Các Giám Mục Việt Nam
trước Lịch Sử
Một số suy nghĩ về sự đóng góp của
hàng Giáo phẩm Việt Nam trong việc
chuẩn bị THÐGM cho Á Châu

Roland Jacques OMI, Roma

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Chúng tôi hân hạnh được đọc các bản trả lời của Hội đồng Giám mục Việt Nam (HÐGMVN) gửi các vị hữu trách của Hội nghị đặc biệt của Thượng Hội đồng Giám mục cho Á châu: trước hết từ bản dịch Pháp ngữ đăng trên bản tin Eglises d'Asie (chỉ có bản trả lời các câu hỏi), sau đó là toàn các bản văn bằng Việt ngữ (gồm có thêm bản góp ý của HÐGMVN). Ðây là một bản văn can đảm, không tìm cách tránh né, trình bày thực trạng của Cộng đồng Kitô giáo Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay. Bản văn làm nhiều người ngạc nhiên, nếu họ đã quen với lối viết gọt dũa khéo léo và tự phụ thường đọc thấy nơi văn chương của các vị hữu trách "nhà đạo". Các Giám mục Việt Nam muốn trình bày một vài điểm với những vị đã chuẩn bị Thượng Hội đồng cho Á châu, và nêu lên một vài sự thật nhắc nhở Kitô hữu Việt Nam và vùng Ðông Á: lối nói thẳng thắn, không quanh co, nên có thể bị hiểu lầm, hoặc ngay cả làm một số người khó chịu. Thực ra thì bản văn rất tích cực và đầy hy vọng: nó tránh việc than vãn hoặc răn đe, để cố đưa ra những hướng đi mới cho hôm nay và tương lai.

Ngoài những nhận xét trên, chúng tôi không đi vào phê phán về nội dung mục vụ của bản văn, về giá trị của các lời phân tích tình hình hiện tại và ngay cả về sự khẩn thiết nơi những lời nhắc nhở hoặc tầm quan trọng của các đề nghị cho tương lai được diễn tả nơi bản văn. Những việc đó thuộc về trách nhiệm của tín hữu và chủ chăn của Giáo hội Việt Nam. Trong bối cảnh của Thượng Hội đồng, quan điểm và lập trường của họ sẽ được thảo luận và tiếp cận với những quan điểm và lập trưởng của các Giáo hội khác của lục địa Á châu bao la, và của Giáo hội hoàn vũ. Chúng tôi hết lòng mong ước rằng tiếng nói dấy lên từ vùng đất Việt Nam làm thế nào đừng để bị dập tắt đi.

Ở đây, chúng tôi sẽ cố nêu lên một nội dung đặc loại, đó là vấn đề lịch sử. Trong vấn đề liên hệ, một nhận xét của các giám mục nêu lên cho bản văn Lineamenta của Thượng Hội đồng Giám mục nầy làm chúng tôi lưu ý: "Tài liệu làm việc (...) không nên trở thành một bài nghiên cứu lịch sử vì thế phần lịch sử chỉ nên nhắc thoáng qua".

Các Giám mục Việt Nam có thật sự
không thích nói đến lịch sử không?

Câu trích trên đây và những nhận xét đi tiếp theo câu trích nó, có thể cho người ta có cảm tưởng như HÐGMVN không thích lịch sử, hoặc muốn quay lưng với lịch sử để chú tâm vào những phận vụ cấp bách hơn của ngày hôm nay hoặc hướng về tương lai. Phần chúng tôi, chúng tôi không nghĩ vậy. Chúng tôi cho rằng ở đây các Giám mục muốn phê bình lối nhắc lại lịch sử và sử dụng lịch sử một cách vụng về và không thoả đáng, ở nơi bản văn đầu tiên do Rôma phổ biến để chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục.

Nhưng là những lời phê bình nào?
Theo chúng tôi, lời phê bình đầu tiên liên quan đến việc lẫn lộn lịch sử Giáo hội tại Á châu với lịch sử các nhà truyền giáo ngoại quốc (xem Lineamenta, số 11-14). Hệ quả là người ta rơi vào một cái nhìn hoàn toàn Âu châu đến độ đưa ra những xác quyết kỳ lạ. Chỉ cần nêu lên câu sau nầy thì thấy rõ: "Vào thế kỷ XIX, lần đầu tiên trong lịch sử các cuộc truyền giáo, các phụ nữ phiêu lưu đến các vùng xa xôi ở Á châu để làm chứng về Chúa Kitô và Giáo hội Ngài..." (Lineamenta số 12). Hẳn nhiên đối với vô số các phụ nữ can đảm trong lịch sử Giáo hội Việt Nam, kể từ bà Maria Mađalêna Phú Yên và các nữ tu Mến Thánh Giá đầu tiên, đây hẳn không phải là những vùng đất xa xôi; nhưng các bà ấy đã không phiêu lưu đến độ chấp nhận nguy hiểm đến cả tính mạng mình để làm chứng cho Ðức Kitô và khai sinh, nuôi dưỡng Giáo hội của Ngài hay sao? Và thánh Agnès Lê Thị Thành không phải là chứng nhân đó sao!

Lời trách cứ thứ hai không nói lên, nhưng cũng cảm được, đó là thành quả nỗ lực truyền giáo như chỉ giới hạn vào bình diện số lượng (chẳng hạn xem các dữ kiện từng xứ một, Lineamenta số 13). Ðây cũng thế, những lối nói tổng quát vội vàng đã vấp phải những điều ngược với sự thật: "Thời kỳ truyền bá Kitô giáo đầu tiên (cụ thể từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII) dường như đã kết thúc với một sự thất bại hầu như hoàn toàn, trừ Phi Luật Tân" (Lineamenta số 12). Chắc Ðức Mẹ không đồng ý với "nhận định" đó đâu, vì Mẹ đã từng khích lệ các Kitô hữu Việt Nam tại La-vang vào năm 1798...

Lời phê bình thứ ba là Lineamenta đã nêu lên rằng những khó khăn làm trở ngại cho việc phát triển các Giáo hội Á châu đều là những yếu tố do ngoại cuộc. Ðấy là những yếu tố được nói đại loại là: do chính sách của Bồ Ðào Nha về Giáo hội, do việc Rôma lên án các "nghi lễ Trung Hoa" (ngày nay được đánh giá là tiên phong trong vấn đề hội nhập văn hoá), do việc dẹp bỏ Dòng Tên, do những cuộc tranh chấp giữa các cơ sở truyền giáo, do chủ trương quốc gia chủ nghĩa của các nước Âu châu... (Lineamenta số 11). Các Giám mục Việt Nam không thích đi vào cuộc tranh luận nầy, nhưng hẳn nhiên các ngài cũng không thể đồng ý rằng tất cả mọi điều xấu xa đều do từ Lisbonne hoặc Rôma mà đến.

Còn về các "biến cố có ý nghĩa" (Lineamenta số 13), HÐGMVN không thích việc đưa ra danh sách các biến cố địa phương, trong đó, Việt Nam chỉ nhắc đến một lần với biến cố di cư 1954...Chúng ta sẽ trở lại phần rút tỉa các "bài học lich sử" mà Lineamenta nêu lên qua hai nội dung khác nữa trong phần sau.

Các Giám mục Việt Nam đưa ra bài học lịch sử

Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam không dừng lại trong việc phê bình các khía cạnh lịch sử nơi bản văn từ Rôma gửi đến. Bản Trả Lời Câu Hỏi mở ra một viễn ảnh rộng lớn - bốn chương của phần dẫn nhập; đây đúng là một giáo trình về lịch sử (une lesson magistrale d'histoire), đúng hơn đây là một chương trình đề nghị cho những ai muốn viết về lịch sử Giáo hội tại Việt Nam.

Ngoài ra, câu trả lời của các Giám mục hoàn toàn được cấu trúc trên một ý chính: muốn tiến về đàng trước, Giáo hội Việt Nam, và rộng hơn là Giáo hội Á châu, phải biết tìm cách quay về với nguồn gốc chân thực nhất của mình. Chỉ khi qui chiếu vào nổ lực truy tìm căn đế và nguyên sơ nầy thì người ta mới có thể thiết định rõ lịch sử của bốn thế kỷ truyền bá Phúc Âm, đánh giá được những kết quả tích cực và tiêu cực, và rút tỉa được những bài học cho hôm nay và tương lai. Nói cách khác, lịch sử đó có một ý nghĩa, cần phải nắm lấy khởi từ một cái nhìn rộng lớn hơn - cái nhìn ấy không thấy có trong bản văn Lineamenta.

Nguyên tắc đầu tiên được các Giám mục nêu lên, đó là cộng đồng Kitô hữu Việt Nam có hai nguồn gốc: nguồn gốc từ lời Phúc Âm do các nhà truyền giáo đem lại, và nguồn gốc nơi văn hoá truyền thống Việt Nam với chiều kích tinh thần rất sâu xa. Theo cái nhìn của Á châu, nguồn gốc sau lại xa xưa hơn nguồn gốc đầu; chối bỏ hay thờ ơ nguồn gốc ấy, là tự buộc mình ở vào tình trạng không biết gì về làn sóng khi thì bình lặng, khi thì ồ ạt từ nguồn suối ấy phát trào ra chảy đến chúng ta. Lấy một hình ảnh khác, ta có thể nói rằng hạt giống Phúc Âm đã rơi xuống một vùng đất đã được Chúa quan phòng chuẩn bị, vùng đất cày xới thành thục nầy là tâm hồn dân tộc Việt Nam với những kho tàng quí giá của quá khứ văn hoá và tôn giáo của nó, kể cả những tôn giáo đã đâm hoa kết trái trước thời Kitô giáo xuất hiện. Muốn tước bỏ mọi giá trị nơi mảnh đất nầy là biến Kitô giáo ở Việt Nam thành một cây không bám rễ xuống đất và trái cây đó mãi chỉ là những hoa quả luôn mãi èo ọp, teo tóp.

Do đó, lịch sử Giáo hội tại Việt Nam không bắt đầu từ Marco Polo, Odoric de Pordenone, Gaspar da Cruz hay với Alexandre de Rhodes... Lịch sử này đã được chuẩn bị từ lâu, khi tâm hồn Việt Nam được kết cấu qua những huyền thoại khai nguyên từ tổ tiên đời trước, khi nó được nhào nặn nhuần nhuyễn từ đạo lý Khổng Mạnh, từ con đường thần bí của Phật giáo... Ngày nay, Kitô hữu Việt Nam được các chủ chăn của mình thúc đẩy, kêu gọi để khám phá lại bình diện rất quan trọng nầy của chính lịch sử họ, thấu hiểu nó và nhận ra những giá trị nơi đó duới ánh sáng của Phúc Âm. Hẳn nhiên sự khuyến khích nầy là một nổ lực mục vụ tiêu biểu, nhưng nó lại mở ra những lối nhìn mới lạ cho sử gia.

Nguyên tắc thứ hai được các Giám Mục nêu lên là những khó khăn và trở ngại liên quan đến thành quả của Phúc Âm trên đất nước Việt Nam cần phải truy tìm nơi nội tâm của tâm hồn Việt Nam chứ không phải nơi những thành tố bên ngoài. Các tranh chấp giữa các nhà truyền giáo của các cơ sở dòng tu khác nhau thực sự đã xảy ra và là việc đáng tiếc, nhưng tựu trung đó chỉ là một hiện tượng ở mặt ngoài. Chúng đã đi vào quá khứ rồi, và cứ nhắc đi nhắc lại hôm nay chẳng ích lợi gì. Những tranh chấp thực sự, gay gắt hơn, đó là những gì còn tồn tại mãi tại nơi ý thức của Kitô hữu Việt Nam. Ðây hẳn là những tranh chấp mà sử gia có sứ mạng giúp người ta hiểu cho thấu đáo để có được một chút ánh sáng trên con đường mà Kitô hữu Á châu ngày nay phải bước đi.

Nguyên tắc thứ hai nầy có một hệ luận. Những tác nhân thực sự của lịch sử Giáo hội Việt Nam là chính những người Kitô hữu Việt Nam, sự kiện đó không thể chối cãi. Và sự kiện đó thực sự đã là như thế ngay từ những năm đầu của công cuộc truyền bá Phúc Âm. Mặc dù Giáo hội ấy chỉ được nhìn nhận là trưởng thành (?) trên mặt tổ chức bên ngoài sau ba thế kỷ đặt dưới quyền giám hộ, nhưng sức năng động thực sự luôn hiện diện trong Giáo hội đó, trong nhiều Kitô hữu, và không có gì có thể ngăn cản hạn chế được cả.

Khi thầy giảng đầy dũng cảm là Anrê Phú Yên, vị tử đạo đầu tiên của Giáo hội tại đây đối đầu với Cai Bạ Quảng Nam năm 1644, và vì sự can cường của mình mà chấp nhận phải chết, hẳn ngài đã đi ngược lại với luật phép thời bấy giờ của Việt Nam. Nhưng ngài đã không biểu lộ tính can cường, lòng trung kiên để làm điều mà ngài cho là thiện hảo nhất như bất cứ vị anh hùng hào kiệt nào trong truyền thống Việt Nam hay sao? Ngài đã không uy dũng và hiên ngang trong thử thách như Chử Ðồng Tử, vị tổ của đạo giáo Việt Nam (Chử Ðạo Tổ) để xứng đáng được người đồng hương tôn kính mãi trong ký ức cũng như xứng đáng hưởng thiên đàng theo quan niệm Kitô giáo hay sao? Hẳn nhiên, sự khác biệt ở đây là thầy giảng Anrê là một khuôn mặt lịch sử mà sử gia có thể truy cứu được, chứ không phải là một nhân vật huyền thoại. Chứng tá của ngài đã tạo ảnh hưởng và có thể tác động mạnh mẽ trên Kitô giáo Việt Nam hơn là ký ức về nhiều vị truyền giáo.

Còn đối với vị quan lên án tử hình thầy Anrê, vị nầy đã bất tuân một điều khoản khác nơi 47 điều khoản bộ luật Hồng Ðức, và chúng tôi thấy tội ấy của vị nầy gia trọng hơn nhiều: "không được cậy mạnh mà lấn áp kẻ yếu". Phúc Âm biệt đãi người nghèo và yếu thế, sẽ giúp truyền thống Việt Nam thâm hiểu và ứng dụng rốt ráo hơn điều khoản nầy xứng là viên đá chờ đón Phúc Âm, nhưng thường lại bị quên lãng tại Việt Nam cũng như ở các nơi khác.

Những bài học lịch sử
rút tỉa từ lịch sử truyền giáo tại Á Châu

Dưới tựa đề nầy Lineamenta lại khai triển những công lao của Thánh bộ Truyền bá Ðức tin và các Giáo Hoàng, và kết luận: "Ngoại trừ một số trường hợp, Giáo hội tại Á châu phần chính là kết quả của những hy sinh anh hùng, lòng thánh thiện và nhiệt tình của các nhà truyền giáo trong các thời kỳ quá khứ (Lineamenta số 4). Trong nhận định của mình về Lineamenta các Giám mục Việt Nam phê bình toàn bộ bản văn nầy.

Trong Bản trả lời, các ngài đã xác định rằng những người tiên phong trong công cuộc truyền bá Phúc Âm là "... giáo dân và nữ tu, và cả giới trẻ nữa, đang âm thầm làm chứng cho Ðức Giêsu ở khắp mọi miền đất nước chúng tôi". Sự kiện đó đúng thực, ít nhất từ năm 1630, năm mà các vị truyền giáo ở Ðàng Ngoài bị trục xuất, nhưng không phải vì thế mà việc xin gia nhập đức tin Kitô giáo giảm sút đi, nhờ vào sự dấn thân âm thầm và hiệu quả của các thầy giảng (các vị dạy giáo lý). Biết đến lúc nào chúng ta có được một bộ "lịch sử những Kitô hữu Việt Nam" thật sự, mà không phải là bộ sử các nhà truyền giáo ngoại quốc?

Không phải vô cớ mà hàng Giám mục Việt Nam nói đến công cuộc truyền bá Phúc Âm "âm thầm" nầy. Ðừng xem đây chỉ là một lối trình bày "cho phải lẽ", liên quan đến hoàn cảnh chính trị hiện nay, mặc dù các Giám mục thực sự đã nói đến những giới hạn đè nặng trên sinh hoạt tôn giáo. Ðúng hơn, các ngài đã xem đây là dịp để quay trở về nguồn suối Phúc Âm: một dịp để bắt chước cuộc sống đơn bạc cuả Chuá Giêsu, sự gần gũi của Ngài ở giữa những người nghèo và bé nhỏ, vượt lên trên những quyền uy kỹ thuật và kinh tế đôi khi được xem như thiết yếu nơi người Tây phương. Người ta cũng có thể nói rằng đây là một sự trở về thời nguyên thuỷ của công cuộc truyền bá Phúc Âm tại Việt Nam, khi mà tình cảnh nghèo khó và chịu bắt bớ buộc phải sống trong âm thầm, nhưng một nhóm nhỏ giáo lý viên (thầy giảng), vui vẻ, đầy tình huynh đệ và vượt lên những đua chen trần thế, đã từng hoàn thành những điều kỳ diệu.

Như thế phải chăng theo ý các Giám mục Việt Nam cần kết luận rằng lịch sử truyền giáo và các vị truyền giáo không có tầm mức quan trọng gì cả? Chúng tôi không tin như thế. Ðiều mà các ngài yêu cầu là lịch sử ấy cần được đặt vào một khung cảnh trung thực hơn, để những người tiên phong thực sự khỏi bị quên lãng. Trong ý nghĩa đó, việc tôn vinh 117 vị tử đạo lên bậc hiển thánh là một việc làm chính đáng: 96 người Việt Nam, 21 người ngoại quốc, mà vị được chọn để nêu tên lên đầu danh sách là thánh Anrê Dũng Lạc, một nhân vật tương đối "âm thầm".

Việc tôn vinh hiển thánh đó theo quan điểm chúng tôi lại chưa hoàn toàn đạt đến mục đích của mình, vì đã quên đi những Kitô hữu Việt Nam đầu tiên, những thế hệ đã mở đường trước thời kỳ có những chia rẽ và tranh chấp. Các Giám mục đã gợi lên "thời vàng son" đó của Giáo hội Việt Nam thời nguyên thủy, và so sánh với cộng đồng Kitô giáo đầu tiên ở Giêrusalem được sách Công vụ các Tông đồ ghi lại.

Về nội dung đó, các ngài đã nêu tên một vị truyền giáo làm nhân chứng: Gaspar de Amaral. Ðiều rất đáng lưu ý là tên vị truyền giáo duy nhất được nêu lên trong bản văn của các ngài đúng là tên của một tu sĩ Dòng Tên người Bồ Ðào Nha được gửi đến nhân danh quyền bảo trợ truyền giáo của vua Bồ Ðào Nha (Padroado) mà trong lịch sử Giáo hội Việt Nam người ta thường không mấy ưa chuộng. Chúng tôi lại nghĩ rằng việc chọn lựa tên tuổi đó cũng không phải là việc vô tình. Amaral là một trong những người đã nghiên cứu tiếng Việt và có khả năng hơn cả trong lãnh vực nầy, do đó cũng có thể nói là người đã xây dựng những nền tảng thiết yếu cho mọi nổ lực hội nhập văn hoá. Tuy vậy, tên tuổi của ngài ít nhiều bị che mờ bởi tên tuổi của Alexandre de Rhodes, đối với dân chúng và ngay cả đối với nhiều sử gia; ngài đáng được nêu lên để khỏi bị quên lãng. Nhưng điều chính yếu khi nêu danh Amaral không phải là để vinh danh công lao của ngài nhưng là để nhắc đến việc ngài làm chứng về những kitô hữu Việt Nam: "Họ đã theo đạo những người yêu nhau".


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page