Thông Diễn Học
Và Khoa Học Xã Hội Nhân Văn
Gs. Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Lời Tựa và Cảm Tạ
Thông Diễn Học (sau đây viết tắt TDH) dịch từ thuật ngữ Hermeneutics vốn là một môn học, một phương pháp để thấu hiểu văn bản tuy rất cũ kỹ, nhưng cũng rất mới mẻ. Từ đầu thế kỷ thứ 20, TDH cũng đại biểu cho một nền triết học mà Hans-Georg Gadamer (1900-2002) gọi là Thông Diễn Triết Học (philosophische Hermeneutik). Rất cũ, bởi vì TDH đã bắt nguồn ngay từ khi con người có ngôn ngữ, và nhất là ngôn từ và ngôn tự. TDH giúp con người hiểu nhau qua ngôn từ, qua hành động và nhất là qua văn bản (ngôn tự) từng được truyền lại. Thế nên, khi Homer (c. 700 BC), nhà đại thi hào cha đẻ của nền văn học Hy lạp, diễn tả vai trò của các vị tư tế tại đền Delphia trong công việc diễn giảng và truyền đạt ý muốn của thần thánh, ông đã dùng tiếng hermenios để chỉ họ. [1] Trong thi phẩm Odysseus, Hermes được coi như là một vị thần mang sứ điệp của thần thánh chuyển đạt tới thần dân. Hermes được phó thác cho công năng chuyển đạt những sứ điệp mà con người thường vốn không thể hiểu, sang một ngôn ngữ mà ta nhờ đó có thể hiểu được thần ý. Nói cách khác, TDH trong nền triết học và văn học Hy lạp được coi như là một nghệ thuật khiến ta nhìn thấy được cái bất khả kiến (invisible), nhận ra được cái bất khả thấu (imperceivable), hiểu được điều bất khả thông (incommunicable), và lý giải được điều bất khả lý hội (incomprehensible). Chính vì thế mà TDH thường đồng nghĩa với môn học về ngôn ngữ (language), ngôn từ (words) và ngôn tự (written language), tức môn học giúp chúng ta hiểu được văn bản (texts), cũng như truyền đạt ý mình cho người khác. Nói cách khác, TDH bao gồm hai phần: phần thứ nhất xác định ý nghĩa xác thực của nội dung câu nói hay văn bản, truyền thống, giá trị, vân vân, trong khi phần thứ hai giúp ta khám phá ra những huấn đạo hàm chứa hay tiềm ẩn trong những hình thức ngụ ngôn, dụ ngôn, biểu tượng, vân vân.
Trong lịch sử văn học Tây phương, TDH đã từng được sử dụng trong tôn giáo học, đặc biệt để giải thích Thánh Kinh giúp giáo hữu hiểu được ý nghĩa lời Chúa, và tin vào Ngài. Do đó, hình thức cũ và căn bản nhất của TDH vẫn là môn Giải thích học (Biblical exegesis). Thánh Phaolô Tông đồ (thế kỷ thứ 1), thánh Augustine (354-430) và nhà cải cách tôn giáo, linh mục Martin Luther (1483-1546) đã phát triển môn giải thích học này tới mức độ tinh vi, giúp người đọc hay nghe Thánh Kinh không còn nghi hoặc. Vào đầu thế kỷ 19 mục sư Friedrich Daniel Ernst Schleiermacher (1768-1834), một nhà thần học thời danh, cũng là một triết gia và là đồng nghiệp của Georg Friedrich Hegel (1770-1831), giữ ghế Giảng Tòa về Tín Lý tại ÐH Bá Linh, phát triển Giải thích học rộng ra thành một môn học khoa học để hiểu Thánh Kinh, pháp luật và lịch sử.
Tương tự, đồ đệ của Schleiermacher, nhà sử học và triết học thời danh Wilhelm Dilthey (1833-1911) đã áp dụng phương pháp này vào trong khoa học xã hội nhân văn, và phát triển môn tâm lý học mô tả (descriptive psychology). Từ đây, Dilthey phát triển TDH thành một kỹ thuật cao đẳng để hiểu con người xã hội và lịch sử. Theo ông, một kỹ thuật để có thể đạt tới được một sự hiểu biết trung thực bao gồm ba khả năng: thứ nhất, giúp chúng ta thảo luận về ngôn ngữ dùng trong văn bản (ngữ vựng, văn phạm) khiến ta có thể phát triển một nền ngữ khảo học hay tu từ học (philology); thứ hai, giúp ta có thể giải thích một cách dễ dàng nền văn chương Thánh Kinh; và thứ ba, hướng dẫn ta có một phán đoán chín chắn áp dụng vào luật học và phán đoán đạo đức.
Chúng ta phải đợi tới đầu thế kỷ thứ 20, mới thấy môn TDH xuất hiện theo đúng nghĩa mà chúng ta hiểu ngày nay. Nó không chỉ bao gồm môn Giải thích học (Exegesis) mà thôi. Mà thực ra, TDH bao quát ba phương thế, hay ba nghệ thuật: nghệ thuật Diễn giải hay giải thích (ars explanandi), nghệ thuật Diễn nghĩa hay giải nghĩa (ars explicandi), nghệ thuật Chuyển nghĩa hay Thuyên thích (ars interpretandi). Chỉ theo một mạch văn như vậy mà ta có thể nói, TDH cũng là một môn học mới nhất, nó bao gồm tất cả các bộ môn trên, dưới cái tên chung là Hermeneutics hay Theory of Interpretation (Auslegungslehre).
TDH phát triển rất mạnh vào thế kỷ thứ 20 với những đại triết gia như Martin Heidegger (1889-1976), Hans-Georg Gadamer (1900-2002), Paul Ricoeur (1913-), và với những nhà thần học vĩ đại như Rudolph Bultmann (1884-), Karl Barth (1886-1968), Paul Tillich (1886-1965), Karl Rahner (1904-1985), Bernhard Lonergan (1904-1984), những sử gia thời danh như Oswald Spengler và có lẽ với cả nhà triết gia khoa học như Gaston Bachelard (1884-1962), Michel Foucault (1926-1984), Jacques Lacan (1901-1981), Thomas Kuhn (1922-1996), vân vân. Heidegger, người được công nhận như là nhà tư tưởng của thế kỷ thứ 20, đã từng nhận định cho la "Triết học tự nó đã là thông diễn." [2] Từ đây trường phái của Heidegger đã phát triển môn TDH thành một nền triết học thông diễn (philosophical hermeneutics).
Ngày nay, chúng ta có thể nói, giới văn học, nghệ thuật, triết học, xã hội, tâm lý và ngay cả khoa học cũng đều chịu ảnh hưởng của TDH. Những tác phẩm của Kuhn, Clifford Geertz, Harold Garfinkel, Friedrich Weissacker, Karl Otto Apel, Juergen Habermas (1928-)... đều mang đậm ấn dấu của TDH.
Trong nền văn hóa Trung Hoa, TDH cũng từng xuất hiện dưới hình thức của môn giải thích, giải nghĩa, giải tự, triết tự và chú thích. Tất cả nền triết học Trung Hoa từ thời Khổng Tử cho tới thế kỷ thứ 20, có thể nói mà không sợ quá đáng, chỉ là một nền tư tưởng xây dựng trên môn Giải thích học theo nghĩa rộng này. Những đại nho gia như Mạnh Tử (371-289 tcn), Tuân Tử (298-238 tcn), Trình Hạo (1032-1085), Trình Di (1033-1107), Chu Hy (1130-1200), Vương Dương Minh (1472-1529)... những đạo gia như Hoài Nam Tử (ch. 122 tcn), Dương Chu (440-360 tcn?), Vương Bật (226-249) đều đã dùng tới môn giải thích học để chuyển đạt tư tưởng của tiền nhân và của chính họ.
Ðặc biệt các nhà Phật học thời danh như đại sư Huyền Tăng (Huyền Trang) (439-507), các trường phái như Thiên Ðài tông, [3] Hoa Nghiêm tông ï[4]... nói chung đều áp dụng phương pháp giải thích học một cách rất nghiêm nhặt và sáng tạo. [5] Chính lối giải thích và chuyển nghĩa kinh Phật một cách sáng tạo của các đại sư và các trường phái này đã khiến Phật giáo Trung Hoa có những nét đặc thù khác Phật giáo nguyên thủy. Tương tự chính lối giải thích sáng tạo của trường phái Trúc Lâm ở Việt Nam cũng đã khiến Phật giáo tại Việt Nam khác với Phật giáo Trung Hoa và Ấn Ðộ.
Ta cũng thấy, cuộc tranh luận về nhân tính của hai phái theo Mạnh Tử (tính bản thiện) và theo Tuân Tử (tính bản ác) thực ra chỉ là những phương thế khác nhau giải thích nhân tính mà thôi.
Tương tự như trong nền triết học Trung Hoa, tại Việt Nam nói chung, chúng ta cũng áp dụng phương pháp giải thích học này, tuy có vẻ thô sơ hơn, nhưng đôi khi lại rất phóng khoáng và sáng tạo. Ngay từ thời nhà Trần, chúng ta đã thấy vua Trần Nhân Tông phát triển môn giải thích học này để diễn giải kinh Phật theo cái lăng kính của Việt. Trường phái Trúc Lâm của ngài được coi như một trường phái mang nặng Việt tính, bởi vì trường phái này lý giải kinh Phật theo lối hiểu, lối nhìn, lối cảm thông, và nhất là qua ngôn ngữ (Việt Hán) của người Việt. Nói cách chung, Phật giáo khi hội nhập vào thế giới người Việt đã phần nào biến đổi. Chính vì vậy, Phật giáo không còn mang tính chất nguyên thủy "xuất thế", nhưng càng tích cực hơn, "nhập thế". Phật giáo tác động lòng nhân ái và ái quốc, và như vậy ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển Phật học tại nước ta (như thấy trong tư tưởng của Trần Nhân Tông (1279-1293) và phái Thiền Trúc Lâm, cũng như Nguyễn Trãi (1380-1442) sau này). Tuy vậy, lối giải thích của phái Trúc Lâm vẫn chưa thoát được những mâu thuẫn, và do đó đẻ ra nhiêu vấn đề nhiêu khê khiến hậu thế không đồng nhất trong lối hiểu. [6]
Lẽ tất nhiên, phải đợi tới thời nhà bác học Lê Quí Ðôn (1726-1784) ta mới thấy xuất hiện một giải thích học khá tinh vi, với dịch lý được coi như là cái luật (logic) căn bản để giải thích mọi biến hóa, và mọi mâu thuẫn. Sau nhà bác học họ Lê, tác phẩm bất hủ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) thực ra cũng đã áp dụng môn giải thích học tương tự như vậy. Tất cả câu truyện nhắm giải thích nguyên lý tâm đạo; chỉ có tâm đạo mới có thể giải đáp được sự nghịch lý của tài và mệnh: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài." [7] Môn giải thích học này về sau bị hạn hẹp vào trong môn chú giải, hay chú thích học như thấy trong những chú giải của hai học giả Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ (trong công việc biên soạn Truyện Kiều của hai cụ), hay của lối diễn giải (tức nói rộng ra) của Giáo sư Nguyễn Ðăng Thục thời gần đây. [8]
Cũng phải nói thêm, là từ khi đạo Thiên Chúa (Công Giáo, Tin Lành) phát triển tại Việt Nam, ta thấy các giáo sĩ đã áp dụng môn giải thích Thánh Kinh vào trong việc hiểu biết văn hóa Việt. Linh mục Ðắc Lộ (Alexandre de Rhodes) đã dùng một số phạm trù của người Việt (Chúa Trời, Ông Trời) để giải thích Thánh Kinh. Công lao lớn nhất của ngài chính là xây dựng một ngôn tự giúp chúng ta có thể hiểu trực tiếp nhau mà không phải qua con đường vòng của Hán tự. Lối tổng hợp đông tây của Nguyễn Trường Tộ (1830-1871), rồi công trình Croyances et pratiques religieux des Vietnamiens (1958) của linh mục học giả Léopold Cadière (tức Cố Cả) cũng như những bài viết của hai danh sỹ Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký về văn hóa và ngữ học Việt là những công trình nối gót những cố gắng của những thừa sai tiên khởi tại Việt Nam như linh mục Ðắc Lộ, vân vân. Tất cả đều mang vết tích của môn giải thích học Kitô giáo này. Lẽ tất nhiên, hàng giáo sĩ Công giáo Việt đã từng được học và tiếp tục giảng dậy môn học này trong các Tu viện và Ðại Chủng Viện. Nhưng nói cách chung, môn giải thích học chưa được quảng bá trong môi trường học đường, và không được phát triển trong lãnh vực khoa học xã hội nhân văn, có lẽ một phần vì sự bài xích tôn giáo, sự kình địch giữa các tôn giáo, và một phần khác, do chính sự đóng kín của lối giáo dục tu viện.
Chúng ta phải đợi đến đầu thập niên 1970 mới thấy môn giải thích học mang một hình sắc chưa toàn vẹn của TDH. Một số tác giả từng là giáo sư triết học hay thần học và tôn giáo học tại các Ðai Học Văn Khoa Sài Gòn, ÐH Ðà Lạt và ÐH Vạn Hạnh như Giáo sư Kim Ðịnh (1915-1997, một linh mục học giả), Giáo sư Tiến sỹ Lê Tôn Nghiêm (Triết học), Giáo sư Tiến sỹ Hoàng Sĩ Quý (một linh mục Dòng Tên, học giả chuyên về Ấn Ðộ học), Giáo sư Lê Mạnh Thác (tức Thượng tọa Thích Trí Siêu, chuyên gia Phật học), Giáo sư Thân Văn Tường (một linh mục, nguyên Giáo sư Ðại Chủng Viện Sài Gòn), Giáo sư Bùi Văn Ðọc (một nhà Thần học, hiện là Giám Mục Giáo phận Mỹ Tho) đã có những tác phẩm mang đậm sắc thái của TDH. Và quả thật vậy, danh từ Thông Diễn Học đã xuất hiện vào thời kỳ này (như thấy trong tác phẩm của Giáo sư Hoàng Sĩ Quý và Giáo sư Lê Tôn Nghiêm, tác giả bộ Lịch Sử Triết Học Tây Phương, 3 Tập, tái bản năm 2001).
Tuy nhiên, tuy áp dụng thông diễn học, các tác giả trên vẫn chưa hẳn phân biệt một cách rõ ràng giữa thông diễn và giải thích, giữa giải thích và giải nghĩa. Ða số còn hiểu giải nghĩa, giải thích như là chú thích, hay chú giải. Hai cụ Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ hiểu giải nghĩa, giải thích theo lối chú giải này (như thấy trong việc hai cụ san định Truyện Kiều của Nguyễn Du). [9] Hay nói một cách táo bạo hơn, tuy bị ảnh hưởng của Heidegger (như trường hợp Giáo sư Lê Tôn Nghiêm, Giáo sư Bùi Văn Ðọc), nhưng chưa thấy có tác giả nào hoàn toàn áp dụng phương thế thông diễn của Heidegger và Gadamer, tức gần gũi với nền triết học thông diễn (philosophical hermeneutics) mà chúng tôi coi như là điểm cao độ của TDH. Tại Ðại Học Hà Nội, chúng ta cũng thấy có những triết gia, tuy chưa tiếp cận với TDH cũng đã áp dụng TDH vào trong các tác phẩm của mình. Giáo sư Trần Ðức Thảo, nhà triết học Việt từng được giới triết học Pháp chú trọng, đã theo lối giải thích hiện tượng của Husserl, để kiến tạo một chủ thuyết duy vật Mác-xít như chính triết gia từng viết: "Nói một cách chính xác hơn, tất cả kiến tượng đầy ý thức xuất hiện từ dữ kiện đã từng có sẵn. Qua phân tích cho tới cùng, thì dữ kiện này tự khai mở như là một dữ kiện cảm tính. Và từ đó, tất cả sinh hoạt ý thức tự cấu tạo dựa vào cái kết cấu của cảm giác, mà rồi cảm giác lại dẫn một cách thiết yếu về cái nội dung vật chất của hiện hữu." [10]
Từ một lối nhìn Ðông phương, Giáo sư Cao Xuân Huy cũng đã áp dụng TDH một cách rất táo bạo. Trong tác phẩm Tư Tưởng Phương Ðông Gợi Những Ðiểm Nhìn Tham Chiếu, [11] tiên sinh đã theo lối nhìn nhất thể (của Ðạo gia), và của lý thuyết tam tài (trong Dịch Kinh) để phê bình lối suy tư nhị nguyên của Tây phương. Ông giải thích (lý giải) triết học đông phương như là một nền triết học "chủ toàn," trong khi triết học Tây phương như là một nền triết học "chủ biệt." [12] Nói cách chung, tuy chưa có tiếp cận, các nhà tư tưởng Việt cũng đã áp dụng một phần nào TDH vào trong lối suy tư của mình.
Lý do chính yếu giải thích lý do tại sao TDH chưa được phát huy đúng mức, đó là, tuy bị ảnh hưởng của giải thích học và TDH, các học giả Việt vẫn chưa chú tâm nghiên cứu về môn học này một cách sâu rộng như thấy nơi giới hàn lâm Âu Mỹ. Thêm vào đó, nói một cách chung, trừ một số người từng được huấn luyện trong môn Thánh Kinh học, [13] đa số các học giả Việt thuộc các bộ môn khoa học nhân văn và xã hội vẫn chưa hoàn toàn nắm vững môn học này. Chính vì vậy mà lối giải thích của quý vị thường vướng vào nhiều khuyết điểm mà họ khó có thể vượt qua như mâu thuẫn (contradictory), bất nhất (inconsistent), mơ hồ (vague), hỗn nghĩa (ambiguous), thiếu hệ thống... [14] và nhất là thiếu hẳn sáng tạo, một yếu tính của nền triết học thông diễn. Nhìn một cách khách quan, lý do chính không phải là quý vị học giả Việt không thông hiểu, mà bởi vì họ chưa được tiếp xúc một cách trực tiếp với môn TDH, hay mới nắm vững một bộ phận (tuy quan trọng) của TDH như khảo cổ (archeology), tu từ học (philology), [15] hay giải thích học, chú giải học mà thôi. Chúng tôi thâm tín rằng, là những bộ óc thông minh hơn người, nếu nắm vững được những phương pháp khoa học mới, quý học giả Việt có thể sẽ sáng tác ra những tác phẩm giá trị để đời giúp phát triển môn Việt học.
Mà quả thực thế, chúng tôi vẫn chưa được hân hạnh đọc một tác phẩm hay trước tác chuyên biệt về TDH nào. [16] Ngay cả khi mà môn học này đã được áp dụng vào trong công việc giải thích Thánh Kinh và các kinh điển tại các học viện Thiên Chúa giáo, TDH vẫn chưa được quảng bá trong giới hàn lâm Việt. Có lẽ người ta vẫn còn nệ cổ, coi TDH cũng chỉ là một phương pháp giải thích Thánh Kinh; hoặc ngược lại, cái tinh thần bài xích tôn giáo đã khiến các nhà nghiên cứu bỏ qua môn TDH quan trọng này. Ðây là một sự hiểu lầm tai hại, đem lại thiệt thòi lớn cho nền văn học và khoa học xã hội nhân văn nước nhà.
Nhận ra điểm này, khi được Viện Triết Học, Trung Tâm Khoa Học Xã Hội Nhân Văn (2002) (hiện mang tên Viện Khoa Học Xã Hội Nhân Văn), và sau đó, Khoa Triết Học, ÐH Khoa Học Xã Hội Nhân Văn (thuộc Ðai Học Quốc Gia Hà Nội) mời giảng cho các bạn nghiên cứu sinh Tiến sỹ, và lớp Thạc sỹ, tôi quyết định mở một khóa về vấn đề này. Vì mang tính cách giới thiệu, nên tôi không thể đi sâu vào các đề tài chuyên biệt, hay các tác giả mang tính cách đại biểu như Schleiermacher, Dilthey, Heidegger, Bultmann, Tillich, Rahner, Gadamer, Emilio Betti, Ricoeur, Lonergan, Habermas, vân vân. Chúng tôi cũng không bàn nhiều về những vấn nạn của TDH mà nhiều chuyên gia đã bàn cãi cả mấy chục năm nay.
Ngoài công việc giới thiệu TDH, chúng tôi cũng đặc biệt chú ý đến vai trò của TDH trong diễn trình toàn cầu hóa ngày nay. Chính vì vậy tôi đã đề nghị Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Trọng Chuẩn mời Giáo sư Viện sỹ George F. McLean đến giúp nói về tầm quan trọng của TDH trong bộ môn Khoa Học Xã Hội Nhân Văn, đặc biệt văn hóa thế giới. Sự thiết yếu của TDH trong quá trình toàn cầu hóa do đó được Giáo sư Viện sỹ McLean trình bày, phân tích và đánh giá một cách rất cẩn trọng. Vì lý do kỹ thuật, những bài viết của Giáo sư McLean không có in trong tập sách này như dự định đầu tiên của chúng tôi. Giáo trình của cụ sẽ được Viện Triết Học xuất bản trong một tập sách chuyên biệt.
Chính vì mục đích trên mà tập sách này có tính chất dẫn nhập, giới thiệu nhiều hơn là phê bình, không như những tác phẩm trước của chúng tôi. Nơi đây, người viết không chỉ trình bày ý nghĩa, định nghĩa, phương pháp, chiều hướng của TDH, mà còn nêu ra những tranh luận chưa ngã ngũ chung quanh những luận đề chính của TDH. Tập sách này gồm 8 chương chính:
- Chương thứ nhất là một tham luận mang tính chất tổng quát về TDH: định nghĩa, ý nghĩa, vai trò cũng như sự phát triển của TDH trong lịch sử văn học và triết học Tây phương.
- Chương thứ hai trình bày phương pháp TDH, qua lối phân tích những phương pháp giải thích, giải nghĩa và chuyển nghĩa.
- Chương thứ ba bàn về phương pháp hiện tượng học, một phương pháp nền tảng của nền triết học thông diễn, cũng như của nhiều nhà thông diễn hiện đại.
- Chương thứ tư tạm bàn về hiện tượng học tại Việt Nam, đặc biệt về nỗ lực đi tìm một tổng hợp giữa chủ thuyết Mác-Xít và Hiện tượng học của Giáo sư Trần Ðức Thảo.
- Chương thứ năm giới thiệu một số lý thuyết và phương pháp về TDH, mà chúng tôi gọi là những trường phái thông diễn. Trong chương thứ năm, chúng tôi bàn về nền thông diễn triết học của Heidegger và Gadamer. Sở dĩ, chúng tôi cố ý đặt Heidegger và Gadamer vào chương này, trước các trường phái khác như trường phái Dilthey, hay Schleiermacher, tức những nhà tư tưởng cuối thế kỷ thứ 19, bởi vì tầm quan trọng của Heidegger vượt xa những nhà tư tưởng khác. Ðược tặng cho mỹ hiệu là nhà tư tưởng lớn nhất của thế kỷ 20, Heidegger qủa thực đã gây một ảnh hưởng sâu đậm trên nhiều lãnh vực, đặc biệt trong nền khoa học xã hội nhân văn. Những triết gia, nghệ sỹ, văn sỹ, kiến trúc, tôn giáo... theo chủ thuyết hiện sinh, chủ thuyết hậu hiện đại, chủ thuyết hư vô, hay những nhà nghiên cứu áp dụng phương pháp hiện tượng học... không mấy ai có thể thoát khỏi vòng ảnh hưởng của ông. Gadamer, người đồ đệ của Heidegger đã phát triển nền hữu sinh luận (Ontology) của thầy mình thành nền thông diễn triết học.
- Chương thứ sáu giới thiệu nền thông diễn học của Dilthey, người được coi như là chủ chốt của nền khoa học xã hội nhân văn hiện đại. Cùng với Dilthey, Betti được coi như là người nối gót Dilthey với tham vọng xây dựng một nền thông diễn học mang tính chất khoa học chính xác.
- Chương thứ bẩy đặc biệt bàn về vai trò của TDH trong tôn giáo học. Nơi đây, người viết giới thiệu nền TDH của Schleiermacher, Bultmann, Rahner và Lonergan. Thực tâm mà nói, chính vì sự hiểu biết hạn chế của người viết (chỉ hiểu biết đôi chút về tôn giáo, thần học) Tây phương), và bởi vì còn đương tập tễnh nghiên cứu tư tưởng Ðông phương, nên trong phần này chúng tôi không có bàn về tôn giáo tại Việt Nam hay tại Ðông Á. Hy vọng là trong tương lai, sau khi đã học hỏi nền đạo học Ðông phương một cách cặn kẽ hơn, tác giả sẽ cố gắng dành hẳn một tập sách thảo luận tôn giáo Ðông phương. [17]
- Chương thứ tám, tạm bàn về Habermas, một nhà bác học được công nhận như là một nhà tư tưởng có một tầm ảnh hưởng rộng lớn trên nền khoa học xã hội nhân văn hiện nay.
Trong phần kết luận, tác giả xin được bàn về vai trò của TDH trong nền Khoa học xã hội văn hóa một cách thât ngắn gọn. Phần này phát triển từ những luận đề của Kant về con người, để hiểu thêm về khả năng của con người trong hành vi nhận thức, và nhất là khả năng sáng tạo. Lý do bắt đầu với Kant là việc chúng tôi ý thức được tầm quan trọng của năng lực cảm nghiệm mà Kant đã phát triển rất hay trong Phê Phán về Năng Lực Phán Ðoán (Kritik der Urteilskraft). Thiếu cái năng lực này, không thề có thông cảm, đồng cảm, đừng nói đến thông hiểu. Ngoài việc trình bày về khoa học văn hóa, về sự khác biệt giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn, chúng tôi cũng bổ túc lý thuyết của Gadamer với những ý kiến và phê bình của triết gia Habermas (trong cuộc tranh luận giữa ông và Giáo sư Gadamer).
Theo dự án tiên khởi, tập sách sẽ mang tựa đề Thông Diễn Học trong Thời Ðại Toàn Cầu Hóa, và được Giáo sư George F. McLean phụ trách phần thứ 2. Vì lý do kỹ thuật, tập sách được in thành hai phần hoàn toàn tách biệt. Tuy thế, tôi vẫn xin được bày tỏ tấm lòng cảm tạ đối với Giáo sư Viện sỹ George F. McLean. Giáo sư đã góp công góp của giúp đỡ giới triết học Việt phát triển, cũng như trợ giúp tôi trong công việc đem Việt triết vào quỹ đạo thế giới. Thực vậy, Giáo sư McLean đã tận tâm giúp tôi, Viện Triết Học (Hà Nội) cũng như Khoa Triết Học, Ðại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn Thành phố Saigon tổ chức nhiều cuộc hội thảo quốc tế về triết học tại hải ngoại cũng như nơi quốc nội trong những năm vừa qua. [18] Cũng chính Giáo sư McLean là người đã và đương hỗ trợ công việc đào tạo một số nhân viên nghiên cứu của Viện Triết Học tại Mỹ và là người đứng sau hai cuộc hội thảo về Việt Triết tại Hội Nghị Triết Học Thế Giới tại Boston (Mỹ, 1998) và tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ, 2003). Tấm lòng cao cả của cụ sẽ được giới triết học Việt Nam ghi nhớ mãi mãi. Ðây là lý do, chúng tôi dâng tặng tập sách này dịp sinh nhật thứ 75 của ngài.
Tôi cũng xin gửi tâm tình biết ơn tới Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Trọng Chuẩn (Viện Trưởng Viện Triết Học) mà tôi từng có diễm phúc quen biết tại Mạc Tư Khoa, Nga, dịp Ðại Hội Triết Học Thế Giới Lần Thứ 19 vào năm 1993, và được hân hạnh cộng tác với Giáo sư trong nhiều cuộc hội thảo quốc tế từ năm 1996. Có thể nói là Giáo sư Chuẩn là người thực thi chính sách "Glasnost triết học" tại Việt Nam, đưa giới triết học nước nhà vào trong quỹ đạo thế giới. Qủa thực thế, dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Giáo sư, Viện Triết Học thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Nhân Văn Việt Nam đã có những bước tiến vượt bực, và đã nhận được sự chú ý của giới triết học trên thế giới. [19] Nếu không quen Giáo sư Chuẩn, rất có thể là tôi ít có dịp được tiếp xúc, đừng nói là cộng tác với giới triết học nước nhà. Thứ tới, tôi cũng xin ghi ơn Tiến sỹ Trịnh Trí Thức (Chủ nhiệm Khoa Triết Học, Ðại Học Quốc Gia Hà Nội), và Giáo sư Tiến sỹ Phạm Văn Ðức (Thư ký Hội Ðồng Khoa Học, Viện Triết Học). Hai vị đã vận động tổ chức hai khóa học tại Viện và tại Ðại học, cũng như giúp những phương tiện thiết yếu trong công việc giảng huấn. Lẽ đương nhiên, tôi không thể quên được những lời khích lệ và giúp đỡ trực tiếp hay gián tiếp của Giáo sư Bùi Thanh Quất (nguyên Chủ nhiệm), qúy Phó Chủ nhiệm, Tiến sỹ Dương Văn Thịnh và nữ Tiến sỹ Nguyễn Thúy Vân, Nhà giáo Trần Ngọc Liêu, Trương Hải Cường (nguyên Phó Chủ nhiệm) và các đồng nghiệp như Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Hữu Vui (Nguyên Chủ nhiệm, ÐH Hà Nội), Nhị vị phó Viện trưởng, Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Văn Huyên (hiện là Viện trưởng Viện Hành Chính), Giáo sư Tiến sỹ Vũ Văn Viên cũng như Giáo sư Ðỗ Huy và các đồng nghiệp tại Viện Triết Học. Tôi luôn tạc dạ sự giúp đỡ của người bạn trẻ, tân Tiến sỹ Nguyễn Vũ Hào, vừa trở lại từ Ðức quốc, trong thời gian ở Hà Thành. Rồi gần đây, nhờ vào sự quen biếùt với những nhà nghiên cứu trẻ như Giáo sư Tiến sỹ Phạm Văn Ðức, Giáo sư Tiến sỹ Hồ Sĩ Quý, phó Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Con Người, tôi lại có hân hạnh quen Giáo sư Viện sỹ Phạm Minh Hạc, cựu Bộ trưởng Giáo Dục và hiện là Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Con Người. Tấm lòng đầy nhiệt huyết, với những lý tưởng cao đẹp và nhất là khả năng hơn người cuả Viện sỹ họ Phạm làm tôi tâm phục khẩu phục. Ðặc biệt, tuy là một nhà tâm lý học, và một một nhà giáo dục, từng có rất nhiều ảnh hưởng tới nền giáo dục nước nhà, Viện sỹ Hạc luôn quan tâm tới triết học Việt Nam. Tập sách này được ra mắt sớm hơn, một phần nhờ vào chính sự quan tâm cuả Phạm Viện sỹ. Tôi xin thành thật cám ơn Phạm Viện sỹ rất nhiều. Ðiều mà tôi muốn nói là, chính việc cộng tác phát huy nền triết học Việt với quý đồng nghiệp tại Việt Nam đã mang lại cho tôi một niềm vui mà tôi luôn ghi tạc trong bụng trong dạ, và lẽ dĩ nhiên trong tim trong óc.
Nhân tiện, tôi cũng xin ghi ơn Giáo sư Viện sỹ Lý Chấn Anh, một triết gia rất được kính trọng tại cả Trung Quốc lẫn Ðài Loan, một Viện sỹ của Hàn Lâm Viện St. Thomas, Rome, và là nguyên Hiệu trưởng ÐH Phụ Nhân. Lý Viện sỹ là người đã trực tiếp hay gián tiếp khuyến khích chúng tôi trong công việc nghiên cứu triết học, và hướng về đất nước. Lý Viện sỹ cũng chính là người rất có cảm tình với nước Việt, và luôn rộng tâm giúp đỡ người Việt tại Ðài Loan. Chính ngài là người đầu tiên có ý kiến trao đổi giữa hai giới triết học Việt và Trung Hoa. Từng được cái vinh dự làm đồng nghiệp với cụ tại ÐH Phụ Nhân (1980-1985), và gần đây, cộng sự với cụ tại Hàn Lâm Viện Thánh Thomas, Rome, tôi đã nhận ra tinh thần quân tử đích thực nơi con người của cụ. Tôi cũng xin gửi tới bằng hữu Giáo sư Tiến sỹ Vũ Kim Chính (ÐH Phụ Nhân) lời cảm tạ. Vũ Giáo sư, một học giả hiếm có của người Việt tại hải ngoại, thông hiểu cả hai nền triết học đông tây (Tiến sỹ Triết học tại Áo quốc, Tiến sỹ Tôn giáo học tại Trung Hoa), đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu trong việc soạn thảo tập giáo trình này. Sự việc chọn lựa thuật ngữ Thông Diễn Học thay vì Thuyên Thích Học một phần là do ý kiến của Giáo sư Vũ Kim Chính. Tôi cũng xin cảm tạ Thạc sỹ Hoàng Thị Thơ (một chuyên gia về Phật học), Thạc sỹ Nguyễn Tài Ðông, và Thạc sỹ Chu Văn Tuấn, [20] đã sẵn sàng cộng tác giúp chuyển dịch các luận văn của Giáo sư McLean sang Việt ngữ. Ngoài ra tôi cũng nhờ Tiến sỹ Lê Thị Lan của Viện Triết Học giúp sửa lại một số thuật ngữ tiếng Việt, mà phần vì thiếu tiếp xúc thường xuyên với giới học giả nước nhà, phần vì cái vốn liếng tiếng Việt nghèo đói của mình, có thể là tôi đã không biết, hoặc áp dụng một cách thiếu nghiêm chỉnh, thiếu chính xác. Phần khác, vì sống và dậy học ở Trung Hoa qúa lâu, lối hành văn của chúng tôi qúa lệ thuộc vào cấu trúc Hán ngữ, nên có thể sẽ rất tối tăm khó hiểu. Nơi đây xin chân thành cảm ơn Tiến sỹ Lan đã bỏ thì giờ qúy báu giúp hiệu đính bản thảo. Sau nữa, một vị học giả về triết học Ðông phương nổi tiếng rất đáng kính khác mà tôi cần phải cám ơn một cách đặc biệt, đó là Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Tài Thư, nguyên Phó Viện trưởng Viện Triết Học. Nguyễn Giáo sư, một nho gia hiện đại, một "thầy đồ" của thế kỷ thứ 21, là người rất tâm huyết trong cái sứ mệnh và lý tưởng phát huy triết học Việt. Ở vào cái tuổi "nhi bất hoặc" nhưng Tiên sinh đã không quản ngại giúp thông dịch các bài thuyết giảng của Giáo sư Lý Chấn Anh tại Hà Nội. Là một tác giả cũng như là chủ biên nổi danh về nhiều tác phẩm giá trị trong lãnh vực Nho học, Phật học và Tư tưởng Việt Nam, Giáo sư họ Nguyễn cũng không nề hà chấp nhận cộng tác với kẻ hậu sinh - một ông đồ "thế hệ Tây" bất đắc dĩ với cái học chưa tới ngành tới ngọn như tôi - trong công việc dịch thuật, tức những công việc thật khiêm tốn, và không được để ý. [21] Bởi lẽ Nguyễn Giáo sư ý thức được tầm quan trọng của công việc dịch thuật: nó là viên đá làm nền tảng cho sự tiếp thu và tổng hợp để rồi sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị khác. Dịch giả là người đóng góp, tuy âm thầm, nhưng rất quan trọng trong học thuật. Ðược cái vinh dự làm bằng hữu trong tinh thần Nho học với Nguyễn tiên sinh có thể nói là "khả ngẫu nhi bất khả cầu, khả cầu nhi bất khả đắc."
Tập sách này được ra mắt độc giả, và nhất là giới sinh viên tư tưởng ở Việt Nam, một phần là do sự cổ võ của những học giả mà tôi đã nêu ở phần trên, một phần là do sự giúp đỡ trực tiếp hay gián tiếp của Giáo Sư Tiến Sỹ Phạm Minh Hạc, Viện sỹ Hàn Lâm Viện Nga và nhờ vào sự nhiệt tâm của Giáo Sư Tiến Sỹ Phạm Xuân Hằng, Hiệu trưởng Ðại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn thuộc Ðại Học Quốc Gia Hà Nội mà Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia đã nhận xuất bản một tác phẩm khó tiêu thụ như tập sách của chúng tôi. Chính nhờ vào sự quan tâm của Giáo sư Hiệu trưởng họ Phạm mà chúng tôi mới có dịp mở lớp học tại Ðại Học Quốc Gia Hà Nội, cái nôi của nhân tài Việt. Tập sách này đặc biệt kính tặng Giáo sư McLean dịp sinh nhật thứ 75 của Tiên sinh.
Chú Thích:
[1] Hermenios từ danh từ hermèneia, động từ hermèneuein diễn tả công năng của thần Hermes, một vị đặc sứ của Zeus. Hermes là con của Zeus và Maia. Hermes được coi như là thần của người giang hồ, giới trộm cắp, giới học giả và đặc sứ của giới thần linh. Xtkh. Homer, The Odyssey, E. V. Rieu dịch (Middlesex: Penguin Books, 1946).
[2] Martin Heidegger, "Aus einem Gespraech von der Sprache" trong Unterwegs zur Sprache (Pfullingen: Neske, 1959), tr. 136.
[3] Thiên Ðài tông là một trường phái chủ trương trung đạo, tổng hợp giữa ngoại giới và nội giới. Một phần bị ảnh hưởng của thuyết dịch lý và huyền học của của nhóm tân Ðạo sĩ, đại sư Trí Khải (538-597) thiết lập trường phái của ngài tại núi Thiên Ðài vùng Triết Giang. Ðại sư Trí Khải giải thích kinh Saddharmapundarìka sùtra của Bồ tát Long Thụ theo lối hiểu đương thời của đạo sĩ và dịch lý. Bộ kinh được dịch là Trung Luận hay Trung Quán Luận.
[4] Hoa Nghiêm tông được coi như là trường phái phát triển nhất và có tầm độ triết học sâu xa nhất của Phật giáo Trung Hoa. Hoa Nghiêm là một tổng hợp của nhiều lý thuyết: thuyết Trung đạo của phái Thiên Ðài, Dịch lý qua lối hiểu của đạo sĩ, tâm đạo của Nho học. Chính vì vậy mà Hoa Nghiêm ảnh hưởng rất lớn tới trường phái Tân Nho (Chu Hi, Vương Dương Minh). Phái này dựa trên Kinh Hoa Nghiêm với đại sư Pháp Tăng (643-712) được coi như là linh hồn của phái.
[5] Ðặc biệt với đại sư Huyền Tăng khi ngài dịch những kinh Phật từ Phạn ngữ sang Hán văn. Không hài lòng với những lối giải thích mâu thuẫn, đầu Ngô mình Sở của các nhà Phật học thời Ðường, năm 629 Huyền Tăng sang Tây Trúc nghiên cứu kinh Phật 16 năm trời. Trở về nước (645) mang theo 657 bộ kinh, và bỏ 20 năm trời, cùng với các đồ đệ và cộng sự, ngài chuyển dịch 75 bộ sang Hán ngữ. Ða số các bộ kinh Yogàcàra, tức bộ Vijnãpti-màtratàsiddhi của đại sư Vasubandhu qua bản văn của Dharmapala được ngài dịch sang Hán ngữ là Duy Thức Tam Thập Luận. Việc chuyển ngữ và giải thích kinh Phật của Huyền Tăng (qua lối hiểu của Dharmapala) đã ảnh hưởng sâu xa tới chiều hướng phát triển của Phật giáo tại Trung Hoa, và có lẽ cả ở Việt Nam.
[6] Xin tkh. Nguyễn Hùng Hậu, Lược Khảo Tư Tưởng Thiền Trúc Lâm (Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1997).
[7] Trần Văn Ðoàn, "Chữ Mệnh trong Truyện Kiều", trong Vietnamologica, số 5 (Toronto, Canada, 1999), tái in trong: Trần Văn Ðoàn, Việt Triết Luận Tập, Thượng Tập (Washington, D.C.: Vietnam University Press, 2000).
[8] Nguyễn Ðăng Thục, Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, 6 Tập (Sài Gòn,1963; Tái bản: Tph. Saigon, 1992). Về lối lý giải của Nguyễn tiên sinh, chúng tôi đã nhận định trong một luận văn bàn về công việc soạn thảo một bộ sách về lich sử tư tưởng Việt. Xtkh. Trần Văn Ðoàn, "Vài Suy Tư Về Việc Biên Soạn Bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam", trong Tập San Tư Tưởng, số 23&24 (Úc Châu, 2003), ctr. 1-8.
[9] Nguyễn Du, Truyện Kiều Trần Trọng Kim & Bùi Kỷ chú giải, hiệu đính (Hà Nội, 1952; Sài Gòn: Tân Việt, 1959). Tương tự ta cũng thấy trong những nghiên cứu về triết Ðông của các học giả Việt như Nhượng Tống, Nghiêm Toản, Giản Chi, Nguyễn Ðăng Thục, vân vân. Nghiêm Toản với tác phẩm Lão Tử, Ðạo Ðức Kinh (dịch và giải thích) (Sài Gòn: Ðại Nam, 1973) đại biểu cho lối chú giải rất công phu này.
[10] Trần Ðức Thảo, Phénoménologie et matérialisme dialectique (Paris: Minh Tân, 1951). Lời giới thiệu: "Plus précisement toute visée intentionelle prend sa naissance d’un donné préalable, qui se révèle en dernière analyse comme un donné sensoriel. Dès lors tout le mouvement de la constitution repose sur la structure du sensible, ce qui renvoie inéluctablement au contenu matériel de l'existence."
[11] Cao Xuân Huy, Tư Tưởng Phương Ðông Gợi Những Ðiểm Nhìn Tham Chiếu (Hà Nội: Nxb Văn Học, 1995), do Gs Nguyễn Huệ Chi biên, soạn và chú thich. Chúng tôi nhấn mạnh đến lối lý giải "táo bạo" của Giáo sư Cao Xuân Huy, vì Cao tiên sinh thường hay bóp méo sự kiện và giải thích rất ư phóng khoáng. Thí dụ bàn về Husserl, cụ Cao viết: "Nhà hiện tượng học nước Ðức là Husserl, khi đứng lên công phá "tâm lý học độc tôn" đã gây nên một luồng hy vọng rất lớn cho giới triết học và khoa học đương thời, nhưng cuối cùng đã thất bại, cũng chỉ vì mặc nhiên chấp nhận cái mệnh đề: Chủ thể và khách thể là hai cái tuyệt đối, bài trừ lẫn nhau." Những người nghiên cứu Husserl và hiện tượng học, ai cũng biết là: (1) Thứ nhất, Husserl đâu có chống lại nền khoa học tâm lý, và chắc hẳn không phải là người đầu tiên đứng lên "công phá". Ta biết, Husserl vốn là học trò của Franz Brentano tại ÐH Vienna, một người từng chống chủ trương duy tâm lý hay chủ thuyết tâm lý học. Husserl cũng theo Carl Stumpf chống đối chủ thuyết duy tâm lý học (psychologism) (chứ không phải tâm lý học độc tôn, tức chỉ có tâm lý học là khoa học nền tảng duy nhất, như cụ Cao hiểu). Theo Husserl, chủ thuyết duy tâm lý học bao gồm: (a) bất cứ cố gắng nào tìm cách xây dựng quy luật logic từ những quy luật tâm lý (Logische Untersuchungen, ctr. 86-88), (b) bất cứ cố gắng nào tìm cách giản hóa những hiện thực phi-tâm lý vào trong những hiện tượng tâm lý (Logische Untersuchungen, ctr. 44-45, 55, 86-88, vv.); (c) sự nhầm lẫn đồng nhất giữa một nền tâm lý học thuần nhất với nền triết học tiên nghiệm. Husserl viết: "the theoretical foundation for the construction of logic..., is supplied by psychology, and specifically by the psychology of knowledge" (Spiegelberg, 86). (2) Thứ tới, Husserl chống lại lối nhìn tách biệt chủ-khách. Ông đưa ra một lối nhìn mới mà ta gọi là "chủ thể tương hỗ" (inter-subjects) và đòi buộc ta phải hiểu con người theo cái "tính chủ thể tương hỗ" này (inter-subjectivity).
Những kiểu giải thích "táo bạo" của cụ Huy đầy dẫy trong tập sách nói trên của cụ (không chỉ về triết Tây mà cả trong triết Ðông). Ðáng tiếc thay, các đồ đệ của cụ đã không khảo cứu lại tính chính xác của lối giải thích như vậy. Ta chỉ thấy những lời ca tụng kiểu "mẹ hát con khen hay" mà thôi. Thí dụ lời bình luận của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, trong Phần Giới Thiệu, tr. 38-39 của cùng một tập sách đã dẫn.
Ðễ hiểu thêm về hiện tượng học, xin xem chương thứ 3 về Phương Pháp Hiện Tượng Học và chương thứ 5 về Các Trường Phái Thông Diễn trong tập sách này.
[12] Cao Xuân Huy, Thiên II: "Phương thức "chủ toàn" và phương thức "chủ biệt" của tư tưởng, ctr. 83 vtth. Ðây cũng là một ngộ nhận về triết học Tây phương của cụ Cao và nhiều học giả Việt chuyên triết học đông phương như các Giáo sư Lương Kim Ðịnh, Nguyễn Ðăng Thục, Nguyễn Văn Thọ, vân vân. Triết học Tây phương đâu có chỉ nhị nguyên. Trước thời Plato, triết Hy lạp đều theo lối nhìn nhất thể (holism). Ngoài ra các vị giải thích nhị nguyên (dualism) như là lối nhìn phân hai (phân lưỡng cực), và chỉ nhận một phần. Thực ra, nhị nguyên chỉ là một lối phân tích nhắm làm sự vật càng minh bạch hơn. Tập Từ Vị Triết Học của André Lalande định nghĩa nhị nguyên là một lý thuyết chủ trương, cho rằng bất cứ sự vật nào cũng đều có hai yếu tố cấu thành. Nếu vậy thì nó đâu khác lý thuyết âm dương lưỡng cực cấu tạo thành thái cực của đông phương? Các vị cũng không biết là có rất nhiều triết gia Tây phương cực lực chống lối nhìn phân cách, thí dụ Soren Aabye Kierkegaard (1813-1855) và Friedrich Nietzsche (1844-1900).
[13] Một số những chuyên gia về Thánh Kinh học như Giáo sư Nguyễn Thế Thuấn (dịch giả bộ Thánh Kinh từ tiếng Hy lạp qua tiếng Việt), Giáo sư Trần Ðức Nhân, Giáo sư Võ Ðức Minh, Giáo sư Bùi Văn Ðọc và nhóm Giờ Kinh Phụng Vụ, và các nhà thần học tại nhiều Ðại Chủng Viện ở Việt Nam đã áp dụng TDH vào trong công việc dịch thuật và chú thích Thánh Kinh cũng như xây dựng nền thần học Việt. Chỉ tiếc là, vì chưa đủ giờ và phương tiện đào sâu vào lòng văn hóa Việt, nên các học giả Việt vẫn chưa đạt được tới tầm mức của giới thần học gia Trung hoa như Phương Chí Long và Trương Xuân Thăng của Ðại Học Phụ Nhân. Tuy vậy, cố gắng của họ thật rất khích lệ.
[14] Như thấy trong các tác phẩm của những nhà học giả có tiếng như Nguyễn Ðăng Thục, Nguyễn Hiến Lê, và có lẽ ngay cả trong các tác phẩm của những học giả từng được ca tụng như Ðào Duy Anh. Xtkh. Trần Văn Ðoàn, "Một Vài Suy Tư về Công Việc Biên Soạn Bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam," bđd.
[15] Các tác phẩm gần đây của Giáo sư Trần Quốc Vượng về văn hóa dân gian (mà Trần tiên sinh giữ lại tên Anh ngữ Folklore) rất đáng được chú ý. Trần tiên sinh đã áp dụng môn khảo cổ vào văn hóa. Tuy nhiên về bộ môn ngữ khảo (ngay tầm nguyên) có những giải thích "là lạ" mà chúng tôi không thấy có căn bản.
[16] Rất có thể có những giáo trình nơi một số Ðại Chủng Viện, nhưng chưa được xuất bản, nên chúng tôi không hay. Thí dụ đa số các tác phẩm của Giáo sư Thân Văn Tường, một thần học gia uyên thâm từng là Giáo sư tại Ðại Chủng Viện Sài Gòn, vẫn chưa được công bố.
[17] Ðiều mà chúng tôi đương nỗ lực thực hành. Ðể có động lực nghiên cứu, chúng tôi đã nhận lời mở một khóa giảng về Tôn Giáo Trung Hoa (Chinesische Religionen) vào Lục Cá Nguyệt Mùa Xuân, 2005 tại ÐH Salzburg, Á Quốc. Tập bản thảo nguyên viết bằng Ðức ngữ sẽ được ÐH Salzburg xuất bản.
[18] Ðặc biệt ba cuộc hội thảo quốc tế tại Hà Nội (do Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Trọng Chuẩn và Viện Triết Học tổ chức vào năm 1999 và 2001) và tại Tph. Saigon (do Giáo sư Tiến sỹ Vũ Tình và Khoa Triết Học, ÐH Khoa Học Xã Hội Nhân Văn tổ chức tháng 05.2001).
[19] Trong cuộc hội của Ủy Ban Ðiều Hành của Hội Triết Học Thế Giới tại Oslo (Na Uy) vào tháng 2 năm 2004, Giáo sư Peter Kemp, chủ tịch Hội Triết Học Thế Giới, đã hỏi ý kiến tôi về việc tổ chức một cuộc hội thảo của Hội tại Hà Nội. Tại Thượng Hải, vào tháng 7.2004, Giáo sư McBride, Tổng Thư Ký Hội Triết Học Thế Giới đã gặp tôi, Giáo sư Nguyễn Trọng Chuẩn và Giáo sư Phạm Văn Ðức (Viện Triết Học, Hà Nội), và đưa ra một số đề nghị cụ thể về cuộc hội thảo trên.
[20] Thạc sỹ Hoàng Thị Thơ từng nghiên cứu Phật học tại Ấn Ðộ, thuộc phòng Triết học Việt Nam (dưới sự điều hành của Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Tài Thư). Thạc sỹ họ Hoàng hiện phụ trách Phòng Triết Học Ðông Phương, Viện Triết Học, Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam. Riêng hai Thạc sỹ Nguyễn Tài Ðông và Chu Văn Tuấn, nghiên cứu viên của Viện Triết Học, hiện đương hoàn thành luận án Tiến sỹ Triết học tại Ðại Học Phụ Nhân, và Ðại Học Ðông Hải, Ðài Loan, Trung Hoa Dân Quốc.
[21] Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Tài Thư, từng lưu học tại ÐH Sơn Ðông, quê hương của đức Khổng Tử. Ông nguyên là Phó Viện Trưởng, và Trưởng Phòng Nghiên Cứu Triết Học Việt Nam, Viện Triết Học, và là tác giả, chủ biên của nhiều công trình khoa học tham khảo về triết Ðông và đặc biệt về Việt Triết, như Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, Tập 1, Lich Sử Phật Giáo Việt Nam (hai bộ sách này đã được dịch sang Anh ngữ), vàø là dịch giả hai tập sách của Giáo sư Thẩm Thanh Tòng (Truyền Thống Tái Sinh, do Nxb Chính Trị Quốc Gia xb, 2003) và của Viện sỹ Lý Chấn Anh (Căn Bản Triết Học, đương sửa soạn).
Trần Văn Ðoàn
Khoa Triết Học, ÐH Quốc Gia Hà Nội, 2004