Hai Thiên Thần

(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý

Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 035 -

Thánh Lêô Cả Giáo hoàng

 

Thánh Lêô Cả Giáo hoàng.

Phương Anh

(RVA News 10-11-2023) - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến,

Hôm nay phụng vụ Giáo hội cho chúng ta kính nhớ thánh Giáo hoàng Lêô Cả, một trong những vị giáo hoàng vĩ đại của lịch sử Giáo hội.

Thánh Giáo hoàng Lêô Cả lãnh đạo Giáo hội trong khoảng 21 năm, từ năm 440 đến năm 461. Dưới thời lãnh chúa Attilla cai trị dân Hung-Nô, người ta gọi thời kỳ này là 'cái roi của Thiên Chúa' giáng xuống trừng phạt con người. Lúc ấy, dân man di từ các bộ tộc đến xâm chiếm nước Ý. Sau ba năm chiếm đóng và cai trị thành phố Aquila, vua hành quân về phía Rôma. Tận mắt chứng kiến cảnh khốn khổ của dân chúng, vị giáo hoàng Lêô thân hành đến gặp lãnh chúa Attilla, ngài thương thuyết yêu cầu dân man di rời khỏi Rôma để không gây tổn thất cho Giáo hội.

Sử liệu ghi lại rằng, vào tháng 8 năm 452, vó ngựa của lãnh chúa Attilla và quân Hung-Nô dày xéo khắp châu Âu, cả kinh thành Rôma run sợ khiếp vía. Nhưng chính lúc đó, Ðức Giáo hoàng kêu gọi cả thế giới hy sinh cầu nguyện cho Giáo hội. Quân Hung-Nô rầm rộ tiến về Rôma và dừng lại bên bờ sông Minsiô. Ðức Giáo hoàng Lêô Cả cùng với các tín hữu đứng thành hàng tiến ra phía bờ sông. Theo sau ngài là một đoàn gồm các giám mục, linh mục và tu sĩ, họ vừa đi vừa hát thánh ca và thánh vịnh. Khi hai bên tiến sát gần nhau, lãnh chúa Attilla vẫn ngồi bất động trên ngựa. Những lời thánh ca thánh vịnh đã tác động đến tâm hồn, ông cảm thấy như có một sức mạnh thôi thúc, lửa hận thù trong ông như bị dập tắt khiến ông phải buông kiếm. Ông đã ra lệnh rút quân một cách nhẹ nhàng, trả lại sự bình an cho Ðức Giáo hoàng và đoàn dân Chúa.

Khi lãnh đạo Giáo hội, thánh Giáo hoàng Lêô là người sống hết mình cho đoàn chiên, ngài không ngừng nhắc nhở các tín hữu biểu hiện đức tin trong cuộc sống hàng ngày, luôn phải ý thức mình "là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người" (1Pr 2,9).

Ngoài ra, Ðức Giáo hoàng Lêô còn là người có cách ứng xử khôn ngoan với nhóm lạc giáo của Êutikhê. Nhóm này cho rằng, trong mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Giêsu chỉ là một con người hoặc Con Thiên Chúa chỉ mang lấy hình dáng bên ngoài chứ không phải là người thật. Trong khi đó, Giáo hội luôn xác tín rằng: Con Thiên Chúa có hai bản tính, vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật. Trước sự sai lạc đó, ngài đã rút phép thông công những ai cố chấp đi theo lạc giáo, đồng thời truyền đốt hết các sách vở có liên quan đến lạc giáo. Ðể chấm dứt tình trạng rối ren này, vị giáo hoàng đã cho triệu tập công đồng chung tại Calceđoni với sự tham dự của hơn 630 giám mục. Nhờ đức khôn ngoan, tài ngoại giao và ảnh hưởng lớn của ngài với các hoàng đế, công đồng đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Ðức Lêô còn đặc biệt chăm lo đến hàng giáo phẩm, ngài khuyên các giáo sĩ hãy sống một đời sống thánh thiện gương mẫu và không được tham gia vào các chức vụ trong xã hội. Trước những thế lực trần gian, ngài luôn lo lắng cho vận mệnh của Giáo hội. Ngài đã viết rất nhiều thông điệp để bênh vực Giáo hội và khuyên nhủ các tín hữu giữ vững đức tin.

Trong bối cảnh thế giới hôm nay, tiến trình sống hiệp hành của Giáo hội còn nhiều khó khăn, vì thế mỗi người tín hữu được mời gọi lắng nghe và phân định ý Chúa qua mọi biến cố của cuộc sống, qua những người nghèo bị bỏ rơi, qua những bất công lạm dụng làm tổn thương con người. Ðức Thánh Cha Phanxicô nói một cách tha thiết rằng "Giáo hội được mời gọi trở thành ngôi nhà của Chúa Cha, với những cánh cửa luôn rộng mở#nơi có chỗ cho mọi người, với tất cả các vấn đề của họ và hướng tới những người cảm thấy cần phải tiếp tục lộ trình đức tin của mình" (TH. Niềm Vui Tin Mừng, 47).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cho Giáo hội vị Giáo hoàng khôn ngoan và khiêm tốn, để ngài lãnh đạo đoàn tín hữu khỏi những lạc thuyết sai lầm, noi gương thánh Giáo hoàng Lêô Cả, xin cho mỗi người chúng con ý thức sứ vụ truyền rao chân lý đức tin cho những người chưa biết Chúa, biết làm triển nở hoa trái đức tin trong đời sống, để ngày càng có thêm nhiều người tin nhận và yêu mến danh thánh Chúa. Amen.

Phương Anh

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page