Từ Ðạo Ông Bà
đến Ðạo Thiên Chúa

Linh Mục Thiện Cẩm, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Nói tới "Ðạo Ông Bà", trước tiên có lẽ chúng ta nghĩ ngay tới bàn thờ tổ tiên, tới cúng giỗ, và tất cả những thực hành này diễn ra ngay trong nơi sinh sống hằng ngày, tại nhà, chứ không phải trong đình chùa hay thành thất. Mỗi gia đình truyền thống, ngoài Kitô giáo (trước đây), dù nghèo đến đâu, cũng dành riêng một chỗ, thường là chỗ trang trọng nhất, làm bàn thờ tổ tiên. Cái linh thiêng như vậy rất gần gũi, không cứ phải là bên ngoài, bên kia hay bên trên cuộc sống bình thường, hay thậm chí tầm thường, của con người. "Ðạo bất viễn nhân", Khổng Tử đã nói như thế, quả thật điều này rất đúng đối với người Việt Nam chúng ta. Ðây cũng là một "tôn giáo không cần đến kinh điển hay tổ chức, chẳng cần đến hàng giáo sĩ hay bất cứ một luật lệ nào thành văn, mà chủ yếu ở một tấm lòng thành kính và những nghi lễ đơn giản, không rườm rà tốn kém, giàu nghèo đều thực hành được cả: một chén cơm với quả trứng luộc, một nén nhang, một nải chuối, một đĩa cam v.v... cũng đủ; một vài lần vái lạy đã là xong lễ, và ai làm cũng được, già trẻ lớn bé, nam nữ cũng đều có thể "chủ lễ", dĩ nhiên là trong những trường hợp chính thức và quan trọng thì thường phải là người trai trưởng, hay người gia trưởng.

Nói đến tôn giáo, thường thì người ta phải nghĩ ngay tới thần linh cao cả, siêu việt. Nếu thế thì Ðạo Ông Bà không thể được coi là một tôn giáo. Tuy nhiên, nếu định nghĩa tôn giáo như là một ý thức tự vượt của con người không chấp nhận cuộc đời chỉ là như thế đó, mà vì thế cố gắng vươn lên, đi tìm một ý nghĩa cuối cùng cho cuộc sống, hay đi tìm cái mà ngày nay người ta gọi là chiều sâu của hiện hữu, cái mà Paul Tillich gọi là "The Ground of our very being" (chiều sâu hay nền tảng của chính hiện hữu chúng ta - Paul Tillich, the Shaking of the Foundations, Pelican 1962. John A.T. Robinson trích dẫn đăng trong Dieu sang Dieu, Nouvelles Editions Latines, Paris 1964. Trang 31)). Theo định nghĩa này, con người tôn giáo không nhất thiết phải là hữu thần, nghĩa là tin nhận và tôn thờ một thần linh nào, mà chỉ cần có một nhân sinh quan vượt quá giới hạn của cái hiện đại của cuộc đời là như thế đó, và tin tưởng rằng còn có cái bên kia của hiện hữu (Xin đọc G. Van Der Leuuw, La Religion dans essence et ses manifestations, Payot Paris 1955, trang 662. Thiện Cẩm, Kitô giáo với các tôn giáo khác, Ðaminh Thiện Bản Sàigòn 1970, trang 66-67).

Nếu dùng hình ảnh, ta có thể nói các tôn giáo quan tâm tới cái bên kia của hiện hữu. Nhưng cái bên kia đó có thể là ở bên trên, bên ngoài hiện hữu hiện tại, nhưng cũng có thể không phải là ở bên trên, ở trên cao, mà là cái chiều sâu, hay cái phía bên kia ta không thấy được, cái bên kia còn bị ẩn khuất. Ðạo Ông Bà chủ yếu trước hết là cái gì tiếp nối Ðạo Hiếu. Cha mẹ tổ tiên ta không chết, nhưng là "khuất núi", "khuất bóng", hay là "sang bên kia thế giới", hoặc "xuống âm phủ", "xuống suối vàng". Những thành ngữ như "chầu trời" hay "qui tiên" không phải có nguồn gốc Việt Nam, mà do ảnh hưởng của Ðạo Tiên, Ðạo Lão. Vì ông bà tổ tiên ta không mất hoàn toàn hiện hữu, nhưng vẫn còn hiện diện đâu đó, nên phải lo sao trọn đạo với các ngài. "Sự tử như sự sinh". Phải đối xử với các ngài như khi các ngài còn sống, hay nói đúng hơn, như các ngài vẫn sống. Bởi thế mà có việc cúng bái. "Sống Tết, chết Giỗ" Giỗ đây cũng chỉ là một cách Tết ông bà tổ tiên, chẳng thế mà bao giờ người Việt mình cũng đi thăm mồ mả ông bà cha mẹ tổ tiên vào dịp Tết Nguyên Ðán.

Nếu dùng hình ảnh, ta có thể nói là các tôn giáo khác thường tìm đến những đỉnh cao, còn người Việt chúng ta bản chất vốn thích cư ngụ ở đồng bằng, lại chỉ quan tâm tới cái gì vừa tầm với của mình. Vì thế tôn giáo đối với chúng ta là cái gì gần gũi, nó bắt đầu từ thái độ tôn kính của chúng ta đối với người quá cố, nhất là khi người ấy là cha mẹ, ông bà tổ tiên của ta. Nếu chúng ta lấy một chiếc thang làm biểu tượng cho những mức độ của niềm tin tôn giáo, thì các tôn giáo dựa trên những hệ thống siêu hình, được coi như ở những nấc thang mãi trên cao, còn đối với người Việt Nam, chúng ta lại rất thực tế, chỉ muốn bám chắc vào những nấc thang dưới cùng! Muốn lên cao, trước tiên phải bắt đầu từ những bậc thấp. Cuộc hành trình xa bắt đầu từ những bước nhỏ.

Từ nấm mồ xanh cỏ của ông bà tổ tiên, đôi khi nằm ngay trong ruộng vườn của gia đình, mà người Việt Nam hướng về cõi linh thiêng. Quả thật, đối với người Việt Nam, "người chết nối linh thiêng vào đời" (Trịnh Công Sơn). Cõi linh thiêng không xa cách lắm, nó gần gũi đâu đây. Nó ẩn hiện ngay trong thiên nhiên, giữa cây cỏ hoa lá. Vì thế Thúy Kiều mới nói với Thúy Vân:

Trước khi Phật giáo, Công giáo hay Hồi giáo v.v... du nhập vào Việt Nam, dân ta không có đền thờ hay thánh thất chùa chiền, mà chỉ có am với miếu, hay thậm chí chỉ có một bát nhang đặt đâu đây nơi một gốc cây cổ thụ, hay cây đa cây đề, thường là những cây hẻo lánh ngoài làng hay đầu làng. Nhưng trước tiên phải kể đến mồ mả người chết và bàn thờ tổ tiên trong nhà.

Xem như thế cái Ðạo Ông Bà không đưa người ta đi xa lắm. Cái đạo ấy không có tham vọng đưa người Việt, dẫu tự nhận mình là dòng Lạc Việt - nghĩa là nửa người nửa chim - lên Thiên đàng, Niết bàn hay cõi Thiên Thai, hoặc một cõi siêu việt nào mầu nhiệm. Người Việt Nam chỉ mong được về với tổ tiên mình.

Quan niệm hạnh phúc của người Việt Nam cho rằng con người chỉ thực sự hạnh phúc khi cùng chia sẻ hạnh phúc đó với những người thân yêu nhất của mình. Bởi vì kinh nghiệm ở đời này cho thấy con người chỉ được hạnh phúc trong một gia đình hòa thuận đầm ấm. Chính vì lẽ đó mà Từ Thức xưa đã từ giã cõi tiên để trở về cõi trần, vì ông không thể hạnh phúc nơi đó, bao lâu còn xa cách những người thân yêu và bạn bè.

Chính Ðức Giêsu cũng đã cầu nguyện với Chúa Cha cho các môn đệ của Người, trước giờ ra đi chịu khổ nạn: "Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành" (Ga 17,24).

Hiện hữu con người là "hiện hữu với", cho nên hạnh phúc của nó cũng phải là "hạnh phúc với", nghĩa là một hạnh phúc cùng chia sẻ với tha nhân. Không thể có một thứ hạnh phúc ích kỷ cô đơn. Kabir, nhà huyền bí Ấn Ðộ thế kỷ XV đã có lý khi nói rằng: "Hạnh phúc viên mãn là hạnh phúc người ta chia sẻ với nhau". Người Việt Nam ta nói: "Sống chết có nhau", vì thế, kẻ sống người chết tuy có khuất hình khuất bóng, nhưng không xa cách và vẫn hiện diện bên nhau, trong yêu thương, tưởng nhớ, và trong những hành vi cụ thể, như đặt một tấm ảnh trên bàn thờ, sắp một đĩa trái cây, hay thắp một nén nhang. Những cử chỉ đó có thể chưa phải là đã có tính chất tôn giáo theo quan niệm Tây Phương, nhưng đó ít ra cũng là bước đầu của tôn giáo, bởi vì dù sao niềm tin và những cử chỉ ấy cũng đã đặt con người vào trong tương quan với cái "bên kia" của cuộc đời.

Tưởng niệm người chết, tìm gặp người khuất bóng, bằng cách thả hồn vào thế giới thiêng liêng huyền nhiệm, đã là một cách khẳng định rằng hiện hữu con người không giới hạn trong cuộc sống hiện tại, trái lại, cái chết đưa con người vào một kiếp sống mới, vào một cách thức hiện hữu mới, đó là hiện hữu trong cõi linh thiêng, trong cuốc sống nếu không phải là của thần linh, thì ít ra cũng có cái gì đó là thiêng liêng, đáng kính, đáng sợ. Và sự kính sợ là biểu hiện đầu tiên của thái độ tôn giáo. Ðây không phải là sự sợ hãi như khi ta đứng trước một nguy cơ hại đến tính mạng, như sợ hùm sợ cọp, mà là thái độ tôn kính trước một cái gì huyền bí, linh thiêng, đó là niềm kính sợ của ông Môsê đứng trước hiện tượng lạ lùng trên núi Xinai (x. Xh 3,6), hay của ông Phêrô đối diện với Ðức Giêsu sau mẻ cá lạ lùng (x. Lc 5,8-10).

Người ta sợ người chết. Có thể trước tiên là sợ xác chết. Xác chết là một sự hiện diện không hiện diện của một con người. Người ấy có đấy nhưng im lặng và trong một trạng thái phi lý, vì chỉ là một cái xác vô hồn. Cái xác vô hồn ấy nhắc nhở mỗi người trông thấy phải nghĩ đến số phận tương lai của mình. Nỗi sợ xác chết đưa đến nỗi sợ mình phải chết, phải trở thành xác chết. Nhưng khi xác chết không còn đó nữa, thì người chết lại làm cho chúng ta có thể sợ hãi về sự vắng bóng của họ: người chết đã khuất bóng, không còn ai trông thấy nữa, nhưng người chết vẫn như ẩn hiện đâu đây. Ta không thấy họ, không biết gì về họ nữa, nhưng có thể là họ vẫn thấy ta, vẫn biết ta làm gì, nghĩ gì và có thái độ nào đối với họ. Và điều đó làm cho ta phải kính sợ họ. Như vậy là người chết đưa chúng ta vào cõi vô hình, vào trong thế giới nếu chưa phải là siêu nhiên, thì cũng chẳng còn là tự nhiên, bình thường. Ðó có lẽ là kinh nghiệm đầu tiên mà con người có thể có đối với cái được gọi là "thế giới bên kia", hay "cõi âm", âm phủ", để rồi từ đó đi xa hơn tới thế giới của các vị thần, trước tiên là các bậc anh hùng, những người có công với xã hội, những con người phi thường, xuất chúng. Rồi từ đó, con người đi xa hơn hơn nữa, lên cao hơn nữa tới chốn cao xanh, siêu nhiên, huyền bí, cõi linh thiêng của thần thánh, nơi Ðấng Cao Cả, Ðấng Chí Tôn, Thượng Ðế ngự trị.

Thiên Chúa: Nguồn gốc mọi gia tộc

Nhưng Ðấng Cao Cả, Ðấng Chí Tôn hay Thượng Ðế thì ở quá cao, quá xa. người ngự trên chín tầng trời, còn người dân Việt Nam lại nghĩ mình chỉ là những con người trần thế, không sao có thể đạt tới nơi cao siêu vời vợi đó. Người ta không thể leo lên đầu thang, nếu không bắt đầu từ những nấc thấp nhất. Một cây cũng không thể mọc lên và vươn cao, nếu không bắt đầu từ việc ăn rễ sâu vào trong đất. Người ta cũng không thể nào lần mò tới nguồn của dòng suối, nếu không bắt đầu từ khúc sông gần nhất. Do đó nếu từ chối lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ tổ tiên, làm sao chúng ta có thể hy vọng đạt tới Thiên Chúa là "nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất" (Ep 3,14)?

Thế mới hiểu người Việt Nam tha thiết gắn bó với tổ tiên, và bận tâm đến chuyện mồ mả ông bà cha mẹ. Mất mồ cha là mất tất cả. Mồ mả cha mẹ mà không được chôn cất đàng hoàng, đúng nơi đúng chỗ và đúng hướng, thì con cái có thể lận đận cả đời. Cha mẹ mà được yên mồ yên mả, con cái mới có thể được may mắn, làm ăn trông lên.

Vì một quan niệm thần học sai lệch của những thế kỷ trước, cho rằng chỉ những người "có đạo", nghĩa là những kẻ được rửa tội đàng hoàng mới hy vọng được "rỗi linh hồn", còn những kẻ "chẳng có đạo và chẳng giữ đạo nên" đều là "kẻ dữ", thì phải sa hỏa ngục (Kinh bổn cũ), vì quan niệm sai lệch ấy, khiến các nhà truyền giáo không thuyết phục được những ai theo đạo ông bà tin theo Ðức Kitô, nhất là chuyện lên án việc thờ kính tổ tiên, càng làm cho họ không thể nào dung hòa được đạo hiếu với đạo thờ Chúa.

Trong kinh nghiệm, không một ai đã cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa trước khi cảm nghiệm tình yêu của con người. Chính tình yêu nhân loại giúp chúng ta có thể khám phá và cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa. Khi Gioan nói: "Ai yêu thương thì biết Thiên Chúa" (x. 1 Ga 4,7), chắc chắn ông không có ý nói rằng "ai yêu thương Thiên Chúa thì biết Người", mà yêu thương ở đây là yêu thương anh em, vì tác giả nói ở câu trên: "Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa" (1 Ga 4,7).

Ðã hẳn tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa, nhưng để đến được với chúng ta, tình yêu đó thường qua trung gian của tha nhân, mà trước hết là ông bà cha mẹ chúng ta. Dòng sông nào cũng có ngọn nguồn, nhưng không phải ai ai cũng uống được nước tận nguồn của nó, bởi vì nguồn đích thực của mọi dòng sông không phải là những tảng băng tuyết hay những mạch suối ngầm, mà là chính những cơn mưa, và mưa thì lại chỉ là hơi nước tụ lại từ những đám mây gặp lạnh. Cũng vậy, mọi tình yêu đều bắt nguồn từ lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, rồi qua trung gian của tổ tiên, ông bà, cha mẹ mà đến với chúng ta, tựa như nước từ trời mưa xuống, chảy từ trên những đỉnh núi, hay thấm vào đất đai, tạo ra những dòng suối, kết tụ lại thành những dòng sông, chảy vào những hồ ao hay những con kênh, rồi mới đến được với chúng ta.

Kitô giáo là Ðạo đi từ con người tới Thiên Chúa. Nếu không qua Con Người Giêsu thì không ai có thể đến được với Thiên Chúa Cha (x. Ga 14,6), bởi vì Ðức Giêsu chính là con đường dẫn tới Ðấng mà mọi tôn giáo ở mọi thời và mọi nơi hằng hướng tới, nhưng vẫn còn phải mò mẫm và nhiều khi chẳng những không tới được mà lại còn lạc xa. Ðức Giêsu là Ðường (Ga 14,6), là Ánh Sáng (Ga 8,12), con Ðường được làm ra bằng chính cuộc đời của Người là Lời Nhập Thể giữa chúng ta (Ga 1,14), sống và chết cho chúng ta, và Ánh Sáng được thắp lên khi mà Ðức Giêsu bị giương cao, nghĩa là chịu đóng đinh trên thập giá, bởi chính cái chết đó mạc khải cho chúng ta biết Người là hiện thân của Thiên Chúa tình yêu (x. Ga 8,28). Ðây quả là "Ðạo bất viễn nhân", Ðạo gần nhất đối với con người, bởi vì Ðạo ấy đi vào chính giữa lòng đời, đã nhập thể vào chính cuộc đời.

Ðức Giêsu đã vào đời tựa như dòng nước trong, như sương mát từ trời rơi xuống, thấm vào trong lòng đất, tạo thành những khe suối, thác ghềnh, trở thành những dòng sông, và rồi qua những con kênh, những máng nước hay ống nước mà đến với chúng ta, tắm rửa chúng ta cho sạch, làm cho chúng ta được tươi mát, và nuôi dưỡng chúng ta. Người đã nhập thể trong lòng Ðức Trinh Nữ Maria, đã sinh ra và lớn lên âm thầm lặng lẽ giữa lòng dân Do Thái, hòa mình với họ trong cuộc sống lao động, rồi từ chính kinh nghiệm cuộc sống ấy mà Người dạy dỗ, hướng dẫn mọi người biết yêu thương lẫn nhau, phục vụ lẫn nhau. Cuối cùng, cái chết của Người, đặc biệt qua biểu tượng trái tim bị đâm thâu (Ga 19,34), Người đã khơi nguồn mạch nước hằng sống đời đời cho tất cả những ai đến với Người (x. Ga 6,35).

Mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm Con loài người để trở thành con Ðường, thành chiếc thang (x. Ga 1,51) nối liền trời với đất, đưa con người lên tận trời cao, nhờ cái chết của Con Người Giêsu, như chính Người đã tuyên bố: "phần tôi, khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi" (Ga 12,32).

"Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Ðấng từ trời xuống" (Ga 3,13), Ðức Giêsu đã khẳng định như vậy với ông Nicôđêmô. Tất cả các vị sáng lập tôn giáo đều chỉ là những người hướng đạo, chỉ đường, nhưng không ai là Ðường, trái lại chính bản thân các vị đó cũng phải tìm đường. Nhưng hình như vì người ta cho rằng đường đi tới cõi siêu việt phải là đường cao siêu huyền bí, nên đòi hỏi những cố gắng phi thường, hay ít ra cũng đòi hỏi một cuộc đời khổ hạnh, với những luật lệ khắt khe, hay một cuộc đời xuất thế. Ðức Giêsu không chỉ bằng lòng làm người hướng đạo, chỉ đường, mà chính Người đã trở thành con đường ấy. Người đã không chỉ có dạy dỗ, mà còn là gương sáng, là mẫu mực cho mọi người, nhưng là một mẫu mực đơn sơ giản dị mà ai cũng có thể noi theo. Người nói: "Anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường" (Mt 11,29), và "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 13,34; 15,12.17). Người đã yêu thương anh em nhân loại của mình bằng cách nhập thể làm người, ở giữa mọi người, nên giống mọi người trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi (x. Dt 2,17; 4,15); Người đã cho kẻ đói ăn, đã chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, an ủi, cứu chữa và giải thoát những ai lâm cơn nguy khốn, và cuối cùng đã hy sinh mạng sống của mình để cứu độ thế gian.

Con đường của Chúa Giêsu là con đường mà mọi người, mọi thành phần đều có thể đi vào: những người chất phác quê mùa như anh em Anrê và Phêrô, Giacôbê và Gioan, những chàng thanh niên đánh cá ven hồ Galilê, hay cả một Matthew người thu thuế, Maria Mácđala, cô gái hoàn lương v.v... cũng có thể đi vào.

Quả thật chiếc thang để đưa người lên cao, thì bắt đầu phải được đặt vững chắc trên nền đất bụi bặm. Ðức Giêsu đã khởi đầu sứ vụ của mình sau khi chịu phép rửa của ông Gioan Tẩy Giả ở sông Giođan, và sau một thời gian chịu thử thách, chịu cám dỗ trong hoang địa. Suốt cuọc đời, và nhất là những năm thi hành sứ vụ, Người đã cố gắng hoàn thành đời mình thành một chiếc thang, một nhịp cầu, Pontifex. Chiếc thang ấy được dựng lên một cách vững chắc và vĩnh viễn trên đồi Gôngôtha, và người đầu tiên đã sử dụng để lên được tới thiên đang, lại là một kẻ trộm cướp! (x. Lc 23,39-43).

Bấy nhiêu đủ cho thấy Ðạo Chúa Kitô là Ðạo cho mọi người, Ðạo của mọi người, vì thế mà gọi là Công Giáo, Công đây không theo nghĩa là của công, như "trường công", "nhà thương công", mà là phổ cập.

vậy nếu một kẻ cướp cũng có thể lên Thiên Ðàng nhờ niềm tin vào Ðức Giêsu, thì phương chi là kẻ có lòng hiếu thảo với cha mẹ của mình, kẻ gắn bó với làng xóm quê hương và đồng bào. Giữa tình yêu quê hương gia đình với tình yêu Thiên Chúa và Nước Trời không hề có sự mâu thuẫn đối lập, mà trái lại chỉ là như hai mặt của một đồng tiền, hai đầu của một con đường: đầu này liên kết với đầu kia, và hễ có đầu này thì phải có đầu kia. Không thể có tình yêu mến Thiên Chúa mà không có tình yêu mến tha nhân, mà trước hết là ông bà cha mẹ tổ tiên. Dĩ nhiên ngược lại thì không phải hễ có lòng yêu mến ông bà cha mẹ tổ tiên thì đương nhiên sẽ có lòng yêu mến Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều mà Gioan nói với chúng ta vẫn luôn luôn là chân lý: "Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" (1 Ga 4,20). Kẻ đang khát nước mà không chịu uống nước ngay tại dòng nước chảy ngay dưới chân mình, mà lại đòi ngược dòng sông để uống nước tận đầu nguồn, thì chắc chắn sẽ chết khát trước khi lên tới được đỉnh cao, nơi bắt nguồn của dòng sông. Cũng vậy, kẻ không yêu mến, hiếu thảo với cha mẹ ông bà tổ tiên, không yêu thương những người thân yêu của mình, thì làm sao có thể yêu mến Thiên Chúa được? Nói tóm lại, yêu người chưa phải là yêu Chúa, nhưng là bước đầu, là điều kiện để chứng tỏ lòng yêu Chúa.

Ðạo Ông Bà không những chẳng đối nghịch hay là một cản trở đối với Ðạo Thiên Chúa, mà còn là một điểm tựa, một bước khởi đầu thuận lợi, là một lối đi dễ dàng và gần gũi nhất có thể đưa ta vào Ðạo Thiên Chúa. Tình yêu đối với ông bà cha mẹ tổ tiên không làm cho chúng ta cách tình yêu đối với Thiên Chúa, mà còn đặt chúng ta vào trong tương quan với "Thiên Chúa là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất" vậy.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page