Một vài suy nghĩ
về vấn đề cứu độ

Nguyễn Thái Hợp OP, Roma

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Theo Tông thư "Tiến tới ngàn năm thứ ba", vai trò cứu độ của Ðức Kitô đối với các tôn giáo là một trong những vấn đề thần học sôi bỏng nhất cho các Giáo hội Công giáo tại Á châu, "bởi vì cơ cấu các tôn giáo lớn như Phật giáo và Ấn giáo được trình bày như bao hàm rõ rệt tính cách cứu độ". Do đó nhu cầu cấp bách của tân Phúc âm hoá ở Á châu là "làm sáng tỏ và đào sâu đạo lý về Ðức Kitô, Ðấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người, Ðấng cứu độ duy nhất của trần gian, bằng cách phân biệt rõ rệt Ngài với những vị sáng lập các tôn giáo lớn khác, mặc dù gặp thấy nơi các tôn giáo nầy những yếu tố chân lý mà Giáo hội phải trôn trọng".

Ðây cũng là một trong những chủ đề của Thượng Hội đồng Giám mục Á châu. Nhân đọc bản "Lineamenta" của Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục và "Bản góp ý của Hội đồng Giám mMục Việt Nam", xin mạo muộn ghi lại nơi đây một vài suy nghĩ về vai trò cứu độ của Ðức Kitô đối với các tôn giáo khác.

Suy tư thần học về mối tương quan giữa Kitô giáo với các tôn giáo Á châu có thể nhìn theo ba chiều kích: Giáo hội học, Thượng đế học và Kitô học. Những dòng dưới đây chỉ xin giới hạn vào chiều kích cuối cùng. Ngay chính trong phạm vi Kitô học, người ta cũng gặp thấy những quan điểm khác nhau. Nói chung các thừa sai ngày xưa thường đánh giá một cách quá tiêu cực các tôn giáo Á châu. Ý kiến của linh mục Alexandre Rhodes về Ðức Phật "Trong phép giảng tám ngày" không phải là một trường hợp ngoại lệ. Trong một mức độ nào đó ta có thể coi như là quan niệm thần học chung của các thừa sai thời đó, ngay cả những thừa sai cởi mở như Nobili, Ricci...

Công đồng Vatican II đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong chiều hướng đối thoại với nền văn hoá và các tôn giáo tại Á châu. Từ sau công đồng thần học về các tôn giáo phát triển mạnh và trong tương lai còn có triển vọng đóng góp nhiều hơn ngõ hầu làm sáng tỏ hơn nữa mối tương quan giữa Kitô giáo với các tôn giáo khác.

Nhưng mặt khác từ sau công đồng cũng nẩy sinh thái độ hoà hợp tôn giáo mang nặng màu sắc "ba phải". Một hình ảnh thường được xử dụng: Cũng như nhiều giòng sông cùng đổ vào đại dương, tất cả các tôn giáo đều hướng tới mục đích cứu độ. Cho dù con đường và hành trình có khác biệt, nhưng cùng chung cứu cánh. "Thiên hạ đồng qui nhi thù đồ" là thế. Thành ra, nói cho cùng, "đạo nào cũng như đạo nào, miễn làm sao biết ăn ngay ở lành".

Trên bình diện suy tư thần học một số tác giả đã giải thích lại châm ngôn "Ðức Giêsu Kitô là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người". Theo họ thánh Phaolô là người chịu trách nhiệm về quan niệm thần học lấy Ðức Kitô làm trung tâm điểm nầy. Họ nghĩ rằng nếu thánh Phaolô được may mắn tiếp xúc với truyền thống phong phú tại Á châu chắc chắn đã có cái nhìn khác. Chính vì vậy nếu coi đây là một quan điểm thần học mang nặng yếu tố lịch sử và văn hoá. Với những khám phá hiện đại, nó đã bị thời gian vượt qua. Cũng có người cho rằng ngôn ngữ xử dụng để nói về duy nhất tính của Ðức Kitô là thứ ngôn ngữ thần bí, biểu tượng và ấn dụ, cho nên không thể hiểu theo nghĩa đen. Kết quả tất nhiên là cần giải trừ "vai trò cứu độ phổ quát của Ðức Kitô".

Một cách quân bình hơn, Stanislas Breton đề nghị giải thích lại duy nhất tính của Kitô giáo trong viễn tượng cứu độ. Theo ông duy nhất tính đích thực của Kitô giáo không thể hiểu theo nghĩa một "duy nhất tính độc tôn" (unicité exclusive) hay một "duy nhất tính bao hàm" (unicité inclusive), mà đúng hơn là một "duy nhất tính tương đối " và "độc đáo".

Những người soạn thảo bản "Lineamenta" có lý đề phòng ảnh hưởng tiêu cực của khuynh hướng giải thích nầy . Tuy nhiên, đúng như Bản góp ý của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhận định, khi đọc bản văn người ta cảm thấy mọi sự lo ngại quá đáng. "Phải chăng có nỗi lo sợ rằng các tôn giáo tại Á châu làm giảm thiểu cương vị ưu đẳng của Ðức Kitô Cứu thế? Phải chăng có nỗi lo sợ rằng người ta sẽ xem Giáo hội không cần thiết để được cứu rỗi?"

Theo viễn quan đức tin Kitô giáo, chỉ duy Thiên Chúa cứu độ trần gian. Chẳng một cá nhân hay tôn giáo nào tự mình có sức mạnh cứu độ. Ðức tin truyền thống cũng đòi hỏi chúng ta làm sao bảo vệ đồng thời xác quyết sau đây: "Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" và vai trò của Ðức Kitô là "Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người" (Tm 2, 4-6).

Suốt dọc lịch sử nhân loại, chính Thiên Chúa đã biểu hiện "nhiều lần và dưới nhiều dạng thức" (Dt 1,1) dung nhan của Thiên-Chúa-đồng-hành với con-người. Cuối cùng, trong Chúa Giêsu Kitô, Người đã trở thành Thiên-Chúa-của-con-người-một-cách-trọn-vẹn-người-nhất (Ga 1,14). Giữa muôn vàn "khuôn mặt cứu độ" khác nhau của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại, Ðức Kitô là "khuôn mặt nhân loại độc nhất vô nhị" ngang qua đó Thiên Chúa vừa mặc khải vừa ấn dấu chân dung siêu việt, vô lượng, vô thủy vô chung của Người. Bởi vì chính Ðức Kitô là Con-Chúa-làm-người, là "Emmanuel", nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (Mt.1, 23).

Nhưng xét theo khía cạnh khác, phải nhìn nhận rằng khuôn mặt lịch sử của "Con-Thiên-Chúa-làm-người" nơi Ðức Giêsu Kitô không thể đồng hoá hoàn toàn và diễn tả trọn vẹn khuôn mặt tuyệt đối, siêu việt, bất khả tri, bất khả giác của Thiên Chúa. "Chúa Cha cao trọng hơn Thầy" (Ga.14,28), chính Ðức Kitô đã nhắn nhủ các môn đệ như vậy.

Ðức tin công giáo luôn đồng hoá Ðức Kitô với Thiên Chúa ngôi vị, nhưng đối với tín đồ các tôn giáo khác đây là một chân lý rất khó chấp nhận. Theo lối nói của Schillebeeckx, dù cố gắng giải thích thế nào đi chăng nữa, "vẫn tồn tại sự căng thẳng giữa việc đồng nhất hoá của Thiên Chúa trong Ðức Giêsu với sự đồng nhất hoá nơi chính Thiên Chúa".

Vấn đề thần học sôi bỏng nằm ở đó: làm sao giải thích và nối kết sứ vụ cứu độ phổ quát của Ðức Kitô với tính đặc thù và lịch sử của Ngài? Ðâu là mối tương quan giữa vai trò "trung gian duy nhất của Ðức Kitô" với những "khuôn mặt cứu độ" khác của Thiên Chúa suốt dọc lich sử? Bằng cách nào Thiên Chúa của Ðức Kitô thể hiện và chuyển thông ơn cứu độ cho tín đồ các tôn giáo khác? Có chăng những "con đường cứu độ" khác bên ngoài Kitô giáo?

Hiến chế Mục vụ về "Giáo hội trong thế giới hôm nay" nhắc lại chân lý cổ truyền theo đó các Kitô hữu được ơn cứu độ nhờ thông hiệp vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Ðức Kitô. Tuy nhiên điều đó không phải chỉ có giá trị cho các Kitô hữu, mà còn được áp dụng cho tất cả những người thành tâm thiện chí. Thật vậy, Ðức Kitô đã chết cho mọi người và ơn gọi cuối cùng của con người chỉ là một, ơn gọi thần linh; do đó chúng ta phải xác quyết rằng Thánh Linh ban cho mọi người khả năng tiếp cận với mầu nhiệm phục sinh, theo một cách thế mà chỉ Thiên Chúa biết được" ( số 28).

Mặc dù Công đồng Vatican II không hề xử dụng hạn từ "con đường cứu độ" để gọi các tôn giáo ngoài Kitô giáo, nhưng đã chính thức nhìn nhận trong các tôn giáo ấy có hàm chứa những yếu tố "chân lý và ân sủng (quidquid veritatis et gratiae) do sự hiện diện tiềm ẩn" của Thiên Chúa (Ad Gentes, 9).

Nhiều tài liệu hậu công đồng tiếp tục đào sâu thêm chiều kích thần học nầy. Theo Ủy ban Toà Thánh về Ðối thoại với các tôn giáo, mầu nhiệm cứu độ đến với tín đồ các tôn giáo, ngang qua những nẻo đường do Thiên Chúa hoạch định, nhờ hoạt động vô hình của Thần linh của Ðức Kitô. Khi hành thiện theo tôn chỉ riêng của mỗi tôn giáo và sống trung thành với tiếng gọi của lương tâm, tín đồ các tôn giáo đã trả lời một cách tích cực lời mời gọi của Thiên Chúa và được lãnh nhận ơn cứu độ qua Ðức Giêsu Kitô, ngay cả khi chưa nhận biết Ngài là Ðấng cứu thế của họ.

Nhiều tài liệu khác thuộc các Hội Ðồng các Giám mục, chẳng hạn Tiểu ban đối thoại về tôn giáo của Hội đồng Giám mục Ấn Ðộ và các văn kiện của Liên Hội đồng Giám mục Á châu, đã đào sâu khai triển hướng đi nầy. Hầu như đã đi đến một kết luận chung: Thiên Chúa không những hiện hữu và biểu lộ sức mạnh cứu độ của Người nơi mỗi cá nhân mà còn qua các văn hoá và các tôn giáo truyền thống.

Chính Ðức Gioan Phaolô II cũng nhìn nhận rằng "Thánh linh biểu hiện một cách đặc biệt trong Giáo hội và trong các phần tử của Giáo hội, nhưng sự hiện diện và hoạt động của Ngài còn có tính phổ quát, không thể bị giới hạn bởi không gian hoặc thời gian (...) Thánh linh ban tặng cho mọi người, theo một cách thế mà chỉ duy Thiên Chúa biết được, khả năng được tham dự vào mầu nhiệm Phục sinh (...). Sự hiện diện và tác động của Thánh linh không chỉ liên hệ đến mỗi cá nhân, mà còn liên hệ đến xã hội và lịch sử, các dân tộc, các nền văn hoá, các tôn giáo (...). Chính Thánh linh đã gieo "mầm Ngôi Lời", tiềm ẩn nơi các nghi lễ và văn hoá, và làm cho nó triển nở nơi Ðức Kitô" (Redemptoris Missio, 28).

Chúng ta gặp thấy nơi đây quan điểm thần học cổ điển, bắt nguồn từ thánh Giustino, về sự hiện diện của "mầm Ngôi Lời" trong các văn hoá và tôn giáo, trước khi Ngôi Lời mặc lấy xác phàm trong Ðức Kitô. Mặc dù có những dè dặt thường lệ, Ủy ban thần học quốc tế cũng dựa trên tư tưởng thần học nầy để kết luận về "chức năng cứu độ" của các tôn giáo ngoài Kitô giáo:

"Một khi nhìn nhận sự hiện hữu hiển nhiên của Thần linh của Ðức Kitô nơi các tôn giáo thì không có thể loại trừ khả năng của các tôn giáo nầy trong vai trò cứu độ, nghĩa giúp con người tiến tới cùng đích, bất chấp tính cách hàm hồ của nó (...). Thật rất khó quan niệm việc chấp nhận giá trị cứu độ qua hoạt động của Thánh linh nơi tâm hồn con người hiểu như là cá nhân, mà lại không chấp nhận giá trị đó khi cũng chính Thánh linh hoạt động nơi các tôn giáo và văn hoá (...). Mặt khác, cần ghi nhận thêm rằng nhiều bản văn mà chúng tôi trưng dẫn không những chỉ nói về các tôn giáo, mà còn đề cập một cách tổng quát đến văn hoá, lịch sử các dân tộc, v.v...: ngay cả nơi đây cũng có thể gặp gỡ những yếu tố của ân sủng (số 84). Trong viễn tượng đó, "các tôn giáo có thể trở thành một phương tiện cứu độ cho các tín đồ của mình, mặc dù điều đó không thể tương đồng với sứ vụ mà Giáo hội thực hiện việc cứu rỗi cho các Kitô hữu và cho cả những người không phải là Kitô hữu" (số 86).

Nói theo ngôn ngữ của thánh Irênêô, chúng ta có thể ví Ngôi Lời và Thánh linh như "hai bàn tay" ngang qua đó Thiên Chúa chuyển giao giá trị cứu độ cho các tôn giáo. Như thế nào và làm sao nối kết rõ rệt với vai trò "Trung gian duy nhất của Ðức Kitô?" Làm sao vừa duy trì niềm tin Kitô giáo vừa trả lời cho những thách đố của thời đại. Ðó là một trong những vấn đề sôi bỏng mà khoa thần học về các tôn giáo đang tiếp tục nghiên cứu.

Thay vì khai triển và mở rộng hơn những cánh cửa đã hé mở, người đọc có cảm tưởng là bản "Lineamenta" đã đi giật lùi. Hy vọng những đóng góp trực tiếp của các Giám mục tại Á châu, "nơi đang diễn ra một cách mãnh liệt về vấn đề đối thoại giữa Kitô giáo với văn hoá và tôn giáo kỳ cựu", sẽ làm sáng tỏ và đào sâu thêm mối tương quan giữa vai trò cứu độ của Ðức Kitô với các tôn giáo khác.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page