Thông Diễn Học

Và Khoa Học Xã Hội Nhân Văn

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương I

Tổng Quan Về Thông Diễn Học

(Hermeneutics)

 

2. Nguồn Gốc và Quá Trình Diễn Biến của Thông Diễn Học

Trước khi đi sâu vào mỗi truyền thống của Thông Diễn Học (viết tắt là TDH), chúng ta trở lại thời Hy Lạp cổ. Như chúng tôi đã nói sơ lược qua về vai trò của thần Hermes. Vị thần này có sứ vụ "mang tới cho con người cái sứ điệp định mệnh." Do vậy, hermèneuein có nghĩa là "đặt sứ điệp ra" trước chúng ta, tức công việc làm sứ điệp rõ ràng minh bạch. Một sự việc "đặt ra" trở thành "mở ra", tức là công việc diễn giải cái gì mà thi gia từng viết; mà thi gia, theo Socrates như thấy trong đối thoại của Plato, là những người mà tự nhận là "sứ giả của thần linh" (hermenès eisin tòn thèon). [16] Nói tóm lại, nguồn gốc của TDH từ gốc Hy lạp nói lên cả một quá trình con người đi tìm phương thế (ngôn ngữ) làm người khác có thể hiểu. Ðặc biệt như chúng ta thấy nơi các ngôn ngữ, bởi lẽ ngôn ngữ là một phương thế, một môi sinh (medium), và là một sự biểu hiện một cách rõ rệt nhất, và một cách hiệu quả nhất của tất cả qúa trinh đi hiểu biết và được hiểu biết của con người.

Vậy nên, để hiểu biết và được hiểu biết, ta cần phải nói hay đưa ra một cử chỉ nào đó để diễn tả một cái gì đó; sau đó ta cần phải giải nghĩa (giải thích) khi cần thiết, đặc biệt trong những tình huống khác nhau, xã hội khác biệt, văn hóa đa dạng; và sau cùng, đó là làm sao có thể dùng một ngôn ngữ khác để diễn tả cùng cái ý nghĩa mà chúng ta muốn biểu tả. Nói tóm lại, hermeneutics bao gồm ba động tác: (1) động tác nói, hay cử chỉ (to say, sprechen) tức là động tác biểu tả (to express, ausdruecken); (2) hành động diễn giải tức giải thích (to explain, erklaeren), và giải nghĩa (to explicate, erlaeutern); và sau hết, (3) hành động thông dịch, hay chuyển nghĩa (to translate, uebersetzen). Tất cả ba công năng trên cấu tạo điều mà chúng ta gọi là thông diễn (to interpret, auslegen), hay một sự hiểu biết tương đối trọn vẹn (understanding, Verstehen). [17] Tuy nhiên, chúng ta phải nói thêm là, đó là mỗi một hành động, hay động tác tự nó đã chỉ ra một ý nghĩa, tuy không trọn vẹn, nhưng ít nhất cũng mang tới một sự hiểu biết nào đó. Ðây là lý do tại sao chúng tôi nhấn mạnh đến quá trình phát sinh của TDH: TDH xuất phát từ mỗi nền văn hóa, từ khi con người đi tìm hiểu biết nhau, từ khi con người phát minh ngôn ngữ, nhưng chỉ tương đối hoàn hảo vào thời gian gần đây. Mỗi thời đại, mỗi nền văn hóa đã từng áp dụng một khía cạnh nào đó của TDH, hoặc chỉ chú trọng tới một công năng nào đó mà thôi. Thí dụ Giải thích học rất chú trong đến hoạt động giải thích, và giải nghĩa, nhưng không đặc biệt để ý đến việc chuyển nghĩa. Trong Công giáo, Giáo hội La Mã vẫn dùng tiếng La tinh trên khắp thế giới, và bản Thánh Kinh thông dụng nhất vẫn là bản Phổ Thông (hay Thông Dụng, Vulgata) bằng La ngữ, ít nhất cho tới Công Ðồng Vatican II (1963-1965). Chính vì vậy mà công việc chuyển ngữ không cấp bách như hiện nay, đặc biệt sau Công Ðồng Vatican II. [18] Chỉ nơi các giáo phái Tin Lành, công việc chuyển ngữ mới thật cấp bách. Linh mục Martin Luther (1482-1546), người phát động phong trào cải cách tôn giáo, là người đầu tiên đã chuyển dịch gần như toàn bộ Thánh Kinh từ La ngữ tức bộ Vulgata sang Ðức ngữ. Và chính sự chuyển dịch này đã gây ra những sự hiểu biết không hoàn toàn đồng nhất về Thánh Kinh. Chính vì vậy mà trong những giáo phái theo chủ trương của Luther, mỗi người khi đọc Thánh Kinh, có thể có những hiểu biết khác nhau. Nhưng cũng vì vậy mà không thể có một lối hiểu chung về những đoạn văn Thánh Kinh. Từ đây, mọi người mới bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của TDH, và cũng từ thời này TDH bắt đầu phát triển như chúng ta thấy vào ngày nay. Chúng tôi sẽ bàn sâu thêm về giai đoạn này, cũng như chủ trương của Luther trong đoạn sau.

Như chúng tôi đã nhắc nơi trên, TDH đều có thể thấy nơi mọi nền văn hóa, từ Ðông sang Tây, từ một xã hội man dã tới văn minh. Trong phần này, chúng tôi chỉ xin được phép trình bày TDH từ nguồn mạch văn hóa Tây phương. Công việc thẩm định một nền TDH đông phương cần một thời gian nghiên cứu lâu dài hơn và một tác phẩm khác đầy đủ, cập nhật hơn.

Trở lại thuật ngữ TDH. Từ ngữ hermeneutics tự nó đã bao gồm khá nhiều ý nghĩa mà chính người Hy lạp cũng không hoàn toàn nắm vững. Theo định nghĩa thông thường, động từ hermèneuein thường được hiểu một cách chung như là hành động chuyển nghĩa (to interpret), trong khi danh từ hermèneia bao gồm sự chuyển ý, sự thay đổi ý nghĩa hay là sự giải nghĩa (interpretation). Lối hiểu thường thấy này thực ra chưa lột được hết ý nghĩa của hermeneutics. Ðể hiểu được một cách trọn vẹn ý nghĩa của TDH, chúng ta bắt buộc phải đào sâu vào trong kho tàng kinh điển của Hy la, và nhất là phải nắm vững được tất cả quá trình diễn biến và phát triển của nó.

Trong các tác phẩm của giới văn chương thời Homer, hermeios vốn là danh từ riêng chỉ những vị tư tế tại đền thần Delphia. Họ có nhiệm vụ giải nghĩa những lời thần phán (oracles) cho tín hữu. Gọi họ là hermeios, bởi vì họ tiếp tục công năng của thần Hermes, người con của Zeus - vị thần tối cao, vua của mọi thần thánh - và nữ thần Maia. Theo Homer, Hermes là vị thần của người lữ khách, của giới đạo chích và của các học giả. Hermes có sứ vụ truyền tới nhân gian thiên ý, hay những phán định của thế giới thần linh. Chính vì vậy mà người Hy lạp thường gắn Hermes liền với nhiệm vụ làm con người hiểu biết được điều mà con người tự mình vốn không thể hiểu được. Và như thế, Hermes cũng được coi như là vị thần cha đẻ của ngôn ngữ (language) và ngữ tự (writing), tức những hình thức và công cụ để có thể hiểu ý nghĩa, cũng như để truyền đạt tới người khác.

Aristotle, khi bàn về ngôn ngữ, đã để dành một trang bàn về hermèneia. Trong tác phẩm Organon (Công Cụ), ta thấy triết gia chú trọng tới hermeneutics, coi nó đáng được thảo luận. [19] Trước ông, Homer, và đặc biệt Plato, sư phụ của Aristotle cũng đã nhắc tới cụm thuật ngữ này nhiều lần. [20] Và quả thật, hermeneutics không có xa lạ gì trong các tác phẩm của những văn sĩ hay tư tưởng gia như Xenophon, Plutarch, Euripides, Epicurus, Lucretius và Longinus. Ðối với truyền thống Hy lạp và La tinh, hermeneutics thường được hiểu theo văn cảnh của ngữ ý. [21]

Khi đạo Thiên Chúa phát triển, đặc biệt vào thời các Giáo phụ (Patristic period), [22] môn Giải thích học rất được chú trọng. Tuy không dùng thuật ngữ hermeneutics, nhưng các giáo phụ, đặc biệt thánh Augustine (Âu Cơ Tinh) đã áp dụng một cách triệt để môn học này. Họ coi giải thích học (Exegesis) là một kỹ thuật để có thể hiểu Thánh Kinh một cách chân thực. Chính vì vậy mà giải thích học giúp ta nghiên cứu ngôn ngữ, văn bản, và như vậy giúp phát sinh môn tu từ học (hay truy nguyên học, tức philology). Chú ý là thánh Augustine là một nhà ngữ học đại tài. Ngài từng là giáo sư văn chương La tinh, và các tác phẩm của ngài rất chau chuốt. Các giáo phụ áp dụng môn học này vào việc học Thánh Kinh, cũng như giải thích các văn bản liên quan tới Thánh Kinh, và những tín điều của đạo Thiên Chúa. Mà không riêng đạo Thiên Chúa, ngay các giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái cũng đã áp dụng môn giải thích học này vào trong công việc học hỏi những bản văn linh thiêng (sacred texts) tức loại Sách Thánh. Hàng giáo sĩ Do Thái (Rabbis) lập ra và xác định những quy luật thiết yếu để giải thích kinh Talmud và các văn kiện Midraschim. [23]

Giải thích học bước một bước nhảy vọt, biến thành một phương pháp diễn giải áp dụng để giải thích những bản văn thế tục (prophane texts, hay secular texts) vào thời Phục Hưng. Vào thời này, khi mà chủ nghĩa nhân văn xuất hiện, người ta càng cần một môn giải thích, không phải để hiểu Thánh Kinh mà thôi, mà nhất là để hiểu những áng văn ca ngợi con người, tình yêu, thiên nhiên... Từ đây, ta thấy môn giải thích học bắt đầu đi sâu vào cuộc sống toàn diện của con người.

Ngay sau thời Phục Hưng, công việc giải thích Thánh Kinh do ảnh hưởng của phong trào cải cách tôn giáo, đã thay đổi một cách táo bạo. Linh mục Luther, bắt đầu công cuộc cải cách tôn giáo với chủ trương cho rằng con người có khả năng trực tiếp gặp gỡ với Thiên Chúa qua chính Thánh Kinh và không cần qua giáo hội. Và như thế, công việc hiểu Thánh Kinh một cách trung thực là một công việc tối quan trọng. [24] Linh mục Matthias Flacius, một người từng theo Luther, nhận định cho là Thánh Kinh bao hàm lời nói của Thiên Chúa được con người ghi chép lại. Hay nói đúng hơn, Thánh Kinh chính là sự mặc khải của Thiên Chúa qua ngôn từ (revelatio sacrio literis comprehensa). Flavius chống lại lối giải thích quyền uy của Giáo quyền La Mã, từng được Công đồng Tridentino (The Council of Trent, 1545-63) xác quyết và ban hành. Theo Công đồng Tridentino, chỉ có truyền thống của Giáo hội mới có quyền xác quyết ý nghĩa của những đoạn văn tăm tối khó hiểu. Chống lại lối giải thích quyền uy trên, Flavius đưa ra một khả thể về sự hiểu biết Thánh Kinh một cách phổ quát nơi mọi người, nhờ vào phương pháp giải thích. Nói một cách cụ thể hơn, nếu Giáo hội La mã bắt buộc tín hữu phải chấp nhận ý nghĩa của các dụ ngôn (allegories) trong Tân Ước theo mạch văn của Cựu Ước, thì Flavius cho rằng, ta chỉ cần hiểu các dụ ngôn theo cùng một cách thế giống nhau là đủ. Và như vậy, việc dựa vào Cựu Ước để giải thích xem ra có vẻ thừa thãi. Chống lại lối giải thích chỉ dựa vào truyền thống, dựa vào quyền uy hay Giáo huấn của Giáo Hội (magisterium), hay của những Giáo phụ, Flavius đưa ra một phương pháp giải thích như sau: Bất cứ một đoạn văn tối tăm nào cũng có thể hiểu được nếu chúng ta theo phương cách: (1) nắm vững được văn phạm và giải thích đoạn văn theo kết cấu của văn phạm, (2) nắm vững được mạch văn dựa trên kinh nghiệm đương sống của đạo lý Kitô giáo, và quan trọng hơn cả, đó là (3) ta bắt buộc phải nhìn đoạn văn từ khía cạnh của ý hướng và hình thức của cái toàn thể. [25]

Một môn giải thích như vậy mọc sâu vào trong đường lối giáo dục của Tân giáo (tức đạo Tin Lành, hay còn gọi là Thệ Phản). [26] Quan niệm cho rằng, để hiểu bất cứ một bộ phận nho nhỏ nào, ta cũng phải nắm vững được cái toàn thể, rằng tất cả mọi bộ phận đều tương quan với nhau một cách chặt chẽ đã khiến môn giải thích học biến thành Thông Diễn Học theo gần với ý nghĩa mà chúng ta dùng ngày nay. Friedrich Schleiermacher, nhà đại thần học đồng nghiệp với Hegel tại ÐH Bá Linh vào đầu thế kỷ 19, đã phát triển những nguyên tắc trên thành nguyên lý cho nền Giải thích học, và đặt nền tảng cho nền TDH ngày nay. Trong bài tham luận "Die Hermeneutik als Kunst des Verstehens existiert noch nicht allgemein sondern nur mehrere spezielle Hermeneutiken" (Thông Diễn Học như là một Nghệ Thuật Hiểu Biết chưa thấy có một cách chung nhưng chỉ thấy nơi những nền Thông Diễn Cá Biệt) và nhất là trong một bài tham luận khác "Ueber den Begriff der Hermeneutik, mit Bezug auf F. A. Wolfs Andeutungen und Asts Lehrbuch" (Bàn về Quan Niệm Thông Diễn, dựa vào Những Diễn Giải của Wolf và vào Sách Giáo Khoa của Ast), [27] ông chủ trương "TDH là một nghệ thuật hiểu biết." [28] Nghệ thuật này bao gồm những nguyên tắc sau:

(1) Ðể hiểu văn bản, ta phải nắm vững kết cấu văn phạm, sự tương quan của văn phạm với ngữ ý. Thành thử, TDH đòi hỏi ta phải thấu hiểu nguyên lý của ngôn ngữ.

(2) TDH là một sự hiểu biết gắn chặt với cuộc sống, với hành vi, với cảm tình của con người khi họ đối diện với Thiên Chúa, với đồng loại, với thiên nhiên.

(3) TDH cũng nói lên sự kiện con người đương sống (hiện sinh) trong một thế giới thực tiễn, đương trong một quá trình tìm hiểu, trong một cuộc đối thoại liên tục. Ông hiểu đối thoại như là một lối sống, biểu tả cuộc sống qua ngôn ngữ. Và như vậy ông phân biệt hai công năng của TDH, nói (ngôn ngữ) và hiểu (sống).

(4) Schleiermacher (có lẽ) cũng là người đầu tiên phát hiện ra một cái vòng "luân hồi" (không theo nghĩa luân hồi của Phật giáo) trong sự hiểu biết mà ông gọi "vòng thông diễn" (hermeneutical circle). Vòng thông diễn muốn nói lên sự kiện là một sự hiểu biết toàn vẹn không theo đường thẳng, nhưng theo một mối tương quan đa chiều, đa diện, nhiều khi theo những bước nhẩy vọt, vân vân. Trong quá trình hiểu biết, không chỉ người nói mà cả người nghe đều phải chia sẻ (hay chấp nhận) ngôn ngữ chung; phải có một hiểu biết sơ khởi về thế giới sống, truyền thống, giá trị, cũng như phải dùng chính ngôn ngữ để biểu tả. Nói cách khác, ta không thể dựa theo hệ thống của chủ thuyết duy lý, hay duy nghiệm và theo cái luật (logic) suy tư của họ để có được một hiểu biết trọn vẹn.

Nhưng cho dù tiến bộ tới đâu đi nữa, lối giải thích của thần học gia Schleiermacher như trên vẫn chưa giải quyết được những mâu thuẫn nội tại (thí dụ mâu thuẫn về logic trong chủ trương vòng thông diễn). Nó càng không thể diễn tả được tất cả ý nghĩa của văn bản, nhất là không thể khiến chúng ta vượt xa hơn khỏi văn bản để phản ánh lại tinh thần của tác giả. Những lối giải thích Thánh Kinh cho dù rất khoa học, cũng không thể đánh động được tâm hồn của những người nghe, hay người đọc, nếu cái tinh thần tiềm ẩn trong văn bản không tái hiện, nếu nó không đi sâu vào trong tâm hồn, đánh động được tâm thức người nghe, người đọc. Tương tự, lối giải thích tầm chương trích cú, hay lối tu từ học, hay khảo cổ học không thể làm bản văn sống lại, và nhất là tác động tâm thức của những người khác ngôn ngữ, văn hóa. Sự khó khăn này càng rõ rệt khi ta phải dịch văn bản sang ngoại ngữ hay ngược lại. Như thường thấy, những bản dịch từ chữ (word by word, mot à mot) thường là những bản dịch ngô nghê, mặc dù hoàn toàn trung thành với ngữ pháp và với văn cảnh khoa học. Những bản dịch như vậy thường gây ra sai lầm nhiều hơn, và rất có thể ngược hẳn lại với ý nghĩa trung thực của văn bản. [29]

Ý thức được những vấn nạn thông diễn như vậy, triết gia và thần học gia theo phương pháp hiện tượng học đã phát triển giải thích học thành một bộ môn TDH như chúng ta thấy ngày nay. Theo phương pháp này, ta chỉ hiểu được một hiện tượng, hay ý nghĩa của câu văn nấp sau những mạng chữ, nếu chúng ta qua lối phân tích (giải nghĩa, giải thích) đào ra được những bản chất của hiện tượng, hay của ngôn ngữ; và nhất là khi ta tìm ra được cái luật, hay cái mối ràng buộc giữa các bản chất. Và sau cùng, công việc quan trọng hơn cả, đó là làm sao có thể nhận ra được sự biến đổi (hình thức, ý nghĩa, và cả quy luật) của văn bản, của hiện tượng khi chúng ở vào trong những thời điểm (thời gian và không gian) khác nhau. Công lao quan trọng nhất phải kể đến Martin Heidegger, người được coi như là nhà tư tưởng lớn nhất của thế kỷ thứ 20. Là trợ lý của Edmund Husserl, Heidegger không chỉ hấp thụ phương pháp hiện tượng học (tức phân tích, tìm ra bản chất), mà còn phát triển vượt khỏi thầy mình, biến hiện tượng học thành Thông diễn học (như thấy trong phần chúng tôi bàn về phương pháp thông diễn học). [30] Nói rõ hơn, Heidegger không chỉ nhìn ra bản chất (essence) của hiện tượng, mà còn nhìn ra quy luật biến hóa của chúng, cũng như sự phát hiện được quá trình cấu tạo cùa những bản chất (essences), sự thống nhất của chúng tạo ra cái ý nghĩa nói lên sự vật. [31]

Sự khám phá của Heidegger ảnh hưởng sâu rộng tới người đồ đệ của ông, Giáo sư Hans-Georg Gadamer (1900-2002). Ðối với Gadamer, điểm quan trọng là hiện tượng biến hóa như thế nào, theo quy luật nào, đường hướng nào. Nắm vững được những quy luật biến hóa, những cách thế biến hóa, những chiều hướng biến hóa, vân vân, tức là thông hiểu hiện tượng (sự vật, sự kiện) đó. Theo Gadamer, bản chất của sự vật không có bất biến (khác với bản thể), nhưng biến dạng, và biến chất. Thí dụ như thấy trong sự biến dạng và biến chất của vật thể khi đặt chúng vào trong những môi trường khác nhau. Như ta từng quan sát, tia sáng đi thẳng trong không gian, nhưng lại nghiêng trong nước. Thứ tới, ông thấy là sự biến hóa của thế giới ngoại vật không tương đồng với sự hiểu biết của hữu thể. Nói cách khác, ông nhận thấy có một sự khác biệt giữa biết (wissen, knowing) và hiểu biết (verstehen, understanding). Nếu ta biết hiện tượng bên ngoài tùy theo phạm trù của lý trí, theo điều kiện của không gian và thời gian (thuyết của Kant), thì ta hiểu hiện tượng theo một quy luật cá biệt; đó là cái luật của hữu thể, của hiện thể (tức hữu thể trong một khoảng thời gian, một quãng không gian nhất định). Và quan trọng hơn thế, chính sự hiểu biết, chứ không phải sự biết mới tạo ra cái mà chúng ta gọi là thế giới cảm quan, tức nền tảng của nghệ thuật. Hiểu biết và cảm thông nơi đây đồng nhất với nhau. Ông nhận ra, nếu hiện tượng biến hóa theo luật của thời gian, và không gian (Da-sein) thì sự hiểu biết sự vật tùy thuộc vào chính sự hiện hữu của hữu thể trong không gian, thời gian (tức cái mà Heidegger gọi là hữu-thể-tại-thế (in-der-Welt-Sein), và chính sự hiện hữu của hữu thể tương quan với các hữu thể khác (mit-Sein). Mỗi khi xuất hiện, hữu thể không chỉ như thế (so-Sein), nhưng luôn ý thức (mục đích, tương quan), và bị ảnh hưởng của bản tính của chính nó (sợ hãi, lo âu, chết chóc, hữu hạn, hy vọng...). Từ một nhận thức như vậy, Gadamer phát triển hiện tượng học thành một nền bản thể học (ontology), và giải thích học (hay thông diễn) thành một môn mà chúng ta quen gọi là thông diễn triết học, hay nền triết học thông diễn (philosophical hermeneutics). Nói tóm lại, như ta thấy trong tác phẩm Chân Lý và Phương Pháp (Wahrheit und Method), [32] một tác phẩm ảnh hưởng sâu rộng tới mọi giới trong nền Khoa học Xã hội Nhân văn, Gadamer chú trọng tới ba lãnh vực của TDH:

(1) Thứ nhất, ông cho rằng nền thông diễn triết học có thể đóng góp vào truyền thống giải thích Thánh Kinh, những áng văn linh thiêng cũng như những truyền thống tôn giáo.

(2) Thứ hai, một nền TDH như vậy cũng có thể áp dụng để hiểu và giải thích những khoản luật pháp và những văn bản văn chương. Nơi đây, Gadamer nhận định là ba khả năng: hiểu biết (understanding), lý giài hay giải thích (interpretation) và áp dụng (application) luôn gắn liền với nhau, không thể tách biệt ra được.

(3) Thứ ba, thông diễn triết học có tham vọng trở thành một phương pháp nền tảng cho tất cả nền khoa học xã hội và nhân văn. [33]

Những ưu điểm trong lý thuyết thông diễn triết học bao gồm:

(1) Thứ nhất, Gadamer đã phát triển lý thuyết ngôn ngữ như là bản thể học của Heidegger [34] ra thành một nền khoa học nhân văn, xã hội. Nói cách khác, để hiểu con người, ta phải hiểu ngôn ngữ; để hiểu lịch sử con người, ta phải hiểu các văn bản mà cha ông chúng ta truyền lại; và để sáng tạo, chúng ta phải biết được cái tâm thức chung, cái tâm tình chung và nhất là cái khuynh hướng (bao gồm Einsicht tức nội kiến, hay định kiến, Absicht tức tiên kiến hay hậu ý, và Hinsicht tức viễn kiến, hay ý hướng) mà con người đương đeo đuổi.

(2) Thứ tới, sự hiểu biết (understanding) không bị hạn hẹp vào đối tượng (như thấy nơi Locke và Hume và những người chủ trương chủ thuyết kinh nghiệm), hay bị trói buộc bởi những phạm trù tiên thiên (như thấy nơi Kant). Sự hiểu biết là một cách thế chủ thể đương tự mở rộng mình ra để đi vào một chân trời mới. [35] Càng gần chân trời, sự hiểu biết của ta càng quảng bác ra. Nhưng ta cũng không bao giờ tới chân trời được, bởi vì quảng cách giữa ta và chân trời vẫn không thay đổi. Tương tự như sự kiện ta hướng về phía chân trời, sự hiểu biết phát triển bằng cách giữ lại những gì đã có (truyền thống, kinh nghiệm, tức chân trời cũ), nhưng đồng thời cộng thêm vào những kiến thức mới (chân trời mới). Chính vì vậy mà hiểu biết tức là quá trình hội nhập không ngừng vào trong những chân trời mới vô tận, [36] và cũng chính vì vậy mà ta không thể có được một nền chân lý tuyệt đối, vĩnh viễn và bất dịch.

(3) Thứ ba, chính vì hiểu biết tức là hội ngộ (encounter), hội thông (communication), cảm thông (communion) và hội nhập (participation), nên hiểu biết không chỉ là một tri giác (perceiving), hay tri thức (knowing), hay nhận thức (learning to know) thông thường. Ðó chính là cuộc sống, hay là chủ thể đương tác động qua chính cuộc sống. Nói theo ngôn ngữ của Phật học, hiểu biết tức là giác ngộ.

Không cần phải nói, lý thuyết thông diễn triết học, hay đúng hơn, nền thông diễn bản thể học (ontological hermeneutics) của Gadamer đã gây ra một làn sóng mạnh gây được sự chú ý của mọi giới, không riêng chỉ triết học hay nghệ thuật mà thôi. Trước cả Gadamer, nhà luật học thời danh của Ý, Giáo sư Emilio Betti đã từng phát triển một nền thông diễn học áp dụng vào luật học, nhưng không được chú ý lắm. [37] Với sự ra đời của nền thông diễn triết học, người ta bắt đầu chú ý tới cát tài năng của Betti. Chính Betti là người đã đưa ra một lý thuyết thông diễn khách quan chống lại lối thông diễn bản thể học của Gadamer. Trong tập sách làm giới nghiên cứu chú ý, Teoria generale della interpretazione (Lý Thuyết Chung về Thông Diễn), [38] Betti đưa ra những nguyên tắc diễn giải sau đây:

(1) Thứ nhất thông diễn học là một nền khoa học tinh thần, nên đòi hỏi những nguyên tắc khách quan, một lối hiểu biết luôn luôn chính xác, không hàm hồ. [39] Ðây là lý do tại sao Betti tấn công Gadamer. Ông cho rằng lý thuyết thông diễn của Gadamer phạm vào những sai lầm sau: (1) nền thông diễn triết học của Gadamer không phải là một nền phương pháp, hay giúp ta tạo ra phương pháp nghiên cứu khoa học con người, (2) nền thông diễn triết học này sa vào cái hố của chủ nghĩa tương đối, và như vậy không thể áp dụng vào trong khoa học xã hội, nhất là luật học, tức những nền khoa học dựa trên tính chất khách quan, và đòi hỏi một sự giải thích khách quan. [40] Bởi lẽ, theo Betti, TDH của Gadamer vẫn còn nằm trong lãnh vực "diễn tả" (descriptive) nhưng chưa vươn tới mực quy phạm (prescriptive) được như thấy trong luật học và đạo đức học. Từ nhận xét như vậy, Betti đi thêm một bước nữa gán cho Gadamer hai tội. Tội thứ nhất, đó là lối thông diễn của Gadamer quá chủ quan, và cái lịch sử tính (historicity) mà Gadamer chủ trương thực ra chỉ là sản phẩm của chủ thể, thành thử ông không thể xây dựng được một quy phạm xác định lối diễn giải nào đúng hay sai. Tội thứ hai, đó là việc Gadamer lẫn lộn các loại giải thích, không nhận ra sự khác biệt nơi chúng. [41] Lời cáo tội của Betti có phần nào đúng, nhưng đa số đều gãi không đúng vào chỗ không ngứa. Ðôi khi, ta có cảm tưởng là Betti hiểu sai, hay cố ý bóp méo tư tưởng của Gadamer. Thí dụ như sự kiện, tuy Gadamer nhấn mạnh đến chủ thể tính (subjectivity), nhưng ông chứng minh cái chủ thể tính này mang tinh chất khách quan. Rõ ràng là Betti nhầm chủ thể tính với chủ quan.

(2) Tuy đòi hỏi khách quan, chính xác, Betti cho rằng thông diễn vượt khỏi lối diễn giải (explanation) thường thấy trong khoa học thực nghiệm và được nhóm tâm lý học gia thuộc chủ thuyết duy hành vi áp dụng. Nói cách khác, ông phê bình các nhà khoa học thực nghiệm coi con người như là những đối tượng giống như những vật thể bên ngoài. Ông nhận ra trong mỗi chủ thể có những đặc tính khách quan mà ai cũng có thể phát hiện được.

Tuy gây được một tiếng vang, nhưng thế lực của Betti vẫn chưa đủ để phá vỡ những luận cứ của Gadamer. Lý do chính là Betti vẫn còn quá lệ thuộc vào lối nhìn "thống nhất" (unified) trong khoa học. Lối nhìn này cho rằng, chỉ có một nền khoa học duy nhất, y hệt như chân lý chỉ có một mà không thể có hai được. Quan trọng hơn, đó là lối nhìn khoa học thống nhất này lấy cái mẫu của khoa học thực nghiệm làm chuẩn mực duy nhất, và ép buộc tất cả mọi nền khoa học khác phải theo. Khi theo lối nhìn này, Betti quên khuấy đi việc Wilhelm Dilthey đã từng phân biệt một cách rất chính xác sự khác biệt giữa khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn, xã hội.

Ta phải đợi đến cuối thập niên 1970, khi Juergen Habermas mở cuộc tấn công vào pháo đài thông diễn triết học của Gadamer. Trong cuộc tranh luận với Gadamer về bản chất của TDH, Habermas nhận ra những ưu và khuyết điểm của Gadamer như sau:

(1) Gadamer đã chứng tỏ ra được rằng, bất cứ một lý thuyết chính trị, xã hội nào nếu có giá trị, bắt buộc phải đối diện với những vấn đề liên quan tới sự hiểu biết cũng như những lý giải của con người.

(2) Nhưng cùng lúc, Habermas tố tội Gadamer, nếu thông diễn triết học nhắm tới một sự hiểu biết toàn diện bao gồm lịch sử, thế giới giới sống hiện tại, cũng như dự phóng tương lai, thì một sự hiểu biết như vậy khó có thể có được. Lý do dễ hiểu là, lịch sử, truyền thống có thể bị bóp méo, y hệt như cuộc sống hiện đại có thể chỉ là một sản phẩm bị chế độ, hay ý hệ, hay một lối sống sa đọa nào đó chi phối và làm biến thể mà thôi.

(3) Habermas cũng nghi ngờ lời tuyên ngôn đao to búa lớn của nền TDH, tự cho nó như là nền tảng của mọi nền khoa học xã hội và nhân văn. Ông cho rằng, nền thông diễn triết học của Gadamer đã cố ý xem thường cũng như bóp méo cái vai trò của khoa học trong lối hiểu biết cuộc sống xã hội.

(4) Nói cách chung, nền thông diễn triết học thiếu cái năng lực phê bình để có thể đạt tới được một sự hiểu biết đích thực. [42] Từ đây, Habermas lấy lý thuyết phê bình xã hội của những triết gia trường phái Tân Mác (hay còn gọi là trường phái Frankfurt) để kiến tạo một loại thông diễn mới mà ông gọi là "Thông diễn học chiều sâu" (depth hermeneutics). TDH chiều sâu đặt trọng tâm vào những "lực biến đổi" thế giới sống như lao động (tác động, work) và quyền lực (power), chứ không chỉ có chú trọng tới ngôn ngữ và khả năng tương thông (communication) mà thôi. Theo Habermas, chỉ khi hiểu được những năng lực trên, ta mới có thể thông suốt được xã hội và văn hóa con người. Ngoài ra, Habermas nhận định, một nền TDH bắt buộc phải tìm ra một phương pháp đặc thù, tổng hợp một cách biện chứng giữa nền khoa học kinh nghiệm-phân tích với TDH. Ðó chính là phương pháp hay lý luận phê phán (critical theory), nhưng vượt khỏi nền triết học phê bình của Kant, bởi lẽ lý thuyết mới này nhắm tới thực hành, và được những ý hướng nhận thức và giải phóng (emancipatory cognitive interests) hướng dẫn. [43]

Lẽ tất nhiên, như chúng tôi thấy, những phê bình của Habermas không có chống lại TDH, nhưng nói đúng hơn, tu chính và phát triển lý thuyết thông diễn triết học của Gadamer tới một trình độ mà nền khoa học xã hội đòi hỏi. Dưới ngòi bút của Habermas, TDH tự tiến bộ một cách biện chứng thành một nền thông diễn phê phán (critical hermeneutics), khiến ta hiểu xã hội con người một cách trung thực, không bị lệch lạc, không bị lịch sử bóp méo. Hay như Habermas gán cho nền thông diễn học mới này cái danh hiệu nền thông diễn học chiều sâu (mà chúng tôi nhắc tới nơi trên), và một nền thông diễn mang tính chất thực hành (hermeneutics to application, tức praxis). [44]

Thực ra, một nền thông diễn chiều sâu, và một nền thông diễn luôn hướng tới hành động thực hành không phải do Habermas sáng tạo ra. Ðiều mà Habermas đã và đương làm, đó là tiếp nối những công trình của nhóm tân Marx, đặc biệt phát triển lý thuyết tâm lý (phân tâm) của Sigmund Freud qua Carl Jung thành một nền tâm lý học Mác-xit, như thấy trong các tác phẩm của nhà tâm lý học Erich Fromm [45] và của triết gia Herbert Marcuse. [46] Theo lối nhìn này, điều mà chúng ta cho là hiển nhiên, và tự cho có thể thấu hiểu, thực ra chỉ là những sự kiện giả trá, hay bề mặt. Sự thực đã bị xã hội, đạo đức, chính trị, kinh tế đè nén, và chính vì vật mà những gì ta biết được về sự vật, về chính chúng ta chỉ là những "mặt nạ" đeo trên mặt, trên thân hình của con người xã hội. Sự thật vẫn còn đương bị đè nén và nằm ở chiều sâu (tiềm thức, subconsciousness), hay vất vưởng mơ hồ trong tiền thức (preconsciousness), hay bị đồng hóa với cái ý thức phi ngã (id) tức cái ý thức không phải của chính chúng ta. Như vậy, công việc truy tầm chân lý đồng nghĩa với quá trình lột mặt nạ xuống (unmasking), hay với quá trình phá đổ huyền thoại (demystification, hay demythologization) như nhà thần học Rudolf Bultmann từng làm), phê phán ý hệ (như Marx đã từng bắt đầu và được nhóm tân Marx tiếp tục). Nhưng phá đổ huyền thoại, vất bỏ ý hệ, cũng như lột mặt nạ vẫn chưa đủ để ta nhìn ra toàn bộ sự thật, đừng nói đến là sống chân thật. Ðiểm mà chúng tôi muốn bàn đến nơi đây, không phải là việc chúng ta có thể vất bỏ được huyền thọai, phá bỏ được ý hệ, hay không đeo mặt nạ hay không (điều mà chúng tôi từng chứng minh là không thể làm được), [47] mà là chuyện, ngay cả khi thành công trong những công việc trên, thì ta có đủ khả năng để nhận ra sự thật hay không? Thì ta có thể đạt được tới một sự hiểu biết chân thật, trọn vẹn hay không?

Habermas và các người theo Trường Phái Phê Phán nhận ra sự bất lực của họ, thế nên chính Habermas là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng của trường phái này nhận ra là ông phải đi kiến tạo một lý thuyết mới để có thể đạt tới một sự hiểu biết trọn vẹn hơn. Lý thuyết này được Habermas đặt cho cái tên rất kêu: Lý Thuyết Hành Ðộng Tương Thông (Theory of communicative action). [48] Theo lý thuyết mới này của ông, một sự hiểu biết trọn vẹn không chỉ qua văn bản, hay truyền thống mà thôi, mà còn phải qua chính những tác động, hành vi, sinh hoạt của chúng ta. Những hành vi, sinh hoạt này phản ánh (1) cái thế giới sống của chúng ta, (2) những mục đích, ý thích, hay những đòi hỏi thầm kín của con người. Những hành vi này, do đó luôn được lý tính hướng dẫn, và lẽ tất yếu, là chúng theo quy luật của lý tính (tức lý tính hóa). [49] Và do đó, để hiểu hành vi con người, ta phải nhận ra được cái hình thức, kết cấu của xã hội, cũng như quy luật của lý trí mà ta thấy một cách rõ ràng qua ngôn ngữ. Thứ tới, lý tính giúp chúng ta phản tư về những ngộ nhận mà truyền thống, ý hệ hay giá trị công cụ từng gây ra. Do đó, ông đi thêm một bước, áp dụng lý thuyết của Freud, lý thuyết cơ thể của Ernst Mach, cũng như những nghiên cứu của Jean Piaget về sự phát triển tâm lý, tri thức và nhân cách của con người để đào sâu vào cái quá trình kiến cấu (construction) và tái kiến cấu (reconstruction) của những hình thức, ý thức và sinh hoạt của con người. Như Marx, ông muốn biết tại sao con người bị tha hóa, tại sao con người mất ý thức, có phải vì ý hệ hay vì một động lực nào khác. Nói tóm lại, một sự hiểu biết không phải chỉ là một sự nắm được hiện tượng, hay cái thế giới bên ngoài, nhưng là một ý thức qua phản tỉnh (giống Hegel) về tất cả cái quá trình phát sinh, biến đổi, sa đọa, cũng như tái kiến cấu của con người xã hội.

Lý thuyết thông diễn phê phán của Habermas tuy có vẻ đầy đủ hơn những lý thuyết thông diễn trước ông, nhưng lại khá rắc rối, phức tạp đến độ gây ra nhiều tranh luận hơn cả lý thuyết của Gadamer. Tuy danh ông nổi lên như cồn, nhưng lý thuyết của ông không được áp dụng nhiều, nhất là trong lãnh vực văn chương, tôn giáo, và nghệ thuật. Ðây là lý do tại sao những lý thuyết thông diễn của Paul Ricoeur (áp dụng vào trong văn chương và tôn giáo), cũng như lối giải thích văn học của Jacques Derrida được nhiều người chú ý tới hơn. Trong phạm vi giới thiệu, chúng tôi xin lược qua lý thuyết của Ricoeur. Về phần Derrida, chúng tôi đã bàn sâu hơn trong một tác phẩm khác, nên không bàn tới trong tập sách này. [50]

Khác với Habermas, Ricoeur áp dụng phương pháp hiện tượng học vào trong thông diễn. Ông tìm cách dung hòa hai lối thông diễn của Gadamer và Betti. Nếu Gadamer luôn nhấn mạnh tới cái giá trị của một sự thông diễn từ chính sinh hoạt chủ thể của con người, và nếu Betti chú ý tới tính chất khách quan của hiểu biết, thì Ricoeur hy vọng tìm ra một nhịp cầu nối liền tính chất khách quan với cái lịch sử tính của chủ thể sinh động. Trong tác phẩm Le Conflit de l'interprétation (Sự Xung Ðột của Thông Diễn), Ricoeur đề nghị, ta nên bắt đầu với một sự khảo sát về biểu tượng (symbol), và tìm cách chuyển nghĩa những biểu tượng khiến chúng ta và những thế hệ sau có thể hiểu được. Ðể có thể đạt tới mục đích này, Ricoeur đào sâu vào trong cơ cấu của sự hiểu biết, phát hiện kết cấu của hiện tượng và khám phá ra quy luật hình thành tổ chức con người. Ðây là lý do tại sao Ricoeur muốn tìm ra những điểm chung thấy trong các lý thuyết hiện tượng học, phân tâm học, kết cấu luận (structuralism). Và từ đây, Ricoeur cho rằng, một văn bản (text) không chỉ nói lên một ý nghĩa, nhưng còn diễn tả cả một lối suy tư, một cuộc sống, một lịch sử tương quan tới những lịch sử khác, lối suy tư khác cũng như những cách sống khác. Như chúng tôi sẽ trình bày trong chương thứ ba về những lý thuyết căn bản trong nền thông diễn học của Ricoeur, trong phần này, chúng tôi chỉ chấm phá vài nét căn bản của nền thông diễn học của ông:

(1) Ricoeur nhận ra trong bất cứ một sự hiểu biết nào cũng có những mâu thuẫn, sự mâu thuẫn giữa những cái nhìn chung (khách quan), và cái nhìn riêng rẽ của chủ thể, tức chính cái lối sống (existential) của mỗi người. Ông nhận ra sự mâu thuẫn này hiện diện trong sự tranh chấp giữa truyền thống và hiện đại, giữa lý tưởng và thực tiễn, vân vân.

(2) Ricoeur phát triển hai lý thuyết của Bultmann (phá bỏ huyền thoại) và của Lévi-Strauss (luật kết cấu) vào trong triết học biểu tượng. Biểu tượng hóa một sự kiện không chỉ ở mức độ của ngữ ý (semantics), hay nói lên một hệ thống tự tại của các dấu hiệu (signs). Biểu tượng hóa nói ra một thực thể vượt khỏi ngôn ngữ, hay ở bên ngoài ngôn ngữ, đó chính là những biểu tượng (symbols). Biểu tượng chỉ ra, hay diễn tả ra những trạng thái nằm trong tiềm thức con người, phản ánh chính cái thế giới sống thực sự (chứ không phải thế giới đã bị lý tưởng hóa, hay huyền thoại hóa). Do vậy mà những biểu tượng của cuộc sống theo một quy luật chặt chẽ như thấy trong các kết cấu của chúng.

(3) Thứ tới, Ricoeur phát triển lý thuyết của Husserl về cái ngã siêu nghiệm (transcendental ego), tức cái ngã biểu hiện được thế sinh (Lebenswelt) một cách tiên thiên, thành một cái ngã tự phản tư (critical moment), tức cái ngã nhận ra được cái đặc thù (authentic) cũng như sự khác biệt của mình (distantiation). Hơn Husserl, Ricoeur nhấn mạnh tới tầm quan trọng của cơ cấu kinh nghiệm (structure of experience) biểu hiện hay thừa tự từ ngôn ngữ.

(4) Ricoeur cũng nhận ra một con đường song hành giữa thế giới khoa học (world of science) và thế giới sống (world of life, tức thế sinh). Ðối với ông, thế sinh cũng như hiện thể (Dasein) chỉ ra được "sự thặng dư của ý nghĩa trong kinh nghiệm sống, và như vậy có thể khiến thái độ mà ta đương giãi bày mang tính chất khách quan." [51]

(5) Ricoeur đặc biệt chú trọng tới phân tâm học của Freud, và của Jacques Lacan (1901-1981). Trong tác phẩm về Freud, De l'Interprétation. Essai sur Freud [52] (Bàn Về Thông Diễn - Luận về Freud), Ricoeur nhận định, giống như phân tâm học, thông diễn học trước hết phải là một nền khảo cổ học về chính chủ thể" (archéologie du sujet). Chính vì thế mà TDH đào bới cái ý nghĩa bị đè nén, hay ẩn nấp dưới bề mặt và nằm ở chiều sâu. Ðây là lý do tại sao Ricoeur chia sẻ một phần nào lối nhìn của Lacan khi ông này chủ trương một nền phân tâm kết cấu (psycho-analysis structurel). [53]

 

Chú Thích:

[16] Martin Heidegger, Unterwegs zur Sprache (Pfulllingen: Neske, 1959), ctr. 121-122; Palmer, 13.

[17] Gerhard Ebeling, "Hermeneutik," trong Die Religion in Geschichte und Gegenwart (bản in thứ 3), II, tr. 242.

[18] Với Sắc lệnh "Ad gentes divinitus," Công Ðồng Vatican II nhấn mạnh đền việc sử dụng ngôn ngữ địa phương (De predicatione Evangelii et de congregando Populo Dei". Với Hiến chế Phụng Vụ (Constitutio de Sacra Liturgica) "Sacrosanctum Concilium" Công Ðồng cho phép được sử dụng ngôn ngữ địa phương trong Phụng vụ. Xin tkh. Vatican II, Constitutiones, Decreta, Declarationes (Vatican: Librebria Editrice Vaticana, 1966).

[19] Aristotle, The Basic Works, ctr. 40-61. Ðặc biệt: Aristotle, On interpretation, với lời bình luận của Thánh Thomas Aquinas và Cajetan. Bản dịch Anh ngữ của Jean T. Oesterle; Palmer, 12.

[20] Thí dụ trong tác phẩm Oedipus at Colonus của Homer, cũng như trong Symposium của Plato, và nhất là trong Organon của Aristotle về chương Peri hermeneias. Xin tkh. Greek-English Lexicon, ed. Liddell và Scott; cũng như Palmer, 12.

[21] Vào thời kỳ này, giải thích văn bản là một môn học quan trọng trong các học viện (academy). Công việc đào luyện văn chương bao gồm hai phần chính: giải thích, chuyển nghĩa (interpretation) và phê bình (criticism) Homer cũng như các thi sĩ khác. Môn học này lại phân làm hai môn học khác, đó là huấn luyện nghệ thuật hùng biện (rhetoric) và sáng tác văn phẩm (poetics).

[22] Giáo phụ, hay là những người cha của Giáo hội Thiên Chúa giáo, tức những nhà tư tưởng, thần học, triết học đã đóng góp vào sự phát triển nền thần học Kitô giáo từ Thánh Kinh và nền văn hóa Hy La. Những triết gia giáo phụ thời danh như Clement of Alexandria, Origen, Filo, Dyonysius và nhất là St. Augustine, đã là những triết gia đầu tiên của nền triết học Kitô giáo. Xtkh. H. A. Wolfson, The Philosophy of The Church Fathers (Cambridge M.A: Harvard University Press, 1956).

[23] Joseph Bleicher, Contemporary Hermeneutics (London: Routledge & Kegan Paul, 1980), tr. 12. Cũng tham khảo George F. McLean, Ways to God (Washington, D.C.: The Council for Research in Values and Philosophy, 1999), ctr. 235-288.

[24] Martin Luther, Disputatio pro declaratione et virtutis indulgentiarum (1517).

[25] Bleicher, tr. 16.

[26] Chú ý là khi nói về đạo Thiên Chúa, hay Kitô giáo, là một tôn giáo do Ðức Giêsu Kitô thiết lập, bao gồm tất cả những đạo giáo tin vào Người: đạo Công giáo, đạo Anh giáo (do vua Henri VIII (1509-1547), đạo Tin Lành (với những nhà cải cách như Martin Luther (1483-1546), Jean Calvin (1509-1564), Ulrich Zwilling (1484-1531), ly khai Giáo hội La Mã vào thế kỷ 16. Ngoài ra còn có Chính Thống giáo, gần như độc lập với La Mã ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Thiên Chúa giáo. Ngày nay, Giáo hội trung thành với Giáo hội La Mã được gọi là Giáo hội Công giáo. Thực ra, Giáo hội Công giáo (ecclesia catholica) có nghĩa là một Giáo hội cho tất cả mọi nguời, không phân biệt mầu da, chủng tộc. Cũng cần phải nhắc đến việc sử dụng ngôn ngữ không được chính xác của giới học giả nước nhà: họ thường viết giáo hội là nhà thờ. Thực ra Giáo hội không phải và không đồng nghĩa với nhà thờ. Giáo hội nguyên thủy đâu có nhà thờ nào đâu. Họ sống chui núp trong những hang sâu cả 100 mét dưới lòng đất (catacomb, còn gọi là hang toại đạo) để tránh bị bách hại. Giáo hội (Church, Eglise, viết chữ hoa) là một cộng đồng, hay giáo đoàn, có tổ chức chặt chẽ; trong khi nhà thờ, hay giáo đường (church, église, viết chữ thường) chỉ là một kiến trúc làm nơi hội họp hay cầu nguyện cho cộng đồng hay giáo đoàn. Cũng phải nói thêm là từ Thiên Chúa giáo cũng có thể áp dụng cho Do Thái giáo, Hồi giáo... bởi lẽ hai tôn giáo này cũng tin vào một Thiên Chúa duy nhất (tuy mỗi tôn giáo dùng từ ngữ khác nhau để biểu tả: Jahweh hay Allah). Tại Trung Hoa, từ Thiên Chúa phát xuất từ nhà truyền giáo Matteo Ricci (Lee Ma-tou) và được hoàng đế Khang Hy chính thức công nhận.

[27] Những bài viết trên được in trong: Friedrich Scheiermacher, Saemmtliche Werke (Berlin: Reimer, 1838), do Friedrich Lucke chb. Tập VII: Hermeneutik und Kritik: mit besonderer Beziehung auf das Neue Testament. Ngoài ra cũng thấy trong: Friedrich Schleiermacher, Hermeneutik, do Heinz Kimmerle chb. (Heidelberg: Carl Winter, 1959).

[28] Hermeneutik, tr. 79; Palmer, ctr. 84-97.

[29] Thí dụ bản dịch giáo lý Công giáo đầu tiên sang Việt ngữ như tập Phép Giảng Tám Ngày Cho Kẻ Muốn Chịu Phép Rửa Tội Mà Vào Ðạo Thánh Ðức Chúa Trời của linh mục Ðắc Lộ, vân vân. Dịch giả thường dịch theo từ, theo tiếng nhưng quên đi văn cảnh, bối cảnh... Thế nên, lối dịch có vẻ "văn Tây" hơn "văn ta". Xin tkh các nghiên cứu của Giáo sư Tiến sỹ Ðỗ Quang Chính, Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ (Sài Gòn: Ra Khơi, 1972); Học giả Tiến sỹ Nguyễn Khắc Xuyên, Ngữ Pháp Tiếng Việt Của Ðắc Lộ 1651 (Garden Grove: Thời Ðiểm, 1993), và của Giáo sư Tiến sỹ Phan Ðình Cho, Mission and Catechesis - Alexandre de Rhodes and Inculturation in Seventeenth-Century Vietnam (New York: Orbis Book, 1998). Tương tự, khi dịch từ Thượng Ðế (Thiên Chúa) sang Nhật ngữ, các nhà truyền giáo trung thành với từ La-tinh Deus nên phát âm sang Nhật ngữ là Deusu. Các vị truyền giáo không biết rằng, Deusu trong Nhật ngữ có nghĩa là "đại bịp." Tại Việt Nam thời Ðắc Lộ, từ Deus được các nhà truyền giáo phiên âm là Chúa Dêu, một từ mà chẳng ai hiểu. Người Việt cứ nghĩ là Chúa Dêu cũng chỉ là một loại như bà chúa Chèm, hay chúa Trịnh... (Xtkh. Phan Ðình Cho, sđd.).

[30] Trong Sein und Zeit, Heidegger viết: "Cái ý nghĩa phương pháp luận trong sự diễn tả hiện tượng chính là thông diễn (Auslegung). Cái lý lẽ (logos) xác định hiện tượng học về hiện thể (Dasein) mang tính chất của thông diễn (hermeneuein), mà qua sự thông diễn như vậy hiện thể nhận ra được cái cấu thể (Struktur) của chính mình, cũng như cái ý nghĩa chân thực được thấy trong sự thông hiểu trước đây về chính hữu thể. (Vậy nên) nền hiện tượng học về hiện thể chính là nền thông diễn học theo đúng cái ý nghĩa gốc gác của nó. Thông diễn học nói về công việc thông diễn." Sein und Zeit, tr. 37; Palmer, tr. 129.

[31] Xin tham khảo chương về phương pháp Thông Diễn Học - Từ Hiện Tượng Học tới Thông Diễn Học.

[32] Hans-Georg Gadamer, Wahrheit und Methode (Tuebingen: Mohr, 1960); Sau đây viết tắt WM (bản Ðức ngữ), hay TM (Truth and Method, bản Anh ngữ do Garret Barden và John Cumming dịch, New York: Continuum, 1975).

[33] Richard J. Bernstein, Beyond Objectivism and Relativism - Science, Hermeneutics and Praxis (Philadelphia: University of Pennsylvania Press, 1983), ctr. 41-42.

[34] Trong tác phẩm Unterwegs zur Sprache, Heidegger đã coi ngôn ngữ như cái nôi của hiện hữu thể (Das Haus des Seinendes).

[35] Luận đề của Martin Heidegger về chân lý như là một sự tự khai mở. Xtkh. Martin Heidegger, Vom Wesen der Wahrheit (Frankfurt a. M, 1943), Bản dịch Việt ngữ của Trần Văn Ðoàn: Luận về Bản Chất của Chân Tính (Washington, D.C.: Vietnam University Press, 2002); cũng như trong: Martin Heidegger, Platons Lehre von der Wahrheit (Bern, 1947).

[36] WM, 288; TM, 271. Quan niệm "chân trời mở rộng" hay "hội nhập chân trời" (Horizonsversmelchung, fusion of horizons) là một quan niệm quan trọng để hiểu quá trình nhận thức của con người và của việc hội nhập văn hóa. Chúng tôi đã bàn sâu rộng về quan niệm này trong ba luận văn: Trần Văn Ðoàn, "La fusion des horizons et la fusion culturelle" (Université de Louvain-la-neuve, 5. 1994); Trần Văn Ðoàn, "Pluralistic Culture versus Cultural Pluralism", bđd.; cũng như Trần Văn Ðoàn, "Pluralistic Culture and Open Society" (Hà Nội, Viện Con Người, Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, 11. 2003).

[37] Emilio Betti, Interpretazione della legge e degli atti giuridici - Teoria generale e dogmatica (Giải Thích Pháp Luật và những Mục Luật Pháp - Lý Thuyết Chung và Lý Thuyết Tín Ðiều) (Milano: Giuffore, 1949). Năm 1950, Betti xuất bản một tập sách khác, không kém quan trọng: Teoria generale del negozio giuridico (Lý Thuyết Chung về Thương Thuyết Luật Pháp), (Torino: Unione tipografico editrice torinese, 1950).

[38] Emilio Betti, Teoria generale della Interpretazione (Milano: Instituto di Teoria dalla Interpretazione, 1955). 2 Tập. Tập sách này được chính tác giả dịch sang Ðức ngữ, và gây được một tiếng vang mạnh mẽ: Allgemeine Auslegungslehre als Methodik der Gesiteswissenschaften (Tuebingen: Mohr, 1967) (Lý Thuyết Thông Diễn Chung như là Phương Pháp Tính trong Nền Khoa Học Tinh Thần). Ngoài ra Betti cũng xuất bản một tập sách khác bằng Ðức ngữ: Die Hermeneutik als allgemeine Methode der Geisteswissenschaften (Tuebingen: Mohr, 1962) (Thông Diễn như là Một Phương Pháp Chung cho Nền Khoa Học Tinh Thần). Tập sách này được Josef Bleicher dịch sang Anh ngữ trong Contemporary Hermeneutics: Hermeneutics als Method, Philosophy and Critique do Bleicher chủ biên (Boston: Routledge & Kegan Paul, 1982). Chúng tôi dịch tĩnh từ "generale" sang Việt ngữ là "chung", chứ không phải "tổng quát". Betti cố ý đối nghịch từ "generale" với từ "dogmatica" (tức giáo điều, hay tín điều).

[39] Emilio Betti, Teoria generale della interpretazione, Tập 1, tr. 123.

[40] Emilio Betti, Die Hermeneutik als allgemeine Methode der Geisteswissenschaft, tr. Phần Dẫn Nhập; Cũng xin xem thêm: E. D. Hirsch, Jr., Validity in Interpretation (New Haven: Yale University Press, 1967).

[41] Betti, Die Hermeneutik als allgemeine methode der Geisteswissenschaft, tr. 43-44.

[42] Về cuộc tranh luận về TDH giữa Gadamer và Habermas, xin tkh. Hermeneutik und Ideologiekritik (Frankfurt a. M.: Suhrkamp, 1971). Ngoài ra: Jack Mendelson, "The Habermas-Gadamer Debate" trong New German Critique, 18 (1979: pp. 44-73; John B. Thompson, chb., Paul Ricoeur: Hermeneutics and Human Sciences (Cambridge: Cambridge University Press, 1981), ctr. 63-100. Bernstein, chú thích số 70.

[43] Juergen Habermas, Knowledge and Human Interests, do Jeremy J. Shapiro dịch (Boston: Beacon Press, 1971), pp. 301-317.

[44] Juergen Habermas, "A Review of Gadamer's Truth and Method," sđd., tr. 351: "Tôi cho rằng sự thành công rõ rệt nhất của Gadamer, là sự việc ông đã chứng minh được sự kiện, đó là, một sự hiểu biết thông diễn luôn liên quan chặt chẽ với tính chất thiết yếu (tiên nghiệm) cho rằng một sự tự giác ngộ luôn hướng tới hành động."

[45] Erich Fromm, The Crisis of Psychoanalysis : Essays on Freud, Marx and Social Psychology (Greenwich, Conn.: Fawcett Pub., 1971).

[46] Herbert Marcuse, Eros and Civilization : A Philosophical Inquiry Into Freud (Boston: Beacon Press, 1962).

[47] Xtkh. Trần Văn Ðoàn, The Poverty of Ideological Education (Taipei: Ministry of Education of ROC, 1993); Tái bản tại Mỹ (Washington, D.C.: The Council for Research in Values and Philosophy, 2001); Trần Văn Ðoàn, Ý Hệ Hình Thái đích Bình Khốn (Ðài Bắc: Ðại Học Sư Phạm Ðài Loan, 1998) (Trung ngữ).

[48] Lý thuyết này cũng mang cùng tựa đề với tác phẩm đồ sộ gồm 2 tập sách, và 1 tập bổ túc: Theorie der kommunikativen Handeln, xuất bản năm 1981, và được Thomas Mc Carthy dịch sang Anh ngữ năm 1985. Xtkh. Juergen Habermas, Theorie der kommunikativen Handeln (Frankfurt a. M.: Suhrkamp, 1981). Ergaenzungsband (1983). Bản dịch Anh ngữ của Thomas McCarthy: Theory of communicative Action (Boston: Beacon Press, 1985).

[49] Juergen Habermas, Theorie der kommunikativen Handeln, Tập 1. "Hành vi theo lý tính và Quá trình lý tính hóa xã hội" (Handlungsrationalitaet und Gesellschaftliche Rationalisierung)

[50] Xin Tkh. Trần Văn Ðoàn, Chủ Thuyết Hậu Hiện Ðại Ði Về Ðâu? (Thuyết Giảng tại Viện Triết Học, Hà Nội, 01. 2002). Ðương xuất bản.

[51] Paul Ricoeur, "Phenomenology and Hermeneutics" trong Nous, Tập 2, Số 1, tr. 100.

[52] Paul Ricoeur, De L'Interprétation. Essai sur Freud (Paris: Seuil, 1965).

[53] Jacques Lacan, Eùcrits (Paris: Seuil, 1966).

 

Trần Văn Ðoàn

Khoa Triết Học, ÐH Quốc Gia Hà Nội, 2004

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page