Hai Thiên Thần

(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý

Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 139 -

Lời cầu nguyện của người đau khổ, muộn phiền

 

Lời cầu nguyện của người đau khổ, muộn phiền.

Minh Thanh

(RVA News 02-03-2024) - Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng gặp đau khổ muộn phiền. Thánh vịnh 102 (101) là lời cầu nguyện của người đang gặp đau khổ khi họ không tìm được lối thoát và họ đã bày tỏ cõi lòng bằng lời kêu than của họ lên cùng Thiên Chúa. Vậy, giờ đây, nếu bạn đang ở trong cảnh huống khổ đau, bạn hãy dừng lại, đọc thánh vịnh và hãy cùng với tác giả thánh vịnh cầu nguyện thưa chuyện với Chúa.

Lạy Chúa, xin nghe lời con cầu khẩn,

tiếng con kêu, mong được thấu tới Ngài.

Buổi con gặp gian truân, xin Ngài đừng ẩn mặt,

trong ngày con cầu cứu, xin Ngài lắng tai nghe

và mau mau đáp lời.

Trong lúc gian truân, tác giả thánh vịnh đã tin tưởng xin Chúa nghe lời cầu nguyện của mình. Tuy nhiên, đôi lúc trong cuộc đời, chính chúng ta cũng như tác giả đã rơi vào cảnh muộn phiền, nhưng lại không cảm nghiệm được sự hiện diện lắng nghe của Chúa. Dường như Chúa đang ẩn mặt. Ðây là nỗi khổ đau nặng nề hơn tất cả mọi nỗi khổ đau, một nỗi khổ đau thiêng liêng.

Nỗi khổ đau thứ hai làm cho tác giả thánh vịnh khủng hoảng đó là về sức khoẻ. Nỗi khổ đau này ở ngay chính thân thể mình: xương tuỷ nóng ran như hoả lò, tim héo hắt tựa hồ cỏ giập, thân thể chỉ còn da bọc xương...

Nỗi khổ đau thứ ba mà tác giả thánh vịnh gặp phải đó là nỗi khổ đau bị kẻ thù: phỉ báng, nguyền rủa... Quả vậy, những lời chế giễu và nhạo cười của con người thường trở nên nặng nề khi nó được xem là những hình phạt của Chúa dành cho ai đó. Ðó là cảm nghiệm của tác giả thánh vịnh và cũng có khi là cảm nhận của chúng ta. Dường như những đau khổ ít được nhìn dưới góc độ ân phúc mà thường được nhìn dưới chiều kích hình phạt.

Vì Chúa nổi trận lôi đình, ra oai nộ khí,

nhấc con lên, rồi quẳng ra xa.

Ngày tháng đời con: chiều tà bóng ngả,

tấm thân này: cỏ úa vàng khô.

Tràn ngập cảm giác như bị Chúa hất hủi, Chúa đáng phạt, Chúa khước từ tác giả như thấy cuộc đời mình thật ngắn ngủi và chẳng có ý nghĩa gì.

Tuy nhiên, phần thứ hai của thánh vịnh vịnh như một bức tranh chuyển từ gam màu ảm đạm u ám sang gam màu rực rỡ tươi vui. Dù nỗi khổ đau có đến từ Thiên Chúa, đến từ bản thân hay đến từ người khác thì ở nơi tác giả vẫn có một niềm tin vững mạnh vào Thiên Chúa.

Nhưng lạy Chúa, muôn đời Ngài ngự trị,

trải bao thế hệ, thiên hạ nhắc đến Ngài.

Lời thánh vịnh cho thấy một sự tương phản tuyệt vời. Loài người có thể có ngày như chiều tà bóng ngả, như cỏ úa vàng khô, nhưng Thiên Chúa thì vẫn muôn đời ngự trị. Vì thế mà tâm tình của tác giả là từ chối mọi "tự lực cánh sinh" và bám chặt vào Chúa mà thôi.

Thái độ bám chặt vào Chúa, trước hết đến từ sự nhận biết ân huệ của Thiên Chúa đã ban qua dòng lịch sử.

Chính Ngài sẽ đứng dậy và thương xót Sion,

vì nay đã đến thời thi ân giáng phúc...

Nó cũng đến từ việc nhận biết sự trổi vượt của Thiên Chúa giữa các dân tộc.

Bấy giờ chư dân sẽ sợ uy danh Chúa,

mọi đế vương hoàn cầu uý kính Ngài vinh hiển.

Và, cuối cùng nó cũng đến từ việc nhận biết sự giải thoát vĩ đại mà Thiên Chúa mang lại. Rằng, Chúa từ trên trời cúi xuống, Ngài đã nhìn, nghe, hành động...

Ðiều này phải ghi lại cho đời sau được biết,

dân hậu sinh phải ca tụng Chúa Trời.

Vì Chúa đưa mắt từ toà cao thánh điện,

từ trời xanh đã nhìn xuống cõi trần,

để nghe kẻ tù đày rên siết thở than

và phóng thích những người mang án tử.

Sau khi cảm nghiệm nỗi khổ, rồi xác tín lại niềm tin, tác giả đã dâng lời cầu nguyện:

Lạy Thiên Chúa của con,

Ngài là Ðấng vạn đại trường tồn,

xin đừng cất mạng con giữa cuộc đời dang dở.

Xưa Chúa đã đặt nền trái đất,

chính tay Ngài tạo tác vòm trời.

Chúng tiêu tan, Chúa còn hoài,

chúng như áo cũ thảy rồi mòn hao.

Ngài thay chúng khác nào thay áo,

nhưng chính Ngài tiền hậu y nguyên;

tháng năm Ngài vẫn triền miên.

Giữa những thay đổi của cuộc sống trần thế này, một chủ đề an ủi sẽ luôn tồn tại, đó là sự vĩnh cửu và bất biến của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, của Ðấng đã có, đang có và sẽ đến. Tác giả thánh vịnh đã kết thúc lời cầu nguyện của mình bằng một lời bày tỏ sự tin tưởng. Nỗi đau khổ của tác giả dường như vẫn còn, nhưng người không tuyên bố hy vọng gì về nỗi khổ đau hiện tại của mình; trái lại, tác giả hoàn toàn tin tưởng vào sự tốt lành của Chúa và chiến thắng cuối cùng dành cho dân Ngài.

Con cháu bề tôi sẽ an cư lạc nghiệp,

và dòng giống tồn tại trước nhan Ngài.

Lạy Chúa, xưa Chúa đã nghe lời cầu nguyện của Chúa Giêsu lúc đau khổ tột cùng trong hành trình thập giá. Vì công nghiệp của Chúa Giêsu, xin Chúa an ủi những ai đang lầm tham đau khổ, cho họ nhận ra Chúa trong khoảnh khắc đêm đen của cuộc đời. Ước gì Giáo hội nên như một đại gia đình, nơi mọi dân mọi nước tập trung về để ca tụng Thánh Danh. Amen.

Minh Thanh

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page