duy lý" này coi huyền thoại như là những cái mặt nạ giả dối, hay tượng trưng cho những ảo tưởng không hề có. Theo Ricoeur, Marx, Nietxsche và Freud đại diện cho khuynh hướng thứ hai. Họ coi những thực tại biểu hiện trên mặt (surface reality) là giả dối, và họ tìm cách xây dựng những hệ thống tư tưởng mới để hủy bỏ cái loại thực tại mà chúng ta vốn cho là lẽ tất nhiên này.

Chính vì thế mà Ricoeur quả quyết là trong TDH chúng ta không thể có những quy tắc giải nghĩa có tính chất phổ biến và tất yếu. Nếu chúng ta có những quy luật giải thích, thì chúng chỉ là những quy luật cá biệt, và nhiều khi đối chọi nhau mà thôi. [63]

 

Chú Thích:

[54] Xin tkh. Gerhard Ebeling, "Hermeneutik" trong Die Religion in Geschichte und Gegenwart, III (1959), ctr. 242-246, tr. 243; Pamer, tr. 34.

[55] Ebeling, tr. 242; Palmer, tr. 34.

[56] Thí dụ ngay trong thần học, ta cũng thấy một trường phái gọi là "phương pháp lịch sử-phê phán" (historical-critical method). Xin tkh. Hans-Joachim Kraus, Geschcichte der historisch-kritischen Erforschung der Alten Testament von der Reformation bis zu Gegenwart (Neukirchen: Buchhandlung der Erziehungsvereins, 1956), Chương 3, ctr. 70-102; Palmer, tr. 38, chú thích 16. Baruch Spinoza trong tác phẩm về chính trị và thần học, Tractatus theologico-politicus (1670) cũng nhận định tương tự khi ông viết: "Quy luật giải thích Thánh Kinh phải theo nguyên lý của lý trí". Trích từ Ebeling, sđd., tr. 245. Johannes Lessing, một người chủ trương thời Ánh sáng, trong tác phẩm Ueber den Beweis des Geistes und der Kraft (1777), càng mạnh bạo hơn: "Những sự thật bất tất thấy trong lịch sử không bao giờ có thể được coi như những bằng chứng để chứng minh sự thật của lý trí." (Zugefalling Geschichtswahrheiten koennen der Beweis von nothwendigen Vernunftswahrheiten nie werden." Trích từ Kurt Froer, Biblische Hermeneutik: Zur Schriftauslegung in Predigt und Unterricht, tr. 26; Palmer, ctr. 38-39.

[57] Johann August Ernesti, Institutio interpretis Novi Testamenti (Leipzig: Weidmann, 1972); Trích từ Frederic W. Farrar, History of Interpretation (Grand Rapids, Mich.: Baker Book House, 1961), tr. 402; Palmer, tr. 38.

[58] Ngoài bốn tác giả: Thánh Mát-thêu (Mattheus), thánh Mác-cô (Marcus), thánh Lu-ca (Luka), và thánh Gio-an (Ioannes), còn phải kể đến thánh Phao-lô (Paulus), thánh Phê-rõ (Petrus), thánh Phi-líp-pêâ (Phillipus) với những lá thư của các ngài gửi các cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi.

[59] Về các tác phẩm của Hegel, chúng tôi dựa theo bộ: Hegelswerke do K. Michel và E. Moldenhauer chb. (Frankfurt a. M. : Suhrkamp, 1970 vtth.). Riêng tập sách kinh điển Phaenomenologie des Geistes đã được chúng tôi dịch qua Việt ngữ: Luật Tinh Thần qua Hiện Tượng (Washington, D.C.: Vietnam University Press, đương sửa soạn xuất bản).

[60] Chú ý là lối giải thích lịch sử của Giáo sư Kim Ðịnh (Việt Lý Tố Nguyên), và nhất là của những học giả thế hệ trước như các cụ Phan Bội Châu (Khổng Học Ðăng), Trần Trọng Kim (Nho Giáo), Bùi Kỷ (chú thích Truyện Kiều) theo phương pháp giải thích tu từ học này. Giáo sư Trần Quốc Vượng có lẽ thuộc về một số ít học giả không hẳn chỉ dựa vào tu từ học. Khi lý giải nguyên lý mẹ (ctr. 481-486), hay truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy (ctr. 296-301), giáo sư họ Trần đã áp dụng thông diễn một cách rất hay khi ông dựa trên thế giới sống của các thời đại, trên qúa trình diễn biến, cũng như trên sự khác biệt giữa cách sống và lý thuyết. Xin tkh. Trần Quốc Vượng, Văn Hóa Việt Nam - Tìm Tòi và Suy Ngẫm (Hà Nội: Nxb Văn Hóa Dân Tộc, 2000).

[61] Trong giới hàn lâm Ðức, từ tinh thần (Geist) không mang nghĩa thần linh, hay quỷ thần, nhưng nói lên cái tinh túy của tư tưởng, cách sống, lối tổ chức, sự cảm thông, và nhậy cảm của dân tộc. Nói cách khác, chữ tinh thần gần với từ đạo, đạo lý, đạo giáo trong tư tưởng Viễn Ðông. Chính vì vậy mà khi nói về khoa học tinh thần, ta thường hiểu tất cả những bộ môn khoa học thuộc nhân văn, xã hội. Tại vùng nói tiếng Ðức, đã có một thời người ta gọi ÐH Văn Khoa, Xã Hội, Nghệ Thuật... là ÐH Khoa Học Tinh Thần (Fakultaet der Geisteswissenschaft). Tại ÐH Vienna (Wien), nơi tôi từng dậy học một thời gian ngắn, ÐH Khoa Học Tinh Thần được đổi tên lại là ÐH Khoa Học Căn Bản (Fakultaet der Integralwissenschaft).

[62] Paul Ricoeur, De L’Interprétation, tr. 18; Palmer, tr. 43.

[63] Ricoeur, De l’interprétation, tr. 35; Palmer, tr. 44.

 

Trần Văn Ðoàn

Khoa Triết Học, ÐH Quốc Gia Hà Nội, 2004

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page