Hai Thiên Thần
(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý
Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 163 -
Xin Chúa tha thứ
Xin Chúa tha thứ.
Minh Thanh
(RVA News 29-03-2024) - Hôm nay Thứ Sáu Tuần Thánh, câu chuyện mà chúng ta được mời gọi để tham dự và dọn tâm tình cầu nguyện là câu chuyện dẫn chúng ta đến chiêm ngắm đỉnh cao tuyệt đối của tình yêu thương mà Con Thiên Chúa dành cho loài người. Tuy nhiên, con người lại xúc phạm và chối từ tình yêu ấy, và rồi Thiên Chúa lại thương xót và chữa lành.
Câu chuyện Phêrô chối Chúa có thể cho chúng ta những bài học quan trọng về vẻ đẹp và sức mạnh của ơn tha thứ mỗi khi chúng ta chiêm ngắm Thánh Giá Chúa - đặc biệt trong ngày hôm nay.
Chúng ta hãy tưởng tượng tội của Phêrô rất nặng vì các lý do sau:
- Trước hết, trong dinh thầy thượng tế, giả như Phêrô bị hành hạ, hoặc thậm chí bị đe dọa trừng phạt mà ông chối Chúa thì ta cũng cam lòng; nhưng đây người cất tiếng hỏi: "Ông có biết Ðức Giêsu người Nadaret này không" chỉ là một đứa tớ gái. Vậy mà Phêrô chối, một lời chối nhát đảm và hèn hạ.
- Hơn nữa, vào lúc Chúa cô độc, Chúa đang bị vu oan - đau khổ và sỉ nhục đến tột cùng, vào lúc Chúa đang cần bạn hữu hết sức để đồng cảm và chia sẻ. Lúc ấy, Phêrô - môn đệ đầu đoàn - chối Chúa, ông không bày tỏ được lòng trung thành với Chúa vào thời điểm cực kỳ quan trọng này.
- Chưa hết, Phêrô đã từng thề sống thề chết rằng sẽ không bao giờ bỏ Chúa. Phêrô đã có những lời mạnh mẽ, can đảm: "Thưa Thầy, chúng con sẽ đi lên Giêrusalem để cùng chịu đau khổ với Thầy." Chúa Giêsu đã cảnh báo ông, rằng ông sẽ phản bội Người.
Những người mới biết Chúa thì còn có thể chữa mình khi đã chối Chúa; nhưng, Phêrô - ông đã nghe giáo huấn của Thầy Giêsu, đã thấy những phép lạ Người làm, đã tăng trưởng trong sự hiểu biết và yêu mến Thầy... và đã được chuẩn bị để đón nhận cuộc khổ nạn của Thầy qua việc chứng kiến vinh quang của Thầy trong lúc biến hình. Vậy mà ông vấp ngã một cách đau đớn. Nếu như ông chối Chúa một lần, có lẽ còn có thể chữa mình được. Nhưng ông tái phạm và tái phạm! Lại còn buột miệng thành lời nguyền rủa và thề thốt là chưa bao giờ nghe nói đến ông Giêsu này?!
Hãy tưởng tượng tội của Phêrô nặng đến mức nào. Hãy tưởng tượng sự cay đắng sâu xa của một Phêrô tự căm thù mình khi nghe tiếng gà gáy và nhận ra rằng chính Chúa Giêsu đã nói trước về sự phản bội của mình. Hãy nghĩ xem lòng ông tan nát và tủi hổ dường bao.
Câu chuyện của chiều hôm nay là một bi kịch về tội, nhưng điểm dừng lại là việc nhìn nhận tội, buồn sầu và đổi mới. Phêrô phạm tội nặng - nhưng rồi, ông đã nhận tội. Ông thống hối với những dòng lệ tuôn trào. Ông được phục hồi. Ông biết Chúa rõ đến nỗi ông nhận ra lòng thương xót của Chúa là để cho ông. Ông biết Chúa rõ đến nỗi ông nhìn nhận rằng Người mà ông vừa mới phủ nhận chịu đau khổ và chịu chết chính là để tha thứ tội nặng nề mà ông đã phạm.
Phản ứng của Phêrô đối với tội của chính mình khác với phản ứng của Giuđa Iscariot. Cả hai đều phạm tội nặng. Cả hai đã được Chúa Giêsu cảnh báo trước khi họ phạm tội. Cả hai đã có cơ hội biết Chúa và sống thân mật với Chúa suốt ba năm làm môn đệ. Tội của họ giống nhau, nhưng phản ứng của họ khác nhau.
Giuđa ở trong tội, Phêrô ở trong lòng thương xót. Giuđa tuyệt vọng trước tình yêu và ơn tha thứ; Phêrô biết lòng Chúa luôn bao dung tha thứ. Giuđa cho rằng tội của ông mạnh mẽ hơn sự tha thứ của Thiên Chúa; Phêrô biết không có gì mạnh mẽ hơn lòng thương xót của Chúa. Giuđa quay vào chính mình; Phêrô quay hướng về Chúa. Cuối cùng, Giuđa lấy sợi dây thừng thắt cổ; Phêrô là người đầu tiên chạy đến ngôi mộ trống vào buổi sáng Phục sinh, là tông đồ đầu tiên rao giảng vào ngày lễ Ngũ tuần, là người dẫn dắt Hội thánh non trẻ. Phêrô biết Chúa rõ, nên ông nhìn nhận rằng không tội nào, dù nặng nề như tội của ông, lại ở ngoài lòng thương xót của Chúa. Ðó là lòng sám hối của Phêrô và ơn tha thứ từ giá máu của Chúa.
Nhiều người đã xa cách Bí tích Hòa giải một thời gian dài. Thử hỏi còn món quà nào dành cho Chúa tốt hơn là hiệp cùng với Phêrô trong sự sám hối và thưa với Chúa rằng cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa là quý giá, rằng chúng ta cần được tắm gội trong Máu châu báu của Người, rằng chúng ta cần đến lòng thương xót và tha thứ mà Người đã dành cho chúng ta trên thập giá vào ngày Thứ Sáu Tuần thánh hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu, con cung kính quỳ xuống dưới chân thập giá của Chúa. Con cám ơn Chúa, vì sự hy sinh cao cả Chúa dành cho nhân loại. Con ca tụng Chúa, vì không còn sự hy sinh nào lớn lao hơn tình yêu của Chúa. Con xin lỗi Chúa, vì đã nhiều lần con xúc phạm đến tình yêu Chúa dành cho con. Con cung kính quỳ xuống dưới chân thập giá của Chúa xin Chúa tha thứ cho con và cho con nhận ra lòng thương xót của Chúa. Amen.
Minh Thanh