Hai Thiên Thần

(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý

Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 090 -

Dương Lịch Ðã Ra Ðời Như Thế Nào?

 

Dương Lịch Ðã Ra Ðời Như Thế Nào?

Trước thế kỷ 16, thế giới Kitô giáo phương Tây sử dụng lịch Julius là loại lịch do Julius Caesar ban hành từ thời La Mã Cổ Ðại.

Tuy nhiên cho tới giữa thế kỷ 16, các quan sát thiên văn cho thấy lịch Julius đã sai lệch quá nhiều so với năm Mặt Trời (tức là năm được xác định bằng cách tính toán vị trí của Mặt Trời so với Trái Ðất và quỹ đạo biểu kiến của nó) dù đã được điều chỉnh bằng các quy tắc tính năm nhuận khá rắc rối. Ðiều này làm cho mùa màng và một số ngày lễ (như Lễ Phục Sinh) bị lệch theo, và sự đòi hỏi một bộ lịch mới trở nên cấp bách.

Vì vậy, Giáo hoàng Gregorius XIII đã trao phó trách nhiệm cho một nhóm giáo sĩ đứng đầu là khoa học gia - Linh mục Dòng Tên Christopher Clavius tiến hành các nghiên cứu đo đạc và dựa vào, hoàn thiện nhiều công trình trước đó để thực hiện cuộc cải cách.

Các quan sát của họ cho thấy lịch Julius đến thế kỷ 16 đã lệch với năm Mặt Trời khoảng 10 ngày, vì thế Giáo hoàng ra một sắc chỉ rút bớt 10 ngày trong tháng 10 năm 1582 cho mùa màng ăn khớp với lịch trở lại.

Lịch Gregorius chính thức áp dụng vào năm 1582. Sau một đêm tất cả các nước Công giáo châu Âu nhảy từ ngày 4 tháng 10 sang ngày 15 tháng 10. Và do năm Mặt Trời có độ dài xấp xỉ bằng 365.2422 ngày, nên lịch Gregorius sử dụng bộ quy tắc tính năm nhuận (366 ngày - rút ra được từ các tính toán phức tạp) mới để cho thời gian của lịch dần khớp lại với năm Mặt Trời như sau: cứ 4 năm lại có một năm nhuận, những năm có số năm chia hết cho 4 tính là năm nhuận, nhưng trừ những năm tận cùng bằng 00 thì phải chia hết cho 400 mới được tính là năm nhuận. Vẫn có sai số, nhưng nhỏ ở mức có thể chấp nhận được (chỉ khoảng 26 giây một năm).

Do bộ lịch mới được Giáo hội Công giáo đưa ra, nên các nước Tin Lành phương Tây tới cả trăm năm sau mới áp dụng bộ lịch này vì lý do tôn giáo và chính trị. Các nước Á Ðông biết tới bộ lịch này từ thế kỷ 19, riêng Nga và các nước Ðông Âu vẫn tiếp tục xài lịch Julius theo như truyền thống Chính Thống giáo, chỉ ít năm trước và sau cuộc Cách mạng 1917 họ mới chuyển dần sang sử dụng lịch Gregorius. Nếu vẫn sử dụng lịch Julius, hiện tại họ đang ở ngày 19 tháng 12 năm 2021.

Ngày nay lịch Gregorius được hầu hết cả thế giới sử dụng như bộ lịch chính thức, cho mục đích tính thời gian đơn thuần cũng như trong thương mại và các giao dịch, hiệp định quốc tế.

Từng có nhiều nỗ lực nhằm xóa bỏ ảnh hưởng của Công giáo trong niên lịch bằng cách thay thế lịch Gregorius. Chính quyền Cách mạng Pháp muốn xóa bỏ hoàn toàn "tàn dư Công Giáo" nên ra lệnh hủy bỏ lịch Gregorius mà thay bằng một loại lịch của Cách Mạng với những quy tắc khác so với lịch Gregorius và "Năm I của Kỷ nguyên Tự do" được lấy từ năm bắt đầu cuộc Cách mạng (1789) thay vì "năm Chúa Giáng Sinh" nhưng rồi do phát sinh quá nhiều sai lệch và bất tiện nên sau khi chính quyền Cách Mạng Pháp bị lật đổ, nước Pháp cũng phải quay về xài lịch Gregorius. Triều Tiên sử dụng lịch Juche với năm Juche Thứ Nhất là năm sinh chính thức của nhà lãnh tụ Kim Nhật Thành (1912) mục đích để nhồi sọ dân chúng nhưng khi ra quốc tế họ vẫn buộc phải sử dụng lịch Gregorius do Giáo Hội Công Giáo tạo ra.

 

(Nguồn: Internet)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page