Hai Thiên Thần

(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý

Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 114 -

Ðừng sống giả hình, giả tạo

 

Ðừng sống giả hình, giả tạo.

Bích Liễu

(RVA News 06-02-2024) - Trong kho tàng truyện cổ của Ấn độ, có câu chuyện như sau:

Một nhà phú hộ kia có một hồ cá rất lớn. Ông cho thả rất nhiều cá ở đó. Một đêm kia, có tên ngư phủ nghèo lén vào trong hồ cá của ông, thả lưới tính bắt trộm cá. Thế nhưng, chưa kịp kéo lưới thì nhà phú hộ đã phát hiện ra có người đang bắt trộm cá của ông. Ông cho gia nhân bổ đi khắp nơi, quanh cái hồ mênh mông của mình, để tìm cho bằng được tên trộm.

Ðám gia nhân đốt đuốc đi tìm khắp nơi mà không thấy bóng dáng tên trộm đâu cả. Trong khi đó thì anh ngư phủ nghèo lấy tro rắc lên đầy mình và đến ngồi dưới một gốc cây gần đó, y hệt một nhà hiền triết hay một đạo sĩ. Sau nhiều giờ tìm kiếm, đám gia nhân không thấy kẻ trộm đâu, mà chỉ thấy một đạo sĩ ngồi dưới gốc cây đang đắm mình suy tư và cầu nguyện.

Ngày hôm sau, tiếng đồn đã vang đi khắp nơi rằng: "Có một đạo sĩ đang tu luyện dưới gốc cây bên bờ hồ của nhà phú hộ." Thế là thiện nam tín nữ từ các ngả đường đổ xô đến gốc cây, để chiêm ngưỡng vị tu hành. Người thì mang hoa quả, kẻ thì mang tiền bạc. Chẳng mấy chốc mà quà cáp được đặt tràn lan chung quanh nhà tu hành bất đắc dĩ. Anh ta mới nhủ thầm: "Thà đánh lừa bà con để sống còn hơn là đánh cá suốt ngày mà chẳng được gì." Nghĩ như thế rồi, anh ta tiếp tục đóng vai tu hành, ngày đêm giả vờ tụng niệm và chờ đợi sự tiếp tế của dân làng.

Kính thưa quý vị và các bạn rất thân mến,

Hình ảnh của tên trộm bất đắc dĩ giả trang trở thành một vị tu hành trong câu chuyện trên chính là một trong những hình ảnh khá quen thuộc với mỗi người chúng ta. Nó phản ánh một lối sống "giả nhân giả nghĩa", thiếu chân thật, xảy ra ở mọi nơi, mọi thời trong xã hội loài người và ít nhiều, nó cũng đang len lỏi trong đời sống đức tin của người Kitô giáo chúng ta.

Ca dao Việt Nam có câu:

"Dò sông dò biển dễ dò

Mấy ai lấy thước mà đo lòng người"

Thật vậy, sông sâu biển lớn cỡ nào người ta cũng vẫn có cách để đo lường; nhưng lòng người thì thật vô tận. Thế nên, người xưa mới nói rằng: "Vẽ hổ chỉ vẽ được da chứ không vẽ được xương, nhìn người chỉ nhìn được mặt chứ không nhìn được tấm lòng". Nội tâm và những suy nghĩ của người khác luôn thâm sâu khó lường và không ai trong chúng ta có thể nói được rằng mình có thể nhìn thấu tâm tư của người khác. Thực tế cho thấy rất nhiều người trong xã hội hôm nay đang "đeo mặt nạ" khi đến với người khác. Khi sống như vậy, một cách nào đó, chúng ta đang tô vẽ bản thân để bảo vệ chính mình hoặc ngụy trang cho mình bằng một chiếc vỏ bọc hiền lành, lương thiện để "lừa mình dối người" và che đậy những thói hư tật xấu hay tâm tư ích kỷ, toan tính vụ lợi và mục đích xấu xa nào đó.

Thời Chúa Giêsu, những người Pharisêu và các kinh sư được xã hội coi trọng vì họ am hiểu lề luật. Thế nhưng, họ lại giữ luật quá tỉ mỉ đến độ câu nệ, hình thức và trở thành những người tự phụ, coi mình đạo đức hơn người khác. Vì thế, Chúa Giêsu đã mạnh mẽ lên án lối sống này và gọi đó là lối sống giả hình, chỉ tôn thờ Thiên Chúa bằng môi miệng bên ngoài chứ trong tâm hồn không có lòng yêu mến thực sự.

Vẫn biết rằng lòng yêu mến và tôn kính Thiên Chúa cần phải thể hiện ra bên ngoài qua các nghi lễ phụng vụ và các việc đạo đức khác; nhưng không phải cứ đến nhà thờ nhiều lần, đọc kinh thật lớn hay tổ chức những cuộc hành hương thật hoành tráng... là có thể diễn tả được hết ý nghĩa của việc thờ phượng Thiên Chúa đích thực. Ðiều quan trọng là tất cả những dấu chỉ bên ngoài ấy phải được xuất phát từ tâm hồn yêu mến và phải đưa đến kết quả là những hoa trái của tình yêu thương chứ không phải chỉ dừng lại ở những hình thức bên ngoài. Cho nên, nếu chúng ta thường xuyên đến nhà thờ và đọc kinh hàng ngày đầy đủ mà lòng chúng ta vẫn còn những toan tính ích kỷ, những tâm tư gian dối hay những suy nghĩ vụ lợi cho riêng mình... thì chẳng khác gì chúng ta cũng đang giữ đạo hình thức và tôn kính Thiên Chúa theo kiểu giả hình của người Pharisêu.

Như thế, qua cuộc đối chất của Chúa Giêsu với những người Pha-ri-sêu, sứ điệp Lời Chúa hôm nay (x. Mc 7,1-13) đang mời gọi chúng ta nhìn sâu vào cõi lòng mình để nhận ra những thói giả hình, hời hợt trong lối sống của chúng ta; đồng thời, can đảm loại trừ chúng khỏi đời sống của chúng ta. Xin Lời Chúa hướng dẫn chúng ta đi trong sự thật để tâm hồn chúng ta trọn vẹn hướng về chân lý đích thực là chính Chúa.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết sống chân thành với Chúa, với người khác và với chính mình, để qua đó đời sống đức tin của chúng con có thể trổ sinh được những hoa trái yêu thương như lòng Chúa mong ước. Amen.

Bích Liễu

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page