Góp ý với THÐGM Á Châu

Nguyễn Ðức Tuyên, Hoa Kỳ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Thượng Hội đồng Giám mục Á châu sắp khai diễn là một biến cố quan trọng cho toàn vùng vì nó đánh dấu một mốc điểm lịch sử cho thiên niên tới với một chiều hướng rao giảng Tin Mừng mới hứa hẹn đem lại một mùa Xuân mới cho Giáo hội và Xã Hội.

Ðược hân hạnh đọc bản tóm lược Lineamenta, chúng tôi cảm thấy phấn khởi về những vấn đề đặt ra để các Giáo phận và Hội đồng Giám mục (HÐGM) góp ý. Nó chứng tỏ sự thận trọng, mối quan tâm và tấm lòng rộng mở của Ủy ban Chuẩn bị. Tuy nhiên khi đọc bản góp ý của HÐGM Việt Nam, chúng tôi cảm thấy có điều gì chưa sáng tỏ, phải chăng vì bản góp ý của các Giáo phận đã đầy đủ nên bản của HÐGM Việt Nam trở nên sơ lược? Phải chăng có một động lực nào đó làm cho HÐGM Việt Nam ngập ngừng, chùn bước, có những điểm muốn nói ra nhưng không thể nói vì áp lực nội tại, ngoại lai?

Là một giáo dân sống nơi hải ngoại nhưng tấm lòng luôn luôn hướng về quê mẹ và Giáo Hội Mẹ, chúng tôi mạo nuội góp phần nhỏ bé của mình với Thượng HÐGM Á châu, sẽ khai diễn vào cuối tháng 4.1998. Chúng tôi cũng chỉ hạn chế vấn đề vào một vài trọng điểm.

1- Bản Lineamenta biểu lộ ý hướng tiến bộ, khiêm cung đúng mực và chúng tôi không thấy có gì gọi là giọng điệu "trịch thượng" đối với các dân tộc Á châu. Nếu chúng ta tin rằng Chúa Kitô là Ðấng Cứu độ duy nhất thì với tư cách tín hữu, không có cách nào khác để trình bày về Ngài và Giáo hội của Ngài liên quan tới ơn cứu độ, vì đó là sự biểu lộ niềm tin tôn giáo và tấm lòng tha thiết của mình. Vấn đề còn lại là sự tương kính, tế nhị, biết tôn trọng giá trị và niềm tin tôn giáo của người khác và mong ước mọi người, mọi tôn giáo đồng hành với chúng ta trong việc nâng cao phẩm giá con người và cùng nhau xây dựng một nền "văn minh sự sống".

Trước trào lưu duy vật, tục hoá, nếp sống buông thả v.v...Giáo hội không lo sợ nhưng có bổn phận phải quan tâm đến việc nhiều tín hữu xa rời đức tin, lạnh nhạt với Giáo hội; mặt khác, Giáo Hội phải chú tâm đến việc nhiều người chưa có cơ hội biết Chúa hoặc chỉ cảm nhận Thiên Chúa nhưng không trọn vẹn. Công lao của các vị thừa sai cũng như nổ lực phi thường của các Giáo Hoàng, nhất là Ðức Gioan Phaolô II là những người đã bỏ cả cuộc đời để tuyên xưng sứ điệp Tin Mừng là điều đáng ghi nhận, trước hết như những tấm gương. Hơn nữa, nếu tin rằng Giáo Hội là nhiệm thể của Chúa Kitô thì việc đề cao trách vụ của Giáo hội nơi trần thế cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

2- Những đề nghị của HÐGM Việt Nam về bối cảnh Á châu, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, và đường hướng mục vụ cụ thể, cũng như phần kinh nghiệm bốn trăm năm truyền giáo là những đóng góp tích cực nhưng quá sơ sài. Phần quan điểm và ước mong của HÐGM đã có một cái nhìn khá thực tiễn trong bối cảnh văn hoá, xã hội, thần học và rao giảng Tin Mừng, như "làm sáng tỏ đức sáng", "từ nước uống hằng ngày khám phá ra nước uống hằng sống", "sự đa dạng của thần học", "Hội Thánh trong thế giới", "loan báo Tin Mừng đồng nghĩa với chứng nhân", "cộng đồng nhỏ bé", "đồng hành với người nghèo khó và đau khổ" v.v... Tuy nhiên, người ta vẫn mong đợi những đóng góp quan trọng hơn nữa.

3- Trên cái nhìn tôn giáo, ảnh hưởng Khổng, Lão, Phật giáo, cách đây 200 năm đã giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh người Việt Nam, điều mà người ta gọi là tam giáo đồng nguyên. Tuy nhiên những ảnh hưởng đó đã trở thành mờ nhạt trong tâm thức thế hệ hiện tại khi mà họ có cơ hội tiếp xúc với văn hoá Tây phương. Nếu nếp sống tôn giáo còn ảnh hưởng trong các cộng đồng thì ta có thể nói Phật giáo còn ảnh hưởng nhiều tại Trung bộ, Hồi giáo ảnh hưởng một phần miền nam Trung bộ, Cao đài giáo và Hoà hảo ảnh hưởng khá mạnh tại Nam bộ. Nói như vậy cũng không có nghĩa là coi nhẹ tâm thức tam giáo và việc thờ cúng tổ tiên pha trộn lại trở thành nếp sống trong văn hoá Việt Nam.

4- Nền văn hoá của một dân tộc được ví như những tấm vải muôn màu mà những sợi dọc là những cốt lõi văn hoá của chính dân tộc đó, trong khi những sợi ngang là những đón nhận qua nhiều thế hệ. Như vậy, tam giáo đã dệt nên những sợi ngang muôn màu trong một quá trình văn hoá Việt Nam. Khi đạo Công giáo hiện diện ở Việt Nam thì đã có một yếu tố mới làm giàu cho văn hoá Việt Nam. Trong một bài viết, giáo sư sử học Phạm Cao Dương, một học giả không công giáo, đã viết: "Ngày nay người ta không thể nói tới văn hoá của dân tộc Việt Nam hay cuộc sống của người Việt Nam trong bất cứ phạm vi nào mà không nói tới sự hiện diện, vai trò và sự đóng góp của đạo Công giáo, dù đó là cuộc sống ở trong nước hay cuộc sống ở nước ngoài, ở đây là nhưng cộng đồng người Việt ở hải ngoại".

Người ta cho rằng đức tin luôn luôn xuất hiện trong một bộ áo văn hoá và nhờ đó người đón nhận có cơ may và tự do dựa theo bản sắc dân tộc mình mà tự khám phá ra những phương cách thích hợp cho việc thâu nhập đức tin. Nếu Ngôi Lời đã trở thành nhục thể trong Ðức Giêsu Kitô thì việc hội nhập văn hoá là điều tất yếu. Trong ý hướng ấy nhiều học giả cho rằng phải đưa tinh thần và biểu hiệu chính yếu Kitô giáo vào trong văn chương, tư tưởng, nghệ thuật Việt Nam, nghĩa là được tư duy và diễn tả bằng các phạm trù và các biểu hiệu Việt Nam, trước hết là Kitô hữu Việt Nam, thí dụ như việc cổ võ thiết lập bàn thờ gia tiên, áp dụng những phần tinh túy của hôn lễ, tang lễ và lễ giỗ theo truyền thống.

5- Ðặt ra vấn đề thần học Á châu trong lúc nầy là một điều hợp lý, tuy nhiên nếu khước từ hay phủ nhận thần học Tây phương là đi vào thái độ cực đoan, giống như việc cổ võ thần học giải phóng tại Nam Mỹ trước đây theo khuynh hướng Mác-xít. Cơ cấu thần học Tây phương vẫn giữ vai trò của nó. Ðiều cần lưu ý là thần học Tây phương không nên coi mình là duy nhất, độc tôn và tự tôn.

6- Có một vấn đề khá quan trọng mà HÐGM Việt Nam không đề cập đến là việc rao giảng Tin Mừng trong một xã hội chủ nghĩa, nơi đó không những cổ võ đời sống duy vật và vô thần, mà hiển nhiên là có cả một bộ máy cầm quyền áp đặt chủ nghĩa cộng sản trên 70 triệu dân Việt Nam với chính sách chèn ép tôn giáo mọi mặt mà ai cũng biết.

7- Trước ngưỡng cửa thiên niên thứ ba, người ta không thể không quan tâm tới; những biến đổi về kinh tế toàn cầu, trong đó có hiện tượng kém mở mang, khuynh hướng thống trị của tư bản và vấn đề nợ nần của các quốc gia Á châu; vấn đề kỹ thuật cao độ, trong đó có hiện tượng truyền thông và tin học; vấn đề phá vỡ gia đình, di dân giữa các đô thị; tệ nạn xã hội, sự đánh mất giá trị xã hội và truyền thống tôn giáo. Những tác động đó ảnh hưởng rất nhiều tới xã hội Việt Nam và các nước Á châu.

8- Trong bối cảnh đó, đề nghị thứ nhất là cần đề cao vai trò người giáo dân và huấn luyện họ để có thể rao giảng Tin Mừng trong thiên niên mới và kêu gọi họ hoàn tất nhiệm vụ của mình - nhiệm vụ canh tân trật tự trần thế và làm cho trần thế được hoàn thiện hơn. Những trật tự ấy bao hàm các lãnh vực cá nhân, gia đình, kinh tế, thương mại, nghề nghiệp, tổ chức chính quyền và chính trị, và bang giao quốc tế. Các lãnh vực đó có một giá trị mà Thiên Chúa trao ban. Người tông đồ giáo dân cần nhìn thế giới như là một nơi chốn đầy hứng khởi, cần được thánh hoá.

Trong phạm vi Giáo hội qua phép Rửa tội, người giáo dân tham dự vào sứ mạng tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô. Trong phạm vi gia đình - nền tảng của xã hội - người giáo dân mang dấu ấn của Bí tích Hôn phối, do đó, tông đồ hôn nhân và gia đình cần được đề cao cả Giáo hội lẫn xã hội vì gia đình là tế bào chính của xã hội. Giới trẻ giữ một vai trò trọng yếu trong xã hội vì người trẻ được sinh ra và lớn lên trong nền văn hoá hiện đại. Nền văn hoá mới nầy đóng một vai trò quan yếu trong sự liên hệ gia đình và thói quen suy nghĩ của giới trẻ... Hơn nữa, Chúa không chỉ kêu gọi nhóm Mười Hai mà các phụ nữ cùng đã theo chân Chúa trong bước đường rao giảng, phụ giúp các tông đồ, đứng dưới chân thánh giá, giúp chôn cất Chúa, loan báo tin Chúa sống lại và cầu nguyện với các Tông đồ ở phòng hội trước Lễ Hiện Xuống. Tất cả mọi người đều lãnh nhận ân sủng từ Chúa Thánh Linh để góp phần vào Vương Quốc của Thiên Chúa.

Ðiều hiển nhiên là người giáo dân phải được huấn luyện cho ơn gọi cao trọng của mình. Họ được Chúa kêu gọi tham gia vào công cuộc cứu chuộc của Giáo hội, có nghĩa là Phúc âm hoá thế giới vì họ tham dự vào ba sứ mệnh tư tế, ngôn sứ và vương giả. Việc huấn luyện phải bao gồm nhiều mặt và việc huấn luyện không chỉ giúp từng người tông đồ thăng tiến về mặt siêu nhiên và hiểu biết học thuyết của Giáo hội, mà còn giúp họ biết đối phó với những hoàn cảnh khác nhau mà họ gặp trong công tác tông đồ. Việc huấn luyện phải phù hợp với khả năng và điều kiện của từng người được ghi dấu qua kiến thức của xã hội đương thời.

9- Ðề nghị thứ hai là hình thành một nhóm nhỏ trong các cộng đồng Dân Chúa vì chỉ có sinh hoạt những nhóm nhỏ mới ăn sâu vào xã hội Việt Nam nói riêng và xã hội Á châu nói chung trước viễn tượng biến chuyển xã hội trong thiên niên thứ ba đang tới.

Mục đích chính của nhóm nhỏ là chia sẻ đức tin. Ðó là đơn vị nhỏ trong giáo xứ gồm những cá nhân tự nguyện quy tụ lại thành nhóm, hội họp trong từng nhà, hầu chia sẻ những kinh nghiệm đời sống và cảm thấy an bình khi nêu ra những vấn nạn trong cuộc sống. Họ là những thành viên trong cộng đoàn, muốn thăng tiến đức tin, trở nên tích cực hơn trong cộng đoàn và muốn làm quen với anh chị em khác trong cộng đồng. Họ được mời gọi tham dự vào những công tác trong cộng đồng và chương trình phục vụ xã hội.

Thật là tốt đẹp và hữu ích cho mọi người cùng tụ tập và chia sẻ cho nhau về những kinh nghiệm sống đức tin riêng của nhau: các thắc mắc, các nghi nan, các mối ưu tư về công cuộc tìm kiếm Chúa và anh em; về chân lý và công bình; về cảm nghiệm được Chúa trong cuộc sống, nhất là trong những phút nguy kịch hoặc những lúc vui mừng chan chứa; về những ơn phúc hoặc những chiến đấu trong nếp sống đạo ở cộng đoàn hoặc đoàn thể; về các đáp ứng tiếng gọi phục viụ những ai cần kíp; về những giờ phút hối cải, hy vọng và cầu nguyện; về những thể hiện của tình yêu thương và mối quan tâm của Chúa đối với mọi người. Ðức tin của người tín hữu tăng trưởng nhờ các câu chuyện sống niềm tin của người khác.

Nhóm nhỏ cần thường xuyên đến với Thánh Kinh để nuôi dưỡng, làm sinh động và tái tạo niềm tin của các thành viên. Nhóm cũng cần học hỏi các giáo huấn của Giáo hội, trên hết đã được chính thức hoá trong sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo để thắp sáng và hướng dẫn niềm tin của nhau. Ðiểm then chốt là làm thế nào thiết định được niềm tin nầy như sở hữu của mỗi người, theo cách riêng tư và giúp người khác cũng "sở hữu" đức tin một cách cá biệt và tràn đầy như thế. Qua các tài liệu học hỏi, làm thế nào, nhờ những chia sẻ niềm tin nầy, bằng những tìm kiếm và cảm nghiệm niềm tin, bằng những lời nói phát xuất từ tâm thành, bằng những câu chuyện kể cho nhau nghe về kinh nghiệm sống, nhờ đó, niềm tin của mỗi người sẽ được sáng và sưởi nóng. Với phương thức chia sẻ nầy, sẽ diễn tả được chiều kích đức tin trong Giáo hội. Ta không thể tin tưởng mà thiếu sức hỗ trợ niềm tin của người khác, và cũng nhờ niềm tin của ta, ta nâng đỡ niềm tin của nhiều người khác.

10- Những lời góp ý trên đây không dám có tham vọng trả lời mọi vấn đề, trước hết vì sự hiểu biết hạn hẹp của người viết. Sau hết, chúng tôi thâm tin rằng mọi chuyện và mọi việc, cho dù có cố gắng tới đâu chăng nữa, cũng phải đặt trong sự soi sáng của Thánh Linh vì chỉ có Ngài là thầy dạy sự khôn ngoan và là Ðấng hướng dẫn Giáo hội trên bước đường trần thế.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page